Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

Chuyện ngày sắp đến xuân

Cây long não, cổng biệt điện Bảo Đại, Buôn Ma Thuột
Mấy ngày nay trời lạnh. Đăc Lăk, ở đó cũng lạnh, lạnh hơn những ngày thường.
          
Buôn Ma Thuột, lồng lộng gió cao nguyên, đi dạo phố đêm, thơm mùi vỏ cây long não  già mục. Nghĩ thương về quê nhà giá rét.
              
Sắp tới năm Nhâm Thìn, lại nghĩ về cái quẻ Thuần Càn với sáu hào dương nghĩa là phải lấy chữ Đức làm trọng. Đó cũng chính là đạo của người quân tử. Luận về hào 2, ngôi âm của quẻ này, thấy nói: "Hiện long tại điền, lợi kiến tại nhân". Có ý khuyên, người quân tử phải biết giữ đức. Hãy đừng quên bài học của mẹ thiên nhiên. Một phút quên đi bản tính nhu thuận. Một chút hành xử thiếu cân nhắc trước cái Lợi ...
     
Đầu năm thấy nhiều chuyện quá, người thì ngỡ ngàng, kẻ bàng quan, nhà nhà sợ Tết. Đêm ở cao nguyên, gió rít qua khe cửa, nghĩ lại thương Chí Phèo nơi bờ sông bãi sú, lá chuối phành phạch đập, biết có qua được mùa đông.
               
Đăng lại bài viết của Lưu An, trên YuMe, ngày 11/2/2011. Trong đêm rét ướt, lạnh chân.

Bát cháo hành, có qua được mùa đông.
Ngày xuân nói chuyện về... nỗi oan của Chí Phèo!
      
Kính thưa cụ Nam Cao!
Đã gần 70 năm rồi, kể từ ngày Cụ cho cái thằng tên gọi là Chí Phèo ấy ra đời, hắn đã làm một cuộc chu du không lấy gì làm thú vị trong bàn dân thiên hạ. Vì rằng, xem ra ở nhiều nơi, người ta đổ oan cho Chí Phèo nhiều lắm!

Ừ thì cứ cho Chí Phèo của Cụ hay chửi. Ngay mở truyện hắn đã “vừa đi vừa chửi”, nhưng ở đời này bây giờ, còn khối kẻ “vừa ăn vừa chửi”, vừa nhấm nháp tận hưởng bổng lộc này nọ mà vẫn ngoác mồm chửi đại mới sợ chứ! Người ta gọi chúng là đồ Chí Phèo, nhưng chao ôi, xem ra về mặt này thì Chí Phèo của Cụ “biết điều” hơn nhiều. Khi tiền cụ Bá giúi vào tay hắn, hắn “lành” ngay, im miệng ngay, đâu có vừa ăn tiền vừa la lối?
Mà tiền của Chí Phèo còn sờ sờ ra đấy: “Ông không thiếu tiền. Ông còn gửi đằng cụ Bá, chiều nay ông đi lấy về…”. Chí Phèo rất biết đặt chân tới địa chỉ cần tìm, biết ai mới là kẻ “mang nợ mình” (theo Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam, thì tội vu cáo làm mất danh dự của người khác, đẩy họ vào tình trạng bi đát như việc gia đình Bá Kiến làm với Chí Phèo thì phải bồi thường thiệt hại cho người bị hại khá nhiều). Chứ đâu có giả nhầm đút tiền quỹ công vào quỹ riêng như các vị tham ô, tham nhũng ngày nay.
Chao ôi, cứ trông cái cảnh Chí Phèo “vừa bóp đùi cho bà Ba” nhà cụ Bá “vừa run run” mà thấy tội nghiệp! Như vậy thì liệu ai dám tuyển Chí Phèo vào đội ngũ nhân viên mát xa hiện đại được? Vả lại, có cho tiền Chí Phèo cũng không dám! Nhiều cô gái mát xa không tận tình chiều khách, có thể bị góp ý hoặc cùng lắm là bị đánh đập, đuổi khỏi nhà hàng, chứ Chí Phèo, hắn còn bị cho rọ bỏ tù, nỗi khổ ấy  so sánh làm sao được!
“Rạch mặt ăn vạ” là một trong những đặc điểm của Chí Phèo mà ai cũng biết. Nhưng khốn thay, trên đời này có bao kẻ ăn vạ nhưng lại muốn giấu mặt. Mà mặt nạ của họ thì nhiều vô kể. Họ muốn kiếm ăn bằng những thủ đoạn thật thâm hiểm. Họ viết thư nặc danh về người này, họ lập nhân chứng giả ở phía kia. Như vậy mà dám gọi họ là Chí Phèo nghĩa là sao?
Ở những trang đầu truyện, cụ Nam Cao ơi, Cụ cho Lý Cường quát mắng Chí Phèo: “Cái thằng không cha, không mẹ này mày muốn lôi thôi gì?”, nhưng cuối truyện, Cụ để Chí Phèo lên tiếng trả lời: “Tao muốn làm người lương thiện”. Rốt cuộc, Chí Phèo có ước muốn hoàn lương, cái đó, nhiều kẻ bất chính quen ăn cướp tiền bạc của nhân dân dù có xuôi tay nhắm mắt cũng chưa chắc trong tâm trí đã có một lần ánh lên sự hoàn lương ấy. Đánh đồng cho Chí Phèo với những nhân vật ấy sao được?
Kính thưa cụ Nam Cao!
Cái gì người ta cũng có ý đổ cho Chí Phèo, “là Chí Phèo”, “như Chí Phèo”, nhưng ngẫm cho cùng, Chí Phèo khác họ rất nhiều, như tôi đã thưa với Cụ ở trên. Vì không nói ra thấy oan cho Chí Phèo lắm! Chỉ hiềm một nỗi, biết lấy gì để đặt cho những loại người ấy. Ước sao Cụ lại có dịp…tái xuất, mong sao xã hội lại có một cây bút như Cụ để đóng đinh những hạng tham quan ô lại thời mới vào văn học và cho chúng một cái tên đúng với bản chất của chúng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét