Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2019

Hoàng hạc lâu

Hoàng hạc lâu


Hoàng Hạc lâu được trùng tu theo di chỉ
của lần tái thiết vào năm Đồng Trị thứ 7 (1868).

Hoàng Hạc lâu là tên một ngọn tháp cổ trên Di sơn, thuộc hạt Vũ Xương thành phố Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc, một trong Giang Nam tứ đại danh lâu[1].

Lịch sử
Hoàng Hạc lâu được xây cất từ thời Tam quốc, vào năm 223, cách nay ngót nghét 1.800 năm. Tôn Quyền cho xây tòa tháp này trên ghềnh đá Di sơn, theo kiểu tứ phương bát diện, mục đích để quan phòng quân sự. Đến năm Vĩnh Thái nguyên niên (765) đời Đường, Hoàng Hạc lâu đã có kiến trúc quy mô nổi tiếng. Trải binh đao loạn lạc triền miên, tòa tháp lừng danh cũng nhiều lượt phải tang thương, riêng hai triều Minh, Thanh, tháp đã 7 lần bị phá hủy và 10 lượt sửa chữa trùng tu. Lần cuối cùng tháp bị phá vào đời Thanh là năm Quang Tự thứ 10 (1884). Hình dạng hiện thời của Hoàng Hạc lâu được trùng tu theo di chỉ của lần tái thiết vào năm Đồng Trị thứ 7 (1868).

Năm 1957, Trung cộng xây “Trường giang đại kiều” nối hai bờ Trường giang ở Hán Dương và Vũ Xương, người ta đã triệt phá Hoàng Hạc lâu. Phải 1/4 thế kỷ sau, vào tháng 10-1981, chính quyền mới cho xây lại tháp trên nền cũ, công trình hoàn thành vào tháng 6-1985. Thuở xưa, cổ tháp chỉ có 3 tầng, với chiều rộng ước 15m, tổng chiều cao 24m. Tháp mới được xây bằng bê-tông cốt thép, có 5 tầng, rộng gấp đôi (30m), và cao 51,4m.

Dựa vào những tài liệu lịch sử có được, người ta đã tái tạo được phần nào phong khí vừa lãng mạn hào hoa vừa trang nghiêm thoát tục của Hoàng Hạc lâu. Tháp mới được trang trí những hạc tiên vờn lượn giữa mây trời, với rồng phượng theo chầu. Tầng thứ nhất thiết kế theo chủ đề “Truyền thuyết” với bức tranh gốm sứ khổng lồ “Bạch vân hoàng hạc”, hai bên là đôi vế đối cao 7m:

Sảng khí tây lai, vân vụ tảo khai thiên địa hám;
爽氣西來,雲霧掃開天地撼;
Đại giang đông khứ, ba đào tẩy tịnh cổ kim sầu.
大江東去,波濤洗淨古今愁。

(Khí trong từ phương tây đưa tới, mây mù vén mở khiến trời đất rùng mình;
Sông lớn chảy về đông, sóng xô rửa sạch nỗi buồn xưa nay).

Tầng hai, chủ đề “Lịch sử”, với những bích họa mô tả thời Tam quốc như Tôn Quyền xây thành, Chu Du đãi tiệc. Tầng ba “Văn nhân”, là tượng các danh gia Tống Đường: Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Lục Du, Nhạc Phi… cùng những thơ ca họ đề vịnh Hoàng Hạc cổ lâu. Tầng bốn theo chủ đề “Truyền thống”. Tầng năm “Vĩnh tồn”. Cứ lên mỗi tầng, tầm mắt du khách lại thêm mở rộng, bao quát cả trường giang.

Dòng chảy liên miên bất tuyệt của mấy ngàn năm văn hiến tạo thành nguồn cảm hứng bất tận, ngành du lịch Trung quốc lại khéo khai thác lịch sử nên đã gặt hái những thành quả đáng phục. Từ chỗ chỉ là một bản sao cổ tháp được nâng cấp, phóng to, tầm vóc Hoàng Hạc lâu nay đã mở rộng thành khu du lịch 150ha. Nhiều công trình nguy nga khác như Nam lâu, Bạch Vân lâu… mọc lên, bổ trợ tiên lâu Hoàng Hạc, tạo thành một quần thể kiến trúc độc đáo, được xếp hạng một trong 40 thắng cảnh du lịch quốc gia của Trung quốc.


Truyền thuyết

Như đã nói, lầu Hoàng Hạc vốn chỉ là một tháp canh, nhưng có lẽ nhờ vị trí phong thủy đắc vượng địa nên linh khí tụ về, tiếng thơm của lầu ngày một vang lừng. Lệ thường chỉ thấy tháp lấy tên theo núi, còn đây thì núi phải đổi tên theo tháp: Di sơn từ khi có Hoàng Hạc lâu, còn đuợc gọi Hoàng Hạc sơn. Thần tiên các loại cũng bắt đầu nườm nượp lui tới lầu Hoàng Hạc, vì để giải thích cái tên của cổ lầu, hơn chục truyền thuyết được đặt ra: Sách Tề hài chí đời Đường kể chuyện có vị tiên Vương Tử An từng cưỡi hạc vàng ngang qua nơi này. Theo Thuật dị ký đời Nam Bắc triều, có người tên Tuân Hoàn chuộng tu tiên, ghé chơi lầu này thì gặp vị tiên sà xuống cùng uống rượu ngâm thơ, tàn cuộc nhậu thì tiên ông cưỡi hạc vàng bay mất. Ngạc châu đồ kinh đời Đường cũng kể rằng Phí Văn Y sau khi thành tiên từng cưỡi hạc vàng ghé nghỉ chân ở lầu Hoàng Hạc.

Chi tiết nhất là truyền thuyết về Lữ Động Tân. Trong kinh sách Toàn Chân giáo có chép Tân thường ghé lầu Hoàng Hạc chơi và giảng đạo, “Hoàng Hạc lâu đầu lưu thánh tích”. Lữ Động Tân là ông tiên chịu chơi nhất trong Bát tiên, cờ gian bạc lận ăn lường chơi quỵt không sót món nào. Nhà văn Kim Dung khi xây dựng tính cách cho nhân vật Lệnh Hồ Xung trong Tiếu ngạo giang hồ hẵn đã mượn hình tượng Lữ Động Tân (nhất là đoạn đưa ni cô Nghi Lâm vô nhà chứa).

Trở lại chuyện ông tiên, Lữ Động Tân tính thích uống rượu nhưng lại hay quên trả tiền. Quán nọ ở Di sơn bán rượu ngon, Tân thường xuyên ghé vào kêu mồi nhậu nhưng không lần nào thanh toán hóa đơn. Cứ vậy suốt hai năm, chủ quán vẫn ân cần tiếp đãi không một lời phàn nàn. Chừng đã thèm, sắp rời đi, Tân múa bút vẽ lên tường bức họa một con hạc vàng. Mỗi khi có khách, hạc từ trong tranh vùng ra bay lượn gáy vang theo điệu nhạc. Từ khi có hạc thần, khách đông nườm nượp, chủ quán vừa bán vừa chửi vừa đuổi bớt mà thiên hạ vẫn cứ chui đầu vô ăn dộng. Hai năm sau nữa, Lữ Động Tân trở lại quán, rút sáo ra thổi, hạc vàng lập tức chui vào tay áo tiên nhân, Tân hóa gió bay mất. Chủ quán đã nên giàu có, nhớ ơn phù hộ, bèn đứng ra trùng tu cổ tháp trên Di sơn. Từ đó, tháp này có tên lầu Hoàng Hạc.


Bài thơ Hoàng Hạc của Thôi Hiệu

Hoàng Hạc lâu là thiên cổ danh lâu, thiên hạ tuyệt cảnh, tao nhân mặc khách các đời xúm nhau đề thơ tới tấp, thậm chí cả Mao Trạch Đông cũng sung ba khía múa bút đề ở đây một bài từ (tất nhiên là như hạch) theo điệu Bồ tát man. Chắc xưa kia, bức tường cổ lâu bực bội lắm, vì phải đa mang tạp-pí-lù thi văn chằng chịt trên mình.

Thơ vịnh Hoàng Hạc lâu có hàng trăm bài, xin chỉ kể ra vài bài đáng đọc:
Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng 黃鶴樓送盂浩然之廣陵, 
Dữ Sử lang trung khâm thính Hoàng Hạc lâu thượng xuy địch 與史郎中欽聽黃鶴樓上吹笛, 
Vọng Hoàng Hạc lâu 望黃鶴樓, 
Túy hậu đáp Đinh thập bát dĩ thi cơ dư chủy toái Hoàng Hạc lâu 醉後答丁十八以詩譏餘槌碎黃鶴樓, 
Giang Hạ tống hữu nhân 江夏送友人, đều của Lý Bạch. 
Cha nội Lý Bạch làm bộ khiêm tốn chào thua[2] thơ Hoàng Hạc của Thôi Hiệu, nhưng vẫn cứ ngứa nghề làm luôn mấy bài liên quan lầu Hoàng Hạc. 

Ngoài ra, còn cỡ chục bài cùng có tên Hoàng Hạc lâu 黃鶴樓, của Giả Đảo, Tống Chi Vấn, Nhạc Phi, Lục Du, Phạm Thành Đại, Bạch Cư Dị, Lưu Vũ Tích, Vương Duy… Tất thảy những thơ đó, tuy cũng hay, nhưng đều dưới cơ bài của Thôi Hiệu.


Thôi Hiệu (704-754), người Biện Châu (nay thuộc thành phố Khai Phong tỉnh Hà Nam), nhà thơ đời Đường. 19 tuổi đỗ tiến sĩ, làm quan đến Giám sát Ngự sử. Lúc trẻ, làm thơ theo lối diễm tình phù phiếm, sau này nhờ bỏ quan đi phượt nên thi tứ dồi dào, hơi thơ từ đó cũng gân guốc già dặn. Tác phẩm của ông hiện chỉ còn lưu được 42 bài thơ, trong đó Hoàng Hạc lâu được tôn là thiên cổ tuyệt xướng.

《黃鶴樓》 Hoàng hạc lâu

昔人已乘黃鶴去 Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
此地空餘黃鶴樓 Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
黃鶴一去不復返 Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
白雲千載空悠悠 Bạch vân thiên tải không du du
晴川歷歷漢陽樹 Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
芳草萋萋鸚鵡洲 Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
日暮鄉關何處是 Nhật mộ hương quan hà xứ thị
煙波江上使人愁 Yên ba giang thượng sử nhân sầu

Bài thơ này từng được các bậc tiền bối đại danh đỉnh đỉnh Tản Đà, Trần Trọng Kim, Trần Trọng San, Ngô Tất Tố, Vũ Hoàng Chương… dùng thơ để dịch qua, tôi chẳng dại làm chuyện ruồi bu hột xoài[3], chỉ tạm dịch nghĩa ra đây theo chỗ hiểu của mình:

LẦU HOÀNG HẠC

Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi
Nơi đây chỉ còn lầu Hoàng Hạc
Hạc vàng một đi không trở lại
Mây trắng ngàn năm vẫn thênh thang lưng trời
Hàng cây mé Hán Dương rực rỡ trên sông tạnh
Bãi Anh Vũ um tùm cỏ thơm ngan ngát
Buổi chiều tà, tự hỏi quê nhà là đâu
Khói tỏa sóng gợn trên sông khiến lòng thêm buồn

Kẻ dịch thơ đã nhiều, người bình thơ cũng lắm. Có thể nói, ngoại trừ Ngục trung nhật ký thì Hoàng Hạc lâu chính là bài thơ được nhiều nhà ở ta bình nhất. Tôi cũng làm gan bình chơi, cho vui vậy mà!

Hãy nói về hình thức trước. Đây là bài thơ phóng túng, phá cách lia chia. Hai câu 3-4, chẳng những thất niêm (bất phục phản, không du du), mà còn đối không chỉnh. Đã vậy, bài thơ chỉ 56 chữ mà hai chữ “Hoàng hạc” lại lặp lại ba lần liên tiếp, đây là đại kỵ trong thơ Đường. Nên biết, thời Thôi Hiệu, luật thơ Đường đã hoàn chỉnh và thành quy củ từ lâu; chính Thôi Hiệu trong những bài thơ khác của mình cũng không hề phạm phải những lỗi sơ đẳng này. Và những chỗ sái luật hiếm có đó lại gợi nên kỳ thú cho người đọc, hỏi có ngộ không?

Đó đều nhờ ở nội dung bài thơ, thi tứ dồi dào xô đẩy khuôn khổ thơ đi, câu chữ như muốn phá tung giấy mực mà bay lên, rõ ra khí vị của hạc vàng tung cánh.

Có một chỗ người ta nhầm, cho là Thôi Hiệu phá cách, ấy là chữ “khứ” trong câu đầu: “Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ”. Hồi còn đi học, có ông giáo sư ngữ văn Đại học Tổng hợp cứ khoái trá thao thao, giảng rằng chữ “khứ” phá vần ấy vút lên vượt khỏi thường tình, chính là tiếng hạc gáy ngang trời. Tôi không nỡ cãi làm thầy mất hứng, chứ thiệt ra chữ “khứ” có đến hai âm: là “khứ” và “khu”, ai không tin giở tự điển ra tra thì biết. Cho nên câu thơ đó phiên âm đúng ra phải là: “Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khu, tuôn trôi một hơi thuận dòng với câu sau “Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu”, nói lên sự bâng khuâng nhớ tiếc thần tiên xa khuất, thiệt xui!

Đọc kỹ toàn bài thơ, sẽ thấy kết cấu bài này còn khác thường ở chỗ: 4 câu đầu thoát sáo tung tăng, nhưng xuống 4 câu sau lại thu về khuôn khổ nhịp nhàng chuẩn mực. Có thể nói đây là một bài thơ hai khổ, khổ đầu theo lối cổ phong phóng khoáng, mượn truyền thuyết để gửi u hoài mênh mang thế sự. Sang khổ sau, hơi thơ chuyển sang Đường luật, về với thực tại nhìn lại thân phận buồn thiu, trải nỗi nhớ nhà loang trên sóng nước. Cái thần của bài thơ (cũng chính là chỗ khó dịch nhất) lại nằm ở những từ láy tuôn ra trùng điệp như sóng vỗ bờ (du dulịch lịchthê thê) những điệp từ này đã gắn kết hai khổ thơ lại thành khăng khít liền lạc, chung trong một nỗi bồi hồi.

Lý Bạch sau đó đã phỏng theo bút pháp này để làm bài “Phụng hoàng đài” nhưng vẫn không sao bằng được Thôi Hiệu. Bạch dĩ nhiên vẫn là Thi tiên, có vị trí không người thay thế trong văn học Trung Hoa, nhưng để làm được một bài thơ không những chỉ làm xao xuyến cả nghìn sau mà còn mang lại thanh vọng cho cả một di tích như Thôi Hiệu thì ngoài cái tài ra, còn phải có nhiều duyên may kết hợp trong cùng một thời điểm: cảm xúc chín muồi, đề tài thích hợp, và ngẫu hứng xuất thần.

Bài thơ Hoàng Hạc của Thôi Hiệu là bài thơ quỷ quái, cứ mỗi lần đọc là lại khám phá thêm điều vi diệu. Nó không chỉ ám ảnh những nhà thơ Trung Hoa[4] mà còn gây cảm hứng dạt dào cho cả thi nhân Việt Nam, trong số đó phải nhắc đến Huy Cận, với bài Tràng giang tuyệt tác. Thôi Hiệu kết bài Hoàng Hạc bằng nỗi buồn nhớ quê lan trên khói sóng “Yên ba giang thượng sử nhân sầu”, thì Huy Cận đã kết Tràng giang bằng câu: “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”, đẩy tứ thơ Hoàng Hạc lên một cung bậc sâu nặng hơn, thấm thía hơn. Đây cũng là ví dụ tiêu biểu nhất cho ảnh hưởng đẹp đẽ của thơ Đường đối với văn chương xứ mình.

Lầu Hoàng Hạc khi xưa Thôi Hiệu đến viếng đã không còn, trên ghềnh núi nọ chỉ còn lại bản sao của cổ tháp thuở nào, nhưng bài thơ Hoàng Hạc sẽ còn làm rung động lòng người đến ngàn năm sau nữa.

_________
[1] Giang Nam tứ đại danh lâu (hay “Trường giang tứ đại danh lâu”): Hoàng Hạc lâu, Nhạc Dương lâu, Đằng vương các, Tạ thiếu lâu.

[2] 一拳捶碎黃鶴樓 Nhất quyền chủy toái Hoàng Hạc lâu
一腳踢翻鸚鵡洲 Nhất cước thích phiên Anh Vũ châu
眼前有景道不得 Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
崔顥題詩在上頭 Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu

(Một quyền đập vỡ lầu Hoàng Hạc
Một cước đá nhào châu Anh Vũ
Trước mắt có cảnh mà bị ngọng
Thôi Hiệu đã đề thơ đè đầu mất rồi)

[3] Nhẩm lại, có không dưới 80 bản dịch Việt ngữ bài thơ Hoàng Hạc. Trong số đó, dù không ít bản dịch xàm xí mứng thì cũng góp công phát tán, khiến áng thơ tuyệt tác này được nhiều người biết đến.

[4] Bọn thi nhân Tàu thuở ấy còn dặn nhau, khi tiễn đưa bạn bè chớ nên làm tiệc ở Hoàng Hạc lâu, vì sợ câu: “Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản”, e sẽ có huông!
















Lầu Hoàng Hạc thế kỷ 19

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét