Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2019

Mưa và thơ



Mưa và thơ
VÕ PHIẾN
Cuối tháng 10 năm 1970, tôi có đi Quảng Tín một chuyến, và học hỏi được vài ba điều.
Từ Quảng Ngãi ra Tam Kỳ vào một buổi chiều không mấy sáng sủa. Thỉnh thoảng mưa lắc rắc năm ba hột. Thị xã hồi đó chỉ có một phòng ngủ nhỏ, không điện, không nước máy. Nửa đêm thức giấc, nghe mưa tuôn dầm dề. Một mình với một ngọn đèn hột vịt ở quán trọ, càng lâu càng tỉnh, nghĩ đến chuyến bay ngày mai nhất định hủy bỏ, nghĩ đến chuyến bay ngày mốt chắc chắn sẽ đình hoãn, nghe tiếng mưa càng lúc càng phức tạp: có tiếng nước rót xuống vũng nước đầy óc ách; có tiếng xán mạnh xẳng xớm xuống nền xi măng; có tiếng nước xối lên vành mâm vào lòng thau, xối vào những cái phuy chứa; có tiếng rơi lộp bộp, lùng bùng xuống những hộp giấy, thùng thiếc úp sấp v.v… - như thế thật sốt ruột. Vũng nước đầy óc ách nọ ở đâu nhỉ? Chiếc thùng thiếc kia là thùng gì? Nằm chỗ nào mà ồn ào vậy? Những cái đó, trong đêm trường mưa gió cùng lên tiếng nhắc nhở về một khung cảnh xa lạ quanh mình.
Hôm sau, trời lúc mưa lúc tạnh, đi Thăng Bình thăm một xã mới vừa trở về sau nhiều năm sống trong vùng kiểm soát của cộng quân. Chừng năm trăm dân làng ngoi ngóp lóng cóng xây cất vội vàng trên một ngọn đồi những căn lều để tạm trú. Những dân làng ấy hôm trước vừa trải qua trận đụng độ ác liệt giữa hai bên, nhưng không một ai buồn nhắc lại: kẻ bận nhen một bếp lửa, người lui cui cưa chẻ một khúc tre tươi, đóng một cây cọc, kẻ quấn chiếu nằm ngủ mê mệt ở một góc lều, người loay hoay với đám con mọn… Trong đám dân làng có nhiều mất mát, nhiều kỷ niệm ghê gớm về trận đánh ngày hôm qua: chắc chắn rồi họ sẽ nhắc lại, kể lại, nhưng không phải là vào lúc này.

Còn các quân nhân thì, sau trận đánh, lúc này là lúc họ nói. Một vị chỉ huy, sau câu chuyện, còn vui vẻ biếu tôi cuốn nhật ký của một binh sĩ cộng sản để làm kỷ niệm. Đó là một cuốn vở bìa cứng, dày 160 trang, có hai lỗ thủng. Chủ nó tên là Vương Ngọc H., từ ngoài Bắc vào. Anh ta còn kẹp vào tập nhật ký hai lá thư tình chưa kịp gửi đi, và một bài thơ của Tố Hữu, in thạch bản.
Tôi dừng mắt ở hai lỗ thủng. Vị chỉ huy gật đầu kín đáo: Đúng, vì những lỗ thủng ấy mà tập nhật ký đã rời chủ.
Tối đến, trời lại mưa to, mưa không ngừng. Thế này thì hỏng luôn một đêm nữa, không đi đâu được. Lại một mình với một ngọn đèn hột vịt trong phòng, nằm nghe mưa đổ bốn bề.

Chừng bốn giờ sáng, mở mắt, thấy phòng tối om. Bên ngoài tiếng mưa tiếng gió vẫn không ngớt. Mãi một lúc mới nhận định được tình thế: Thì ra nước đã tràn vào phòng từ bao giờ, cái đèn ngập nước đang trôi lênh đênh đâu đó.

Tôi quờ tay tìm kiếm. Ở cái vị trí cũ của chiếc đèn, cạnh chân giường, ở đó bây giờ không còn đèn nữa. Ở đó là một chiếc giầy, lơ lửng như một con thuyền.

Phải một hồi lâu xắn quần lội nước quờ quạng, mới vớt được đủ đôi giầy và chiếc đèn. Mở cửa phòng, ra ngoài, xin lửa đốt đèn; trở vào, lo đánh răng, rửa mặt, cạo râu, làm va-li v.v… Mực nước mấp mé mép giường: rời phòng là vừa. Chưa đầy năm giờ rưỡi sáng. Trời hãy còn tối mịt.
Bên lề đường, trước mặt phòng ngủ, một bộ phản lớn được kê ở chỗ đất cao: tất cả khách trọ trong phòng đã chen chúc nhau trên chiếc thuyền của ông bài Noé ấy từ lúc nào. Tôi ngồi đó, và quả nhiên được cứu vớt. Sáu giờ rưỡi sáng, anh bạn thi sĩ Lê Th. T. đến tìm, định rủ đi ăn sáng. Anh trố mắt trước quang cảnh ngộ nghĩnh. Trong bộ quân phục, với tơi nón, với đôi ủng cao su, anh bạn của tôi vóc người cao lớn trông đẹp đẽ khác thường. Anh đứng giữa đường nở nụ cười, mưa đổ trắng xóa khắp người: tôi nghĩ đến hình ảnh một sĩ quan Cao-gia-sách hiên ngang giữa cảnh mưa tuyết trên một bìa sách nào đó.
Tôi theo chân anh Lê, sang tị nạn tại nhà nhạc gia của anh. Ở đây dĩ nhiên cũng ngập lụt, nhưng nhà có một tầng gác. Tối hôm đó, tôi đã dự ở nhà anh Lê một bữa ăn cảm động, không thể quên.
Ngồi ăn, chúng tôi kẻ ngồi phản người ngồi ghế. Thực khách ngồi ghế phải mang luôn đôi “bốt” theo chân, vì nước ngập gần đến đầu gối. Anh Lê vừa ăn vừa nhắc lại những thú vui mùa lụt ở làng quê mà anh đã trải qua hồi thơ ấu, những thứ chim, những thứ thú bị nước dồn vào nơi tử địa để dân làng kéo nhau đi bắt, để trẻ con suốt ngày tíu tít ngoài trời… Phải, anh Lê nói đúng: Bên cạnh dĩa rau thơm xanh mởn, những con tôm nằm trong các cuốn chả ram, những con tôm “nò” tươi rói, đỏ ửng lên một màu cực vui dưới lớp bánh tráng mỏng ấy, chúng cũng nhắc đến một đặc điểm về thời tiết địa phương, nhắc theo cách riêng của chúng; và tiếng cựa quậy đôi chân dưới phản; và những xao động mạnh mẽ với nhiều đợt sóng xô ào ạt vào nhà mỗi lần có chiếc xe chạy ngang qua ngoài đường, những đợt sóng chồm vã vào các vách tường bên mâm tiệc v.v…, những cái ấy càng làm chứng về các đặc điểm thời tiết địa phương. Phải, mùa mưa ở đây thật ngộ.

Tuy nhiên, đêm ấy đài BBC loan tin trận lụt đã làm chết đuối vào khoảng một trăm nạn nhân! Và bắt đầu từ sáng hôm sau, ngày ngày tôi bó gối trên căn gác nhà anh Lê, ngồi rình từng dáng mây, từng con chim sẻ kiếm ăn lẻ loi, để hy vọng một chuyến bay…
Trong những ngày ấy tôi có dịp học thêm hai câu ca dao:
“Đất Quảng Nam([1]) chưa mưa đã thấm,
Rượu hồng đào chưa nhấm đã say”.
***
Hai câu nghêu ngao của người bình dân thuộc một thể thơ dân tộc: thể thất ngôn Việt.
Cũng mong những ngày nằm mưa tại đây, tôi có dịp nhận thấy câu thơ thất ngôn Việt nhất định cự tuyệt một cuộc chung sống với câu thất ngôn Tàu. Thi sĩ Tố Hữu đã ép uổng một cuộc chung sống như thế, và ông đã thất bại. Bài thơ “Theo chân Bác” của ông kẹp trong tập nhật ký của anh Vương Ngọc H. có những đoạn theo luật thơ Việt:

“Bắc Sơn gọi, Nam Kỳ nổi dậy
Sông một ngày hơn mấy mươi năm
Lửa căm giận sôi dòng máu chảy
Sức mỗi người bỗng hóa thành trăm”.

lại có những đoạn theo luật thơ Tàu:

“Chiều mùa thu ấy đến Diên An
Có một hồng quân tay nóng ran
Đẩy chiếc xe bò lên với bạn
Rồi đi… lần bước xuống phương Nam”.

Đôi bên biệt lập nhau như thế thì êm đẹp. Nhưng nhà thơ bỗng cao hứng chế tạo một điệu thơ Hoa Việt:

“Hồn nước gọi/ tiếng bom/ Sa điện
Trái tim/ Hồng Thái/ nổ vang trời
Máu thơm tưới/ mầm non/ xuân đến
Vui lại rồi/ Tổ quốc/ ta ơi”.

“Trái tim Hồng Thái” bị lạc loài giữa ba câu thơ khác nhịp. Nó nằm trong câu thơ Tàu (ngắt nhịp 2, 2, 3, kết thúc bằng một nhịp lẻ); trong khi ấy các câu thơ Việt ngắt nhịp 3, 2, 2, kết thúc bằng nhịp chẵn([2]).

Giả sử có thể đảo thành “Nổ vang trời Hồng Thái trái tim”, câu thơ sẽ không làm hỏng nhịp điệu chung của toàn đoạn.

Thi sĩ không quan tâm đến điều ấy. Trong bài thơ dài này ông xáo trộn liên tiếp hai điệu thơ xa lạ trong nhiều đoạn. Như thể một người hớn hở tung ra một phát kiến, một người thừa thắng xông lên.
***
“Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm,
Rượu hồng đào chưa nhấm đã say”.

… “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em có chồng anh tiếc lắm thay”…

Cặp thứ nhất phải ra đời sau ngày thành lập xứ Quảng, là một câu ca dao còn non tuổi. Hai câu sau và vô số những câu ca dao tương tự, ai biết chúng xuất hiện vào thời nào? Thể thất ngôn Việt đã sống với chúng ta nghìn năm chăng? Hai nghìn năm chăng? Chỉ biết ở trình độ văn hóa của người Mường, họ đã có những câu hát cùng điệu ấy([3]).
Mặt khác, câu thất ngôn Tàu chắc chắn cũng không kém tuổi thọ.
Trải qua hàng nghìn năm, hai điệu thơ tồn tại bên cạnh nhau mà tuyệt nhiên không chịu hòa hợp cùng nhau. Không ai dám tin rằng chỉ vì suốt một thời gian dài ấy chúng ta thiếu một thi sĩ nhanh nhảu. Hẳn phải có lý do nào sâu xa mà trong cơn hăng say hớn hở nhà thơ miền Bắc không kịp để ý đến.

Phối hợp thể nọ với thể kia là một sở thích của các thi sĩ Việt Nam, bác học cũng như bình dân; chúng ta có thể song thất lục bát, và rất nhiều câu ca dao hỗn hợp thất ngôn với lục bát. Tuy nhiên, trong trường hợp nào cũng chỉ có các thể thơ thuần Việt hòa hợp với nhau mà không hề có chuyện Hoa Việt hợp thể.
Trong bài hát ả đào, hai câu “thơ” được thỉnh vào không phải để hòa mình, mà là để tách riêng ra đứng sừng sững một mình như vì khách lạ: lạ về thi luật, lạ về nhạc điệu, lạ về ngôn ngữ (trong bài hát Việt, hai câu ấy viết bằng Hán Văn).
Hóa ra thơ không dễ dàng chịu hợp thể như người hợp chủng. Câu thơ, coi vậy mà nó không ngoan ngoãn đâu.

11-1972

Nguồn: Đất nước quê hương. Tùy bút của Võ Phiến. Lửa Thiêng xuất bản, Sài Gòn, 1973. Bản điện tử của www.trieuxuan.info



([1]) Các quận Tam Kỳ, Thăng Bình (nói trong bài này) trước thuộc tỉnh Quảng Nam, mới được tách ra từ khi đặt thêm tỉnh Quảng Tín.

([2]Xin xem bài “Nghĩ về vài thể thơ Việt Nam” trong Bách Khoa số 14, ngày 1-8-1957, và bài “Câu thơ tám chữ” trong Bách Khoa số 15, ngày 15-8-1957, cùng tác giả.

([3]) Xin xem bài “Nghĩ về vài thể thơ Việt Nam” trong Bách Khoa số 14, ngày 1-8-1957, và bài “Câu thơ tám chữ” trong Bách Khoa số 15, ngày 15-8-1957, cùng tác giả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét