Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

Đưa giăng về giời

Có một truyện về trăng còn nhớ được. Kể chuyện một Thiền sư sống trong căn lều cỏ bên núi, một hôm đi xa về thì bắt gặp một tên trộm đang ở trong lều lục kiếm đồ đạc để ăn trộm. Thấy nhà sư, tên trộm quơ lấy vài món trong lều rồi bỏ chạy. Vị Thiền sư đứng trong căn lều tối chỉ còn một vạt trăng sáng chiếu qua cửa sổ tràn vào. Ông ngó nhìn theo tên trộm vừa bỏ chạy lắc đầu tiếc cho tên trộm và nói một mình rằng có ánh trăng quá đẹp mà tên trộm không biết để lấy đi.
Đó có lẽ là trăng trong chúng ta. Trăng không ai có thể lấy đi được. Ông trăng của tuổi thơ vẫn còn đó, năm nào.
Đối thoại

Ngày hè dạy các cháu bài đồng dao, những muốn chúng phát âm đúng các từ: giẳng, giăng, giời, giằng … và cũng là trông trẻ.

               
Ông giẳng ông giăng,
Ông giằng búi tóc.
Ông khóc ông cười,
Mười ông một cỗ.
Đánh nhau lỗ đầu,
Đi cầu hàng huyện.
Đi kiện nhà quan,
Đi bàn nhà phủ
Một lũ ông già.
Mười ba ông điếc
Con hiệc hai chân
Đưa giăng về giời.

               
Các cháu thuộc, vừa đọc vừa cười:
    Mười ông một cỗ.
Đánh nhau lỗ đầu
    
Lại cười:
    Một lũ ông già.
Mười ba ông điếc
Hí hí !!!
        
Chợt tỉnh. Nghĩ. Ừ nhỉ! Đây không phải là bài đồng dao tả cảnh đẹp thôn quê trăng sáng, hay thi vị nó như Thiền sư trong trong truyện trên vừa kể.
             
Trong bài này vẽ lên cái bi kịch đời sống nhân gian với chức dịch xưa.
              
Nào là cảnh: “ông khóc ông cười/ mười ông một cỗ”, cảnh “đánh nhau lỗ đầu”, cảnh “một lũ ông già/ mười ba ông điếc”, hay cảnh "đi cầu hàng huyện/ đi kiện nhà quan"… nghĩ mà thấy hết cả trăng …
           
Ôi cứ như là thời nay vậy, nhưng an ủi lòng với ước vọng xưa.
      
 “Con hiệc hai chân
  Đưa giăng về giời.”


Chuyện nó hay ở cái chỗ vừa cười vừa khóc. Tất cả những truyện hay là những truyện vừa cười vừa khóc. Ông giẳng ông giăng, ông giằng búi tóc, ông khóc ông cười.
          
Trong vài hình ảnh vừa làm người ta cười vừa có thể khóc. Liệu các cháu có hiểu không? Ôi hài kịch nằm trong bi kịch. Và ngược lại.
Nhưng kỳ thú nhất là để trẻ con phải thành người lớn...
     

Thật hết ý!

2 nhận xét:

  1. Chào anh VanPham! Em có cái này đã "hát" bên nhà anh dangnba rồi, sợ anh chưa được nghe em sang đây "hát" lại.

    Hiền Giang16:33 Ngày 08 tháng 6 năm 2012
    Úi anh VanPham, sao mà em thèm cái hạnh phúc được rung đùi, gõ gõ, rồi cười (của anh) thế.

    Mà này, còn phải có cả "Khi chén rượu khi cuộc cờ, khi xem hoa nở khi chờ trăng lên" nữa chứ anh.


    Hiền Giang16:39 Ngày 08 tháng 6 năm 2012

    Quên nữa, HG còn thèm có nhiều thời gian để đọc blog của các anh nữa, dangnba và VanPham ạ!

    Anh dangnba chỉ được cái nói đúng như...định lí "Ông VanPham hồi này thể hiện đúng ông đồ gõ đầu trẻ, bài viết thâm thúy quá"

    Trả lờiXóa
  2. Hà thân mến!

    Sáng nay dạy các cháu bài này với mục đích thật thà như đã nói.
    Khi thuộc, các cháu đọc cho Ông nghe, cứ cười hì hì...

    Mình chững lại. Cháu lớn nhất (gần 5 tuổi) nói: Ông buồn à!
    Thế là ngộ ra. Sau đó viết bài này, đổi tên là "Đưa giăng về giời"
    ...

    Cũng may là chúng "chưa thành người lớn".
    Chào Em!

    Trả lờiXóa