Sống
Khổ Căn chết được hai năm thì tôi góp đủ tiền tậu trâu; thấy mình còn sống được vài năm nữa nên cũng cần phải mua một con trâu. Trâu là một nửa con người, nó có thể làm việc thay tôi, lúc rảnh rỗi cũng có kẻ làm bạn, lúc buồn lòng thì chuyện trò với trâu. Dắt nó ra bờ ao bờ sông ăn cỏ như dắt một đứa trẻ.
Hôm mua trâu, tôi mang tiền trong người đi Tân Phong, ở đó có một cái chợ trâu bò to lắm. Khi đi qua một làng bên cạnh, nhìn thấy một đám người vây quanh sân phơi, tôi bước đến xem thì thấy một con trâu, nó đang nằm trên sân, ngoẹo đầu sang một bên, nước mắt chảy lã chã; một người đàn ông cánh tay để trần ngồi bên cạnh mài dao mổ trâu soàn soạt. Người vây chung quanh đang bảo thọc dao vào chỗ nào là tốt nhất. Tôi nhìn thấy con trâu khóc thương tâm quá, trong lòng cũng thấy bùi ngùi, nghĩ bụng làm thân con trâu thật đáng thương, thay người kéo cày kéo bừa khó nhọc cả một đời, khi về già, không còn mấy sức nữa thì bị người giết ăn thịt.
Tôi không nhẫn tâm nhìn nó bị giết, liền rời sân phơi tiếp tục đi. Đi mãi, đi mãi, cứ thấy băn khoăn về con trâu này, nó biết mình sắp chết, cái đầu gục xuống bên một bãi nước mắt... Tôi càng đi càng do dự, sau đó quyết định mua luôn con trâu này. Tôi vội vàng quay lại, đi đến sân phơi. Họ đã buộc chặt chân trâu, tôi chen vào nói với người đàn ông mài dao:
- Xin ông rủ lòng bán cho tôi con trâu này.
Người đàn ông cánh tay để trần đưa ngón tay thử lưỡi dao, nhìn tôi một lát mới hỏi:
- Ông bảo sao cơ?
Tôi đáp:
- Tôi định mua con trâu này.
Ông ta toét miệng cười hì hì, những người ở bên cạnh cũng cười rộ lên. Tôi rút tiền trong túi áo ra đặt vào tay ông ta, nói:
- Ông đếm đi.
Người đàn ông ở trần như ngớ người ra, cứ nhìn tôi mãi rồi hỏi:
- Ông mua thật à?
Tôi ngồi xuống cởi dây thừng buộc ở chân con trâu, vỗ vỗ vào đầu nó. Con trâu này còn thông minh lắm, biết mình không chết, liền đứng ngay dậy, cũng không khóc nữa. Tôi cầm dây thừng buộc mũi trâu, nói với người đàn ông kia:
- Ông đếm tiền đi.
Ông ta giơ nắm tiền lên trước mắt như là xem dầy bao nhiêu, rồi nói:
- Không cần đếm nữa. Ông dắt đi.
Tôi liền dắt trâu đi, ở phía đằng sau họ cười nói ầm ĩ. Tôi nghe thấy người đàn ông kia nói:
- Hôm nay trúng quả đậm.
Trâu biết tính người, khi tôi dắt nó về nhà, nó biết tôi đã cứu mạng nó, nên cứ cọ sát thân vào người tôi, tỏ ra thân thiết lắm. Tôi nói với nó:
- Này trâu, mày đừng có mừng vội. Ta dắt mày về là phải kéo cày đấy, không phải nuôi mày như nuôi bố ta đâu.
Tôi dắt trâu về làng, cả làng kéo ra xem. Ai cũng bảo tôi lẩm cẩm mua phải con trâu già lõ đít. Có người bảo:
- Phú Quí ơi, tôi trông… nó còn lớn tuổi hơn ông là cái chắc!
Người sành về trâu nói với tôi, nhiều lắm thì con trâu này chỉ sống nổi hai ba năm nữa là cùng. Tôi nghĩ, hai ba năm là đủ rồi, chắc gì mình còn sống được lâu thế. Nào ai ngờ chúng tôi đều đã sống đến hôm nay. Người trong làng vừa ngạc nhiên vừa lạ lùng, thì mới hai hôm trước còn có người bảo chúng tôi là “hai lão già không già”.
Trâu đã đến nhà thì cũng là thành viên trong gia đình, nên đặt cho nó một cái tên. Nghĩ đi nghĩ lại, cứ cảm thấy gọi nó là Phú Quí thì hơn. Tôi quyết định đặt tên nó là Phú Quí. Nhìn trái nhìn phải, tôi đều cảm thấy nó giống tôi, tôi mừng khấp khởi. Sau đó, người làng cũng bắt đầu nói hai chúng tôi y hệt nhau. Tôi cười hì hì, nghĩ bụng, tôi đã biết nó giống mình từ lâu rồi.
Phú Quí giỏi ra trò, có lúc cũng trốn tránh khó nhọc, nhưng con người cũng thường hay trốn tránh khó nhọc đấy thôi, kể gì đến con trâu. Tôi biết khi nào thì nên sai bảo nó làm việc, khi nào nên để nó nghỉ ngơi. Chỉ cần tôi mệt là tôi biết nó cũng mệt, liền cho nó nghỉ một lúc; tôi nghỉ đã thấy khoe khỏe thì nó cũng nên đi làm.
... Ông già nói rồi đứng dậy, phủi phủi bụi đất ở mông đít, quát con trâu già bên bờ ao một tiếng. Con trâu liền bước tới đứng cạnh ông, cúi đầu xuống. Ông già đặt vạy cày lên vai trâu, cầm thừng trâu đi chầm chậm.
Trên chân của hai Phú Quí đều bám đầy bùn đất. Khi đi, hai cơ thể đều hơi rung rung. Tôi nghe thấy ông già nói với con trâu:
- Hôm nay, Hữu Khánh, Nhị Hỷ đã cày xong một mẫu. Gia Trân, Phượng Hà cũng cày được bảy tám sào. Khổ Căn còn bé mà cũng cày được nửa mẫu. Còn mày cày được bao nhiêu ta không nói ra, nói ra mày sẽ bảo ta bôi bác làm mày xấu hổ. Nói đi thì cũng phải nói lại, mày đã ngần ấy tuổi đầu, cày được từng ấy ruộng cũng là đã hết lòng hết sức lắm rồi.
Ông già và con trâu đi xa dần. Tôi nghe thấy cái giọng khàn khàn làm cho người nghe hết sức cảm động ấy của ông già từ xa xa vọng lại. Giữa buổi chiều tối vắng vẻ, tiếng hát của ông già lại vang lên, bay bay như gió thoảng. Ông hát rằng:
Còn trẻ đi lăng quăng
Đứng tuổi muốn tìm vàng
Về già làm hòa thượng.
Khói bếp bay nghi ngút trên những nóc nhà nông dân, sau khi tản mát lên bầu trời ngợp ráng chiều, liền mất hút. Tiếng các bà mẹ gọi con í ới nổi lên hết đợt này đến đợt khác như sóng nước. Một người đàn ông gánh thùng phân đi qua trước mặt tôi, chiếc đòn gánh cứ vang lên kĩu cà kĩu kịt. Dần dần, cánh đồng trở nên yên tĩnh, bốn phía bắt đầu mờ mờ, ráng chiều phai dần. Tôi biết hoàng hôn đang sắp tắt, bóng tối trùm xuống đến nơi rồi. Tôi ngắm nhìn ruộng đồng bao la lộ rõ bộ ngực chắc nịch, đó là tư thế vẫy gọi, giống như người mẹ vẫy gọi con cái, đồng ruộng đang vẫy gọi bóng đêm về.
Về truyện SỐNG
Một nhà văn chân chính bao giờ cũng chỉ sáng tác vì nội tâm, chỉ có nội tâm mới thật sự mách bảo anh ta, anh ta tự tư, anh ta cao thượng nổi bật biết chừng nào. Nội tâm khiến anh ta thật sự hiểu mình, một khi hiểu mình thì cũng hiểu được thế giới. Rất nhiều năm trước, tôi đã hiểu được nguyên tắc này, nhưng bảo vệ được nguyên tắc này thì phải trả giá bằng lao động vất vả và đau khổ thời gian dài. Bởi vì nội tâm đâu phải lúc nào cũng rộng mở, mà nhiều lúc nó lại đóng im ỉm. Thế là chỉ có sáng tác, sáng tác không ngừng mới có thể làm cho nội tâm mở ra, mới có thể đặt mình vào trong sự phát triển. Giống như ánh sáng của mặt trời mọc chiếu sáng đêm tối, linh cảm lúc này mới đột nhiên nảy sinh.
Từ lâu nay, tác phẩm của tôi đều bắt nguồn từ mối quan hệ căng thẳng với hiện thực. Chìm đắm trong tưởng tượng, lại bị hiện thực khống chế chặt chẽ, tôi cảm thụ rõ ràng sự phân liệt bóc tách của chính mình, tôi không thể biến mình thành thuần túy. Tôi đã từng hy vọng mình trở thành một nhà văn đồng thoại, nếu không thì là một người có tác phẩm chân thực. Nếu tôi được trở thành một trong hai người đó thì tôi nghĩ mức đau khổ trong lòng sẽ bớt đi nhiều, nhưng cùng lúc đó sức mạnh của tôi cũng sẽ yếu đi nhiều.
Trên thực tế, tôi chỉ có thể trở thành nhà văn như hiện nay. Tôi trước sau đều viết vì nhu cầu của nội tâm, lý trí không thay thế được sáng tác của tôi. Chính vì vậy trong một thời gian rất dài, tôi là một nhà văn phẫn nộ và lạnh lùng.
Đây không chỉ là khó khăn mà cá nhân tôi phải đối mặt, hầu như tất cả các nhà văn ưu tú đều ở trong mối quan hệ căng thẳng với hiện thực. Dưới ngòi bút của họ, chỉ khi nào hiện thực ở vào trạng thái xa vời vợi, thì hiện thực trong tác phẩm của họ mới tỏa sáng lung linh. Phải thấy rằng, hiện thực đã qua này tuy tràn đầy sức hấp dẫn, nhưng nó đã bị che phủ lên một lớp màu sắc hư ảo, ở trong đó đã nhét đầy tưởng tượng cá nhân và lý giải cá nhân. Hiện thực chân chính, hay nói một cách khác, hiện thực trong đời sống của nhà văn, đã làm cho người ta không hiểu và khó mà chung sống.
Nhà văn phải biểu đạt hiện thực mà mình chung sống với nó hàng ngày. Anh ta thường hay cảm thấy khó chịu đựng sự chân thực ồ ạt kéo đến hầu như đều đang mách bảo xấu xa và nham hiểm. Quái lạ là quái lạ ở chỗ này, tại sao những việc xấu xa cứ luôn ở bên mình, còn những chuyện tốt đẹp thì ở mãi chân trời góc biển? Hay nói khác đi, hữu ái và đồng tình thường chỉ đến bởi mối tình; còn sự thật, ngược lại, thì cứ thò tay là với được. Đúng như một nhà thơ đã từng viết: Loài người không thể chịu đựng quá nhiều chân thực.
Cũng có nhà văn thế này: suốt đời nỗ lực giải quyết mối quan hệ căng thẳng giữa bản thân và hiện thực. William Faulkner - nhà văn Mỹ - là một ví dụ thành công nhất. Ông đã tìm ra con đường ôn hòa, ông miêu tả sự vật ở trạng thái trung gian, cùng một lúc bao dung cả sự xấu xa lẫn điều tốt đẹp. Ông đặt hiện thực ở miền Nam nước Mỹ vào trong lịch sử và tinh thần nhân văn. Đây là hiện thực văn tự trên ý nghĩa chân chính, bởi vì nó nối liền quá khứ và tương lai.
Một số nhà văn không thành công cũng miêu tả hiện thực, nhưng hiện thực dưới ngòi bút của họ, nói toạc ra chỉ là một môi trường, là hiện thực cố định và đã chết. Họ không nhìn thấy con người đến thế nào, cũng không nhìn thấy đi ra sao. Khi họ miêu tả những nhân vật suy bì tị nạnh, chúng ta sẽ cảm thấy bản thân nhà văn cũng đang suy bì tị nạnh. Những nhà văn như vậy là đang viết tác phẩm thực tại, chứ không phải tác phẩm hiện thực.
Như trên đây đã nói, quan hệ giữa tôi và hiện thực là mối quan hệ căng thẳng; nói nặng nề hơn một chút, tôi luôn luôn nhìn nhận hiện thực bằng thái độ đối địch. Cùng với sự xoay vần của thời gian, sự phẫn nộ của tôi đã dịu dần. Tôi bắt đầu ý thức được điều mà một nhà văn chân chính muốn tìm tòi là chân lý, là một chân lý bài xích - phán đoán đạo đức. Sứ mệnh của nhà văn không phải là trút xả, không phải là tố cáo hay vạch trần. Anh ta nên thể hiện, nên trình bày sự cao thượng trước mọi người. Sự cao thượng tôi nói ở đây không phải thứ tốt đẹp đơn thuần, mà là sự siêu nhiên sau khi đã hiểu rõ mọi sự vật, nhìn nhận đối xử như nhau đối với thiện và ác, đánh giá thế giới bằng con mắt đồng tình.
Chính là trong trạng thái tâm lý như vậy, tôi được nghe một bài dân ca nước Mỹ “Người hầu da đen”. Trong lời ca, người hầu da đen già ấy đã từng trải một cuộc đời gian nan khổ sở, những người ruột thịt trong gia đình đều lần lượt qua đời trước mình, còn ông vẫn đối xử với thế giới một cách hữu hảo, không hề có một câu oán thán. Bài ca này đã làm tôi xúc động sâu sắc, và tôi đã quyết định viết một câu truyện như vậy. Đó là cuốn sách có tiêu đề SỐNG này, viết về năng lực chịu đựng của con người trước khổ đau hoạn nạn và thái độ lạc quan đối với thế giới. Quá trình sáng tác đã làm cho tôi nhận rõ: Con người ta vì bản thân sự sống mà sống, chứ không phải sống vì bất cứ sự vật nào ngoài sự sống.
Tôi cảm thấy mình đã viết được một tác phẩm cao thượng.
Nguồn: Sống. Truyện vừa của Dư Hoa (Trung Quốc). Vũ Công Hoan dịch. Triệu Xuân biên tập. NXB Văn học, 01-2005.
"SỐNG" - VÌ BẢN THÂN SỰ SỐNG MÀ SỐNG…
Ngô Ngọc Ngũ Long
Báo Sài Gòn Giải phóng số ra ngày: 23-3-2003
Tác phẩm " Sống"của nhà văn Dư Hoa (Trung Quốc) đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới: Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và bây giờ là Việt Nam. Truyện cũng đã từng được đạo diễn Trương Nghệ Mưu dựng thành phim, và diễn viên Cát Ưu với vai chính Phú Quí đã nhận giải Diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Cannes 1994…
Câu chuyện được kể khá bình thản về cuộc đời của một con người. Đọc suốt từ đầu truyện đến khi kết thúc, có cảm giác như người kể không muốn chen một chút cảm xúc mình vào trong đó, nhưng khi buông cuốn sách xuống, người đọc cứ bị đè nặng một cảm giác rưng rưng kéo dài. Một cuộc đời, một chất sống mãnh liệt đến không thể hình dung nổi vì sao sức chịu đựng của con người lại ghê gớm đến như thế. Câu chuyện mở đầu khá thú vị với hai hình ảnh già nua của một con người và con trâu, và từ ấy là chuỗi ký ức xâu kết lại suốt hơn bốn mươi năm, từ lúc ông còn là một cậu công tử lêu lổng Từ Phú Quí, đã đốt cả gia sản tổ tiên vào chiếu bạc. Cha tức uất mà chết, nhà cửa ruộng vườn bị tịch biên, từ địa chủ trở thành tá điền, phải thuê năm công ruộng của chính nhà mình từ kẻ được bạc. Rồi bị bắt đi làm bia đỡ đạn cho quân Tưởng Giới Thạch mấy năm, trở về nhà thì mẹ mất, con gái Phượng Hà bị câm. Cả nhà làm việc cật lực mà vẫn nghèo đến nỗi phải đợ con gái mới đủ cho con trai Hữu Khánh đi học. Con trai được mười tuổi đang đi học thì chết vì bị hiến hết máu cho vợ chủ tịch huyện. Hữu Khánh chết oan ức, nhưng vị chủ tịch huyện lại chính là người bạn sinh tử của Phú Quí khi ở quân đội Tưởng. Vài năm sau, Gia Trân bệnh nhũn xương, nằm liệt và qua đời. Còn lại Phượng Hà, 35 tuổi mới tìm được một anh chồng tàn tật. Phượng Hà có thai, sinh con rồi bị băng huyết chết. Nhị Hỷ, chồng Nguyệt Hà nuôi con vài năm lại bị tai nạn mất. Phú Quí mang cháu ngoại mới hai tuổi đầu về nuôi, đặt tên là Khổ Căn, thằng bé mới lên sáu đã phải làm việc ngoài đồng với ông ngoại đến phát ốm, rồi bị bội thực, chết vì nồi đậu luộc của ông ngoại dành phần. Một tay Phú Quí chôn bảy người thân, vậy mà ông vẫn sống và làm bạn với con trâu già. Cả trâu và người đều mang tên Phú Quí, và hàng ngày ông nói chuyện với con trâu bằng tên tất cả người thân của mình: " Nhị Hỷ, Hữu Khánh không được chây lười. Gia Trân, Phượng Hà cày tốt lắm. Khổ Căn cũng được…", với một bí mật mà ông rất tâm đắc: " Tôi sợ nó biết chỉ có mình nó kéo cày, nên đã gọi nhiều cái tên để đánh lừa nó. Nghe thấy còn có những con trâu khác cũng đang kéo cày, nó sẽ vui hơn, kéo khỏe hơn"…
Không có một tia hy vọng nào hé lên để nhân vật bám lấy mà sống. Nhưng dường như không có ai cảm thấy điều đó là cần thiết. Đời sống tự nó là thế, và người ta vui vẻ đón nhận tất cả những biến cố, dù đau đớn nhất. Không có lấy một lời than, cả nhân vật và tác giả, cuộc sống cứ trôi đi bình thản và đậm đặc trong sức chịu đựng ghê gớm của con người. Đó chính là chân lý lớn nhất của cuộc sống. Không ai có thể hủy diệt được nó, và con người, nhân vật trung điểm trong cách nhìn của nhà văn đã vượt lên, bao trùm tất cả vạn vật với một sức sống mãnh liệt và dũng cảm. Và từ đó, ta có thể thấu hiểu hết tất cả những nỗi đau tưởng chừng không chịu đựng nổi của những bà mẹ nhận tang chồng, con mười mấy lần trong cuộc đời, vẫn sống một mình sau chiến tranh để hiểu hết ý nghĩa của sự sống trong mỗi con người. Dư Hoa đã viết: " Sứ mạng của nhà văn không phải là trút xả, không phải là tố cáo hay vạch trần… Khi họ miêu tả những nhân vật suy bì, tị nạnh, chúng ta sẽ cảm thấy bản thân nhà văn cũng đang suy bì, tị nạnh. Những nhà văn như vậy là đang viết tác phẩm thực tại, chứ không phải tác phẩm hiện thực…". Đó là tất cả những lý giải về cuộc sống trong từng trang viết của Dư Hoa. Chính cuộc đời đã quất lên lưng Phú Quí những vết roi, để lột xác anh ta dần từ một con người hư hỏng, đánh vợ không nương tay dù vợ đang mang thai để trở thành một người chồng cõng vợ trên lưng mỗi chiều đi dạo khắp làng khi vợ bị liệt toàn thân. Trương Nghệ Mưu đã chuyển thể "Sống" của Dư Hoa và giữ nguyên tên cho bộ phim, nhưng ông đã không muốn thể hiện đến cùng những bi kịch dữ dội của nguyên tác. Phim đã nhẹ nhàng hơn trong con mắt của người xem khi Hữu Khánh chết vì tai nạn, khi Khổ Căn vẫn vô tư trong vòng tay của ông, bà ngoại và cha với câu chuyện đầy mơ ước về quả trứng nở gà, gà hoá ngỗng, ngỗng thành dê, dê thành bò… Nghĩa là với Trương Nghệ Mưu, chất sống phải vươn lên từng ngày trong niềm hy vọng, dù con người đã bị đọa đày đến cùng cực, đến không còn là người như chuyện ông giáo sư bị giong đi trên đường, bị bỏ đói ba ngày đến nỗi bội thực, chết vì đã ăn một lúc bảy cái bánh bao! Chất sống của Trương không dừng ở sức chịu đựng của con người, mà còn là một niềm hy vọng trước bao nghiệt ngã đau đớn nhất. " Sống" của Trương mang đầy sức chống trả và sức tố cáo cái " Cách mạng văn hóa" một thời đã nghiến nát bao cuộc sống con người… Cả hai cách thể hiện tuy không cùng trên một con đường, nhưng nó cùng ẩn chứa một suy tưởng: " Con người ta vì bản thân sự sống mà sống, chứ không phải vì bất cứ vật nào ngoài sự sống"…
N.N.N.L
Nguyễn Ngọc Thuần
Báo Tuổi trẻ, Thứ hai, 10-3-2003
Nếu không muốn tin thì sự sống vẫn cứ là cuộc trải nghiệm vĩ đại, và con người gần như bị buộc vào tư thế không thể chối từ, dù kèm theo đó là những tổn thương mọi mặt. Cái được gọi là nghị lực của con người thực chất chỉ là một tên gọi khác của hy vọng, hy vọng cho chính cuộc đời mình, hy vọng mọi thứ biến đổi, hy vọng vào ngày mai những gì u tối còn lại hôm nay không còn chỗ đứng.
Đó là tất cả những gì đáng nói về cuốn truyện Sống của Dư Hoa, một trong những tác phẩm đáng lưu ý của văn học Trung Quốc dù rất mỏng; và quan trọng hơn cả là cuốn sách có thể làm ta xúc động phát khóc.
Chúng ta khóc bởi vì không tin con người có thể vượt qua, có thể cố lạnh lùng với những bi kịch của chính mình để được sống, và cuối cùng sau những biến động, chúng ta lại khóc một lần nữa cho ký ức đó.
Chuyện xoay quanh gia đình họ Từ, với truyền thống phất lên nhờ nuôi gà, gà biến thành ngỗng, thành dê, thành nhà… Đến đời cha con nhân vật Phú Quí thì ngược lại, dê biến thành gà, đến gà cũng không còn chỉ vì cờ bạc. Phú Quí phải làm lại tất cả và từ đây sự vĩ đại của cuộc sống cũng bắt đầu nhen nhúm. Trải qua chiến tranh, bị bắt đi lính, để lại vợ và hai đứa con, và sống sót trở về khi mẹ mất; cuộc sống đối diện với Phú Quí lúc này là cần phải biến đổi nó tốt đẹp lên, tốt đẹp được hiểu dưới góc độ là sự tồn tại. Con người phải sống mới có thể nhìn thấy những hy vọng của mình. Cái chết không phải là một sự lựa chọn khôn ngoan.
Nhưng đời sống có những éo le của nó xuất phát từ con người, từ quyền lực nhá nhem lúc bấy giờ. Để cứu mạng vợ của chủ tịch huyện, là bạn chiến đấu của Phú Quí, những đứa trẻ đã mừng rỡ tự nguyện đi hiến máu như một chiến công, để rồi con trai Phú Quí bị rút máu cho đến chết - một đứa trẻ đáng yêu luôn luôn lột giày ra cầm ở tay mỗi khi chạy vì sợ bị hỏng. Người cha lặng lẽ chôn con như chôn một khối đen u uất. Tiếp sau đó là cái chết chậm rãi của vợ. Ngay cả đứa con gái câm may mắn lấy được người chồng tật nguyền nhưng tốt bụng cũng lại chết khi sinh con. Người con rể lại tiếp tục chết thật tàn khốc trong một tai nạn khi tìm kế mưu sinh. Niềm hy vọng cuối cùng của ông già Phú Quí được dồn vào đứa cháu ngoại, ngờ đâu đứa cháu qua những ngày đói khát đã chết vì một bữa no.
Không oán hận, không than vãn điều gì, niềm hy vọng của con người được tiếp nối gần như vô hạn; khi niềm hy vọng này mất đi người ta lại tìm kiếm cho mình một hy vọng khác, chờ đợi một kết cục khác. Khi không còn hy vọng gì vào những con người thân thuộc quanh mình, Phú Quí tiếp tục hy vọng vào con vật mình nuôi như một chút nhân ái còn lại đến cuối đời. Sự sống ở đây được hiểu như một khúc khải hoàn mãnh liệt về sức chịu đựng của con người.
Cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan, Nhật Bản…, đoạt giải thưởng văn học "Gelin Thana Kapo" của Ý, đoạt giải "Mười cuốn sách hay" của hai tờ báo Thời báo Trung Quốc (Đài Loan) và tạp chí Bác Ích (Hong Kong). Đạo diễn Trương Nghệ Mưu cũng đã dựng Sống thành bộ phim cùng tên gây xúc động cho tất cả những ai được "chứng kiến" sức sống kỳ lạ của con người…
N. N.T
LÒNG CỨ ĐAU ĐỚN MÃI
Tâm Thơ
Báo Phụ nữ Chủ nhật, Số 12, ngày 30-3-2003
Những năm 80 trở lại đây, văn học Trung Quốc khởi sắc trở lại sau nhiều năm bị "đại cách mạng văn hóa" nhấn chìm. Những nhà văn trẻ thuộc trào lưu sáng tác mới thực sự tài năng, có nhiều tác phẩm xứng với tầm vóc của một đất nước có bề dày văn hóa nhất, nhì thế giới, trong đó Dư Hoa (sinh năm 1960) là một trường hợp khá điển hình, tiêu biểu. Tác phẩm của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, trong đó cuốn Sống từng được giải văn học Gelin Thana Kapo của Ý.
Sống là câu chuyện một đời của người nông dân có tên Phú Quí, một người nông dân bình thường như bao người ở một vùng thôn quê "ăm ắp tiếng ve sầu và ánh nắng". Sinh ra trong một gia đình giàu có (địa chủ), ngày trẻ Phú Quí ăn chơi trác táng, rượu chè, cờ bạc, trai gái, phá tán của cải của gia đình. Cha của Phú Quí thì làm mất hơn một trăm mẫu ruộng của ông nội, Phú Quí tính chơi bạc để "làm rạng rỡ tổ tông", nào ngờ không gỡ được mà còn làm tiêu tan nốt một trăm mẫu ruộng còn lại và đẩy cả nhà ra khỏi căn nhà của tổ tông, khiến cha phải chết tức tưởi, chỉ còn kịp thực hiện lời trối của mình được là người cuối cùng chết trong ngôi nhà của dòng họ Từ. Sau cái chết của cha, Phú Quí tỉnh ngộ và trở thành người sống lương thiện, bình dị như hết thảy những cuộc đời nghèo khổ khác.
Bao nhiêu bão táp của cuộc đời dường như đều thổi thốc vào đời anh, có những khi tưởng như sức chịu đựng của con người là không thể. "Quả tim của một người ngừng đập khiến cho quả tim của một kẻ khác vỡ tan" - Trái tim của Phú Quí cũng vỡ tan không phải một lần mà những bảy lần, lần nào cũng bất thường, đau đớn, oan khiên như thể là nghiệp chướng hay là sự đọa đày khổ ải của kiếp người. Phú Quí trải qua và chịu đựng hết thảy, ai xem cũng phải đau xót, bởi những tai ương ấy, những hoạn nạn khổ đau ấy cũng có thể xảy ra với bất kỳ ai. Vấn đề là khi ở trong những hoàn cảnh ấy, khả năng chịu đựng của con người sẽ như thế nào. Tác giả cho biết, trong quá trình sáng tác, ông đã nhận ra con người ta vì bản thân sự sống mà sống, chứ không phải sống vì bất cứ sự vật nào ngoài sự sống. Toàn bộ tác phẩm đã minh chứng cho điều ấy. Con người cao thượng (bất cứ ai cũng có thể có phẩm chất này) sẽ không oán than cuộc sống, dù cuộc sống đối với anh có gian nan khổ sở đến đâu.
Sống - một câu chuyện thật đặc biệt, hy hữu nhưng rất hiện thực và sống động từng được đạo diễn tài ba Trương Nghệ Mưu dựng thành phim gây xôn xao dư luận một thời, nay độc giả Việt Nam được NXB Văn Học giới thiệu nguyên tác văn học chắc chắn vẫn sẽ làm người xem xúc động và sự cảm thụ sẽ được đầy đủ hơn.
Với tài năng kể chuyện độc đáo, hấp dẫn nhưng hết sức giản dị, "có một không hai" của Dư Hoa, đọc Sống tôi đã phải bật khóc và trong lòng cứ đau đớn mãi; tôi tin bạn cũng sẽ không tránh khỏi. Nhưng khóc không phải để yếu mềm mà để bản lĩnh hơn, thấy yêu và quý trọng cuộc sống hơn.
T. T
Phim: Phải sống - Trương Nghệ Mưu (1994), Dựa theo tiểu thuyết "Sống" của Dư Hoa.
10 Bộ Phim Hay Nhất Của Đạo Diễn Trương Nghệ Mưu.
Từ phút thứ 5, giói thiệu phim Phải sống, đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Dự theo tiểu thuyết "Sống" của Dư Hoa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét