Vẻ đẹp phụ nữ Nhậtqua các thời kỳ lịch sử
Như thế nào là một người đẹp? Mỗi nền văn hóa khác nhau lại có những tiêu chuẩn riêng để định nghĩa khái niệm này, và thậm chí trong cùng một nền văn hóa thì quan niệm về vẻ đẹp cũng không ngừng biến đổi. Vậy liệu một mỹ nhân được ngưỡng mộ vào thời Heian có được đánh giá là đẹp theo quan điểm hiện đại?
Thời Heian (794-1185)
Người đẹp thời Heian sở hữu nhiều nét khác biệt so với tiêu chuẩn sắc đẹp thời hiện đại. Đặc điểm của mỹ nhân thời này là thân hình đầy đặn, khuôn mặt tròn và phúng phính, mắt dài và hẹp, lông mày vẽ đậm, miệng chúm chím, làn da trắng sứ cùng mái tóc đen dài óng ả.
Vào thời đại này, có rất ít người được ăn uống đầy đủ nên phụ nữ có thân hình đầy đặn được coi là xinh đẹp, tượng trưng cho sự giàu có.
Còn về làn da trắng, ở thời Heian, các cung điện nơi quý tộc sinh sống không được xây dựng để đón ánh sáng mặt trời, bên trong tối đến mức cần thắp đèn vào ban ngày. Người ta nói rằng, phấn trắng được ra đời vào thời này nhằm giúp các nữ quý tộc trông nổi bật hơn dưới ánh sáng lờ mờ.
Ngoài ra, do chất lượng phấn kém nên khi để lâu sẽ bị khô và bong tróc trên da, vì vậy họ sẽ thường phủ một lớp phấn rất dày. Nhìn vào những bức tranh cuộn thời này sẽ thấy phụ nữ thường dùng quạt che mặt và họ cũng cố gắng hạn chế cười để ngăn lớp phấn trắng bong ra.
Mái tóc đen dài cũng được cho là cần thiết để làm nổi bật khuôn mặt và độ trắng của da. Lông mày được cạo và vẽ lại bằng mực ở vị trí cao hơn một chút so với lông mày thật.
Bên cạnh đó, phụ nữ quý tộc thời Heian còn có tục nhuộm răng đen (được gọi là ohaguro) để tăng tính thẩm mỹ, đồng thời duy trì hàm răng khỏe mạnh.
Và nhắc đến biểu tượng sắc đẹp thời Heian, dĩ nhiên phải kể đến Ono no Komachi, nữ thi sĩ được người Nhật ca tụng là một trong ba mỹ nhân đẹp nhất thế giới (世界三大美人), sánh vai cùng Nữ hoàng Cleopatra và Dương Quý Phi.
Ngày nay, không còn bức chân dung nào của Komachi được lưu lại từ thời Heian, hay nói cách khác không ai biết được mặt thật của nàng. Tất cả các bức họa về nàng đều được vẽ bởi các họa sĩ ở thời đại sau, và sự bí ẩn đó lại càng kích thích trí tưởng tượng của con người.
Thời Edo (1603-1868)
Đến thời kỳ Edo, tiêu chuẩn sắc đẹp đã có những thay đổi. Làn da trắng, tóc đen dày, mắt nhỏ, khuôn miệng nhỏ tiếp tục được ưa chuộng, nhưng ở thời này, mọi người bắt đầu ngưỡng mộ một khuôn mặt thon với sống mũi thẳng.
Ngoài ra, vầng trán hình núi Phú Sĩ (富士額 – fujibitai), chỉ kiểu đường chân tóc trên trán có hình dạng giống như Núi Phú Sĩ, cũng trở thành tiêu chuẩn. Trán Phú Sĩ, hay chính là trán chữ M, có đặc điểm là khi hất tóc mái lên, khuôn mặt sẽ trở thành hình trái tim.
So với thời Heian, vẻ đẹp ở những bộ phận khác ngoài khuôn mặt như ngón tay hay bàn chân cũng được chú ý nhiều hơn. Người ta nói rằng tất cả những phụ nữ xinh đẹp thời Edo đều có ngón tay thon thả, đôi chân trần xinh đẹp và vẫn rạng ngời ngay cả khi tóc không được tạo kiểu.
Khoảng thế kỷ 18 là thời điểm Bijin-ga (美人画 – Mỹ Nhân Họa) ra đời, đây là dòng tranh khắc gỗ lấy chủ đề về giai nhân. Một bức họa kinh điển thời này là "Toji San Bijin" (nghĩa là "ba mỹ nhân ngày ấy") của danh họa Utamaro Kitagawa (1753-1806), vẽ ba người đẹp Tomimoto Toyohina, Naniwaya Okita và Takashima Hisa. Nhìn vào những mỹ nhân này, dễ thấy họ đều có khuôn mặt dài, sống mũi thẳng và đôi mắt xếch.
Đến cuối thời Edo, công nghệ chụp ảnh được du nhập vào Nhật Bản đã dẫn đến những thay đổi về tiêu chuẩn sắc đẹp. Một mỹ nhân đại diện cho giai đoạn này là Kusumoto Takako. Nàng có 1/4 dòng máu Đức, là cháu gái của nhà thực vật học người Đức Philipp Franz von Siebold và con gái của bác sĩ sản khoa Kusumoto Ine - người phụ nữ Nhật Bản đầu tiên được đào tạo về y học phương Tây.
Thời Meiji (1868-1912)
Tiếp nối xu hướng cuối thời Edo, với sự du nhập của văn hóa phương Tây thì định nghĩa về sắc đẹp đã thay đổi theo hướng gần hơn với thời hiện đại. Khi nhiếp ảnh trở nên thịnh hành, mọi người bắt đầu ưa chuộng những đường nét sắc nét, vốn trông “ăn ảnh” hơn. Mắt hai mí to tròn dần được xem là tiêu chuẩn, trong khi đó việc để lông mày tự nhiên cũng thay thế cho cạo lông mày.
Từ năm 1870, tục nhuộm răng đen đã bị cấm như một phần của “nền văn minh và khai sáng” của chính quyền Minh Trị, kéo theo việc hàm răng trắng trở thành tiêu chuẩn. Việc để lông mày tự nhiên cũng được Hoàng hậu Shoken tiên phong, trở thành một biểu hiện của vẻ đẹp và sự tiến bộ theo phong cách phương Tây.
Từ khoảng giữa thời Minh Trị, với sự phổ biến của thẩm mỹ phương Tây thì thực hành thẩm mỹ của Nhật Bản cũng theo hướng tự nhiên hơn. Việc phủ phấn trắng dày vẫn phổ biến theo truyền thống nhưng không còn được giới sinh viên nữ tiến bộ ưa chuộng.
Thời Showa (1926-1989)
Không khác biệt nhiều so với tiêu chuẩn sắc đẹp thời Minh Trị, nhưng vẻ đẹp thời Showa vẫn đáng nhớ khi được tô điểm bởi những bông hoa màn bạc và nhiều người nổi tiếng khác.
Truyền hình trở nên phổ biến với người dân, và những nhân vật xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng như diễn viên, ca sĩ, thần tượng trở thành hình mẫu của cái đẹp.
Thời Heisei (1989 – 2019) đến nay
Khuôn mặt nhỏ hình trái xoan, mắt hai mí to tròn, sống mũi thẳng vẫn là tiêu chuẩn phổ biến nhất cho một gương mặt đẹp trong thời hiện đại. Về đặc điểm hình thể, làn da trắng, dáng người mảnh mai và chiều cao khoảng 160cm cũng được phụ nữ Nhật ưa chuộng.
Tuy nhiên, với những ảnh hưởng của thời đại, tiêu chuẩn đẹp đã trở nên đa dạng, nhiều màu sắc hơn. Mọi người có thể tận hưởng thời trang và theo đuổi vẻ đẹp không theo khuôn mẫu, bất kể hình dáng cơ thể hay cấu trúc khuôn mặt. Từ phong cách dễ thương (kawaii) cho đến bodikon đầy quyến rũ, hay làn da bánh mật kiểu gangaru..., có rất nhiều phong cách sáng tạo mà những phụ nữ trẻ ở Nhật theo đuổi.
Và với sự phổ biến của internet, chúng ta dễ dàng tìm thấy những vẻ đẹp đa dạng đến từ khắp nơi trên thế giới. Do đó ngày nay, việc định nghĩa “Bijin” dựa trên một bộ tiêu chuẩn nhất định đã không còn mấy phù hợp với thời đại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét