Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

Mùi cỏ cháy – nỗi đau chiến tranh.

Tượng đài Nevada,
nỗi mất mát trong chiến tranh được thể hiện thật chân thành.
 

“Tôi ngồi dưới một bóng tre, gió thổi đến không thể ngủ được. Dưới chân tre là con suối. Những con bò đủng đỉnh xuống uống nước, một lũ trẻ lấy sỏi dưới lòng suối ném vào lũ bò, đuổi chúng lên. Chỉ nghe lũ trẻ nói chuyện, mới nhớ ra rằng chúng là người Quảng Trị. Một ông cụ mặc cái áo rằn ri, nhưng lại đội mũ giải phóng - ở đây, người ta là thế, mỗi người đều mang trong mình hình ảnh của đất nước.
  
Vượt quá lên những ngọn đồi miền Tây, đã có thể nhìn thấy núi. Dưới chân chúng tôi là con đường mòn. Hai bên đường, những vạt cỏ gianh lì lợm và cần mẫn sống. Cúi thấp xuống, cả vạt đồi, như oằn lưng chịu đựng, những ngọn đồi như chết đi không còn sức sống nữa, nhưng từng cây vẫn rạt rào lên trong gió, rướn lên, quẫy lên, như không chịu lẫn đi mòn mỏi trong rừng.” (Trích Nhật ký Quảng Trị)
    

Phim "Mùi cỏ cháy" không có kỹ xảo, các diễn viên chính không phải là các ngôi sao, cốt truyện không đặc biệt lắm nhưng có sức ám ảnh rất lớn, vì tính chân thực khốc liệt của 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị được tái hiện. Có lẽ phim chưa phản ánh hết sự tàn khốc của sự thật lịch sử những ngày đó đâu, nhưng cũng đủ để người xem hiểu chiến tranh không phải trò đùa, là nơi mạng sống của con người mong manh vô cùng...
          
  
Phim hay ở chỗ nhấn mạnh sự tương phản giữa sự trong sáng ngây thơ, non nớt của bộ đội, những sinh viên vừa rời giảng đường và sự khốc liệt của bom đạn.

Phim đã có chủ ý hòa giải dân tộc, có cái nhìn nhân văn về cả phía đối phương, những người lính VNCH, cũng là người Việt, là đồng bào ta cả. Phim có ba cảnh nhấn mạnh tư tưởng này, đó là anh lính miền Bắc an táng anh lính miền Nam; lấy cái ảnh bà mẹ miền Nam trong túi người chết và nhận xét bà mẹ thật hiền; cảnh cuối anh lính Bắc lấy tấm áo mưa đang quàng phủ lên thi thể hai người lính hai miền vừa sát hại nhau... Hay lắm!


Tôi chợt nhớ đến chi tiết trong "Nam triều công nghiệp diễn chí" của Nguyễn Khoa Chiêm, cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên của Vn, trước cả Hoàng Lê nhất thống chí viết về thời Trịnh Nguyễn phân tranh.  Trong một trận máu lửa của quân hai bên, chết rất nhiều vị soái của Đàng Trong là con chúa Nguyễn nhìn lá cờ của Đàng Ngoài rách tả tơi, không có chỗ nào lành đã xúc động nói: Vật vô tri còn thế huống chi xương thịt con người. Kết thúc trận đánh ông bèn cho bày hai lễ tế chiến sĩ trận vong, đàn trong thành tế quân Đàng Trong, đàn ngoài thành tế quân Đàng Ngoài rồi ông cho an táng tử sĩ cả hai bên...

Tư tưởng nhân văn ấy bây giờ mới thấy trong "Mùi cỏ cháy".

Trong cuốn tiểu thuyết cổ đó còn có chi tiết, khi quân Đàng Ngoài bắn quả nổ vào trong thành, một người lính Đàng Ngoài đã hét lớn: Chúng tôi và các  người không thù oán gì nhau, vì việc của các Chúa mà phải sát hại nhau thôi, khi thấy bắn quả nổ vào hãy nằm xuống thì đỡ thương vong...

***
(Lời bình phim và hình ảnh của Toro)


Một số hình ảnh trong Mùi cỏ cháy.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét