Thứ Tư, 2 tháng 10, 2019

ĐÔ THỊ HOANG SƠ - Tùy bút Võ Phiến


TX GIa nghĩa- ĐĂK NÔNG

ĐÔ THỊ HOANG SƠ
ia Nghĩa, nơi chung sống đề huề nhiều thế kỷ, giữa đô thị tôi đã bắt gặp những giờ phút xứng đáng cho một cảnh ẩn cư khuất tịch nhất.
Có những buổi sáng thức dậy trong tĩnh mịch hoàn toàn: không có tiếng xe cộ, tiếng động cơ nào, trong sương mù chỉ có tiếng gà e é vọng từ ngọn đồi này sang ngọn đồi kia.
Có những buổi trưa, nằm lười trên chiếc ghế bố đặt dưới một bóng cây ngoài vườn, mắt lim dim, tai mơ màng nghe tiếng trẻ con lội tắm đùa giỡn chí chóe dưới suối Dak Nong gần đó. Thỉnh thoảng một tiếng la lớn làm giật mình. Trước con mắt bỡ ngỡ của người vừa thức giấc: một đám mây trắng sáng rực trên đầu một cây chò cao ngất trước nhà, một cặp bướm vàng đuổi nhau bay nhanh qua khu vườn, rồi dừng lại chờ nhau chờn vờn trên bụi cây mép suối: hai con bướm đẹp “làm thơ” giữa trời. “Hạnh phúc thật đơn sơ”.
Rồi giấc ngủ trở lại. Trong khi thần trí lơ mơ, bên tai văng vẳng tiếng trò chuyện rì rầm của mấy thiếu phụ ngồi trên chiếc cầu doi ra mặt nước hay trên một thân cây gãy nằm là sà sát mặt nước mà giặt giũ rửa ráy, tiếng rì rầm nghe như xa như gần lúc đứt lúc nối... Cũng trong khi thần trí lơ mơ, loáng thoáng qua đầu hình ảnh một dáng cây khô toàn xương trên đỉnh đồi, hình ảnh một lằn khói đốt rẫy uể oải, như đang mải miết trầm ngâm hồi tưởng về trăm nghìn câu chuyện huyền hoặc của cuộc sống núi rừng từ muôn vạn năm xưa... Hồi tưởng vu vơ trên từng sợi khói mỏng rã dần, rã dần, tự xóa trong không. Khói xanh âm thầm tỉ tê với trời xanh về một quá khứ xa vời, như thế lặng lẽ từng buổi trưa dài, như thế ngay trong lòng đô thị diễn ra những hồi tưởng âm thầm của rẫy bái. Rẫy trong thị xã? Vâng, cái lạ đời ấy vốn là đặc điểm của nơi này.
Những buổi trưa như buổi trưa ấy tựa hồ bất tận. Thời khắc biếng nhác, nhẩn nha. Khách tha hồ ngủ rồi thức, thức rồi lại ngủ, tha hồ tận hưởng cái thú nhàn dật. Cho đến khi chán chê, khách vươn vai đứng lên, ngó quanh quất bên nầy bên kia: bên phía sau đồi khói vẫn lờ đờ, bên phía chợ đàn én vẫn còn bay tan tác...
Đàn én ở chợ Gia Nghĩa ấy, vào những tháng xuân tháng hạ, buổi sáng chúng bay thấp tua tủa như ong; trưa xế, chúng lên thật cao, tản mạn, tơi tả, tan tác đầy trời; đến chiều, chúng lại hạ thấp như một niềm vui rộn ràng quấn quít trên nóc chợ...
Và chiều, có những buổi chiều, bên cầu Vườn Ương, tôi tưởng chừng đụng đầu với sự Tịch Liêu hiện hình, một Tịch Liêu sừng sững trước mặt mình, cụ thể, cơ hồ sờ mó được.
Khoảng sáu giờ rưỡi, sương bắt đầu đổ. Bảy giờ, đường sá vắng vẻ. Không một ngọn gió, không một chiếc lá lay động. Có tiếng con chim gì kêu thưa thớt muộn màng. Một con sóc từ trên ngọn cây tuột xuống, tiến ra tận giữa mặt cầu ván, chạy qua chạy lại, tìm kiếm loanh quanh... Trong lúc đó, tiếng ve phát lên rầu rầu...
Tiếng ve vào cái giờ ấy bên dòng suối Dak Ut mới thật là lạ lùng. Nó rỉ rả, thâm trầm. Như vừa kêu vừa suy ngẫm. Nó âm thầm, thu lắng. Bắt đầu phát ra riu rỉu, vươn dần lên; đến một lúc, tự thấy sắp trở nên ồn ào, nó giật mình tự hãm lại, rồi bắt đầu một đợt khác rỉ rả. Như một dòng suy tưởng hết sức khiêm tốn, suy tưởng miên man, tự phán về một thân phận hẩm hiu.
Thật lạ. Tiếng ve là thứ âm thanh khua động mùa hè chói chang. Nó rộn rã, ồn ào. Hăm bảy năm trước có lần lên chơi Bạch Mã, đến giờ tôi chưa quên được buổi trưa hôm ấy đứng bên đường nhìn xuống thung lũng sâu thẳm xanh ngắt, bỗng tai nghe lần đầu phát lên thứ tiếng ve chuông khua vang rôn rổn, kinh động núi rừng. Tôi cũng không quên lũ ve hỗn hào náo nhiệt ở Huế làm cho mùa hè chỗ cố đô thêm phần gay gắt... Không có ở đâu ve kêu như bên cầu Vườn Ương Gia Nghĩa: nó kêu như than thân trách phận, như để tăng thêm cảnh quạnh quẽ khuất lấp, như để than vãn một nỗi niềm cô tịch...
Rồi đêm đến. Thôi, hãy đừng nói đến những đêm thâm u không đèn không trăng, hãy bỏ qua chuyện u tịch... Hãy nói qua loa về cái gió mùa ở đây.
Trên khắp cao nguyên Trung phần dễ không có tỉnh nào gió dữ bằng ở Gia Nghĩa. Dưới trung nguyên càng không thể có. Ở những thành phố khác, gió bất quá rung mái tôn, đập cánh cửa, bẻ gãy cây v.v... Gió ở đây, cách xa hàng cây số đã nghe nó lay động ầm ầm như đoàn công-voa xông tới. Trước khi nó ập tới, nó đã ra uy hung tợn.
Ngựa trong phim cao bồi Viễn Tây bên Mỹ phải chạy lộp cộp trên sườn núi lởm chởm làm lăn lóc từng viên đá trái. Ngựa dữ người hách mà chạy lịch bịch trên cỏ vườn, trên bãi cát, cũng mất cả hiên ngang. Gió cũng vậy. Gió có cái uy phong của nó. Nó cũng đòi một khung cảnh của nó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét