Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2019

Đạo và đời


Đạo và đời
VÕ PHIẾN
Mấy lúc sau này, nhiều người tự nhận mình theo một thứ đạo, gọi là đạo “thờ cúng ông bà”.
Nghĩ lại mình, tôi bỡ ngỡ. Hóa ra lâu nay vẫn theo đạo mà không hay. Như ông Jourdain làm tản văn bốn mươi năm…
Kịp đến khi biết tới, thì cái đạo đã đến hồi suy vi. Không phải tôi dám bảo liều lĩnh rằng thế hệ này không hiếu thảo bằng các lớp trước. Nhưng việc thờ có thể tiếp tục tồn tại mà việc cúng thật khó duy trì được như xưa. Nhất là ở đô thị.
Và nguyên nhân chỉ vì bây giờ chợ gần nhà.
Cách chúng ta một thế kỷ, một hôm có bạn đến nhà chơi bất thần không báo trước, cụ Yên Đỗ đã kêu trời:
“… Trẻ thì đi vắng, chợ thì xa.
Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà.
Cải chửa ra hoa, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa”…
Nghe bảo thuở nhỏ nhà cụ nghèo. Trong bài thơ này có nói đến ao sâu, vườn rộng…, không phải cảnh túng bấn. Vậy có lẽ bài này được viết khi cụ Yên Đỗ đã từ quan. Một ông tiến sĩ từng làm đến Tổng đốc, mà gặp khách vào lúc bất ngờ còn bối rối đến thế, huống hồ thường dân trong làng.

Cụ Yên Đổ kể lể hơi nhiều thành ra nghe có vẻ như cụ muốn đùa bạn một tí, kỳ thực, chỉ nguyên một chuyện “chợ thì xa” đã rắc rối phiền hà.

Ở thôn quê cảnh xa chợ lại là thông thường. Nhà cách chợ năm bảy cây số, phần lớn là đường bờ ruộng, ngoằn ngoèo, luôn luôn phải đi bộ, không có xe cộ gì.

Chợ đã xa, lại không họp thường xuyên. Phải chờ năm ngày mới đến một phiên chợ. Vì thế mua được món ăn người ta phải liệu tìm cách nấu thế nào để có thể dùng được nhiều ngày. Phải chăng vì vậy mà trong các món ăn của dân tộc, món kho rất nhiều? Trên một thực đơn Tây khó gặp món kho, còn chúng ta, nào là cá kho, thịt kho, tôm kho, tép kho… Món kho Việt Nam thật phong phú. Có nhiều cách thức kho, trong đó lắm cách tinh vi, điêu luyện. Một anh bạn người Huế thỉnh thoảng nhận được hộp cá bống kho tiêu của bà cụ thân sinh gửi vào Sài Gòn: Kỹ thuật kho cá xuống đến con dâu, có lẽ bà cụ đã nhận thấy không còn tin tưởng được nữa!
Món kho truyền thống liệu rồi nó có còn tiếp tục đứng vững trước sự phát triển của văn minh đô thị? Đó cũng là một vấn đề nữa, nhưng lần nầy không thể nhẩn nha: Chúng ta đang bận nói chuyện chợ búa và cúng giỗ.
Chợ xa là một cái bất tiện. Cái bất tiện khác nữa là khách khứa ở thôn quê đến nhà chơi thường lưu lại khá lâu.
Hoặc bà con, hoặc bạn bè, họ đều có quyền chiếm của ta cả buổi, cả ngày, mỗi lần đến thăm viếng. Như thế, một phần là vì thì giờ trong xã hội nông nghiệp không quá thiếu thốn chật hẹp: người ta làm và nghỉ theo mùa màng thời tiết chứ không theo giờ khắc của chiếc đồng hồ lạnh lùng đếm từng phút từng giây trên vách các phòng việc và xí nghiệp ngày nay. Phần khác trong tình trạng giao thông trước kia ở thôn quê làm sao có thể vụt đến vụt đi trong chốc lát? Ngoại trừ những kẻ láng giềng, ở làng trên xóm dưới lúc nào cũng dễ dàng gặp mặt, thì không nói làm gì. Chứ còn bà con thân thuộc ở khác tổng khác quận, từ thời đại Khổng Tử cho đến thời đại cụ Yên Đỗ, đều không hay phóng Honda hay ngồi xe tắc-xi đi thăm nhau. Họ phải cất công lội bộ hàng buổi. Cho nên đến nơi họ cần nghỉ ngơi. Những bậc đã có tuổi tác lại càng phải nhẩn nha lâu hơn.

Vì thế tiếp khách bằng cơm nước là thường, là cần.

Khách du lịch bây giờ thỉnh thoảng kháo nhau về đức tính hiếu khách của một số dân tộc chậm tiến mà họ gặp đó đây trên thế giới: khách đến nhà bao giờ cũng sẵn sàng cơm nước cho ăn, giường màn cho ngủ. Thiết tưởng đó chẳng qua là những tập tục cần thiết của một thời còn lưu lại: vào thời không có quán xá, không có lữ điếm, nếu tập thể không buộc nhau có thái độ đối xử như thế thì kẻ lỡ độ đường sống làm sao được? Cụ Nguyễn Trãi từng giải thích cho người nhà hiểu rằng sự “thết đãi rượu trà” đối với bạn hữu là “của gửi chồng ta đi đường”.
***
Tiếp người phải có cơm nước thịnh soạn, mà món ăn không phải bất cứ lúc nào cũng mua được. Đã vậy, trong chế độ xã hội ngày xưa ai nấy đều nặng tình gia tộc. Chim có tổ người có tông, bà con họ hàng phải năng tới lui thăm viếng.
Nếu mỗi lần thăm viếng nhau mỗi lần gây bối rối cho nhau thì kẹt quá. Cụ Yên Đỗ làm được thơ để tạ từ, chứ người khác đã không có bữa ăn lại không có cả thơ sẽ hổ thẹn biết bao.
Trong hoàn cảnh ấy, cúng giỗ là giải pháp tuyệt diệu. Bà con có dịp tề tựu thăm nhau, gia chủ có điều kiện để chuẩn bị cuộc tiếp đón chu đáo, chi phí đãi đằng cũng được tiên liệu để khỏi có ai bị thiệt thòi. Mảnh ruộng hương hỏa gọi là trích ra lo việc tổ tiên, nhưng tổ tiên chỉ chịu cái tiếng, để cho con cháu hưởng cái miếng. Và miếng ăn nhỏ nhặt ấy, một đấng tiền nhân, vừa thực tế vừa ranh mãnh, đã khéo xếp đặt kín đáo, nhờ đó mà củng cố được tình thân trong họ hàng từ đời nọ qua đời kia.

***

Trong gia đình tôi có những bậc tuổi tác, những bậc đã từng lo việc cúng giỗ quá nửa thế kỷ rồi, nhưng từ ngày rời xóm làng về đô thị cũng đâm ra mất hào hứng trong việc cúng giỗ linh đình. Cúng để mời ai? Ai đến tham dự? Họ hàng sống tản mác khắp nơi, lâu lâu có người ghé thăm: kẻ dạy học thì ghé vào dịp nghỉ hè nghỉ lễ, quân nhân ghé vào dịp nghỉ phép, kẻ buôn bán ghé nhân một chuyến đi mua hàng, công chức ghé nhân một kỳ hội nghị v.v… Gặp nhau, nếu cần ăn uống thì hoặc kéo nhau đi tiệm, hoặc ra chợ mua thức ăn về nhà, lúc nào cũng sẵn.
Cúng giỗ, có một hồi người ta cho là hủ tục tốn kém, đem ra chỉ trích, xúi bỏ đi, mà không ai bỏ. Lại đến một thời nó được nâng lên thành cái đạo tôn quí cần bảo tồn, thì hình như vừa gặp lúc khó bảo tồn.
Một tập tục ra đời trong hoàn cảnh xã hội nông nghiệp, mất hoàn cảnh ấy nó suy tàn. Cúng giỗ không ngã trước sức tấn công của tư tưởng “cấp tiến”; mà khi chợ búa và tiệm ăn nhích đến gần nhà tự nhiên nó lặng lẽ rút lui. Nhảm thật: cúng giố là chuyện đạo lý, văn hóa, tín ngưỡng, tức là cao siêu; còn tiệm ăn với chợ búa chẳng qua là những cái phàm tục.
“Cúng” là hình thức bên ngoài, “thờ” nặng về ý nghĩa bên trong. Bên ngoài đã suy sụp, liệu bên trong có sẽ mãi mãi nguyên vẹn? Chỉ e cảnh đời biến đổi, lẽ đạo cũng không khỏi suy vi. Kể cả đạo thờ cúng ông bà.

12-1969.

Nguồn: Đất nước quê hương. Tùy bút của Võ Phiến. Lửa Thiêng xuất bản, Sài Gòn, 1973. Bản điện tử của www.trieuxuan.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét