Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

Phụ nữ xứ Việt.

Nhà không có bố buồn sao
Từ lâu tôi đã thấy và trăn trở một điều, thời nay, xứ Việt ta nhiều cô giáo hơn thầy giáo, nhiều thầy lãnh đạo hơn cô lãnh đạo.
  
"
Đến nhà trẻ, toàn các cô dạy hổ, không thấy được mống ông dạy trẻ nào. Trẻ lớn lên trong vòng tay, trong tình thương, nhưng cũng trong "chân lý phụ nữ", thiếu hẳn sự dũng mãnh, rành rọt trong trí tuệ và trong quyết đoán.
...

Trẻ không chỉ học kiến thức, mà còn phải học cách cư xử, học tính cách, học phương thức, học hành động.
"


Ngắm "gương" phụ nữ xứ Việt
                                          bài của Hoàng Hồng Minh
     
Xứ Việt là một trong những xứ khá tiên tiến về chủ đề "trai gái ngang quyền", so với mức độ phát triển kinh tế- xã hội.
Xứ Việt còn có nhiều thế mạnh riêng cho phụ nữ là đằng khác.
    
Trước hết xứ Việt có rất nhiều các hội phụ nữ, mà không có hội đàn ông. Vì là đàn ông, thú thực tôi cũng chưa bao giờ biết rõ những hội này họ làm cái gì, vì tôi đâu có bao giờ được tham gia sinh hoạt cùng chị em.
 
Có các bà mẹ anh hùng, mà không có các ông bố anh hùng.
Rồi có các cơ quan nghiên cứu về phụ nữ, mà không có cơ quan nghiên cứu về đàn ông.
    
Cuối cùng thì ngành phụ khoa thì đã có truyền thống từ lâu đời, được thưởng nhiều huân chương huy chương. Mãi gần đây thì hình như đã có ngành nam khoa, chắc do ảnh hưởng của diễn biến hội nhập toàn cầu?
—-
Ấy thế nhưng chỉ nghiên cứu chay về phụ nữ, chưa chắc đã ra hết chuyện nhé. Tôi chủ trương nghiên cứu thêm những cái "gương" của phụ nữ xứ Việt.
   
"gương" của phụ nữ xứ Việt là gì? Chính là đàn ông xứ Việt.
     
Đàn ông xứ Việt xưa đa phần chỉ biết chăn trâu với đi cày. Buôn bán lặt vặt thêm là phải nhờ do phụ nữ, ra chợ quê thấy ngay. Chăn trâu với đi cày thì dẫu không biết nói, không biết giao tiếp, không biết tính toán… cũng làm được. Ra chợ, thì chỉ riêng không bị mất cắp đã khắc phải giỏi hơn việc đi cày với chăn trâu.
     
Đẻ con, nuôi con, dạy con, toàn các bà. Mới nói «con ngoan tại mẹ, cháu hư tại bà». Mấy ông bố chỉ quát sai ầm ĩ cho oai, rồi uống vài chén rượu hạt mít và ngủ gật bỏ cuộc. Hơn cả thế, mấy ông có muốn cũng không thể chen vào được cái vòng mẹ con bà cháu của họ, rất lạ. Trẻ con lớn lên với toàn bộ hệ thống chân lý mẹ truyền qua lời ru và chuyện kể câu được câu chăng của các mẹ các bà. Và bọn chúng, cả gái, cả trai đều học được qua các mẹ các bà sự cần cù, tình cảm, ủy mị, nhưng cũng cả sự ẻo lả, đanh đá, chua ngoa.
    
Không có con số thống kê đo đạc, nhưng tôi quan sát thấy đàn ông Việt có lẽ có hệ số ẻo lả, đanh đá, chua ngoa thuộc loại rất cao trên thế giới.
   
Ở tầng lớp cao hơn thì nhiều bà vợ phải buôn đông bán tây tất bật, hoặc có khi phải bán nốt cả mấy mẩu ruộng để lo cho mấy ông chồng học gạo thi cử thành danh. Cố mà nhớ hết các điển tích để khoe mẽ, để đối đáp, cố mà nhớ hết các tên húy triều đình để mà chớ có bút sa gà chết. Học tài, thi phận. May thì đỗ, đỗ thì ra làm quan, làm quan là việc dễ nhất. Làm quan thì khỏi phải học phải nghĩ gì nữa, miệng quan trôn trẻ, cứ với bề trên thì dạ, với bề dưới thì nẹt, với bề trên thì phụng tham, với bề dưới thì nhiễu nhũng. Đừng nhầm bề trên với bề dưới, thế là được. Vậy mà muốn tham với nhũng cũng phải nhờ có tài cán của các bà đi cửa sau, không dễ như lơ vơ đằng trước đâu nhé. Trượt thì về dạy học, nói cho oai, chứ nhiều khi dạy trẻ trong làng thì cứ chữ tác với chữ tộ thôi, cốt tiên học lễ hậu học văn, đứa nào cãi cho roi vọt, đuổi về. Không đủ học trò để đủ gạo nuôi thày thì… đuổi gà thêm cho vợ. Còn thì lại trần ra các bà vợ, các bà vẫn cứ phải lo toan hết mọi chuyện, mấy ông đồ này khó mà tin cậy được việc gì cho ra đầu ra đũa.
   
Đàn ông xứ Việt hôm nay tiến nhiều rồi.
    
Tuy nhiên có vẻ vẫn chưa "dứt váy ra đi" thật vững vàng. Tôi cứ gọi điện cho ông bạn nào để hẹn hò, thì y như rằng một lúc sau điện thoại của các ông bạn lại chuyển sang cho vợ họ để "thảo luận và quyết đi". Sau này tôi lấy số điện của các bà vợ đó, chuyện trò trực tiếp luôn, quyết với nhau xong, rồi thì… thông báo cho các ông bạn tham dự ghé phần. Các ông ấy không ghen, lại còn khoái chí, thế mới lạ.
   
Mấy ông bây giờ thì cũng đi cày cùng trâu sắt. Chỉ ngăm nghe trốn thuế vợ để có mấy đồng quĩ đen đi uống bia nói chuyện trời biển thôi, không quyết được gì to hơn.
   
Trẻ con trong nhà thì vẫn thế, các bà mẹ dạy và quyết hết. Mấy ông bố biết gì, chỉ đường lối linh tinh.
    
Đến nhà trẻ, toàn các cô dạy hổ, không thấy được mống ông dạy trẻ nào. Trẻ lớn lên trong vòng tay, trong tình thương, nhưng cũng trong "chân lý phụ nữ", thiếu hẳn sự dũng mãnh, rành rọt trong trí tuệ và trong quyết đoán.
    
Không có con số thống kê đo đạc, nhưng tôi quan sát thấy đàn ông Việt có lẽ có hệ số ẻo lả, đanh đá, chua ngoa thuộc loại rất cao trên thế giới.
   
Nhìn về công lao to lớn như thế, rõ ràng phụ nữ Việt vẫn còn hơi bị nhường nhịn quá nhiều quyền lợi.
    
Phụ nữ Việt phải được những quyền bình đẳng lớn hơn nữa.
   
Những nghề nặng nhọc, phải giải phóng phụ nữ. Đơn giản như toàn bộ ngành gom rác, đổ rác ở các thành phố lớn ở ta, tại sao toàn do phụ nữ đảm nhiệm? Trong khi đó ở phương Tây thì hoàn toàn đàn ông phải làm những công việc nặng nhọc này.
    
Những vị trí lãnh đạo, phải có tỉ lệ tham gia tối thiểu của phụ nữ, được luật định đảm bảo.
    
Nhiều ngành nghề "phụ nữ", phải xem xét lại, và có tỉ lệ đàn ông tham gia bắt buộc. Ví dụ ngành nuôi dạy trẻ em, ngành giáo dục sơ học. Trẻ không chỉ học kiến thức, mà còn phải học cách cư xử, học tính cách, học phương thức, học hành động.
    
Vậy nói chuyện phụ nữ xứ Việt, kể cũng cần ngắm "gương" của họ.
Lời cuối thế này, dẫu sao thì cũng có một số rất nhỏ ngoại lệ những đàn ông Việt đã "dứt váy ra đi" thành công. Không biết tôi nằm trong số nào đây nhỉ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét