Thứ Năm, 10 tháng 4, 2025

CARAVAGGIO - BI KỊCH CỦA MỘT THIÊN TÀI...


Chân dung Caravaggio vẽ bằng đá phấn, Ottavio Leoni, khoảng 1621.

 

VỀ CARAVAGGIO (1571-1610)-BI KỊCH CỦA MỘT THIÊN TÀI...

(Những bức tranh như thế này của Caravaggio, phải mất mấy thế kỷ "nhân loại" mới thấy là "đẹp" và "chân thực"...!)
Caravaggio đương thời, được/bị xem là một kẻ càn quấy, huênh hoang, ngông cuồng và ưa gây hấn; một kẻ nát rượu, mê cờ bạc, thích giao du với bọn người bất hảo và rất hay đánh nhau…
Nhìn lại bối cảnh đương thời, trong khi ai cũng đang say sưa với các tiêu chuẩn thẩm mỹ Phục Hưng “vẽ người như Thần” và ai cũng tỏ ra có các dáng dấp quý tộc hoặc thèm muốn các quan hệ giới quý tộc… thì Caravagio cứ như là sự trêu ngươi. Ông quá tự tin vào tài năng và quá triệt để với cách nhìn hiện thực của mình. Ông không quan tâm đến các nguyên tắc “kiểu thức hóa”, và bất cần cả các tiêu chuẩn “chắt lọc”, “thăng hoa” mang tính hình thức đang là thời thượng. Ông cứ mang nguyên cái vẻ xù xì, thô kệch cả về thể chất lẫn cảm xúc của những con người thật chung quanh lên tranh.
Cách suy nghĩ khác quá xa so với tầm thời đại, và cái sự quá trung thực, có lẽ, mới là nguyên cớ chính đẩy ông vào tình trạng “đọa đầy” cả về thân xác lẫn tâm hồn trong đời sống hiện thực. Ông trở thành một kẻ “lập dị”, ương bướng, rất gần với “sự xấu xa”, và rất dễ bị “chụp mũ cho những điều xấu xa”. Tranh của ông đương thời, tuy vẫn được nể phục, nhưng không được nhiều người yêu thích.
Tuy nhiên, người ta cũng đã có thể nhận thấy các dấu vết ảnh hưởng ông ở các nghệ sĩ lớn ngay sau ông như Rubens, Jusepe de Ribera, Bernini, và Rembrandt. Và, thời gian cũng đã ủng hộ ông. Chỉ oái oăm là hơi lâu-mất mấy thế kỷ. Từ đầu thế kỷ 20, ông mới được phát hiện lại, và được nhìn nhận như một thiên tài.
Những bức tranh chủ đề Công Giáo “phi lý tưởng hóa” một thời bị cho là “thô lỗ” của ông đã được nhìn nhận trở lại như là những kiệt tác.
NGUYÊN HƯNG
(Trích từ sổ tay nghệ thuật Công giáo-2016)


Bữa ăn tối ở Emmaus

LÀM SAO ĐỂ NHẬN BIẾT THIÊN CHÚA?

“Bữa ăn tối ở Emmaus” vẽ năm 1601 của Caravaggio, ngày nay, được xem là một kiệt tác của nghệ thuật Công giáo thời Baroque, nhưng đương thời, nó đã gây nên những tranh cãi lớn…

Bức tranh gây sốc cho người xem ở nhiều điểm: Một, cái bàn ăn thừa mứa kia tầm thường như ở một quán nhậu chứ không có cái đạm bạc thiêng liêng của một bàn thờ…; Hai, hình ảnh Chúa Giêsu đã không có râu, lại quá trẻ và hơi có phần giống phụ nữ…; Ba, hành vi của các nhân vật trong tranh tạo cảm tưởng ba người quá thân mật, thậm chí, hơi có phần suồng sã…

Suýt chút nữa bức tranh đã bị hủy bỏ.

May, trong hàng ngũ lãnh đạo Giáo hội La Mã lúc bấy giờ, có người đã hiểu và đồng tình với cách lý giải của Caravaggio: "Một, Thiên Chúa ở cùng chúng ta là ở bất cứ nơi đâu trên thế gian này, không nhất thiết chỉ ở trên bàn thờ, trong nhà thờ, do đó, không cần phải ám chỉ về đó. Điều này trong Kinh Thánh đã nói rõ…; Hai, tại sao Chúa Giêsu đã xuất hiện trước các môn đệ trong một hình hài khác, khiến họ không nhận ra Người cho đến khi Người bẻ bánh? Chẳng phải là vì Người muốn cho các ông hiểu rằng, từ nay, Người có thể hiện thân trong hình ảnh bất kỳ ai, bất kể giàu, nghèo, sang, hèn và luôn ở bên họ, đồng hành với họ sao? Hình ảnh này có gì sai trái với những gì đã được mô tả trong Kinh Thánh?... Ba, không có lý do gì để từ chối sự thân mật và gần gũi trong sự tiếp cận Thiên Chúa. Thiên Chúa không chỉ đến khi chúng ta cầu nguyện hay suy gẫm về Thiên Chúa. Thiên Chúa ở bên cạnh và đồng hành với chúng ta trong từng khoảnh khắc của đời sống… Chẳng phải trong Kinh Thánh cũng đã nói như vậy sao!"

Bảo vệ bức tranh trước tòa án Giáo hội, một Đức Giám mục ở Vatican đã nói:

- “Tôi thực sự nghi ngờ lòng mộ đạo của những ai không nhìn thấy Thiên Chúa trong hình ảnh những người anh em của mình”

- “Tôi thực sự nghi ngờ lòng mộ đạo của những ai “chỉ nhìn thấy” Thiên Chúa ở những nơi thờ kính. Thiên Chúa ở khắp mọi nơi!”

- “Sự cứng lòng, là nguyên nhân mù lòa, ngăn cản chúng ta nhìn thấy Thiên Chúa…”

Nhờ ý kiến này, bức tranh đã được bảo vệ...




Tác phẩm "Bắt Chúa Giêsu" vẽ năm 1602 của Caravaggio (1571-1610) còn có tên là "Nhận lại từ Chúa Giêsu".

Bức tranh, thoạt trông, cũng có vẻ như chỉ mô tả “cái hôn của kẻ phản bội Giuđa”.

Không đơn giản như vậy! Hãy nhìn kỹ bức tranh. Nổi bật trong không gian đêm tối là gương mặt im lặng chịu đựng trước cái hôn của kẻ phản bội và đôi bàn tay đan vào nhau của Chúa Giê-su.

Caravaggio đã thể hiện chủ đề cách khác. Ông diễn tả sự đón nhận của Chúa Giêsu trước sự phản bội này. Khi vẽ, cũng như Giotto và Leonardo da Vinci trước đây, Caravaggio đã nghiền ngẫm kỹ càng câu chuyện trong Kinh Thánh. Trong tranh, ngoài việc mô tả dáng vẻ thô bạo thể hiện qua cánh tay ôm chặt lấy Chúa Giêsu và gương mặt biểu lộ sự xác tín, ông hầu như không tập trung đánh giá hành động “bán Chúa” của Giuđa. Ông tập trung vào Chúa Giêsu. Đặc biệt như muốn nhấn mạnh vào đôi bàn tay đan vào nhau của Chúa Giêsu. Ánh sáng trong tranh cho phép nói như vậy về sự nhấn mạnh này. Ông muốn diễn tả phản ứng của Chúa Giêsu: chấp nhận, chịu đựng. Chính gương mặt hớt hãi trong tư thế quay lưng bỏ chạy của một vị Tông Đồ nào đó (được cho là Thánh Gioan) ngay sau lưng Chúa Giêsu, càng làm rõ nét sự điềm tĩnh chấp nhận của Người…

Chúng ta đã biết, trong Kinh Thánh, hành động bán Chúa Giêsu của Giuđa là có thật. Và, cũng trong Kinh Thánh, chúng ta đã biết, Chúa Giêsu đã biết trước hành động của Giuđa. Ngài chấp nhận điều đó như một sự thật hiển nhiên. Vấn đề này, đã và vẫn đang gây nhiều tranh luận trong các nỗ lực diễn giải Kinh Thánh khác nhau.

Trong cách nhìn của Caravaggio, khi thể hiện đề tài này, ông cho rằng sự chấp nhận trong Đức Vâng Lời của Chúa Giêsu mới là điều đáng chú ý, và đáng suy nghiệm nhất. Phần “nhận lại từ Chúa Giêsu”, chính là thông điệp về sự chấp nhận trong Đức Vâng Lời này! Chúa Giêsu đến thế gian không phải để giành phần thắng theo cái nhìn thế tục. Chúa Giêsu đến thế gian và chịu khổ nạn, để chứng minh sự tất thắng của CÁI THIỆN. Đôi bàn tay đan vào nhau của Chúa Giêsu biểu thị cho sự kiềm chế các phản ứng trần thế mà Người đang mang vác trong hình hài con người. Chúa Giêsu trước đó đã làm vô số Phép Lạ của một sức mạnh Siêu Nhiên, và không ai có thể bắt được Người. Nhưng Người đã không dùng cái SỨC MẠNH SIÊU NHIÊN ĐÓ để ĐỐI KHÁNG VỚI BẠO LỰC CỦA CON NGƯỜI. Người đã chấp nhận để bị bắt, chịu cực hình rồi chịu đóng đinh trên Thập Tự Giá trong dáng vẻ yếu đuối của con người. Chỉ trong dáng vẻ này, Người mới làm thức tỉnh lương tri con người. Bởi, chính sự thức tỉnh lương tri mới là nền tảng của đạo đức. Và đó là Thánh Ý Chúa…

Với Caravaggio, hình ảnh Giuđa với bàn tay thô bạo và vẻ mặt xác tín, chỉ là biểu tượng cho sự u mê, tham lam bán mình cho các loại quyền lực trần thế của con người mà thôi. Có lẽ, ý tưởng của ông là quá mới lạ, quá táo bạo so với cách nghĩ đương thời, nên tác phẩm này của ông, suốt gần 4 thế kỷ sau đó, đã bị chìm khuất trong bóng tối. Cả thời gian dài, người ta không biết về sự tồn tại của nó, ngoài một số giai thoại đủ loại về nó - từ chuyện các phát biểu của ông vừa nêu cho đến chuyện hình ảnh người thanh niên cầm đèn ở góc phải tranh là chính ông…

Mãi đến năm 1990, tác phẩm “Bắt Chúa Giêsu” này của Caravaggio mới được tìm thấy một cách tình cờ trong phòng ăn của các linh mục dòng Tên ở Dublin (Ireland). Những khảo sát sau đó đã xác nhận đây là một bức tranh thật của Caravaggio, và từ 1993, nó đã được chuyển về treo tại Thư viện Quốc gia Ireland.


"KÊU GỌI MATTHÊÔ" CỦA CARAVAGGIO.

Hình ảnh trong tranh thể hiện sự kiện Chúa Giêsu cùng Thánh Phêrô vào nhà người thu thuế Lêvi (tên của Thánh Matthêô trước khi ông trở thành Tông đồ) và kêu gọi ông hãy từ bỏ tất cả mà theo mình.

Trong bức tranh này, Caravaggio đã sử dụng các thủ thuật tương phản để nhấn mạnh chủ đề. Trước hết, là sự tương phản của những hình ảnh phân biệt sang, hèn trong cách nhìn nhân gian. Lêvi và các cộng sự đều ăn mặc sang trọng, đang ngồi đếm tiền, trong khi, cả Chúa Giêsu lẫn Thánh Phêrô đều đi chân đất và có dáng dấp không khác bất cứ người Do Thái nghèo hèn nào. Sự tương phản như vậy đã làm sáng tỏ ý nghĩa của sự "từ bỏ" nơi Thánh Matthêô. Tương phản tiếp theo là ánh sáng. Ánh sáng trong tranh, vừa hết sức tự nhiên, vừa như mới thoát ra từ khung cửa sổ nào đó cùng với sự xuất hiện bất chợt của Chúa. Ánh sáng nơi cánh tay Chúa Giêsu và nơi bàn tay Thánh Phêrô hướng về Lêvi, cùng ánh sáng thuận chiều như đang biểu hiện cho ý nghĩa của ơn "Kêu gọi"... Thêm nữa, theo nhiều nhà phê bình đương thời, cánh tay đưa ra của Chúa Giêsu khiến gợi nhớ đến cánh tay "ban phát sự sống" của Đức Chúa Trời trong phần tranh thể hiện cảnh tạo thành Ađam mà Michelangelo đã vẽ trên vòm nhà nguyện Sistine trước đó...

"Trong dáng vẻ nghèo hèn, Thiên Chúa đã mang lại ánh sáng và sự sống!" - đó là điều có thể khái quát từ hình ảnh trong tranh

(Đây là một trong bộ ba tác phẩm "Công nghiệp Thánh Matthêô" vô cùng nổi tiếng, đã tạo nên những ảnh hưởng lớn - mở đường cho hội họa Baroque...- mà Caravaggio vẽ cho nhà nguyện Contarelli trong nhà thờ của cộng đoàn nói tiếng Pháp San Luigi dei Francesi, ở Rôma, theo yêu cầu của Đức Hồng Y Matteo Contarelli, trong khoảng thời gian từ 1599 đến 1602.)


“THÁNH PHAOLÔ TRÊN ĐƯỜNG ĐẾN DAMASCUS”-
KIỆT TÁC VƯỢT TẦM THỜI ĐẠI CỦA CARAVAGGIO.

Trong lịch sử nghệ thuật Công giáo, hình tượng Thánh Phaolô chiếm một vị trí hết sức quan trọng. Điều này là do vị thế của ông: Ông được xem một trong những cột trụ của hội thánh tiên khởi, và là một nhân tố quan trọng đóng góp cho sự phát triển Thiên Chúa Giáo thời kỳ sơ khai.

Rất khó thống kê hết số lượng tranh, tượng thể hiện hình tượng Thánh Phaolô. Riêng icon với hình ảnh tượng trưng về Thánh Phaolô một tay cầm kiếm một tay ôm sách Thánh đã là vô số kể…

Trong vô số tranh, tượng thể hiện hình tượng Thánh Phaolô đó, có rất nhiều tác phẩm được xếp vào hàng kiệt tác của những tên tuổi lừng lẫy như Michelangelo, Raphael, Caravaggio, Titian, Rubens v.v…

Phần lớn những kiệt tác này, chủ yếu tập trung vào chủ đề “Thánh Phaolô trên đường đến Damascus”. Đối với các tín hữu Thiên Chúa Giáo, đây là một chủ đề không xa lạ. Nó thể hiện “Ơn Biến cải” mà Thiên Chúa đã dành cho Thánh Phaolô. Thánh Phaolô, trước đó, với tên Saul, là một kẻ quyết liệt săn đuổi và bách hại các tín đồ Thiên Chúa Giáo đầu tiên. Nhưng sau biến cố trên đường đến Damascus, ông đã trở thành một Sứ đồ của Chúa.

Theo ký thuật của sách Công vụ, biến cố đó như sau: “Bấy giờ, Saul chỉ hằng ngăm đe và chém giết môn đồ của Chúa không thôi, đến cùng thầy cả thượng phẩm, xin người những bức thư đề gởi cho các nhà hội thành Damascus, hầu cho hễ gặp người nào thuộc về đạo, bất kỳ đàn ông đàn bà, thì trói giải về thành Jerusalem. Nhưng Saul đang đi đường gần đến thành Damascus, thình lình có ánh sáng từ trời soi sáng chung quanh người. Người té xuống đất, và nghe có tiếng phán cùng mình rằng: Hỡi Saul, Saul, sao ngươi bắt bớ ta? Người thưa rằng: Lạy Chúa, Chúa là ai? Chúa phán rằng: Ta là Giê-su mà ngươi bắt bớ; nhưng hãy đứng dây, vào trong thành, người ta sẽ cho ngươi mọi điều phải làm. Những kẻ đi cùng với người đều đứng lại sững sờ, nghe tiếng nói mà chẳng thấy ai hết. Saul chờ dậy khỏi đất, mắt dẫu mở, nhưng không thấy chi cả; người ta bèn cầm lấy tay dắt người đến thành Damascus; người ở đó ba ngày, chẳng thấy, chẳng ăn và cũng chẳng uống.” (Công vụ 9. 1-9; xem thêm lời giải trần của Phao-lô trước Vua Agrippa ở Công vụ 26, và Galatians 1. 13-16).


"CUỘC TỬ NẠN CỦA THÁNH PHÊ RÔ" CỦA CARAVAGGIO.

"Cuộc tử nạn của Thánh Phêrô". Đây là bức tranh thứ hai Caravaggio vẽ năm 1600, theo yêu cầu của Đức Hồng y Tiberio Cerasi.

Cũng như bức kia-“Thánh Phaolô trên đường đến Damascus” (Tôi mới giới thiệu cách đây mấy hôm)-bức tranh này cũng đã bị Đức Hồng y Tiberio Cerasi từ chối, bởi tính chất hiện thực "tầm thường" của nó. Và, cũng như bức kia, ngay sau khi Đức Hồng y Tiberio Cerasi đột ngột qua đời, Đức Hồng y Sannessio kế nhiệm, đã hết lời khen ngợi và đưa vào nhà nguyện Cerasi trong Thánh đường Santa Maria del Popolo, ở Rome.

***

Cũng như trong bức kia-“Thánh Phaolô trên đường đến Damascus”-trong bức tranh này, Caraveggio đã thể hiện là một bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ tượng trưng của ánh sáng một cách tự nhiên. "Ánh sáng Thiên Chúa" như tỏa ra từ vị Thánh, còn những kẻ hành quyết Người thì đang khuất mình trong tối tăm-u mê và sợ hãi...

Và, cũng như với bức kia-“Thánh Phaolô trên đường đến Damascus”-với bức này, Caravaggio đã thể hiện một cách lý giải chủ đề khác hẳn với cách lý giải của những người đương thời. Về Thánh Phaolô, khi mọi người tin rằng, đó là một con người hết sức mạnh mẽ (kẻ đã săn đuổi và bức hại những người theo Chúa), thì Caravaggio lại thể hiện ông đang ngã ngựa với dáng dấp yếu đuối; còn Thánh Phêrô, thường được diễn tả như một người yếu đuối (Kẻ đã ba lần chối Chúa), thì ông lại diễn tả đang đón nhận cái chết trong một dáng dấp vô cùng mạnh mẽ... Sự "khác hẳn" này ở Caravaggio, gần 200 năm sau, đã được nhìn nhận là một cái nhìn "đầy thuyết phục" của một người tinh thông Thần học và hiểu biết tâm lý con người...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét