Kim Dung (金庸) |
Huỳnh Ngọc Chênh
Tôi đọc truyện Kim Dung qua nhiều thời kỳ trong đời: khi còn bé, khi đã trưởng thành và mới đây khi Nhà nước cho xuất bản truyện Kim Dung trở lại. Cũng chừng ấy tác phẩm nhưng đọc đi đọc lại vẫn thấy thích, vẫn thấy mình bị cuốn hút. Dĩ nhiên mỗi thời kỳ, tôi có những cảm nhận khác nhau. Hồi còn bé khi đọc Kim Dung, tôi như bị mê muội, nhập hẳn vào thế giới tươi đẹp kỳ ảo và diễm lệ mà tác giả đã vẽ ra. Tôi thấy như mình đang sống thực trong thế giới ảo đó- nơi mà con người chỉ lo học võ, lo hành hiệp, lo làm những chuyện nghĩa thượng cao đẹp, bỏ qua lợi danh nhỏ nhen; nơi mà những kẻ xấu xa độc ác luôn luôn bị công lý trừng trị một cách thích đáng, hả lòng.
Lớn lên một chút, vẫn bị Kim Dung cuốn hút nhưng cũng đã bắt đầu thấy những chỗ sơ sót, những nhược điểm, những chỗ lồi lõm bất hợp lý... trong truyện. Bây giờ khi đã có chút tuổi, đọc lại Kim Dung, càng thấy rõ hơn những chỗ lồi lõm bất hợp lý kia nhưng đồng thời cũng thấy được đôi điều có thể để suy gẫm, để đọng lại đằng sau những pha tung quyền, phóng chưởng thần kỳ hoặc những mối tình diễm lệ giữa các nhân vật trong thế giới võ lâm mà tác giả dựng lên.
Sắc không của hai người họ Đoàn
Đoàn Chính Thuần |
Trong Thiên long bát bộ, Đoàn Chính Thuần không phải là nhân vật chính nhưng ông lại xuất hiện ấn tượng và xuyên suốt từ đầu cho đến hết thiên tiểu thuyết thần kỳ này. Kể cả những lúc ông không có mặt nhưng người đọc vẫn thấy có ông. Ông là nhân vật xương sống để tác giả gửi gắm tư tưởng nhà Phật vào tác phẩm của mình.
Đoàn Chính Thuần có tất cả. Ông là Trấn Nam Vương, hoàng đệ của vua nước Đại Lý Đoàn Chính Minh. Vua Đoàn không có con để nối dõi, tuổi đã lớn, lại có ước nguyện đi tu, sẵn sàng nhường ngôi lại cho em. Đoàn Chính Thuần có một đứa con trai nối dõi rất mực thông minh và tốt bụng là nhân vật chính Đoàn Dự. Đoàn Chính Thuần võ nghệ lại tuyệt luân với ngón Nhất Dương Chỉ gia truyền oai trấn thiên hạ. Ông lại là người phong nhã, tài hoa, các ngón cầm kỳ thi họa rất tinh thông, do vậy tuy đã có vợ là Thư Bạch Phụng (mẹ của Đoàn Dự) là tuyệt thế giai nhân, đẹp thoát tục như tiên nữ giáng trần nhưng vẫn còn được bao nhiêu giai nhân tài sắc vẹn toàn khác say mê đắm đuối. Đó là các nàng Tần Hồng Miên, Nguyễn Tinh Trúc, Chung phu nhân, Vương phu nhân. Những người đẹp này vì quá yêu thương mà sẵn sàng dâng hiến đời mình cho họ Đoàn và mỗi nàng sinh ra cho ông từ một đến hai cô con gái sắc nước hương trời. Vương phu nhân thì sinh ra Vương Ngọc Yến (bản dịch mới đọc là Vương Ngữ Yên), Tần Hồng Miên thì sinh ra Mộc Uyển Thanh, Chung phu nhân thì có Chung Linh và Nguyễn Tinh Trúc với hai nàng A Châu, A Tử.
Nghĩa là Đoàn Chính Thuần có đầy đủ tất cả. Có ngai vàng đang chờ phía trước, có muôn dân Đại Lý thương yêu thần phục, có võ công trác tuyệt, có một bà vợ và bốn người tình chính thức vô cùng xinh đẹp, có một đàn con trai tài gái sắc. Họ Đoàn dường như có tất cả những gì mà thiên hạ mơ ước.
Ngược lại, Đoàn Diên Khánh là hoàng thái tử nhưng không có gì cả. Ngai vàng Đại Lý là của phụ thân ông nhưng khi phụ thân ông bị kẻ xấu hại chết ông lại đang bị giam hãm ở nơi xa xăm không về được để kế nghiệp ngôi vua. Ngai vàng đáng lẽ thuộc về ông nhưng lại trao cho Đoàn Chính Minh là anh của Đoàn Chính Thuần. Ông trở nên người tứ cố vô thân, không gia đình, không vợ con. Thân thể cũng không còn nguyên vẹn và do vậy ông không còn nhân tính, trở thành một người vô cùng hung ác, ác nhất trong tứ ác của võ lâm.
Nhưng phải chăng ông không có gì cả?
Mộ Dung Phục, Đoàn Dự và Hư Trúc: Ai có ai không?
Trong ba chàng trai trẻ của thế hệ thứ hai kể trên thì Mộ Dung Phục là người có nhiều nhất. Y là dòng dõi quý tộc chính thống của nước Yên. Tuy nước mất rồi nhưng vẫn giữ được truyền thống hoàng gia. Y còn rất trẻ nhưng đã sở hữu một bản lĩnh võ công cao cường, y có danh tiếng vào hàng bậc nhất trong thiên hạ. Danh tiếng của y ngang tầm với người anh hùng số 1 của giới võ lâm Trung Nguyên là bang chủ Cái bang Kiều Phong: Nam Mộ Dung, Bắc Kiều Phong. Y lại là người có bề ngoài tao nhã hào hoa, am thông cầm kỳ thi họa. Chung quanh y luôn luôn có một đám tôi trung là những người can trường, mưu trí đi theo phò trợ để giúp y mưu đồ nghiệp lớn. Y lại có một người yêu là giai nhân tuyệt sắc như tiên giáng trần Vương Ngọc Yến luôn cận kề, lo cho y từ bữa ăn, giấc ngủ đến cả chuyện rèn luyện võ công vì yêu y say đắm và tôn thờ y như tôn thờ thần thánh. Y có một sự nghiệp để theo đuổi là khôi phục lại nước Đại Yên và lên ngôi hoàng đế. Y có đầy đủ hình ảnh lãng mạn của một ông hoàng lưu vong anh hùng đang chuẩn bị khôi phục đại nghiệp.
Tương phản sắc nét với Mộ Dung Phục phải có đến hai chàng trai trẻ là ông hoàng khờ Đoàn Dự và nhà sư khờ Hư Trúc. Đoàn Dự tuy là con của Trấn Nam Vương hoàng đệ Đoàn Chính Thuần nhưng lại chẳng có gì ra vẻ một ông hoàng. Chàng bỏ nhà đi lang thang trên giang hồ để chạy theo hình bóng của những người đẹp. Chàng đói rách, bị hết người này đến người nọ ức hiếp, làm nhục và bao lần suýt bị giết chết trong đường tơ kẽ tóc. Chàng không có một chút võ nghệ nào, chỉ may mắn tình cờ học được phép Lăng Ba Vi Bộ là môn võ chuyên dùng để... chạy trốn. Về sau, chàng cũng tình cờ học được tuyệt kỹ công phu của dòng họ Đoàn là Lục Mạch Thần Kiếm, nhưng không kiểm soát được nó vì tùy hứng có lúc tung chiêu ra được có lúc lại... tịt đi.
Chàng cũng mê gái như cha, nhưng không tài hoa lại thêm gặp điều bất hạnh. Chàng gặp cô gái đẹp nào chuẩn bị được yêu thì y như rằng phát hiện ra nàng là con rơi của bố mình. Hết Chung Linh rồi Mộc Uyển Thanh, đều là em cùng cha khác mẹ với chàng. Cuối cùng thì chàng yêu mê mệt điên cuồng, yêu đến ngu khờ tiên nữ Vương Ngọc Yến. Nhưng người đẹp này lại đã hẹn ước và gửi trái tim của mình trọn vẹn cho chàng trai lẫy lừng họ Mộ Dung ở đất Cô Tô. Vì lê thê lếch thếch đi theo Vương Ngọc Yến như thằng ăn mày (ăn mày tình yêu) mà chàng bao nhiêu lần suýt bị họ Mộ Dung giết chết, chưa kể là bị đám cận thần của nhà này căm ghét, xua đuổi và coi khinh. Nhưng bi kịch nhất là đến cuối cùng khi được Vương Ngọc Yến đáp lại mối tình si thì cũng là lúc chàng phát hiện ra nàng cũng là em gái của chàng.
Một đối ngược khác nữa với Mộ Dung Phục là tiểu tăng khờ khạo thật thà Hư Trúc. Đoàn Dự vẫn là người phong nhã thông minh, chỉ khờ đi vì quá si mê Vương Ngọc Yến chứ còn Hư Trúc là anh chàng khờ thiệt. Anh ta đúng là mẫu người không có gì hoàn toàn. Không có trí khôn, không có tướng mạo, không có gia đình, không biết cha mẹ là ai, không biết mình từ đâu đến.
Do ai đó vất vào chùa Thiếu Lâm từ lúc mới lọt lòng mẹ, được nhà chùa dưỡng dục và lớn lên từ trong chùa Thiếu Lâm, chàng chỉ biết suốt ngày lo làm lụng chuyện nặng nhọc thấp hèn để phục dịch mọi người, chàng không có ước mơ, không vọng tưởng. Chàng là con số không to tướng. Nhưng có thật vậy chăng?
Cao trào Thiếu Lâm Tự
Cổng chính Thiếu Lâm Tự |
Kim Dung đã đưa tư tưởng sắc sắc không không của nhà Phật vào tác phẩm Thiên Long bát bộ một cách tài tình. Tư tưởng này xuyên suốt như sợi chỉ đỏ từ đầu đến cuối thiên tiểu thuyết kỳ ảo diễm tình. Nó nằm ẩn sâu đằng sau những pha tung quyền phóng chưởng lở đất long trời, đằng sau những bi kịch thảm khốc về số phận con người, đằng sau những mối tình diễm lệ hoặc trớ trêu.
Kim Dung đã đẩy cái sắc sắc không không của kiếp người lên đến cao trào khi cho tất cả những nhân vật của chúng ta với những số phận khác nhau tụ hội lại trước cổng chùa Thiếu Lâm. Hầu như toàn thể giới võ lâm không kể hắc bạch chính tà, không kể Tống Liêu Cương Tạng, không kể cao thấp võ công đều tụ hội về đây tưởng rằng để tham gia thi đấu hoặc quang đấu giành ngôi võ lâm minh chủ. Họ đâu biết rằng họ bị đưa về đây để hoàn chỉnh, để kết thúc hoặc để kéo dài thêm kiếp nạn của mỗi người hầu làm rõ cái lẽ sắc không của cuộc đời tạm.
Ở đây ta gặp vợ chồng Đoàn Chính Thuần - Thư Bạch Phụng, gặp Tiêu Viễn Sơn, Mộ Dung Bác, Huyền Từ đại sư, Đoàn Diên Khánh, Diệp Nhị Nương... Thế hệ thứ hai thì có Tiêu Phong, Đoàn Dự, Hư Trúc, Mộ Dung Phục, Vương Ngọc Yến, A Tử ... Nơi đây từ đại hội võ lâm biến thành đại hội... gia đình, nơi cha mẹ, con cái trùng phùng với nhau.
Đoàn Dự gặp lại bố mẹ mình sau bao ngày lưu lạc giang hồ vì một bóng hồng. Tiêu Phong tìm ra được cha đẻ của mình là Tiêu Viễn Sơn. Lâu nay chàng cứ nghĩ mất cha, bây giờ lại biết mình vẫn còn cha. Nhưng vừa gặp lại cha mình, Tiêu Phong đã thấy mất ngay cha vì ông ta cũng chính là kẻ đại ác giết chết cha mẹ nuôi và sư phụ của mình mà bấy lâu nay chàng quyết tâm tìm cho ra để trừng trị rửa thù. Mộ Dung Phục gặp lại cha mình là Mộ Dung Bác nhưng rồi chính Mộ Dung Phục lại không còn là đứa con như người cha mong đợi.
Ngay lúc gặp lại cha là lúc chàng trai Mộ Dung đánh mất đi tất cả những gì tưởng rằng mình có sau khi bị Đoàn Dự bất ngờ phát ra được một đường Lục Mạch Thần Kiếm làm Mộ Dung Phục phải thua xiểng liểng. Từ lúc đó huyền thoại Mộ Dung đất Cô Tô phải đối diện trước một con số không to tướng: Mất đi huyền thoại phục quốc cao đẹp, mất đi bề ngoài phong lưu tuấn nhã... và mất đi cả người yêu tuyệt mỹ Vương Ngọc Yến. Thật ra thì y cũng chẳng có gì để mất. Vì y có yêu nàng Vương đâu, có cao đẹp đâu, có phong lưu tuấn nhã đâu. Mộ Dung Bác đến lúc đó mới thấy mất con nhưng thật ra y đã mất con từ lâu rồi vì y cũng đã tự đánh mất chính mình. Một cõi sắc không, không sắc đấy mà.
Đỉnh điểm của cao trào Thiếu Lâm tự là sự trùng phùng của gia đình Hư Trúc.
Trước đấy hơn 20 năm, vừa sinh ra con, Diệp Nhị Nương đã để mất con. Bà trở nên ác độc từ đó, ác độc đến mức được xếp hạng đệ nhị ác trên giang hồ chỉ sau Đoàn Diên Khánh. Bây giờ ngay tại Thiếu Lâm tự, bà phát hiện ra chàng trai đôn hậu, hiền lành nhất thế gian Hư Trúc là đứa con mất tích của mình. Sau khi mẹ con trùng phùng với nhau, mọi người đặt ra câu hỏi ai là cha của Hư Trúc?
Câu trả lời đã có ngay. Đại cao tăng Huyền Từ, phương trượng chùa Thiếu Lâm tự giác đứng ra nhận ngay mình là tác giả của cái bào thai trong bụng Diệp Nhị Nương cách đây hơn 20 năm. Huyền Từ vỗ vào đầu Hư Trúc than một câu: "Ngươi đã ở trong chùa 24 năm thế mà thủy chung ta vẫn không hay". Thế đấy, có con ở ngay bên cạnh nhưng ông nào biết có con. Không nhưng vẫn có đó. Bây giờ gặp lại con rồi, ông phải thọ tội theo pháp giới của Thiếu Lâm và hơn thế nữa, theo công lý của lương tâm ông. Ông phải tự sát. Diệp Nhị Nương cũng tự vẫn, vừa để theo người tình cho trọn nghĩa yêu đương cũng vừa để tự rửa cái ác mà hơn 20 năm qua bà đã gieo ra cho thiên hạ.
Vừa có được cha mẹ, Hư Trúc lại không còn cha mẹ, mồ côi vẫn cứ mồ côi. Không rồi có, có đó rồi không, không nhưng vẫn có. Có không chẳng khác gì nhau.
Tâm kinh Bát nhã viết trên cơ thể |
sắc tức thị không,
không tức thị sắc
sắc bất dị không,
không bất dị sắc
thọ tưởng hành thức
diệc phục như thị
Tiêu Viễn Sơn gặp lại con, Mộ Dung gặp lại con, Đoàn Chính Thuần gặp lại con, Huyền Từ nhận ra con, Đệ nhị ác Diệp Nhị Nương tìm ra con. Vậy Đệ nhất ác Đoàn Diên Khánh cũng có mặt ở cái đại hội gia đình đó, nhưng có tìm ra con không? Câu hỏi có vẻ hơi ngớ ngẩn, vì y có con đâu mà gặp!
Nhưng y vẫn có đấy. Vì có cũng như không, không cũng như có, có không nào khác gì nhau...
Kim Dung tiên sinh là một giáo sư triết học nên ông đưa triết lý vào tiểu thuyết quá tài tình. Ông cho cha mẹ, con cái của các gia đình họ Mộ Dung, họ Tiêu, họ Đoàn trùng phùng với nhau để làm cái nền cho sự trùng phùng đầy kịch tính của gia đình Hư Trúc.
Sự mất - còn của Hư Trúc đã là đỉnh cao chót vót của lẽ sắc - không. Nhưng Kim Dung còn siêu hơn nữa, bởi lẽ còn vài cuộc trùng phùng cha con nữa ở ngày hội gia đình kỳ lạ ấy nhưng Kim Dung không một chữ nhắc đến. Không nhắc đến nhưng vẫn có. Có nhưng lại không. Đó là sự trùng phùng của cha con Đoàn Diên Khánh.
Rồi một cuộc trùng phùng mà không trùng phùng nữa. Đó là cuộc trùng phùng giữa cha con Đoàn Chính Thuần và Vương Ngọc Yến (Vương Ngữ Yên). Ngộ nhưng không ngộ, không ngộ nhưng mà ngộ. Hai cha con gặp nhau nhưng không hề biết, không biết nhau nên xem như chưa trùng phùng. Kim Dung làm cho mọi người thích thú hơn khi cắc cớ cho Đoàn Dự đòi dắt Vương Ngọc Yến đến ra mắt gia gia của mình.
Đi bên cạnh người yêu mình là Mộ Dung Phục mà cứ bị Đoàn Dự lò dò bám theo nên Vương Ngọc Yến tìm cách đuổi chàng đi chỗ khác. Nhưng bảo chàng bỏ đi thì chàng cũng không thể nào dứt tình được. Chàng ngượng ngùng nói:
- Cái đó... à! Vương cô nương! Gia gia tại hạ cũng đã đến đây hiện ở ngoài kia.
...Vương Ngọc Yến thấy Đoàn Dự đã mấy phen hy sinh để cứu mình, nàng cũng biết rõ chàng rất thành tâm với mình nên đem lòng cảm kích. Còn về con người chàng thì chẳng bao giờ nàng để vào lòng. Có khi bàn đến võ công thì Đoàn Dự lại chẳng hiểu gì... bây giờ nàng nghe chàng nói gia gia chàng đã tới nơi cũng hơi động tính hiếu kỳ, liền hỏi:
- Phải chăng lệnh tôn từ Đại Lý qua đây? Cha con công tử gặp nhau rồi phải không?
Đoàn Dự cả mừng đáp:
- Đúng đó Vương cô nương! Tại hạ muốn dẫn cô nương đến yết kiến gia phụ được không? Gia phụ được thấy cô nương chắc người hài lòng lắm.
Vương Ngọc Yến hai má ửng hồng, đáp:
- Ta không đi. (Theo bản dịch của Hàn Giang Nhạn).
Hai cuộc ngộ mà không ngộ ấy mãi đến Trà Hoa Trang mới bộc lộ ra trọn vẹn.
Trà Hoa Trang là ngôi nhà gỗ giữa đồng cỏ mênh mông do Vương phu nhân
mẹ của Vương Ngọc Yến dựng nên để làm bẫy đón lõng người tình phong lưu Đoàn Chính Thuần. Bà không bắt được "con lợn già" Đoàn Chính Thuần nhưng lại bắt nhầm "con lợn con" Đoàn Dự với một đám em gái là con rơi của cha chàng, trong đó có cả Vương Ngọc Yến là con gái bà. Nhưng rồi nhờ sự giúp sức của Mộ Dung Phục và sự tiếp tay bất đắc dĩ của Đoàn Diên Khánh bà cũng gom được trọn ổ Đoàn Chính Thuần với đầy đủ vợ và các tình nhân: Đoàn phu nhân Thư Bạch Phụng, Chung phu nhân, Tần Hồng Miên, Nguyễn Tinh Trúc.
Tại Trà Hoa Trang, Kim Dung cho bốn nhóm người tụ họp. Đó là nhóm Đoàn Dự với các cô em gái, nhóm Đoàn Chính Thuần với các người tình và đám cận thần, nhóm Mộ Dung Phục với các đồng sự phục quốc, nhóm Đoàn Diên Khánh với hai gã đàn em đệ tam và đệ tứ ác. Bốn nhóm người này hợp lại đây để rồi tiêu tan. Đoàn Chính Thuần với năm tình nhân sắc nước hương trời (kể cả vợ) đều bị thảm tử dưới tay họ Mộ Dung. Mộ Dung và Đoàn Diên Khánh vì ham mê ngai vàng mà lạnh lùng giết chết đàn em, đồng sự của mình để những người còn lại bỏ chạy tan tác. Chỉ còn lại Đoàn Dự với đám em gái mà cũng không phải là em gái... thế mới thích chứ.
Tại nơi này Đoàn Dự lại mất mẹ lẫn cha nhưng lại biết ra cha thực của mình là Đoàn Diên Khánh. Biết là cha thực của mình nhưng không chịu nhận. Đoàn Diên Khánh mừng rỡ sung sướng lên tới trời khi được Thư Bạch Phụng cho biết Đoàn Dự là con y.
Tưởng như y không có gì hết nhưng y lại có tất cả. Y có con trai, con trai y lại chắc chắn được thừa kế ngai vàng - cái mà y bỏ ra cả đời, trăm phương ngàn kế, điên cuồng giành giật nhưng chẳng bao giờ được. Y kiêu hãnh nhìn Đoàn Chính Thuần những muốn la lên: "Dù ngươi có làm hoàng đế nước Đại Lý mà ta không làm được cũng chẳng lấy chi làm vinh hạnh. Ta có con trai mà ngươi không, thế là ta hơn ngươi nhiều lắm". Nhưng rồi y lại buồn ngay vì con y không chịu nhận y là cha. Y thốt lên đau khổ: "Mình tuy có con mà con không chịu thừa nhận thì chẳng khác gì không con".
Tưởng như Đoàn Chính Thuần có hết cả thiên hạ nhưng rồi lại chẳng còn gì. Những tình nhân xinh đẹp đều bị giết chết hết, người vợ chính thức thì coi như không có vì bà ta đã "ngoại tình" từ rất lâu và bỏ đi tu rồi, đứa con trai tưởng là của mình thì thật ra là con của kẻ tử thù. Ngai vàng chưa kịp tới tay cũng đã mất vì sinh mạng ông có còn đâu. Ông chỉ còn lại một đám con gái nhưng theo quan niệm "trọng nam khinh nữ" thời phong kiến Trung Hoa thì cũng coi như chẳng có gì vì "nhất nam viết hữu thập nữ viết vô" đấy mà. Ấy vậy nhưng họ Đoàn vẫn có, trước khi nhắm mắt ông cũng đâu biết Đoàn Dự không phải là con ông, hơn nữa Đoàn Dự vẫn cứ xem ông là cha đẻ và chỉ có ông mà thôi.
Ông vẫn có con trai đấy thôi. Không - không, có - có ấy mà.
Khúc vĩ thanh tại ngôi mộ bên ngoài chùa Thiên Long
Mộc Uyển Thanh |
Đoàn Dự cùng các cô em là Chung Linh, Mộc Uyển Thanh, Vương Ngọc Yến đi thẳng về phía nam. Đoàn Dự không muốn kinh động bá tánh, liền truyền cho các quan đừng thay đổi sắc phục vẫn ăn mặc theo kiểu khách thương.
Một ngày kia sắp tới kinh thành. Đoàn Dự muốn vào chùa Thiên Long bái kiến Khô Vinh đại sư và Hoàng bá phụ là Đoàn Chính Minh. Nhưng chàng thấy trời tối rồi mà còn cách chùa Thiên Long đến 60 dặm, đang muốn tìm một nơi nghỉ lại.
Bất thình lình trong rừng có thanh âm một đứa nhỏ la lên:
- Bệ hạ! Bệ hạ! Hài nhi đã lạy bệ hạ rồi sao không thấy bệ hạ cho kẹo?
Mọi người thấy thế làm kỳ tự hỏi:
- Sao lại có người nhận ra bệ hạ?
Mấy người chạy vào rừng cây thì nghe thấy thanh âm:
- Các ngươi phải nói: Nguyên Ngộ Hoàng đế vạn tuế, vạn vạn tuế! Thì mới được thưởng kẹo.
Thanh âm này nghe rất quen tai. Gã chính là Mộ Dung Phục.
Đoàn Dự và Vương Ngọc Yến giật mình kinh hãi. Hai người dắt tay nhau ẩn vào một gốc cây nhìn về phía phát ra thanh âm thì thấy Mộ Dung Phục ngồi trên một ngôi mộ. Gã đội mũ giấy vẻ mặt oai nghiêm.
Trước ngôi mộ có bảy, tám đứa con nít trong làng ra quỳ ở đây. Chúng theo lời Mộ Dung Phục la lên:
- Nguyên Ngộ Hoàng đế vạn tuế! Vạn vạn tuế!
Chúng vừa la vừa lạy xuống. Có đứa thò tay ra năn nỉ:
- Bệ hạ cho kẹo đi! Bệ hạ cho kẹo đi!
Mộ Dung Phục nói:
- Các khanh hãy bình thân! Trẫm đã phục hưng được cơ nghiệp nhà Đại Yên, lên ngôi đại bảo thì hết thảy đình thần đều được phong thưởng.
Gã nói xong lấy trong bọc ra một hộp vừa kẹo vừa bánh chia cho bọn con nít.
Bầy con nít vỗ tay hoan hô vừa chạy đi vừa nói:
- Sáng mai lại đến!
Vương Ngọc Yến trông vẻ mặt biểu ca mình thì biết rằng cái giàu sang của y càng ngày càng thâm trọng và nay y đã thành người mất trí. Nàng thấy vậy đau lòng khôn xiết, suýt nữa ngất đi. Đoàn Dự khẽ kéo tay áo nàng dắt đi. Mọi người cũng từ từ lui ra, để mặc Mộ Dung Phục ngồi trên phần mộ mà nói lảm nhảm".
Truyện đến đây là hết.
Mỗi lần đọc xong đến đây, tôi thả rơi cuốn sách, rồi thẫn thờ buồn đến mấy ngày. Trong đầu tôi cứ lởn vởn hình ảnh tội nghiệp của Mộ Dung Phục. Những gì chàng thanh niên này vọng tưởng và cố sức đạt cho được bằng mọi cách nhưng bất thành, thì Hư Trúc và Đoàn Dự đều có được một cách đương nhiên hoặc ngẫu nhiên dễ dàng.
Hư Trúc có được nền võ công cao cường, làm chủ được một Cung Linh Thứu với phạm vi ảnh hưởng ngang tầm phái Thiếu Lâm, làm thủ lĩnh cả hai phái hắc - bạch và cưới được một cô vợ là công chúa Tây Hạ xinh đẹp. Đoàn Dự thì nghiễm nhiên lên làm hoàng đế Đại Lý với một đoàn các "cô em" xinh đẹp suốt ngày tíu tít chung quanh.
So với cái nhân mà Mộ Dung Phục đã gieo ra, thì cái quả mà anh ta nhận vào như vậy cũng là có sự nương tay của tác giả. Phải chăng ông đã quá ác với nhân vật này nên đến hồi kết cục ông cảm thấy thương hại? Làm vua ảo như Mộ Dung Phục với ngai vàng là một nấm mộ vô tri và triều thần là đám trẻ con hồn nhiên trong trắng so với ông vua thật Đoàn Dự trong một triều đình thật đầy bất trắc chắc gì ai được hơn ai. "Thật ảo cũng chỉ là mộng thôi" - nói theo kinh Phật...
Trong các chàng trai, thì Hư Trúc là anh chàng ngớ ngẩn thật thà, Đoàn Dự là tay cà rỡn tiêu dao, Tiêu Phong là anh hùng thượng mã còn Mộ Dung Phục là một nhà hoạt động chính trị.
Anh ta sống có mục tiêu lý tưởng. Anh ta lo học hành tu chí, rèn luyện võ công đến mức cao cường, không ham mê tửu sắc, suốt ngày đêm canh cánh bên lòng mục tiêu phục quốc. Có một người yêu tuyệt hảo, tài sắc như Vương Ngọc Yến cận kề hầu hạ nhưng anh vẫn cố nén lòng để mưu cầu việc nước. Thậm chí có lúc anh lại hy sinh từ bỏ cả con người ngọc ngà ấy để tìm cách cưới cho được nàng công chúa Tây Hạ dù "nàng ta có trái tính trái nết và xấu xí như quỷ Dạ Xoa". Anh làm như vậy là để mưu cầu việc lớn. Đó là bản lĩnh của người làm chính trị. Hy sinh tình cảm riêng tư, hy sinh gia đình, hy sinh cả bản thân để mưu đồ đại nghiệp.
Thế nhưng dường như Kim Dung tiên sinh dị ứng với những người chính trị, do vậy bao nhiêu hành động xấu xa, ác độc; bao nhiêu suy nghĩ đen tối ông đều gán ghép vào cho ông hoàng lưu vong, con người chính trị Mộ Dung Phục. Như vậy không tội nghiệp cho nhà Mộ Dung đất Cô Tô lắm ư! Cho người làm chính trị lắm ư!
Nhưng mà ôi thôi! Tôi đã đi lạc đề rồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét