Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2019

Bệnh tật và chữ nghĩa


Bệnh tật và chữ nghĩa
VÕ PHIẾN
Trong tác phẩm văn chương rất thơ mộng của Hoàng Ngọc Tuấn mang tên Ở một nơi ai cũng quen nhau, tôi bắt gặp một nhân vật không mấy tao nhã, tức Hùng-ghẻ-ruồi.

Quả thực, ở nơi này ai cũng quen nhau: Tôi với anh Hùng ấy rất nên tay bắt mặt mừng. Bởi vì tôi nhận ra ở anh một kẻ tri kỷ. Anh mang trên người nỗi bực mình mà tôi và nhiều bạn bè đã trải qua mấy năm hồi còn học ở Huế, ngày xưa. Trong các bạn ấy, có người đã đem từ trong Quảng ra những toa thuốc gia truyền, nhưng vẫn không thoát nạn.

Chuyện cũ qua đã lâu. Bất ngờ hôm nay gặp lại cậu học sinh xứ Huế cùng lứa với mình hồi ấy, do một văn sĩ hào hoa dẫn đến: À, hóa ra đến bây giờ cái sự bực mình nọ vẫn còn đó, và đang quấy rầy anh bạn; bây giờ đến lượt anh bạn chịu trận.

Vì sao chứng bệnh này quanh quẩn mãi ở địa phương này, chứng bệnh kia hoành hành tại địa phương kia? Đó là chuyện y học. Anh bạn Hùng là một nhân vật của văn chương, anh chỉ khơi lên vài nghĩ ngợi về một tiếng nói của dân tộc: Cái tiếng không tao nhã mà anh bạn đã mang lấy làm biệt danh.

***

Trong ngôn ngữ ta, ngoài tiếng thuần Việt, thành phần ngoại nhập sớm nhất và nhiều nhất là những tiếng gốc Hoa. Phải dùng đến tiếng người ngoài là vì tiếng ta bấy giờ còn thiếu; tiếng còn thiếu là vì sự vật cần gọi tên, tư tưởng cần diễn tả hãy còn ít hơn của người. Bởi vậy, việc phân biệt tiếng thuần Việt với tiếng gốc Hoa khiến chúng ta biết được đại khái cái trình độ sinh sống và kiến thức của dân tộc ta khi bắt đầu tiếp xúc với người Tàu.

Liên quan đến các bộ phận cơ thể con người, ông Bình Nguyên Lộc có kể ra trong cuốn Nguồn gốc Mã lai của dân tộc Việt Nam (trang 541) một danh sách 26 tiếng thuần Việt như: tóc, tai, lưng, bụng v.v… Có lẽ, nếu muốn, ông còn có thể kéo dài danh sách thêm nữa, vì ai nấy đều biết hãy còn khá nhiều bộ phận khác được gọi bằng tiếng thuần Việt.

Nhưng dẫu danh sách có được kéo dài gấp năm gấp mười thì những tiếng thuần Việt vẫn hãy còn dưới mức cần thiết để gọi tên đầy đủ các bộ phận cơ thể. Ngay từ khi vừa tiếp xúc với người Tàu, dân ta đã nhận thấy sự thiếu sót ấy, và đã mượn một số tiếng Tàu để xài: tủy, tinh, gan (do can), tim (do tâm), gân (do cân) v.v…

Một cái nhìn thoáng qua cho thấy đại khái các danh từ thuần Việt chỉ những bộ phận bên ngoài, danh từ gốc Hoa chỉ những bộ phận bên trong cơ thể. Có lẽ đôi khi đôi bên biết nhau thì người Tàu đã có những kiến thức sâu xa hơn chúng ta về cơ thể: ta thấy những cái dễ thấy vì phơi bày ra ngoài, họ thì còn biết cả những thứ ở tận trong kia. Kiến thức của ta đến da đến thịt, của họ đến sợi gân; của ta đến cái xương, của họ thì đã đến chất tủy v.v…

Trong khi không có sách vở nào ghi lại trình độ hiểu biết của chúng ta về nhân thể vào những thời xa xưa, thì có lẽ các tiếng thuần Việt ấy có thể xem là một bằng chứng. Bởi vì một khi chúng ta đã biết đến một bộ phần nào, đã đặt ra tiếng để gọi nó thì dù cho về sau, khi tiếng Tàu du nhập, có kẻ thích xài ngoại ngữ, tiếng thuần Việt vẫn cứ còn đó mãi mà không bị mai một: thái dương không làm mất màng tang, cốt không làm mất xương, huyết không làm mất máu, yết hầu không làm mất cuống họng v.v… Tiếng thuần Việt còn lại như một kho tàng để đánh dấu cái trình độ kiến thức của chúng ta hồi còn biệt lập với người Tàu. Đánh dấu trình độ, ngoài ra dường như còn có thể gợi những suy nghĩ về chiều hướng tư tưởng của ta, về ít nhiều đặc điểm trong kiến thức của ta.

Chẳng hạn có những bộ phận nằm hẳn bên ngoài, ai cũng có thể thấy được, thế mà ta không có tên, phải mượn tiếng Tàu: cái nhân trung, cái hổ khẩu v.v… Quan niệm về tướng số, về y lý khác nhau của mỗi dân tộc đã khiến người Tàu chú ý đến những chỗ ta không chú ý.

Lại chẳng hạn tại sao cùng là bộ phận nằm bên trong mà những món nằm ở phần dưới được ta biết và gọi đích danh khá nhiều, nào là lá mía, lá lách, mật, nào là trái cật, ruột non, ruột già, bong bóng, con trẻ, v.v…; trong khi ấy có những bộ phận nằm ở phần trên cơ thể, thật lớn, choáng một khoảng thật rộng, mà ta lại làm ngơ không biết đến, phải chờ người Tàu nhắc cho, như phổi (do phế), tim (do tâm)? Tại sao có cái chiều kiến thức hướng hạ ấy?

***

Nếu lấy tiếng thuần Việt làm căn cứ tìm hiểu vốn kiến thức xa xưa của dân tộc, thì thấy rằng sự hiểu biết về cơ thể của chúng ta bấy giờ dẫu sao cũng phong phú hơn là về bệnh tật nhiều lắm.

Tiếng thuần Việt chỉ về bệnh tật thật nghèo.

         Từ những chứng bệnh thông thường nhất cho đến những chứng bệnh nguy hại nhất, phần nhiều đều mang tên Tàu: cảm, thương hàn, ban, thổ tả, lao, cam tích, dịch hạch, lậu, trĩ, (phát) phì, (lên) đậu, (mắc) dịch v.v… Người ta có cảm tưởng trước khi Tàu đến, ta chưa biết gì bao nhiêu về bệnh tật, chưa biết đích xác, chưa gọi được tên… Ta nói đau đầu, đau bụng v.v… cũng như nói đau đái, đau ỉa v.v…, nghĩa là nêu lên cảm giác khó chịu khá mơ hồ, không phân biệt cái “đau” bất thường, bệnh hoạn, với cái “đau” vô hại.

Ngay giữa tiếng đau tiếng ốm của ta với tiếng bệnh của Tàu đã có sự khác biệt sâu xa. Để diễn tả ý thọ bệnh, người Trung và Nam dùng tiếng đau, người Bắc dùng tiếng ốm. Đau vốn chỉ thị một cảm giác, nó đồng nghĩa với chữ thống của Tàu. Còn tiếng ốm thì ở Trung Nam có nghĩa là gầy. Đau, ốm, gầy, đều chỉ nêu lên những cảm giác và tình trạng của người bệnh, những biểu hiện của bệnh, chứ chưa thực đúng là bệnh. Dùng những tiếng ấy, ta chỉ kịp nhận ra mấy dấu hiệu cụ thể, ta chưa đạt tới một ý niệm tổng quát về bệnh, nói gì đến sự phân biệt tinh vi giữa bệnh, tật, chứng v.v… (toàn những tiếng gốc Hoa).

***

Vì ta xài nhiều tiếng gốc Hoa để chỉ bệnh tật cho nên gặp được tiếng thuần Việt nào có thể ngờ rằng tiếng đó chỉ những chứng bệnh hoặc đã xuất hiện sớm nhất trong cổ thời ở xã hội ta, hoặc hoành hành tác hại nhiều nhất ở ta, khiến được đặc biệt lưu ý. Chẳng hạn chứng ho, bệnh cùi, hủi, bệnh hen, bệnh sốt rét v.v…

Sốt rét là một trường hợp khá đặc biệt. Ta không dùng tiếng ngược của Tàu, có lẽ vì khi người Tàu đem danh từ đó sang thì dân ta đã quá quen thuộc, quá rành rẽ về chứng bệnh và tên gọi sốt rét.

Ở Trung và Nam không có tiếng sốt cũng không có tiếng rét, vậy nếu bệnh chỉ có tên sốt rét có thể là nó xuất hiện trước tiên ở miền Bắc. Nhưng không phải vậy. Danh từ sốt rét được phổ biến rộng rãi khắp nước và trở nên tên gọi chính thức của bệnh nọ có lẽ chỉ vì ngôn ngữ miền Bắc sớm có ưu thế trong văn chương, sách vở, báo chí toàn quốc. Thật ra, trong dân chúng miền Trung một tiếng khác vẫn còn thông dụng: bĩnh. Nơi thì gọi sốt rét, nơi lại gọi bĩnh, nơi cho là ngã nước, nơi lại bảo chống nước, làm cữ v.v… chứng bệnh nọ có lẽ được dân ta bắt gặp đồng thời ở nhiều miền khác nhau và dành cho khá nhiều quan tâm.

Nhưng chắc chắn mối quan tâm lớn nhất của dân tộc vẫn dành cho chứng bệnh của anh bạn Hùng.

Ghẻ là tiếng thuần Việt. Chúng ta không cần sự giúp đỡ của người Tàu, tự mình thừa sức hiểu biết về chứng bệnh nọ. Bảo “thừa sức”, bởi vì chúng ta có cả một kho danh từ liên quan đến vụ ghẻ, chưa chắc Hoa ngữ đã phong phú bằng.

Ta phân biệt ghẻ với chốc, với mụt, với nhọt, với lác, với giời, với sài, với đẹn, với mề đay, với chùm bao([1])Ta phân biệt ra bao nhiêu là thứ ghẻ: ghẻ nước, ghẻ ngứa, ghẻ tàu, ghẻ bọc, ghẻ phỏng, ghẻ hờm, ghẻ ruồi, ghẻ cóc, ghẻ cái, ghẻ đen, ghẻ khoét v.v…Ta có bao nhiêu tiếng để diễn tả những việc liên quan đến ghẻ: ngứa, gái, nặn (mủ) v.v… để theo dõi chứng bệnh: sưng, lở, loét, sẹo, rựng, rần, mưng, nung (mủ), cái kèn, cái cồi, mạch lươn v.v… Tất cả đều là tiếng thuần Việt.

Cái kiến thức mênh mông như thế của chúng ta về ghẻ khiến ý kiến của bác sĩ Trần Ngọc Ninh cho rằng ta dạy tiếng giới cho Tàu([2]) hấp dẫn hơn ý kiến ngược lại của giáo sư Lê Ngọc Trụ. Về cái “vụ” này, ta còn phải học ai?

Mớ danh từ phong phú xung quanh tiếng ghẻ không chứng tỏ tính cách nguy hiểm của bệnh ấy hay mối lo hãi đối với nó trong xã hội ta thời trước. Dữ dằn như sư tử mà không được ta đặt tên cho, vì nó xa lạ. Đến như cọp, voi v.v… cũng chỉ có cái tên và một ít tiếng để mô tả. Còn con gà ghì địa vị của nó trong ngôn ngữ dân tộc quan trọng hơn gấp trăm lần. Xung quanh cái lông, cái cựa v.v… của nó, bao nhiêu là danh từ. Từng cú đá, từng ngón đòn của nó, từng chứng bệnh của nó đều có tên. Nguyên những tiếng liên quan đến mớ vảy đóng trên chân nó, không phải tay chơi gà nhà nghề khó lòng nhớ cho hết. Như vậy, giành được ưu tiên trong ngôn ngữ không phải là những vật lớn lao, nguy hiểm, đáng sợ, đáng lo, mà là con vật gần gũi. Gần tầm tay, mật thiết với cuộc sống thường nhật, thì thu hút được sự bận tâm của ta, sự bận tâm ấy phản ảnh trong ngôn ngữ.

Vậy “ghẻ” là một cái gì thân cận mật thiết như thế trong cuộc sống cổ thời ở ta chăng? Anh bạn Hùng đã đau đúng niềm đau của dân tộc nghìn xưa chăng?

9-1972

Nguồn: Đất nước quê hương. Tùy bút của Võ Phiến. Lửa Thiêng xuất bản, Sài Gòn, 1973. Bản điện tử của www.trieuxuan.info






([1]) Ông Bình Nguyên Lộc cho là do tiếng Miên Đom bau au (Lột trần Việt ngữ. Nguồn xưa xuất bản. 1972, trang 282).
([2]) “Thương thảo về từ nguyên của hai tiếng “cái” và “con”. - Bách Khoa số 374 ngày 1-8-1972.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét