Thứ Hai, 23 tháng 9, 2019

Cúc Đậu




Chuyện của một thiếu nữ trẻ tên là Cúc Đậu (Củng Lợi thủ vai) bị bán làm vợ cho một tên chủ tiệm làm nghệ nhuộm vải là Dương Kim San. San hành hạ Đậu, thường là vào ban đêm, một cách tàn nhẫn vì nàng không sinh con nối dòng cho hắn. Oái oăm một điều là San lại bất năng và vô sinh. Sự ngược đãi của San bị Dương Thiên Thanh, một người cháu kêu bằng chú của y, thường xuyên chứng kiến. Bị ức chế và cám dỗ, cuối cùng Cúc Đậu lén lút dan díu với Thanh sinh ra một đứa con trai là Thiên Bạch, mà lúc đầu San mừng rỡ cứ ngỡ là con mình và thay đổi thái độ và lối cư xử với Đậu. Bất ngờ một hôm kia, San bị té, bán thân bất toại từ lưng trở xuống, và phải chịu lệ thuộc vào sự chăm sóc của Đậu và Thanh. Để trả thù những sự ngược đãi và hành hạ của San trước kia đối với mình, Đậu ngang nhiên suồng sã và đi lại với Thanh ngay trước mặt San. Nhưng sau khi San bị té xuống hồ nhuộm chết, thì cả hai Đậu và Thanh lại phải càng sống lén lút hơn để tránh những dư luận khắt khe của xã hội Trung Hoa thời bấy giờ. Cuối cùng Thanh lại bị chính con trai của mình là Bạch ngược đãi và liệng xuống hồ nhuộm, chết ngộp, y như cái chết của San. Phim kết thúc khi Đậu, trong cơn đau đớn tột cùng đã phóng hỏa đốt cháy xưởng nhuộm, không rõ nàng có tự thiêu không và số phận của con trai mình là Bạch ra sao.

Cúc Đậu là một cuốn phim Trung Quốc, trình chiếu năm 1991, do Trương Nghệ Mưu đạo diễn. Bộ phim được đề cử cho giải Oscar phim ngoại ngữ hay nhất của năm 1990.

Giống như hầu hết các bộ phim khác, đạo diễn Trương Nghệ Mưu rất chú trọng đến tình tiết, âm thanh, ánh sáng, và bỏ lửng những khúc phim nóng bỏng gay cấn như lúc Thanh lén nhìn trộm lúc Đậu thoát y. Những lúc San hành hạ Đậu mà người xem phim chỉ nghe được những tiếng rên xiết qua sự tức tối và bất an thôi thúc của Thanh... Cảnh đám ma của San mà theo phong tục xưa Đậu và Thanh phải làm bộ khóc thảm thiết, ngăn chận linh cửu đúng bốn mươi chín lần trước khi hạ huyệt. Cảnh San bị tàn phế ngồi trong lu gỗ có bánh xe bị Thanh dùng ròng rọc câu lên để biệt lập. Cánh phơi vải với nhiều màu rực rỡ, cảnh thuốc nhuộm loan ra từ từ trong hồ...là những tiểu tiết xuất sắc, vừa gợi hình, gợi cảm của phim, mà người xem có thể tưởng tượng theo từng cảm giác riêng.

Phim



Đọc thêm.

Bị cấm chiếu ở Trung Quốc nhưng lại rất thành công ở bên ngoài, Cúc Đậu - đại diện đầu tiên của điện ảnh Trung Quốc trong đề cử Oscar phim nước ngoài xuất sắc nhất sau 40 năm chính quyền này mở cửa với bên ngoài, đã mở đầu những bước thăng trầm trong sự nghiệp của Trương Nghệ Mưu…
Năm 1988, với giải Gấu vàng tại LHP Berlin, bộ phim Cao Lương Đỏ đã trình làng “cặp đôi” đầu tiên của điện ảnh Trung Quốc và cũng là tác phẩm đầu tay của cả hai người: Trương Nghệ Mưu và Củng Lợi. Tuy là người châu Á đầu tiên đoạt giải Gấu Vàng, nhưng Trương chỉ mong thành công bất ngờ của Cao Lương Đỏ sẽ là cầu nối cho bộ phim kế tiếp được sản xuất với kinh phí khá hơn, trang thiết bị tốt hơn, dàn dựng chỉn chu hơn, và quan trọng nhất là sẽ có âm thanh “xịn” hơn. Câu chuyện kế tiếp là sự đồng cảm của Trương với cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Fu-xi Fu-xi của nhà văn trẻ Lưu Hằng. So với chủ nghĩa lãng mạn trong Cao Lương Đỏ thì Fu-Xi Fu-Xi của Lưu Hằng hiện thực khốc liệt hơn.
Ở Trung Quốc lúc ấy, tất cả những bộ phim hợp tác với nước ngoài phải thông qua China Film Corporation. Tại đây, Trương được giới Thiệu với Yasuyoshi Tokuma - một nhà đầu tư người Nhật rất hâm mộ bộ phim Cao Lương Đỏ và Tokuma đồng ý bỏ vốn sản xuất. Tiền đầu tư của Nhật đã giúp Trương Nghệ Mưu thỏa mãn ước mơ quay một bộ phim bằng máy Panavision hiện đại, được sử dụng phim mới không quá hạn (những bộ phim làm trước đó, ông toàn phải sử dụng loại phim đã hết “đát” làm sai lệch màu sắc chuẩn), âm thanh đồng bộ, làm hậu kỳ toàn bộ tại Nhật. Công ty của Tokuma không quan tâm lắm về việc bộ phim sẽ đoạt giải thưởng hay kiếm nhiều tiền. Họ chỉ muốn Trương Nghệ Mưu làm một bộ phim hay.
Ban đầu phim lấy tên là Tiếng Rên, sau đó được đổi thành Cúc Đậu. Chuyện phim kể về một bi kịch gia đình ở nông thôn Trung Quốc những năm 1920. Cúc Đậu là tên của một phụ nữ phải vật lộn với số phận thiên định trong một xã hội đầy những hủ tục phong kiến.
Tiểu thuyết của Lưu Hằng có bối cảnh kéo dài từ thập niên 1920 - 1970. Nhưng đạo diễn cho rằng chủ đề của Cúc Đậu rất nhạy cảm, nếu kéo dài sang xã hội đương đại ở Trung Quốc e khó qua ải kiểm duyệt nên ông quyết định lấy bối cảnh cho bộ phim hoàn toàn ở thập niên 1920.
Trong Cúc Đậu không có vai diễn kiểu mẫu tích cực, không có anh hùng, không có luân thường đạo lý… Các nhân vật đều rất yếu đuối, thậm chí được mô tả là “những con người nhỏ nhen”, không đủ cao thượng. Đó không phải là một cách tiếp cận nhân vật theo kiểu truyền thống xưa nay ở Trung Quốc - một kiểu “Phản Nho giáo” (Anti-Confucian), trong một đất nước Nho giáo hàng nghìn năm.
Thay đổi quan trọng nhất của Trương Nghệ Mưu so với tiểu thuyết là biến bối cảnh của câu chuyện thành một xưởng nhuộm vải. Nhờ đó, Trương mới thoải mái sáng tạo màu sắc của những súc vải và thuốc nhuộm… có tác dụng kích thích cảm xúc của khán giả. Ông tiếp tục mời lại quay phim Cố Trương Vệ (Cao Lương Đỏ) - chịu trách nhiệm tạo nên một bức tranh táo bạo về màu sắc và ánh sáng của bộ phim.
Bộ phim cực kỳ ít nhân vật với chỉ 3 nhân vật chính và 1 đứa trẻ lớn lên theo từng thời kỳ. Củng Lợi (vai Cúc Đậu), Lý Vỹ (vai Dương Kim Sán - chủ lò nhuộm). Do bộ phim rất ít lời thoại và nặng về diễn xuất nội tâm phức tạp, nên Trương Nghệ Mưu mời Dương Phượng Lương - một người bạn rất thân, đã tốt nghiệp Khoa Diễn xuất của Học viện Kịch nghệ Thượng Hải năm 1982 - làm đồng đạo diễn với mình. Công việc của Dương là giải thích cảnh quay và giao tiếp gần gũi với các diễn viên. Trương đứng sang một bên quan sát rồi sau đó hiệu chỉnh lại - điều chỉnh này giữ cho ông được bình tĩnh và sáng suốt.
Đoàn phim chọn một ngôi nhà ở huyện Di, tỉnh An Huy với phong cách kiến trúc rất đặc thù của địa phương và cải tạo nó thành một lò nhuộm. Trước khi khởi quay, Củng Lợi phải đi thực tế ở nông thôn Nam Anh hơn một tháng. Lúc đó, thành công quốc tế đầu tiên với Cao Lương Đỏ đã khiến Trương Nghệ Mưu nổi tiếng khắp đất nước. Khi ông quay Cúc Đậu ở một thôn nhỏ của tỉnh An Huy, nhân dân trong vùng tấp nập đến xem, thậm chí những thanh niên hâm mộ đạo diễn đã đua nhau… cạo trọc đầu như thần tượng của mình!
Cúc Đậu được xem là bộ phim cực kỳ tinh tế trong việc mô tả tình dục. Phim chỉ diễn ra trong xưởng nhuộm, rất ít lời thoại. Củng Lợi đã phát huy thế mạnh ngoại hình của mình trong những trường đoạn lẳng lơ khêu gợi anh chàng Dương Thiên Thanh nhút nhát rụt rè. Những cảnh nhìn trộm Cúc Đậu tắm qua lỗ thùng của chuồng ngựa… Lửa gần rơm… Cảnh hai người ái ân bên bể nhuộm vải là một cảnh quay đẹp, kín đáo nhưng rất gợi tình theo đúng tinh thần Á Đông, thông qua màu sắc, tiếng động, nước và mồ hôi. Trong cảnh ân ái duy nhất của phim này, đạo diễn hầu như chỉ đặc tả diễn xuất của Củng Lợi là có chủ ý, bởi diễn xuất và ngoại hình của cô sẽ tạo cảm hứng mạnh mẽ nhất cho khán giả.
Rồi sau đó là cảnh Cúc Đậu vừa đẻ xong, ngực căng sữa, và cô đề nghị Dương Thiên Thanh giúp cô hút sữa ra để ngực bớt căng. Tất cả chỉ thông qua lời thoại, nhưng cử chỉ và hành động của Củng Lợi tạo hiệu quả rất cao cho cảnh quay.
Rồi đứa trẻ lớn lên, hai người muốn gần nhau phải lén lút ra ngoài, lúc thì ngoài đồng, lúc thì lò gạch, lúc thì trong kho giếng cạn. Diễn xuất của 2 diễn viên tạo cho khán giả cảm giác lén lút ngột ngạt đến nghẹt thở, nhưng sau đó là sự cảm thương với bi kịch của hai nhân vật chính.
Ngày 6.4.1989 tại Bắc Kinh xảy ra sự kiện Thiên An Môn làm rúng động thế giới, dẫn đến tình hình chính trị giữa Trung Quốc với bên ngoài diễn biến hết sức căng thẳng. Lúc ấy, đoàn phim Cúc Đậu đang ở miền quê và biết về sự kiện qua ti-vi. Họ phải dừng lại và giải tán ê-kip làm phim. Hai hay ba tháng sau, chờ cho sự kiện lắng xuống, đoàn phim phải tổ chức lại ê-kip để quay tiếp.
Tuy nhiên, những khó khăn về kiểm duyệt đã bắt đầu nẩy sinh những chính kiến không tốt về Cúc Đậu và chính quyền Trung Quốc bắt đầu lo ngại về chủ đề của bộ phim. Có nhiều hạn chế hơn về sự tự do sáng tạo và kinh phí bị cắt giảm khoảng 1/3, vì cả hai phía Trung - Nhật đều nghĩ làm một bộ phim kinh phí cao trong thời điểm căng thẳng như thế là rất liều lĩnh. Tuy nhiên, may mắn là hợp đồng đã được ký kết trước sự kiện 6.4.1989, và Trung Quốc muốn quảng bá một chính sách kinh tế tự do, nên họ không dừng dự án lại và bộ phim vẫn được thực hiện.
Cúc Đậu hoàn tất và được đưa về chiếu thử ở Bắc Kinh. Bộ phim được khen ngợi là sáng tạo và hoàn chỉnh hơn hẳn Cao Lương Đỏ. Diễn xuất chân thực của các diễn viên được đánh giá cao, đặc biệt là Củng Lợi đã tiến bộ vượt bậc. Nhưng về nội dung thì Cúc Đậu bị chỉ trích kịch liệt vì đã khắc họa một cách tàn nhẫn những hủ tục trong đời sống xã hội ở Trung Quốc. Cúc Đậu chính thức bị cấm chiếu, điều này khiến Trương Nghệ Mưu vô cùng đau đớn.
Lúc ấy bộ phim sắp được gửi tới LHP Cannes, nhưng vì sự kiện Thiên An Môn nên Trung Quốc không thiết tha gửi phim đi, bởi mối quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây đang diễn biến xấu. Nhưng người Nhật lại nghĩ khác. Họ là người bỏ tiền, là chủ bộ phim, và nhất định đòi đưa Cúc Đậu tới Cannes với hi vọng lớn vào giải thưởng.
Tranh giải Cành Cọ vàng tại LHP Cannes lần thứ 43 (9.1990), Cúc Đậu bị xếp lịch chiếu vào ngày cuối cùng của LHP. Đoàn Trung Quốc cảm nhận rõ sự cố ý lạnh nhạt và hờ hững của LHP đối với bộ phim, nhằm phản ứng sự kiện Thiên An Môn. Nhưng khán giả và Ban giám khảo lại rất yêu thích Cúc Đậu, nên dù gần như bị tẩy chay, bộ phim vẫn được trao giải thưởng đặc biệt tại Luis Brunei.
Cùng năm 1990, Cúc Đậu liên tiếp đoạt giải cao nhất tại 3 LHP quốc tế: Valladolid (Tây Ban Nha), Na Uy và Chicago. Song sự kiện chấn động là Cúc Đậu được đề cử Oscar phim nước ngoài xuất sắc nhất - lần đầu tiên sau 40 năm Trung Quốc mở cửa với thế giới bên ngoài - dù phe bảo thủ ở Bắc Kinh đã hai lần cố gắng tước bỏ tư cách đại diện Trung Quốc của Cúc Đậu tại giải Oscar. Đêm Oscar năm ấy, không có mặt Trương Nghệ Mưu lẫn Củng Lợi.
Sự kiện Cúc Đậu bị cấm chiếu ở Trung Quốc, nhưng lại rất thành công ở bên ngoài, đã mở đầu những bước thăng trầm trong sự nghiệp của đạo diễn Trương. Liên tiếp những bộ phim sau này của ông đều bị giám sát chặt chẽ. Trong 5 bộ phim đầu tiên của ông, đã có đến 3 phim bị cấm chiếu ở Trung Quốc (hiện những lệnh cấm này đã được dỡ bỏ).
Bá Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét