Thứ Ba, 18 tháng 12, 2018

Khúc Hậu Đình Hoa

Khúc Hậu Đình Hoa
"Hậu Đình Hoa" nghĩa là "Hoa ở sân sau". Đây là một tập thơ chọn lọc rồi phổ thành âm điệu cho các cung nữ, phi tần hát của Trần Hậu chủ đời Hậu Trần, thời Nam Bắc triều (420-587).

Trần Hậu chủ (583-587) tên Trần Thúc Bảo, là một ông vua nổi tiếng tài tử phong lưu. Hậu cung lúc nào cũng có hàng ngàn mỹ nhân tuyệt sắc. Trong số đó có hai nàng là Khổng Quý Tần và Trương Lệ Hoa được nhà vua sủng ái.
Hai nàng Quý Tần và Lệ Hoa chẳng những có sắc đẹp lộng lẫy, người mẫn tiệp lại có tài thi phú, thường cùng Hậu chủ cùng các bực thi văn tài danh trong triều xướng họa mỗi khi có yến tiệc linh đình.

Vì yêu người đẹp tài hoa nên Hậu chủ phải tổn phí nhiều tiền của, cho dựng trước điện Quang Chiếu ba tòa lầu lớn. Ba tòa lầu này dùng toàn bằng gỗ trầm hương. Cửa lớn, nhỏ đều dát toàn ngọc ngà, rèm châu, trướng gấm lộng lẫy. Ba lầu ấy đặt tên là Lâm Xuân, Kết Ỷ và Vọng Tiên (có bản chép là Vọng Xuân).

Dưới lầu, trồng toàn cây quý, hoa lạ, ngào ngạt mùi hương. Lại chất đá xây thành núi gọi là núi Nghinh Phong; tháo nước làm thành hồ gọi là hồ Ngoạn Nguyệt.

Hằng đêm, Trần Hậu chủ bày yến tiệc, họp các mỹ nhân uống rượu tại lầu Lâm Xuân cùng với các học sĩ ngâm thơ xướng họa. Một khi có những bài thơ hay, thích, nhà vua cho chép lạai thành tập và phổ vào khúc đàn để những cung nữ hát xướng suốt đêm, nên được gọi là Trường Dạ Ẩm.


Những bài thơ, những khúc nhạc lả lướt ấy được chép thành 3 tập là: Nghinh Xuân nhạc, Ngọc Thu và Hậu Đình Hoa. Riêng tập Hậu Đình Hoa toàn sưu tập những bài bay bướm, bóng bẩy, dâm đãng. Chính Trần Hậu chủ cũng làm một khúc hát Hậu Đình Hoa:
Nguyên tác là:

    Lệ vũ phương lâm đối cao các
    Trân trang điểm chất bản khuynh thành,
    Ánh hộ ngưng kiều sa bất tiến,
    Xuất duy hàm thái tiếu tương nghinh.
    Yêu cơ kiểm tự hoa hàm lệ,
    Ngọc thu lưu quang chiếu Hậu Đình.

Nghĩa:
    Bóng rợp hương thơm chốn lâu các,
    Nghiêng thành vẻ đẹp với mầu tươi.
    Ngoài cửa dịu dàng khoan dạo bước
    Trước màn chào đón mỉm môi cười,
    Má hồng tựa đóa hoa đầy móc
    Cây ngọc sân sau chiến sáng ngời
    (Bản dịch của Phan Thế Roanh)
Suốt đêm ngày, Trần Hậu chủ bỏ cả việc triều chính, say sưa bên cạnh Trương Lệ Hoa, Khổng Quý Tần và những mỹ nữ ca hát bên tiệc rượu làm cho đất nước càng suy đồi.
Vua nhà Tùy (589-617) là Văn Đế thừa dịp nhà Hậu Trần suy vi, sai tướng Lý Uyên và Dương Tố đem quân sang vây Đại Thành. Giữa lúc ấy, Trần Hậu chủ còn đương say khươt trên lầu Kết Ỷ.Quân Tùy đánh phá, đột nhập thành. Quân Hậu Trần chạy tán loạn. Có người phải lấy nước đổ vào mặt Trần Hậu chủ cho tỉnh dậy và yêu cầu ra hàng để cứu quân lính khỏi chết oan.
Hậu chủ nói:
- Sau lầu, trẫm có đào sẵn giếng sâu.
Đoạn, Hậu chủ dắt Trương Lệ Hoa, Khổng Quý Tần và độ mươi mỹ nhân khác đếngiếng, ôm nhau nhảy xuống tránh nạn. Quân Tùy lùng tìm nhà vua trong nội cung không thấy, liền ra sau điện Cảnh Dương, thấy có giếng sâu và có tiếng người thì thầm ở dưới, liền cho thả dây xuống dò. Bỗng thấy dây nặng, chúng lấy làm lạ, kéo lên.Thì ra hai nàng tiên tuyệt sắc Khổng Quý Tần và Trương Lệ Hoa nắm đầu dây ấy mà lên. Một tên lính già chỉ hai nàng nói:
- Trần Hậu chủ chết và mất nước cũng vì hai ả này ta chẳng nên mó đến. 
Quân Tùy nghe nói liền đâm chết cả hai người đẹp vứt xác xuống giếng, lấp đá lại.Giếng ấy về sau gọi là giếng "Son Phấn". 
Riêng về Trần Hậu chủ, có sách nói là được cứu sống, nhưng sau thấy quân sĩ giết mấy hai nàng Khổng, Trương nên buồn rầu, sinh bịnh nhớ thương mà chết. 
Nhà Hậu Trần bị diệt vong, người ta cho rằng sở dĩ nước mất nhà tan cũng do khúc hát "Hậu Đình Hoa" ấy, vì có tính cách ủy mỵ, dâm dật. "Hậu Đình Hoa" chỉ về khúc ca vong quốc. 



Đỗ Mục (803-852) một đêm đậu thuyền ở bến Tần Hoài, mắt nhìn cảnh khói phủ mờ sông lạnh, trăng chiếu bãi cát xa, tai nghe giọng hát, động mối cảm hoài, làm nên bài thơ tuyệt tác Bạc Tần Hoài (Đêm đậu thuyền ở bến Tần Hoài):

Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa,
Dạ bạc Tần Hoài cạnh tửu gia,
Thương nữ bất tri vong quốc hận,
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa.

Thiện Nhân dịch:
Khói che sông lạnh, trăng lồng cát,
Thuyền đậu bến đêm cạnh tửu gia,
Ca nữ chẳng hay hờn mất nước,
Bên sông còn hát Hậu Đình Hoa.



HẬU ĐÌNH HOA
Trích bài viết của Trương Quý.

Thế nào mà lẩm nhẩm lại cái bài Tình cầm do Phạm Duy phổ thơ Hoàng Cầm có câu:

Nhưng thuyền em buộc trên sông hận
Anh chẳng quay về với trúc tơ

thì lại nhớ ra mấy câu thơ của Đỗ Mục, bài Bạc Tần Hoài:

Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa
Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia
Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa

Khương Hữu Dụng dịch:

Đỗ bến Tần Hoài

Nước lồng khói tỏa, cát trăng pha,
Thuyền đỗ sông Hoài cạnh tửu gia.
Con hát biết chi hờn mất nước,
Cách sông còn hát Hậu Ðình Hoa.


Mình lại nhớ mang mang hai câu cuối có ai dịch theo kiểu này (hay là mình pha chế rồi):

Gái tơ không biết hờn vong quốc
Còn đứng bên sông hát Hậu Đình.

Thích kiểu này hơn vì chữ Hậu Đình (trắc-bằng) kết bài nghe rợn hơn, nhất là thanh trầm để đối lại vong quốc (bằng-trắc) có xu hướng đi lên. Thực ra bản của Khương Hữu Dụng quá sát rồi, chỉ có điều chữ "vong quốc" nghe đẫm mùi sử ký hơn.

Nhưng rõ ràng là chữ "hận" nối hai câu thơ lại với nhau trong trường liên tưởng của mình. Không lý giải được, nhưng với mình nó mang yếu tố ornament hơn (sông hận dễ bị suy diễn lắm!).

Rồi cũng mới ớ ra là "Tần Hoài" là tên con sông, là nơi có cái bến, có cái lầu, các nàng cung nữ của vua Trần Hậu Chủ thời Nam Bắc Triều, hát khúc Hậu Đình Hoa do ông này soạn ra. Khỏi mất công truy nguyên điển cố, đại khái ông này với các cung nữ, có hai nàng Khổng Qúy Tần và Trương Lệ Hoa giỏi thơ xướng cầm ca được yêu vì, mê đắm quá nên đến nỗi mất nước. Cao trào là có bài Hậu Đình Hoa, soạn để hát như sau:

Lệ vũ phương lâm đối cao các
Trân trang điểm chất bản khuynh thành,
Ánh hộ ngưng kiều sa bất tiến,
Xuất duy hàm thái tiếu tương nghinh.
Yêu cơ kiểm tự hoa hàm lệ,
Ngọc thu lưu quang chiếu Hậu Đình.

Nghĩa:
Bóng rợp hương thơm chốn lâu các,
Nghiêng thành vẻ đẹp với mầu tươi.
Ngoài cửa dịu dàng khoan dạo bước
Trước màn chào đón mỉm môi cười,
Má hồng tựa đóa hoa đầy móc
Cây ngọc sân sau chiến sáng ngời
(Bản dịch của Phan Thế Roanh)

Nhà Hậu Trần mất nước về nhà Tùy, cho là vì khúc hát gây họa kia. Nhưng các văn nhân thi sĩ đời sau lại lấy tích đó trang trí cho thơ ca:

Vua Trần hậu chúa ngắm trăng vàng,
Khúc Hậu Đình Hoa đang lên khơi
(Nhị Hồ - Xuân Diệu)

Thuyền mơ trong khúc Nam Ai
Đàn khuya trên sông ngân dài
Ai luyến ai tiếc khúc ca Tần Hoài

(Đêm tàn Bến Ngự - Dương Thiệu Tước)

1 nhận xét:

  1. Đỗ Mục "bạc Tần Hoài", cảm khái, rồi tưởng tượng mà làm thơ? Vì khi ông sinh ra (năm 803) thì sự kiện lịch sử nói trên đã thành chuyện đời xưa rồi cơ mà.

    Nguyên văn

    Bạc Tần Hoài

    Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa
    Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia
    Thương nữ bất tri vong quốc hận
    Cách giang do xướng Hậu đình hoa.

    Dịch nghĩa

    Bến Tần Hoài

    Khói lồng sông lạnh, ánh trăng lồng bãi cát
    Đêm đậu thuyền ở bến Tần Hoài, gần quán rượu
    Con hát không biết hờn mất nước
    Bên kia sông còn hát khúc Hậu đình hoa.

    Dịch ra thơ Đường luật

    Khương Hữu Dụng:

    Nước lồng khói tỏa, cát trăng pha,
    Thuyền đỗ sông Hoài cạnh tửu gia.
    Con hát biết chi hờn mất nước,
    Cách sông còn hát Hậu đình hoa.

    Trả lờiXóa