Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

Đền Cao

Cổng đền Cao
                      
Đền Cao An Lạc ở trên đỉnh núi Thiên Bồng, cao khoảng 50m, giữa một rừng lim cổ thụ thuộc xã An Lạc huyện Chí Linh. Đền thờ 5 anh em Vương Minh, Vương Hồng, Vương Xuân, Vương Thị Đào, Vương thị Liễu có công chống giặc Tống xâm lược ở TK X.
         
Rừng lim nghìn tuổi.



                          
 
Giếng nước dưới chân đền
Đền xây dựng theo kiến trúc chữ “đinh” nằm trên ngọn núi Thiên Bồng. Chung quanh đền là rừng lim già. Gần di tích có một rừng tre, cò vạc về trú ngụ khá đông, tạo nên một cảnh quan sinh động. Đây từng là căn cứ quân sự của Lê Hoàn trong cuộc kháng chiến chống Tống, năm 981.
Cảnh làng quê sau đền

Đền khởi dựng từ thời tiền Lê, di tích hiện còn trùng tu vào thời Nguyễn, kiểu chữ tam, quy mô nhỏ. Kiến trúc và đồ tế tự còn khá đồng bộ, tiêu biểu là hệ thống câu đối, đại tự. Đây là một trung tâm tín ngưỡng sùng kính lâu đời của nhân dân địa phương. Hằng năm có một mùa hội từ 22-25 tháng Giêng. Di tích có các công trình tiền tế, trung tử và hậu cung; nhiều cổ vật có giá trị như bia ký, long đao, bát bửu, ngai ỷ, … Đặc biệt là hệ thống đại tự, câu đối ca ngợi công đức của năm anh em họ Vương và cuộc kháng chiến chống quân Tống.                  

Lối nhỏ trong rừng



Trong rừng lim nghìn tuổi
                       
Trầm ngâm trước cửa đền, phóng tầm mắt nhìn ra bốn phương tám hướng có thể liên tưởng đến thế hổ chầu, voi phục của 99 đồi bao bọc xung quanh ngọn Thiên Bồng như trải ra một không gian kỳ vĩ, tầng tầng lớp lớp.
          
Voi, ngựa đá chầu trước cửa đền Cao.
Theo truyền thuyết, đây chính là những con voi vừa thắng trận trở về, chúng tung vòi gầm vang chen nhau xuống dòng Nguyệt Giang uống nước.
    
Ở gian chính điện có bức đại tự viết theo lối đá có thảo bốn chữ lớn “Thanh Thọ Vô Cương”, phía bên tả “Cao Sơn Ngưỡng Tử” và bên hữu “Cao Cao Tại Thượng”. Trước cửa đền, dưới tán lim cổ thụ là hai hàng voi đá, ngựa đá. Ngoài ra đền Cao còn là ngôi đền với kiểu kiến trúc khá độc đáo.

Từ lâu đền Cao đã lưu truyền trong dân gian về sự linh thiêng và nhiều bí ẩn mà người đời chưa thể lý giải. Cố nhân Lạc Đạo có câu "Biết không nói, không biết không hỏi", hay "không được mở khám thờ” nên gian cấm đền Cao là cả một sự bí ẩn mà không ai được vào ngoài năm quan đám. Khi vào các quan đám phải tuân theo những qui định rất khắt khe như: không ăn mặn, không tang tóc, phải tắm rửa sạch sẽ, phải mang khăn bao hàm, qua cửa vào cung cấm bước chân phải vào trước và khi ra bước chân trái trước… Đền Cao đã và sẽ mãi lưu giữ được nguyên vẹn giá trị văn hoá tâm linh.
                       
Bướu mặt cáo trên cây lim cổ thụ nghìn tuổi.
Trong số 54 cây lim ở đền Cao thì cây lim lớn nhất, kỳ lạ và cũng gây tò mò nhiều nhất chính là cây lim ở phía Tây của đền. Trên cây có một chiếc bướu hình mặt cáo, cũng có người gọi là đầu hổ. Nhìn trực diện, cái bườu này giống hệt một chiếc đầu cáo. Nhìn từ trên xuống, lại giống một chú khỉ lông vàng.
              

Cây lim di sản
                          
Khu di tích gồm năm đền thờ.

               
Đền Cả thờ Vương phụ, Vương mẫu và Vương Thị Đào (Đào hoa trinh thuận công chúa) Vương Thị Liễu (Liễu hoa linh ứng công chúa). Bên cạnh đền là chùa.

Đền Cả
Đền Cả tọa lạc giữa cánh đồng xanh tươi trù phú, cạnh dòng Nguyệt Giang thơ mộng. Đền Cả mang một dáng vẻ uy linh, huyền ảo được bao trùm bởi những cây cổ thụ nghìn năm tuổi. Đền xây dựng theo kiến trúc thời Nguyễn. Ba gian tiền tế, gian trung từ, hậu cung. Trên nóc ngôi đền có đôi rồng chầu mặt trời do cụ phó sĩ ở Nam Hà đắp. Theo nhiều nhà nghiên cứu nhận xét thì đây là một trong những đôi rồng đẹp nhất miền Bắc. Trong đền có nhiều bức hoành phi, câu đối cổ ca ngợi công lao to lớn của năm vị thánh. Tiêu biểu là bức hoành phi  “Tam linh tích hựu” và câu đối “Thần hoá khai tiên cổ miếu anh linh quang lạc địa; Thánh sinh kế hậu tiền Lê trung liệt trấn nam thiên”.                     
Đền Cao thờ trưởng nam họ Vương: Vương Đức Minh
(Thiên Bồng Đại tướng quân đại vương)
                 
Đền Bến Tràng thờ Vương Đức Xuân (Dực thánh linh ứng đại vương).
             
Đền Bến Tràng là một ngôi đền lớn nằm cạnh dòng Nguyệt Giang. Nơi thờ phụng ngài Vương Đức Xuân- Dực Thánh Linh Ứng đại vương. Đền được xây dựng theo kiến trúc hình chữ Đinh, hai gian tiền tế, một gian hậu cung. 

Đền Bến Cả thờ Vương Đức Hồng (Anh vũ dũng lược đại vương)          
                                 
Án thờ Đền Bến cả, hoa văn tinh xảo, đẹp và cổ nhất ở Hải Dương
Theo truyền thuyết xưa, khi người dân lập đền thờ, công việc chuẩn bị chu đáo nhưng cứ xây lên lại đổ, xây lại đổ, vào một đêm có một vị thần hiện lên bảo rằng: “Nếu có thờ thì xây đủ 100 gian, không thì để thờ trần và nếu thờ trần thì làm một bình hương đá, một tráp đá, một đèn đá.” Và từ đó dân ta quyết định để ngôi đền trần thờ cúng. Có lẽ đây là một ngôi đền đặc biệt  nhất trong hệ thống di tích đền thờ Việt Nam.
      
Hình ảnh.
d
Trong tam quan cổng đền

        
Sân đền Vua Lê

Bia ký đền Bến Cả.

Đường rừng bên trái đền Vua



Hoa Vòi voi, nở trắng ngát lối lên đền Vua

6 nhận xét:

  1. Chào anh, chúc anh một ngày vui!

    Đền Cao, động Hàm Long HG đều đã đi cả, có nơi đã đi vài lần nhưng lần nào cũng đi lễ là chính. Có lần đi lễ cùng Sư thầy, có lần đi lễ cùng với cơ cánh của thanh đồng nên cứ đến nơi là chỉ chăm chăm vào lễ, xong khóa lễ là lại hối hả đi tiếp đến Đền, Chùa khác chả bao giờ có thời gian để vãng cảnh.
    Đọc mấy bài này của anh thấy thèm quá, rồi cũng phải thu xếp thời gian để vừa đi lễ vừa ngắm cảnh cho thỏa thích.
    Cảm ơn anh!

    Trả lờiXóa
  2. Nhà mình thường đi vào các ngày thường, không lễ hội. Chỉ là vãn cảnh.

    Blog cũng là nơi gửi gắm tâm tư, lưu trữ các kỷ niệm để cùng chia sẻ.

    Khóa lễ, mà mình chụp ảnh trong động đó rất hay. Nhưng không đăng hết ảnh.

    Trước kia là hai vợ chồng đi năm đôi ba lần, bây giờ là cùng con cháu.

    Chúc Bạn vui!

    Trả lờiXóa
  3. Đi lễ hay vãng cảnh Đền , Chùa và các di tích vào ngày thường thích lắm. Với không gian vắng vẻ, tĩnh mịch người ta có cảm giác được gần với thế giới tâm linh hơn, cũng như được gần gũi với thiên nhiên hơn. Những ngày thường mà lên động Hinh Bồng (Chùa Hương), Bàn Cờ Tiên (Côn Sơn), Chùa Đồng "Yên Tử)...ta có cảm giác như đang được hòa mình vào thiên nhiên vậy. HG cũng có một đôi lần đã đi như thế, thích lắm.

    Vâng! Anh nói đúng : "Blog cũng là nơi gửi gắm tâm tư, lưu trữ các kỷ niệm để cùng chia sẻ". HG cũng có viết nhưng chưa làm blog, chỉ định viết cho con cháu đọc thôi, cũng có người bạn muốn HG làm blog nhưng HG còn đang lưỡng lự. Nhưng có lẽ cũng phải làm thôi vì đã hai lần computer bị sự cố mất nhiều dữ liệu, tiếc đứt ruột. Con trai HG cháu cũng bảo hay mẹ làm blog đi.

    Các con của HG đều có địa chỉ blog của bác Đ. , bác Th. ,...HG muốn các con cái đọc để chúng hiểu cha mẹ hơn, để chúng biết các phụ huynh của chúng đã suy nghĩ và đã sống như thế nào và còn để...nhiều thứ nữa.

    Trả lờiXóa
  4. Viết Blog, tâm trạng như khi ta thiền định vậy.

    Các con của mình cũng thường xuyên đọc blog của bố. Chúng nhận xét các bài bố viết không hằn học mà chỉ hay nói "mát".
    Tôi nói: Blog của bố là ghi những kỷ niệm về bố mẹ và cảm nghĩ về cuộc đời. Các con có thể bây giờ không hiểu, nhưng sau này sẽ thấm.

    Cũng qua đó, mình không phải giáo huấn các con. Mà chưa bao giờ mình làm vậy. Đặc biệt là những bữa ăn và khi xum họp.

    Tôi tin là Bạn viết Blog sẽ hay, vì cuộc sống bây giờ là cõi tâm.

    Chào Bạn!

    Trả lờiXóa
  5. Đọc Blog thêm hiểu bạn mình, rồi lại tự trách mình nữa

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những ảnh này em chụp từ khi chưa biết gì về nhiếp ảnh. Lúc xưa, con cái học xa, hai chúng em hay đi chơi những nơi không là ngày lễ hội. Án thờ Đền Bến cả, hoa văn tinh xảo, đẹp và cổ nhất ở Hải Dương là em chụp sau này. Có lần vợ chồng em ăn cơm nắm và nghỉ trưa tại đó vì nắng quá.
      Khu này có nhiều quan chức ghi tên lắm, anh à.
      Cái bướu mặt khỉ đó, em phát hiện ra, sau mới thấy bóa chí rầm rầm lên. Đồn rằng, một mẩu bướu đó chữa ung thư hiệu nghiệm lắm.

      Xóa