Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

Ở hai đầu nỗi nhớ!

Tác giả: Kim Dung/ Kỳ Duyên

Có một ca khúc, ngay khi lần đầu được nghe, lập tức, ca khúc đó trở thành nỗi ám ảnh với tôi, bởi những cung bậc quá da diết. Nhưng còn bởi nó có một số phận riêng.


Nhà báo Trần Đình Chính
Lần ấy, kết thúc một kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, cánh nhà báo được mời đi ăn (có cả hát karaoke). Thú thật, trong mối quan hệ giữa báo chí với các quan chức giáo dục, tôi luôn giữ khoảng cách vừa đủ gần, vừa đủ xa, lịch lãm và tôn trọng.
Giữa cuộc vui, một giọng hát cất lên: Có một không gian nào/ Đo chiều dài nỗi nhớ/ Có khoảng mênh mông nào/ Sâu thẳm hơn tình thương/ Ở đầu này nỗi nhớ/ Anh mơ về bên em/ Ngôi sao như xuống thấp/ Cho ta gần nhau hơn/ Đêm nghe tiếng mưa rơi/ Đếm mấy triệu hạt rồi/ Mà không vơi nỗi nhớ

Cả không gian như lặng đi. Giọng hát của một vị quan chức. Sâu lắng, chân thành. Những luyến láy của ca từ vừa đủ độ, vừa ngọt ngào, truyền cảm như một nghệ sĩ thực thụ, lại như kẻ …đang yêu. Ông dường như đang sống những giây phút thật nhất của con người mình. Không có vẻ mặt đạo mạo, thậm chí cau có cáu kỉnh. Không có cái động tác bút phê, vừa nghiêm cẩn, vừa lạnh lùng.
Cánh nhà báo ngạc nhiên, tấm tắc. Nghe ông hát, bỗng thấy cảm thông với ông, và thấy ông…dễ thương hơn.

Thế rồi, Ở hai đầu nỗi nhớ (nhạc Phan Huỳnh Điểu) từ đó trở thành một trong những bài hát tôi yêu thích. Nhất là những đêm đông, nằm nghe mưa rơi…
Tiếng mưa lắc rắc trên mái hiên lành lạnh, trên lá cây buồn buồn, nhè nhẹ, âm thầm. Có lúc bỗng rào rạo như không ghìm nén nổi: Đêm nghe tiếng mưa rơi/ Đếm mấy triệu hạt rồi/ Mà không vơi nỗi nhớ….
Tiếng mưa ám ảnh vào tận trong mộng mị, trong phiêu lãng… Làm sao mà đếm được mấy triệu hạt mưa, mà đếm được cái vô hạn, vô cùng…
Nhưng bất ngờ nhất, là khi tôi biết rằng, bài thơ được phổ nhạc, lại là của Trần Hoài Thu, tên thật là Trần Đình Chính, một nhà báo, đồng nghiệp ở Báo Nhân Dân (cũ).

Trong mắt tôi, Chính là một người hướng nội, hơi lặng lẽ, khắc khổ, một “tuýp” người không dễ chia sẻ. Có nói chuyện, Chính cũng diễn đạt khô khan, ngắn gọn.
Tôi có nhóm bạn đồng nghiệp chơi với nhau khá thân. Nhưng lại không thân với Chính. Cùng cơ quan đấy, nhưng chúng tôi ít gặp nhau vì ai cũng bận rộn với mảng việc của mình. Có gặp, hai chị em chỉ mỉm cười, gật đầu. Cái gật đầu thiện cảm, chân thành. Duy nhất một lần, Chính bảo: Người đàn bà như chị, sao không sinh thêm một đứa con gái nữa nhỉ. Phí ghê!

Hai chị em cười giòn giã, sau câu trêu đùa…

Kim Dung và bè bạn.
Hóa ra, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng quê gốc Chính là Ngọc Lũ (Hà Nam), mảnh đất của trống đồng Ngọc Lũ. Trong ký ức mình, cha của Chính, một người thợ may từng có cửa hàng may ở phố Huế, là người hiền lắm, dễ tính lắm. Đến nỗi có lần bà nội của Chính bảo: Bố mày mà là con gái thì chửa hoang không biết bao lần.
Chính cười khục khục khi kể tôi nghe vậy. Đôi mắt hơi xếch nghịch ngợm, tinh quái, khác hẳn lúc bình thường trầm tư, khi nào cũng như đang nghĩ ngợi một việc gì.
Những vần vũ của cuộc đời đã xô đẩy cha của Chính, một người từng có lúc làm Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ, những năm CMT8, trôi dạt lên Hà Nội mưu sinh, đẻ một lũ sáu đứa con mà Chính là đứa con thứ hai, nhưng là con trai trưởng.
Những ngày tháng của tuổi thơ trèo me, trèo sấu, bắt chim, bắt cá vụng dại, lêu lổng mọi ngóc ngách Hà Nội, ăn roi, ăn vọt của cha, rồi cũng qua. Chính trở thành anh lính Hà Nội vào tháng 9/1973, khi mới học lớp 10 (cũ) của Trường cấp 3 Trần Phú được mấy hôm. Bắt đầu cuộc đời mới.

Những trải nghiệm gian truân nhất của đời lính, là khi tháng 3/1974, Chính cùng đồng đội vào chiến trường… Cái khắc nghiệt và khốc liệt của chiến tranh, trước chỉ đọc trong trang sách học trò, trong các tác phẩm văn học, giờ nếm trải đến gan ruột trong trang đời. Sống cùng nó, ăn ngủ cùng nó …
Hỏi, kỷ niệm Chính nhớ nhất những năm tháng đời lính là gì? Chính bảo, đó là cái thời khắc gần cái chết nhất, trước ngày 30/4/1975. Buổi chiều 27/4 ấy, được bên trên thông báo có một đoàn xe phía đối phương đang chuẩn bị chạy qua đoạn Vĩnh Long và Cần Thơ. Chính và đồng đội phải chốt chặn tại quốc lộ 4, nằm trong đơn vị cối, đơn vị hỏa lực C12.
Loạt cối đầu tiên vừa bắn ra, lính bên kia nháo nhào nhảy xuống hai bên đường.
Hai bên vừa nhìn thấy nhau, bỗng Chính nghe thấy “cộc” một tiếng, tiếng nổ đầu nòng của một loại súng cối. Linh cảm và kinh nghiệm trận mạc cho biết nó sẽ nổ rất gần mình, Chính chỉ kịp nhào vào phía trong công sự thì đạn nổ.
Đất đá mù mịt, anh em ai cũng tưởng Chính “dính” rồi. Chiến tranh là vậy, cái sống cái chết đều mong manh, như sương khói. Đôi khi, Chính chỉ nhớ tới cái tiếng “cộc” lạnh tanh, khô khốc, và cả cái cảm giác rợn gáy.

Hai năm sau, chàng lính trẻ Hà Nội xuất ngũ. Số phận run rủi, Chính vào làm việc ở báo Nhân Dân. Thế nào mà anh chàng đang học nghề báo, lại được cơ quan cử trong đoàn cán bộ, nhân viên sang giúp báo bạn Campuchia.
Chính ở nơi này, tại Phnôm Pênh, anh gặp mối tình đầu của mình, gặp người con gái nhân vật chính của bài thơ.
Người thiếu nữ ấy có cái tên rất lạ, M.Đ- cái tên là sự kết hợp của hai loài hoa đẹp của Sài Gòn và Hà Nội mỗi khi xuân về. M.Đ. xinh xắn, vẻ xinh xắn của tuổi mới lớn, e lệ và quyến rũ. Đang là sinh viên Văn khoa SG, bị cuốn vào luồng gió mới, M.Đ. rời trường ĐH, tham gia hoạt động…
Thủ đô Phnôm Pênh ngày đó hoang vắng lắm nhưng vẫn giữ được vẻ kiêu sa. Những đường phố lớn đẹp đặc sắc bởi những ngôi biệt thự kiến trúc cổ Âu-Á đặc sắc, có thần rắn Naga hai đầu. Có những hồ nước, những rặng cây bằng lăng tím trầm tư, hay rặng cây trâm anh vàng rực rỡ.

Giữa vẻ mỹ lệ của thủ đô cổ kính, Chính đã gặp và bị M.Đ… hút hồn. Thanh xuân gặp thanh xuân. Lúc đó, Chính mới 22 tuổi, còn M.Đ 20. Trai HN, gái SG, cái gì phải đến đã đến.
Tình yêu dù kín đáo đến dường nào cũng khó giấu được. Nó cứ rờ rỡ như đôi mắt lay láy, như nụ cười mỉm con gái, bất chợt nhìn, bất chợt e thẹn. Đường phố Phnôm Pênh bỗng như thơ. Hay trong con mắt kẻ tình si, có gì mà không trở nên lộng lẫy?
Ngày nghỉ nào, Chính cũng lái chiếc Peugeot 304 đưa M.Đ. đi chơi khắp thành phố, vào chợ. Các bà, các má Campuchia cứ tấm tắc khen đẹp đôi quá. Tình yêu đầu ngọt ngào và say đắm. Lần đầu, Chính cảm nhận được thế nào là hạnh phúc. Đồng nghiệp, bạn bè biết chuyện, ai cũng vun vào cho chàng lính trẻ HN và cô sinh viên Văn khoa SG.

Thế nhưng, giống như những câu chuyện tình buồn, trong quấn quýt đã có mầm chia xa. Trong nụ cười đã có ngân ngấn lệ.
Cản ngại lớn nhất lại đến từ phía gia đình M.Đ. Sau chiến tranh, cả gia đình cô bỏ SG về Sông Bé sinh sống. Tình yêu đầu non nớt của đôi trẻ, mãnh liệt đấy, nhưng quá mong manh, đã không đủ sức vượt qua nổi núi cao, sông rộng của sự mặc cảm, định kiến … bên này, bên kia.
Chiến tranh đã tắt ngấm, nhưng chuyện hai phía, đắng cay thay, nó lại hiển hiện ở chuyện tình của đôi trẻ.
Còn Chính, tháng 4/1980, sau một năm rưỡi công tác ở nước bạn, Chính cũng được lệnh trở về HN.
Những gì đẹp đẽ nhất, êm ái nhất, với Chính lúc đó, dường như đã để lại ở Phnôm Pênh. Con đường trở về nước, háo hức mà cũng đầy dư vị khổ đau của sự hợp tan.
Những chiều HN, Chính bảo, ngắm nhìn phố xá, ngắm nhìn con gái HN thấy đẹp quá, nhưng ai ai cũng có đôi, chỉ riêng Chính một mình. Một mình nhớ, một mình thương, âm thầm, khổ sở…
Những đêm mưa HN sao dài thế. Không ngủ được, Chính nằm co ro, đếm tiếng mưa rơi, quay quắt với những kỷ niệm.
Một chiều, tình cờ Chính nghe tin bộ đội Việt Nam từ Campuchia rút về nước, trong đó có Binh đoàn Cửu Long. Nỗi nhớ những kỷ niệm chiến trường, nhớ M.Đ ập đến, da diết, tưởng phát khóc.
Trái tim đau bỗng nở hoa.
Chính viết liền một mạch. Bài thơ Ở hai đầu nỗi nhớ ra đời như thế.

Có một không gian nào
Đo chiều dài nỗi nhớ
Có khoảng mênh mông nào
Sâu thẳm hơn tình thương?

Anh đang ở Pai Lin
Rừng khộp khô trong nắng
Thương em ngoài ấy lạnh
Muốn gửi chút nắng rừng.

Chào Phnôm Pênh mến yêu
Sức vươn chàng dũng sĩ
Tạm biệt dòng Bốn Mặt
Sóng đang hát đôi bờ.

Ở đầu này nỗi nhớ
Anh mơ về bên em
Ngôi sao như xuống thấp
Cho ta gần nhau hơn.

Ở đầu kia nỗi nhớ
Nằm đếm tiếng mưa rơi
Được mấy triệu hạt rồi
Mà chưa vơi nỗi nhớ.
Ở hai đầu nỗi nhớ
Yêu và thương sâu hơn
Ở hai đầu nỗi nhớ
Nghĩa tình đằm thắm hơn.

Bài thơ ấy, Chính ký tên Trần Hoài Thu.


Kim Dung và bè bạn.
Chính nhớ quá những mùa thu, mùa thu Phnôm Pênh, mùa thu HN. Mùa thu của nhớ nhung, của dấu yêu, của tình đầu ngọt ngào, da diết… Sau này, Trần Hoài Thu cũng là tên đứa con gái đầu của Chính.

Khỏi phải nói, Chính sung sướng đến thế nào khi bài thơ Ở hai đầu nỗi nhớ mấy ngày sau đăng trang trọng trên báo. Cũng phải công bằng, bài thơ đăng lên được nhiều người biết, là khi được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc.
Có điều khi đó, Chính chưa biết. Năm 1988, đi công tác SG, vào chợ Bến Thành, qua cửa hàng băng đĩa, Chính bỗng sững người khi nghe giọng Bảo Yến cất lên, trầm ấm: Có một không gian nào/ Đo chiều dài nỗi nhớ…. Hóa ra, bài thơ của Chính đã được phổ nhạc tự lúc nào. Phải một lúc mới trấn tĩnh được…
Chính vào cửa hàng hỏi mua băng nhạc đó, tập hợp toàn bài hát của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu với tiêu đề Ở hai đầu nỗi nhớ. Rồi sau này, sau này nữa, Chính còn được nghe nhiều lần ca khúc ấy trong những hoàn cảnh khác nhau. Mỗi lần, là như sống lại cái cảm giác rất riêng của những kỷ niệm dấu yêu.
Ở tòa soạn, Chính là một đồng nghiệp cẩn trọng với nghề, một phẩm cách đáng quý của nghiệp cầm bút, giữa thời buổi nhiều chen lấn, chụp giật….

Nhưng thú thật, tôi cũng đã không dám hỏi sâu hơn về đời riêng của Chính, cũng không muốn hỏi kỹ hơn về M.Đ., người con gái năm xưa. Phận đàn bà, mười hai bến nước, biết bến nào đục, bến nào trong… Chính cũng đã có bến bờ riêng và gặp nhiều giông bão.
Thoáng chút, thấy đôi mắt của Chính buồn buồn, mà theo Chính, do quá khác nhau về những quan niệm giá trị. Sự khác nhau có thể hút nhau. Mà sự khác nhau, tiếc thay, đôi khi làm con người ta… xa nhau vĩnh viễn.
Chính cũng rất ngay thẳng khi bảo rằng: Trong chuyện chia tay, thì chắc chắn cả hai người cùng có lỗi. Chính đã ra khỏi ngôi nhà xây đẹp đẽ ấy, một cách rất đàn ông.
Giờ đây, cuộc đời như đang an bài với Chính. Anh đã có một gia đình khác, với người vợ trẻ cùng nghề mà khi đó, Chính bảo tôi: Chẳng bao giờ dám nghĩ tới vì cô ấy còn trẻ quá. Nhưng tình yêu là chuyện con tim, đâu phải chuyện tuổi tác?

Thơ xưa viết cho một người, giờ hát cho mọi người. Một nhạc sĩ tài danh đã viết như vậy. Có thể Chính cũng chỉ là tác giả- nhà thơ của một bài thơ. Nhưng quan trọng, đó chính là con tim đã cất lên, mà tiếng mưa rơi mới chỉ là khúc dạo đầu…, để rồi có hàng triệu con tim khác hòa ca.

Quan trọng hơn, Ở hai đầu nỗi nhớ, đã khiến cho rất nhiều con tim hiểu, rằng điều diệu kỳ nhất của tình yêu- có những cái tưởng là mất, hóa ra mới là mãi mãi. Phải không Chính?
-----
Bài được đăng trên vnca ngày 17/07/2006




Sóng đôi. Ảnh Hiệu Minh


Ở hai đầu ... mùa Thu. Ảnh Hiệu Minh

2 nhận xét:

  1. Điều diệu kỳ nhất của tình yêu - có những cái tưởng là mất, hóa ra mới là mãi mãi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bà Trần Thanh Vân viết:
      .
      Có người nói “Già rồi mà vẫn lãng mạn”
      Có người cải chính “Già rôi mới hiểu thế nào là lãng mạn”.
      .
      Với tôi, đó là kỷ niệm của những người cùng thời.
      Chúc Hà vui!

      Xóa