KIẾP HOA - BỘ PHIM THU TIẾNG ĐẦU TIÊN
"Kiếp Hoa" là bộ phim Việt Nam thu tiếng đầu tiên. Vào thập niên 1950, trong bối cảnh hoàng kim của sân khấu cải lương, điện ảnh vẫn còn là bộ môn nghệ thuật tương đối xa lạ với người Hà Nội. Chưa có đạo diễn, chưa có nhà quay phim, Kiếp hoa chỉ là dự án phim mang tính gia đình. Bầu Long (nghệ danh Trần Lang, tên thật là Trần Viết Long - trưởng đoàn hát Kim Chung) viết kịch bản, vai nữ chính (Ngọc Lan) do diễn viên Kim Chung (vợ bầu Long) đảm nhận. Kim Xuân (em dâu bầu Long) vào vai thứ chính Ngọc Thủy.
Ngay từ khi sắp công chiếu, Kiếp hoa đã trở thành một sự kiện đình đám. Thậm chí nhà sản xuất còn thuê nguyên một máy bay trực thăng rải các tờ bướm quảng cáo quanh Hồ Gươm. Vốn đầu tư sản xuất là toàn bộ doanh thu từ các đêm diễn của đoàn Kim Chung. Tiền bán vé thu được sau thời gian công chiếu giúp ông bầu sắm được một ngôi biệt thự sang trọng trên phố Nguyễn Du. Kiếp hoa không chỉ làm sáng đèn các rạp Hà Nội, mà còn Nam tiến vào Sài Gòn và khắp các rạp miền Tây Nam Bộ. Bộ phim gây cháy vé, đa phần nhờ vai Ngọc Thủy của nghệ sĩ Kim Xuân - một diễn viên cải lương ăn khách đương thời.
Kiếp Hoa được xem là phim nội địa hay nhất, doanh thu là con số mà bất cứ nhà sản xuất phim Việt nào thời đó cũng thèm muốn - trên 5 triệu đồng. Thời đó, 5 triệu đồng là một gia tài khổng lồ, sau này, phim Kiếp Hoa được chiếu lại nhiều lần, nhiều thời điểm, lần xuất hiện cuối khoảng năm 1974 ở Sài Gòn.
Nội dung phim: Trên đường tản cư tránh chiến tranh Pháp-Việt, hai chị em Ngọc Lan - Ngọc Thủy tá túc tại nhà của một chàng trai (Trần Quang Tứ thủ vai). Người chị đính ước cùng anh. Rồi chiến tranh loạn ly, họ lạc nhau trên các bước đường tản cư. Khi gặp lại thì Ngọc Lan đã trải qua "bao phen sóng dập gió vùi", đành nhờ cậy em gái gánh thay mình mối nhân duyên với chàng trai đã đính ước. Ngọc Thủy mang đúng nét đẹp của nàng Vân, "khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang". Thủy nhí nhảnh, vô tư bên cạnh người chị đa sự, đa đoan và bạc mệnh. Tính cách quyết định số phận. Thủy yên ả như cuộc đời nàng Vân lành lặn khi xưa. Ca khúc Dư âm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là ca khúc chính trong phim, và nó đã trở nên nổi tiếng, “ nằm lòng” nhiều thế hệ người yêu nhạc từ đó đến nay.
Phim có nhiều cảnh diễn tả rất tinh tế tình yêu của đôi trẻ ở làng quê như hẹn hò bên sông, họ cùng nhau đi chơi, cưỡi ngựa. Ở thời kỳ đầu, các nhà làm phim đã thực sự có ý thức đưa những hình ảnh đẹp mà khán giả mong đợi về một cuộc sống hạnh phúc và đáng yêu như thế, một tác phẩm chỉ có cuộc sống, tình yêu và những điều tốt đẹp dù cái xấu còn lẫn đâu đó.
PS. Nhạc sĩ Văn Dung là người mê Thiền, nghe tiếng một ông sư chùa ở mạn Vĩnh Tuy ngộ Thiền sâu sắc liền cất công tìm để đàm luận, lần đầu tới không gặp, lần thứ hai tới phải chờ rất lâu ông ấy mới ra, từ chối đàm luận, chỉ nói ngắn gọn: Thiền là sự suy ngẫm im lặng của mỗi người. Suzuki cả đời ngộ thiền tới cuối đời lại giở chứng viết 3 cuốn Thiền luận dầy cộp thế là phá hết Thiền nghiệp. Văn Dung gặng hỏi thêm thì ông ấy nói: Ông là nhạc sĩ chắc biết ca khúc Dư âm của Nguyễn Văn Tý đó là thiền đích thực chứ đâu. Văn Dung giác ngộ liền quay về.
(Nguyễn Hồng Sinh)
PS. Nhạc sĩ Văn Dung là người mê Thiền, nghe tiếng một ông sư chùa ở mạn Vĩnh Tuy ngộ Thiền sâu sắc liền cất công tìm để đàm luận, lần đầu tới không gặp, lần thứ hai tới phải chờ rất lâu ông ấy mới ra, từ chối đàm luận, chỉ nói ngắn gọn: Thiền là sự suy ngẫm im lặng của mỗi người. Suzuki cả đời ngộ thiền tới cuối đời lại giở chứng viết 3 cuốn Thiền luận dầy cộp thế là phá hết Thiền nghiệp. Văn Dung gặng hỏi thêm thì ông ấy nói: Ông là nhạc sĩ chắc biết ca khúc Dư âm của Nguyễn Văn Tý đó là thiền đích thực chứ đâu. Văn Dung giác ngộ liền quay về.
(Nguyễn Hồng Sinh)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét