Thứ Ba, 29 tháng 10, 2019

Có phải người Việt thường không triệt để?


Có phải người Việt thường không triệt để?

Nhà văn Nguyên NgọcTiền Phong (2007)
Cũng rất cần suy nghĩ về cách tiếp nhận các ảnh hưởng bên ngoài của người Việt, có lẽ càng đặc biệt quan trọng trong thời hội nhập hiện nay. Người Việt tiếp nhận văn hóa Phật giáo rất sớm, thậm chí còn sớm hơn cả Trung Hoa.
Phật giáo từ Chămpa và qua đường biển đã vào đất Việt ngay từ trước Công nguyên. Luy Lâu (Kinh Bắc) là trung tâm Phật giáo lớn và rất sớm của Việt Nam, từng là một trong những nguồn truyền Phật giáo sang Trung Quốc.
Suốt một nghìn năm Bắc thuộc, hệ tư tưởng để tập hợp dân tộc, chống đồng hóa quyết liệt và tàn bạo của phương Bắc là hệ tư tưởng bản địa của người Việt được tăng cường bằng văn hóa Phật giáo …
Đến thế kỷ thứ 10, sau khi khôi phục được nền độc lập, thì người Việt lại có một lựa chọn độc đáo: Chủ động tiếp nhận Nho giáo, chủ động rời bỏ gốc Đông Nam Á của mình, chuyển sang văn hóa Đông Á.
Lý do nằm ở chỗ, tổ chức nhà nước đông Nam Á là tổ chức theo kiểu “liên hiệp” các tiểu quốc, một hình thức tổ chức nhà nước mềm mại, “dân chủ”, nhưng lại rất lỏng lẻo, không thể nào đủ sức chống ngoại xâm phía Bắc từ nay đã trở nên thường trực.
Người Việt tiếp nhận Nho giáo chính là để học lấy cách tổ chức nhà nước trung ương tập quyền mạnh theo kiểu Trung Hoa, để chống lại chính ngoại xâm thời Trung Hoa phong kiến.
Như vậy, có thể thấy cả hai lần người Việt tiếp nhận ảnh hưởng của hai nền văn hóa rất lớn ở quanh mình đều là để nhằm mục đích chống ngoại xâm.
Phật giáo, như chúng ta biết, là một hệ thống triết học hết sức uyên thâm, nhưng người Việt hầu như chưa bao giờ tiếp nhận đến nơi đến chốn, triệt để chất triết học sâu xa của Phật giáo.
Ở cấp triều đình thì đưa Phật giáo vào tổ chức hệ thống nhà nước, vận những điển huấn của Phật làm thành một kiểu luật pháp cai trị đất nước, còn bên dưới thì Phật giáo lại hòa nhập với những đức tính nhân ái của người bình dân để trở thành một thứ đạo đức dân gian giản dị, hiền hòa.
Có lẽ chỉ đời Trần đã có cố gắng tương đối rõ rệt xây dựng một hệ tư tưởng riêng của Việt Nam trên cơ sở vận dụng triết học Phật giáo. Nhưng nhìn chung cũng chưa được bao nhiêu và cũng là dở dang.
Vua Trần Nhân Tông từng nhường ngôi cho con, lên tu ở núi Yên Tử, viết Khóa Hư Lục, nhưng chỉ được mấy năm thì đã lại xuống núi đánh giặc, rồi vào tận Trà Bàn, kinh đô Chiêm Thành tính chuyện gả Huyền Trân đổi đất để mưu sự Nam tiến…
Tiếp nhận văn hóa Pháp, đầu thế kỷ XX chúng ta đã xây dựng được một nền văn học hiện đại rất đáng quý. Song mặt khác nhìn kỹ mà xem, văn học Pháp có cái gì thì ta cũng có cái ấy, chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa hiện thực phê phán, chủ nghĩa lãng mạn, đađa, siêu thực … đủ cả, nhưng đều là mỗi thứ một ít, nhỏ nhoi, và cũng dở dang…
Sự tiếp nhận văn hóa của người Việt rõ ràng mang khá đậm chất thực dụng. Học của người khác rất nhanh, rất thông minh, nhưng là học để vận dụng ngay cho những mục đích thiết thực, trước mắt của mình, do đó chẳng mấy khi đi đến được triệt để.
Học để dùng ngay. Thậm chí dùng xong rồi thì nhiều khi sẵn sàng vứt đi luôn! (thôi chữ Hán khi Pháp vào, thôi tiếng Pháp khi đuổi được đô hộ Pháp đi, ít dùng chữ Nga khi không còn quan hệ khăng khít với Nga nữa…).
Người Việt cũng không có một hệ thống triết học cho riêng mình. Đó chắc chắn là những nhược điểm rất lớn của dân tộc, không thể không nói thẳng và suy nghĩ kỹ, nếu chúng ta thật sự muốn nói đến một sự phục hưng dân tộc.
Tôi luôn mong có được một sự nghiên cứu so sánh thật nghiêm túc, sâu sắc giữa ba nước Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, về lịch sử, văn hóa, xã hội …, con đường đi, những chọn lựa lịch sử lớn và số phận của từng dân tộc. Sẽ rất có ích.
Nhà triết học Francois Jullien có lần nói với tôi Nhật không chịu ảnh hưởng nhiều của Nho giáo, bởi trước đó Nhật đã có Thần đạo rất mạnh. Và trong lịch sử văn hóa Nhật từng có một quá trình phi Hán hóa mạnh mẽ. Tiếp nhận, nghiên cứu và chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất của Nho giáo là Hàn Quốc.
Còn ta thì sao? Hình như lâu nay đối với một vấn đề văn hóa quan trọng như thế này ta cũng chỉ mới có những tiếp cận qua loa, chưa bao giờ tập trung làm cho đến nơi đến chốn.
Muốn có một nền văn hóa tiên tiến, phải học thật triệt để
Tôi thường suy nghĩ về Nhật Bản và rất mong có được một nghiên cứu sâu về Nhật, đặc biệt về giai đoạn Nhật Bản duy tân, tiếp xúc với phương Tây. Trong cuộc tiếp xúc ấy, ta đã thất bại nặng nề, mất nước, còn Nhật thì không, ngược lại cường thịnh lên, đến mức trở thành cường quốc thế giới. Vì sao?
Lúc bấy giờ Nhật đã ra sức học phương Tây, học đến cùng, quyết liệt, triệt để. Rốt cuộc Nhật vừa là nước hiện đại hóa thành công nhất vừa giữ được bản sắc văn hóa Á Đông đặc sắc, độc đáo nhất...
Ta đã bao giờ suy nghĩ so sánh cách học, kết quả học của Nhật với của ta, để thật sự nghiêm túc rút ra bài học chưa, càng đặc biệt cho hôm nay khi ta đã quyết đi ra biển lớn của hội nhập.
Nền tảng văn hóa chung của xã hội còn thấp
Suy nghĩ về nền văn học nước nhà, có lần tôi đã từng có chút ít bi quan, nhưng rồi nhìn lại kỹ thì thấy trong văn học của chúng ta vẫn thường xuất hiện nhiều người có tài, lắm khi khá bất ngờ.
Nhưng chính trường hợp Nguyễn Ngọc Tư lại khiến ta không khỏi lo. Tài năng ấy sẽ phát triển như thế nào đây trên cơ sở một nền tảng văn hóa và giáo dục không chỉ thấp mà còn quá nhiều vấn đề bất cập như ta đang có?
Hình như trong văn học ta có đặc điểm này: Các tài năng thường xuất hiện rất sớm, kiểu “thần đồng”, như Nguyên Hồng 16 tuổi đã viết Bỉ vỏ , Chế Lan Viên 17 tuổi viết Điêu tàn, v.v..
Nhưng rồi không ai đi được thật xa, đến tầm cỡ thế giới. Hẳn là vì cái nền của chúng ta quá thấp. Cái nền đứng của ta chỉ có 1m thôi, anh có tài nhảy được 5m, cuối cùng cũng chỉ với tới 6m. Còn nhà văn ở nơi khác, tài người ta nhảy được 3m thôi, nhưng cái nền của họ đã là 5m, nên họ nhảy một phát đã đến ngay 8m.
Gần đây trường hợp Jonathan Littell có lẽ là một ví dụ sinh động. Anh ta 38 tuổi, quốc tịch Mỹ, nay sống ở Tây Ban Nha, nhưng viết bằng tiếng Pháp, và ngay tác phẩm đầu tiên viết bằng tiếng Pháp, tiểu thuyết Các bà từ tâm (Les Bienvieillantes), dày gần nghìn trang, đã đoạt một lúc cả giải thưởng lớn của Viện Hàn lâm Pháp và giải Goncourt uy tín nhất ở Pháp.
Có người đã so sánh Les Bienveillantes với Chiến tranh và Hòa bình, và nhắc đến Lev Tolstoi, Cholokhov … Trên một nền tảng văn hóa như ta đang có, làm sao có thể nghĩ được đến một Les Bienveillantes?
Sợ rừng, sợ biển

Hội nhập là ra biển lớn, nhưng nhìn kỹ lại mà xem, hầu hết người Việt chúng ta nghìn đời nay rất sợ biển, mặc dù đất nước có tới mấy nghìn cây số mở ra biển Đông. Mà nói cho đúng, biển Đông cũng mới còn là một “cái ao” của Thái Bình Dương, ra khỏi Philippines mới thật sự đến đại dương.

Vì vậy bão vào ta thường không quá lớn, trong khi Philippines thường xuyên phải hứng chịu bão rất lớn. Philipines đã ngăn bớt sức mạnh của bão cho ta rồi. Mãi đến gần đây ta mới nói tới đánh bắt xa bờ, thực ra cũng chỉ là còn lẩn quẩn trong biển Đông thôi.

Lịch sử thế giới cho thấy những dân tộc vượt lên mạnh mẽ là những dân tộc dám xông ra đại dương, những dân tộc có những người con là những nhà mạo hiểm lớn, cỡ Christophe Colombo, Magellan, Marco Polo.

Có lần, một nhà nghiên cứu đã nói với tôi rằng người Việt không chỉ sợ biển nữa còn sợ cả rừng. Ngay trong ngôn ngữ dân gian của ta đã phản ánh điều này, nào “rừng thiêng nước độc”, “nào ăn của rừng rưng rưng nước mắt”...

Chúng ta không phải là những người dám phiêu lưu. Và điều này cũng thường đi đôi với sự thiếu óc tưởng tượng, một đức tính vô cùng quan trọng trong phát triển.

Tôi cho rằng ngay chính văn học ta cũng phản ánh rõ lắm điều này. Ta có những tác phẩm trữ tình rất lớn, cỡ Truyện Kiều. Nhưng rõ ràng thiếu hẳn những tác phẩm bay bổng sức tưởng tượng lớn, cỡ Tây Du Ký, Liêu Trai chí dị ..., hoặc những Don Quichotte, Trăm năm cô đơn …

Cần khẳng định, óc mạo hiểm, phiêu lưu là một trong những đức tính quan trọng nhất đối với một dân tộc thật sự muốn đi xa cùng thiên hạ. Mà ta thì vốn và đang rất thiếu điều này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét