|
Tổ Toán trường phổ thông năng khiếu Hải Dương (20-11-1993) Thầy Hoàng Năng Thân, đứng hàng trước, thứ năm, từ phải. |
Đọc “nét bút tri ân”, nhớ thầy Hoàng Năng Thân
Bài viết của thầy giáo Nguyễn Hoàng Đạo
Tôi biết thầy từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước. Lúc ấy, tôi là cậu học sinh nhỏ của trường cấp III Hồng Quang - Hải Dương, và thầy, một giáo viên toán mới ra trường.
Khác với bây giờ, thời chúng tôi học “đồng môn” chứ không “đồng tuế”. Sự chênh lệch về tuổi tác khiến thầy chỉ hơn các anh chị lớn trong lớp chừng vài ba tuổi mà thôi. Điều ấy tạo nên sự gần gũi giữa thầy và trò nhưng trong ứng xử thì lại vô cùng tế nhị.
Thầy nhỏ người, dáng rất thư sinh. Mùa hè, chiếc áo cộc tay xanh nhạt, mùa đông, chiếc áo bông xanh thẫm… lúc nào cũng gọn gàng, sạch sẽ. Con người thầy như toát lên sự giản dị và chính xác của toán học!…
Năm 1965, Mỹ leo thang bắn phá ác liệt miền Bắc. Thầy theo trường Hồng Quang đi sơ tán, còn chúng tôi tốt nghiệp cấp 3. Theo sự sắp đặt của tổ chức: người cầm súng ra chiến trường, người đi học trong nước, ngoài nước…không mảy may tính toán thiệt hơn, hồ hởi bước vào cuộc chiến như những người lính xung kích. Câu nói nổi tiếng của bạn Lê Mã Lương*: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”, được khắc ở trong tim mỗi người.
Tôi ở lại địa phương, vào đội Thanh niên Xung phong K5, chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ tuyến đường 5 huyết mạch với cây cầu Phú Lương huyền thoại. Thời gian sau, tôi được cử đi học tại trường Đại Học sư phạm Hà Nội I. Tốt nghiệp Sư phạm, lên Hà Giang công tác…
Năm 1984, được phân công giảng dạy tại trường Phổ thông Năng khiếu tỉnh Hải Hưng, tôi lại được gặp thầy sau 20 năm xa cách. Thầy già đi nhưng rất ít thay đổi. Vẫn nhẹ nhàng, giản dị và chính xác, vẫn đỏ mặt trong những tình huống khó xử (điều này làm chúng tôi thêm yêu quý thầy hơn). Do sức khoẻ và tuổi tác, thầy không dạy chuyên nữa nhưng thầy vẫn là cây đại thụ trong làng toán Hải Dương, là hạt nhân của tổ toán nhà trường. Còn với học sinh thì bài tri ân “Xin thầy tha lỗi” của Việt Nga viết trong cuộc thi “Nét bút tri ân” lần thứ nhất đã nói lên tất cả.
|
Thầy Hoàng Năng Thân, thầy Lê Ngọc Khoái Chủ nhiệm lớp Toán đặc biệt tỉnh Hải Hưng (66-69)
Ảnh chụp dịp kỷ niệm 30 Toán đặc biệt - 1995 |
Tôi còn nhớ, ngày xưa thầy đã trọng chuyên môn lắm rồi, rất yêu những học sinh giỏi toán, lúc dỗi dãi ôn lại chuyện cũ, thầy hay nhắc đến Nguyễn Đình Bin (sau làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) có máu làm chính trị từ thuở bé; Nguyễn Kỳ Quân, loắt choắt, giỏi toán, làm thơ hay, đã hy sinh ở biên giới năm 1967; Phạm Huy Khanh, đẹp trai, học giỏi, hy sinh ở chiến trường miền Nam năm 1968.… Tôi vô cùng ngạc nhiên, thầy còn nhớ đến học sinh cũ của thầy hơn cả chúng tôi nhớ bạn cũ của mình! Học toán dốt, tôi không nằm trong số những học sinh được thầy yêu quý nhưng: “Thầy ơi! Thầy có biết không? Phong cách giảng dạy của thầy đã ảnh hưởng đến cả cuộc đời dạy học của em! Trường Năng khiếu của mình có biết bao nhiêu học sinh thành đạt, chúng đến tri ân với em, nhưng chúng có biết đâu, trong sự thành đạt nơi chúng còn có bóng hình của một người ông mà chúng chưa một lần gặp mặt!…”
Bây giờ trong cương vị Hiệu trưởng một trường THPT, tôi vẫn đem lời thầy dạy ngày nào để nói với giáo viên trong trường : “Dạy học là quá trình biến cái phức tạp của bài giảng thành cái đơn giản cho học sinh dễ hiểu, dễ tiếp thu”.
Ngày thầy ốm, học sinh lớp 12 văn đến thăm, thầy ân cần dặn từng tí một, rằng chương trình lớp 12 khó lắm, phải cố gắng chú ý trong giờ học. Rằng cuối năm nay thi tốt nghiệp, cả lớp phải cố gắng lên. Nếu môn văn được 10 điểm mà môn toán được 1, 2 thì cũng trượt tốt nghiệp, làm sao đi thi đại học được, công lao bố mẹ nuôi ăn học thế là đổ xuống sông xuống biển. Thầy còn bảo, học chuyên văn, giỏi văn những vẫn cần học toán, nếu không giỏi được thì cũng đừng dốt. Thầy dặn từng đứa, chỉ ra từng cái lỗi. Đứa thì hấp tấp, hay tính toán sai, đứa thì đoảng, cứ “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, đứa có tư chất thông minh nhưng lười…Còn đồng nghiệp đến thăm, thầy vui lắm, nói cười luôn miệng. Thầy nói về y học thì đến bác sĩ ngồi nghe cũng tròn xoe đôi mắt, chẳng thể thêm bớt được câu nào… Thầy cố giấu đi cái điều mà mọi người không ai dám nghĩ đến! Nhưng giấu làm sao được! Thầy đâu có cái tài ấy! Ra về, chúng tôi, ai nấy lòng nặng trĩu.
Cả cuộc đời gần 40 năm dạy học, lúc ra đi cũng chỉ là một thầy giáo thuần tuý. Ra trường như thế nào thì trở về với cõi Vĩnh hằng cũng vẫn như thế. Giàu về sự trong sạch, thanh cao, nghèo về bổng lộc.
Đã đành rằng: Để trở thành một Giáo sư, Tiến sĩ, một Nhà giáo Nhân dân, một Nhà giáo Ưu tú đã khó, nhưng để trở thành một nhà giáo chân chính được lớp lớp học sinh kính trọng thì còn khó hơn nhiều…
Cặp kính lão bỗng nhòa đi, tôi cảm thấy chạnh lòng, thương thầy tôi quá!
* Năm 1965 Lê Mã Lương được cử đi học tập ở nước ngoài, anh từ chối, xin được đi bộ đội trực tiêp chiến đấu. Câu nói nổi tiếng của anh ngày ấy: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” được học sinh, sinh viên cả nước học tập. Hiện nay ông là Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Giám đốc Bảo tàng Quân đội
Lớp Toán đặc biệt khóa II (1966-1969), tỉnh Hải Hưng vô cùng cảm ơn thầy Nguyễn Hoàng Đạo, nguyên giáo viên Địa Lý trường phổ thông năng khiếu Hải Dương.
Cảm ơn anh vì những ngày anh được gần gũi, cùng công tác với thầy và anh đã viết về người thầy giáo vô cùng yêu mến của chúng tôi.
Nhân dịp Xuân mới Nhâm Thìn, chúng tôi kính chúc Anh Chị và gia đình an khang hạnh phúc!