Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

Những họa tiết khắc trên Anh đỉnh


Anh đỉnh - Đỉnh đặt hàng thứ hai bên trái tượng trưng cho sự hiển đạt

MAI KHÔI HOA


Mai Khôi Hoa, tức hoa hồng, còn gọi là hoa thích mai, hoa bút đầu, nguyệt quý, có nơi lại gọi hoa bồi hồi, gồm đủ cả hương và sắc. Có loại hương diệp mai khôi trồng nhiều ở xứ Tây Dương, vì nó có đặc tính hoa không thơm mà lá lại thơm nên gọi tên ấy(31).
Hoa hồng được giới đàn ông sống ở mọi nơi trên trái đất này ví như “người phụ nữ kiều diễm”, nên nó được chọn làm biểu tượng của tình yêu đôi lứa, là tiếng nói của con tim yêu thương.Ở Việt Nam có rất nhiều giống hoa hồng; vì lối kiêng tránh tên vua Tự Đức (Hồng Nhậm) nên người Huế quen gọi bông hồng là bông hường. Hoa hồng có các loại màu sắc như hồng trắng, đỏ, hồng phấn, hồng nhung, hồng vàng, hồng cam...
Thơ vịnh Tây Dương mai khôi của vua Minh Mạng có dẫn nói: hoa này xuất xứ ở Tây Dương, tiếng Tây gọi là đô da hay đô úc, cành lá không khác thứ hoa thường, duy bề cao hơn 4 thước, hoa tươi đẹp bội phần hơn các thứ hoa khác và có mùi thanh hương khả ái, tuy có nhiều mà không chán, cho nên người Tây dùng để nấu làm dầu, đun hấp lấy nước thơm, bán khắp gần xa, ai cũng ưa dùng. Ngoài ra, theo các nhà Đông y, hoa hồng còn có nhiều dược tính được dùng chế làm thuốc chữa bệnh của phụ nữ như: kinh nguyệt không đều, thống kinh, băng huyết, bạch đới. Đặc biệt, hoa hồng trắng là một vị thuốc chữa bệnh ho cho trẻ em rất có hiệu quả.
Cứ theo như trên thì từ xa xưa giống hoa này đích thực là thứ hoa được nhập giống từ nước ngoài vào rồi, và nay đã thuần hóa ở Việt Nam như chính xứ sở của nó.
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, nhà vua cho chạm hình tượng hoa hồng vào Anh đỉnh.
Hiện nay, hoa hồng không chỉ có dân gian ưa dùng, mà trong các nhà chùa thờ Phật, đặc biệt là chùa sư nữ, hoa hồng vẫn được dùng để cúng dường lên chư Phật, Bồ Tát.
Hình ảnh hoa hồng đủ cả sắc và hương đã làm rung động bao tâm hồn văn nhân, nghệ sĩ nên nó đã đi vào thơ ca, nhạc họa từ ngàn xưa. Người Nga có một bài hát Triệu triệu bông hồng rất hay, để ngợi ca về loài hoa tuyệt diệu này. Xứ Bungari có nhiều loại hoa hồng nổi tiếng thế giới, nên được mệnh danh là “đất nước hoa hồng”.
Hoa hồng thật sự là loài hoa đáng được trân trọng trên khắp hành tinh này.
(31). Đại Nam thực lục chính biên, Sđd, phiên là hoa văn côi?

TỬ MỘC

Tử Mộc, tục danh cây gỗ kiền kiền (32), còn gọi là mộc vương, chất gỗ cứng bền, lâu hỏng, ngày trước người ta lấy để làm áo quan chôn sâu dưới đất hàng trăm năm không hư. Kiền kiền có ba loại: cây thớ trắng gọi là tử, thớ đỏ gọi là thu, thớ vàng gọi là; lá cây kiền kiền dùng làm thuốc trị các chứng bệnh lở loét rất có hiệu quả. Rừng dưới chân núi Trường Sơn từ Thừa Thiên Huế trở vào Lâm Đồng, các tỉnh đều có. Kiền kiền là loại gỗ cực tốt, bền lâu, có nhiều công dụng, dùng được rất nhiều trong việc xây dựng đình chùa, nhà cửa, đóng đồ thờ và gia dụng...
(32). Đại Nam thực lục chính biên, Sđd, phiên chép là cây gỗ thị?

HỒNG SƠN


Hồng Sơn, tức núi Chim Hồng, do tích có nhiều chim hồng ở nên có tên vậy, lại gọi là Hồng Lĩnh, núi đứng chân ở giữa hai huyện Can Lộc và Nghi Xuân của tỉnh Hà Tĩnh, mạch núi từ Trà Sơn kéo đến, hình thế hùng vĩ, trông rất đẹp. Tương truyền dãy núi này có 99 ngọn, trong ấy có: ngọn Am, cao vót chọc trời, mây mù bao phủ, phía tây có hồ rất sâu, phía nam hồ có hang động, có thể chứa được vài ba trăm người, dưới động có đá như hình người ngựa; lại có ngọn Lận, phía nam có hồ, nước hồ chảy về phía bắc đổ vào sông Lam. Ngày xưa khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, Bảng nhãn Trần Bảo Tín người huyện Nghi Xuân, bỏ quan về ẩn ở Cù Sơn, tức núi này, nên lại gọi là Trần Sơn. Lại có ngọn Sư Tử, sườn núi có suối bay, theo vách đá mà chảy xuống, xói đá thành vực, cửa vực có phiến đá trắng vắt ngang, tục gọi là “Dục tiên kiều”  (cầu tiên tắm), bên cạnh có tảng đá đứng sững như hình mũ phác đầu, cầu mũ tai mũ đều có đủ, nên gọi là vực Đầu Cận. Lại có ngọn ??ng D??ng, Đông Dương, cũng gọi là ngọn Hương Tích rất cao, hễ mây phủ tầng tầng là mưa, không bao giờ sai. Trên núi có thành đá, trong thành có 99 đài đá, gọi là đài Trang Vương, dưới thành có am bằng đá gọi là am Thánh Mẫu, dựng từ đời Trần. Ngày xưa có chùa gọi là chùa Hương Tích (nay đã dựng lại), trước chùa có suối chảy ra, thông trúc um tùm, là danh lam thứ nhất ở vùng Hoan Châu xưa. Lại có ngọn Hồ Trung, trên có hai khối đá lớn, đứng sừng sững hai bên hướng vào nhau, ở giữa là hồ, nước rất trong và thơm. Lại có ngọn Thiên Tượng ở phía tây, sườn núi có khối đá giống hình con voi, nên gọi tên thế, núi còn có chùa gọi là chùa Thiên Tượng. Chùa này cùng chùa Hương Tích đều là thắng cảnh, cho nên nói đến danh lam Hồng Lĩnh tất phải kể Hương Tích và Thiên Tượng.
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, nhà vua cho khắc hình tượng núi Hồng Lĩnh này vào Anh đỉnh. Năm Thiệu Trị thứ 3, khi ngự giá Bắc tuần nhà vua có làm thơ vịnh, khắc vào bia, dựng nhà bia ở phía trái đường đi (bài thơ này có chép trong Thánh chế thi tập); năm Tự Đức thứ 3, nhận núi Kim Nhan là danh sơn của Nghệ An, núi Hồng Lĩnh là danh sơn của Hà Tĩnh được ghi vào điển thờ.
Dưới chân dãy Hồng Lĩnh, rất nhiều anh hùng tuấn kiệt của đất nước, đời nào cũng xuất hiện làm rạng danh sơn hà xã tắc. Chẳng hạn họ Nguyễn Từ, họ Nguyễn Công ở làng Uy Viễn, hay như họ Nguyễn làng Tiền Điền của đại thi hào Nguyễn Du, mà phong dao xưa đã đúc kết.
“Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây,
Sông Lam hết nước, họ này mới hết quan”...
Quả nhiên đúng vậy. Nhân tài đất Hồng Lĩnh ken dày khắp đất nước.

KHÔI HẠC

Khôi Hạc, còn gọi là tiên cầm, là thai cầm, loài chim cổ dài, chân cao, ở cổ có da đỏ chừng vài tấc, lông trắng, cánh đen, cũng có con màu tro hoặc màu xanh, thường kêu về nửa đêm, tiếng kêu vang tầng mây; người xưa bảo, chim trống kêu trên gió; chim mái kêu dưới gió, tiếng hòa nhau mà mang thai? Loại chim này ăn các loại rắn rít. Kinh Thi nói: “Hạc minh vu cửu cao, thanh văn vu thiên”, chim hạc kêu ở hố trong núi, tiếng vang lên tận trời, tức chim này. Ngày trước chim hạc nuôi ở miếu đình hoặc cung điện là giống khôi hạc, phần nhiều sống ở Nam Bộ. Khi vào trước sân hoặc trong các ngôi đình, người ta thường thấy đôi chim hạc đứng trên thân đôi rùa, vật dùng để thờ biểu hiện ý nghĩa may mắn. Vì vậy, chim hạc cũng được xem là loài linh điểu. Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, nhà vua cho chạm hình tượng khôi hạc vào Anh đỉnh.

NHIÊM XÀ



Nhiêm Xà, tục danh con trăn, còn gọi là mai cảnh xà, thường ẩn trong rừng rình thú vật đi qua thì quăng mình bắt mồi, nuốt ăn. Có hai loại: trăn sống ở rừng, trăn sống ở đầm hồ. Có câu chuyện kể rằng: ngày xưa có con ba xà nuốt voi, ba năm thì ỉa ra xương voi, người quân tử dùng làm thuốc uống, sẽ không đau tim và đau bụng. Có sách lại nói rằng, nay gọi là nhiêm xà, tức là loại trăn này. Mật trăn rất quý, có công dụng chữa đau mắt và huyết chưng. Trong núi các tỉnh đều có. Ngày nay nhiều nơi người ta lập trang trại để nuôi trăn lấy thịt làm thực phẩm, dinh dưỡng cao, xương nấu cao làm thuốc, da được dùng nhiều trong công nghiệp thuộc da. Được biết thứ trăn nuôi không quí bằng trăn sống tự nhiên ở rừng núi.

LÔ HÀ



Lô Hà, tức sông , thời xa xưa còn gọi là sông Tam Đa, phát nguyên từ huyện Bình Viễn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, sông chảy vào biên giới Việt Nam ở địa phận xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang; chảy theo hướng bắc nam qua tỉnh Tuyên Quang, sang tỉnh Phú Thọ, xuống tỉnh Vĩnh Phúc, rồi đổ vào sông Hồng tại ngã ba Bạch Hạc tức ngã ba Việt Trì. Thời trước ngã ba này từng là nơi huấn luyện thủy binh thường xuyên của quân đội nhà Trần ở vào thế kỷ XIII. Đoạn sông chảy trên đất Việt Nam dài 276 cây số; chảy qua mỗi nơi sông đều có tên gọi riêng: xưa gọi là sông Tuyên Giang chảy qua châu Tam Giang, lộ Tam Giang. Dưới đời Trần, khúc sông từ Đoan Hùng đến Việt Trì, lấy các tên gọi Lư Giang, sông Trôi, sông Cả. Người Minh sang nước ta đặt tên sông Bình Nguyên vì sông chảy qua huyện cùng tên gọi thay cho tên cũ Vị Xuyên. Sông chảy tiếp qua huyện Bắc Quang, huyện Hàm Yên, hợp với sông Gâm ở bờ trái Khe Lau (hay còn gọi là Bông Lau). Sông Lô có các phụ lưu bên phải: sông Con, sông Chảy; bên trái sông Miện, Ngòi Sảo, sông Gâm, sông Phó Đáy. Sông Lô ngày trước làm ranh giới giữa ba tỉnh Phú Thọ (về phía tây) và hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên (về phía đông - nay Vĩnh Yên một phần nhập vào Hà Nội, một phần vào Vĩnh Phúc); sông có nhiều thác ghềnh, nhiều hơn cả sông Hồng và sông Đà. Từ tỉnh Hà Giang chảy về đến tỉnh Tuyên Quang có 173 thác nước. Thác Đát ở phía dưới Vĩnh Tuy, thác Thượng Lẫm ở phía trên Bắc Sơn là những thác lớn. Sông Lô có hai phụ lưu lớn là: sông Chảy, chi lưu phía hữu ngạn hợp tại thị trấn Đoan Hùng; sông Gâm là chi lưu tả ngạn, đổ vào sông Lô ở Khe Lau, Tuyên Quang. Nước sông Lô mùa hạ rất trong. Sông Lô vừa là nguồn năng lượng thủy điện dồi dào vừa làm tăng vẻ đẹp và bồi đắp phù sa màu mỡ cho châu thổ Bắc Bộ. Sông Lô không chỉ là đường thủy thuận lợi của các tỉnh Tây và Đông Bắc, mà còn là nơi cung cấp nhiều thứ thủy sản quí và ngon lạ.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, sông Lô đã từng là “chiến trường” nhận chìm tàu giặc và ghi nên bao chiến tích anh hùng. Nói đến sông Lô, bất cứ người Việt Nam nào cũng biết có bản trường ca âm nhạc bất hủ: Trường ca Sông Lô ngợi ca về những chiến công thần thánh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam giữa thế kỷ XX của nhạc sĩ tài danh Văn Cao. “Sông Lô, sóng ngàn Việt Bắc... bãi dài ngô lau, núi rừng âm u...”.

TÂN LANG


Tân Lang, tục danh quả cau, còn gọi là tân môn, hay nhân tần, tẩy đản đơn. Chữ tân và chữ lang đều là tiếng xưng chỉ người khách quí, nên ngày xưa bất kể sang hèn, người khách đến nhà phải dọn vật này lên trước, là thủ nghĩa như thế. Quả cau có nhiều dược tính, có thể làm thuốc chữa giun sán, hạ khí, lợi tiểu, viêm ruột, chữa bệnh trẻ con tróc đầu. Ngạn ngữ có câu:“Năm trước giá cau rẻ, thì năm sau giá lúa đắt”, hay như câu: “Được mùa lúa, úa mùa cau” nói thế thường có linh nghiệm. Trái cau khô nhai với lá trầu là thứ thuốc phòng khỏi đau răng, nhưng ăn quá nhiều thì có nguy cơ dễ bị ung thư miệng.

HỒ ĐIỆP TỬ



Hồ Điệp Tử, tức là loại đạn bươm bướm; một loại tạc đạn khi bắnra khỏi nòng đại pháo thì đường bay của nó trông giống hình con bươm bướm. Lại nói khi loại đạn này nổ thì bung ra tứ phía trông như tổ kén của con bươm bướm nở cho nên có tên như vậy. Còn hồ điệp mới là con bươm bướm (đã có một số bản dịch nhầm chữ hồ điệp thành hồ điệp tử). Hồ điệp tử là một loại đạn, được chế tác gần giống như tạc đạn sau này, dùng để công phá thành trì, đánh vào chiến hạm, uy hiếp đối phương, được sử dụng nhiều dưới thời Nguyễn sơ.

BẮC ĐẨU



Bắc Đẩu, tức sao Bắc Đẩu, chòm sao Đại Hùng, một tinh quần ở thẳng miền Bắc Cực, gồm bảy vì sao sáng, nên cũng gọi là chòm Thất tinh.
Ngày xưa, người đi biển, đi rừng hoặc bị lạc giữa sa mạc mênh mông, ban đêm nhìn lên bầu trời thấy sao Bắc Đẩu thì xác định được phương hướng. Nhà thiên văn xem sao Thất tinh mà đoán vận địa giới, biết chuyện nắng mưa trên trời và cả thế sự sắp diễn ra.
Theo truyền thuyết thì sao Bắc Đẩu được trời ủy nhiệm biến thành vị thần giữ sổ sinh của hạ giới. Con người sống thọ, hay chết yểu cũng từ vị thần này.

UẤT KIM



Uất Kim, tục danh củ nghệ, loại cây cho củ màu vàng, dân gian thường nói: vàng như nghệ, nên còn gọi là mã mê, khương hoàng. Theo Đông y, củ nghệ có thể dùng làm thuốc chữa vết rách đao thương, khai thông uất kết, làm cho kinh lạc lưu thông, sinh da thịt và hành huyết. Người ta thường dùng để nhuộm màu và chế biến thức ăn, dược tính của nó kích thích nguyệt kỳ của người phụ nữ. Những người phụ nữ có thai không nên dùng. Lại có một loại gọi là nga truật, tức củ nghệ màu xanh, còn gọi thạch mã mê, công dụng thua kém nghệ màu vàng rất nhiều.

KỲ



Kỳ, tức lá cờ, một loại biểu tượng, chẳng hạn như quân đội có quân hiệu. Ngày xưa khi ra trận, người chỉ huy một đơn vị thường phái quân tiên phong dương cờ biểu tên họ của mình lên trước cho đối phương biết “đối thủ”. Những nơi đồn lũy, thành trì, cờ hiệu được kéo lên, để chỉ chức tước địa vị của người chỉ huy, hay chủ quyền của thành lũy đó. Có loại cờ là biểu tượng hiên ngang, oai hùng của một quốc gia có chủ quyền bất khả xâm phạm, thường gọi quốc kỳ. Ngoài ra còn có các loại cờ khác như đuôi nheo, cờ phướn, cờ hội, cờ hồng, cờ tôn giáo, cờ thể thao. Ngày trước, mỗi khi xuất quân ra trận, người ta có lệ tế cờ.

MÃ GIANG



Mã Giang, tức sông Mã, sông Lễ, còn có tên Tất Mã. Con sông chính chảy trong địa phận tỉnh Thanh Hóa. Sông Mã bắt nguồn từ huyện miền núi Điện Biên, ở độ cao trên 2000m, độ dốc lòng sông lớn, lắm thác ghềnh, chảy băng qua huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, rồi chảy thẳng xuống các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Yên Định, đến huyện Thiệu Hóa thì tiếp nhận thêm nước của sông Chu rồi sang huyện Hoằng Hóa của tỉnh Thanh và khi đã tắm táp một lượng lớn phù sa cho các cánh đồng, làng mạc ở hai bờ lưu vực, sông này mới chịu đổ ra cửa Lạch Trường và Lạch Trào hòa vào biển Đông. Dòng chính sông Mã dài 512 cây số, hơn một nửa chảy trong địa phận Thanh Hóa.
Khi còn ở trong đất liền, ngoài dòng chảy chính, nước các khe ngòi phía trái, phía phải thuộc các huyện kể trên đều đổ thêm vào; mùa mưa nước sông tạo thành dòng chảy dữ dội, khí thế hùng dũng tựa như nước từ trời cao đổ xuống. Đoạn chảy qua huyện Hoằng Hóa, lòng sông bỗng thắt lại tạo nên nhiều hang sâu, hố thẳm, có một hang được gọi là “Hàm Rồng”, cạnh hang ấy có một ngọn núi cùng tên gọi “núi Hàm Rồng”. Nơi đây các nhà nghiên cứu địa lý cổ cho rằng là chỗ đất trời đã lựa chọn để nhân quần hội tụ. Sông Mã được xem như nguồn mạch linh khí, nguồn tài nguyên thủy vô tận của tỉnh Thanh Hóa và đất nước, nơi hun đúc nên biết bao anh hào tuấn kiệt cho Tổ quốc.
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, nhà vua cho khắc hình tượng sông Mã vào Anh đỉnh; năm Tự Đức thứ 3 liệt sông Mã vào hạng sông lớn, chép trong điển thờ, hàng năm sai quan đến tế thần sông.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở thế kỷ XX, sông Mã đã từng ghi nên bao chiến tích anh hùng.
Xưa nay, có thể ai cũng biết, sông Mã có nhiều đoạn với nhiều “tính cách” oai hùng, giận dữ, bao dung, nhẫn nại để rồi trải qua năm tháng dòng sông như đã tác thành nên một vùng văn hóa đậm chất sử thi lại giàu tính cách huyền thoại cho người xứ Thanh và cả dân tộc Việt. Ngày nay, mỗi lần có dịp qua sông Mã, bất chợt người ta lại nhớ về Tây Tiến của nhà thơ tài hoa Quang Dũng rất nổi tiếng với những lời thổn thức “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi / Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi / Sài Khao sương lấp, đoàn quân mỏi / Mường Lát hoa về trong đêm hơi”, nghe như nghẹn ngào nỗi nhớ của dòng chảy với ngọn nguồn, để rồi“Sông Mã gầm lên khúc độc hành”...
Sông Mã giàu phù sa, có nhiều loài tôm, cua, cá, chạch, lươn, ốc... hương vị cực ngon. Dòng chảy oai hùng này là con đường thủy vô cùng quan trọng của tỉnh Thanh.

TÔ HỢP



Tô Hợp, quen đọc là tô hạp, là một loại cây thân mộc cao chừng hơn 10 mét; lá, hoa và gỗ của nó có thể lấy để chiết dầu tô hợp. Ngày trước, cây tô hợp được trồng nhiều ở vùng Khánh Hòa, Phú Yên; ở miền Bắc, nông trường Tràng Vinh, tỉnh Quảng Ninh và một số nơi như Điện Biên có cùng thổ nhưỡng mới trồng được loại cây này. Theo các nhà tân dược thì y học cổ truyền thường dùng cây này để bào chế thuốc chữa viêm phế quản, chữa rận dương vật, làm chất sát trùng chữa ghẻ, làm lên da non và trị chứng đờm dãi. Trong hương liệu, tinh dầu tô hợp dùng chế mùi thơm làm chất định vị rất hiệu nghiệm.

TANG

Tang, tục danh cây dâu, còn gọi là thần mộc, quả dâu tên là tang thậm, rễ và vỏ gọi là tang bạch bì, tổ bọ ngựa trên cây dâu là tang phiêu tiêu, lá dâu là tang diệp, dùng nuôi tằm. Truyền thuyết kể rằng: Cây dâu là tinh khí của sao cơ, con trùng ăn lá thì làm ra văn chương, người ta ăn lá dâu thì ông lão trở thành tiểu đồng. Người xưa nói: hái quả dâu chín ăn, hoặc nấu cho thành cao bôi lên trên lá dâu phơi khô, đem cất lâu năm rồi ăn càng có gia vị, lá non dùng luộc ăn, còn vỏ sao khô mài làm bột miến ăn cũng được, trái để làm rượu dâu rất ngon và bổ. Trái dâu dùng làm rượu dâu có mùi thơm, ngọt. Ở tỉnh Quảng Bình có cây dâu núi khác với cây dâu tằm.

HÁN NGÂN



Hán Ngân, tức Ngân hà, còn gọi Thiên hà, dải sao chi chít trên không, ban đêm trông lấp lánh như ánh bạc, kéo dài như dòng sông, cao xa vô cùng, thấy mà không tới được; cho nên những kẻ hay ba hoa nói khoác không đủ tin thường được ví gọi là hà hán. Thần thoại cho đó là dải sông ngăn cách Ngưu Lang và Chức Nữ, mỗi năm hai người chỉ được gặp nhau một lần. Ngân hà còn có tên Vân hán, Giang hán, Thiên hán, Ngân chữ, Ngân giang.
Sông Ngân được xem là tác phẩm của tạo hóa, cái đẹp tự trời cao ban xuống. Nhà thiên văn nhìn dải Ngân hà có thể đoán được thời vận tốt xấu...

THIỀN



Thiền, tục danh con ve sầu, loài côn trùng, còn có tên là con điêu, con tề nữ, bởi do con tề bào (tức con lãi đất) chưa thay vỏ biến mà thành; cũng có con tự hoàn chuyển mà hóa thành con ve. Con đực giao cấu xong thì chết, con cái đẻ trứng ở dưới vỏ cây hoặc khe đá. Khi mới nở, chưa có cánh, sống ở dưới đất, sau khi lột xác, có cánh sống ở trên cây. Họ hàng nhà ve đều chỉ sống được không quá 30 ngày là chết. Sách Lễ ký nói tháng trọng hạ (tháng 5) con thiền bắt đầu kêu tức là con này. Thân xác ve khi khô được các nhà Đông y dùng làm thuốc để chữa sốt, kinh giật, kinh phong, co quắp chân tay của trẻ con, trị bệnh lở da, rất ích dụng.





Mã, tục danh con ngựa. Chủng loài rất nhiều, có giống quen ở núi, ở đồng bằng, có giống sống ở cao nguyên. Người rành ngựa nói rằng: ngựa sinh sống ở miền Tây Bắc là hay, ở miền Đông Nam thì kém. Đời xưa có sách chép về phép xem tướng ngựa. 

Sách Lễ ký nói: xa giá của thiên tử đi ra, tháng mạnh xuân (tháng giêng) thắng ngựa thương long (ngựa sắc xanh), tháng mạnh hạ (tháng tư) thắng ngựa xích lưu (ngựa sắc đỏ), tháng mạnh thu (tháng bảy) thắng ngựa bạch lạc (ngựa sắc trắng), tháng mạnh đông (tháng mười) thắng ngựa thiết ly (ngựa sắc đen). 

Ngựa là con vật trung thành, trong chiến đấu, khi người chủ bị thương, nó có thể tìm cách báo hiệu cho người khác đến cứu. Thời Tam quốc (ba nước Ngô, Thục, Ngụy đầu thế kỷ thứ III sau Tây lịch), có con ngựa xích thố nổi tiếng, vốn là của Lữ Bố, ngày phi ngàn dặm, sau bị Tào Tháo thu được. Tào Tháo bấy giờ làm Thừa tướng nhà Hậu Hán nhưng nắm hết quyền bính, rất quí con ngựa này, muốn tìm cách mua chuộc nhân tài về đầu quân, đã đem nó tặng cho Quan Vũ, là nhị đệ của Lưu Huyền Đức. Bậc trượng phu như Quan Vũ (Quan Vân Trường) vì ngựa quí mà “chịu nhận quà”, nhưng không chịu theo, lòng dạ khó đoán. Sau Quan Vũ dùng nó phò hai chị dâu về với Lưu Huyền Đức, rồi lại dùng nó xông pha trận mạc đánh đông dẹp bắc, cũng lại vì nó mà ông đã tha chết cho Tào Tháo khiến cho nhà Thục mấy năm sau suy vi rồi bị xóa sổ; sau ngày ông mất, con ngựa ấy cũng được thờ cùng với Quan Vũ trong các ngôi đền Quan Công, hay còn gọi là Chùa Ông.
Giống ngựa thông minh, có thể thuần phục, làm được nhiều việc, lại biết diễn trò. Da của nó được dùng nhiều trong ngành mỹ nghệ, thịt ngựa có thành phần dinh dưỡng cao, bổ gân, bổ thai, cung cấp chất sắt cho những người thiếu máu; xương ngựa cũng là một loại dược liệu quí, dùng để pha chế thuốc thành cao ngựa làm ích khí, mạnh gân, bổ dưỡng, chữa kinh nguyệt không đều, trẻ em biếng ăn. Trong chiến tranh, ngựa dùng để thồ hàng, kéo xe, phục vụ chiến đấu, lại có cả những đơn vị vũ trang cơ động nhanh với hàng ngàn quân ngựa, gọi là kỵ binh, hay kỵ mã.
Ngựa (tức ngọ) được xếp đứng thứ bảy trong địa chi 12 con giáp. Người biết xem tướng nói, ai cầm tinh con ngựa bản tính lăng xăng, hay chạy, làm việc gì cũng vội. Nghiệm chung quanh, những người “tuổi ngựa” thấy nhiều nhưng e không phải tính ấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét