Thứ Tư, 2 tháng 10, 2019

NHỮNG ĐÁM KHÓI - Tùy bút Võ Phiến

Võ Phiến và Đặng Tiến sông Loiret 1986

NHỮNG ĐÁM KHÓI
ỗi lần đi đâu về, tôi thường mất đi mấy hôm. Trong người ngầy ngật, lờ đờ, không thích hoạt động, không thấy hào hứng bắt tay làm một việc gì.
Về Sài Gòn là trở về với công việc. Nhưng không khí hoạt động của Sài Gòn không dễ xóa nhanh được ấn tượng còn vương vấn trên các giác quan. Ấn tượng của nơi vừa sống qua mấy hôm. Hoặc tiếng kêu lốc cốc leng keng đuổi theo những đàn bò mỗi chiều kéo về dọc bờ sông Ba, bò đeo mõ đeo lon dưới cổ, con lớn con bé lũ lượt trên một bãi sông nhiều rau răm đồng, tiến về một xóm đầu sông khuất trong sương khói lù mù bên cạnh thị xã Cheo Reo. Hoặc cái bóng mát của một đám mây, vào buổi trưa thanh vắng, thong thả lướt từ ngọn đồi nọ sang ngọn đồi kia trên thành phố Gia Nghĩa tịch liêu. Hoặc tiếng gió Lào ở Quảng Trị, tiếng gió “nam cồ” ở Phú Yên, làm nôn nao cả ruột gan, làm náo động những đêm hè. Hoặc cái màu hoa muồng vàng trên các tỉnh cao nguyên. Hoặc những giờ lướt bằng “tắc ráng” trên các con rạch, con xẽo ở Hậu Giang...
Những cái đó không dễ xóa nhanh. Sau khi tiếp xúc với chúng, ta trở về Sài Gòn, các giác quan ta vẫn còn lưu luyến với chúng. Các giác quan như vẫn còn no nê. Cần có một thời gian nghỉ ngơi để tiêu hóa những cái đó.
o O o
Và một trong những hình ảnh tan biến chậm chạp nhất trong cảm quan tôi là hình ảnh các đám khói ở chân trời miền đồng quê Kiến Tường.
Mùa nắng, đường tốt, xe đò chạy từ Cai Lậy đến Mộc Hóa, cách nhau bốn mươi sáu cây số, mất chừng hai tiếng đồng hồ: Mỗi giờ hăm ba cây số. (Và mùa mưa thì gian nan hơn, chậm hơn nhiều.)
Xe lắc lư bò dọc theo con kinh Mười Hai. Bò thong thả, thế mà bụi mù cũng đủ làm khổ sở những ngôi nhà bên đường. Nhà sơ sài, vách lá, nền nhà và sân đất khô nứt nẻ đường ngang đường dọc thật lớn và thật sâu, bờ hè lở như cóc gặm. Vườn cũng sơ sài như nhà: không có cây ăn trái, cũng không có được bao nhiêu thứ cây, quanh đi quẩn lại hình như sân vườn nào cũng chỉ được mấy cây tràm.
Nhà như thế, vườn như thế, cảnh ngoài đồng càng sơ sài hơn: trống không đến tận chân trời.
Không có làng mạc nào cả; bấy giờ là cuối tháng giêng đầu tháng hai, không có hoa màu nào cả. Chỉ có cỏ ngập mênh mông; và thỉnh thoảng, xa xa, một vài chòm cây — hoặc tre hoặc me tây — những thứ cây chịu đựng được cả nắng hạn cả mưa lụt.
Trên cánh đồng trống trải và rộng như thế, lâu lắm mới thấy một dáng người loay loay. Và người đâu, thường có cờ đấy. Vâng: cờ, tức quốc kỳ.
Ở đây, người thưa thớt quá. Trên đồng vắng, một đôi người lơ thơ dễ bị máy bay nhận lầm là quân du kích. Để khỏi bị bắn bậy toi mạng, người dân ra đồng làm lụng thường cắm cây cờ bên cạnh. Một chiếc roi xỏ vào một lá cờ, ghim sâu xuống đất, thế là an tâm. Một người câu cá: một lá cờ. Đôi ba mẹ con lúi húi xới đất: một lá cờ. Một trẻ mục đồng: một lá cờ...
Dân thị thành tha hồ nghĩ đến những lá cờ cắm trước đầu xe các ông thủ tướng, tổng thống, các nhân vật chính quyền tiền hô hậu ủng v.v... và tha hồ nghĩ ngợi về tầm quan trọng của mỗi người dân ở đây. Phải, ở đây mỗi người đều quan trọng: không phải từng gia đình cần xác nhận lập trường bằng một lá cờ sơn vẽ trước nhà, trên vách, mà gần như mỗi cá nhân cũng xác nhận công khai giữa trời cho ai nấy biết rõ màu sắc chính trị của mình. Để cho giản tiện, trên vùng lãnh thổ “an ninh đến chín mươi phần trăm” này, nhà nước nên khuyên dân chúng khi ra khỏi nhà, mỗi người dắt sau lưng áo hai lá cờ, như Tạ Ôn Đình trên sân khấu...
Trên cánh đồng như thế, một buổi xế trưa đầu mùa xuân năm nay, tôi có dịp đi về một làng biên giới. Đồng không mông quạnh. Ở chân trời, vài đám khói ùn lên, chậm chạp, tỏa cao và rộng. Khói đốt cỏ: Nông dân phát cỏ, dồn lại đốt, để chuẩn bị làm mùa. Chao ơi, những đám khói đốt cỏ ở chân trời trong nắng trưa, sao mà xúc động, cảm hoài. Những đám khói kể lể nỗi niềm bao la cuối một chân trời mênh mông. Đứng him mắt mà trông: khói lặng lờ, không vội vã, khói bát ngát, nhẫn nại, xa vời; hàng giờ hàng giờ, khói tỏa, vừa hiền từ vừa mơ mộng...
Sau một ngày đi, mệt mỏi, tê mê, đến đêm ta vừa đặt lưng xuống nằm ngủ, những đám khói ấy lại ùn lên trong giấc mơ. Và trong giấc mơ, không gian mênh mông càng vắng lặng, khói tỏa càng chậm, càng bát ngát...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét