Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2012

Chùa làng Vừng.

Chùa làng.
Chùa Vừng xây năm Quý Tỵ 993. Di tích còn lại là bia thần tích, 4 cột đá từ thế kỷ X, cây thị và những pho tượng Phật trăm năm. Chùa ẩn mình bên cạnh làng quê cổ tích. Đất Chùa, giếng Chùa xưa được cấp cho người 'nghèo khổ', bây giờ làng không có tiền mua lại.

Đường vào cổng bên Chùa.


Bia thần tích ghi làng có từ năm 986
Dựng chùa năm 993.

Cây thị cổ trăm năm tuổi.


Từ lớp một đến lớp ba (1959-1961), lớp học của tôi ở chùa này, chứng kiến cảnh người ta ném tượng xuống giếng chùa, có pho tượng gỗ mít không chìm, lấy cuốc đập cho chìm. Chứng tỏ các cán bộ ta chưa học luật "Lực đẩy Archimedes", dân làng ngậm ngùi nghĩ là thiêng, còn chúng tôi thì sợ hãi. Cũng thấy chùa bắc cành phan cầu vong những người chết đuối, vì làng cạnh sông lớn.
Chùa có cây thị cổ, dân làng truyền nhau là có từ khi xây chùa. Khi đó, một cụ bà trông coi, làng gọi là Bà Chùa, bà hay hái thị cho chúng tôi. Có lần bà rơi từ cành thị xuống như nhảy dù vậy.  Khi tôi ở bộ đội về, thấy nói bà đã chết trong cô đơn, không đám ma, phúng viếng. Thời đó người làng được dạy rằng không cần Thần Phật.


Ban thờ thành hoàng làng Vừng.
Đình làng bị phá, bây giờ phải thờ thần trong Chùa

Cũng vì địa thế đất đai, hai phía làng là hai sông lớn: Sông Trà Xuyên phía nam là căn cứ du kích Thanh Hà và sông Vận phía bắc là đệ tứ chiến khu Đông Triều, cạnh làng là đường 5 "tiếng sấm" mà làng tôi, dân quê tôi, cũng chịu chung bao nỗi đắng cay. Trong cải cách ruộng đất đấu tố tàn khốc, gần nửa làng di cư năm 1954 và sau đó là phá đình, dỡ chùa toàn xã năm 1971 do ông Xuần (hay Suần) là chủ nhiệm HTX tiến hành để lấy gỗ đóng bàn ghế cho HS còn lại các bản khắc gỗ thì đun gạch. Đau xót làm sao. Trong không gian văn hóa làng gồm Đình, Đền, Chùa, chỉ còn lại hậu cung chùa, nơi trú ngụ các pho tượng may mắn không chết đuối, văn bia thành hoàng và 4 cột đá từ năm 986 không bị nung vôi.

Pho tượng Quan Âm Thị Kính,
bên tay trái bà tạc con vẹt, chỉ hậu thân Thiện Sỹ.
Đó là sự khác lạ ở chùa này
.
Pho tượng Đức Ông


Tượng Thánh Tăng - A Nan Đà.

Tượng Mẫu. Chùa không có đền Mẫu.
Tượng rất đẹp, nét mặt phúc hậu như con gái quê nhà.

Không son phấn như những pho bây giờ.

           
Tượng Tam thế
ngồi ngang nhau ở nơi cao nhất trên bàn thờ, đại diện cho chủ Phật trong ba thời gian quá khứ, hiện tại thế, vị lai thế (xưa chúng tôi gọi là ba Ông Bụt ốc). Tượng Phật A-di-đà hàng dưới  và Tòa Cửu Long Thích Ca sơ sinh. Tất cả tượng chùa đều bằng gỗ mít, tuổi hàng trăm năm, chưa từng sơn quang lại, ẩn mình trong hậu cung khi chùa bị dỡ các gian chính. Đó là điều quý hiếm.

 Bóng mát tán lá cây thị cổ sau chùa

Cây thị tổ sau mái chùa nghèo.
Đường từ sông Cái (sông Vận) về làng
Đường từ cổng Chùa ra khu đống Quán, bãi Sao Ma.
Đường khu Đồng Rộc, ra sông, lên Yên Phụ.

5 nhận xét:

  1. Anh làm được chùm bài về làng quê anh thất là quí, ước gì quê HG cũng có người làm được những thế này để giữ lại kỷ niệm về quê hương.

    Làng HG cũng có một Đền thờ bà Hoàng hậu triều Lý Hoàng Thị Hồng , gọi là Đền Vua Bà, Bà là người dòng họ Hoàng của HG, tượng Bà đẹp lắm, ngày nhỏ HG thường chui vào hậu cung để ngắm Bà. Đền Bà cũng bị phá, họ Hoàng tiếc đứt ruột, bố nghỉ ngày chủ nhật về thấy Đền đang phá bố khóc. Đền mới trùng tu lại cách đây khoảng 15 năm, không đẹp bằng Đền cũ. Ngày còn ở quê HG vẫn thường đi lễ Đền vào tuần rằm , tuy là con gái họ Hoàng nhưng thuộc nghành trưởng (mẹ HG lại là dâu trưởng) nên đặc biệt năm nào cũng vậy sau khi cúng giao thừa xong là HG ra lễ Đền.

    Đọc chùm bài này HG thèm lắm, chắc rồi sẽ học anh.

    Trả lờiXóa
  2. Tôi có bạn cùng học là Chị Hoàng Thị Nguyệt, chị quê Thanh Thủy. Gọi là chị vì hơn tôi nhiều tuổi cùng học lớp 7, toán đặc biệt tại Yết Kiêu Gia Lộc. HG xem trong bài "... mười sáu tuổi sẽ thấy", không biết có cùng họ Bạn ?

    Chùa làng chỉ giữ được những tượng chính. Những tượng như hai ông Hộ Pháp, sư tổ, ... đều ngâm nước cả.

    Tượng chùa làng, nét độc đáo là nét mặt thuần Việt. Tôi chỉ nói riêng, tượng phật bà: Bây giờ tượng Phật bà người ta tạc theo hình ảnh của diễn viên TQ, rất đẹp, nhưng vẫn phảng phất mắt một mí, cho dù tích Phật bà là phương bắc.

    Còn nhiều cái đẹp để mến yêu quê nhiều vốn cổ.

    Vùng đất quê mình, chiến tranh liên miên. Giá như nó được bao bọc núi sông như xứ Đoài thì đâu kém những hình ảnh đền chùa miếu mạo bến nước ven sông.

    Quê tổ của mình là họ Phạm, đất An Lương, thôn Hoàng Lại, mình đời thứ 16.

    Trả lờiXóa
  3. HG có biết một chị Hoàng Thị Nguyệt quê Thanh Thủy, trước kia chị làm y sỹ Bệnh viện Thanh Hà. Thời gian có phong trào phổ cập cấp III cho cán bộ và nhân viên các cơ quan huyện, vì chị không học cấp III phổ thông nên khi đó chị là học viên BTVH của HG.

    Tượng Vua Bà Hoàng Thị Hồng đẹp lắm, ngày Đền bị phá tượng được sư thầy chùa Linh Quang mang về chùa cất giữ nhưng không còn được nguyên như cũ, ngày Đền được trùng tu bố đã mang thợ giỏi ở Sở Thủ công nghiệp Tp Hải Phòng về tô thiếp lại, các cụ ai cũng nức nở khen đẹp nhưng HG thấy không đẹp bằng hình ảnh đã in đậm trong tâm trí HG từ ngày thơ ấu.

    Chắc anh Thế có biết anh Nguyễn Ngọc San, Nhà thơ, khóa trước làm Trưởng ban thơ Hội Văn học Nghệ thuật Hải Dương, trong tập thơ “Bồng bềnh điệu lý” (đây là tập thơ thứ 7 của anh San, xuất bản năm 2008 – Có thể trong Thư viện trường anh cũng có), trong tập thơ đó có 3 bài thơ tình anh San viết tặng HG : Đi hội Đền Vua Bà (lúc đầu anh lấy tên “Bùa yêu” ), Chuyện tình qua mưa ( nói đến Vua Bà và tất nhiên có cả…HG nữa,hi hi) và Mười năm.

    HG có biết An Lương có thôn Hoàng Lại và An Lại, không biết còn thôn nào nữa không?

    Trả lờiXóa
  4. Quên nữa, còn chuyện này không biết giải thích thế nào:
    Sau chuyện phá Đền , Chùa (Chùa cũng bị phá nhưng vẫn giữ lại được gian Tam bảo) thì có mấy sự cố xảy ra. Đầu tiên là mẹ ông Chủ tịch xã mới được chôn cất chiều thì đêm có kẻ xấu đào mộ lên và đổ trấu xuống đốt, các cụ bảo có nhiều cách trả thù sao lại run rủi cho kẻ xấu chọn cách trả thù mà ở đời chưa từng có thế bao giờ (Tòa án xử không tìm thấy có điều luật nào có tội danh như vậy) ; tiếp sau là ông Bí thư Đảng ủy bị mắc bệnh tâm thần (các cụ bảo là bị điên) ; sau nữa là vợ ông phó Chủ tịch xã (chính là em gái chồng HG) sinh đứa con trai được 1 tuần thì mất vì bị uốn ván rốn, sinh tiếp đứa sau thì bị câm và cách đây 4 năm cháu mất vì tai biến não.
    Các cụ cứ bảo tất cả là tại phá Đền, Chùa còn lớp trẻ thì bảo chả biết thế nào…

    Trả lờiXóa
  5. Sẽ viết về điều này để trả lời HG.

    Trả lờiXóa