Thứ Năm, 21 tháng 11, 2019

TRUYỆN TRUYỀN KỲ TRUNG QUỐC - Con Sói Trong Non



Con Sói Trong Non
Thời chiến quốc, quan đại thần nước Triệu là Triệu Giản Tử, một hôm vào núi săn bắn, dẫn theo một bầy chó săn và một đoàn thợ săn tinh luyện. Ai cũng đem theo đầy đủ cung tên, đao thương, có người đem theo chim ưng đã được huấn luyện thành thục. Suốt đường ruỗi ngựa, hò hét vang trời. Trên đường đi, Triệu đại lão gia bắt gặp một con sói đứng ở một con đường không xa lắm. Thật kỳ quái, con sói đó đứng bằng hai chân sau dướn thẳng người lên, tru một hơi dài như thể cố làm cho người ta chú ý. Đứng kiểu đó quả là một mục tiêu tuyệt diệu. Triệu đại lão gia liền phóng một mũi tên trúng ngay thân sói, Con sói liền quay mình bỏ chạy. Bầy thợ săn vỗ ngựa đuổi theo. Tiếng người hò hét, tiếng chó sủa vang làm ca một vùng rừng chấn động. Bụi tung mù mịt, sói thừa lúc hỗn loạn cong đuôi trốn chạy.
Cùng lúc, có vị Đông Quách tiên sinh cưởi một con lừa còm đi vào núi. Trên lưng lừa chở theo một đãy bằng vải. Trong đãy để mấy quyến sách, vài bộ quần áo. Đông Quách tiên sinh là một học giả thuộc phái Mặc Tử. Lúc ấy phái Mặc Tử đang lẫy lừng thịnh vượng lấy việc khắc kỷ cứu người làm điểm đặc sắc. Học giả phái Mặc Tử rong ruổi khắp thiên hạ, tuyên truyền cái ý nghĩa sâu xa của thuyết kiêm ái, đem tấm lòng nồng nàn thắm thiết để mong thuyết phục tất thảy từ các bậc vương công quý nhân đến những kẻ lái buôn, lính tráng. Bọn họ vui lòng sống cuộc đời nghèo khổ, thường mạo hiểm, thí mạng mình để giúp người, lấy đó làm vui.
Đông Quách tiên sinh nghe tiếng ồn ào, ầm ĩ, rồi tiếp đó thấy một con sói bị thương chạy về hướng mình, phía sau có người đuổi theo dấu vết. Sói vừa thấy nhà Mặc học, bèn rên rỉ bi ai cầu cứu. Đông Quách tiên sinh thấy một mũi tên còn ghim trên mình sói, không khỏi xót xa, động lòng trắc ẩn. Tiên sinh bảo:
- Đừng sợ để tao nhổ tên cho!
Sói nói:
- Ôi cha. Ngài là một vị Mặc học gia, ngài thiệt là người tốt bụng. Bọn thợ săn đang đui theo phía sau. Tôi trốn vào trong cái đãy vải của Ngài được không? Đợi họ qua rồi Ngài hãy thả tôi ra. Nếu Ngài cứu mạng, tôi xin suốt đời cảm tạ.
- Sói đáng thương, khốn khổ cho mày sao đến nỗi rước phải tai họa như vậy? Mày ngu ngốc lắm, chỉ vì thiếu trí tuệ mà ra nông nỗi. Thôi, đừng nói nữa, chui vào đãy đi. Cũng chẳng cần cảm tạ. Tao nguyện hết sức giúp mày.
Nhà Mặc học bèn trút hết đồ vật ra khỏi đãy, vận sức đẩy sói vào miệng đãy. Nhưng sói nọ thuộc loại lớn xác, miệng đãy lại quá nhỏ. Nếu đầu chui vào trước thì cái đuôi bờm xờm và cặp chân lại lòi ra ngoài. Nếu đuôi chui vào trước thì đầu, cổ và cặp cẳng trước lại lòi ra ngoài. Nhà Mặc học cố sức một lần, hai lần rồi ba lần nhét con sói vào trong đãy. Loay hoay mãi mà vẫn không cách nào nhét sói vào được. Sói kêu lên:
- Mau lên với, bọn họ đuổi tới nơi rồi. Nào trói bó tôi lại đi!
Sói co mình trên mặt đất, dể cho họ Mặc học trói bó chân cẳng, mình mẩy như bó giò. Sau đó vừa nhét, vừa nhồi, Đông Quách tiên sinh mới bỏ được con sói vào trong túi đãy, rồi đặt túi đãy lên lưng lừa. Ông thấy máu của sói từ miệng đãy nhỏ ra từng giọt từng giọt lại càng thấy thương xót nhũn lòng. Thêm nữa, suốt dọc đường sói chạy, đều để lại vết máu phía sau, ngay cả tay của Đông Quách tiên sinh cũng đầy máu. Nhà Mặc học vội vàng xóa lấp hết vết máu, quay lừa đi về hướng khác, che miệng đãy thật kỹ không để ai ngờ. Chừng đoàn săn đến nơi, Triệu đại lão gia hỏi Đông Quách tiên sinh có trông thấy con sói đâu không. Đông Quách tiên sinh đứng bên đường trả lời tự nhiên:
- Không thấy. Sói tính xảo trá, khéo lọc lừa, chắc không chạy trốn ở đường lớn đâu, e chỉ ẩn núp quanh bờ bụi đâu đó thôi.
Triệu dại lão gia chăm chú nhìn, tay cầm thanh bảo kiếm gạt mạnh một nhát, ông bảo:
- Ai giấu con sói là người ấy tự rước tai họa!
Đông Quách tiên sinh vẫn tỏ ra thung dung không vội vã, leo lên lưng lừa vẫy tay cáo từ Triệu đại lão gia, lại nói:
- Hễ gặp nó ở đâu, tôi sẽ mách ngài. Chào ngài!
Sói nghe tiếng vó ngựa của đoàn thợ săn biến về nơi xa rồi mới thò mõm ra miệng đãy hét:
- Mau thả tôi ra. Chết ngạt mất!
Nhà Mặc học vội xuống lừa, thả sói ra. Rồi ông cởi trói cho sói, vuốt nhè nhẹ vết thương nói:
- Còn đau lắm không? Vừa rồi tao cũng hú hồn, sợ thay cho mày.
- Chẳng sao, chỉ là vết trầy trụa xoàng thôi. Tiên sinh đã cứu mạng tôi, liệu có sẵn lòng giúp tôi một chút nữa được không?
- Chỉ cần có thể làm được, tao sẵn lòng giúp tất. Chúng ta là những nhà Mặc học, ngươi biết đấy, chỉ một lòng nhiệt tình cứu giúp cả thế giới này. Mày muốn tao giúp việc gì nữa đấy? Tao lắng nghe đây, sẵn sàng.
Sói liếc nhà Mặc học nói:
- Hay lắm tôi đang đói ngấu đây.
- Hả?
- Tuy ông cứu mạng tôi, nhưng ba ngày nay, tôi không có gì bỏ bụng. Nếu chiều tối nay tôi chết đói, chả hóa ra ông cứu tôi cũng uổng công à? Tại sao không để tôi ăn thịt ông nhỉ? Chỉ cần ông hy sinh một tí thôi, tôi chẳng đòi hỏi gì gắt gao lắm phải không?
Sói há miệng ra, lộ nanh lớn, nhảy chồm vào Đông Quách tiên sinh. Tiên sinh hãi quá vội nhảy sang núp bên sườn lừa, sợ đến nỗi răng va cầm cập, ông khuyến cáo sói:
- Không được, mày không được ăn thịt tao!
- Tại sao không?
- Mày không được ăn thịt tao. Tao cứu mày sống mà!
Người và sói cứ đuổi nhau vòng quanh còn lừa, khiến con lừa rất bực, chẳng hiểu người với sói làm cái quái gở gì thế.
Nhà Mặc học đứng bên này, gần phía cổ lừa, chõ sang sói bảo:
- Hãy bình tĩnh mà suy nghĩ lại đi. Chúng ta cùng bàn đạo lý nào. Giảo trá và dùng bạo lực đều vò ích. Dù mày xé tao tan xương nát thịt, tao cùng không chịu mày có đạo lý. Vả lại lương tâm mày cũng không yên. Có phải không? Mày vẫn nhận ăn thịt tao là đúng à?
Sói rống lớn:
- Đương nhiên, nhưng mà ta đang đói bào gan ruột đây. Hơi đâu mà nói đạo lý với ông.
- Vấn đề tranh luận này cứ phải chiếu lý mà bàn mới đúng. Theo tao, chúng ta hãy mời người khác công bằng phán quyết giúp. Theo lệ thường, hãy mời ba vị trưởng giả quyết định, rồi sau đó mày hãy ăn thịt tao. Mày nghĩ coi, tao vừa cứu mạng mày đây thôi.
Sói trả lời:
- Được, được, Nhưng đừng vòng vo rườm rà nhé, cứ nói toạc ra cho xong. Tôi tin rằng trời tạo ra người là đ cho sói ăn thịt. Chúng tôi so với loài người các ông thì ưu tú hơn nhiều. Các ông không thể tự vệ. Riêng ông thì lại càng trụy lạc. khiếp nhược quá, nên bây giờ mới rơi vào cảnh ngộ đáng thương này.
- Đông Quách tiên sinh và sói dồn nhau đi, nhưng chẳng gặp người nào cả, vì trời đã tối. Sói bảo:
- Tôi đói lắm rồi, không thể chờ thêm một chút nào được nữa.
Nói đoạn, chỉ một cây xuân già cỗi bên đường nói:
- Chúng ta hãy lại hỏi nó xem,
- Nó là một cái cây nó biết gì mà hỏi.
- Ông cứ hỏi nó đi. Nó khắc trả lời cho ông rõ.
Nhà Mặc học vái dài cái cây một vái, thuật lại cho cây xuân già nghe vừa rồi mình đã liều mạng cứu sói như thế nào.
- Hãy nói cho tôi biết đi, theo cây thì nó ăn thịt tôi có phải báo ơn không? Có hợp công đạo không?
Cây lão thụ phát ra tiếng vo vo, trả lời:
- Tiên sinh, ông nói tôi đã rõ cả; ông bảo là báo ơn ư? Để tôi kể việc tao ngộ của tôi cho ông nghe. Tôi là một cây hạnh. Lúc người làm vườn trồng tôi, lúc ấy tôi chỉ là một cái hột. Một năm sau tôi ra hoa. Ba năm nữa tôi cho trái. Năm năm sau thân tôi to bằng cánh tay người ta. Mười năm sau thân tôi tựa như cái bụng đứa trẻ. Đến nay tôi đã hai mươi hai tuổi. Tôi đã sống một đời không ngừng hiến dâng trái của tôi để nuôi người làm vườn và cả gia đình y, để họ ăn và bạn bè họ ăn. Họ còn đem ra chợ bán lấy tiền, về sau tôi già rồi không còn ra trái nữa. Y liền vặt trụi lá của tôi, chặt đứt lìa cành nhánh của tôi, cưa tay và đùi tôi để làm củi đun. Thế vẫn chưa vừa lòng. Tôi nghe thấy y còn muốn đem bán cái tấm thân già còm này cho người ta làm cột, muốn lảy rìu đốn chặt, dùng đục đục. Ông xem đây, người là thế đây, làm sao sói không ăn ông được?
Sói nghe nói mừng quá, nhảy đến định vồ Đông Quách tiên sinh:
- Thật rõ ràng thế, không sai một ly một lai!
- Chớ vội, còn phải hỏi thêm hai vị trưởng gìả nữa.
Sói trả lời:
- Được, thì theo lời ông vậy. Có điều báo cho ông biết tôi ngửi mùi ông thấy ngon hơn vừa rồi đây.
- Đi chưa xa, cả hai thấy một con trâu, đứng bên hàng giậu tre gai. Xem dáng nó tựa như nó sống một cuộc sống quá sức ưu phiền vậy. Sói lại bảo:
- Hỏi gã này đi. Tôi tin rằng nó đã từng trải xiết bao cuộc tang thương hẳn rất thông đạt ý nghĩa của cuộc đời nó.
Nhả Mặc học lại kể cho trâu nghe chuyện vừa rồi giữa ông và sói, xin trâu công bằng phân xử giúp. Trâu nhìn Đông Quách tiên sinh bằng cái nhìn trầm uất. Đông Quách tiên sinh cảm thấy dường như thoáng vẻ cười nhạt, trâu bảo:
- Lời cây hạnh già nói không sai. Ông xem tôi đây, vừa già vừa gầy, lại sắp chết đói đến nơi. Lúc tôi trẻ trung, chắc ông đã từng gặp, Một người làm ruộng mua tôi ở chợ, bảo tôi làm việc cày bừa cho y sinh sống. Những trâu khác lớn tuổi hơn tôi nhưng tất cả mọi việc đều dốc cả một thân tôi làm hết, Người làm ruộng nói y thương tôi, yêu tôi. Khi ra ngoài, y mắc tôi vào cái xe kéo. Khi muốn khai khẩn đất hoang, y bắt tôi cày, y bắt tôi bừa, chừng khi đất thật tốt mới gieo trồng. Lúc cày ruộng, tôi phải dầm mình dưới bùn phì phà phì phò, hổn hển lê bước bùn văng tứ phía. Đến vụ mùa, tôi lại phải kéo cối xay. Tôi chẳng hề tiếc sức, cũng không hề nhác nhớn chút nào. Tôi phải làm việc bằng hai ba con trâu khác. Tôi khổ nhọc như vậy để cho chủ sống phủ phê. Quần áo của y, thức ăn của y, tiền tiêu xài mua sắm của y, toàn một thân tôi mà có. Hiện nay nhà y đã làm thêm những kho, những đụn, con cái cũng dựng vợ gả chồng, bây giờ thì con đàn cháu đống, nghiễm nhiên trở thành một bậc thân sĩ. Thuở tôi mới về nhà y chắc ông đã gặp y rồi. Lúc ăn cơm, y dùng muỗng ngói, bát sành. Nay thì nhà ngổn ngang vò rượu. Ông làm việc tốt cho sói chứ chủ nhân của tôi với cây xuân không hề. Nay vợ y chê tôi già - mà tôi già thật. Còn nói gì nữa. Y bắt tôi lang thang ngủ bờ ngủ bụi, chịu mưa rét mướt, ông xem tôi đứng đây những mong sưởi nắng cho ấm một tí, chứ đêm về, tôi lại rét run lên. Kể ra tôi cũng chẳng đế bụng, trước sau ai chả phải già. Nhưng tôi vừa nghe vợ y bảo muốn đem tôi đến lò thịt. Vợ y nói: "Thịt con trâu này có thể ướp được, da nó có thể thuộc, sừng với móng có thể chế tạo đồ dùng". Ông thấy chưa, người là cái giống như thế đấy, nói chi đến chuyện cảm ơn báo đáp. Tôi nghĩ sói ăn thịt ông cùng chả có gì không đúng.
- Sói lại chờn vờn muốn nhảy vồ, muốn dùng hàm răng nhai nghiến lấy cổ Đông Quách tiên sinh. Đông Quách tiên sinh vội bảo:
- Khoan đã, mày đã nhẫn nại được nửa buổi rồi. Hãy đi tìm vị trưởng giả thứ ba nữa để xem ông ta nói sao. Hai chúng ta đã ước định như thế rồi mà.
Không bao lâu thấy một ông già, tay chống gậy chầm chậm đi lại, ông cụ có chòm râu vừa trắng vừa dài, dáng dấp như một thánh nhân. Đông Quách tiên sinh thấy có người thì mừng rỡ hết sức, chạy vội lại cầu xin lão tiên sinh giải quyết, giúp việc tranh cãi rắc rối giữa mình và sói. Ông cẩu xin cụ già:
- Thưa lão bá, chỉ một lời cụ có thể cứu được mạng tôi đó.
Cụ già lắng nghe xong câu chuyện, cụ quay lại sói giận dữ quát:
- Đồ vong ân phụ nghĩa, kẻ vong ân phụ nghĩa về già sẽ gặp phải con cái ngỗ ngược. Đó là quả báo đấy, mày có biết không. Mai mốt mày cũng sẽ có một đứa con ngỗ nghịch bất hiếu. Cút ngay không tao lấy mạng bây giờ!
Sói cãi:
- Lão tiên sinh hãy chưa nghe tôi nói kia mà, ông cũng phải nghe tôi nói đã chứ. Cái ông Mặc học này trói tôi, dùng sức nhét tôi vào miệng đãy chật chội đến nỗi tôi gần chết ngộp. Lúc ấy tôi tưởng không sống nổi ấy chứ. Ông đâu biết ở trong đãy khó chịu biết nhường nào.
Ông cụ già nói:
- Á, nếu quả thế thì... nhà Mặc học cũng không đúng.
Thế là người và sói lại tranh cãi.
- Ta chẳng biết nghe ai bây giờ, cũng chắng biết lời ai đáng tin, lời ai không đáng tin. Ổng bảo ông cứu mạng sói, sói bảo ông làm đau nó. Chỉ còn biện pháp duy nhất chứng minh ai phải ai trái là hãy biểu diễn lại lần nữa cho thật vào, ta muốn thử chính mắt xem ông ấy làm mày chịu đau đớn khó chịu như thế nào mới được.
Sói bảo:
- Được lắm, ông xem đây.
Nói xong sói bảo Đông Quách tiên sinh trói mình lại nhét vào miệng đãy. Cụ già hạ giọng hỏi Đông Quách tiên sinh:
- Ông có con dao sắc đó không?
Đông Quách tiên sinh ngơ ngác, chỉ nói:
- Vâng, có đây.
- Thế nào, sao còn không xuống tay đi?
- Lão bá bảo tôi giết con sói này ư?
- Tùy ông. Ông không giết nó thì đành để nó xé xác ông. Thật là gã hủ nho không thực tế chút nào cả!
Cụ già nói xong, cười rộ rồi giúp nhà Mặc học đâm một dao vào chiếc đãy, giải quyết dứt khoát cuộc tranh luận.

Tạ Lương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét