Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

Xuân Bình- Những dòng chảy Hội An

"Cái chúng ta tìm kiếm một cách bản năng khi rời khỏi quê hương, khỏi thường nhật, khỏi môi trường quen thuộc, đó không chỉ là vẻ đẹp đặc thù của phong cảnh hay công trình. Chúng ta còn hy vọng sẽ có thêm chút gì thật là khác thường, một sự lạ nước lạ cái hoàn toàn, một sự “khác biệt” càng lớn càng tốt. Đi thăm chợ Ả rập, phố Ấn độ hay đường mòn châu Phi, chúng ta muốn được sửng sốt trước những người đàn ông và đàn bà có cách sống khác, truyền thống khác và thế giới quan khác. Khác tuyệt đối."(Philippe Papin và Laurent Passicousset)
Tôi cũng từng mang một tâm trạng "bản năng" như vậy khi đến Hội An, say mê ngắm bến nước sông Hoài, nhà phố xưa lô xô mái ngói, dạo bộ trong lung linh ánh đèn đêm. Khi xa rồi, "ngắm" lại Hội An không còn trong hối hả xưa, mới cảm "thấy cây núc nác ngỡ là vàng tâm" về sự hiểu biết của mình. Bài viết của nhà báo Xuân Bình dưới đây cho tôi điều đó. Vì dung lượng bài viết, tôi lược một số đoạn, nhưng vẫn để nguyên phần nào dự cảm "dòng chảy Hội An" trong bài viết của anh.

Sông Hoài Hội An
Di sản nào cho tương lai?
    
Chưa có vùng đất nào của đất nước lại dành cho tôi nhiều tình cảm sâu đậm như Hội An. Ấn tượng đẹp nhất mà Hội An đeo đẳng và lặng lẽ trao tặng tôi trong gần 20 năm qua lại chính là một hoài niệm buồn, tâm trạng lo lắng về thực tại và một chút hoang mang khi dự cảm về tương lai của vùng đất này.
Tôi yêu Hội An không chỉ bởi những nếp phố lô xô, rêu phong, tiếng guốc gõ trên phố vắng hay lung linh ánh sáng đèn đêm hội. Đã có quá nhiều người yêu Hội An theo cách… cổ truyền này rồi. 

Tôi ngỡ ngàng khi nhiều người muốn Hội An biến thành một bảo tàng sống để họ được chiêm ngắm, giải trí hoặc ... chỉ loay hoay vay mượn tín dụng di sản để sinh lợi kim tiền.
Có lúc tôi thực sự đau khổ khi cảm thấy Hội An như một mẹ già từng một thời giàu sang, quyền quý, hôm nay vẫn từng ngày còng lưng, vắt sức mình nuôi bầy con dại.
Không tìm thấy cách khắc chế những ảnh hưởng tiêu cực của du lịch, gia tăng giá trị cho di sản để không hạ giá văn hóa như người Butan. Vắng một bóng dáng một lối tổ chức lễ hội cho có sức lôi cuốn như Edinburgh, Scotland. Thiếu một thái độ ứng xử thông minh như Tel Avip dành cho Jaffa- dấu tích bé nhỏ còn xót lại của cụm cảng cổ bên bờ Địa Trung Hải…Từ ngày được công nhận là di sản văn hóa thế giới, ... một kỳ vận động vậy mà không tìm thấy nhiều những thay đổi từ các sản phẩm du lịch, chưa có đột khởi nào về tầm nhìn, định hướng cho tương lai.

Bến Bạch Đằng 1921
Xa xưa, Hội An biến động bởi hiện tượng bồi lắng cửa Đại dẫn đến xóa bỏ thương cảng, việc vua Chàm dời đô vào Trà Bàn, Vua Thanh Thái Tổ lên ngôi đẩy những người Minh Hương lưu vong hay Nhật Hoàng cấm người dân ra nước ngoài… Ngày nay Hội An còn phải lo đối phó với những tác động, kích thích, xô đẩy từ Hà Nội- Sài Gòn, Đà Nẵng, từ những nhóm lợi ích. Có bao giờ vùng đất này lại chịu nhiều áp lực ghê gớm từ bên trong có thể dẫn đến biến đổi Gen?

Hội An có thể chết nếu đánh mất sự tĩnh lặng, có người Hội An danh tiếng từng nói thế. Vậy mà sân khấu hóa lễ hội ngoại thân, ngoại lai, thô thiển vẫn nhiều lần ngang nhiên xé nát những hình ảnh tinh tế, cảm xúc sâu lắng của sông Hoài. 

Hội An TK 19 qua nét vẽ của người Pháp
Nhiều bản hoạch định khẳng định Hội An sẽ phát triển xoay quanh trục sinh thái- văn hóa vậy mà dự án Ana Mandara sẽ tiếp tục được dựng lên trước cửa ngõ Cẩm Nam, Cẩm Kim. Tuy Ana Mandara có những mô hình kinh doanh rất thành công nhưng nếu Hội An không có một tổng đạo diễn xuất sắc trong bản hòa tấu phát triển và bảo tồn thì những dự án tương tự sẽ chỉ tiếp tục góp phần biến chuỗi khu nghỉ sang trọng trở thành một áp lực, gánh nặng mới cho phố cổ mà thôi. 

Hội An qua nét vẽ của thương nhân Nhật Bản TK 17
          
Nhịp... cầu dài nhất thế giới!

Mật mã chùa Cầu

Gần đây, cầu Cửa Đại đã được khởi công. Nhìn bản thiết kế lại thấy thêm một hình ảnh chẳng đẹp được dựng lên ở cửa ngõ di sản. Đó chỉ là một phương tiện khuyến khích người ta hùng hục trở về, hớt hải ra đi. Vậy là sau chùa Cầu, một biểu tượng cho giai đoạn phát triển mới của Hội An đã tan biến. Một cơ hội để tạo thêm giá trị mới cho hệ thống di sản Hội An đã bị lãng quên. Một chất liệu để gia tăng giá trị bất động sản cũng đã bị gạt bỏ.

Không tìm thấy đâu hình ảnh những cây cầu từng ngày biết sinh lợi về cảm xúc và tiền bạc như ở quận Mandison, cầu cổ Stari Most (Bosnia và Herzegovina), cầu Iron (Anh), cầu Atlantic (Na Uy), cầu Millau Viaduct (Pháp) hay cầu Khaju (Iran)… Bao giờ Hội An mới trở thành “vùng đất có nhiều cây cầu đẹp nhất thế giới” như ở San Diego? Đến bao giờ Norman Foster, Zaha Hadid, Santiago Calatrava… mới có cơ hội để đặt những tác phẩm đỉnh cao của mình trên vùng đất của những dòng sông này?
Chùa Cầu
Trong 65 định nghĩa về “cầu” của từ điển tiếng Việt, có lẽ người Hội An đã chọn một khái niệm… tiêu cực, dễ gây ô nhiễm thị giác và cảm xúc nhất. Trong khi mỗi năm hàng triệu người đến ngắm nhìn, chiêm nghiệm về ý nghĩa sâu xa của chùa Cầu vậy mà Hội An không hề lưu nhớ biểu tượng của chính mình?
Nếu hiểu thực tại như những chỗ trũng, những chướng ngại sông, hồ, mặt nước thì khủng hoảng lớn nhất trong phát triển Hội An hiện nay là chưa tìm được một nhịp cầu hướng tới tương lai mà có sức thuyết phục như cách tiền nhân đã làm.
… Hội An vẫn tiếp tục loay hoay với những khái niệm, định nghĩa đô thị bền vững, đô thị lịch sử, đô thị sinh thái hay đô thị … Nhàn? Có ai thử tìm kiếm một khuyên nhủ từ…. chùa Cầu?

Chiều Hội An


Mặc dù chỉ dài 18 mét, nhưng dựa theo huyền tích xưa, thì đó lại là cây “cầu” dài và lớn nhất thế giới. Đó là điểm trọng yếu trên lưng con Cù (có hình dáng như con rồng). Đầu con Cù ở Ấn Độ, đuôi ở Phù Tang. Mỗi lần con Cù cựa quậy là sẽ động đất dữ dội ở Nhật Bản. Cây cầu được tưởng thưởng như một thanh gươm nhỏ bé dùng để trấn yểm dã quái, cầu mong an lành, trừ bỏ tai họa cho người bản địa cùng nhân dân Nhật Bản. 
Người Nhật có công thiết kế công trình siêu tưởng này. Trong quá trình sử dụng, người Việt và Hoa lại đặt ban thờ thần Bắc Đế Trấn Vũ. Vậy là sức nặng, trọng lượng của cây cầu không nằm ở dầm, mái hay hàng cột. Đó chỉ có thể là ước nguyện mưa thuận, gió hòa là khát vọng hướng đến chữ An- hội An. Phối cảnh, tầm ảnh hưởng, sức lan tỏa của chùa Cầu ít nhất cũng dài hơn 1/5 chu vi trái đất (khoảng cách nối New Deli- Hội An- Tokyo). chùa Cầu nối phố khách và phố Nhật, Hội An phải trở thành điểm tiếp biến, giao thoa giữa những nền văn hóa lớn. Thiết kế theo kiểu thượng gia hạ kiều- thông điệp của công trình định vị rõ: giá trị thực của Hội An không tách rời với các dòng sông, mặt nước. Và khi “giáng bút” đặt tên công trình là Lai Viễn Kiều, biết đâu Minh Chúa Nguyễn Phúc Chu cũng có ý nhắn nhủ: hồn cốt, giá trị của vùng đất này phải được hội tụ, chắt lọc và được mang đến từ những nơi xa, rất xa.
         

Giếng… cảnh tỉnh
...
So với quỹ vốn kiến trúc của nhiều nơi trên thế giới, cái mà Hội An đang sở hữu thực ra là không đáng kể. Pagan, Myanmar cách Hội An 1500 km đường chim bay về phía Tây Bắc, Siêm Riep cách 555 km về phía Tây Nam, hai nơi này có nhiều kiến trúc tôn giáo tiêu biểu và hoành tráng hơn. Luông Phabang cách Hội An 780km, nơi đây nhịp sống hiền hòa hơn. Bali, Indonesia cách Hội An 2700 km về phái Nam, nơi đây có nhiều đảo hơn, bãi biển đẹp hơn và dấu ấn văn hóa bản địa mạnh mẽ hơn….

Vậy thì Hội An hấp dẫn du khách thập phương ở giá trị nào? Cái khó đo đếm nhất và được tích tụ từ rất nhiều giá trị, nhiều nền văn hóa chính là thái độ sống, cách ứng xử và tình người Hội An. Mã nguồn đó của Hội An luôn nhỏ bé, vô hình, phi vật thể. Gen cơ bản đó được tạo nên từ tiếng rao của ông già Ngô Thiếu cả đời bán xíu mà, cách bán hàng của bà Một cả đời bán rau Nhà Quế hay sự bình thản của anh Chung nhiều năm tần tảo rao bán nước giếng Bá Lễ để tạo thêm gia vị khác biệt cho mỗi tô Cao lầu…


Ông già bên hè phố cổ
Có một thời người ta luôn tin rằng những hạt cơ bản tạo nên giá trị vô hình của Hội An sẽ không bao giờ bị biến thái, biến thể.
Vậy mà mới đây thôi, một người bạn tôi, khách mời VIP của một khu nghỉ sang trọng đã bị chính người quản lý nhà hàng từ chối phục vụ bữa ăn tối. Có lẽ vì anh ấy muốn gọi một bữa cơm… Việt hoặc nhà hàng không còn hào hứng phục vụ người…. Việt nữa. Chủ nhân một ngôi nhà cổ (trong danh sách tham quan) đã cười sằng sặc khi có người bạn nói rằng muốn về sống ở Hội An. Một ông giáo bán sách bên đường P, thấy tôi ngó nghiêng tìm sách, ông tranh thủ rao bán ngôi nhà 200m2, một mặt phố, một mặt sông với giá 6 tỷ. Khuôn mặt, ánh mắt và cả nếp da nhăn heo của ông già như chực buột ra những câu cầu khiến, chèo kéo: chú ơi… mua đất cho tôi đi, mua đi! Chân dung ấy tôi cũng bắt gặp ở những em bé làng gốm Thanh Hà bán sáo đất với giá 1500 đồng, những cô gái bán áo mưa cho du khách trên phố cổ với giá 3000 đồng hay những người già chèo đò trên sông Hoài bán giá tour đi chơi trên sông với giá 50.000 đồng/giờ … 


Một góc nhìn khác về Hội An



Có vẻ như một bộ phận người Hội An không hào hứng và bắt nhập với phát triển du lịch. Những người được hưởng lợi nhiều từ di sản phần lớn lại là dân mới nhập cư. Cấu trúc Gen Hội An đang âm thầm biến đổi?
Trong cơn mưa cuối năm tầm tã, có điều gì kéo tôi lang dạt đến giếng Bá Lễ. Những ngôi nhà xấu xí vẫn tiếp tục ngang nhiên chèn ép giếng cổ. Một ban thờ thần giếng đặt tạm bợ trên một mép cửa. Bờ rào kẽm gai như nơi treo những miệng cười nhăn nhở… Có người Hội An nào không mang trong dòng máu của mình một vài giọt Bá Lễ?
Chiếc giếng cổ Bá Lễ có lẽ không trở thành nước chế thuốc trường sinh nổi tiếng như giếng Cam Cốc ở Nam Dương Trung Quốc; Nó không đẹp bằng giếng đá vuông ở Sơn Vy; Nó cũng không góp phần quyết định vận mệnh nhà Mạc như 100 giếng ở Phú Thọ… Nhưng hàng trăm năm qua, với riêng Hội An, giếng Bá Lễ đã vượt qua giới hạn của một nguồn nước. 

Giếng cổ Bá Lễ

Nhiều người nói rằng khi xây giếng người xưa thường lát gỗ lim để cho cát không bị trôi, giếng không bị sập, nguồn nước không cạn kiệt. Nhưng đó chỉ là một lý do nhỏ về kỹ thuật. Theo Chu Dịch: gỗ dưới nước, mộc dưới thủy là một phần tượng quẻ Tỉnh, Thủy- Phong- Tỉnh. Quẻ này bảo rằng: giếng là nơi thấp hơn hết, có làng là có giếng, làng có thể chuyển nhưng giếng không đổi. Nước giếng đi mà không kiệt, chứa lại mà không tràn đầy. Giếng âm thầm nuôi người ta mãi mãi mà chẳng bao giờ ngừng. Cũng như chùa Cầu, lẽ ra giếng Bá Lễ cũng cần được tôn vinh như một biểu tượng lớn của Hội An. Chưa có ẩn dụ nào về tính cách Hội An lại có thể so sánh với giếng cổ này.

 để lại vài giọt  nước gánh đêm ...

Lại nhớ khi luận về giếng và quẻ Tỉnh, Phan Bội Châu từng viết: quân tử xem tượng ấy mới biết rằng: Loài người sinh trưởng với nhau, cũng cần phải có nuôi nhau, làm người trên tất phải nuôi dân, nên thường phải uyên ủy phủ tuất dân luôn luôn. Chẳng những nuôi dân thôi mà cần phải khuyến hiểu cho dân, bày vẽ cho bằng cách giúp đỡ lẫn nhau.


Bởi thế, nhiều lần tôi cứ muốn kéo anh Nguyễn Sự tới cái không gian nhỏ bé, côi cút và buồn bã này. Nếu những công trình xây cất quanh giếng cổ là “hợp pháp” thì chính quyền Hội An nên mua lại và xây dựng nó trở thành một điểm đến. Nơi đó có lầu mái che chắn, ban thờ nghiêm cẩn, đặt bên những khóm tre trúc, chậu sen, cúc là vài chiếc ghế gỗ chắc chắn để du khách hay những người gánh nước ngồi nghỉ. Thỉnh thoảng đồng chí Bí thư thành ủy cùng bạn bè tới đây uống cà phê, chơi tá lả, tự soi, nhìn lại bản thân để rồi cùng bàn việc lo cho dân!


Hội An cần" Nuôi- Sự-Sang".Chơi như Lê Nuôi,
ý chí và kiên định như Nguyễn Sự
và giàu có như Sang Phước Thịnh.

Đâu cứ nhất thiết phải ra Cù Lao Chàm. Vượt sóng, chế ngự biển khơi hay khai phá đảo hoang cũng còn tùy căn số. Ngay hôm nay, biết lo tốt hơn nữa cho dân, bảo đảm cho người dân thực sự được hưởng lợi nhiều hơn từ di sản phố cổ thì mai này muốn trăm nghìn Cù Lao Chàm biến đổi cũng sẽ có cả triệu người góp sức. Đó có phải là Đạo của giếng?






Một số hình ảnh Hội AN

Nắng trưa trên phố Hội An
Buổi sáng ở Hội An

Giếng cổ nằm trong ngõ hẻm

Người Hội An hưởng lợi gì từ di sản?

Một trong 80 giếng cổ ở Hội An
Biển Cửa Đại chỉ cách Hội An chừng 5 km

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét