Cánh đồng đầu làng Vừng, phía xa là dãy núi Yên phụ. |
Làng Vừng (thôn An Bình) quê tôi văn bia ghi lập năm 986 (Đời vua Lê Hoàn, nguyên niên hiệu Thiên Phúc I). Làng có các tộc Phạm, Ninh, Nguyễn, Trần, Vũ, người đông hơn là họ Phạm.
Phạm tộc có 4 ngành (làng gọi là ngãnh). Tôi ngành 3, khi về làng giỗ chạp, các cháu xếp mâm người ‘bài vai’- cùng bậc thì đa phần đã lên Đồng Bùi cả (câu của làng nghĩa là ăn xôi rồi) nên gần như ngồi với các cháu bẩy, tám mươi tuổi.
Ngành trưởng họ tôi, trưởng tộc di cư vào nam 1954, họ nhà tôi bị vào đó nhiều vì sợ, vất vả nhưng phần đông các cháu đều vương trưởng bằng con đường học vấn.
Xưa, người bậc cao còn trong làng là Cụ Phạm Văn Quang. Cụ là bác tôi, nhưng cả làng gọi là Cụ, nên tôi cũng vậy. Đặc biệt quang gánh, người làng gọi là ‘quâng’ gánh. Thật là kỳ lạ.
Cụ theo đạo nho, thày tôi cũng là môn sinh của Cụ, tôi nghe kể: Cụ thấy một mảnh giấy rơi, nhặt về đốt, đổ tro xuống sông Đình. Năm 1945, Cụ đi bộ từ làng lên Hà Nội (khoảng 80km) quyên góp vàng cho Chính phủ. (Tuần lễ vàng do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động ngày 16/9/1945 tại Nhà hát lớn Hanoi).
Sinh thời, Cụ làm điều phúc đức. Cụ đổi ruộng nhà lấy những thửa trên đường đưa ma lên Đồng Bùi để đắp một con đường thẳng tắp từ làng và lấy đất ruộng nhà mình đắp lên. Trong làng có người mất, sau viếng, đêm Cụ dùng cái gầu vẩy té nước lên đường mà Cụ đã thêm đất ải, để hôm sau đám ma dẫm cho mịn đường. Ôi sao mà thương kính.
Cụ viết gia phả cho cả họ, các ngành và các gia đình. Trong làng có cụ nào đến tuổi, Cụ đều đan tặng một cái nón chóp tre, ‘quâng’ dầu cẩn thận, nhà các cháu thì nhận các gầu vẩy để tưới rau, tôi còn nhớ mãi hồi làng là hợp tác xã.
Hình ảnh chiếc cầu gạch qua sông Bùng dẫn vào làng gọi là cầu Cụ Quang, giếng trước cửa đình “Giếng Cụ Quang (1929)”, cổng Cụ Quang… Những kiến trúc đó đã mất dần theo thời cuộc.
Sông quê, sông Vận. |
Các buổi sáng, Cụ, bác Trữ, thày tôi thường ngồi đàm đạo bên ấm trà hay có hôm thưởng món bánh đa kẹp thịt gáy lợn nướng hỏa lò than xoan đượm lửa. Câu chuyện về văn thơ, câu đối, mà tôi còn nhớ đến bây giờ. Khi hầu chuyện, dù là anh em nhưng bác và thày tôi đều “thưa Cụ”. Thật tự hào, nước Việt có Cụ Hồ thì làng tôi có Cụ Quang.
Tôi nhớ có một lần, chúng tôi lấy sách chữ nho, xé giấy phất diều. Cụ cứ nhìn, bây giờ tôi mới hiểu câu đau lòng trong “Đa ghe xtan của tôi”. Chúng tôi đã “bắn vào quá khứ” trước mặt Bác Tôi.
Có một chuyện buồn lòng, qua nghe tôi biết dãy Yên Phụ (An Phụ) có chín ngọn: “Chín con theo mẹ ròng ròng/ Riêng người con út bạc lòng không theo.” Nói về ngọn núi thứ mười bên kia sông Kinh Thày, gần núi Cả Chí Linh, không chầu về Yên Phụ, bị nhát gươm chém thành sông tách khỏi 9 ngọn bên làng tôi. Câu đó tôi viết vào bài văn năm lớp 6, vụ văn chương đó làm tôi không được Bác Hồ khen tặng, mà phải đợi đến năm sau (1965). Đáng lẽ tôi phải hiểu là tất cả “đồng lòng”.
Tôi viết bài này những mong các con, các cháu hiểu rằng: Tiền nhân xưa tốt đẹp lắm. Sự hiến dâng thiêng liêng là cho Tổ quốc, trước hết nhớ câu.
Người quê chân chất thật thà
Vẫn hồn hậu vẫn đậm đà thủy chung
Bài ca sau viết về Làng Vừng quê tôi, bác Phạm Văn Nghinh (hiệu Phạm Mạnh Trí), cháu tôi cẩn bút, gọi bác là tôi gọi thay con. Bác Nghinh là cháu nội Cụ Quang.
Trên đường Hà Nội về xuôi Hải Phòng
Ven đường tầu, quốc lộ 5
Nhà ta cũng ở rất gần đây thôi
Xin mình hãy ghé qua chơi
Cùng nhau tâm sự một lời đã nao.
Từ ga Phạm Xá đi vào
Hỏi Làng Vừng ở chốn nào hở em?
Đến Bùng rẽ trái sang bên
Qua cái cầu gạch, đấy thôn An Bình
Xã Tuấn Hưng, huyện Kim Thành
Tỉnh Đông xưa đó, nay thành Hải Dương.
Trước ngày gọi Lâm Xá trang
Cùng với Bộ Hổ hai làng chung nhau
Cái tên Đống Táo, Cầu Cau
Nam Hành, Gốc Nhót nghe sao mà gần
Vẫn nghe các cụ kể rằng
Làng xa ở đó nay dần về đây
Đồng Bùi, Xóm Trại còn cây
Ngẫm xem chuyện ấy việc này chẳng sai.
Tổng Cam Lâm tiếng quen tai
An Bình khu đó từ thời Tiền Lê (năm 986)
Vẫn còn dấu tích văn bia
Dẫu rằng dâu bể … chuyện kia … dẫu rằng.
***
Thế Vinh tên gọi người mang họ Trần
Cùng Phạm Đình Trấn hiền nhân
Càng ngày càng thịnh, càng đông lên nhiều.
Một hôm có khách đến chào
Hỏi ông bà ở nơi nào lại chơi
Vân vi khách mới ngỏ lời
Tôi họ Trương đó vốn người Trịnh trang
Huyện An Định, phủ Thuận Thiên
Nhà tôi Bùi Thị, quê miền Ái Châu
Chẳng may lỡ bước cơ cầu
Bơ vơ nào đã biết đâu là nhà.
Giãi niềm tâm sự sâu xa
Tơ vò chín khúc đầm đìa giọt châu
Cảnh tình trông thấy lòng đau
Nghe xong cụ Trấn gật đầu thở than
Nào ai lại muốn cơ hàn
Làm người ai thích lầm than làm gì.
Ông bà định liệu xét suy
Đến đây ở với làng thì thêm vui
Dựng nhà cho đất thảnh thơi
Mới hay ăn ở lòng người có nhân.
Họ Trương chữ nghĩa có phần
Mở trường dạy học xa gần đều theo
Mấy năm, qua lúc đói nghèo
Ông bà Trương lại có theo tin mừng
Lạ sao chuyện lạ quá chừng
Trăm ngày sau trước sinh cùng hai trai
(21/3/1006 và 1/7/1006, năm Bính Ngọ đời
Vua Lê Ngọa Triều, niên hiệu Ứng thiên thứ 13- văn bia làng).
Hoang đường chuyện cũ vậy thôi.
Kể ra như thế người đời khó tin.
Ông Trương nhớ nghĩa, đền ơn
Mới lấy họ Phạm đặt tên con mình
Vẫn trong bia đá rành rành
Phạm Tế, Phạm Độ, đã dành tên kiêng. (tên húy)
Hai chàng tuấn tú lớn khôn
Anh cải Phạm Tuấn, em nên Phạm Hoàng
Tài kiêm văn võ song toàn
Bậc hiền lương để giang sơn cậy nhờ.
Gặp khi gặc Tống lấn bờ
Hai chàng quyết chí phất cờ tòng quân
Phong “Bách tiến chí tướng quân”
Trăn trận trăm thắng muôn phần vẻ vang
Giặc tan, ca khúc khải hoàn
Được vua phong thưởng về làng vinh quy
Tang bồng phỉ chí nam nhi
Ruộng vườn cùng muốn vui nghề nông trang.
Dân làng sau nhớ công ơn
Dựng xây đền miếu sớm hôm phụng thờ.
Cuộc đời dâu bể nắng mưa
Đình xưa, miếu cũ bây giờ còn đâu
Đá mòn, bia đã phủ sâu
Càng thương thế sự, càng đau nhân tình.
Vẫn đây giếng nước sân đình (xây 1929)
Gương soi thấu đáy, ngắm mình trời cao
Quanh tường gạch đã loang rêu
Bóng hình giản dị, người đào năm xưa (Cụ Quang)
Đường làng giải lụa quanh co
Gạch nghiêng lát lối … bây giờ khác xa
Ngày xưa nhà rạ lòa xòa
Bây giờ san sát những tòa nhà cao
Ngày xưa xao động ao bèo
Ai soi bóng nước, má đào cười duyên
Bây giờ xanh nhãn Hưng Yên
Đỏ au vườn vải Thúy Lâm trước nhà.
***
Thẳng đường đi tới cổng chùa
Tốt tươi cây thị tán che bồ đề
Dọc mương mát rượi hàng tre
Gió đưa kéo kẹt, trưa hè êm êm
Đường mòn cứ thẳng đi lên
Sườn đê xanh cỏ, nghé con từng đàn
Sông Kinh trước mặt chắn ngang
Muốn sang Yên Phụ thì sang qua đò
Ngời ngời bãi mía ruộng ngô
Phù sa ngọt mát thơm tho lúa đồng
Ông cha xưa biết bao công
Biết bao xương trắng máu hồng mới nên
Từ Hồng Bàng thưở khai thiên
Trải các triều đại Lý Trần Hậu Lê
Những qua đi đến bây giờ
Đất quê vẫn ngọt, cảnh thì khác xa
Người quê chân chất thật thà
Vẫn hồn hậu vẫn đậm đà thủy chung.
Diệt Tây, đuổi Nhật xâm lăng
Đánh tan cướp Mỹ hung hăng bạo tàn
Cho quê, đất mãi bình an
Biết bao nhiêu lớp trai làng tòng chinh
Có anh đi mãi không về
Vẫn yêu tin vẫn câu thề nước non
Hiếu trung hai chữ vẹn tròn
Trước sau một tấm lòng son nghĩa tình.
Hôm nay đất nước thanh bình
Ánh điện tỏa sáng lung linh mọi nhà
Thu hình màu, ấm tiếng loa
Quần hoa áo tím như là phố thôi
Trống trường nghe đã đổ hồi
Tan học ríu rít reo cười ca vang
Tương lai rực rỡ huy hoàng
Ơi quê yêu dấu muôn vàn yêu thương.
***
Ai đi khắp nẻo đường trường
Nhớ thêm quê mẹ, thêm thương mỗi chiều
Dẫu người xa cách bao nhiêu
Yêu quê xin nhớ một chiều thăm quê
Ở đây nguồn cội nhớ về
Ai yêu tha thiết, ấy thì lớn khôn.
(viết xong ngày 6/5/1999. Phạm Mạnh Trí)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét