Thứ Ba, 1 tháng 10, 2024

CHÚA GIÊSU TRONG HOANG MẠC

 “CHÚA GIÊSU TRONG HOANG MẠC”-MỘT TUYỆT TÁC CỦA IVAN KRAMSKOY (1837-1887)

Chép từ Fb Nguhuart

Chúa Kitô trong hoang mạc - Ivan Kramskoy, 1872


Kramskoy từng thú nhận rằng ông đã vẽ “Chúa Giêsu trong hoang mạc” bằng nước mắt và máu. Ông đã bỏ ra rất nhiều thời gian và tâm trí cho tác phẩm. Đã vẽ rất nhiều phác thảo và khảo hoạ.
Chủ đề Chúa Giêsu bị cám dỗ đã ám ảnh Kramskoy ngay từ khi ông còn đang học ở học viện nghệ thuật Hoàng gia. Bắt đầu từ sự yêu thích tác phẩm “Chúa Giêsu xuất hiện trước công chúng” của Alexandr Ivanov. Trong 10 năm, Kramskoy liên tục quay lại với bức tranh. Bức đầu tiên hoàn thành năm 1867, nhưng ông cho rằng nó không thành công và tự tay huỷ bỏ. Hai năm sau, Kramskoy đến Châu Âu, và nghiên cứu các tác phẩm của các bậc thầy được công nhận. Cuối cùng, ông đã tìm thấy giải pháp phù hợp để thực hiện tác phẩm của mình. Từ bố cục dọc ban đầu, ông đã chuyển sang bố cục ngang. Ông hoàn thành bức tranh ở Crimea vào năm 1872.
Chủ đề của bức tranh được lấy từ Tân Ước, thể hiện câu chuyện Chúa Giêsu bị cám dỗ trong khoảng thời gian 40 ngày tự xét mình trong hoang mạc. Nhưng Kramskoy không chọn cách minh họa câu chuyện trong Kinh Thánh. Ông muốn lột tả thế giới nội tâm của nhân vật.
Trong một bức thư nổi tiếng gửi cho Vsevolod Garshin, Kramskoy đã giải thích về bức tranh: “Tôi thấy rõ rằng mỗi người trong chúng ta luôn sẽ phải đối diện với các cám dỗ và luôn phải tự xét mình trước mỗi lựa chọn. Chúng ta sẽ nhường bước cho ma quỷ hay sẽ hướng đến sự thánh thiện. Tôi muốn thể hiện điều đó.”


Bố cục của bức tranh thật hoàn mỹ. Khuôn mặt và bàn tay của Chúa Giêsu là hai trung tâm thu hút ánh nhìn người xem. Trên khuôn mặt của Ngài, có dấu vết của những suy nghĩ đau đớn. Có cả biểu hiện của sự khiêm tốn và chấp nhận số phận.
Đường chân trời chia bức tranh thành hai thế giới: hoang mạc lạnh lẽo, vô hồn và bình minh đang lên. Ánh sáng rực rỡ của một ngày mới dường như tuyên bố chiến thắng của ánh sáng. Đôi bàn tay siết chặt của Chúa Giêsu nằm chính xác ở điểm gặp nhau của các trục đường chính trong bố cục, như ở giữa ngã ba của các thế giới-với đôi bàn tay này, cuộc sống mới sẽ được tạo ra. Bàn chân của Chúa Giêsu đầy thương tích. Nó chuyển tải thông điệp về một sự trải qua đau đớn trong một chặng đường dài không ngừng nghỉ trong bóng tối. Nhưng rồi bình minh đã đến.
Nhiều nhà phê bình trách móc Kramskoy đã tước bỏ Thần tính nơi Chúa Giêsu. Vẽ Chúa Giêsu quá con người. Sự trách móc này, được Kramskoy đón nhận như một lời khen ngợi.
Kramskoy đã trưng bày bức tranh “Chúa Giêsu trong hoang mạc” tại cuộc triển lãm lần thứ hai của nhóm “Các hoạ sĩ lưu động” và đã gây được tiếng vang lớn. Bức tranh được cho là lạ bởi cách bố cục giàu tính hình tượng, tạo cảm giác dồn nén về cảm xúc nhưng mở rộng về tư tưởng.
Ban đầu, bản thân Kramskoy không tin rằng người xem, sẽ có người hiểu được những gì ông muốn trình bày trong tác phẩm. Tuy nhiên, có rất nhiều người muốn mua bức tranh. Kết quả là nó đã đến tay Pavel Tretyakov, người đã đưa ra sáu nghìn rúp-một số tiền rất lớn lúc đó-theo yêu cầu của nghệ sĩ. Nhà sưu tập thừa nhận rằng đây là một trong những tác phẩm yêu thích nhất của ông.
Sau bức tranh này, Kramskoy tiếp tục với các chủ đề trong Kinh Thánh. Ông bỏ nhiều năm để thực hiện bức tranh thể hiện Chúa Giêsu trong toà án Philatô. Tiếc là do phải vẽ chân dung liên tục để có thể nuôi sống gia đình chiếm hết thời gian, cộng thêm cái chết của hai đứa con trai yêu quý và sức khỏe suy kiệt đã ngăn cản ông hoàn thành tác phẩm tâm huyết này. Bức tranh chưa hoàn thành hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Nga ở St. Petersburg.
Vào những năm cuối thế kỷ 19 đầy biến động ở Nga, bức tranh “Chúa Giêsu nơi hoang mạc" của Ivan Kramskoy đã trở thành tâm điểm cho các bàn luận về nghệ thuật và chính trị. Vượt qua ý nghĩa tôn giáo, tác phẩm đã được đón nhận như một lời kêu gọi tầng lớp trí thức Nga hãy xét mình và thức tỉnh...!
.
(Trích từ sổ tay nghệ thuật Công giáo-2011)