Thứ Năm, 15 tháng 11, 2018

Đức Phật và cô gái điếm



Đức Phật và cô gái điếm

                                                               Nguyễn Thị  Miền                          
                           Đức Phật có trong lòng mỗi người

-     Này, bớt đi cho sư ông vài chục ngàn. Gớm, nhà mày lấy ông đắt vừa vừa thôi. Một trăm ba mươi nhé. Thôi được rồi đi. Thôi thì một trăm bốn mươi vậy. Mai chín giờ mang đến cho ông đấy. Gớm, nhà mày quá quắt lắm. Alô, được chưa, ông bỏ máy đây, đang có khách. Lắm mồm quá cái con này. Vâng, chào cô, tôi không dám. Này chị ơi, bây giờ lắm đứa nó ghê lắm nhé. Nó đổi ô tô xoành xoạch như thay áo thay váy ấy. Nay nó lên chùa nhờ lễ, mai nó lên chùa nhờ lễ. Kêu cho nó mỏi mồm mỏi miệng, nó bán được nhà, lãi vài trăm triệu thế mà chả thấy tăm hơi ỏ ê gì. Bây giờ bọn trẻ nó ghê gớm thế đấy cô ạ.
-     Ơ ông buồn cười thế. Con chả lên đây rồi là gì.
-     Vâng, chị lên. Bây giờ mới lên.
-     Thì con bận quá. Đây con biếu ông năm trăm ngàn. Bán cái nhà ấy con ăn thua gì, rẻ thối rẻ tha ra, bao nhiêu là công lênh chứ ông tưởng ... Bây giờ ông lại kêu tiếp cho con cái nhà này nhé. Con muốn bán nó tám trăm năm mươi triệu
-     Thế nhà bà mua bao nhiêu? bà trẻ ?
-     Thì... con mua sáu trăm năm ngoái. Nhưng vay lãi, chạy chọt nọ kia cũng thành hơn tám trăm rồi. ông có kêu cho con bán được cũng chả được bao nhiêu.
-     Thôi tôi lạy nhà chị. Lúc nào cũng chả bao nhiêu đâu với chả bao nhiêu đâu. Xe thì đổi liên tục. Không ông kêu cho thì có khối ra đấy.
-     Vâng, thì con biết thế con mới lên cửa ông.
-     Vâng. Nỏ mồm. Mời chị ghi tên ghi tuổi với cái nhà cần bán ở cuốn sổ này cho tôi ạ. Rồi tôi lại đi hầu bà ạ.
-     Sư ông ngoa quá. Nhớ đấy. Tám trăm năm mươi triệu. Con ghi đây rồi tối nay cầu luôn không được quên đâu đấy. Con lên đặt lễ đây.
Người đàn bà nhỏ bé xinh đẹp quay gót đi lên chùa. Sư ông quay ra đếm mấy chai rượu ngoại lẩm bẩm với mấy người còn lại:
-     Mấy chai rượu này là của ông X., ông N. biếu đấy. Gớm năm nào cũng rượu ngoại mấy trăm ngàn một chai. Nhưng bày nó đẹp. Năm nay ông sửa chùa. Ông tính hết hai tỷ. Một đám ngân hàng đã nói sẽ giúp bộ cửa năm trăm. Còn lại mỗi đệ tử cúng một cái cột. Nhà nghèo thì cột bé, nhà giàu thì cột to.
-     Cột to bao nhiêu mà cột bé bao nhiêu hở ông?
-     Cột to mười lăm triệu, cột bé mười hai triệu. Chùa là chùa của các vị chứ của ông đâu. Ông có sống mà ôm lấy chùa được à ? Xây chùa để đức cho con cho cháu, cho muôn đời dòng họ nhà mình chứ của gì ông.
-     Cái con vừa xong đấy, chả nhờ ông cúng bây giờ mua ô tô BMV loại sang đấy. Thôi tôi cứ kêu cầu cho các ông các bà làm ăn phát đạt rồi nhớ đến chùa là được rồi. Các sư khác mua xe ô tô cả, nhưng ông nhát quá, chả dám lái nên thôi đi đâu thì các đệ tử đưa đi là xong. Mua thì cũng mua được rồi đấy.  Lân ơi, Lân, Lân ơi.... ơi... làm việc với một đám những thằng ngu này nó chán thế đấy. Mai ông đuổi quách hết thôi. Mang nước lên đây.
 Chú tiểu Lân chỉ khoảng ngoài hai mươi, gương mặt buồn bã vội vàng chạy xuống bếp xách lên một phích nước. Trông chú vừa như một thằng bé con bảy tuổi, vừa như một ông già chín mươi với cái nhìn u uẩn và nhẫn nhục.
Gió thổi lồng lộng lùa qua cây nhãn cổ thụ. Tiếng chuông chùa bắt đầu ngân lên. Chú tiểu Lân lật đật cầm lấy cuốn kinh, trong bộ quần áo nâu sồng lụng thụng, trông chú như một hình nộm biết đi. Chú bắt đầu buổi tụng kinh của mình. Nắng đang tắt dần, hiu hắt ...
Công viên, người đàn bà không còn trẻ, son phấn đậm mặt  không giấu nổi vẻ mệt mỏi.
- Bao cao su à? vâng, chị cho thì em xin. Còn khách nó có đi không thì em không biết. Em có quyền ép chúng nó đâu. Những thằng khốn nạn có tiền ấy nó có cho em được dùng hay không dùng bao cao su đâu. Nhưng có thể... em sẽ dùng nó trong ngày Rằm. Hà, nhưng hôm nay thì em không đi khách. Hôm nay em đi đón con em đi chơi.
- Em có con rồi à?
- Vâng
Gương mặt ngời lên rạng rỡ, người đàn bà  mỉm cười tự hào:
- Con em đi học rồi, học giỏi lắm. Có giấy khen cơ đấy. Em đi thế này thôi nhưng về kèm con chặt lắm. Em sẽ không để nó hư... như em đâu. Chồng em ấy à? nó nghiện rồi sốc thuốc chết rồi. May con em không phải chứng kiến vì nó chết ở xa.
- Sao hôm nay em không đi khách? phải bận đón con à?
- Không. Đón con vì không đi khách. Hôm nay ngày Rằm.
- Sao ngày Rằm lại không đi khách. Sao lúc nãy em nói bao cao su để dùng trong ngày Rằm.
- Em sợ.
- Sợ?
- Chúng em là những người không ra gì. Ngày Rằm, Đức Phật không rời bỏ ai vì ngài rất độ lượng. Em không muốn mất Đức Phật của mình. Vì thế trong ngày Rằm em hiếm khi đi khách. Bọn đàn ông sẽ làm mất nốt Đức Phật của em. Nếu cố đi khách ngày Rằm, em sẽ mất hết những gì tốt đẹp còn lại. Nhưng... đôi khi không thể, thì em dùng bao cao su trong ngày này. Dứt khoát đấy, không thì thôi...  Em dài dòng quá rồi. Cảm ơn chị đã lo lắng cho sức khoẻ của bọn em. Chào chị nhé.
Người đàn bà thoăn thoắt bước đi và biến vào hàng cây sẫm tối. Ngày hôm nay, có bao nhiêu người đàn ông đi giải khuây phải về không thất vọng vì gái bán hoa còn lo giữ Đức Phật của mình? Tôi không tin có người đàn ông nào nghĩ mình cần phải giữ cái gì vào một ngày nào đó trong năm hay trong tháng. Họ lo giải đen cho vận hạn, có thể bằng thịt chó hoặc gái còn trinh.

- Này tôi hỏi thật, em có còn trinh không đấy
- Đương nhiên
- Này tôi hỏi thật, em còn trinh không đấy?
- Đương nhiên
Đoạn đối thoại giữa thày trò được tung lên mạng như lời thoại trong một chợ tình theo nghĩa đen, là có mua có bán.
-Này kiếm cho tao một con còn gin. Tao đang lo mất chức. Mười lăm à? Tốt. Nhớ là đồ thật chứ không phải vá víu gì đâu đấy. Bây giờ công nghệ cao, vá víu thì còn ăn thua gì nữa. Mười lăm có khi đã vá mấy lần rồi ấy chứ. Tuổi tác đâu có nói lên điều gì.

Đức Phật trên trời  đang chấm một ngón tay dịu dàng lên trán cô gái điếm. Người đang ban cho cô ấy chút hạnh phúc nhỏ nhoi hiếm muộn. Người đàn bà mỉm cười rạng rỡ dưới làn phấn son mệt mỏi.
Đức Phật trên trời với nụ cười bí ẩn hàm ngôn, Người khuất dần trong sương khói kêu cầu nhân gian ngày một dày lên, cuồn cuộn,
 Ngày 20/8/2006.


4 nhận xét: