Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Hỏa xa Hà Nội - Hải Phòng đầu thế kỷ XX

Xã viên HTX bừa ruộng bên đường tầu.
  Ảnh Văn Quang Đức
Quê tôi ven QL5 nên những ký ức tuổi thơ cũng gắn liền với con tầu nhả khói, xình xịch trên đường ray. Nhớ thời đi học, chúng tôi thường thi nhau đi trên một ray đường. Những hôm đi sớm, tha thẩn sân ga Phạm Xá, trèo lên toa nhặt những viên quặng nhỏ, tối về ra hè đình làng, mài lên gạch, quặng phát sáng thành vệt kéo dài như đường đạn bay. Những chữ viết trên toa tầu hàng: Trọng tải 30 tấn, tự trọng 14 tấn, thế là đã biết khái niệm vật lý giản đơn là toa nặng 14 tấn .... Có đứa bạo tay kéo cái cần hơi, toa tầu phát ra tiếng xì xì vui vui mà sợ.
Hồi đó, có Ông Túc làm ký ga rất lâu, vì cũng quen biết gia đình nên tôi lân la gần phòng gọi tầu. Nhìn ông quay reng reng cho tiếng nói chạy trên những đường dây báo cho ga khác, mà rất phục ông. Rồi ông quay xoạt xoạt, một cái gì đó rơi ra chứa lệnh chạy tầu. Ông cầm cái vòng, trông rộng hơn cái vợt bây giờ nhưng cán ngắn, không có lưới, nhét lệnh chạy tầu vào, cắm lên trước ga là chúng tôi lại đợi xem: khi chạy qua, lái tầu xỏ tay lấy vòng lệnh đó, rất hồi hộp và thích thú.

Đoàn tàu bị trúng mìn tại ga Phạm Xá
ngày 31-1-1954.
Nhìn dọc đường tầu đẹp lắm. Những đêm trăng, hai vệt ray sáng ánh, mờ xa, gió thổi u u trên hàng dây điện thoại rất nhiều dây và đấm sứ, mà ban ngày bọn chim đỗ cả đàn trên đó, trông như những nốt nhạc. 
Tầu hỏa trong tôi là vậy. Lên tám tuổi, thày đưa tôi đi tỉnh chơi, háo hức cả đêm. Vì những tối nằm khu đống mả đầu làng, nghe người lớn bảo, bầu trời sáng đục phía tây là tỉnh đấy. Giá vé tầu 3 hào, tôi không mất vé.
Lần đi đầu tiên đó có nhiều việc nhớ lắm. Buồn ị chạy cuống này, không kể nữa, dơ chết. Lần đó thày mua một cái thớt nghiến, một cái đồng hồ vệ tinh Trung Quốc, bốn cái chén sứ Hải Dương, những thứ đó vẫn còn đến bây giờ, nhưng chỉ còn một chén thôi. Tôi nhớ là hình như được ăn kẹo gì đó và uống nước máy bằng vòi. Không quan trọng vì được đi tỉnh là hơn đứt bọn trong làng rồi.
                                                                 
Nốt nhạc Mùa Xuân trên đường dây tín hiệu.

Sau này thì được đi tầu nhiều mà trốn vé cũng nhiều. Khi dạy học ở Hà Nội, vé chỉ có một đồng tư, nhưng cũng trốn, mà sao cũng lạ không bị bắt bao giờ (lúc đó lương tháng 64 đồng). Một lần đi nuôi mẹ ốm ở bệnh viện huyện, em họ tôi trốn vé (giá 2 hào), tôi ra xin, thấy tôi trình bày hoàn cảnh và mặc quần áo bộ đội, nên họ tha. Khi dạy học ở đây, kèm riêng con bác mới biết đó là bác Bừa trưởng ga phúc đức. 
                 
Ngày mùa trên sông Kinh Thày,
ảnh Văn Quang Đức
Cảm giác nhảy tầu mới lạ, háo hức muốn về nhà nhanh mà cũng vì tầu không đỗ ga nhà. Đó là thói quen người Việt: "đi tắt đón đầu". Nhìn lùm cây vun vút, cột tiêu loáng trắng, nhảy, ngã lăn, chưa bao giờ đau thì phải, hay không còn nhớ nữa. Hai lần nhảy tầu đáng nhớ. Một lần trên tầu điện đường Quán Thánh- Bờ Hồ khi lên Hà Nội chơi năm 1967 nhà bác Hòa, mất một miếng vải đầu gối quần (tiếc nhất), quần “păng” vải “xanh xúy lâm” u mới may cho để đi chơi, chắc có trầy da nhưng không quan trọng vì da liền sau đó vài ngày. Vào nhà anh Khang (anh trai bác Hòa), thấy trên tường treo cái ghita và một cành lá khô mà phục ghê. Lầm nhảy tầu thứ hai, tầu hỏa thật, là đưa bạn gái về quê thăm u, tầu không đỗ Phạm Xá, hai đứa như bao tải lăn xuống chỗ đống Quỵnh, hai đống hồi đó cao lắm, rất sợ vì hoang vắng lại bên là sông Cái có nhiều ma và cướp. Gần sáng về đến nhà, u thức dậy, đi bãi, về đổ ra cơ man nào là cá trê, nấu cơm đãi hai đứa…
Khi đi xa, lòng tôi nhớ tiếng còi thiết tha khi tầu vào ga, tiếng thở phùng phục khi nó rời ga, hơi phì rít  ra bên đường lúc no nê chuyển bánh. Tầu đã cho tôi ngắm sông nước quê hương, bờ đê bãi mía, cánh đồng trắng rạ sau mùa.
Hoàng hôn trên sông Kinh Thầy
Bây giờ tôi ít đi tầu hỏa, nhưng nếu có đi thì không còn gì để ngắm, dọc đường là một con phố dài, dài lắm, miên man đơn điệu. Không còn những hàng tre, con bò lùi xa, không còn thấy dòng sông và dãy núi lượn cong bên cửa toa như xem phim vậy. Tôi nhớ con tầu xưa đó.
Đăng lên một số hình ảnh xưa để nhớ. Ảnh tôi lấy trên mạng, các bạn thông cảm.

 1. Lịch sử
Sau khi chiếm được Bắc Kỳ, Pháp bắt đầu công cuộc khai thác thuộc địa. Đường sắt là phương tiện chuyên chở chủ yếu. Để nối Hà Nội với Hải Phòng, người Pháp đã cho xây dựng tuyến đường sắt dài 102km nối liền hai thành phố này. Ngày 16-6-1902, toàn tuyến được chính thức đưa vào khai thác và kèm theo đó là sự ra đời của ga Hải Phòng.

2. Hệ thống các nhà ga
 
Toàn tuyến dài 102 Km, gồm 22 nhà ga: Hà Nội, Long Biên (Đầu Cầu), Gia Lâm, Cầu Bây (Cổ Bi), Phú Thụy, Như Quỳnh (đã bỏ),  Lạc Đạo, (Đồng Xá, Xuân Đào- nay đã bỏ), Tuấn Lương (Ga mới), Cẩm Giàng, Cao Xá, Hải Dương, Tiền Trung, Lai Khê, Phạm Xá, Phú Thái, Dụ Nghĩa, Chợ Hỗ (đã bỏ), Vật Cách, Thượng Lý, An Dương(đã bỏ), Hải Phòng. Như vậy xưa có 22 (theo trí nhớ của tôi những năm 1970 ngồi tầu đi học và đọc trong cuốn lịch tay), bây giờ chỉ còn 18.

Ga Hàng Cỏ
Ga Hàng Cỏ, ảnh chụp từ đường Hàng Lọng
Từ khi đưa vào hoạt động, năm 1902, ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội) được coi là đầu mối giao thông quan trọng với 5 nhánh đường sắt đến các vùng trong nước.
Khu ga kéo dài gần hết đường Nam Bộ (nay là đường Lê Duẩn), từ đầu phố Sinh Từ (nay là Nguyễn Khuyến) đến Khâm Thiên, là trụ sở các đơn vị quản lý đầu máy, toa xe, thông tin tín hiệu, điều hành vận tải đường sắt. 

Phòng khách đợi tầu Ga Hàng Cỏ, như cung điện

Thời Pháp phố Lê Duẩn gọi là Hàng Lọng, sau năm 1954 đổi thành đường Nam Bộ, sau này mang tên như bây giờ. Khi mới xây khu vực ga, Hàng Lọng qua các thôn Vĩnh Xương, Nam Môn, Hoa Ngư và Tứ Mỹ, tiếp nối các đường từ thành Hà Nội ra Cửa Nam - còn gọi là cửa Diêu Đức. Qua Hàng Cỏ có lối rẽ qua Làng Lương Sử để đến Văn Miếu, mà đi thẳng thì ra hồ Bảy Mẫu xuống Lý Nhân, Nam Định để vào đàng trong, tức Quan Lộ. Sau năm 1946, người Pháp đổi đây thành đường Đờ Lát, nhưng người dân vẫn quen gọi Hàng Lọng.

Ga Đầu Cầu
Ga Đầu Cầu tuy nhỏ nhưng đẹp
và tiện lợi cho khách nhờ có hai lối lên
Vị trí nhà ga góp phần để ưu tiên số đông khách cùng hàng hoá đi xuống cầu là rẽ thẳng vào khu chợ Đồng Xuân hoặc vòng ra bến ô tô (nay là chợ Long Biên) hoặc theo dọc đường Bờ Sông (nay là Trần Nhật Duật) để xuống tàu sông tại các bến rải rác đến Cột Đông hồ (nay là vị trí cầu Chương Dương)  cho tới Phà Đen. 
Thiết kế đơn giản và vững chãi khiến nhà Ga Đầu Cầu tuy nhỏ nhưng đẹp và tiện lợi cho khách nhờ có hai lối lên: hoặc theo dốc cho xe cộ xuống cầu ở phía Hàng Khoai, hoặc leo những bậc thang dốc xuống thẳng phố Duranton (nay là Nguyễn Thiệp).

 
Ga Gia Lâm
Ga Cẩm Giàng

Đường Thạch Lam

Con đường mang tên nhà văn Thạch Lam ở thị trấn Cẩm Giàng, quê hương ba nhà văn: Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo) và Nguyễn Tường Lân (Thạch Lam), nhà ở gần Ga.
Đường Thạch Lam dẫn tới cái sân ga buồn tẻ hoang vắng mà hai chị em Liên và An (những nhân vật chính trong truyện ngắn nổi tiếng của Thạch Lam - Hai đứa trẻ) đã ngồi từ hoàng hôn đến tối sẫm để ngóng những chuyến tàu vội vàng... Ga phố huyện nằm dưới nắng trưa không một bóng người, nhưng cái cô liêu hoang lạnh của những thân phận nghèo khó sống bám vào những chuyến tàu muộn giờ chỉ còn trong nghệ thuật.

Ga Hải Dương, nằm giữa tuyến Hà Nội - Hải Phòng
Thành cổ Hải Dương- Thành Đông

Ga Hải Dương bây giờ, kiến trúc rất thật thà,
như một đầu máy hỏa xa Tự Lực
Ga Phạm Xá quê tôi

Gà Mạnh Hoạch, chỉ có ở Phạm Xá 
Ga Phú Thái- Nơi tôi ở
Đình Huề Trì
                
Xuôi Hải Phòng, khu gian Phạm Xá- Phú Thái, phía trái là núi An Phụ có đền thờ An sinh vương Trần Liễu, qua sông Cái là Đình Huề Trì (phía tây nam núi An Phụ) nơi thờ Thiện Nhân, Thiện Khánh (nữ tướng của Hai Bà Trưng).

Ga Hải Phòng, ga cuối trong lộ trình, là một trong một và ga còn giữ nguyên kiến trúc đến ngày hôm nay. Phúc đức, trận bom B52 ác liệt nhất đánh Hải Phòng, ngày 16 tháng 4 năm 1972 (ngày tôi nhập ngũ)  không chạm vào nó.
Là một ga có kiến trúc đẹp và trong tôi nhiều kỷ niệm, tôi đăng nhiều ảnh để nhớ.


Ga Hải Phòng, số 75 Lương Khánh Thiện, Ngô Quyền - Hải Phòng

Là ga cuối vận chuyển hành khách, nhưng với chức năng vận chuyển hàng hóa, ga Hải Phòng còn có tuyến đường sắt chạy đến cảng Hải Phòng chở hàng hóa từ cảng đến các vùng sâu trong nội địa của Việt Nam và Vân Nam Trung Quốc.

Khối nhà chính nhìn từ sân ga, ảnh chụp không lâu sau ngày khánh thành

Phu lục lộ làm đường, toàn đàn bà

Phu xe chờ trước cửa ga

Nhà ga Hải Phòng là một trong vài nhà ga còn giữ gần như nguyên
vẹn kiến trúc Pháp đến ngày nay.

Những Ga xép xưa (không thuộc tuyến này).

ga Thường Tín
ga Yên Viên


3. Đầu máy toa xe
Đầu máy Michelin qua cầu Phú Lương



Đoàn tầu khách xưa,
(ảnh Ga Thị Cầu, không thuộc tuyến này)





4. Cầu đường sắt


Toàn tuyến có 10 cầu đường sắt, bốn cầu lớn là Long Biên, qua sông Hồng, Phú Lương qua sông Thái Bình, Lai Vu qua sông Rạng và cầu Quay qua sông Tam Bạc.
 
  1 - Cầu Long Biên


Cầu Long Biên- Hà Nội năm 1897
 2 - Cầu Chui
Cầu Chui- Gia Lâm, tầu không chui
 
3 - Cầu Bây
Cầu Bây
 
4 - Cầu Như Quỳnh

Nhu Quynh- Rairoad bridge

5 - Cầu Bà Sinh

6 - Cầu Cẩm Giàng
Cầu Cẩm Giàng
 
7 - Cầu Phú Lương
Cầu Phú Lương xưa 5 nhịp rất đẹp.
   Khi bị bom phá hủy, cầu làm lại như bây giờ

8 - Cầu Tiền Trung
Cầu Tiền Trung, qua lạch nhỏ của sông Rạng
 
9 - Cầu Lai Vu
Cầu Lai vu bị bom năm 1965_ảnh Văn Quang Đức

Cầu Lai Vu xưa có ba nhịp, bắc qua sông Rạng
Cầu Lai vu bây giờ, song song với cầu đường bộ
 
10 - Cầu Tam Bạc (Cầu Quay)
 


Cầu Quay là cây càu đường sắt dài 100m, bắc qua sông Tam Bạc, nằm trên tuyến đường sắt Hải Phòng đi Hà Nội - Lào Cai và Vân Nam do Công ty Pháp Hoả xa Đông Dương và Vân Nam xây dựng.


Kiểu cầu quay không xa lạ gì với các nước trên thế giới. Ở Việt Nam , vào đầu thế kỉ người Pháp đã xây dựng một số cầu quay ở  Hải Phòng, Sài Gòn, Sa Đéc, Bạc Liêu...

Năm 1951 cầu Quay Hải Phòng đổi thành cầu Hoa Lư, đến năm 1954 đổi là cầu Tam Bạc.

2 nhận xét:

  1. Em xin bác bài này, về bên blog em rồi nhé, cảm tạ bác:
    http://giaovn.blogspot.jp/2014/10/uong-sat-nuoc-ong-phap-tuyen-ha-noi-hai.html?showComment=1413445144761#c7761749475501882652

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn cứ tự nhiên. Tôi hay đọc blog của bạn. Rất hay.
      Kỳ này tôi mệt nên chỉ ở FB giao lưu với học trò.

      Xóa