Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

Câu chuyện ngôn ngữ

Tranh của danh họa Pino Daeni
Lê Phú Khải.
Trong cuốn bút ký “Đồng Bằng Sông Cửu Long” được xuất bản ngay sau những năm đất nước thống nhất, sau đó được tái bản nhiều lần, nhà báo Phan Quang trong bài “Qua những tên đất, tên sông” có một nhận xét khá bất ngờ, thú vị như sau.
“Người Việt Nam từ đầu đến cuối đất nước sống cách xa nhau hàng ngàn cây số, nhưng Bắc Nam thoạt gặp đã dể dàng nghe tiếng nói của nhau. Cùng một cội nguồn, cùng một ngôn ngữ dân tộc như vậy là lẽ đương nhiên. Không những ngữ pháp không thay đổi, từ vị thống nhất, tôi còn ghi nhận một chi tiết hay hay: Người Bắc cùng người Nam chia nhau hay phần của một từ ghép, khi thì phần trước, khi thì phần sau, chẳng hạn như: dơ bẩn, dư thừa, kêu gọi, sợ hãi, chà xát, hay biết… tiếng Nam dùng phần đầu, ngược lại trong thóc lúa, lanh lẹ, nóng nực, dẫm đạp, đón rước, lừa gạt… người Nam lại lĩnh phần sau. Phải chăng vì vậy mà khi thoạt gặp nhau dù nghe giọng nói lạ tai có cái gì khang khác, hay hay, nhưng rõ ràng cùng một cội nguồn, rất gần gũi và do đó hai bên hiểu nhau ngay?
Các nhà ngôn ngữ học, nhất là những phương ngôn học, có kiến thức rộng, chắc chắn qua nghiên cứu sẽ còn rút ra nhiều nhận xét đầy đủ , lý thú, có tính quy luật hơn, và từ đó khái quát những kết luận bổ ích, người viết những dòng này là người say mê rong ruổi trên các nẻo đường đất nước, vì yêu mến con người và cảnh vật mà học tiếng địa phương, và càng biết thêm được ít chút, càng thêm yêu mến con người”… 
Là phóng viên Đài TNVN thường trú nhiều năm tại Đồng Bằng Sông Cửu Long, tôi rất lưu tâm đến nhận xét tinh tế về ngôn ngữ này của nhà báo đàn anh Phan Quang. Trong những năm rong ruổi ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, tôi đã ghi chép những từ ghép, mà như nhà báo Phan Quang nhận xét. “Người Bắc cùng người Nam chia nhau hai phần của một từ ghép”.
Tôi ghi chép để khi viết bài, đặc biệt là viết Câu Truyện Truyền Thanh cho Đài, các nhân vật Nam Bộ nói đúng “phần trước” hoặc “phần sau” của từ ghép.
Có câu chuyện “hay hay” thế này, có lần tôi bảo đứa cháu nội gái của tôi, mẹ nó là dân Cà Mau gốc, rằng: Hôm nay nội đưa con đi tiêm phòng bệnh uốn ván. Nó ngớ người ra, không biết đi tiêm phòng là đi đâu, làm gì ? Chợt nhớ đến… Phan Quang, tôi bảo: Đưa con đi trích ngừa uốn ván, thế là nó hiểu ngay còn than: Con sợ đau lắm! Cái từ ghép “tiêm trích”, người Nam dùng phần sau. Còn từ ghép “phòng ngừa”, người Nam cũng dùng phần sau. Phải nói là đi trích ngừa, cháu gái tôi mới hiểu. Có lần ra Hà Nội, tôi vốn nói giọng Bắc Kỳ, giọng Hà Nội thứ thiệt, nhưng lại dùng lộn một từ trong từ ghép, mà đó là phần của người Nam nên bà chủ quán hỏi ngay: Bác mới ở Miền Nam ra?
Năm tháng đi qua, tôi đã ghi được trong sổ tay của mình hơn 100 từ ghép như “phát hiện” của nhà báo Phan Quang. Nhân năm ông tròn 85 tuổi. Xin gửi tặng ông… 100 từ ghép làm quà mừng thọ ông!
Tôi xếp các từ ghép này theo thứ tự a,b,c (chữ đầu) của từ: buồn rầu, bơi lội, bóc lột, cố gắng, co kéo, chọc ghẹo, chán ngán, chặt đốn, cưng chiều, chờ đợi, chửi rủa, chậm trễ, cần thiết, cạn kiệt, chia xớt, đưa rước, dậy bảo, dòm ngó, dọn dẹp, dụ dỗ, đùa giỡn, đùi vế, đau ốm, đĩ điếm, khờ dại, điên khùng, dư thừa, giỡn chơi, đui mù, dòm ngó, dọa nạt, đe dọa, hung dữ, ham thích, hoảng sợ, hèn nhát, hư hao, ham muốn, lượm nhặt, nhờ cậy, khỏe mạnh, kêu xin, kỳ lạ, khờ dại, lựa chọn, lời lãi, lười biếng, lừa gạt, mau lẹ, mồm miệng, may rủi, nôn nóng, mai mối, ngăn ngừa, ngăn chặn, ngất xỉu, nhìn ngó, ô dù, ốm đau, quậy phá, rơi rớt, rãnh rỗi, rượt đuổi, rầy la, tập dượt, thuê mướn, thay thế, tiêm trích, thưa kiện, tìm kiếm, trưng bày, tồi tệ, to lớn, trêu chọc, tuyển mộ, trông chờ, tránh né, thương yêu, trông coi, uổng phí, ưa thích, vâng dạ, vay mượn, rượt đuổi, rơi rớt, sáng tỏ, sửa chữa, giúp đỡ, giành dật, gầy ốm, già cỗi, ghê sợ, say sỉn, phòng ngừa.
Hơn 100 từ ghép kể trên đều như nhận xét của Phan Quang. Ví dụ như: Đui mù, thì người Nam nói đui, người Bắc nói mù vv…
Thà đui mà giữ đạo nhà…
Còn hơn có mắt ông cha không thờ.
            ( Thơ: Nguyễn Đình Chiểu )
Chúc nhà báo Phan Quang sức khỏe để tiếp tục có những phát hiện lý thú.

Tp.HCM, tháng 11 năm 2012 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét