Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2019

Ông và cháu


Ông và cháu
VÕ PHIẾN
Tết đến, dù là Tết khắc khổ, dù là Tết kiệm ước, đây đó vẫn quần áo se sua. Thì ra tạo nên sự sung túc của quốc gia là khó, mà hãm lại sự phô trương một cảnh sung túc giả tạo cũng không dễ.

Tần mần muốn biết xem trước kia đồng bào ta đã ăn mặc ra sao. Trước, không phải là thời Hồng Bàng, là thời Trọng Thủy Mị Nương: xưa như thế thành ra quá xưa, cơ hồ không còn liên quan gì với chúng ta. Chỉ mong ngược lại độ trăm năm, tìm biết về thế hệ người Việt cuối cùng trước khi Pháp đến xâm chiếm xứ này.

Về lớp người ấy, Trần Trọng Kim cho biết: “Cách ăn mặc thì chỉ có đồ vải đồ nâu, người nghèo khổ chỉ có manh áo cánh và thường thì đóng cái khố, có đi đâu mới mặc cái quần vải dài đến đầu gối” ([1]).

Thiết tưởng ngày Tết chiếc quần ấy cũng không thể dài hơn. Người nghèo khổ là đa số. Đa số dân ta trước kia cơ cực đến thế sao?

Nếu phải luôn đến cái thiểu số sung túc nữa thì cũng chẳng có gì rực rỡ: “Người sung túc mới có vài cái áo nâu đen và vài cái quần hoặc nhuộm nâu hoặc để trắng, chứ không được mặc đồ gấm đồ vóc và đi giầy” ([2]).

Như thế, quang cảnh đám đông thuở ấy trong những cuộc hội hè, những cuộc vui ngày xuân, có vẻ ảm đạm, so với các đám đông đầy màu sắc sặc sỡ ngày nay.

Ấy là sử gia hình như chỉ mô ta lối phục sức ở đất Bắc: màu nâu vừa nói đến trên trang sử không lan vào tới Đàng Trong. Nhưng cái nghèo nàn về y phục thì chắc chắn càng vào Nam càng đậm đà. Ở đất Bắc, nguồn gốc của dân tộc, có quá khứ văn hóa dài lâu, hẳn là tổ chức xã hội chu đáo hơn; chuyện tầm tang canh cửi đàn bà nào cũng thạo, việc may vá cũng phải khéo tay hơn ở miền đất mới. Trong Nam, mãi sau này Sơn Nam vẫn còn đưa ra giới thiệu với chúng ta nhiều nhân vật hoặc khỏa thân, hoặc quấn mình bằng tấm bố. Lão Chòi Mui chưa thuộc về lịch sử: Có lẽ tiểu thuyết gia hồi còn nhỏ từng có dịp nắm tay, sờ râu ông ta.

Trong tranh, trong truyện, trong kịch tuồng thời xưa, chúng ta không gặp những nhân vật như thế. Trái lại, chỉ có những áo mão xênh xang, lụng thụng, chỉ có một cảnh phong lưu sang trọng. Dần dà, trong cảnh tượng mơ hồ, chúng ta đồng hóa người xưa với những đào kép phục sức cầu kỳ trên sân khấu hát bộ.

Thử tưởng tượng: những lão Chòi Mui nghếch mặt xem hát bộ làm sao không ao ước được trở về thời xưa, sống đời thịnh trị?

Văn nghệ phong kiến khỏe tuyên truyền quá, gây cho đời sau một ảo tưởng quá đẹp, khiến chúng ta khi nhìn xuống cái khố - vốn thuộc vào cuộc sống thường nhật thuở ấy - bỗng đâm ra ngỡ ngàng.

***

Trước đây trăm năm ông bà chúng ta kham khổ hơn chúng ta ngày nay, sự tiến bộ dĩ nhiên không do cuộc thống trị của Pháp đem lại cho ta. Mà là do văn minh kỹ thuật đem lại, chung cho cả loài người.

Một tác giả đã cho rằng vua Louis XIV ở thế kỷ 17 không sung sướng bằng một người thợ bây giờ bên xứ ông, vì trong điện Versailles thời ấy không có chút tiện nghi nào: phòng rộng, gió lộng càng thêm lạnh buốt. Cho đến đầu thế kỷ XIX, thường dân bên Pháp hạng nghèo suốt đời vẫn chỉ có một đôi giày, gặp dịp quan trọng như hội hè tiệc tùng mới xách theo, tới nơi bỏ giày xuống xỏ chân và. Cha chết để giày lại cho con như một gia bảo([3]).

Ở Pháp, ở Nhật, ở Nga, ở đâu đâu trong khoảng trăm năm qua đều có những đổi thay ngoạn mục, đem lại nhiều tiện nghi cho con người. Thì ở ta cũng thế, không thể khác.

Nhưng văn minh một thế kỷ nay không phải chỉ có những đổi thay ấy. Trong cuộc sống Việt Nam, có thể để ý đến một phương diện ngộ nghĩnh hơn của văn minh.

Sách Đại Nam nhất thống chí của Cao Xuân Dục([4]) có ghi tên mấy liệt nữ ở tỉnh Bình Định. Một liệt nữ tên là Nguyễn Thị Phiêu, năm mười lăm tuổi, bị một tên cường bạo là Trần Văn Kiên toan hãm hiếp, đã cực lực chống cự, và bị bóp cổ chết; do đó năm Minh Mạng nguyên niên được vua nêu thưởng. Một liệt nữ khác tên là Bùi Thị Tâm, bị người ở trong ấp là Võ Đăng Hy bức bách thông gian, đã mắng nhiếc và bị đâm chết; do đó năm Minh Mạng thứ 16 được vua nêu thưởng.

Chuyện như vậy mà không lạ lùng sao?

Gái bị hiếp rồi chống lại, rồi bị giết, vứt thây hoặc trong nghĩa địa, hoặc dưới lòng sông, hoặc trong phòng ngủ khách sạn v.v…, những tin tức ấy bây giờ chúng ta gặp hàng ngày trên báo. Nếu có kẻ nào đề nghị ông đô trưởng thưởng huy chương, bội tinh cho các nạn nhân, hẳn ông đô trưởng cho là kẻ ấy định đùa mình.

Một đàng, việc xảy ra trong gang tấc mà viên chức sở tại không buồn để ý đến; một đàng, cũng việc ấy, xảy ra ngoài ngàn dặm, tận nơi thôn ấp xa xôi hẻo lánh, mà nhà vua cứu xét khen thưởng. Người ta tưởng chừng sống hai nền văn minh khác nhau! Có ai ngờ cả hai trường hợp đều diễn ra trên cùng một quốc gia, chỉ cách xa nhau có đôi ba thế hệ.

***

Vào thời kỳ lớp người mà chúng ta gọi bằng ông cố bà cố, người Việt Nam nhìn sự việc ở đời khác bây giờ nhiều quá.

Bây giờ nhìn nhau chỉ thấy những công dân, thuở ấy xã hội ăn ở với nhau như trong gia tộc.

Nhà cầm quyền nhìn dân như công dân, cho nên chỉ thưởng phạt về thái độ của họ đối với nghĩa vụ quốc gia, chứ không xen vào đời tư của họ. Có những huy chương cho người nghĩa quân anh dũng, có bội tinh cho người công chức cần mẫn, có bằng tưởng lệ, bằng danh dự để khuyến khích lòng tận tâm với công vụ; mà không có những khuyến khích gìn giữ tiết trinh, ăn ở hiếu đễ v.v…

Tiết trinh, hiếu đễ v.v… là đức tốt của con người, không phải của người công dân; là chuyện luân lý, không phải chuyện pháp luật. Về mặt luân lý, kẻ nào tốt kẻ ấy tha hồ yên ổn với lương tâm, tha hồ hưởng sự kính trọng khâm phục của đồng bào, nhưng nhà nước thì không can thiệp đến. Trao một bằng thưởng về phẩm hạnh tốt cho ông nọ bà kia? Bộ nhà nước muốn chơi cha sao chớ? Nhà nước có phải gồm những bậc đạo cao đức trọng đâu, có tư cách gì để quyết định về những vấn đề đạo đức của thiên hạ? Bởi vậy nhà nước không buồn biết đến vấn đề ấy. Trong trường hợp bà Nguyễn Thị Phiêu, bà Nguyễn Thị Tâm v.v…, ông đô trưởng thời nay chỉ cần tóm cổ trừng phạt hai tên đàn ông về hành vi làm thiệt đến tính mạng kẻ khác, làm quấy động cuộc sống an ninh của xã hội. Tức là trị hai công dân bất hảo, chứ không phải trị hai con người sút điểm về đạo đức. Đã không trị người kém đạo đức, tất nhiên không thể khen người cao trọng về đạo đức.

Đứng ở quan điểm ấy, chúng ta thấy vua quan ngày trước xử sự có phần lẩm cẩm. Như tuồng lẫn lộn cả pháp lý với đạo đức, cả việc nước với việc nhà. Xử sự không hẳn ra vua ra quan, mà có lúc lại như cha như mẹ. Trị đứa xấu nết một phát để răn dạy, rồi khen đứa ngoan ngoãn mấy câu để khích lệ. Khen đàn bà nết na, khen con có hiếu với mẹ cha, khen vợ biết chung thủy với chồng v.v… tức những chuyện tư riêng trong gia đình người ta, chuyện tư cách phẩm hạnh cá nhân của người ta.

Nhà nước như thế không những lo cai trị, mà còn lo dạy dỗ. Một thế hệ ý thức quyền bình đẳng giữa mọi người sẽ bất bình về một quan niệm nhà nước “kẻ cả” như vậy. Nhưng các thế hệ đã chấp nhận quan niệm ấy thì có lẽ lại cảm thấy không khí đầm ấm trong một khung cảnh xã hội - gia tộc.

Tết đến, chiều ba mươi ta có tục cúng một bữa để rước ông bà.

Nếu ông bà về thực, trong cuộc đối diện, trước những tiện nghi, những xa hoa trong đời sống vật chất của chúng ta, hẳn là ông bà không khỏi mừng cho con cháu ăn nên làm ra, mỗi ngày một khá. Còn chúng ta thì rầu lòng ái ngại trước những cái quần ngắn quá gối của ông bà.

Ngược lại, biết đâu ông bà lại không âm thầm ái ngại nhìn con cháu sống bơ vơ giữa một xã hội vô tình, trong đó giữa mọi người chỉ có một liên hệ pháp lý?



01-1970.

Nguồn: Đất nước quê hương. Tùy bút của Võ Phiến. Lửa Thiêng xuất bản, Sài Gòn, 1973. Bản điện tử của www.trieuxuan.info





([1]) Việt Nam sử lược - Tân Việt tái bản lần thứ bảy - Sài Gòn, 1964, trang 485.

([2]) Việt Nam sử lược - Tân Việt tái bản lần thứ bảy - Sài Gòn, 1964, trang 485.

([3]) Nguyễn Hiến Lê, Một niềm tin - 1965, trang 17.

([4]) Bả dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo - Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, 1964, trang 102.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét