Thứ Năm, 4 tháng 10, 2018

Kê cân

Kê cân

Theo FBlevinhhuy

Ở ta, từ “kê cân” được dùng để chỉ cái sự không giá trị gì, ráng gặm cũng chả béo bổ mà bỏ đi lại thấy tiếc. Từ này trở nên thông dụng ở Việt Nam là do Phan Kế Bính đã dùng nó khi dịch Tam quốc chí diễn nghĩa. Ở hồi thứ 72, Tào A Man đánh Hán Trung lâu ngày không được, định rút quân, nên trước đó đã buột miệng ra khẩu lệnh tuần đêm là “kê cân”.
Tất nhiên, bản dịch Tam quốc chí diễn nghĩa của Phan Kế Bính và Nguyễn Văn Vĩnh hồi đầu thế kỷ XX đến nay vẫn là đỉnh cao dịch thuật, chưa có bản nào khác thay thế nổi. Thớt này chỉ là bàn chuyện chữ nghĩa vặt vãnh, gói trong hai chữ “kê cân” mà thôi.
Hai dịch giả trên Hán học tinh thâm, nhưng dù sao cũng không phải người bản ngữ nên đã nhầm lẫn khi cho rằng “kê cân” là gân gà. Chữ Cân 筋 đúng là chỉ sợi gân, như ngưu đề cân 牛蹄筋 chính là gân bò, phụ liệu đặc biệt thêm vị ngon cho tô phở. Nhưng “cân” khi đi liền với chữ “kê” thành kê cân 雞筋 lại không phải gân/chân nữa, mà là cái… đùi gà. Sở dĩ có sự quay ngoắt lộn ngược này là bởi danh từ “cân” 筋 trong Hán ngữ có đến hai nghĩa:
1/- Sợi gân. Ví dụ: cân cốt 筋骨 là gân và xương, nghĩa bóng dùng để chỉ chỗ quan trọng, cốt yếu của sự vật.
2/- Bắp thịt. Ví dụ: cân nhục 筋肉, dùng để chỉ bắp thịt.
Từ “kê cân” chính là ở nghĩa thứ hai (bắp thịt) này, chứ không phải ở nghĩa thứ nhất như Phan Kế Bính tưởng. Khi nói gân/chân của loài cầm, Hán ngữ thường dùng từ trảo 爪 (móng vuốt), vì chân loài cầm thường có móng vuốt. Ví dụ: kê trảo 雞爪 (chân gà), áp trảo 鴨爪 (chân vịt), ưng trảo 鷹爪 (vuốt chim cắt).
Nguyên văn từ này trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung là “kê lặc” 雞肋, tức xương sườn gà: chỗ sườn gà đó chỉ có chút téo thịt dính với xương, nên ăn chả có vị gì mà bỏ đi cũng thấy tiếc.
Tóm lại, khi dịch từ Hán Việt “kê lặc”, Phan Kế Bính và Nguyễn Văn Vĩnh đã dùng một từ Hán Việt khác là “kê cân” để thay thế, điều này dẫn đến chỗ hiểu lầm rằng người Tàu xưa cũng gặm chân gà, trong khi họ thường để dành chân gà lại, đặng… coi bói.

PS.
Giai thoại (cùng với chuyện Kê cân)

Những chuyện Dương Tu làm Tào Tháo bực tức trong Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, tất cả đều xuất phát từ sự nhanh trí và giỏi luận chữ Hán của Dương Tu. Không rõ là vì cái tôi của mình hay vì không ưa Tào Tháo mà Dương Tu thường hay tạo ác cảm với Tào Tháo bằng những việc nhỏ như vậy (như kiểu Trạng Quỳnh lỡm Chúa Trịnh).
Tào Tháo sau khi đi thăm vườn cảnh của phủ mới được xây, lấy bút viết lên cổng chữ "hoạt" , Dương Tu trông thấy bèn sai thợ phá cái cổng để làm nhỏ hơn. Có người hỏi thì Dương Tu mới nói là làm theo lệnh Tháo, rồi chỉ ra chữ "hoạt" mà Tào Tháo viết nằm trong chữ "môn" thì thành ra chữ "khoát" , có thể hiểu ra là "rộng quá", nên cho phá đi làm lại. Tào Tháo ngoài mặt hài lòng nhưng lại rất không vui vì bị Dương Tu đọc được suy nghĩ của mình.
Tương tự, có lần Tào Tháo được tặng một hộp bánh, trên hộp bánh có đề "nhất hộp tô  一合酥” (một hộp bánh). Dương Tu nhìn thấy liền đem đi chia hết, khi Tào Tháo về hỏi thì giải thích theo lối chiết tự chữ Hán rằng chính chữ "nhất hộp tô" đó có thể hiểu là "nhất nhân nhất khẩu tô"  一人一口酥 (mỗi người một bánh).


Dương Tu
Cái chết
Lần đó, Tào Tháo đem binh ra chặn Lưu Bị nhưng đánh thua mấy trận đành phải cắm trại cố thủ. Thời gian trôi qua, không thay đổi được tình hình chiến trường đâm ra chán chường, có ý muốn rút nhưng lại ngại xấu hổ trước ba quân, quần thần. Buổi tối, tướng Hạ Hầu Đôn vào trướng xin khẩu lệnh ban đêm cho doanh trại, Tào Tháo ngần ngừ một lúc rồi nói: "Kê lặc" (Sườn gà). Hạ Hầu Đôn thấy khẩu lệnh này lạ lùng quá bèn thắc mắc đem hỏi Dương Tu.
Dương Tu cười lớn rồi bảo Hạ Hầu Đôn chuẩn bị gói ghém đồ đạc, kẻo nội trong 3 ngày nữa Tào Tháo sẽ hạ lệnh rút quân. Dương Tu giải thích rằng khẩu lệnh "Sườn gà" nói lên tâm trạng của Tào Tháo, vừa muốn rút quân, vừa không muốn bỏ như sườn gà, ăn thì không có thịt, bỏ đi thì thấy tiếc. Quả nhiên, Tào Tháo ra lệnh hồi kinh. Việc Dương Tu đoán được ý đến tai Tào Tháo, khiến Tào Tháo rất tức giận và muốn tìm cơ hội giết Dương Tu.
Năm Kiến An thứ 24 (219), mùa thu, Dương Tu cùng Tào Thực say rượu đi qua Tư Mã môn (马门), do say sưa mà hạ nhục bộ hạ của Tào Chương. Việc trình lên, Tào Tháo mượn cớ Dương Tu tự cao tự đại, để lộ quân cơ, ra lệnh xử tử Dương Tu.

Trong Tam quốc diễn nghĩa, cái chết của Dương Tu lại nhanh hơn một chút. Sau khi Dương Tu giải được ý tứ "Kê lặc" của Tào Tháo, việc truyền đến tai Tào Tháo khiến Tào Tháo tức giận nên lấy cớ là Dương Tu phao tin làm loạn lòng quân, đem ra chém đầu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét