NGUYÊN NGỌC - Tản mạn Hội An
Có lẽ đặc điểm đầu tiên của Hội An là nó… rất nhỏ. Thử hình dung một Hội An to gấp năm, bảy lần xem, chắc sẽ không còn là Hội An. Hệ quả của sự nhỏ: Nó cô đọng, đặc sánh. Đặc sánh của thời gian và của lịch sử.
Hồi nhỏ, buổi tối học bài xong, bọn trẻ con chúng tôi thường rủ nhau rong chơi một vòng “thượng chùa Cầu, hạ Âm Bổn” (1) trước khi về ngủ. Mút trên này chùa Cầu, mút dưới kia chùa Âm Bổn, thế là hết thành phố. Đôi chân học trò ngắn cũn của chúng tôi đi giáp một vòng như không, đủ biết Hội An nhỏ đến đâu. Nhỏ đến nổi chúng tôi thuộc lòng bất cứ xó xỉnh nào như chính trong nhà mình.
Vậy mà đêm nào đi cũng thấy thấp thỏm hồi hộp. Bởi vì chúng tôi biết rõ quành qua khỏi cái góc phố kia kìa, rất có thể chúng tôi sẽ bất ngờ chạm mặt một ông Tây râu ria xồm xoàm, da dẻ đỏ gay, mũi lõ mắt xanh, nồng nặc mùi rượu và mặn chát mùi nước biển. Ông sẽ đưa hai bàn tay to xù nắm chặt hai vai chúng tôi lắc lấy lắc để, cười ha hả, và nói bằng cái giọng lơ lớ:
-Ta là Marco Polo (hay là Magellan) đây. Ôi Đức Chúa B’lời, ta đã đi vòng hết quả đất tròn, bây giờ ta đến đây. Đây có fai-fo không? Fai-fo?...
Chúng tôi biết, sách giáo khoa lớp đồng ấu hay lớp dự bị cũng đã dạy rõ rồi mà: Cách đây bốn hay năm trăm năm. Đức Chúa Trời gọi là Chúa B’lời và Magellan hay Marco Polo cũng đi vòng quanh thế giới từ thời ấy kia. Nhưng bốn hay năm trăm năm đối với Hội An thì nghĩa lý gì! Chẳng qua cũng như ngày hôm qua thôi. Thậm chí, ngay ngày hôm nay. Không phải lịch sử ở đây ngưng chảy, mà lịch sử đặc sánh lại. Từ đường phố này đi qua đường phố khác, người ta có thể đi xuyên qua thời gian, Xuyên qua bốn hay năm trăm năm (thậm chí qua hàng ngàn năm, đến tận thời Champa). Như kiểu người đi xuyên tường của Marcel Aymé.
Hệ quả khác của sự nhỏ: Thân mật, như trong một cái làng. Thậm chí, trong một nhà.
Tôi có một anh bạn, nhà cũng loại khấm khá. Anh bảo, mãi cho đến gần đây, mỗi lần nhà có giỗ, cúng xong, bao giờ cũng phải có hai người khăn đen áo dài, một người gánh đủ các thứ bánh trái đi trước, người bưng mâm quả đi sau, đến trước mỗi nhà lại đặt quang gánh xuống, sắp vào mâm một ít bánh trái, và cung kính mang vào biếu người ta, gọi là đi kỉnh. Đi kỉnh như vậy khắp thành phố là một dòng họ. Một gia đình.
Đặc trưng của văn hóa thành phố buôn bán là sự lạnh lùng, không ai cần biết ai, không nhà nào cần biết nhà nào. Không biết, không cần biết nhà ngay bên cạnh. Con đường quan hệ duy nhất: Hàng hóa, đồng tiền.
Hội An từng có thời kỳ buôn bán phồn vinh, sầm uất nhất nước, nổi tiếng cả khu vực, là “chợ phiên”, là “hội chợ” của cả Đông Nam Á. Ấy là thời các chúa Nguyễn. Thời đó Hội An cũng là nơi duy nhất mà phần lớn dân cư sống không phải bằng sản xuất, mà bằng dịch vụ. Nghĩa là rất “hiện đại”. Một phương thức kinh tế hiện đại.
Về sau có lúc suy tàn đi. Nhưng bây giờ, trong đổi mới, lại là một trong những nơi làm dịch vụ năng động nhất nước. Vậy mà cái chất “làng”, thân mật, đầm ấm như làng của Hội An vẫn còn nguyên, hài hòa với tính năng động đô thị.
Một trong những cái thú khi đến Hội An, nhất là đối với du khách nước ngoài, là đi may com-lê, “xuýt mơ-dzuya”, thủ công, đường kim mũi chỉ duyên dáng…Nhưng thích nhất là muốn thời hạn bao nhiêu cũng được. Một tuần ư? Thì một tuần. Ba ngày? Thì ba ngày. Một ngày? Cũng được. Một buổi? vâng, một buổi. Thậm chí hai tiếng, hai tiếng phải có ngay để kịp ra sân bay. Vẫn sẵn sàng!...
Có cả một guồng máy âm thầm, không hề ồn ào, không hề tất bật, cứ thong thả ung dung như không mà chặt chẽ và hiệu lực. Guồng máy ấy chuyển động lặng lẽ trong các phố, chằng chịt, nhịp nhàng.
Cần một bộ com-lê trong một tuần. Thì một người may. Cần trong ba ngày. Thì năm người may. Cần trong vài tiếng. Thì hàng chục, thậm chí hai chục người may. Nhịp nhàng, chặt chẽ, ráp lại, đâu vào đó, không sai một đường chỉ, không lệch một mũi kim…
Tôi rất thích nhìn những người khách Tây đi may quần áo ở Hội An. Trông họ hớn hở, rạng rỡ như được chính bàn tay mẹ, hay bàn tay trìu mến của cô gái yêu nâng niu tự mình may cho một chiếc áo. Hình như ở đây, chỉ qua một việc đi may quần áo, họ tìm lại được một điều gì đó đã xưa cũ lắm, đã mất đi lâu lắm rồi trong xã hội công nghiệp rất đỗi hợp lý đến lạnh lùng.
Cho nên, nhân thể đây tôi muốn nói thêm, rất nhiều người phương Tây đến Hội An nói rằng họ không tìm thấy ở đây cái “lạ” exotique, mà là cái quen đã bị quên của một cội nguồn, có lẽ là cội nguồn chung của con người thuở còn trong veo.
Hội An còn đi xuyên qua thời gian trong nghĩa đó nữa.
Và hình như cũng khó tìm thấy ở đâu một nơi như ở Hội An, tại đó nhịp sống đô thị, cơ chế thị trường làm ăn năng động đua chen không giết chết cơ chế làng, làng gắn bó như một gia đình; cơ chế làng, quan hệ thân tình như một gia đình của làng không cản trở, trái lại hài hòa rất tự nhiên với một kiểu cơ chế thị trường làm ăn năng động đến độc đáo.
Đường phố Hội An rất hẹp. Tôi có một anh bạn vong niên, vốn người Đà Nẵng, quen từ hồi còn đi học. Cho đến tận bây giờ, mỗi lần gặp nhau, anh ấy vẫn chế giễu cái phố Hội An của tôi:
-Hội An của cậu ấy mà, sáng dậy hai nhà đối diện nhau hai bên đường muốn chào nhau chẳng phải bước ra cửa, chỉ cần thò tay qua cửa sổ bắt tay nhau ngang qua đường!
Đường phố hẹp đến nỗi nhỡ có cái xe du lịch gặp cái xe tải đi ngược chiều là một trong hai chiếc phải lùi lại mãi cho đến một ngã tư, quặt cái đít vào đấy, nhường đường cho xe kia đi qua…
Hẹp và nhỏ nên người ta quen biết nhau, tường tận đến con cái, cháu chắt từng nhà. Quen biết đến thân thiết. Thân thiết đến tự nhiên thấy có trách nhiệm về nhau. Không chỉ là trách nhiệm về vui buồn sướng khổ, hạnh phúc hay tai ương của nhau, mà hơn nữa cả về phẩm hạnh, danh dự của nhau.
Phẩm hạnh của cái cộng đồng gắn bó này. Đến Hội An, chỉ cần nán lại đôi ba bữa, tiếp xúc một số người, có thể nhận ra ngay điều này: người Hội An rất tự hào về cái phẩm hạnh của thành phố mình và biết rất rõ rằng đấy mới là cái quý nhất của phố Hội, còn hơn cả những ngôi nhà cổ nổi tiếng ở đây. Một niềm tự hào rất đáng yêu, sâu sắc, bền vững, nghiêm khắc, và khiêm nhường, nhẹ nhõm.
Ở đây từng xảy ra những điều kỳ lạ: suốt thời gian Mỹ chiếm đóng miền Nam, văn hóa xô bồ kiểu Mỹ tràn ngập khắp nơi, nhưng hoàn toàn không vào nổi Hội An. Mà chẳng cần có rào cản nào cả.
Ngày nay cũng vậy: có lẽ Hội An là nơi đô thị duy nhất ở nước ta bây giờ tuyệt đối không có tệ nạn ma túy và tai họa HIV. Và bạn cứ đến xem vẫn chẳng có rào cản nào ghê gớm hết. Cái văn hóa ở đây, chẳng hề ồn ào chút nào, lại có một sức đề kháng kỳ lạ. Nghe nói ông Lý Quang Diệu khi nói về thành công của Singapore đã nhắc nhiều đến yếu tố quyết định của gia đình. Hội An đậm lắm yếu tố ấy.
Câu chuyện đó, nghĩ cho cùng, có thể không nhỏ. Rất có thể đó là cái điều ngày nay người ta gọi là phát triển bền vững. Phát triển một cách có văn hóa, trên một cơ sở tinh thần trông chừng rất lặng lẽ, mà sâu xa, vững chắc.
*
Chính anh bạn đã nói với tôi câu chuyện “đám giỗ đi kỉnh cả thành phố” còn kể với tôi một câu chuyện khác: anh vốn là bộ đội, đi tập kết ra Bắc, lấy vợ Hà Nội, nay hưu cả hai vợ chồng về sống Hội An. Một lần, cũng là dịp gia đình có giỗ, chị vợ anh đi chợ Hội An. Và chị vô cùng ngạc nhiên. Chị đến một hàng thịt, hỏi mua. Người bán hỏi lại:
- Chị định mua thịt ni làm chi?
- Tôi định làm giò chả.
Chị bán thịt liền bảo:
- Rứa thì đừng mua thịt của tui, chị à. Thịt của tui bữa ni dở lắm, quết chả không ngon đâu. Chị xuống cái hàng gần cuối dãy kia kìa, hàng đó bữa ni có thịt ngon lắm…
Cô gái Hà Nội ấy bảo: Không ở đâu chị từng thấy người ta buôn bán như ở Hội An: Nói với khách hàng rằng hàng của tôi chuyến này kém chất lượng lắm, chớ nên mua!...
Không chỉ một chị bán hàng thịt heo ở chợ. Tất cả những người bán hàng ở Hội An đều như vậy. Có một nền văn hóa buôn bán “rất Hội An”, có thể nói như thế. Và tôi muốn nói thêm điều này: không chỉ là đức thật thà, chân chất, trong sáng. Còn hơn thế nữa: ở Hội An, mỗi người làm nghề - nghề buôn, nghề mộc, nghề may, nghề thêu, nghề bán thịt… không chỉ yêu mà còn coi cái nghề của mình như một tôn giáo. Đó là một thứ đạo đức thiêng liêng được truyền đời ở đây.
Ngày nhỏ, khi còn đi học những năm đầu trung học tại phố Hội, tôi có biết một người bán xíu mà (tức “chí mà phù”) có lẽ không người Hội An nào không quen và nhớ. Một cái hủ xíu mà bé tí, đôi quang gánh đong đưa, cái dáng đi ngay từ hồi đó đã lom khom, và tiếng rao “xíu...mà!” nhỏ mà âm vang của ông…hình ảnh và âm thanh ấy, có gì đâu, lại có sức mạnh vượt thời gian kỳ lạ, còn mãi trong ký ức sâu thẳm nhất của bao nhiêu thế hệ người Hội An “xíu…mà!”. Mới đây tôi có nhận được thư của một người bạn vốn cùng quê Hội An, nay sống ở Hoa Kỳ. Những bức thư như vậy, ai cũng biết, đều thấm đẫm lòng nhớ quê hương. Anh hỏi thăm người này người nọ. Và lời hỏi thăm thắm thiết nhất của anh là về “ông già xíu mà” ấy. Anh bảo đêm khuya ở Cali, khi mọi sự đã yên tĩnh, đôi lúc anh chợt giật mình thức giấc vì hình như bỗng nghe văng vẳng tiếng rao “xíu…mà!” không thể nào quên.
Tôi đi xa Hội An từ ngày toàn quốc kháng chiến tháng 12 năm 1946. Gần 50 năm sau mới trở về. Kỳ lạ thay, “ông già xíu mà” ấy vẫn còn. Và ông vẫn còn đi bán xíu mà. Vẫn cái hũ xíu mà nhỏ xíu, vẫn đôi quang gánh đong đưa. Vẫn bước đi chậm chạp đến như lững thững, âm thầm qua các phố. Chén xíu mà vẫn đúng y cái vị nửa thế kỷ trước, béo, bùi, thoang thoảng mùi thuốc bắc lẫn với mùi dân dã của hạt mè…Chỉ có ông xíu mà của chúng tôi đã già lắm (Trời! Tôi nhớ hồi chúng tôi còn trẻ con trung học, ông cũng đã già rồi kia mà!), lưng còng như gãy làm đôi, gần thành hình thước thợ. Người ta bảo với tôi rằng bây giờ con cháu ông làm ăn khấm khá lắm, giàu có nữa là khác, chính ông cũng khá lên nhiều lắm, nhưng ông vẫn không chịu bỏ cái nghề đi bán xíu mà. Ông bảo món xíu mà bây giờ người ta bán không ngon, nấu không đúng cách. Chén xíu mà ngày xưa chỉ có mấy xu, bây giờ mấy trăm. Nhưng một trăm hay một xu cũng phải nấu cho đúng cách.
Người Hội An là vậy. Người bán xíu mà coi cái nghề xíu mà của mình là một tôn giáo. Làm sai, chết không nhắm mắt được!
Ông già xíu mà của chúng tôi đã qua đời cách đây vài năm. Tôi có nói với anh chủ tịch Hội An: giá như trong dịp ấy, Hội An, chính quyền hay các đoàn thể Hội An đứng ra tổ chức một cái tang lễ thân mật và trang trọng, chắc người ta sẽ đến đông lắm. Ông già vô danh ấy là một nhân vật văn hóa của Hội An, nhỏ thôi, nhưng không gì bù đắp được.
Nhiều người lớn tuổi ở Hội An bảo rằng suốt gần ba phần tư thế kỷ bán xíu mà, ông già ấy chỉ sử dụng có hai chiếc đòn gánh, đến mòn vẹt, cong vòng, lên nước đen nhánh và mỏng dính. Cũng có người kể với tôi rằng ông già ấy chết lúc đang gánh xíu mà đi rao trên đường phố, đột ngột gục xuống, chiếc đòn gánh còn gác trên vai. Tôi không lấy làm chắc lắm về chuyện này. Rất có thể một nhân vật như vậy thường là ngọn nguồn của bao truyền thuyết.
Tôi có một mong ước: Hội An có một bảo tàng văn hóa. Và đến đó, ta có thể chiêm ngưỡng chiếc đòn gánh mòn vẹt của ông già xíu mà của chúng tôi.
*
Còn một nhân vật “truyền thuyết” nữa, cũng vừa mới mất cách đây hơn năm: bà Một bán rau sống.
Hội An có làng Trà Quế rau sống ngon nổi tiếng (không hiểu vì sao người Hội An thường thích gọi là Nhà Quế chứ không phải Trà Quế. Nhà Quế nghe dân dã thân mật hơn chăng?). Rau sống Trà Quế cũng là các loại rau có thể tìm thấy ở những nơi khác, nhưng lại có một mùi thơm riêng không nơi nào có được. Vì chất đất đặc biệt ở đây chăng? Người ta bảo còn do rau được bón bằng một loại rong chỉ có ở đầm Trà Quế. Cái đầm ấy đậm đặc chất lịch sử.
Ngày xưa, hồi thương cảng Hội An phồn thịnh thời Champa, rồi thời các chúa Nguyễn cái đầm ấy nguyên là một vịnh biển kín tuyệt vời, nơi tàu bè đến từ Trung Hoa, Nhật Bản, cả Trung Cận Đông, có thể cả từ Địa Trung Hải…tập trung tới hàng ngàn chiếc, cột buồm san sát như cả một thành phố nổi. Vịnh Trà Quế cạn đi, biến thành đầm, gắn liền với quá trình suy tàn của thương cảng Hội An. Thứ rong chỉ mọc ở đây, người ta bảo tôi, như là một nỗi hoài nhớ của Hội An về cái thời vàng son đã đi qua đó. Một cuộc thương hải tang điền. Nhưng trong con người Trà Quế, nay hoàn toàn là nông dân, dường như vẫn còn đậm lắm cái dấu vết văn hóa một thời đô thị xưa…
Bà Một Trà Quế chuyên bán rau sống chợ Hội An là một con người như vậy. Gánh rau sống của bà đẹp như một tác phẩm nghệ thuật, hình khối, đường nét, màu sắc của từng loại rau xếp cạnh nhau, loại nào đi với loại nào, số lượng từng loại, cả sự hài hòa của mùi vị nữa, nghiêm cách và tài loa như được sắp đặt bởi một bàn tay nghệ sĩ. Hay cũng có thể: như khi người ta sắp lễ vật lên bàn thờ tổ tiên. Bởi bà Một cũng vậy, bà coi cái nghề bán rau sống suốt một cuộc đời hơn năm mươi năm là một tôn giáo. Đã là một tôn giáo thì phải hết sức nghiêm cách. Rau sống của bà Một đảm bảo sạch đến mức mua xong có thể bày ngay lên đĩa và ăn luôn, không cần rửa lại.
Gọi là bà Một bán rau sống chợ Hội An, nhưng kỳ thực chẳng mấy khi bà gánh rau ra được đến chợ: trên dọc đường đi người ta đã mua hết. Bà Một ghé lại từng nhà, đặt gánh rau xuống trước cửa, đôi bàn tay đã già mà các ngón vẫn thon đẹp lạ lùng, bà nhón bốc từng mớ rau, nhẹ nhàng, cẩn trọng như người ta bốc thuốc bắc. Đĩa rau đặt trên bàn: thế là trong nhà ta đã có được một bức tanh nghệ thuật, hài hòa, sống động, mát rợi…
*
Đến Hội An, lúc đêm đã hơi khuya, và có thêm một chút lạnh se se nữa thì càng hay, tôi muốn giới thiệu với các bạn một món ăn thú vị: món chè đậu ván. Có lẽ cần một địa chỉ cụ thể chính xác hơn: chè đậu ván của bà Giáp Thêm. Bà Giáp Thêm nay đã mất, nhưng cô con dâu bà đang tiếp tục sự nghiệp của mẹ chồng. Đặc điểm: Nước trong veo, hạt đậu còn nguyên, tuyệt đối không có một hạt vỡ, một vết nứt nhỏ cũng không. Bỏ vào miệng cứ tan ra, mịn bâng, dịu mát đến lịm người.
Cũng như những người bán hàng ăn truyền thống và dân dã ở Hội An, bà Giáp Thêm chuyên nghề chè đậu ván suốt đời. Trọn một đời cho đến khi chết thì truyền lại cho con.
Món chè đặc biệt như vậy, bí quyết ở đâu? Hỏi kỹ ra, là ở đường. Rất lạ, phải sử dụng hai loại đường.
Một là đường bát. Bạn đã biết đường bát Quảng Nam chưa? Đó là loại đường thô sơ nhất, cục mịch nhất, dân dã, quê mùa nhất trong tất cả các loại đường, là thứ đường vừa mới qua khỏi quy trình mật, đổ luôn vào một cái bát, cho đặc lại, đen sì, còn đầy tạp chất: mùi đất cày, mùi rơm rạ, mùi mồ hôi con người, thậm chí cả mùi nước đái trâu…
Đường bát pha chế với đường phèn, tức là loại đường tinh chế cao cấp nhất, sang trong, quý phài nhất trong các loại đường thủ công.
Một kết hợp kỳ lạ như vậy đấy, của hai cực đối lập ở hai đầu tuyệt đối của quy trình sự sống của cái thô sơ nhất với cái tinh tế nhất, để làm nên tác phẩm nghệ thuật ẩm thực quen thuộc mà lạ lùng của bà Giáp Thêm.
Hội An là vậy đó. Rầt dân gian, mà cứ hiện đại. Rất lịch sự văn minh, mà cứ dân dã chân thật. Rất mới, mà cứ xưa.
Một cuộc đi xuyên tường kỳ diệu, nơi con người nhẹ nhàng như không, khắc phục tuyệt vời dòng cuốn chảy lạnh lùng và khắc nghiệt của thời gian.
11-2000
(1) Có nhà nghiên cứu cho rằng phải gọi đúng là chùa Ông Bổn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét