Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

NHỮNG NGƯỜI LẠC LÕNG

                                                 Truyện ngắn Hoàng Đình Quang
Buổi chiều, cơ quan hơi vắng. Khách thưa. Phóng viên về nhà viết bài, hoặc nhóm họp nhau ngoài bãi sông, gầy độ nhậu. Nhóm kỹ thuật thì 7– 8 giờ tối mới “mise en page”, phơi kẽm…
Thu Trang xem lại kế hoạch trong tuần, định khép cửa chạy sang phòng Tổng biên tập xin điều chỉnh mấy chỗ thì có tiếng gõ cửa. Tiếng gõ rụt rè, đích thị người lạ. Chị ngẩng lên, nói to.
- Cửa mở đấy! Cứ vào…
Thấy nắm đấm nhúc nhích nhưng cánh cửa vẫn đóng, Trang đứng dậy đi ra mở cửa. Một khuôn mặt thanh niên đỏ phừng, lấm tấm mố hôi. Quen không nhỉ?
- Vào đi em…
- Cô… Cô nhớ cháu không?
Thật tình Trang thấy cậu chàng này có dáng dấp quen quen. Một gương mặt đẹp phổ thông. Không để cậu ta thất vọng, Trang cười.
- Cháu ngồi đi! Để cô nhớ nhé. Ta gặp nhau ở đâu nhỉ?
- Cháu là sinh viên ngữ văn… Hiện giờ cháu đang làm luận văn.
- A. Cô nhớ rồi! Đã bảo vệ chưa? Quốc Lan! Phải Quốc Lan không?
Cậu chàng bẽn lẽn như cái tên của mình, cười rụt đầu.
- Cô có trí nhớ tốt quá…
- Định xin việc hay sao mà nịnh sếp sớm thế? Mới gặp cháu một lần, nhưng bài của Lan, cô đã đọc và duyệt hình như hai hay ba bài rồi.
- Cô thấy cháu có thể làm báo của cô được không?
Phó tổng biên tập Thu Trang, đứng dậy, lấy tờ báo số mới đưa cho Quốc Lan:
- Được hay không là ở cháu chứ. Chỗ các cô, các chú rất cần phóng viên. Nhất là trẻ, nhanh nhẹn và được đào tạo bài bản. Nhưng mà, cô nó thật nhé. Chưa thể nói gì được ở cháu, với một vài bài có tính cảm nhận, cảm tính như cháu đã viết. Phải thật sự đi vào cuốc sống. Mà nghề báo cón phải có thêm nhiều thứ nữa… Cần nhất là lòng trung thực!
- Vâng! Thưa cô cháu hiểu.
Trang cười thoải mái.
- Hiểu nhanh thế?
Loay hoay một lúc Lan đứng dậy.
- Cháu đến thăm cô, và muốn xin cô nhận vào làm báo. Mai mốt cháu sẽ tới gởi đơn và giấy chứng nhận tốt nghiệp. Cháu xin phép, không làm mất thời gian của cô…
- Được rồi. Cô sẽ nhớ. Lan về nhé.
Cậu chàng như nhợt nhớ ra.
- Cháu có cái này tặng cô.
Nó lấy từ trong cặp ra một gói nhỏ, vuông vắn, xinh xinh.
- Quà cơ à? Gì thế?
-  Có chi đâu cô. Chút xíu…
Quốc Lan đi rồi, Trang ngồi nhìn cái hộp xinh xẻo, mỉm cười. Cậu bé có cái gì đó rất ấn tượng. Chị bỏ cái hộp nhỏ, rất nhẹ vào túi xách rồi khóa cửa phòng. Chiều muộn rồi.
Về nhà, Trang quên bẵng món quà của Quốc Lan, cho đến sang hôm sau, soát lại các thứ cần thiết đi làm, chị mới nhìn lại cái hộp nhỏ xíu và mở ra. Tự cười một mình với cái tính tỉ mẩn của cậu bé, bỗng Trang giật mình: tiền!
Không thể đợi Quốc Lan, Trang nhờ người gọi điện bảo cậu đến cơ quan. Nó có vẻ bẽn lẽn thường tình, khiến Trang bình tĩnh lại.
- Quốc Lan có rảnh không?
- Dạ… cháu chờ đến ngày bảo vệ luận văn…
- Cô muốn giao cho cháu viết thử một đề tài.
Dường như nhận ra điều gì đó, Lan cúi xuống nhìn ly nước, giọng rất nhỏ.
- Cô cứ giao cho cháu.
- Cô muốn cháu viết một phóng sự về tâm trạng của lớp sinh viên sắp ra trường trong việc tìm việc làm. Cháu thử suy nghĩ xem…
- Vâng! Cháu sẽ thử cố.
- Thế nhé. Lan về đi…
Khi cậu bé đứng dậy sắp đi ra, làm như sực nhớ, Trang gọi lại.
- À này. Cô cũng có món quà này tặng lại cháu…
Trang đưa cái hộp hôm qua của nó, được bọc bằng một tờ giấy trắng bên ngoài. Thấy nó ngần ngừ, mân mê cái hộp đứng tần ngần, Trang cười nghiêm.
- Cháu có biết trong đó có cái gì không?
- Dạ… biết!
- Cháu đem về đi. Cô biết nhà cháu ở nông thôn. Nếu có trồng cây ăn trái, cho cô xin hai trái bưởi là được rồi…
Không thấy Quốc Lan trở lại xin việc, cũng không thấy bài nó gửi. Thỉnh thoảng Thu Trang vẫn nhớ đến cậu bé ấy. Cho đến một ngày… bốn năm sau.
Trong khi Trang đang vất vả đẩy cái xe bị bể bánh của mình tìm chỗ vá, Quốc Lan xuất hiện.
- Cháu chào cô!
- Ồ…
- Cô để cháu.
Nó dẫn cái xe vào tiệm nói mấy câu rồi quay ra.
- Cháu mời cô uống nước, chờ chút xíu xe vá xong.
Thu Trang nhìn nó.
- Cháu làm gì ở đây? Vá xe à?
- Không cô ạ. Cháu làm bên cạnh. Sửa chữa và bảo trì máy tính.
Trang lặng lẽ uống nước và nhìn sang bên của hiệu. Quốc Lan bất ngờ hỏi.
- Sao cô không hỏi cháu vì sao không trở lại chỗ cô?
- Cô muốn để cháu tự nói.
- Cô tin cháu thế sao? Quả thật cháu không còn muốn làm báo nữa.
- Vì cô à?
- Cháu đã hiểu cô. Vì thế cháu không muốn chẳng may một lúc nào đó thấy cô khác đi. Và ngược lại…
- Sao?
- Cháu cũng không muốn cô cứ phải nhìn thấy cháu như một thằng tồi…
Trang lấy tờ giấy bạc 50 ngàn đưa cho Quốc Lan.
- Cháu trả tiền vá xe hộ cô. Trả cả tiền nước nữa.
Cậu ta – giờ đã là một người đàn ông thực thụ – nhìn Trang rồi cầm lấy tiền, nói.
- Cháu cứ tưởng mình cháu là người lạc lõng, nào ngờ cả cô nữa.
Trang cười.
- Còn hai trái bưởi của cô đâu?
11-7-2010

6 nhận xét:

  1. Trong cuộc đời duy nhất có một lần HG được làm Chủ tịch Hội Đồng thi tuyển viên chức, HG cũng đã trả lại "phong bì" cho người dự thi, như vậy có được gọi là "lạc lõng" không nhỉ?

    Trả lờiXóa
  2. Tôi chỉ buồn, tiếc cho sau này "những người lạc lõng" chỉ còn là những người "xe bị bể bánh" và làm nghề "bảo trì vi tính". Và cũng là tâm sự, nên tôi đăng bài này.
    (Nói ngoài một chút. Thanh Chung viết về những ngày tháng Hoàng Đình Quang nuôi vợ ốm cảm động lắm HG ạ! Khác với Văn Công Hùng viết về Nguyễn Quang Vinh thương vợ! Hai vị ấy đều là những nhà văn đáng kính, hai người vợ đáng yêu đã mắt thời gian gần đây.)

    Chào HG. Cảm ơn người đồng cảnh!

    Trả lờiXóa
  3. Thưa, HG có đọc cả.
    Và HG cũng đã khóc khi đọc các bài thơ : "Em ơi, đừng đi", "Chiều tháng chạp", "Chiêm bao" của Hoàng Đình Quang.
    "Nước mắt chảy vào, đường trước mặt còn xa..."

    Trả lờiXóa
  4. Xin được chia sẻ cùng HG.
    Con gái mình vẫn nói bố "hơi bị"
    Mình hiểu nó chê là "sến".
    Nhưng phim Hàn quốc thì không. некогда!

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ơn anh VanPham sẵn lòng chia sẻ cùng HG.
    Thằng con trai HG ngày cháu học lớp ba đã nói với con chị học lớp năm như thế này : Tội nghiệp mẹ mình, mẹ mình ngây thơ quá chị nhỉ (Hu hu hu...)
    Phim Hàn Quốc thì HG... cũng có xem, nhưng ủy mị thì không. некогда!

    Trả lờiXóa
  6. Chúng ta thuộc dạng người một số kẻ bây giờ, như vị thị trưởng đáng kính, coi là "Mụ ấy hư hỏng" (Hans Christian Andersen). Cũng mong rằng "mẹ Cú, con Công" cho các con.
    Ta cũ xưa rồi! Bạn ạ!
    Tôi cứ đọc chuyện này lại thương mẹ. http://sachnoionline.com/play.php?id=1048

    Trả lờiXóa