Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Chùa Bút Tháp

Đường đi từ Phật Tích về Bút Tháp.
Ven sông, đường 20 có đền thờ và Lăng Kinh Dương Vương, ông Tổ người Việt.

1. Từ Phật Tích, theo đê sông Đuống về đông, qua cầu Hồ, tôi sang bờ Nam, ngược tây, về Bút Tháp. Hai chùa ở cách sông, gần nhau nhưng phải đi vòng cho xa. Sông Thiên Đức chia tỉnh Bắc Ninh làm hai nửa. ‘Bên kia sông Đuống’ (trong thơ Hoàng Cầm) là phía bờ hữu ngạn, huyện Thuận Thành, chợ Hồ chợ Sủi người đua chen. Qua cầu Hồ, ngắm bãi sông, những là ngô, dâu xanh mướt. Một đàn chuồn chuồn cuộn bay trong rét xuân mùa lộc biếc. Nghe xa, vẳng tiếng mõ, tiếng kinh, lòng như giải thoát cõi trần cát bụi. Những âm thanh giữa đục và thanh, trầm- bổng của mõ và chuông; niềm tâm sự u uẩn như được giải thoát phần nào của đau đáu mang kiếp số con người. “…Thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị”  trong cái sắc sắc không không cõi vô thường.
Chùa nhìn từ đê sông Đuống.
Sau chùa là Tháp Tôn Đức 5 tầng, đặt xá lị thiền sư Minh Hạnh.
Cánh đồng trước tam quan.
2. Chùa Bút Tháp ở phía tây thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Chùa quay hướng nam, hướng của trí tuệ, của bát nhã. Chùa tọa lạc bờ nam sông Đuống, thơ mộng, như thực như mơ của vùng dâu Kinh Bắc.
Con nghê trông ngô ngố, phía sau là con cóc buồn thiu.
Chỉ duy có hàng mây đan trước cổng.
Bán rau dưới gác chuông, không thấy đổi tiền lẻ, bán vàng hương
Hai ô cửa sổ, hai chữ Thọ.

Gác chuông
Thời hậu Lê (thế kỷ 17), bà Trịnh Thị Ngọc Trúc (vợ vua Lê Thần Tông) cùng hai nhà sư người gốc Hoa thiết kế xây dựng chùa. Tên chữ là "Ninh Phúc Thiền Tự", theo kiểu "Nội công ngoại quốc". Theo minh đường, ngoài cùng là Tam Quan, tiếp đến là gác chuông rồi đến Tiền Ðường, tiếp theo là Thượng điện – (gian đẹp nhất cả kiến trúc lẫn điêu khắc). Tiếp đó đến Cầu Đá, tòa Tích Thiện Am, nhà Trung, phủ Thờ, nhà Hậu. Tạo nên chữ Công () liên tiếp điệp trùng. Và bao quanh là hành lang tạo thành chữ quốc. Kiến trúc chùa Việt, trải sâu và mở rộng, cởi mở; không bao kín và nhô cao (phô trương) như kiến trúc Trung Hoa. Nhưng thời buổi này không hẳn là đã vậy: Những Bái Đính, Đại Nam quốc tự như Cố Cung mặc váy đầm, sao nền nã được như Hoàng Thành cố đô Huế.

Kiến trúc chữ Công liên tiếp, Tích Thiện Am, nhà Trung, phủ Thờ, nhà Hậu

Tích Thiện Am (bìa phải) nhà Trung, xa là Tháp Bảo Nghiêm
Vào chùa theo hai cổng nhỏ cạnh nhà bia.

Hành lang giải vũ

Vách ngăn hình chữ Vạn. Lối đi là cửa nhỏ hai bên
 Ảnh chụp qua clip.
Cửa sổ chữ Thọ và bia cổ

Tổng thể kiến trúc 

Chạm khắc gỗ
Sơ đồ chùa Bút Tháp.
Thế kỷ 17 loạn ly và đầy mâu thuẫn. Loạn nhà Mạc, chiến tranh Nam Bắc triều vừa chấm dứt thì lại bắt đầu cuộc nội chiến lớn nhất lịch sử, Trịnh Nguyễn phân tranh. Phan Cẩm Thượng nói: Phong kiến mãi đánh nhau, mặc kệ làng xã tự trị. Cho nên đây cũng là thời kỳ làng xã hưng thịnh. Và nghệ thuật, đặc biệt nghệ thuật dân gian, lên tới đỉnh cao, như thường vẫn vậy, không phải trong những buổi thái bình và ổn định của xã hội, mà trong thời loạn.

Tượng Chuyết Chuyết thiền sư
3. Mười năm, Bút Tháp mới hoàn thành việc xây dựng, Chiết Tuyết từ Phật Tích chuyển sang trụ trì Bút Tháp. Bà Ngọc Trúc dẫn các con gái và một loạt hoàng thân quốc thích về hẳn Bút Tháp quy y. Chính vậy, nơi đây như hành cung thời hậu Lê xưa.
Phụ nữ hoàng tộc thời Lê- Trịnh
Loạt tượng chân dung, không chỉ chạm khắc một đôi khuôn mặt, mà trưng ra đấy, trường trải với thời gian, diện mạo cả một triều đình, tầng lớp đứng đầu một xã hội đổ nát, một nhân quần cố vùng vẫy thoát khỏi những đau khổ cùng cực của kiếp nhân sinh, tất cả đều cố giấu sau vẻ an tịnh của lớp áo khoác nhà Phật. Tượng chân dung ở Bút Tháp đông đúc khác thường, rộn rịp, chen chúc ở gian tiền đường. Chính giữa là Lê Thần Tông, vây quanh là các bà hoàng phi và công chúa của ông.


Tượng bà Trịnh Thị Ngọc Trúc trong Bảo tàng Mỹ Thuật


Bà Hoàng Thái Hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc
Siêu thoát thành Phật Bà yên tịnh, đã xong một khắc nghiệt éo le.
Chủ trương xây Bút Tháp chính là bà Ngọc Trúc. Năm bà 36 tuổi (1630) chúa Trịnh Tráng gả bà cho vua Lê Thần Tông (khi trước, bà lấy Cường quận công Lê Trụ, hoàng tộc Lê triều. Sau vì phạm tội nặng, bị giam ngục rồi mất). Bà được tấn phong làm hoàng hậu, xưng Diệu Viên. Nay bà cũng đang ngồi đó, tại gian tiền đường, bên cạnh vua, đứng hàng đầu trong số tượng các bà phi. Với bà Hậu, người nghệ sĩ vô danh thế kỷ thứ 17 không còn phải quá giữ gìn khắt khe như đối với vua. Nét khắc đã hằn sâu số phận và tính cách cá nhân. Phan Cẩm Thượng nhận xét: “Khuôn mặt cương nghị, ẩn nhẫn, đôi mắt mở to biểu hiện con người từng trải và đau khổ”. Sử chép: “Triều thần can gián, vua nói: “Trót rồi phải lấy”. Từ đó trời mưa dầm không ngớt...”. Người viết bia Ninh Phúc Thiền tự thật thâm thúy, văn bia ghi: “Vượt sông dài nối với những áng mây trôi Yên Tử...”.
Công Chúa Lê Thị Ngọc Duyên
Trong ý tưởng xây dựng, trong kiến trúc, và đọng sâu nhất trong các tượng, cho ta hiểu thêm thời cuộc và nhân tình thế thái.
4. Trên lan can tòa Thượng Điện có 26 bức chạm khắc đá, trên lan can cầu đá nối với Tòa Thích Thiện Am có 12, 13 ở lan can quanh chân tháp Báo Nghiêm. 51 bức chạm khắc đá ở chùa Bút Tháp với những đề tài khác nhau, nhưng đều thống nhất chất liệu, phong cách và niên đại. Tranh khắc đá rất tinh tế, vừa đa dạng vừa nhất quán theo thủ pháp nghệ thuật đảo chiều: “Nét chạm bề ngoài thì thô vụng nhưng kỹ xảo hết sức khéo léo tinh vi, tạo hình tượng thì ngẫu nhiên, tự do nhưng chắt lọc và khái quát, nhiều khối lớn có vẻ sơ sài nhưng đường nét rất vi tế, đục khắc trên đá mà cho cảm giác thoải mái như bậc cao sĩ múa bút thảo thư...”.

Tòa Tích Thiện Am nối liền với Thượng điện, một cầu đá cong bắc ngang qua hồ sen mang tên Bích Da, hai con sư tử phía đầu. Cầu dài 4m, gồm 3 nhịp uống cong, mặt cầu lát đá xanh, trên lan can có 12 bức chạm khắc đá, nối tiếp 26 bức trên lan can tòa Thượng điện. Cao 14cm, rộng 130cm, những bức tranh đá cân đối, hợp lý, chạm khắc công phu, tinh xảo, trang trí nhiều đề tài chim (cò, phượng, hạc, vẹt), thú (ngựa, thỏ, dê, hươu, cá, khỉ, rồng, kỳ lân, tê giác, sư tử), cây (tùng, mai), hoa (cúc, sen, lan, hướng dương, phù dung) và thiên nhiên (nhật, nguyệt) trong những motip truyền thống (phượng múa kỳ lân, cá vờn trăng, sư tử vờn cầu, đôi lân quyết đấu, năm rồng gặp biển, năm ngựa cùng phi ...). Trong một nơi nghiêm chỉnh, những bức chạm khắc đá nầy là những hình ảnh vui tươi, sống động quen thuộc trong dân gian. Những cây hoa được chọn trong số những loài tượng trưng cho tính cách tốt đẹp của con người: mai (sự trong trắng), lan (sự cao quý), tùng (khí phách người quân tử), ... Những con vật huyền thoại được trình bày trong một trạng thái hư thực nhưng phản ảnh đời sống: rồng chầu mặt trời (thăng hoa tột đỉnh), phượng múa bên hoa phù dung (tài tử giai nhân trong thiên hạ),... 




Hình ảnh chạm khắc ở đây sống động tươi vui hàm chứa ý nghĩa Phật đạo và đặc biệt mang đậm nét tính chất nghệ thuật thiền. Các bức chạm đều tập trung về đề tài thiên nhiên phong phú sinh động.
5. Bút Tháp là nơi có nhiều tượng vào hàng đẹp nhất trong thế giới tượng cổ Việt Nam: hệ thống tượng Phật phong phú, nổi tiếng nhất là tượng Phật nghìn mắt nghìn tay cực kỳ điêu luyện. (Mời xem phần P/S)

6. Nối giữa Thượng điện và Tích thiện là chiếc cầu đá cong. Cầu được chạm khắc rất công phu, tinh xảo và bố trí rất hợp lý: đầu cầu là hai con sư tử và thành cầu là những kiểu chạm trổ cổ quen thuộc, rất hài hoà.
Cầu Đá

7. Tòa Tích Thiện Am, như tên gọi có nghĩa chứa điều lành, xây từ năm Tân Dậu 1681 đến năm Tân Mùi 1691 (ghi trong tấm bia), còn được gọi Cửu phẩm liên hoa vì giữa tòa có đặt một cối kinh bát giác cao 7,8m, bằng gỗ 9 tầng, thể hiện 9 kiếp tu của đức Thích Ca. Tháp mang ý nghĩa cửu phẩm vãng sinh về thế giới cực lạc của đức Phật A Di Đà. Theo nghi thức Phật pháp Mật tông nguồn gốc Tây Tạng, tháp quay có mục đích nhân lời tụng lên nhiều lần (3.542.400 lần khi quay một vòng tháp), từ đó con người càng mau chứng quả Phật pháp hơn. Bên cạnh nhiều pho tượng Phật và các vị Bồ Tát, tám mặt của tháp có chạm những phù điêu liên quan đến tích nhà Phật, khuyến thiện trừ ác, hành trang các vị tổ, đại sư. Tầng một: Hoa tàng thế giới, Sa bà thế giới. Tầng hai: Anan kết tập, Di Đà thuyết pháp. Tầng ba: Tín thụ tác lễ, Cực lạc thế giới. Tầng bốn: Thiền sư, Lục tổ. Tầng năm - tầng tám: 8 vị Phật, tổng cộng 32 vị. Tầng chín: 4 tượng Di Đà và hai hàng chữ: Cửu phẩm liên hoa, A Di Dà Phật. Nét đục chạm tinh xảo, sắp xếp hoàn hảo người vật, cây Cửu phẩm chùa Bút Tháp là một trong ba cây ở Việt Nam, đều nằm trong địa bàn phát triển của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Toà "Cửu phẩm Liên Hoa" có thể quay được và không hề phát ra tiếng kêu dù được làm từ mấy thế kỷ.



8. Tháp Báo Nghiêm thờ Hoà thượng Chuyết Chuyết, giống như cây bút khổng lồ, trên đỉnh có hình nậm rượu. Tháp cao hơn 13m, năm tầng với một phần đỉnh xây bằng đá xanh; ngoài tầng đáy rộng hơn, bốn tầng trên gần giống nhau. Năm góc của 5 tầng có 5 quả chuông nhỏ. Lòng tháp có một khoang tròn. Phần bệ tượng bao quanh hai vòng tường cấu tạo bằng cột và lan can. Tầng dưới cùng của toà tháp này có mười ba bức chạm đá với lấy đề tài chủ yếu là các con thú.




Tháp Tôn Ðức 5 tầng, cao 10m là nơi đặt xá lị thiền sư Minh Hành, vị tổ thứ hai của chùa. 



Ảnh dưới là Tháp Tổ.



“Không gian Bút Tháp là một không gian dùng dằng hết sức đặc biệt, nửa đóng nửa mở, mở mà đóng, đóng mà mở, nửa kín nửa hở, kín mà hở, hở mà kín, nửa quyết nửa không, nửa bỏ nửa giữ, trong không gian dường có chứa cả thời gian, chùa nhìn từ bên ngoài thì nhỏ nhưng đi vào lại rộng, mở mãi không cùng, càng đi càng mở, đi hoài không hết, bất tận, tổng thể hoạch định chặt chẽ, chi tiết lại rất khác nhau và tự do... Nghệ thuật Bút Tháp chạy giữa hai bút pháp bác học và dân gian, giữa sự chán đời thất thế và khát vọng lưu luyến trần ai, giữa hiện thực và ảo tưởng, hiện sinh và hư vô...” (Nguyên Ngọc)
Vậy đó, có một ngôi chùa như thế, bên bờ con sông Đuống nổi tiếng ở vùng Kinh Bắc cội nguồn, rất đạo mà rất đời, yên tịnh mà xáo động, dân dã mà uyên thâm.

24 nhận xét:

  1. Sang thăm Bạn , được nhìn thấy hình ảnh và biết thêm nhiều di tích lịch sử . Bạn thật có tâm nghiên cứu và chia sẻ với cộng đồng . Cám ơn Bạn; chúc Bạn luôn vui khỏe .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bài viết chưa được kỹ. Tôi sẽ chỉnh sửa thêm.
      Chúc Bạn vui!

      Xóa
  2. Đúng là đất nước mình nhiêu phong cảnh đẹp thật, anh trai cùng họ làm nghề săn ảnh à ? Vô ngắm hình thật đã mắt, chúc anh trai cùng họ những ngày nghỉ an lành nha ! (~_~)
    [img] http://www.goodlightscraps.com/content/good-night/good-night-88.gif [/img]

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Máy ảnh dùng 20 năm rồi, nên có một số ảnh trong đó tôi chụp, khi thiếu sáng, tông mầu vàng. Muốn thay máy mà ngại quá. Trong bài có nhiều ảnh sưu tầm, chưa kịp chú thích.
      Cảm ơn Em!

      Xóa
  3. Đọc bài này tôi thèm đi thăm chỗ này quá.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng bạn ạ. Tôi cũng muốn đi thăm nhiều nơi, nhưng thời gian và sức khỏe eo hẹp quá.

      Xóa
  4. "Năm bà 36 tuổi Chúa Trịnh Tráng gả bà..." Thời xưa người ta đối xử với phụ nữ như thế, buồn nhỉ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sử chép: “Trót rồi phải lấy”. Từ đó trời mưa dầm không ngớt...”.

      Xóa
  5. Rất hay, cám ơn bác VanPham đã đưa lên một ngôi chùa có những cổ tích. Đây là những di tích cần ghi nhớ để có dịp nào ra Bắc ghé thăm được thì tuyệt quá.

    Trả lờiXóa
  6. Một ngôi chùa yên tĩnh tịch mịch, và anh đã viết một công trình nghiên cứu rất công phu kỹ lưỡng với đầy đủ những hình ảnh thật đẹp và quí giá. Thật không bút mực nào diễn tả được.

    Tuy nhiên nhìn thấy trong chùa, ngoài các vị tổ sáng lập chùa còn thờ đầy đủ các vị trong hoàng tộc thời hậu Lê, làm M chợt nghĩ thời xưa cũng thế mà thời nay cũng thế đó anh VP ạ. Con người ta sau khi lên tới một đỉnh cao nào đó luôn muốn cúng dường xây chùa chiền để thờ Phật và thờ tự chính bản thân mình. Dù sao cũng nhờ vậy mà chúng sanh có những ngôi chùa thật đẹp cuối cùng đã trở thành chứng tích, di tích lịch sử anh VP nhỉ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chùa Phật Tích được bà Chúa Trần Ngọc Am xây lại và có Phủ Chùa thờ Bà. Riêng chùa Bút Tháp, hoàng tộc (Hoàng hậu) gần như xây dựng mới nên chùa mang dấu ấn cá nhân. Bia “Sắc kiến Ninh Phúc Thiền tự bi ký” thế kỷ 17, đều ghi là “trùng tu”, lời bia rất văn hoa: “Ninh Phúc là ngôi chùa cổ, biệt danh Thiếu Lâm. Trên nền tảng của thánh hiền, nằm trong vùng Siêu Loại. Liền với dãy núi Tam Đảo. Vượt sông dài nối với những áng mây trôi Yên Tử. Đất Tiên Du vắng lặng hai bên...”. Trước đó chắc là một ngôi chùa làng nghèo, đã đổ nát, và hẳn cũng chưa có tháp nhọn như ngọn bút viết lên trời xanh để được gọi là Bút Tháp.
      Họa sỹ Phan Cẩm Thượng đã lên ở trên chùa ở hàng năm chép và nghiên cứu.
      Riêng Tượng Bà Hoàng Hậu và Công chúa thờ tại nhà Hậu, phía sau cùng.
      Các tòa nhà đều có thờ riêng biệt, theo công năng chứ không lẫn lộn. Riêng Tiền Đường thì như Hành Cung vậy.
      Chùa rất đẹp, có dịp bạn nên ghé thăm. Từ nhà con rể (Tử Tế) sang cũng gần mà, không đò giang cách trở.

      Xóa
    2. [img]https://lh3.googleusercontent.com/-B7caCnXobiA/UXM0czB8RmI/AAAAAAAAKTM/EX_TvZmNZKY/w497-h373/Phan-Cam-Thuong1a.jpg[/img]
      Nhà phê bình, họa sĩ Phan Cẩm Thượng rất gắn bó với các di tích. Ông từng là "nghệ sĩ lưu trú" tại chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) trong nhiều năm

      Xóa
  7. Cám ơn bài viết công phu của ông bạn cao tuổi. Nhân chuyện nói về ba vị tam thế, tôi có lần được xem mấy chùa ở Quảng Tây, Thượng Hải ( Trung Quốc), chùa Trời Nam ở Sydney ( do một doanh nhân Đài Loan xây), thấy chỗ cao nhất không phải tam thế như ở ta, mà là có những 5 vị. Tôi đem thắc mắc này hỏi một vị hiểu biết về đạo Phật thì được trả lời như sau:

    Đây là 5 vị Như Lai, thường được gọi là Ngũ phương Như Lai. Hoặc cũng gọi là Ngũ trí Như Lai. Cụ thể hơn là:

    - Đông phương A Phật,
    - Nam phương Bảo Sinh Phật,
    - Trung ương Tì Lư Gia Na Phật,
    - Tây phương A Di Đà Phật,
    - Bắc phương Bất Không Thành Tựu Phật.
    Vậy ghi lại đây để chia sẻ cùng mọi người!
    Trân trọng!
    Vũ Nho

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tại Đại Bảo Tháp Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) có đặt tượng 5 vị. Nhà Phật cũng nhiều Phái lắm.
      .
      Cảm ơn Bác

      Xóa
  8. 1- Bạn đã bỏ nhiều công phu và trí lự giới thiệu chùa Bút Tháp nổi tiếng ở Bắc Ninh cho bạn bè thưởng ngoạn. Thú vị nhất là được đọc phần “Bí ẩn Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay”
    2- Thường các chùa ở Việt Nam chỗ cao nhất, trang trọng nhất là thờ Tam thế Phật, còn gọi là Ba thời Phật, là Phật quá khứ, hiện tại và vị lai, đó là các vị Ca Diếp, Thích Ca, Di Lặc, thấy các chùa trong nam này cũng vậy
    3- Bạn Vũ Nho cho hay bên Tàu thay vì thờ Tam thế Phật lại thờ Ngũ phương Như Lai. Năm vị Phật này Tàu xem là năm cách thể hiện của trí huệ, xuất hiện dưới mọi dạng “tốt”, “xấu” khác nhau. Mỗi một hiện tượng thế gian đều thuộc về một trong năm nhóm này, nên mỗi nhóm được xem như một gia đình (Phật gia) với mọi quyến thuộc. Năm vị Phật của năm gia đình này là: Đại Nhật Như Lai, Bất Động Như Lai, Bảo Sinh Như Lai, A Di Đà Như Lai, Bất không Thành Tựu như Lai.
    4- Điều bu tui thấy lạ là người ta đồng nhất Vua, Hoàng hậu với Phật và các bồ tát. Trừ vua Trần Nhân Tông bỏ ngai vàng quy y đạo Phật, còn Lê Thần Tông hai lần làm vua (1619-1643) và (1949- 1662) chỉ là bù nhìn của chúa Trịnh. Với lại nhà vua là biểu tượng của quyền lực, rất xa lạ với triết lý Phật giáo. Hình ảnh đoàn tùy tùng Đường Tăng phải nộp cái bát khất thực bằng vàng của vua Đường cho chùa Lôi Âm trước khi nhận kinh là biểu tượng từ bỏ quyền lực. Đằng này vua ngồi chểm chệ trong chùa??

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1. Pho tượng Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay được xếp là Bảo vật quốc gia cùng với tượng Phật Tích ở chùa Phật Tích. (Riêng cụ HCM có 5)
      2. Ở VN, Ngũ phương Như Lai thấy thờ ở Tháp, chắc là hướng ngũ phương.
      3. - Đông phương A Phật, mang quyết Địa xúc ấn
      - Nam phương Bảo Sinh Phật, mang quyết Giáo hóa ấn
      - Trung ương Tì Lư Gia Na Phật, mang quyết Chuyển pháp luân ấn
      - Tây phương A Di Đà Phật, mang quyết Chuyển pháp luân ấn nhưng tay trái bên trên.
      - Bắc phương Bất Không Thành Tựu Phật. mang quyết Giáo hóa ấn nhưng bàn tay trái úp.
      4. Chỉ có đông đảo Vua, Tôi ở Tiền Đường, các tòa nhà khác vẫn khu biệt. Bà HH và CT thờ ở tòa cuối (nhà Hậu)

      Xóa
  9. bài viết rất hay và bổ ích, cháu cảm ơn bác rất nhiều ạ.
    cháu muốn hỏi bác một chút về ý nghĩa, giá trị tạo hình của những bức chạm khắc trên đá ở chùa bút tháp ạ, cháu đang tìm hiểu về những bức chạm này nhưng tài liệu cháu tìm ko được nhiều.
    cháu cảm ơn bác nhiều ạ.

    Trả lờiXóa
  10. Bút Tháp là một trong số ít ngôi chùa cổ có quy mô kiến trúc lớn còn lại đến ngày nay tại đồng bằng Bắc Bộ. Mặt chùa quay về Nam, hướng của trí tuệ bát nhã. Trong khuôn viên có nhiều di tích từ thế kỷ 17. Cụm trung tâm bao gồm 8 tòa nhà chạy song song và đối xứng theo một trục "Thần Đạo", được bao bọc bởi hai dãy hành lang suốt dọc chùa ở hai bên. Đó là các tòa Tiền đường, Thượng điện, cầu đá, Am Tích Thiện, Trung đường, Phủ thờ, Hậu đường và hàng tháp đá.
    Tổng cộng ngôi chùa gồm 10 nếp nhà nằm trên một trục dài hơn 100 m. Qua cổng Tam quan là gác chuông kiểu 2 tầng 8 mái rồi đến chùa chính với 3 dãy nhà Tiền đường - Thiêu hương - Thượng điện tạo thành hình chữ "Công". Kiến trúc chùa vẫn dựa trên khung gỗ chịu lực nhưng nền bệ lan can dùng đá rất phổ biến, trên có những hình động vật được khắc trông sinh động và độc đáo. Trang trí được thể hiện ở mọi nơi trên các chất liệu gỗ và đá, ở kiến trúc và ở các đồ thờ.
    Đặc biệt trên lan can tòa Thượng điện có 26 bức chạm khắc đá, trên lan can cầu nối với Am Tích Thiện có 12 bức và ở lan can quanh chân tháp Báo Nghiêm có 13 bức. Như vậy tổng cộng các bức chạm khắc đá ở chùa Bút Tháp là 51 với những đề tài khác nhau, nhưng đều thống nhất với nhau ở mặt chất liệu, phong cách và niên đại. Hình ảnh chạm khắc ở đây sống động tươi vui hàm chứa ý nghĩa Phật đạo và đặc biệt mang đậm nét nghệ thuật Thiền. Các bức chạm đều tập trung về đề tài thiên nhiên phong phú sinh động như Tứ Linh Quý.

    Trả lờiXóa
  11. https://levinhhuy.wordpress.com/2017/07/11/mac-met-voi-thanh-lien/

    Trả lờiXóa
  12. http://vietlandmarks.com/module/groups/action/view/id/167

    Trả lờiXóa
  13. THUẬN THÀNH DU HÀNH KÝ - Bài 5
    Từ Song Hồ, ngược trở lại đường đê hữu ngạn sông Đuống về chùa Bút Tháp cũng khá xa. 15 giờ 45 phút xe chúng tôi mới đến nơi.
    Chùa Bút Tháp tọa lạc trong khuôn viên 10.000m2 bên bờ nam sông Đuống, bên phía bắc sông chạy dài xuống phía đông là các núi Văn Chinh, Long Khám, núi Phật Tích, núi Đông Cứu. Chùa Bút Tháp cách chùa Dâu khoảng 3km, cách làng tranh Đông Hồ nổi tiếng khoảng 7km. Nằm trong một vùng có nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nên từ lâu trên tấm bia Sắc kiến Ninh Phúc thiền tự bi kí đã viết: "Hình thế của Siêu Loại liền Tam Đảo, sông dài uốn quanh, giáp Yên Tử một dải, hai bên tả hữu cùng ôm ấp, Phật pháp khó gặp, nhân tâm không thay đổi, đẹp thay thắng cảnh chung đúc khí thiêng, vị của sông Tào Khê, hoa sen nở rộ, hương thơm sực nức đất gò nơi Thiên Trúc (đất Phật)… bậc thiện tín, hướng theo hâm mộ ở nơi tịnh độ".
    Ngôi chùa này còn có nhiều tên gọi khác nhau. Tương truyền xưa kia từng đàn chim Nhạn thường bay về đậu trên tháp đá Ninh Phúc Tự cảnh thiền đất lành chim đậu và tên chùa Nhạn Tháp, xã Nhạn Tháp cũng được hình thành từ đây. Sau này trên các bi kí thời Lê thế kỉ XVII-XVIII đều ghi là Nhạn Tháp.
    "Thuận An phủ, Siêu Loại huyện, Nhạn Tháp xã" về sau đến thời Tự Đức (1848-1883) đổi tên chùa là Bút Tháp, còn nhân dân đều gọi là chùa Bút Tháp. Làng Bút Tháp với tên gọi giản dị là chùa Thấp, làng Thấp (với đặc điểm địa hình rất thấp trũng). Ngoài ra chùa Bút Tháp còn có tên gọi khác. Trên tấm bia Sắc kiến Ninh Phúc thiền tự bi kí khắc năm Đinh Hợi năm thứ 5 niên hiệu Phúc Thái (1647) đặt tại chùa ghi "Chùa cổ Ninh Phúc xưa còn là Thiếu Lâm, tấm bia Trùng tu Ninh Phúc tự bi niên đại Quý Mão (1903) cũng ghi "Chùa Ninh Phúc có biệt danh gọi là Thiếu Lâm
    Tổng thể kiến trúc theo kiểu nội công ngoại quốc qua tam quan, gác chuông, giữa 2 dãy hành lang (mỗi dãy dài 26 gian) là 7 tòa nhà nối tiếp nhau tổng chiều dài hơn 100m).
    Nhà tiền đường, thượng điện dựng bằng gỗ lim bề thế, riêng am tích thiện, gác chuông làm theo kiểu chồng diêm 8 mái. Mái chùa được lợp bằng ngói to bản, các góc là những cột đao cao vút chạm khắc, đắp nổi đầu rồng, lá lật. Trong chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như bia đá, lư hương, án thờ và đặc biệt là tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt, nghìn tay, cao 3,7m, rộng 2m, dày 1.15m là một kiệt tác nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVII.
    Tiếp theo là nhà thượng điện 5 gian (dài 19m, rộng 10m giống như một bông sen với lan can chạy xung quanh được ghép bằng 26 bức tranh đá, mỗi bức diễn tả những phong cảnh khác nhau như tứ quý, lý ngư hóa long, phượng vũ kỳ lân... gắn kết các bức tranh là cột đá vuông đầu trụ tạo hình búp sen cách điệu.

    Trả lờiXóa
  14. Nhà tích thiện nối với nhà thượng điện bằng cầu đá cong dài hơn 4m, rộng gần 2m, gồm 3 nhịp, thành cầu dựng 12 bức tranh đá. Đặc biệt trong nhà tích thiện có tòa Cửu phẩm hình hoa sen 9 tầng, cao 7,76m, rộng 1,90m bằng gỗ, còn gọi là Cối kinh. Xung quanh bài trí 32 bức tranh, tám mặt của tầng dưới chạm nổi các cảnh dân gian, tầng trên mô tả sự tích nhà Phật.
    Chùa Bút Tháp còn có những ngọn tháp được dựng bằng những phiến đá chồng lên nhau, mặc dù không cần chất kết dính nhưng nó đã tồn tại suốt mấy trăm năm nay. Tháp Báo Nghiêm cao 5 tầng xây bằng đá cao 13m, nơi xá lị của vị Hòa thượng trụ trì đầu tiên (dựng năm 1647); tháp Tôn Đức cao 10m, xá lị của Thiền sư Minh Hành (dựng năm 1660), bên phải là tháp Ni Châu, nơi yên nghỉ của bà Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc - vợ vua Lê Thần Tông; bên trái là tháp Tâm Hoa - nơi xá lị của nhà sư Như Chúc (hai tháp này dựng năm 1739 đều bằng đá và khắc chữ trực tiếp lên tháp). Gần 400 năm nay, kể từ khi có sự trụ trì của các thiền sư nổi tiếng như Chuyết Chuyết, Minh Hành và đặc biệt là có lệnh chỉ xây dựng của Chính cung Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc), chùa Bút Tháp đã được xây dựng to đẹp, bề thế. Có thể nói rằng, chỉ trong khoảng gần một thế kỉ (từ nửa đầu thế kỉ XVII đến nửa đầu thế kỉ XVIII) chùa Bút Tháp đã tương đối hoàn thiện như ngày nay với qui mô 120 gian. Những thế kỉ sau này chỉ là sửa chữa, tôn tạo thêm mà thôi. Thí dụ bia tháp Tôn Đức còn ghi năm 1739, trụ trì bản tự là Sa môn tự Tính Hài hưng công trang hoàng các tượng, cửu phẩm, đài hoa sen (Cối kinh), hương án và có sự đóng góp của Phương Hoa, con gái Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cơ, Thái phi Trương Thị Ngọc Chử.
    Trải qua thời gian dài, đến đầu thế kỉ XX, những công trình này đã xuống cấp, Tổng đốc Hoàng Trọng Phu cùng các quan trong tỉnh đứng ra trùng tu. Bia Trùng tu Ninh Phúc tự bi viết: Ninh Thái Tổng đốc Hoàng tướng công chiêu hồi phủ lị, nhân qua ngắm cảnh, nhìn cảnh già lam đổ nát cảm thấy bùi ngùi, cổ tích đổi thay bèn cùng các quan cấp phát tiền công, khuyên các quan viên thập phương, thiện nam tín nữ, bắt đầu làm từ ngày 1 tháng 10 năm Quý Mão (1903) đến ngày 15 tháng 3 năm Giáp Thìn (1904) thì hoàn thành. Bia đề tên 17 vị gồm Tổng đốc, Đốc học, Tri huyện, Tri phủ, Bố chánh của các huyện Từ Sơn, Gia Bình, Quế Dương, Lạng Giang, Gia Lâm, Lương Tài, Văn Giang, Thuận Thành, Tiên Du, Yên Phong, Võ Giàng đóng góp 181 đồng (nguyên). Ngoài ra, khách thập phương cúng tiến hơn 500 (nguyên), tổng cộng là hơn 681 (nguyên). Đây là lần trùng tu qui mô và gần nhất với chúng ta ngày nay.
    Ghi chú : Tôi tham khảo một số thông tin từ các tấm bia ở chùa và nhiều nguồn tư liệu khác.

    Trả lờiXóa
  15. Anh Ngô Thanh Giang hướng dẫn chúng tôi thắp hương ở Thượng Điện rồi giới thiệu cho chúng tôi về ba pho tượng Tam Thế Tôn, biểu tượng của Quá khứ, Hiện tại và Tương lai mà dân ta gọi nôm na là Bụt Ốc. Ba pho tượng ngồi trên tòa sen ở Thượng Điện, trên đầu tượng có con chim hai đầu..
    Theo truyền thuyết Phật Giáo cố sự.
    Thủa xưa có một con chim có hai đầu sống nơi chân núi Tuyết Sơn, hai con chim có cùng một thân mà thôi. Một đầu chim tên là Ca lâu trà, đầu chim kia tên là Ưu bà ca lâu trà. Để được an toàn, hai đầu con chim thay phiên nhau ngủ, khi một đầu chim ngủ thì đầu chim kia thức.
    Một hôm, chim hai đầu bay rất lâu mà chẳng tìm được thức ăn, vừa đói vừa khát, chim liền sà xuống dưới gốc một cây Ma đầu ca nghỉ ngơi.
    Đầu chim Ca lâu trà nói:
    - Tôi mệt mỏi quá, tôi ngủ trước nhé.
    Nói thế rồi chìm vào giấc ngủ.
    Đầu chim Ưu bà ca lâu trà ngẩng lên nhìn thấy trên cao còn lại mấy đóa hoa. Đầu chim Ưu bà ca lâu trà biết hoa và trái cây Ma đầu ca ăn rất ngon, trong lòng rất mừng. Bấy giờ trời nổi một luồng gió, làm rơi xuống một đóa hoa Ma đầu ca gần chỗ chim đang nghỉ, đầu chim Ưu bà ca lâu trà tính đánh thức đầu chim Ca lâu trà thức dậy cùng ăn hoa Ma đầu ca, nhưng rồi lại nghĩ:
    - Nó ngủ ngon thế này cứ để cho nó ngủ. Thân nó cũng là thân ta, mình ta ăn vào cơ thể chung thì cả hai đều hết đói hết khát.
    Thế là đầu chim Ưu bà ca lâu trà một mình ăn hết đóa hoa Ma đầu ca.
    Sau khi tỉnh giấc, đầu chim Ca lâu trà cảm thấy tinh thần phấn chấn, bụng no đầy, trong mình rất sảng khoái, nó liền ợ một cái, từ trong mồm tỏa ra hương vị vừa thơm vừa ngọt. Nó rất lấy làm lạ hỏi đầu chim Ưu bà ca lâu trà:
    - Khi ta ngủ, chẳng lẽ ngươi đã ăn món gì hả?
    Đầu chim Ưu bà ca lâu trà kể:
    - Đúng vậy, một đóa hoa Ma đầu ca bị gió thổi rơi ngay chỗ mình nghỉ. Tôi thấy anh đang ngủ ngon giấc nên không nỡ phá giấc của anh, nên tôi ăn đóa hoa Ma đầu ca ấy.
    Đầu chim Ca lâu trà nghe thế thì rất bất mãn nói:
    - Anh thấy món ăn ngon như vậy nên không muốn chia với tôi. Được rồi, sau này tôi được món ngon thì cũng ăn một mình không chia cho huynh nữa. Từ nay, chúng ta ai có gì thì tự ăn khỏi phải ăn chung nữa.
    Rồi từ đó trở đi, đầu chim Ca lâu trà kiếm được gì thì ăn một mình, đầu chim Ưu bà ca lâu trà rất lấy làm buồn lòng, nhưng không nói ra.
    Lần ấy, hai đầu chim đậu trên một ngọn cây nghỉ ngơi, đầu chim Ưu bà ca lâu trà phát hiện bên cạnh có loài hoa độc, bèn nói với đầu chim Ca lâu trà:
    - Ta thay phiên nhau ngủ nhé, huynh ngủ trước đi.
    Rồi chờ cho đầu chim Ca lâu trà ngon giấc, đầu chim Ưu bà ca lâu trà bèn ăn đóa hoa độc ấy. Sau đó, đầu chim Ca lâu trà tỉnh giấc, cảm thấy mắt nổ đom đóm, đầu nặng trịch, bụng thì đau. Nó cảm thấy mệt mỏi vô cùng, nó ợ một cái, từ mồm bay ra mùi vị vừa hôi vừa đắng. Nó rất lấy làm lạ hỏi đầu chim Ưu bà ca lâu trà:
    - Khi ta ngủ, chẳng lẽ ngươi đã ăn món gì hả?
    Đầu chim Ưu bà ca lâu trà kể:
    - Đúng vậy, nhân khi anh ngủ say, tôi đã ăn một đóa hoa độc.
    Đầu chim Ca lâu trà hoảng kinh la lên:
    - Sao anh lại làm bậy như vậy chứ?
    Đầu chim Ưu bà ca lâu trà ai oán nói:
    - Bữa đó, tôi thấy anh đang ngủ ngon giấc nên không nỡ phá giấc của anh, là lòng tốt của tôi mà anh lại giận tôi quá đáng. Hai ta cùng có chung một cơ thể mà lại không có cách chung sống với nhau êm đẹp. Đã như vậy thì chi bằng cùng chết đi cho rồi.

    Trả lờiXóa