Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

Một mùa hoa

Viết tặng bạn TrịnhTMT. (đây không là chuyện của chúng mình).
Cây hoa Sưa chùa Cổ Tích. Ảnh chụp 9, tháng Hai, Quý Tỵ
Dịp Giêng Hai, đi lễ chùa, gặp một cây hoa Sưa nở trắng, hiền dịu mơ màng. Chùa Cổ Tích, hoa Sưa nở bên thềm, đẹp trong trẻo, hoang dã, thân gầy, buông cành uốn lượn. Nhớ  giữa Tây Bắc đầy mê hoặc, hoa Ban tháng Mười nở tung như áo xiêm cô gái Thái. Nay sân chùa đậm cổ tích xưa, Từ Thức ngày nào cứu giúp Tiên nữ, khi nàng xem hội, chót làm gãy cành Mẫu Đơn. 
Sân chùa, hoa sưa như giống như hoa ban hong chảy như sóng tóc người sơn nữ, gợi nhớ câu thơ: Hoa ban nở thành người con gái Thái/ Đám mây bay trong thau nước gội đầu.(1)
Hoa ban nở thành người con gái Thái/
Đám mây bay trong thau nước gội đầu.
Thời sinh viên, bạn và tôi hay luận bàn về những loài hoa. Chiến trường, tháng Ba 1973, nhận một phong thư, thương những cánh hoa Bưởi khô vàng ghép cùng nét chữ nghiêng nghiêng, qua nhiều binh trạm mà vẫn thơm nồng, ấm áp hậu phương xa nhớ.
Uốn lượn buông cành như áo xiêm cô gái Thái.
Thuở học trò, biết những mầu hoa tiểu thuyết, bạn nhớ chăng, khi đọc ‘Mùa Hoa dẻ’ thời ‘hồn bướm mơ tiên’. Tháng Năm ta, nghe trong gió một mùi thơm gì đó rất xa xôi nhưng quen thuộc dậy lên đầy quyến rũ. Hoa Dẻ đó. Bọn mình, sinh viên sơ tán, con trai thường đi dọc đường xóm quê tìm hoa dẻ, tặng các bạn nữ cài đầu. Rồi trong lớp học thầy Vũ D.T. giảng bài, dịu thơm đâu đây, quay nhìn lại tôi vẫn thấy cả một bông hoa dẻ khô cài trên tóc. Khi đi bộ đội, bông hoa dẻ mầu vàng nở xòe năm cánh với một đôi bướm dập dờn lượn quanh trên chiếc khăn thêu. Phú Thọ (trường HV), bạn có hỏi về ‘Hai sắc hoa Ti gôn’, rất sẵn lòng tôi nói nhiều về kiến thức: Ti gôn là loài hoa dây, nở theo chùm, hoa dáng như tim vỡ. Thật vô tâm, không thấy bạn cúi mặt buồn, sau đó chẳng ra sao và vào đâu cả. Một kỷ niệm vấn vương … Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương? (2)
Hoa Ban đường Bắc Sơn
Bạn có nhớ khi hết xuân, Hoa gạo bung xòe rụng xuống là mùa Hoa xoan mát mẻ dịu dàng. Thôi, bây giờ chúng mình nói về Hoa ban, kẻo mùa hoa lại sắp đi qua.
Dân ca Thái có câu.
Lát nữa hoa sẽ tàn…
Hoa Ban (có người nói là ‘ban’ có nghĩa là ngon, đẹp đẽ). Cây không chê đất núi khô cằn, ban bén rễ và mọc trên những mỏm núi cao, bên cạnh tảng đá, bên suối, ven đường cùng vô số những loài hoa rừng khác ở Tây Bắc. Lá ban xanh tươi một màu, lá mọc chi chít trên những cành nhỏ rủ xuống, xập xoè hình cánh bướm, nhìn xa tựa như trái tim xanh.





Tây Bắc có hai giống ban ở hai mùa khác hẳn nhau. Một loại hoa trắng, cành lá rủ xuống mặt đất hay ven suối như những thiếu nữ Tây Bắc tình tứ. Loài này thường không rụng lá vào mùa đông rét mướt và mọc hoa vào độ tháng Mười. Loại ban phơn phớt tím thường hay rụng lá và mọc hoa vào tháng Ba. Hai khoảng thời gian khác nhau để núi rừng Tây Bắc mùa nào cũng đậm sắc hương.

Những nụ hoa ban trắng hồng, hình nhọn búp măng tựa như ngón tay của người thiếu nữ.

Mùa hoa ban, các bà các chị lúc đi nương về thường mang theo một ít hoa ban, không phải để chơi mà là để ǎn. Hoa ban nấu canh, làm nộm, đồ lên chấm với dấm ớt mǎng chua... đó là thuộc tính riêng của hoa ban mà nhiều loài hoa khác không có được. Chợt nhớ, 40 năm trước đây, nữ văn sĩ Bulgary, Blaga Dimitrova đã đến Việt Nam, chứng kiến bom rơi đạn nổ. Trong cuốn ‘Ngày phán xử cuối cùng’, bà dành cả trang chỉ để viết về một chuyện nhỏ: Kể rằng, bà nhận một cháu gái nhỏ về nuôi, đặt tên cháu Hà (một con sông Việt). Một lần, Hà nuôi cá trong bình, cá chết. bà nghĩ rằng, sẽ có một đám lễ cho con cá nhỏ. Nhưng Hà nói rất tự nhiên: Luộc cá ăn. Câu chuyện ấy cứ ám ảnh tôi tới tận bây giờ. Một thiên nhiên che chở trong nghèo đói, chiến tranh, một khác biệt phương trời lạ... Bạn hãy ngắm nhìn các thiếu nữ thưởng hoa, khác hẳn xưa bé Hà (giờ đã tuổi 50) nuôi cá.







Hoa Ban Hà Nội là ban tím (nở tháng Ba) còn Ban trắng với năm cánh hoa trắng muốt tinh khôi điểm giữa là nhụy hoa xung quanh là các vòi phấn phớt vàng (hoa nở vào tháng Mười).
Bên Hồ Gươm có một cụm hoa ban duy nhất, gồm 3 cây, trồng ở góc phố Đinh Tiên Hoàng - Hàng Khay. Cây mọc đã khá cao, được trồng đầu tiên ở Bờ Hồ từ thập niên 80 thế kỷ XX. Sang Xuân, năm nào cả 3 cây cũng nở chạt hoa, rực rỡ một góc hồ, tô điểm cho Hồ Gươm thêm thơ mộng. Xưa đó, khi ở Hàng Vải, buổi tối ra Hồ Gươm, chỉ để ý cây Hoa Mõ.


Cây hoa Ban bên Hồ Gươm
 Hoa Mõ hồ Gươm
Và ... hoa Lộc vừng nghiêng bóng  nước Hồ Gươm
Ở Hà Nội, những hàng hoa ban được trồng trên đường Hoàng Diệu, Thanh Niên, Trần Duy Hưng. Nhưng nhiều nhất phải kể đến đường Bắc Sơn.
(1) Thơ Trần Mạnh Hảo; (2) Thơ Chế Lan Viên
Từ ảnh hoa Ban đường Bắc Sơn trở xuống là của Bác Đoàn Đức Thành. Em cảm ơn Bác!

Tặng các Bạn clip: Chơi nhạc bằng iPhone và iPad. Thấy lạ và vui khi nghe ai đó nói. Một nền văn hóa trên bàn tay.


Feliz Navidad là một bài hát dịp lễ Giáng sinh do nhạc sĩ kiêm ca sĩ người Puerto Rico José Feliciano sáng tác năm 1970. Bằng những đoạn tiếng Tây Ban Nha đơn giản (lời chúc mừng Giáng sinh/Năm mới truyền thống, "Feliz Navidad, próspero año y felicidad" hay "Merry Christmas, and a happy New Year" và một điệp khúc bằng tiếng Anh "I wanna wish you a Merry Christmas from the bottom of my heart", bài hát đã trở thành một bản nhạc pop phổ biến ở Mỹ, Canada và trên toàn các nước nói tiếng Tây Ban Nha.

Lời bài hát.
Feliz Navidad
Feliz Navidad
Feliz Navidad
Prospero Año y Felicidad.
Feliz Navidad
Feliz Navidad
Feliz Navidad
Prospero Año y Felicidad.
(chorus)
I wanna wish you a Merry Christmas
I wanna wish you a Merry Christmas
I wanna wish you a Merry Christmas

From the bottom of my heart.

15 nhận xét:

  1. Tản văn anh đọc thích lắm! anh nói bờ hồ có 3 cây ban Sỏi mới biết xưa nay chẳng để ý gì.
    Anh cứ đều đều đăng tải thế này Sỏi mừng và tự nguyện làm bạn đọc của anh , may ra kiếm chút thong dong Hè Hè Hè!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ba cây hoa ban đó gần nơi đặt đồng hồ nghìn năm Thăng long, chỗ tháp Hòa Phong nhìn về bên trái. Rất tiếc là ảnh 3 cây này bị 'vỡ'. từ góc đường Hàng Khay- Đinh Tiên Hoàng chụp lấy hậu cảnh là tháp Rùa mờ ảo rất đẹp

      Xóa
  2. Văn xuôi của bạn như một bài thơ
    Các cô gái và hoa ban đương nhiên là thơ rồi.
    --------
    Bạn nhắc hoa ti gôn lại nhớ TTKH... "nếu biết rằng tôi đã lấy chồng, trời ơi người ấy có buồn không"... Hồn bướm mơ tiên thương về mối tình oái oăm giữa "chú tiểu" Lan với anh chàng Ngọc...Rồi Tây bắc, chao ôi là những ngày mới ra trường, con đường Sapa đi Trạm Tôn ... Bình Lư ..Lai Châu... Phong Thổ ngút ngàn hoa ban, cả người cả hoa cứ như trôi trong mây. Hình như bạn viết hộ cho bu tui vậy. Cảm ơn lắm

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những ngày Phong Thổ Lai Châu của Bu thật là vui. Chắc nhớ điệu xòe hoa
      .
      Tây Bắc có một lịch sử kỳ lạ nên văn hóa Tây Bắc phong phú. Bắt đầu năm 1014, một vương quốc cổ là Đại Lý sai tướng Đại Kính Chí chiếm Tuyên Quang, vua Lý đánh bại và sát nhập luôn vùng Lào Cai, Yên Bái và Hà Giang (bây giờ) vào Đại Việt (từ 1014-1159). Vùng Sơn La của người Thái thuộc tiểu vương quốc Bồn Man bị nhà Lý thu phục. Cuối cùng năm 1887, hiệp ước Pháp - Thanh cho ta nốt Lai Châu Điện Biên.
      Và chính những tộc người đó cho chúng ta cách làm đẹp núi rừng Tây Bắc.

      Xóa
  3. Vào đây đọc bạn VanPham như được về tuổi "học trò", có cả bác Bu nhớ ký ức ngày nào của bác nữa. Rất mơ mộng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Bác Hiệp cùng chia sẻ tuổi học trò.

      Xóa
  4. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  5. Ôi chao là Xuân Thì !

    Trả lờiXóa
  6. Đôi khi ta chẳng phải là bà già hay ông già chỉ vì trong lòng ta lúc nào cũng ôm ấp đầy cả những trời hoa.. đủ loại hoa lồng lộng của những thanh xuân theo ta vào từng buổi chiều về..

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thanh xuân cho rừng cây xanh lá. Vui đón một mùa hoa.

      Xóa
  7. Anh trai cùng họ hôm nay hồi xuân trẻ lại thời thanh niên rồi hà ? Những bông hoa dân dã đẹp tuyệt vời em gái rất thích, chúc anh trai cuối tuần bình yên nhé ! (~_~)

    Trả lờiXóa
  8. Hoa và người chẳng biết ai xinh hơn ai nhỉ?

    Trả lờiXóa
  9. Bây giờ ngột ngạt quá, cho lòng hướng về một chút đẹp.
    Hoa và Người, chị cũng tươi mà em cũng xinh.
    .
    Một chút vui, đừng cười Tám nhé.

    Trả lờiXóa