Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2019

Nguyên Ngọc Tố Hữu và Hội nghị Đảng viên 6/1979

Vương Trí Nhàn.
Nguyên là bài Ghi chép từ Hội nghị nhà văn đảng viên 6-1979 đã in trên blog này 5-2-2013 và 7-2-1913. Nhân thấy bạn đọc quan tâm nhiều tới bài Để hiểu thêm Tố Hữu, xin giới thiệu lại hình ảnh của ông trong một chiến dịch đặc biệt. Đây có thể xem như một chiến công hiển hách của nhà thơ – quan chức cao cấp này trong việc duy trì sự tồn tại ở đỉnh cao của mình những năm sau chiến tranh, trước khi bị phế truất 1986.
Xin lưu ý thêm đây là câu chuyện xẩy ra năm 1979, chứ không phải là các sự kiện liên quan tới công cuộc vẫn được gọi là Đổi mới, thường được xác định là sau 1986. (Vương Trí Nhàn)

Tố Hữu đọc thơ cho Hồ Chủ tịch nghe

Nguyên Ngọc Tố Hữu và Hội nghị Đảng viên 6/1979

Lời dẫn
Sự vận động của đời sống văn nghệ luôn luôn diễn biến theo cùng một nhịp với sự vận động xã hội .

Sau chiến tranh, có việc thống nhất đất nước, việc sắp xếp người vào bộ máy mới. Trong văn nghệ cũng có việc sát nhập các tổ chức văn nghệ, việc kết nạp các hội viên hội văn nghệ giải phóng vào các hội TW…

Tuy nhiên, có tác động chi phối lớn nhất và chiếm vai trò chủ đạo của việc tái cấu trúc lúc ấy -- tái cấu trúc theo nghĩa dùng đầu thế kỷ XXI -- là việc sắp xếp lại những cương vị chỉ huy. Theo lô-gich thông thường, người từ mặt trận quay trở về phải được đền đáp bằng cách nắm các cương vị quan trọng hơn, có tầm tác động lớn hơn. Điều đó cũng phù hợp với một thực tế là bộ máy TW trong chiến tranh đã già cỗi và trở nên quan liêu. Mọi người hy vọng lực lượng từ chiến trường về sẽ mang lại cho sinh hoạt văn nghệ một nét mặt mới.

Trong chiến tranh, mọi việc ở Hội nhà văn quy tụ vào nhà văn Nguyễn Đình Thi. Từ đầu 1979, nhà văn Nguyên Ngọc được cử làm làm Phó Tổng thư ký, thay thế ông Thi, điều khiển công việc hàng ngày.

Trước đó, về phương diện Đảng, một Đảng Đoàn mới của Hội nhà văn được chỉ định, có Nguyễn Khải, Giang Nam… và Nguyên Ngọc được giao chức bí thư Đảng Đoàn. Chỉ chờ Đại hội nhà văn là ông sẽ trở thành Tổng thư ký.
Nhiều người rỉ tai nhau sẽ có ngày Nguyên Ngọc đóng vai trò của Tố Hữu.
Nhưng cuộc chuyển giao quyền lực không đơn giản.


25/5

Từ khi về nắm Hội, Nguyên Ngọc thường có mấy nhận xét tổng quát về văn học sau chiến tranh:
- quan liêu hóa, xa đời sống
- có xu thế lảng tránh, khiếp nhược
- Kết quả -- chúng ta có một nền văn học yếu kém. Vừa thiếu hiện thực, vừa thiếu lý tưởng.

Hôm nay họp nghe tình hình phê bình - lý luận, Nguyên Ngọc lại nói văn học ta không có tính tư tưởng. Lùi về mấy năm 1969 - 70, ông cho rằng hỏng từ đấy. Nên 1974 mới có vụ này vụ nọ và bây giờ mọi chuyện mới không ra sao.

(Một người như PTDuật bảo văn nghệ hỏng từ 1973-74 v.v… Có lẽ điều đó liên quan tới vụ Vòng trắng của Duật?)

Trong bụng tôi nghĩ, nhưng thấy nói ra không tiện:

+ Là một người tốt, có thiện chí, cho nên Nguyên Ngọc cảm thấy rõ các nhà văn đang khiếp nhược trước thực tế. Nhà văn kéo nhau đi làm thuê. Văn chương lẫn lộn hay dở.

+ Nhưng là một nhà chính trị, cho nên Nguyên Ngọc hay cắt nghĩa bằng những nguyên nhân gần.

Nhân ngồi trong phạm vi hẹp mấy anh em với nhau, tôi nói cảm tưởng chung về văn học ta bây giờ. Một nền văn học không có tác giả mà như một đám đông, một phong trào. Cũng tức là một nền văn học không có cấu trúc, từng lớp phân biệt, mà mọi người đều lập nghiệp cùng một kiểu và làm những việc na ná giống nhau.

Về nội dung chỉ thấy những sự lặp lại. Cái mô típ ước mong được dùng làm kết luận cho mọi sự biến động.

Không có đóng góp nào mới về mặt hình thức, mà chỉ có những trò tiểu xảo v.v…

Mấy câu của tôi được xem là quá sốt sắng, đến mức ông Khải phải bảo Nhàn xem có thể nói điều gì lạc quan hơn không. Nguyễn Thành Long bảo đúng, nói thế nào không còn cái chung nữa, thì còn đâu ông Khải với ông Ngọc. Huy Phương tâm sự, chúng ta là những nhà văn sống cầm hơi, những người hỏng rồi. Nguyễn Kiên an ủi, chán mãi rồi lại phải tìm ra cái vui thôi.


3-6

Theo đề xuất của Nguyên Ngọc, các cơ quan Hội Nhà văn tập trung lo chuẩn bị Đại hội. Sẽ có đủ thứ thảo luận, ra mắt.

Trước Hội nghị Đảng viên có hai hội nghị trù bị.

Một là hội nghị Đảng Đoàn gặp những người chưa phải đảng viên.

Không hiểu sao hội nghị này lại thấy nổi cộm vấn đề thế hệ. Tôi ghi được vài ý. Hà Minh Đức: Bây giờ nhiều người "tiếng cả nhà thanh" vốn liếng không mấy, tác phẩm không có, nhưng tiếng rất to. Trần Ninh Hồ: Chúng tôi là con em cách mạng, chúng tôi phải hơn các anh lớp trước chứ. Bùi Bình Thi: Chúng tôi chỉ kém các anh tí tiếng Tây v.v..

Trần Ninh Hồ nói thêm: Bộ lao động ký giấy cho 2 vạn học sinh VN ra nước ngoài học nghề một lúc. Sao các anh không dám cho chúng tôi đi. Chúng tôi quét tuyết cũng được, bồi bàn cũng được, nhưng sẽ có việc, và về có lúc viết được.

Hai là cuộc họp của những người viết văn trong quân đội. Cũng lại chuyện nghề nghiệp, chuyện thế hệ chứ không phải chuyện tư tưởng như ông Ngọc chờ đợi.

Thu Bồn như sấm chớp, lại như cỏ dại, Thu Bồn bảo các anh có gì để cho tôi tin? Tôi đã phải lo lấy bao nhiêu năm nay. Xem ông chủ xuất bản nào tới thì làm vừa lòng ông chủ ấy. Thế thôi. Còn thì nhìn kỹ xem phụ trách lãnh đạo văn học cách mạng chỉ là những con người của xã hội cũ. Đối với chúng tôi, họ là một thứ cha ghẻ, không bao giờ họ có thể yêu tôi và lo cho tôi được.

Nguyễn Đức Mậu tuyên bố cần gì phải học (cả ông Hà Huy Giáp cũng nói thế, -- Nguyễn Đức Mậu nhấn mạnh) chúng tôi chả kém gì những người đi trước; cứ viết đi, cứ viết đi, kẻ nào mạnh kẻ đó thắng….


11-13/6
Trong Hội nghị.

Thoạt đầu, là những lời kêu ca.

Ông Mai Ngữ giống như những bà già ở nhà quê, suốt đời tham lam vơ vét, nhưng thỉnh thoảng lại ứa nước mắt rên rỉ. Ông Ngữ bảo, những cái ông để tâm huyết thì chả ai coi ra gì còn những cái ông viết nhảm thì lại được săn đón. Ông buồn cho cuộc đời của mình. Và ông khóc.

Nhưng rồi bi kịch trở thành hài kịch, đó là khi ông Mai Ngữ bảo rằng đêm nào ông cũng khóc. Dĩ nhiên, ta phải hiểu đêm nào ông cũng khóc vì ban ngày ông tham lam, tham mà không được. Thuộc loại người tự làm hỏng mình, MN là thế, không gì cứu được kể cả thất bại.

Rồi đến những lời tố cáo.

Phan Tứ nhắc lại các luận điểm của bí thư Đảng Đoàn Văn Nghệ cũ, ông Hà Huy Giáp:

- Xã hội không có bi kịch. Người anh hùng không băn khoăn.

- Văn học không cần hư cấu. Ngày trước, thời đại lạc hậu mới cần hư cấu, nay chỉ cần người thực việc thực.

Người biên tập = người lính gác, người xét chứng minh thư.

Hoàng Ngọc Hiến phát biểu như một cái nhìn khách quan, nhìn từ bên ngoài :

- Lý luận là năng lực nhìn sự việc từ nhìn sự vật từ nhiều góc độ

- Người có lý luận = người có khả năng tổ chức, kết cấu.

- Nhà trường giúp vào việc đó.

- Nhà trường đại học có khả năng làm cho con người trở nên ngu xuẩn. Ở ta hôm nay là thế.

Có vẻ như ông Hiến muốn mang lại cái mà Đảng Đoàn mới đang thiếu – lý luận. Việc này đã bắt đầu từ nhiều ngày trước và hôm nay ông Hiến chỉ tiếp tục.

Tô Nhuận Vỹ kể chuyện đời sống cơ cực, các cô gái Huế che mặt đi bán cuốn Từ điển Anh Việt, về lấy tiền nuôi các em.

Tô Nhuận Vỹ nói tiếp:

-- So với những năm 60, thì hiện nay, cái mà chúng tôi thiếu hơn cả là lý tưởng. Các anh bàn chuyện cho chúng tôi học ngoại ngữ, học trường nọ trường kia. Nhưng làm sao đây, để chúng tôi thêm giàu có về mặt lý tưởng.

Nguyên Ngọc thích lắm, sau còn nhắc lại mãi.

Một hội nghị như thế này, có chi là lý luận đâu. Người ta chỉ chia sẻ với nhau một ít lo toan.

Vài chuyện quá đáng quá, đại loại như ở Sài gòn, vừa nghe có một vở cải lương mang tên Người tù vượt ngục thế là chưa biết nội dung ra sao, hãy cấm cái đã. Vì tại sao lại bảo đồng chí mình người tù.

Tại một tỉnh nọ, người ta dựng một vở kịch viết về Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh uỷ chỉ có một đề nghị nhỏ, phải cho Ng Đình Chiểu thắng, thắng, từ đầu đến cuối.

Ở nước này, rồi mãi người ta vẫn chưa thôi ngạc nhiên vì sự ngu dốt và không ai dự đóan hết những hậu quả của nó.

Ông Phan Tứ tiếp tục câu chuyện về ông Hà Huy Giáp. Đâu hồi đó họ học nghị quyết X. của Đảng. Trên phát động cho nói, ba ông trung ương uỷ viên Trần Hữu Dực, Hà Huy Giáp, Hoàng Tùng đến nghe. Ông Hà Huy Giáp khuyến dụ anh em hãy cứ nói sự thật. Nếu có phải treo cổ, tôi xin treo cổ bên cạnh các anh.

Hình như sau đó, cấp trên lảng hết, chả ai giải đáp, tức chả ai đứng ra đối thoại trở lại cả. Tệ hơn nữa, trên báo chí công khai mở một đợt phê phán văn nghệ, gọi đó là một luồng tử khí chống Đảng.

Ai cũng biết kịch bản này không phải của ông Hà (người ta gọi HH Giáp là thế), nhưng ông vẫn phải chịu trách nhiệm.

Bùi Hiển bảo nói chuyện cũ thì dài dòng lắm, chính trong cái sân nhà 51 Trần Hưng Đạo đây, bao nhiêu chuyện và mỗi con người có bao nhiêu nét mặt.

Bảo Định Giang kể đã có lần lên tiếng bảo vệ Văn nghệ, bảo vệ Nguyễn Tuân. Hồi ấy, ông Tuân cho đăng bài viết về Giò lụa trên báo Văn hoá nghệ thuật, và bị kêu. Bảo Định Giang bảo viết thế chả hay ho gì, nhưng có lẽ cũng không nên nói là có tội gì!

Ông Bảo Định Giang kể ông Tuân bấy giờ cũng tâm sự:

- Mình là cái thằng không có gì mà ăn, nói giò chả trên giấy cho sướng miệng vậy. Nhưng cái thằng ăn giò chả thật nó lại đánh mình.

Sau buổi họp, Chế Lan Viên bảo mình già về hưu chắc phải đề nghị Phan Tứ vào Đảng Đoàn. Bởi lẽ hắn đáng sợ quá. Cái gì hắn cũng nhớ.

Một chuyện khác của Phan Tứ. Hồi ấy ông đang ở nhà xuất bản Giải phóng. Được lệnh trên, phải làm gấp một tập người tốt việc tốt của miền Nam. Mấy anh em thức đêm thức hôm để làm, đâu 4 ngày xong. Chợt có hai ông cán bộ của Cục xuất bản đến bảo: Thôi đi, các anh không thấy 5 triệu cuốn đang ế xưng ra kia kìa.

Khi Phan Tứ nói, thỉnh thoảng mọi người lại cười rộ lên, như được xem một tiết mục xiếc, kìa, người đi xiêu vẹo như vậy, mà không ngã. Lãnh đạo buồn cười thế đấy.

Nghe mọi người cười tôi hơi ghê ghê, y như sống giữ một bày ma.

Không phải cầu toàn đâu, nhưng tôi thấy chưa phải là quỷ dữ đã tới. Mà những đổi thay lớn chỉ có thể bắt đầu bằng sự có mặt của quỷ dữ.

Bà Vũ Thị Thường mắng mấy người khác, nghe những chuyện như thế này, sao tôi chả thấy ông nào đỏ mặt, tức xấu hổ. Mà chỉ thấy các ông cười là sao!

Bây giờ đồng chí Hà Huy Giáp đã về vườn — Phan Tứ tiếp tục -- Nhưng tôi thấy chúng ta không nên đả kích cá nhân đồng chí Hà Huy Giáp. Chúng ta không nên cười như vậy. Nếu cứ đà này, chúng ta sẽ cười luôn cả Trung ương không biết chừng.


Vũ Đức Phúc mở đầu bài tham luận của mình bằng cách phê phán bản đề dẫn của Nguyên Ngọc.

1. Nhấn mạnh quá đáng tính sáng tạo. Bảo rằng văn nghệ học theo đời sống, không phải sao chép đời sống, mà là học cái tinh thần sáng tạo ở trong đó. Như vậy là rơi vào Garaudi, sáng tạo là sáng tạo huyền thoại!

2. Chưa lý giải chính xác mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị. Phải nói tới đường lối của Đảng. Nó như cái lưới, ta có làm gì thì cũng không thoát khỏi nó, không thóat những vấn đề đã được nêu lên trong các nghị quyết.

Ví dụ, theo tôi (VĐP), từ lâu, Đảng đã yêu cầu văn nghệ phải có nhiệm vụ phê phán. Văn nghệ không làm, là khuyết điểm của ta. Tôi đề nghị thời gian tới, Hội Nhà văn ta mở một chiến dịch chuyên về việc này.


Về sau, khi phê phán Vũ Đức Phúc, Nguyễn Chí Trung có một ý rất hay. Theo ông, người ta tuyệt đối hoá chính trị và coi văn nghệ chỉ là cái thứ hai. Nhưng đâu phải vậy. Tại sao nhiều giai đoạn lịch sử đã qua đi, mà tác phẩm văn học viết về giai đoạn đó lại còn. Văn nghệ không phải chỉ là cái quả, có lúc nó còn là cái nhân nữa.

Đặt ra vấn đề con người, câu chuyện không có gì là siêu hình cả. Chính nó là vấn đề nhân đạo CSCN.

Có điều thực là ngoạn mục: sau khi tuyệt đối hoá chính trị người ta lại rơi vào chỗ tuyệt đối hoá văn nghệ. Làm sao mà văn nghệ đơn độc làm được bao nhiêu việc người ta vốn kỳ vọng ở nó.


Tôi nhìn ông Vũ Đức Phúc gầy ốm, như một ông giáo già ở nông thôn. Sao một con người như vậy, lại có thể gây ra bao nhiêu sóng gió cho văn học trong vòng hơn chục năm nay. Ông ta vừa như là đao phủ, muốn khai tử một ít giá trị mà một người như tôi cho là tốt đẹp (đúng hơn là những cái muốn trở thành giá trị tốt đẹp), vừa như bà đỡ, nâng đỡ cho những thứ mặt hàng mà một người như tôi cho là hàng giả -- ông khác với tôi quá.

Được cái, theo tôi hiểu, ông không giả dối. Khác với vài nhân vật đàn em lươn lẹo, ông luôn luôn là mình, kiên trì, nhạy bén, tỏ ra đầy sức sống trong việc bảo vệ niềm tin. Tôi nể phục cái sự kiên cường của ông, ông không đầu hàng, không thay đổi, ông ta sống với lòng tin rằng mình đang làm những nhiệm vụ lớn.

Vũ Đức Phúc đúng là hạng chiến sĩ trên mặt trận văn học (như tên một tác phẩm của ông đã đề rõ). Chỉ hiềm, cái quan niệm về người chiến sẽ ấy, theo tôi, cổ rồi. Cái mà một người như tôi bây giờ hay nghĩ, người làm công tác văn nghệ trước tiên phải là một người lao động. Bởi nói tới chiến sĩ, tức nói tới việc chấp hành mệnh lệnh từ trên ban xuống một cách vô điều kiện, con người lấy đâu ra sự sáng suốt để làm chủ mình. Với nghĩa vụ chỉ đâu đánh đấy, con người ta vừa quá máy móc lại vừa quá hèn kém. Còn như nói vai trò của người làm văn nghệ như một người lao động tôi thấy có gì khả thủ hơn. Mỗi người có thể giỏi có thể kém. Mỗi loại người có độc giả riêng


Chế Lan Viên lên tấn công lại Vũ Đức Phúc một số điểm chủ yếu liên quan đến con người chứ không phải luận điểm học thuật.

Nhắc lại câu Vũ Đức Phúc bảo ông Hà Huy Giáp về vườn, Chế Lan Viên bảo như thế là láo (Vũ Đức Phúc từng nói: “Ai động vào Trung ương tôi đánh bỏ mẹ “).

Vũ Đức Phúc nói một câu chuyện gì đó về văn học, hình như là cần khen um mọi chuyện lên, Chế Lan Viên liền bảo như thế là chưa được, một người làm công tác nghiên cứu văn học chưa được, một Viện phó lại càng chưa được, tôi đề nghị cách chức Viện phó.

Cuối cùng, Chế Lan Viên còn ngoặc được vào cái ý là nghiên cứu văn học đến đâu chưa nói, nhưng văn viết ra phải có văn. Nếu không, tôi đề nghị lập một cái hội lý luận riêng, chứ không để như thế này mãi được, không để cho các nhà lý luận thô thiển thao túng cả văn chương… Một đề nghị rất hợp lý đấy. Đến mức, sau khi ông Chế Lan Viên nói xong, trong hội nghị thấy truyền tay nhau một cái giấy cáo phó, ý như thể là Chế Lan Viên đã làm một công việc sinh phúc là khai tử cho Vũ Đức Phúc.


Hoàng Xuân Nhị, không được triệu tập cũng tới, song nói không được ai để ý. NgKhải bảo thôi hôm nay thì thầy Nhị của các ông hoàn toàn chết rồi.

Sự kiên trì của mấy ông già thật đáng sợ. Hôm sau, ông Nhị còn xin xỏ nhiều lần, để cho phép mình phát biểu, và ông Khải lại gạt đi, rất nhanh nhạy.

Chỉ khi ông Tố Lành đến, HX Nhị mới hồi sinh. Ông hân hoan ra mặt, ở lại chuyện trò với ông Lành vẻ rất tương đắc. Những xác chết hôm qua, hôm nay tự nhiên thấy hồng hào tươi tắn hẳn lên-- Ng Khải nhận xét.

Tố Hữu đã nói gì?

- Thực tế là muôn vàn tốt đẹp.

- Vấn đề không phải là nhà văn sáng tạo, nhà văn bịa đặt. Anh cứ ghi chép đúng thôi, nó đã thành ra tác phẩm lớn rồi.

- Đó là phương hướng công tác văn nghệ của chúng ta những ngày tới. Bởi đó cũng là phương hướng của ta ngày hôm qua. Có phải như đề cương nói, từ đầu những năm 70, Văn nghệ ta bắt đầu hỏng đi ? Không, văn nghệ của ta đang ngày một khá hơn v.v..

-- Phải biết bằng lòng với những cái đang có. Khi người ta chưa có hoa hồng hoa cúc, cho người ta chùm hoa sim cũng đã là nhân văn nhân đạo lắm rồi.


Mấy điểm vừa nêu, nó là cái luận cương văn nghệ của ta mấy chục năm nay. Hình như người ta không thể nói gọn hơn.


Những nguyên tắc mà cấp trên dạy dỗ chúng tôi hôm nay được nói ra rất đơn giản lại có vẻ đúng nữa. Đúng với mọi trường hợp. Chỉ nhìn kỹ mọi chuyện, mới thấy nói chuyện không giản dị như thế. Giản lược quá lại hóa lừa bịp.

Vừa nghe ông Tố Hữu nói xong, Ng Đình Thi hào hứng hẳn lên “Các tướng trẻ cứ tưởng là dễ ăn lắm...”

Nguyễn Đức Nam bảo thế này rất khó tổng kết. 

Nguyên Ngọc sốt ruột ra mặt. Nguyên Ngọc muốn ông Lành về cho mau còn bàn chuyện tổng kết hội nghị. Ng Khải thì bề ngoài ngược lại. Về sau, Khải bảo ngồi nghe ông Tố Hữu nói, thỉnh thoảng mình phải làm bộ há mồm thật to, làm như không hiểu gì cả.

-- Nhỡ lúc ấy mà cấp trên giở mặt thì bỏ mẹ mình -- Nguyễn Khải nói thêm khi giữ tôi lại cùng về sau tất cả mọi người.

Trong giới ông Khải vẫn được tiếng là người sắc sảo. Ai cũng bảo là ông Ngọc phải nhờ ông này mới giải quyết được mọi việc. Đảng Đoàn ông Khải đã có tiếng đồn như vậy. Nghĩ thấy kinh sợ. Lại nhớ có lần Ng Khải bảo: “Viết xong được một tác phẩm tốt, cho ra mắt, thấy rủn cả người. Vì phải vượt qua nhiều cạm bẫy quá.”

Lần này, lúc lấy xe đạp ra về, Ng Khải bảo nay mai tôi lại đi sáng tác được rồi, chứ còn việc gì phải lo mà làm tổ chức. Cứ xua anh em đi thực tế là xong. Nhẹ mình. Y như các ông trước.


Với sự xuất hiện của Tố Hữu, hội nghị như bị dội một gáo nước lạnh. Và không khí đó kéo dài râm ran mãi. NgKhải hôm trước cổ động hăng hái lắm, bây giờ rụt lại “mình cũng không nên làm cho cấp trên giận dữ”.

Ngay sau Hội nghị Nguyên Ngọc đi vắng, ông Khải ở nhà chạy bao sân chung cả Hội nên càng hoảng.

Khải dao động lắm, Nguyên Ngọc xưa nay vẫn nhận định vậy.

Tuy nhiên, theo Ngọc, Ng Khải lại được cái giỏi chịu đòn.

Bùi Hòa dẫn một câu tổng kết của anh em – gọi là nặc danh thôi, chứ chắc từ mồm Chế Lan Viên

Hội nghị đảng viên này:

- Quân sự lấn dân sự

- Bắc Trung lấn Nam.

- Trẻ lấn già.

- Tổ chức lỗi thời.

- Lý luận dài dòng


4/7

Theo Xuân Trường giao ban ở trên, cuộc họp hội nghị đảng viên gây cho anh em nhiều hoang mang. Báo cáo của NgNgọc có một số sơ xuất. Nhưng đấu đá nhau như thế hơi quá, anh em địa phương có người phát sợ. Riêng việc chỉ triệu tập một số đảng viên đã gây ra thắc mắc. Trên Vụ Tuyên huấn còn định cho anh em thảo luận về bài Tố Hữu.

Vẫn theo báo cáo của Xuân Trường, anh em cho là không có tự do sáng tác, nên không thể viết hay được và đấy là lý do càng phải thảo luận.


Trước buổi họp, Hoàng Ngọc Hiến viết một bài đang làm dư luận xôn xao. Nhân chuyện Nguyễn Minh Châu cho rằng ta thích tả đời sống như ta mong muốn, ta thích hiện thực phải đạo, ông Hiến nêu một công thức -- ở ta đang có xu hướng cái cao cả lấn cái bình thường. Và cái thói phải đạo kia là nội dung chủ nghĩa hiện thực ta hay nói. Vậy nên gọi nó là chủ nghĩa hiện thực phải đạo.

Thứ hai văn nghệ ta không thật và dựa trên một thái độ chung: sống cũng không thật.


Đọc bài ông Hiến, tôi nghĩ:
Bảo rằng ở ta “Nội dung đang lấn hình thức, bản chất lấn hiện tượng” còn là sang trọng quá.


Với tôi ở ta làm gì có chuyện “nội dung khá mà hình thức kém” - Chỉ có một nền văn nghệ kém, cấu tạo thấp, tổ chức thấp. Cả nội dung văn học cũng thấp lè tè. Không miêu tả được hiện tượng chứ đừng nói rút ra bản chất của hiện tượng.

Nhưng như thế đã đủ để Đảng Đoàn mới thích thú mà Đảng Đoàn cũ tức giận. Người ta đang định đánh nhà lý luận này.


Loại người như ông Hiến, rất hợp với ông Nguyên Ngọc. Cả hai đều thuộc loại người thích lý tưởng hóa mọi chuyện. Hay nói như Hiến , đều nghiêng về phạm trù cái cao cả. Họ đang được coi là loại tân tiến so với ông Thi và các loại Đức, Đệ . Tôi thì tôi nghĩ họ nhiều ảo tưởng.


Trở lại chuyện quanh buổi họp

Bây giờ mới biết, trước hội nghị Nguyên Ngọc xin mãi mà không gặp được Tố Hữu.

Tới lúc họp, Nguyên Ngọc vẫn băn khoăn, làm sao báo cáo cho ông Lành biết.

Sự việc quả nhiên đúng như lo lắng, ông Lành đến nói ngược hẳn với báo cáo. Nguyên Ngọc như ngồi phải đống lửa, cứ run lên.

Thật ra, báo cáo của Nguyên Ngọc chỉ hơi có vẻ bài bản mới mẻ một chút, luận điểm lấy nhiều cái ở trong tài liệu mà lâu nay ông Hiến vẫn dịch.

Ra vẻ "một bước tiến mới" quá. Tư thế bí thư Đảng Đoàn nghênh ngang quá. Có lẽ vì vậy, nên bị Tố Hữu cho một vố.

Có người bảo tại ông Vũ Đức Phúc lên “ tâu nộp “ ở trên. Nhưng chắc không chỉ một Vũ Đức Phúc.

Một ý kiến khác. Là tại Vụ văn nghệ, Xuân Trường và các trợ lý. Ờ, có lý. Người ta vẫn là tai mắt của ông chủ cũ.

Có những việc, vừa nói hôm trước ở Hội nghị, -- như việc ông Ng Đ Thi kể chuyện các nhà văn Liên Xô tự tử - hôm sau đã đến tai Tố Hữu rồi.

Với sự thành thạo của mình, Nguyễn Khải hôm sau bảo mấy người bọn tôi, có chỗ Tố Hữu mắng Nguyễn Đình Thi mà các ông không biết đấy. Liên quan đến đoạn Ng Đ Thi kể chuyện mấy ông nhà văn Liên xô tự tử vừa nói. Tố Hữu cho là không được cho anh em nhà văn ta biết điều ấy.


Khi Tố Hữu nói đến chuyện khẳng định nền văn nghệ ( “Phải cho người ta cột cây số để người ta biết đến đâu mà phấn đấu chứ. Không cho là ác độc! “) thì Nguyễn Khải ngoảnh lại Chế Lan Viên:

- Tôi sợ các nhà thơ nước ta thật. Ăn nói ghê gớm đến thế là cùng chứ gì?

- Thì chính mình xưa nay vẫn phải sợ cái ông này cơ mà.


Theo Nguyễn Quân, ông Phạm Văn Đồng có thể nói việc này Trung ương chịu đấy, các đồng chí có ý kiến giải quyết thế nào không.

Thậm chí ông Lê Duẩn trong nhiều cuộc họp vẫn nói ta khó khăn lắm, khó khăn lắm.

Chỉ có Tố Hữu là lúc nào cũng bảo các đồng chí yên tâm, đã có cách giải quyết. Cũng như lúc này, trong khi Lê Đức Thọ bảo chưa bao giờ khó khăn như bây giờ, thì Tố Hữu bảo chưa bao giờ Trung ương vững như lúc này.

Từ lâu, Tố Hữu đã tự đồng hóa mình với nền văn nghệ này. Khẳng định nó là khẳng định ông. Mà sổ toẹt nó là sổ toẹt ông.

Cách bảo vệ mình của Tố Hữu đầy tự tin như chỉ có ở các ông chủ.


Trong hội nghị, anh em có truyền tay nhau một thông tri cáo phó báo tin Vũ Đức Phúc chết. Mà chuyện này hình như khởi sự từ Nguyên Hồng.

Ai báo cáo với Tố Hữu không biết, hôm sau đến, Tố Hữu đã cho Nguyên Hồng một đòn ngay:

-- Sao lại để râu thế kia. Trông như râu giả cắm vào cằm chứ không phải râu thật. Thôi, không khéo ông để râu để trốn họp rồi.

Nguyễn Khải:

-- Tinh nhậy quá. Đúng râu ông Hồng phải nói là trông như râu giả thật.


Một cán bộ quân sự từng kể với tôi Tố Hữu lúc đi vào B2, với tư cách cấp trên thị sát chiến trường, quát mắng tướng tá ghê lắm!

Kỳ vừa rồi, họp tổng kết đánh Trung Quốc, cũng chửi cấp dưới sa sả!

Lần này nhìn gần tôi nhận ra một điều mới. Ông làm chủ tất cả ngôn ngữ cử chỉ của mình Vốn có giọng nói đều đều nhạt nhạt, vậy mà đến lúc cần phải quyết liệt, ông bỗng có thể thay đổi nét mặt thay đổi giọng nói.

Y như sẽ nói ra những điều đơn giản lắm mà cấp dưới vì ngu đần quá nên không hiểu. Đúng, bọn chúng ngu đần quá, thương mãi làm sao đươc!

Việt Phương kể là ở chỗ khác, Tố Hữu không nói đến thế đâu! Có lúc, ông ta phải bảo tôi phải đội trên đầu không biết bao nhiêu người. Chỉ đến với văn nghệ ông mới cao giọng hết cỡ thế.


Nguyên Ngọc ngồi nghe ức lắm, nhưng là cấp dưới, không biết làm thế nào. Lúc Tố Hữu nói xong, lên phát biểu đại ý là xin chấp hành chỉ thị của cấp trên, liền bị Tố Hữu gạt ngay:

- Đây tôi cũng phát biểu với tư cách hội viên Hội Nhà văn luôn thể.

Tối hôm đó, chính mồm Nguyên Ngọc nói và tôi nghe tiếng, không ngờ cái ông này ác độc thật, ác độc thật.


23/7

Ba tuần đã trôi qua mà vẫn chưa hết bàng hoàng về chuyện cũ.

Ng Ngọc sau khi bị Tố Hữu át giọng, rất run. Than thở, năm nay là năm tuổi của mình hay sao mà bị toàn chuyện tai hoạ.


Ng Khải đã viết thư xin ở lại quân đội chứ không ra ngoài như dự định. Có tin ông sẽ làm chủ nhiệm tạp chí.

Nếu có Đại hội, Khải sẽ là đầu mối các nơi làm báo cáo đọc trong Đại hội các nhà văn.


Dạo này, VNQĐ lại có thêm một nhà văn mới Nguyễn Chí Trung. Ông ta năm mươi tuổi chưa có vợ, bụng phị, từ Đà Nẵng ra, mang theo cả thanh gỗ đóng bàn ghế, có hôm thấy con Thu Bồn ngồi đấy, xuýt xoa thương cháu quá, nhưng có quà trong túi nhất định không chịu mang cho. Ông Chí Trung ấy lâu nay sống như cái bóng của ông Ngọc, đến Hội nghị nhà văn đảng viên vừa rồi, cũng có chân trong ban lãnh đạo hội nghị. Và ông ta lên phát biểu, người thì thô lỗ, lại làm ra vẻ trữ tình, nói toàn chuyện cao siêu.

-- Tôi đến Cămpuchia, bụng chỉ nghĩ: con người ta là thế nào nhỉ? Sao lại đặt ra tên? Sao lại có hàng xóm? Ý ông muốn nói ở Cămpuchia bọn Pol Pot nó xoá hết.

Ông Tế Hanh phải bảo ông này đang giảng triết học cho chiến sĩ đại đội.


Trong buổi nói chuyện, Tố Hữu kể ở trên Cao Bằng có một HTX đánh Trung Quốc rất giỏi, thì giữa buổi họp khi sắp tổng kết, Ngô Thảo bảo mình đã đến chỗ ấy rồi, họ bịp hết.

Kể về một nơi sản xuất giỏi thực sự thì Ngô Thảo bảo căn bản nó tự làm, tỉnh chẳng đầu tư gì nên mới được thế. Còn nếu các ông trên mà lại sờ tay vào, nó chết bỏ mẹ bây giờ.

Lúc tổng kết, Nguyên Ngọc cố lái mọi thứ vào theo Tố Hữu nhưng vẫn không khỏi muốn bác bỏ Tố Hữu. Cũng ở xã.. xã... nơi đồng chí Tố Hữu thấy vậy, nhưng đồng chí Ngô Thảo thấy khác.

Nhưng có lẽ sau đó sợ, Nguyên Ngọc phải khẳng định:

- Cố nhiên, cái nhìn của đồng chí Tố Hữu là tuyệt đối đúng đắn.

Ngô Thảo về sau nhận ra ngay:

-- Ông ấy bán mình nhanh gớm! Biến anh em thành vật hy sinh ngay thôi.


Nghe Tố Hữu nói, Nguyên Ngọc trông thất thần ra mặt, nhưng lúc tổng kết, vẫn giữ lấy bình tĩnh, bám vào cái phao kia, mình nào có khác gì ông Tố Hữu.

Về sau, lại nghe ông ta bảo Tôi vẫn kiên trì ý kiến của tôi. Mất tôi chả mất cái gì.

Tố Hữu còn kiên trì hơn. Ban đầu, tưởng là ông chỉ đọc bản đề dẫn qua loa. Hoá ra ông đọc rất cẩn thận. Ở hội nghị trở về, ông sửa, gạch chấm đánh dấu từng chữ. Sang Liên Xô, ông ta còn điện về hỏi ý kiến của anh em hiện nay ra sao.

Chỉ có điều hay, trước đó, một số anh em, nhất là lớp cũ (Xuân Diệu, Nguyễn Văn Bổng) rất ghét Bí thư Đảng Đoàn mới, nay lại đứng về phía Nguyên Ngọc.


3-8.

Vụ trưởng Xuân Trường họp các báo, gợi ý phê phán bản đề dẫn và bài Hoàng Ngọc Hiến. Việc này do Tố Hữu ra lệnh hay Xuân Trường muốn lập công?


8-8

Nghe là Đảng đoàn họp. Chế Lan Viên từ Sài Gòn ra. Xuân Trường – với vai trò phái viên cấp trên được mời--mặt hằm hằm bước lên cầu thang.

Người ta kể rằng với nhiều người, Tố Hữu bề ngoài ngớ ra có gì đâu, giữa đề dẫn với ý kiến của tôi có gì khác nhau lắm đâu.

Nhưng bên trong, nói với Thép Mới (Trần Đĩnh nói lại qua Nguyễn Thành Long) mình đã chỉ thị phải họp Hội nghị đảng viên lại.

Nguyên Ngọc cũng cứng lắm. Hôm nọ nói ở hội nghị đảng viên là sẽ nghiên cứu nghiêm túc bài nói Tố Hữu, hôm nay quay về, bảo:

- Giữa ý kiến tôi với ý kiến anh Tố Hữu phải có người sai người đúng. Chứ hoà cả làng, tôi không chịu.

Nguyên Ngọc cũng không phải không có thế. Giữa ông với cái ghế trung ương uỷ viên kỳ này, đâu có xa lắm.

Có một cái tội của Tố Hữu mọi người đều biết và đều hiểu là mức độ nó lớn đến đâu. Tội chửi xét lại khoảng 15 năm nay. Trong chính trị, Tố Hữu nổi tiếng là học trò, lại lươn lẹo.

Chính Yên kể báo Nhân Dân đăng bài tính dục, bị ông trên mắng cho một mẻ. Nhưng đó là do Tố Hữu gợi ý với Thép Mới.

Hoặc có lần, trong một đêm pháo hoa. Tố Hữu bảo với Nguyễn Thọ đẹp quá. Như một bức tranh tĩnh vật. Phải có tĩnh vật chứ! Nhưng lần khác giữa một phòng triển lãm, Tố Hữu quát ầm lên, sao lắm tĩnh vật thế này.


11/8

Vụ xuất bản Tuyên Giáo họp, có một số sách còn bị đánh dấu hỏi: Cha và con và …(Ng Khải), Bông mai mùa lạnh (Lê Phương)

Ông Nguyễn Khải bảo chỗ mình trong Đảng Đoàn giờ chỉ ngồi một bên mông đít, chỉ chờ người ta bảo một câu là té.

Nhưng ông Khải đang có cái kịch Hành trình tới tự do quá tầm thường. Từ vở kịch đó, đến hiện trạng của Cămpuchia, xa nhau quá.


14/8

Không phải như dự đoán là có xô xát gì. Cuộc họp Đảng Đoàn khá thuận. Chế Lan Viên hôm trước còn nói với Nguyễn Thành Long. Tôi phải có ý kiến chứ. Bản đề dẫn kiêu ngạo... Các anh còn bênh nỗi gì?

Mọi người nghe cũng đã hoảng. Vì trong tình thế này, ông Thi là phe nghịch rồi, chỉ còn ông Chế Lan Viên ở giữa, ông ta ngả về phe nào là phe ấy thắng. Nay biết ra sao.

Không ngờ, ở hội nghị này, tình thế khác hẳn.

Chế Lan Viên bảo tôi ủng hộ việc làm của anh Ngọc. Bản đề dẫn có những sai sót, nhưng tôi và anh Thi từng làm tổ chức đều biết, làm sao tránh được sai sót...

Tất cả những chuyện này đều do Nguyễn Khải kể. Khải bình luận thêm:

-- Mình mà mềm đi, các ông ấy thương ngay. Trong bụng các ông ấy cũng nghĩ như mình thôi. Nguyễn Đình Thi cũng bảo nhiệm vụ chính của văn học ta hiện nay là phải chống tư tưởng Mao Trạch Đông.

Ông Xuân Truờng cũng đến chủ yếu để thanh minh.


Trần Đĩnh hỏi Nguyễn Thành Long:

- Hỏng rồi phải không?

- Hỏng cái gì?

- Đảng Đoàn

- Ai nói thế?

- Quang Thái. Q Thái gặp Nguyễn Khải ở nhà Thợ Rèn. Hỏi thì Nguyễn Khải bảo Đảng Đoàn đầu hàng rồi. Thế tức là hỏng chứ gì?

Ng Khải còn kể với Trần Đĩnh là hôm nọ gặp nhau, Ng Khải đã bảo Q Thái với tư cách biên ủy báo Nhân Dân:

-- Thôi ông đừng cho đánh bài ông Hiến nhé. Có gì bảo chúng tôi một tiếng. Chứ Hiến người tốt lắm cơ!

Nguyên Ngọc vẫn kiên trì lắm thì phải. Hoặc là ông ta đúng, hoặc là Tố Hữu đúng, giữa hai bên phải có phân định rõ rệt.

Trần Đĩnh bảo càng ngày càng thấy cái tay Tố Hữu này quá lắm. Trần Đĩnh nhớ, có lần ông ta nói rất hay:

- Này, đã ai đọc Lucacs chưa. Nói sâu sắc lắm. Ví như, tay ấy bảo chân lý không phải thuộc về số đông đâu đấy nhớ.

Nhưng hôm sau, mồm ông ta lại dẻo quèo quẹo :

- Tuỳ tiện. Muốn sao muốn vậy, chỉ biết có riêng mình, không đếm xỉa gì tới tập thể cả....

Cái anh văn nghệ của mình là vậy. Mà cái anh chính trị ở mình cũng là như vậy cả-- Trần Đĩnh kết luận.


15/8

Ng Ngọc triệu tập các cơ quan hội để phổ biến.

- Không có vấn đề gì lớn sau hội nghị đảng viên. Những ý kiến nói xấu hội nghị là rất có hại.

- Tiếp tục chuẩn bị họp Đại hội các hội vào khoảng 10/1979.

Liệu tình hình chính trị có cho phép như vậy??


20/8

Sắp có bài phê bình Hoàng Ngọc Hiến.Ông Mạnh bảo việc gì đúng thì mãi chẳng làm, việc gì sai thì cứ thấy làm ngay được.


9/9

... Nhưng mà nhập thế làm gì, thất vọng thôi.

Sau một hồi say sưa, ông Nguyên Ngọc hình như đang phục xuống, đầu hàng. Cái tài của Nguyễn Khải là tài lôi kéo cả Nguyên Ngọc vào lối suy nghĩ thoả hiệp của mình. Các ông vừa nhượng bộ nhau vừa đánh phá nhau.


21/9

Không khí chung quanh như chết lặng đi. Nguyên Ngọc và Đảng đoàn mới mất hết nhuệ khí. Từ mấy tháng trước họ cho phép đăng bài Hoàng Ngọc Hiến. Nay lại cho Tô Hoài bác lại. Vì trên có chỉ thị phải bác.


30/9

Không rõ chuyện Tố Hữu gọi Đảng Đoàn lên kiểm điểm có đúng không. Trước đó đã nghe nói là trong Đảng Đoàn đoàn kết lắm cơ mà, Nguyễn Khải bảo mình cứ nhận đi là xong. Còn các ông Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên cũng nghệ sĩ lắm, họ sẽ đỡ cho ngay.

Nay thì không phải. Nhị Ca bảo: Nơi nào đánh nhau thì thằng Khải tìm đến đầu tiên, rồi cũng bỏ đi đầu tiên.

Nguyễn Khải bỏ đi thật. Ông sẽ đi sáng tác 2 tháng (tháng 10,11)

Vậy chắc chả đại hội trong năm 1979.

Trung ương vừa có một chỉ thị về chống chiến tranh tâm lý của địch. Tất cả mâu thuẫn địch ta, nói theo cách nói của các ông ấy, có nguy cơ nuốt hết mâu thuẫn nội bộ. Báo chí lại ngả cờ hết cả, không thấy hé ra cái gì nữa.Ngô Thảo bảo Nguyễn Khải không muốn ra khỏi bộ đội nữa vì lão ấy biết ra Hội phải làm. Mà làm vẫn là chỗ yếu của lão.

Nguyễn Khải ngồi tính:

- Đã làm được gì đâu. Được mỗi buổi họp, thì nói ra nói vào mãi. Thêm cả cái tội rủ rê trẻ chống già. Thế thì người đi họp người ta cũng chửi mình còn gì.

Chuyện giải thưởng. Ông Chu Văn bảo anh định vỗ nợ chúng tôi hay sao. Cả đời cuối cùng có cuốn Bão biển, anh định lờ đi chắc.


4/11

Báo Văn nghệ đăng bài của ông Tô Hoài phê phán ông Hiến. Xã hội ta mọi việc đều tốt. Mọi mối quan hệ đều hoà hợp. Không có những hiện tượng cái cao cả lấn át cái bình thường. Hoàng Ngọc Hiến như vậy, chỉ là thấy cái cá biệt.

Cái ông Tô Hoài này xưa nay viết cái gì cũng giả. Nay, do phân công mà làm, do bắt buộc phải làm, tức viết giả, thì cũng chẳng kém gì cái thật ông vẫn viết. Nghĩa là cũng rối như canh hẹ, chả ra lý luận gì, kể cũng buồn cười.

Nhưng có phải người ta chỉ đánh ông Hiến đâu? Người ta đánh cả Đảng Đoàn. Người ta muốn bảo không phải Đảng Đoàn làm cái gì cũng đúng.

Dường như xã hội này không có nhu cầu chân lý.

Ng Khải ngày nào hy vọng như thế, giờ nản lòng rồi. Ai cũng bảo ông Khải giật dây những chuyện này.” Ông Ngọc thì trong sáng, nhưng...” .Nhưng ở đây có nghĩa nhưng Nguyễn Khải thì rất đáng ngờ, Khải bảo. Tôi là khâu yếu nhất trong Đảng Đoàn. Nên tôi phải đi thôi. Thế là ông Khải cắp đít vào Sài Gòn, nói là đi thực tế, nhưng thực tế là mang vợ con vào, có thể định cư ở đấy lâu dài.

Một mặt thì những nguyên tắc vận hành của xã hội là sai lầm nhưng mặt khác, do đã lâu quá rồi, cái bộ máy hỏng, cho nên nó nghiền hết cả người.

Theo như tôi nhìn nhận, trước mắt chả có ai làm nổi công việc.Ng ĐThi làm bao nhiêu năm, gần như không làm gì. Mà ông này ăn ở đến mức nào để cho kiện cáo linh tinh. Bà Lê Minh nhiều mưu đồ. Ông Nguyễn Thành Long, ông Đào Xuân Quý cũng tham gia rất hăng, người này vợ là cháu ông A người kia đánh trống qua ông B., cùng hè nhau đòi trên thay ông Thi. Đằng sau lưng hai người ấy là ông Chế Lan Viên và Tô Hoài, cả hai giấu mặt.

Bây giờ đến lượt mấy ông kế tiếp. Nguyên Ngọc cũng không thể làm gì được. Đã có lúc, ông hé ra cái ý nghĩ mình lại về sáng tác, hoặc làm gì đó ở bộ đội. Nhưng Nguyễn Minh Châu bảo ông Nguyên Ngọc mà không làm bí thư thì biết làm gì.


19/12

Nửa năm đã qua. Không có Đại hội gì hết. Mấy tháng trước, Nguyên Ngọc còn khăng khăng bảo trong đề dẫn không có gì là sai lạc cả. Chỉ có những điểm nói chưa thoả đáng. Nay phải nhận trong đề dẫn có những sai lầm nghiêm trọng (Xuân Quỳnh kể là có ai đó còn nói quá lên: ông Tố Hữu cho là trong đó có những ý kêu gọi lật đổ.)

Học Nghị quyết 5. Nguyên Ngọc thì cho là anh em văn nghệ sĩ rất tốt, chỉ chưa có sáng tác tốt. Chế Lan Viên: Tình hình báo động. Có nhiều việc rất nguy hiểm.

Dĩ nhiên, một thứ cảnh giác chiến đấu thế, bao giờ cũng được tuyên huấn hoan nghênh hơn.

Ông Thi sáng tác một cách hậm hụi, như là người có tài bị bỏ quên. Chế Lan Viên bảo tôi biết làm thế nào để ra tác phẩm lớn, nhưng tôi không có điều kiện làm.

Người ta cảm thấy trên bợp tai Đảng Đoàn qua việc phê phán bài Hoàng Ngọc Hiến.

Nhiều người phản đối, cho là ông Tô Hoài dại. Nguyễn Văn Hoàn ở Viện văn bảo: Trong văn học, ông Tô Hoài to, chứ trong lý luận đâu có to. Trong bài này, ông ta lại lấy cái tôi của mình ra để bàn lý luận. Tôi = lý luận, như thế không ổn.

Chính Yên đến báo Văn Nghệ làm ầm lên: Tán thành nghị quyết 6 mà các anh còn làm thế à?

Cấp trên ghét bài ông Hiến vì lý luận một phần. Nhưng phần khác, là chuyện nhân thể cái mà Hoàng Ngọc Hiến tố cáo, người đọc thấy xã hội ta sống rất giả dối. Con người thường bị khuôn vào những cách xử thế có sẵn.

Một mặt, người ta tỏ ra nuông chiều văn nghệ. Nhưng trong thực tế, lại sợ lại thù ghét văn nghệ. Một bài phê phán Hoàng Ngọc Hiến trên tạp chí Văn học, có cho rằng Hoàng Ngọc Hiến có một thái độ rất dịu dàng với các nhà văn, trong khi đó lại dám phê phán công chúng, sự thực là dám phê phán những người lãnh đạo!

...
Chung quanh câu chuyện văn nghệ, nhiều người (nhất là cán bộ!) để ý theo dõi rất ghê. Nghe ngóng xem có gì sai – ai sai cũng thế - là họ thú vị lắm.


3/2/1980

Bùi Văn Hoà cắt nghĩa về đoạn kết của Đảng Đoàn. Lúc đầu ông Ngọc rất găng, không chịu. Có lần ông bảo thẳng ông Thanh, trợ lý lâu năm trên Tuyên huấn, chuyên theo dõi văn nghệ:

-- Anh về báo cáo anh Lành. Chứ anh làm thế (trong hội nghị đảng viên) là sỉ nhục tôi.

Mấy ông Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Chế Lan Viên vẫn chưa biết cách nào cho Nguyên Ngọc một trận, và càng chờ trên đánh xuống.

Rồi những ngẫu nhiên xuất hiện. Chế Lan Viên đến nhà Giang Nam chơi. Giang Nam lúc này là một thành viên Đảng Đoàn. Giang Nam tâm sự, không biết phải làm gì bây giờ. Chế Lan Viên bảo thế thì anh phải lên anh Lành ngay. Nếu rủ được thằng Ngọc thì càng tốt.

Vội vã, Chế Lan Viên đóng vai trò môi giới thông báo cho cấp trên biết. Rằng bọn Giang Nam Nguyên Ngọc sẽ lên.

Chế Lan Viên nói từ thứ bảy. Chờ qua ngày chủ nhật, không thấy, thứ hai không thấy. Tối thứ hai, Giang Nam một minh mò lên chỗ ông Lành:

- Chúng tôi kẹt lắm.

- Phải nói thẳng vừa qua các anh đã sa đoạ về tâm hồn, các anh tưởng các anh làm loạn được à. Không có các anh, cách mạng vẫn cứ tiến lên. Nếu trong Đảng Đoàn, đồng chí bí thư có những biểu hiện sai trái, các anh phải đấu tranh chứ.

Vậy là cấp trên đã bật đèn xanh cho dưới trị nhau rồi.

Nguyên Ngọc hoảng quá, thân cô thế cô, nếu bây giờ không đầu hàng đi, người ta thay ngay. Tố Hữu đã có ý thay. Vả chăng, thay cũng được, nhưng về làm gì, sáng tác không hay, quay ra làm cán bộ chính trị, thì sẽ bị nghi ngờ, khinh bỉ. Ở ta là thế, tiến lên mà thất bại, quay về sẽ bị chèn ép. Vả chăng, còn phong trào nữa chứ.

Chỉ trong 2 ngày Nguyên Ngọc suy nghĩ rồi quyết định đầu hàng. Nói rằng mình sai lầm, mình sai lầm nghiêm trọng. Và nhận hết.

Buổi họp gần đây của Ban chấp hành có ra một nghị quyết, đánh dấu sự đầu hàng hoàn toàn của cánh nhà văn trước Tố Hữu. Thông báo bảo rằng lấy bài nói chuyện của Tố Hữu làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động.

Khải kể mình đã khôn, nhưng ông Tô Hoài còn khôn hơn. Trong thông báo, ông kể đủ tên Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh vào danh sách những người phát biểu tốt cho phương hướng nghe theo ông Lành. Trong khi thực tế, họ chẳng phát biểu gì cả.


Những ý trên đây là do Hòa nghe từ ông Hoàng Trung Nho kể lại nên chắc là có thể tin...

Ý Nhi bảo Tố Hữu là cái loại chính trị già đời, ông ta phải đánh cho cấp dưới mềm xương ra rồi mới dùng.



Vĩ thanh

Trong một buổi chiêu đãi, hay buổi họp nào đấy, Nguyên Ngọc gặp lại Tố Hữu. Ông kể ông đang hào hứng lắm. Sang làm Phó thủ tướng, bận rộn. Và ông nói với mình (tức Ng Ngọc) một câu, mình có thể học được này.

-  Cái chính là mình phải có gan. Có gan làm thì mới được.

Nguyễn Khải thú nhận Đảng Đoàn mới chúng em có 6 tháng đã sợ quá rồi. Thế mới biết các anh cũ 15 năm chịu đòn giỏi thật.

Tưởng như không có chuyện gì của năm 1979. Nguyễn Khải cũng ngồi đấy. Tôi bảo tôi muốn lẩyKiều: Rõ ràng mặt ấy mặt này chứ ai.

- Mọi chuyện diễn ra y như trong một truyện ngắn ... giỏi hư cấu


- Lại nhớ một lần, có một cậu bạn nhận xét chính đời sống cũng rất sáo. Cấp trên đánh cấp dưới. Cấp dưới cãi một lúc, rồi đầu hàng. Thấy cấp trên đúng, chính mình đã sai. Trước gượng gạo sau tin thật. Tôi đã thấy bao nhiêu ca như vậy rồi. Cái ý này từng được Nguyễn Công Hoan dùng làm câu kết cho truyện ngắn Người vợ lẽ bạn tôi.


Viết thêm 7-2-2013

Như đã nói ở trên, đây là một cuộc chuyển giao quyền lực sau chiến tranh nhưng đã không thành. Một sự thay người cần thiết nhưng được làm quá muộn. Mới loanh quanh mấy khúc dạo đầu thì sự thay đổi đó đã bị đẩy lùi nhanh chóng. Tại sao?

Trước mắt chúng ta chỉ là một cuộc đấu tranh giữa những người giống nhau. Chẳng có cái mới nào xuất hiện.Vì trong chiến tranh cái mới nếu có manh nha đã bị triệt tiêu từ khi còn trứng nước.

Cái mới có khác gì cái cũ! Và nhiều người gọi là mới song cũng rất cũ. Họ vốn chẳng có bài bản sách lược cho khoa học cho rõ ràng. Lực lượng lại thường chia rẽ.

Về kinh nghiệm chính trị thì lớp ở chiến trường đâu có thể so với lớp cũ đã quen chỉ huy chỉ đạo hơn ba chục năm nay. Thế lực cũ ở đây trước tiên là Tố Hữu, người đã bước lên bậc thang quyền lực bằng việc quản lý giới văn nghệ và ngay sau khi chuyển đi làm kinh tế thì cũng không bao giờ quên văn nghệ là một thứ sân sau của mình. Thế lực này còn có cả bộ chân rết vững chắc mà sự trung thành với chúa cũ đã trở thành bản năng. Sự chiến thắng của họ là không thể khác. 

Sự kiện 6- 1979 chính là báo trước sự kiện 1986 -1990, một bước đổi mới tự phát rồi đến giữa chừng đảo ngược, người trong cuộc vừa khao khát đổi mới vừa muốn giữ lại cái cũ và rất sợ mất quyền lợi nếu cái mới thắng thế.

Xin lưu ý thêm là ngoài các vai kịch đã rõ như Tố Hữu và Nguyên Ngọc, thì từ Hội nghị nhà văn Đảng viên 1979, một giai đoạn rất nhiều biến động ngầm trong cuộc đời Nguyễn Đình Thi đã hình thành: 

-- Giai đoạn ông đã bị hất ra song vẫn quyết liệt tìm cách tái lập quyền lực cho bằng được. 

-- Giai đoạn ông kiên trì bám trụ giữ lấy vai trò của một người đứng đầu giới văn nghệ tới cái mức cho người ta cảm tưởng không ai thay thế được, -- trong khi Tố Hữu ở một tầm cỡ khác, và cuộc đời Tố Hữu có cái kết cục buồn hơn nhiều.


GHI CHÚ CUỐI CÙNG 19-8-2014 

Những ghi chép và cảm tưởng của tôi về các nhân vật nói trong bài này là thuộc về thời gian từ 2012 trở về trước.

Từ đó đến nay, nhiều nhân vật tôi từng theo dõi đã thay đổi và bản thân ý nghĩ của tôi về họ cũng thay đổi. Nhưng tôi không thể khước từ các nhận định hôm qua, vậy nên đã để nguyên như trên. Còn những suy nghĩ mới, sẽ xin trình bày vào một dịp khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét