Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

BẠN VĂN XƯA

Vũ Đình Văn
Những năm chiến tranh, chúng tôi thường đọc bài thơ này của Văn, Anh học Văn, tôi thì Toán, biết vì mê thơ mà trong tiểu đội có Phú cùng học với Anh. Nhớ chăng hồi đó, bên "biển Nga Sơn vỗ vào rất ấm" các bạn nữ vào chơi, cấp trên báo động, "thôi về đi em, hai đứa cười nóng mặt ...", xuất xứ bài thơ là vậy.
Rồi sau này bạn mãi xa.
 
Vũ Đình Văn sinh tháng 2 năm 1951 tại Hà Nội. Thuở nhỏ Ông học tại Hà nội và nhập ngũ tháng 12 năm 1971 khi đang học năm thứ ba khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông phục vụ trong binh chủng tên lửa. Ông tử trận ngày 27 tháng 12 năm 1972 tại trận địa tên lửa ở xã Đồng Mai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây. 
Vũ Đình Văn bắt đầu làm thơ từ khi đang học phổ thông và trong cuộc đời ngắn ngủi của mình ông đã kịp để lại khá nhiều bài thơ.


Nửa sau khoảng đời
             
Cùng một dòng thư, mà hai khoảng đời
Khoảng trước xa rồi, ai còn nhớ nữa
Cái nửa có những người đồng đội của tôi
Là khoảng đời hôm nay tôi nhớ

Nếu phải chia cho người yêu một nửa
Thì em ơi, nhận lấy khoảng đời đầu
Cái nửa đầu vời vợi nhìn nhau
Đằm thắm thời gian không mùa ranh giới…

Ôi, cái đêm hành quân rất vội,
Mắt em, mắt anh, ngần ấy vì sao
Còi lên đường, những vì sao xôn xao,
Thôi, về đi em, hai đứa cười nóng mặt

Đêm hành quân anh nhớ em qúa thể,
Khỏang đời đầu có nhớ khoảng đời sau,
Ở đây núi rừng xanh, lại nghe xanh sóng bể
Đố em tìm, em chẳng thấy anh đâu !

Điếu thuốc Sầm sơn, nhủ rằng đêm rất sâu
Người Hà Trung bảo anh đừng sợ lạc,
Ai gọi dãy núi trước nhà là Giăng hạc
Để ấm lưng mình một dải Cù êu

Ôi cái nửa đời sau đáng yêu
Có những đêm miền Trung đầm đậm,
Biển ở Nga sơn vỗ vào rất ấm
« Tụi mi đi rồi, tau nhớ mần răng »

Đêm miền Trung là đêm của dừa,
Dừa vỗ lòng anh ngủ như vậy đó
Ôi cái khoảng đời đêm nay cháy đỏ
Đợi ngày về, anh chia lửa cho em .
                              
Cái nửa ngày xưa, nửa của chúng mình
Đằng trước Cù êu, đằng sau Giăng Hạc,
Ước gì những lá thư đừng thất lạc,
Nối khoảng đời này với khoảng đời sau ...

(..thêm một trong rất nhiều gương mặt của một thế hệ tuyệt đẹp - những người đã sẵn sàng hy sinh tất cả: tình yêu, học hành, những say mê, ước vọng của bản thân - để cầm súng ra trận. Nếu không có sự dở dang nghiệt ngã ấy, nhiều người trong số họ rất có thể sẽ trở thành những tài năng, những người nổi tiếng. Nhưng họ đã ra đi và mãi mãi không trở về. Tự hào thay và cũng đau đớn thay!" (Trần Hòa Bình)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét