Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

Những họa tiết khắc trên Cao đỉnh

Cao Đỉnh

1. Cao Đỉnh - Đỉnh đặt ở chính giữa tượng trưng cho sự vĩ đại

TRĨ 
tức là con chim trĩ, là loại chim quí. Do đặc điểm tự nhiên, ngày xưa người ta thường bảo, chỗ của nó bay hay đậu là chỗ rất sạch, nghĩa là nơi ấy môi trường trong lành; loài chim trĩ có cá tính rất lạ, nếu chẳng may bị bẫy mắc lưới liền tự tử, nên nó được xem là loài chim có khí tiết ngay thẳng. Chim trĩ trống có mào, đuôi dài, thân nhiều màu sắc, hay chọi nhau. Sách Cầm kinh nói: con nào lông đỏ màu vàng gọi là miết trĩ, lông trắng gọi là hãn trĩ, lông đen gọi là hải trĩ, lông ở trên lưng có nhiều màu sắc gọi là phỉ thúy trĩ, loài giống rất nhiều, nhưng giống chim trĩ trắng là quí hơn cả. Sách An Nam chí chép rằng: Thời vua Thành Vương nhà Chu, người ở xứ Việt Thường sang dâng chim trĩ trắng; thời vua Quang Vũ nhà Hán, các quận Nhật Nam và Cửu Chân đều có dâng chim trĩ trắng. Sách Lễ ký chép rằng: “Chim trĩ bay xuống biển hóa thành con sò”, tức là nói về loài chim này. Xem vậy đủ biết chim trĩ là loài chim quí hiếm ví như “thần điểu” từ ngàn xưa đã có nhiều ở nước ta.
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng chim trĩ vào Cao đỉnh.


Theo Sách đỏ Việt Nam, giống chim trĩ có trĩ sao, trĩ đỏ, thuộc bộ gà. Nhìn chung loài chim trĩ có kích thước lớn, đuôi dài, nhất là con đực, bộ lông của nó có nhiều màu sắc đẹp. Cả con mái và con trống đều không có cựa. Chim trĩ sao kiếm ăn và làm tổ ở rừng thường xanh um trên các đỉnh và sườn đồi có độ dốc khác nhau, phổ biến hơn ở dưới 700 mét; chim trĩ đỏ thì chọn nơi thích hợp, quen hơn là vùng đồi núi thấp, không bao xa nương rẫy, không gặp rừng quá rậm.
Chim trĩ là giống chim quí, ở Việt Nam trước đây thường gặp nhiều tại cánh rừng các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Bắc Cạn, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đắc Lắc, Gia Lai, Kontum, Lâm Đồng...
Chim trĩ là loài chim rất có giá trị khoa học cao, thẩm mỹ đẹp. Nó là một loài chim có “nhan sắc” nổi tiếng, được các nước trên thế giới rất ưa chuộng và nuôi nhiều để làm cảnh. Người xưa thường quan niệm, chim trĩ cũng là loài chim đem lại rất nhiều may mắn tốt lành.

Ngày nay, có rất nhiều nguyên nhân khiến rừng bị xâm hại, vì thế mà cá thể chim trĩ ở trên thế giới và Việt Nam còn lại rất ít, có nguy cơ mất giống nòi, nên nó đã được khẩn cấp đưa vào sách đỏ cần được bảo vệ.

MIẾT 

Miết (), tục danh con trạnh (25); lại gọi con đoàn ngư, hay con hà bá tòng sự. Con trạnh nhìn qua tương tự con rùa, bước đi của nó nặng nề, rù rờ, khập khiễng mà xa đến ngàn dặm cũng tới. Lại có một loại gọi là con nguyên. Các sách xưa chép rằng: con nguyên gần giống con trạnh mà to, thân rộng hơn, có con lớn từ 1 đến 2 trượng, đó là con vật đứng đầu các loài có mai vậy, tục gọi con giải. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức chép rằng: Miết còn có tên nữa là hôn, đầu nhọn mà ở ria có thịt, tính hay cắn, thịt của nó có vị béo và ngon, con nhỏ càng ngon hơn. Nên tục ngữ có câu: “rùa dùng cân, trạnh dùng lạng”, ý nói rùa nên dùng con to, còn trạnh (miết) dùng con nhỏ, thịt mới ngon. Các nhà Đông y xem thịt và máu của con trạnh có nhiều dược tính, bổ dưỡng, có tác dụng nhanh với người lớn tuổi yếu chân, suy lực. Vùng sông nước của xứ nào ở Việt Nam hễ có vực sâu thường có trạnh sống. Lại có giống trạnh (hôn) sống ở biển, giá trị kinh tế rất cao.
Ở Huế bây giờ, có câu chuyện kể về con trạnh, mang màu sắc thần bí, rằng mấy chục năm qua, những người dân hành hương hay sang đò sông Hương, đoạn ngang chân núi Ngọc Trản, để lên điện Hòn Chén dâng hương cầu nguyện Thần nữ Thiên Y A Na và Mẫu Liễu Hạnh, thỉnh thoảng vẫn gặp con vật này nổi lập lờ trên mặt nước để thở, thân hình nó to như “tấm phản”, không hiểu là con gì mà hơi giống rùa, lại trông giống con ba ba. Nên người ta mới có câu: “Đầu ghềnh có con ba ba. Kẻ kêu con trạnh, người la con rùa”, hóa ra con này, tức con trạnh. 
Tương truyền, dưới triều Đồng Khánh, nhà vua cơ thể bị suy nhược lại hay mê tín, ông tự nhận mình là đệ tử của Nữ thần thờ ở điện này, nên đã cho người đem về thả ở vực sâu dưới chân núi Hòn Chén mấy con trạnh. Bây giờ thì chúng đã quá già. Vì vậy mà nhiều người xem con trạnh cũng là loài “vật thiêng” trong tứ linh. Và cái vực sâu của sông Hương dưới chân Hòn Chén, nơi mà “mấy con trạnh” đang sống cũng được xem là một huyệt chủ rất linh diệu của cuộc đất đã góp phần làm nên vị trí Thần kinh xứ Huế.

THIÊN TÔN SƠN 

Thiên Tôn Sơn, tức núi Thiên Tôn, còn gọi là núi Triệu Tường, núi Am, ở tỉnh Thanh Hóa. Núi Thiên Tôn nằm về phía tây bắc huyện Hà Trung (huyện Tống Sơn cũ); trong vùng núi có Gia Miêu ngoại trang (nguyên quán của dòng họ Nguyễn Phúc), có lăng Triệu tổ Nguyễn Kim của nhà Nguyễn, và lăng Đức Bà (vợ của Nguyễn Kim) cũng táng gần đó. Mạch núi này chạy từ huyện Thạch Thành như chuỗi ngọc kéo xuống, rồi nổi lên 12 ngọn liền nhau, cỏ cây xanh tốt trông như gấm vóc; ở phía đông bắc núi Thiên Tôn có dãy Tam Điệp, rồi đến núi Thần Phù chạy dài ở phía trái; ở phía tây có núi Điều Doanh, núi Trạch Lâm, núi Trang Chữ chạy vòng ở phía phải. Nguồn nước từ khe Rồng rót xuống Tống Giang, lượn vòng ở đằng trước, người xưa gọi là núi Am, núi Triệu Tường. Năm Minh Mạng thứ 2, 1821, vua dụ rằng: “Nước nhà ta gây dựng nghiệp lớn, giữ mệnh trời lâu dài. Kính nghĩ lăng tổ khí thiêng chung đúc, chứa chất phúc lành, phong thần núi hiệu là Thiên Tôn, đều làm đền thờ để đáp ơn thần”; núi Thiên Tôn còn được thờ theo vào đàn Nam Giao, ở Kinh đô Huế. Cùng giữa năm ấy, vua Minh Mạng ngự giá bắc tuần, thân đến yết Nguyên miếu Triệu Tường, bái vọng thần núi Thiên Tôn. Lễ xong, vua nói rằng: “Trẫm trông núi Kiều (ví sự nghiệp của Nguyễn Kim cao cả và huyền diệu như núi Kiều ở Trung Quốc) nhớ đến công đức tổ tiên. Sau khi hồi loan, sẽ soạn văn dựng bia để tỏ rõ từ đâu gây nghiệp lớn, truyền lâu dài hàng ức vạn năm”. Núi Thiên Tôn được các nhà phong thủy xem như là ngọn núi thiêng phò tá linh địa phát tích quần hùng nước Việt, mà sau này xem ra có phần đúng là họ Nguyễn Phúc. Năm 1835, vua Minh Mạng cho xây thành bao ngoài khu Nguyên miếu, phái quân canh phòng, hộ vệ nghiêm ngặt. Lại xây thêm công đường, nhà cửa, để làm nơi quan quân đóng giữ, đặt tên thành Triệu Tường.
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, khắc hình tượng núi Thiên Tôn vào Cao đỉnh, lại cho liệt vào hàng danh sơn nổi tiếng, chép trong điển thờ, hàng năm phái quan đến tế thần núi.
Có tư liệu nói rằng, vào cuối năm 1788, vua Quang Trung từ Phú Xuân dẫn đại binh ra bắc đuổi quân xâm lược nhà Thanh; trước lúc đánh vào Thăng Long, ông đã cho lập đại bản doanh ở vùng núi này để cũng cố lực lượng, tổng duyệt binh mã lần cuối, dựa dãy Tam Điệp hùng vĩ cách đấy một đoạn về phía bắc để làm lễ tế cờ; trước tam quân trăm họ, nhà vua dõng dạc tuyên bố, phải quét sạch quân xâm lược nhà Thanh ra khỏi bờ cõi, giải phóng giang sơn, và với quyết tâm rất cao để giành thắng lợi cũng chỉ độ mấy ngày. Quả nhiên sau đúng vậy. Người am tường binh pháp nói rằng, chiến công oai hùng ấy của vua Quang Trung đã được sơn thần ở Thanh Hóa và Tam Điệp linh thiêng phù trợ.

 TỬ VI HOA

Tử Vi Hoa, tục danh là hoa tử vi, còn gọi hoa phạ dưỡng. Người Trung Quốc gọi là hồng vi hoa, bá tử kinh, ngũ lý hương...Hoa có mùi thơm dịu, phảng phất nhẹ nhàng và thường nở vào mùa thu. Cây có đặc tính hay “nhột”, hễ lấy tay cạo ngoài da cây, thì trên ngọn cây lại rung động. Vì hoa vốn nở thành chùm dài hơn 10cm, sáu cánh rời nhau, phiến hoa quăn và uốn lượn ở mép, lại giữ được tươi lâu, nên thuở xưa vua chúa Trung Quốc và Việt Nam thường ưa thích và hay cho trồng nhiều loại hoa này ở tiền sảnh trong cung cấm. Hoa tử vi, ngoài loại sắc tím lại có loại sắc hồng và sắc bạch, loại hoa tím có đới màu thanh lam, gọi là hoa thúy vi. Hoa mọc thành chùm dài, sáu cánh hoa rời nhau, phiến quăn, uốn lượn ở mép. Ngày trước vì lối kiêng tránh, húy kỵ (tên mẹ vua Thiệu Trị là Hồ Thị Hoa) người Huế thường gọi trại ra là bông tử vi. Cây hoa tử vi dễ trồng, ưa khí hậu mát ẩm. Nhân giống bằng hạt. Gieo ươm như các loại giống cây gỗ khác; cây trưởng thành có thể cao đến 4m. Cành vuông, mềm và dài, hơi đỏ, thân cây to bằng cánh tay, có cây cũng lớn hơn đôi chút, vỏ cây khi tróc ra thì rụng từng mảng trông giống thân cây ổi. Lá tử vi mọc đối nhau, hình trái xoan nhọn, trơn bóng.
Theo các nhà đông y, thì một số thành phần của cây tử vi rất quí như: hoa, rễ có vị hơi đắng, tính hàn, có thể dùng làm thuốc, chữa hoạt huyết, chỉ huyết, giải độc, thanh nhiệt, tiêu thũng; hoa của nó còn là một dược liệu quí dùng làm thuốc chữa trị cho người phụ nữ sau khi sinh nở chẳng may bị mắc chứng sản hậu lưu huyết, đau bụng, máu kết thành hòn cục...
Ngoài ra, rễ của hoa tử vi còn được dùng bào chế làm thuốc chữa mụn nhọt, ghẻ lở, các bệnh xuất huyết, viêm tuyến vú, viêm gan. Vỏ thân dùng để chữa bế kinh, đau cổ họng, chữa lở ngứa ngoài da...
Do đặc điểm của cây tử vi rất lạ: vừa có hoa, vừa có hương sắc lại giữ được tươi lâu và thành phần có nhiều dược tính mang lại ích lợi cho đời sống của con người, cho nên hoa tử vi được cổ nhân xem là một loài “kỳ hoa dị thảo”.
Ngày nay, nhiều tỉnh thành của Việt Nam đều có trồng hoa tử vi, đặc biệt người Huế rất thích loại hoa này.

TRẦM HƯƠNG

Trầm Hương, tục danh cây dó bầu, thường gọi cây trầm. Do khi người ta bỏ xuống nước thì nó chìm nên gọi là trầm. Chất dầu của cây trầm rất thơm, có thể bào chế làm thuốc trị thấp khử tà, lại là dược liệu bổ dương được cả Đông lẫn Tây y đều lấy dùng rất nhiều. Miền rừng núi từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị trở vào nam Trung Bộ các tỉnh đều có. Sách Nghệ An phong thổ ký chép rằng: cây dó già cỗi, tinh dịch kết lại thành hương, cây còn sống mà đẽo lấy thì gọi là sinh trầm có thể dùng làm thuốc, cây đã chết mà lấy gọi là tử trầm, chỉ dùng chế chất thơm, lấy lúc cây đã mục nát gọi là tốc hương, là mật hương. Loại cây này giống cây liễu to, muốn lấy hương thì đốn ngả cây đã lâu năm, cội rễ cành đốt đều có màu sắc khác nhau, ruột cây rắn và đen, bỏ xuống nước mà chìm gọi là trầm hương, nổi ngang với mặt nước gọi là kê cốt hương, gốc cây là hoàng thục hương, thân cây là sạn hương, cành nhỏ rắn chắc chưa nát là thanh quế hương, gốc và mắt cứng mà lớn là mã đề hương.
Người đi khai thác trầm hương rất gian truân, có khi bỏ cả mạng ở rừng sâu núi thẳm, đúng như câu nói: “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Người đi tìm trầm thường kiêng cữ nhiều thứ: trước ngày vào rừng họ thường kiêng ăn thịt những con vật linh, cấm gần phụ nữ, tránh nói năng bậy bạ; khi đến cửa rừng, hay vào ngày gặp được cây dó, người ta thường đặt lễ dâng cúng thần mộc, nên cây trầm còn được người dân miền núi gọi là Cây Thần.
Năm 1830, triều đình cho đặt hộ trầm hương ở Phú Yên, sai mộ dân bên ngoài sung vào. Lấy 30 người làm định ngạch, mỗi người hàng năm nộp thuế 1 cân trầm hương.
Trầm hương Việt Nam được các nước theo Phật giáo, Hồi giáo dùng nhiều trong tế lễ, được xem là một loại dược liệu cao cấp, dùng để chế thuốc trị hen suyễn, tăng cường sinh lực. Trong Tây y, trầm là thành phần cơ bản để làm biệt dược điều trị chứng ung thư bàng quang. Cây trầm cũng còn được dùng tạc tượng thờ, làm vật trấn yểm khí tà, xua đuổi ma quái...
Thời trước, trầm hương nổi tiếng hơn cả là ở Vạn Giã, Khánh Hòa. Những năm tám mươi của thế kỷ XX, tỉnh Bình Trị Thiên cũ có lúc xuất khẩu ra nước ngoài lên đến hàng trăm tấn, ngành xuất khẩu trầm bấy giờ được mệnh danh là “vua trầm” Việt Nam. Do cây trầm có nhiều ích lợi mà ngày nay người dân các tỉnh miền Trung và Tây Bắc Việt Nam đều có trồng, có nơi trồng xen canh đến hàng chục hécta. Nhưng để cây dó bầu ấy có tinh dịch làm dược liệu cao cấp thì nó cần phải sinh trưởng đến hàng chục năm sau.

NGƯU CHỬ GIANG 


Ngưu Chử Giang, tục gọi là sông Bến Nghé, sông ở vùng thành phố Hồ Chí Minh; xưa sông này chảy qua huyện Tân Bình nên còn có tên sông Tân Bình. Khi người Pháp chiếm cứ Sài Gòn và Lục tỉnh, họ gọi là sông Sài Gòn; nguồn sông chảy từ gần Bương Đầm - Lộc Ninh xuống phía nam song song với sông Bé, chảy đến Nhà Bè thì gặp sông Đồng Nai, còn gọi là sông Phước Long, rồi chảy vào cửa biển Cần Giờ. Sông Bến Nghé có nhiều chi lưu, chi phía tây nam chảy trong địa giới tỉnh Gia Định xưa, chi đông bắc chảy ra phía Biên Hòa. Sông rộng và sâu, dài khoảng 256 cây số, ngay từ đầu thế kỷ XIX, tàu thuyền các trấn, tỉnh, trong nước và của các nước ngoài đã ra vào sông này tấp nập, biến nơi đây thành một đô hội sầm uất.
Tục truyền, sông Ngưu Chử xưa kia hai bên bờ còn hoang vắng, ở đây có rất nhiều cá sấu sinh sống, chúng thường rượt đuổi cắn nhau, tiếng kêu như tiếng trâu nghé rống, cho nên người ta mới gọi tên như thế. Còn theo sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, thì nơi đây vốn có cái bến ngày xưa thường có nhiều con nghé (trâu) đến uống nước nên mới gọi tên này. Như vậy, cứ theo hai cách giải thích trên thì vào lúc người Việt mới lập dinh trấn ở đây, vùng đất này còn hoang sơ lắm, và có rất nhiều giống cá sấu, trâu bò rừng sinh sống thành từng bầy đàn đông đúc. Địa danh Bến Nghé cũng được dùng để chỉ thành Gia Định, tức thành Bến Nghé, thành này xưa tiếp giáp với thủ phủ Sài Gòn, và là trung tâm thương mại Chợ Lớn do Hoa kiều lập nên.
Năm Minh Mạng thứ 17, 1836, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng sông Bến Nghé lên Cao đỉnh. Năm Tự Đức thứ 3, 1850, sông Bến Nghé được liệt vào hàng sông lớn nổi tiếng của đất nước, được đưa vào trong tự điển, hàng năm triều đình cử quan viên đến tế thần sông.
Khi người Pháp đánh cướp nước ta, họ cho tàu chiến tiến vào Sài Gòn theo đường sông này. Nhà thơ yêu nước - Cụ Đồ Chiểu đã viết về Bến Nghé buổi ấy như sau:
“Bến Nghé của tiền tan bọt nước
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây”...
Về sau cụ được người nhà đưa về lánh nạn ở Ba Tri thuộc tỉnh Bến Tre ngày nay.
Bến Nghé thực sự là con sông lớn đã tạo nên nhiều chi mạch giao thông tiện lợi cho tàu thuyền tấp nập lui tới thành Gia Định buôn bán. Từ đây có đường thông ra biển Đông; rất thuận lợi cho các tỉnh miền Đông Nam Bộ nước ta trong sự hội nhập với thế giới ngày nay.

THÔNG   

Thông (), tục danh cây rau hành, còn có tên là cây hống, là thái bá, hòa sự thảo, lộc thai. Tính của củ hành có chất hăng lại hay phát dẫn tà khí ra ngoài; củ hành, lá rụng ống, đều ăn được, muối làm dưa ăn ngon hơn, các nhà Đông y nói, có thể dùng củ và lá để làm thuốc chữa đau đầu, thoát mồ hôi. Hành là món gia vị hương hoa nhưng không thể thiếu trong các món ăn có chất tanh. Người ta nấu món thịt lợn bắt buộc phải có củ hành kèm theo mới tuyệt: “Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi”. Hành là giống rau đem lại sự thơm tho cho người trồng của ruộng đồng nước Việt. Nhưng vì có mùi hăng, người tu đạo Phật không thường dùng.

ĐẠI PHÁO  大礮

Đại Pháo (大礮), thường gọi đại bác, là loại súng lớn, được sản xuất dưới thời vua Gia Long và Minh Mạng. Khi bắn đại pháo, người ta phải lau nòng súng, nạp thuốc súng ở phía sau và dẫn ra một ngòi nổ cháy chậm, quả đạn được đẩy ngược vào nòng súng, người pháo thủ châm ngòi bằng mồi lửa, thuốc súng cháy, phát nổ tạo nên sức nén và sinh ra một lực rất mạnh, đẩy viên đạn bay đi. Loại đại pháo này thường dùng để công phá thành trì, bắn vào hạm thuyền, hay dùng để phát hiệu lệnh. Thời Nguyễn sơ, đây là loại vũ khí uy dũng, tiếng nổ lớn, làm cho đối phương phải khiếp sợ. Vì thế mà người xưa xem đại bác như vị Thần công.
Đại diện cho loại đại pháo này, người ta thấy, hai bên cửa ra vào Hoàng thành phía trước Ngọ Môn, hiện còn “Cửu vị Thần công” được đúc xong vào năm 1804 dưới thời vua Gia Long “sừng sững chầu hai bên có Tả đại tướng quân và Hữu đại tướng quân”; chín khẩu “Thần súng” này lấy theo tứ thời Xuân, Hạ, Thu, Đông cùng ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ mà đặt tên. Khi đúc xong, khắc sự tích và tên vào thân súng. Đây thực sự là những tác phẩm độc đáo vừa mang tính nghệ thuật tinh xảo, vừa đạt trình độ kỹ thuật cao, thể hiện thành tựu về nghề đúc đồng Việt Nam từ lâu đời. Đồng thời “Thần công” ẩn chứa những nét văn hóa tâm linh mà uy dũng trong việc hộ quốc.
Nhiều khẩu đại bác “có công yểm trợ” bắn trúng quân thù, chiến thắng trận mạc được triều đình phong tặng tước vị và “phong chức” rất cao, chẳng hạn như “Thần oai vô địch đại tướng quân, Thượng tướng quân vô địch”... (Thống lĩnh quân đội tối cao, quyền uy không khác gì thần thánh, chẳng có gì chống lại được). Xứng đáng là “vua chiến trường” thời ấy. Dưới triều Minh Mạng, mỗi đơn vị bộ binh (gọi là vệ, mỗi vệ khoảng 500 người) được trang bị hai khẩu Thần công (loại nhỏ), 200 khẩu súng điểu thương và 21 ngọn cờ. Tùy theo vị trí nhiều pháo đài, trên các vọng lâu của Kinh thành Huế, các tỉnh, trấn đều có đặt các loại Thần công to, nhỏ khác nhau.
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng đại pháo này vào Cao đỉnh.
Do quan niệm súng đại bác như là vị thần hộ vệ, mà thời xưa có nhiều quan võ khi được nhà vua phong chức, hay các sĩ tử trước khi thi võ, hoặc sắp phải ra chiến trận thường sắm lễ vật đến dâng lên vị thần này. Cầu mong “Thần công” che chở cho họ khỏi bị đường tên mũi đạn, ra trận là đánh thắng quân thù, thi đỗ thứ hạng cao và thăng tiến nhanh trên đường binh nghiệp.

NHẬT   

Nhật (), tức là mặt trời, chỉ ban ngày, ánh sáng. Theo quan niệm của người xưa, mặt trời tượng trưng cho ngôi cửu ngũ chí tôn, bậc thiên tử. Ở một số nước, người ta tôn thờ mặt trời như vị thần tối thượng, chủ nhân của mọi giới, nên việc tế thần Mặt Trời hàng năm là một lễ nghi rất quan trọng. Theo Kinh Dịch, trời thuộc quẻ Càn, mặt trời thuộc quẻ Ly, biểu hiện của sự ấm áp, sáng sủa khắp mọi nơi. Một ngày mới, mặt trời lên, sinh khí tràn ngập cõi nhân gian vũ trụ. Người xưa bảo: “ân của vua ban như ánh nắng mặt trời chiếu rọi vậy”.
Năm Minh Mạng thứ 17, 1836, đúc xong Cửu đỉnh, nhà vua cho khắc hình tượng mặt trời lên Cao đỉnh.
Thời hiện đại, ánh nắng mặt trời chiếu rọi khắp nơi cũng là tài nguyên năng lượng vô giá.

CANH

Canh, tục danh lúa tẻ. Người xưa nói: lúa xay ra gạo ăn không dẻo gọi là canh, một loại lúa rất thơm, cho gạo hảo hạng, nuôi sống con người đứng đầu các loại lúa tẻ; đại diện cho hơn 47 loại lúa tẻ thời ấy, đều là hạt ngọc nhà trời. (Ở đồng làng An Cựu xưa có trồng giống lúa tẻ hương đạo, tục danh nhe vàng, dân địa phương quen gọi là de, hột hơi dài, sắc gạo rất trắng mà thơm và mềm cơm; tháng 10 cấy, tháng 3 chín, hàng năm có tiến vua. Dân gian có câu: Tôm rằn bóc vỏ bỏ đuôi / Gạo de An Cựu để nuôi mẹ già. Quả là thứ gạo ngon. Đồng ruộng ở miền Bắc có giống tám thơm; miền Nam có nàng hương, đều là những thứ lúa cho gạo hảo hạng).
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng loại lúa tẻ này vào Cao đỉnh.

ĐA SÁCH THUYỀN


Đa Sách Thuyền, chỉ về một loại thuyền khá lớn có nhiều dây buồm (một âm là Đa Tác Thuyền) (có sách chú là thuyền nhiều đáy?), được sản xuất dưới triều vua Gia Long và Minh Mạng. Vì thuyền lớn nên cũng gọi là tàu. Loại thuyền này dùng đi theo sông lớn, đi biển dài ngày và có khả năng đi xa, vượt cả đại dương. Đời vua Minh Mạng có chiếc tàu d’Ajsas mua từ châu Âu về, trông khá giống loại thuyền này. Đa sách thuyền đạt trình độ cao về kỹ thuật đóng thuyền buồm của Việt Nam dưới thời nhà Nguyễn.

VĨNH TẾ HÀ

Vĩnh Tế Hà, tức là sông Vĩnh Tế, người miền Nam quen gọi là kênh (kinh) Vĩnh Tế. Nguyên trước đây, vùng này còn sình lầy, cả bộ lẫn thủy đi lại rất khó khăn, ông Nguyễn Văn Thoại, sinh quán tại Điện Bàn, Quảng Nam - sau vào định cư ở Vĩnh Long, có công phò tá chúa Nguyễn Ánh, được triều đình Huế trọng dụng, phong tước Hầu rất sớm, dân trong vùng quen gọi là Thoại Ngọc Hầu; năm 1818, ông được vua Gia Long bổ làm Trấn thủ Vĩnh Thanh (gồm cả Long Xuyên và Cần Thơ). Tại đây ông cùng quan quân địa phương thiết kế và đốc suất dân binh đào kênh Đông Xuyên rất ích lợi; kênh ấy được nhà vua cho gọi theo tên ông là Thoại Hà; nhân thấy bờ phía đông gần đấy có ngọn Khâu Sơn, bèn cho tên là Thoại Sơn để biểu dương công lao của ông, lại cho dựng miếu thờ sơn thần ở chân núi. Đầu năm 1820, ông lại được lệnh đào con kênh nối từ vùng Châu Đốc đến xứ Hà Tiên. Trong thời gian đào kênh, bà Châu Thị Vĩnh Tế, quê ở Vĩnh Long, vợ của Thoại Ngọc Hầu đã hết lòng lo liệu cùng chồng đốc suất dân binh để đào bằng xong con kênh này. Cảm phục trước công sức khó nhọc của bà, sau khi công trình hoàn thành, vua Minh Mạng đã lấy tên của bà để đặt cho con kênh này là Vĩnh Tế.
Kênh Vĩnh Tế là một công trình thủy lợi, do chính Thoại Ngọc Hầu thiết kế và tự thân đốc suất dân binh làm việc ngày đêm, với số nhân công lên đến 80.000 người. Thời gian đào kéo dài gần 5 năm (1820-1824). Sự thành công này đem lại lợi ích nhiều mặt cho vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Đương thời khi kênh đào xong, vua Minh Mạng lấy làm hoan hỉ, khen ngợi công sức của dân binh trong vùng và ông bà Thoại Ngọc Hầu, lại sai dựng bia ở bên bờ sông để ghi sự tích. Kênh Vĩnh Tế lúc mới đào rộng 15 tầm, sâu 6 thước, dài hơn 200 dặm. Kênh này hiện có nhiều đoạn được nới rộng, sâu và dài hơn xưa, chảy từ Châu Đốc, Tri Tôn, tỉnh An Giang xuống huyện Kiên Lương gặp sông Giang Thành chảy tới cửa Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang; đoạn kênh chảy qua Hà Tiên còn được gọi là rạch Hà Tiên. Kênh chảy song song với đường biên giới Việt Nam - Campuchia cách đường biên giới 3 cây số. Có lẽ trong lịch sử mở nước, đây là trường hợp duy nhất ở nước ta, cả hai vợ chồng đều có công khai sông dẫn thủy đã được triều đình lấy tên để đặt tên cho công trình mà họ đã làm nên; đặc biệt là công sức đóng góp của người phụ nữ đối với đất nước. Vua Minh Mạng cho khắc hình tượng Vĩnh Tế Hà lên Cao đỉnh, thờ trước sân chầu Thế Tổ Miếu. Dưới chân núi Thoại Sơn, từ buổi ấy nhân dân đã lập đền thờ hai ông bà Thoại Ngọc Hầu, bốn mùa hương khói tri ân.

BA LA MẬT

Ba La Mật, tục danh quả mít; còn có tên nẵng gia kiết, quả to như cái đấu, gai mềm, vị ngọt và thơm, hột có thể luộc ăn; khi mít còn xanh người ta vẫn hái để chế biến làm món. Theo Đông y, mít có dược tính hay ích khí, khử phiền. Có hai loại: mít khô (còn gọi mít dai, hoặc ráo) và mít ướt (mít mật); lại có thứ mít nài, mít tố nữ, quả nhỏ hơn, ít múi nhưng mùi vị rất đặc biệt. Cây mít gọi là ba la mộc, chất gỗ có sắc mà bền, có thể dùng làm rường cột, xẻ ván, đóng tủ bàn, chạm tượng thờ, và đóng được nhiều đồ gia dụng khác. Các tỉnh đều có, từ Nghệ An trở vào nam Trung Bộ, miền gần núi trồng được nhiều hơn. Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng cây mít có quả vào Cao đỉnh.

HỔ

Hổ, tục danh con cọp, còn gọi con hùm, là động vật hoang dã ăn thịt, thuộc họ mèo; dân gian kiêng tránh thường gọi là ông ba mươi, là khái. Một số cổ thư còn chép là ô đồ, là đại trùng, là lý nhĩ. Hổ sống chủ yếu ở các khu rừng già, hoạt động rất rộng, lan ra cả rừng tái sinh, cây bụi, lau lách, trảng cỏ cao. Mỗi ngày đêm nó có thể đi xa hơn 30 cây số; hổ thường sống độc thân. Vùng rừng thấp nước ta, trước đây tỉnh nào cũng có, đôi khi chúng lẻn xuống tận miền đồng bằng rình bắt mồi và bắt cả người. Bộ lông hổ có nền màu vàng nhạt hoặc màu da bò. Toàn thân có nhiều sọc ngang màu đen hoặc nâu đen. Đuôi có vòng nâu đen không đều từ gốc đuôi đến mút đuôi. Thỉnh thoảng cũng có cọp trắng. Qua nghiên cứu, các nhà động vật học thấy được chu kỳ sinh lý của loài thú này: Tiết lập thu thì hổ hay kêu; tháng trọng đông thì hổ mới giao cấu. Hổ sinh con tự nhiên nhưng hơi khó nuôi nên cá thể không sống được nhiều như loài thú khác. Hổ thích ăn thịt chó, ăn rồi thì say, thịt chó được xem như là rượu của hổ vậy. Thịt hổ có thể làm thuốc trị chứng âm tà. Xương cốt hổ đem nấu cao thành cao hổ cốt, dược tính của nó có tác dụng chữa trị khá nhiều bệnh mãn tính, nhất là bệnh xương khớp; còn da được dùng nhiều trong kỹ nghệ. Do hổ có sức mạnh và nhanh nhẹn, dân gian thường quan niệm hổ là vị chúa cai quản núi rừng và gọi là chúa sơn lâm. Hổ có những miếng thế võ cực hiểm, ra đòn là quyết hạ ngay đối phương, tính rất quyết đoán. Thời quân chủ, các vị tướng đứng đầu quan võ cầm quân ra trận, bậc tướng soái được cấp “hổ phù” để điều binh khiển tướng, thể hiện uy quyền, sức mạnh của bậc chủ soái.
Hổ dù có sức mạnh, nhưng con người vẫn đủ bản lĩnh để “thuần hóa” được chúng, nhiều con hổ trở thành “diễn viên” làm các tiết mục xiếc. Trong 12 con giáp, hổ (dần) được xếp đứng hàng thứ ba của địa chi. Hổ có tính hay quên, nên không thù dai. Cổ nhân thường bảo: Người cầm tinh hổ, tính hay nóng nảy, ra cửa đụng phải ngọn lá thì mọi chuyện quên ngay. E chỉ là câu nói phỏng mà thôi. Ở tỉnh Thừa Thiên xưa có làng Phù Bài, thuộc huyện Hương Thủy; tỉnh Quảng Trị có làng Thủy Ba thuộc huyện Vĩnh Linh nổi tiếng về “nghề bắt cọp”, nay vẫn lưu truyền.
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng hổ vào Cao đỉnh.
Nằm về phía tây của Kinh thành Huế, ở phường Thủy Biều vẫn còn dấu tích Hổ Quyền, đây thực chất là một chuồng nuôi hổ, và còn có chức năng của một đấu trường hết sức độc đáo hiếm thấy trên thế giới; đấu trường của những cuộc tử chiến giữa voi và hổ được xây dựng dưới thời vua Minh Mạng.

ĐÔNG HẢI

Đông Hải, chỉ vùng biển nằm phía Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam (26), thông với Thái Bình Dương ở phía bắc qua eo Basni. Trong biển Đông có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ở vùng biển này từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 11 hàng năm, thường có gió bão mạnh, nhất là ở khu vực quần đảo Trường Sa, nên còn gọi là quần đảo Bão Tố. Biển Đông đúng là kho tài nguyên vô tận của nước ta. Từ xa xưa, từ thuở Hồng Bàng khai quốc, người Việt đã biết tiến ra làm chủ biển Đông.
Năm Minh Mạng thứ 17, 1836, đúc xong Cửu đỉnh, nhà vua cho khắc hình tượng biển Đông lên Cao đỉnh.
(26). Chỉ vùng biển phía Đông thuộc hải phận của nước ta, không bao gồm cả vùng biển Đông rộng lớn như ngày nay.

LONG

Long, thường gọi là rồng, một linh vật được huyền thoại hóa mang đầy tính siêu nhiên, đứng đầu trong tứ linh: “long, lân, qui, phụng”, xuất hiện hàng ngàn năm trước, được nâng lên thành vật biểu tượng trong văn hóa phương Đông; nó được xem là chúa tể cai quản vùng sông nước (thường được gọi là Long vương). Theo các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, chữ rồng trong tiếng Việt và chữ long trong từ Hán Việt đều bắt nguồn từ krong, krông, klong trong tiếng Đông Nam Á cổ có nghĩa là sông nước. Nó được xem là con vật kết hợp giữa cá sấu và rắn, sinh ra dưới nước rồi bay vút lên trời mà không cần có cánh, miệng vừa phun nước, vừa phun lửa. Một số nhà khảo cổ học khẳng định rằng: “Rồng là con vật đặc thù chung cho tất cả các dân tộc Việt và chính từ đây nó đã đi vào văn hóa Trung Hoa”. Cụ thể hơn, đối với người Việt Nam, truyền thuyết Con Rồng - Cháu Tiên đã có từ thời họ Hồng Bàng lập quốc. Theo tư duy của người Việt cổ thì Rồng - Tiên là một cặp đôi âm dương mà thành, để giải thích cội nguồn tổ tiên của người Việt, trong đó tiên biểu trưng cho giống chim, ở núi non; còn rồng là con vật từ cá sấu và rắn biến thành, ở sông biển. Biểu tượng rồng đã ăn sâu vào đời sống văn hóa Việt. Con rồng nhanh chóng trở thành biểu tượng của quyền lực, gắn với hình ảnh tối thượng của ông vua. Trong tiến trình lịch sử, con rồng của mỗi thời cũng đã thay đổi ít nhiều về đường nét hình dáng. Có thể nói, rồng là một biểu tượng của sự linh thiêng, cương trực, mạnh mẽ, sự vươn lên của một dân tộc. Theo truyền thuyết, cá chép hóa rồng là bởi do kiên trì tu luyện mà thành. Ở vào thời nhà Đinh, bất kể con vật gì, nếu “chịu” tu luyện thành chính quả cũng có thể hóa rồng được.
Năm 1010, vua Lý Công Uẩn đã chọn đất Thăng Long (rồng bay) để định đô nước Đại Việt. Có thể vua Lý đã thấy “dấu vết” rồng tàng cư ở đây sẽ thịnh phát. Cùng với những quan niệm ấy, mà ở nước Nam ta, nhiều vùng đất được lấy chữ long để đặt tên, như: Hoàng Long, Thăng Long, Hạ Long, Bái Tử Long, Long Hưng, Cửu Long, Hàm Rồng, Hàm Long, Vĩnh Long, Kim Long... Người cũng có mạng rồng, con vật được chọn đứng hàng thứ năm trong địa chi của 12 con giáp.
Theo Sách đỏ Việt Nam, hiện nay ở nước ta có loài rồng đất sinh sống, còn có tên rồng tạng, tò te, thuộc họ nhông, bộ có vảy; thường sống ở hang hốc, trong các bụi cây... Rồng đất có giá trị thẩm mỹ cao, nuôi trong các vườn thú; một số nơi còn dùng nó làm nguồn thực phẩm hoặc dược phẩm rất quí.

THIẾT MỘC

Thiết Mộc, tục danh cây gỗ lim, thứ gỗ đứng ở nhóm đầu trong các loại gỗ rừng (đinh, lim, sến, táu), sắc gỗ lim đen tím, bền rắn như sắt đá, người ta thường dùng để làm đình, chùa, đền, xây cung điện, dựng nhà, đóng thuyền, bắc cầu… Thật là thượng phẩm trong loài mộc. Ở trong rừng sâu các tỉnh đều có. Đầu triều Minh Mạng định lệ cấm dân gian mua bán gỗ lim. Sau “nới lỏng” định lệ thì thổ sản tỉnh nào có gỗ lim phải đóng thuế rất cao. Trong lịch sử chống ngoại xâm phương Bắc, từ Ngô Vương Quyền, sang Lê Đại Hành, đến Trần Hưng Đạo đều đã dùng loại thiết mộc này làm cọc nhọn để đóng xuống lòng sông Bạch Đằng, phá tan thuyền giặc.
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng cây gỗ lim vào Cao đỉnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét