Thứ Ba, 22 tháng 10, 2024

BẢN CHẤT CỦA NGƯỜI Chương 1

 

Bản Chất Của Người

Mục Lục

·         Bản Chất Của Người

·         Chương 1 Con chim non

·         Chương 2 Hơi thở đen

·         Chương 3 Bảy cái tát

·         Chương 4 Thép và máu

·         Chương 5 Mắt của đêm

·         Chương 6 Về nơi hoa nở

·         Kết Ngọn đèn tuyết phủ

·        

        Han Kang

Kim Ngân dịch

Nhà Xuất Bản Hồng Đức

Văn Lang phát hành




Chương 1

Con chim non

Hình như trời sắp mưa.

Cậu lầm bầm thành tiếng.

Lỡ trời đổ mưa thật thì biết làm sao.

Cậu nheo mắt nhìn hàng cây ngân hạnh trước ủy ban tỉnh. Như thể giữa những cành cây đang lay động sẽ chợt hiện ra hình hài của gió. Như thể những giọt mưa ẩn mình giữa khoảng không sẽ nhất tề bắn ra tựa những viên đá quý trong suốt lấp lánh giữa không trung.

Cậu mở to mắt. So với lúc nhìn nheo mắt, hình dạng cây lá trông lại mờ nhòe hơn. Chắc hôm nào phải đi đo kính thôi. Cậu nhớ tới khuôn mặt sưng sỉa đeo đôi kính gọng sừng vuông màu hạt dẻ của anh ba, rồi khuôn mặt anh bị tiếng la hét vỗ tay vọng tới từ phía đài phun nước át mất và mờ nhạt dần. Anh ba kêu cứ đến mùa hè là kính tuột xuống theo sống mũi, còn mùa đông thì hễ bước vào trong nhà mắt kính lại bám đầy hơi nước chẳng nhìn thấy gì. Nếu mắt không kém hơn, liệu cậu có thể không đeo kính được không nhỉ?

Lúc anh còn nói tử tế thì nghe lời đi. Về nhà ngay cho anh.

Cậu lắc lắc đầu, cố gạt giọng nói đầy giận dữ của anh ba ra khỏi tâm trí. Từ cái loa trước đài phun nước vọng tới giọng nói lanh lảnh của cô gái trẻ đang cầm micro. Từ chỗ cầu thang lối vào Nhà thi đấu nơi cậu đang ngồi đây không nhìn thấy đài phun nước. Muốn xem được lễ truy điệu dù là từ xa thì cũng phải đi vòng ra phía bên phải tòa nhà. Chẳng nhất thiết phải làm như vậy, cậu ngồi đó dỏng tai nghe.

Kính thưa quý vị, thi thể những người dân yêu quý được tập hợp ở bệnh viện Chữ thập đỏ hiện đang được đưa tới đây.

Sau tiếng cô gái bắt nhịp, Quốc ca bắt đầu vang lên. Giọng hát của hàng ngàn người chồng chất tầng tầng lớp lớp như một ngọn tháp cao hàng ngàn mét, át hẳn giọng hát của cô gái. Giai điệu nhọc nhằn leo lên đến cao trào để rồi lại lao thẳng xuống, cậu cũng khe khẽ cất giọng hát theo.

Hôm nay liệu có bao nhiêu người chết được đưa đến bệnh viện Chữ thập đỏ nhỉ? Hồi sáng lúc cậu hỏi, anh Jin Soo đã trả lời ngắn gọn. Chắc khoảng ba chục người. Trong lúc đoạn điệp khúc của bài Quốc ca trĩu nặng lại chồng chất vươn cao như một ngọn tháp vời vợi rồi đổ ập xuống, ba chục chiếc quan tài hẳn sẽ lần lượt được hạ xuống từ trên xe tải. Hẳn chúng sẽ được xếp thành hàng bên cạnh hai mươi tám chiếc khác mà hồi sáng, cậu đã cùng các anh khiêng từ Nhà thi đấu tới đặt trước đài phun nước.

Trong số tám mươi ba chiếc quan tài nằm ở Nhà thi đấu, còn tổng cộng hai mươi sáu chiếc vẫn chưa được làm lễ truy điệu tập thể, tối qua có thêm hai gia đình xuất hiện nhận dạng thi thể, sau đó vội vã làm lễ nhập quan nên số lượng quan tài đã tăng lên thành hai mươi tám. Sau khi ghi thêm số hiệu quan tài và họ tên của những người đó vào sổ, cậu đánh một dấu ngoặc dài bao trọn phần danh sách và viết "Lễ truy điệu tập thể 3". Vì anh Jin Soo đã dặn rằng, nếu như không muốn lễ truy điệu tiếp theo lại khiêng ra nhầm quan tài đã làm lễ rồi thì phải ghi chép cho kỹ càng. Lễ truy điệu lần này cậu cũng muốn được tham gia, nhưng anh Jin Soo bảo cậu cứ ở lại Nhà thi đấu.

Biết đâu có ai đến thì sao. Em cứ ở đây trông cho cẩn thận.

Tất cả các anh các chị làm việc cùng cậu đều đã ra chỗ lễ truy điệu. Gia quyến người chết đã thức mấy đêm liền bên quan tài, họ cài băng đen bên ngực trái, chầm chậm đi theo sau quan tài như những bù nhìn bên trong độn đầy cát hay vải vụn. Chị Eun Sook nán lại với cậu tới tận phút cuối, cậu bảo em không sao đâu, chị mau đi đi, nghe vậy, chị cười thoáng lộ răng khểnh. Vì chiếc răng khểnh đó mà ngay cả lúc gượng cười vì ngượng nghịu hay thấy có lỗi, vẻ mặt chị cũng trông có chút gì đó như đang đùa giỡn.

Vậy chị ra xem phần mở đầu rồi sẽ về ngay nhé.

Còn lại một mình, cậu ngồi ghé lên cầu thang lối ra vào Nhà thi đấu. Đặt trên đầu gối là cuốn sổ ghi chép đóng hai bìa trước sau bằng giấy các tông màu đen. Bên dưới lớp vải quần thể dục màu da trời nhạt, bậc thang xi măng thật lạnh lẽo. Cậu cài khuy kín mít chiếc áo tập quân sự khoác bên ngoài bộ đồ thể dục, khoanh chặt hai tay trước ngực.

Giang sơn hoa lệ nước non ngàn dặm hoa bất tử[1]

Đang hát theo thì cậu dừng lại. Cậu nhắc lại câu "Giang sơn hoa lệ" và nhớ tới chữ "Lệ" từng học trong giờ Hán văn. Đó là một chữ đặc biệt nhiều nét mà bây giờ cậu cũng chẳng tự tin mình sẽ viết đúng. Là giang sơn có hoa nở đẹp, hay là giang sơn đẹp như hoa nhỉ? Hiện chồng lên trên chữ Hán đó là hình ảnh khóm thục quỳ mọc nơi góc sân mà cứ tới mùa hè mấy bông hoa sẽ nhô vọt lên cao quá đầu cậu. Những thân cây dài thẳng đuột, vươn lên tua tủa những bông hoa nhìn như những chiếc đĩa tròn bằng vải trắng. Cậu nhắm mắt lại vì muốn hồi tưởng thật trọn vẹn. Khi mắt cậu hé mở, hàng ngân hạnh trước ủy ban tỉnh vẫn đang đung đưa trong gió. Chưa một giọt mưa nào òa ra từ giữa cơn gió.

Có vẻ như sau khi Quốc ca kết thúc người ta vẫn chưa sắp xếp xong mấy chiếc quan tài. Giữa tiếng ồn ào huyên náo của đám đông mơ hồ vẳng tới tiếng ai gào khóc. Có lẽ để kéo dài thời gian, lần này cô gái cầm micro đề nghị mọi người hát bài Arirang.

Người bỏ tôi ra đi

Chưa được mười dặm, gối đã mỏi, chân đã chùn.

Khi tiếng khóc dịu dần, cô gái nói.

Chúng ta hãy dành một phút mặc niệm những người đã ra đi trước.

Trong khoảnh khắc, tiếng huyên náo của mấy ngàn con người đồng loạt im bặt, sự tĩnh mịch xung quanh đột nhiên cảm giác thật rõ rệt khiến cậu giật mình. Thay vì mặc niệm cùng với mọi người, cậu đứng lên rời khỏi chỗ. Cuốn sổ kẹp bên sườn, cậu bước lên cầu thang dẫn tới cánh cửa ra vào đang nửa đóng nửa mở của Nhà thi đấu. Cậu lôi khẩu trang trong túi quần ra đeo.

Có đốt nến cũng chẳng ích gì nhỉ.

Cố chịu đựng cái mùi đang bốc lên, cậu bước vào hội trường. Trời âm u nên bên trong giống như buổi tối. Những chiếc quan tài đã làm lễ truy điệu được xếp gọn gàng phía lối cửa ra vào, còn ba mươi hai người vẫn chưa có người nhà đến nhận nên không làm lễ nhập quan được, ba mươi hai người đó nằm dưới một ô cửa sổ rộng, trên mình phủ vải trắng. Những cây nến cắm trong vỏ chai nước ngọt đang lặng lẽ cháy bên mặt họ.

Cậu đi vào tận phía trong cùng hội trường. Cậu cúi nhìn dáng hình có phần hơi dài của bảy xác người được đặt nằm trong góc phòng. Những người này phủ vải trắng kín mít lên tận đỉnh đầu, chỉ thỉnh thoảng mới được mở hé khuôn mặt cho những người đến tìm xác trẻ em hay phụ nữ trẻ. Bởi lẽ hình hài họ trông quá sức thảm khốc.

Trong số đó, tệ nhất là tình trạng của người nằm sát bờ tường phía trong cùng. Lần đầu tiên cậu thấy thì đó là một cô gái nhỏ nhắn khoảng mười chín hai mươi, nhưng do cơ thể dần thối rữa và trương lên nên giờ người cô đã phình to, ngang một người đàn ông trưởng thành. Mỗi lần lật mảnh vải cho những người đến tìm con gái hay em gái xem mặt, cậu lại giật mình vì tốc độ phân hủy của cái xác. Từ trên trán cô gái, cho tới mắt bên trái, xương gò má với cằm, tới mạng sườn và phần ngực trái lộ trần... có nhiều vết thương do lưỡi lê chém. Xương sọ bên phải lõm xuống sâu hoắm như bị đánh bằng dùi cui, lộ cả óc bên trong. Những vết thương đập vào mắt đó là những chỗ thối rữa đầu tiên. Tiếp theo là những chỗ bầm tím tụ máu. Móng chân cô vốn đánh màu trong suốt, những ngón chân sạch sẽ không chút thương tích, nhưng qua thời gian, chúng gồ lên như những củ gừng và ngả màu thâm đen. Chân váy xếp li họa tiết chấm bi vốn phủ dài tới tận ống đồng cô gái, giờ đây không che kín nổi hai đầu gối đã trương phình.

Cậu quay lại phía cửa ra vào. Lấy cây nến mới từ trong hộp để dưới gầm bàn, rồi cậu lại đi về phía thi thể nằm sát chân tường. Cậu nghiêng đầu sợi bấc ngọn nến mới vào chỗ ngọn lửa của mẩu nến cũ đang cháy leo lét phía trên đầu cái xác. Châm lửa xong, cậu thổi tắt nến cũ, cẩn thận nhấc nó ra khỏi cái chai sao cho không bị bỏng rồi cắm nến mới vào.

Tay cầm mẩu nến vẫn còn nóng, cậu khom người. Cố chịu đựng mùi xác chết nồng nặc tới mức như sắp phọt máu mũi, cậu cúi nhìn ngọn lửa nơi cây nến. Rìa ngọn lửa đùng đục cháy lập lòe, xua tan mùi xác chết. Lòng ngọn lửa màu cam ấm nóng chập chờn như mê hoặc. Bên trong cùng, cậu thấy phần tâm ngọn lửa xanh nhạt bao quanh tim bấc, đung đưa hình hạt táo hay hình một trái tim nhỏ.

Không thể chịu đựng nổi cái mùi đó nữa, cậu đứng thẳng người dậy. Nhìn quanh căn phòng lờ mờ tối, cậu thấy phía trên đầu những xác người, từng ngọn nến chập chờn đang dõi theo cậu như những đôi mắt lặng im.

Thân xác chết rồi, linh hồn sẽ đi đâu nhỉ, đột nhiên cậu nghĩ vậy. Liệu linh hồn sẽ nán lại bên thân xác của mình thêm bao lâu?

Cậu nhìn kỹ xung quanh thêm một lượt xem có cần thay nến mới nữa không, sau đó bước ra cửa.

Khi người sống đứng nhìn người chết, liệu linh hồn người chết có cùng đứng bên cạnh mà nhìn khuôn mặt của chính mình không?

Trước khi rời khỏi hội trường, cậu ngoái lại nhìn. Chẳng có linh hồn nào cả. Chỉ có những xác người nằm lặng lẽ cùng với mùi xác chết nồng nặc mà thôi.

Ban đầu, những người đó không nằm bên Nhà thi đấu mà ở hành lang phòng Tiếp dân của ủy ban. Một chị mặc đồng phục mùa hè có cổ áo bản rộng của trường Nữ sinh cấp ba Speer cùng một chị khác trạc tuổi mặc quần áo bình thường lấy khăn ướt lau sạch những khuôn mặt đầy máu rồi gắng sức duỗi thẳng những cánh tay cong gập xếp sát vào bên sườn những xác người đó - cậu đứng đờ người nhìn các chị.

Sao em đến đây?

Chị mặc đồng phục ngẩng lên, kéo khẩu trang xuống cằm hỏi cậu. Đôi mắt hơi lồi to tròn dễ thương, tóc tết hai bên xù ra rất nhiều tóc con. Những sợi tóc ướt đẫm mồ hôi, dính bết vào trán và hai bên thái dương của chị.

Em đến tìm bạn ạ.

Cậu bỏ bàn tay nãy giờ bịt mũi vì mùi máu tanh xuống, đáp.

Hẹn gặp nhau ở đây à?

Dạ không, bạn em nằm trong số những người kia...

Vậy em thử tìm đi.

Cậu đi dọc theo bờ tường, chậm rãi nhìn khuôn mặt và thân hình của những người đang nằm ở hành lang. Muốn nhận ra thì phải nhìn thật kỹ, nhưng khó lòng mà nhìn lâu được nên cậu liên tục chớp chớp mắt.

Không có à?

Chị mặc áo sơ mi màu xanh đọt chuối tay xắn lên tận khuỷu rướn thẳng lưng hỏi cậu. Tưởng là cùng tuổi với chị mặc đồng phục, nhưng khi kéo khẩu trang xuống thì trông chị có vẻ đã ngoài hai mươi. Nước da vàng vọt nhợt nhạt, cần cổ gầy guộc nhìn hơi yếu ớt. Chỉ có đôi mắt là trông thật cứng cỏi. Giọng chị cũng rành rọt.

Dạ không có.

Em đến nhà xác bệnh viện Đại học Cheonnam với bệnh viện Chữ thập đỏ chưa?

Rồi ạ.

Bố mẹ bạn đâu mà em lại đi tìm?

Nhà bạn chỉ còn bố thôi ạ, nhưng bác ấy làm việc ở Daejeon, chị em bạn ấy thuê một phòng bên nhà em.

Hôm nay điện thoại ngoại tỉnh cũng không gọi được phải không?

Không được ạ, em gọi mấy lần rồi.

Vậy chị của bạn em đâu?

Từ Chủ nhật không thấy chị ấy về, hai bọn em đang đi tìm chị ấy đấy ạ. Nhưng hôm qua, lúc quân lính nổ súng ngay chỗ đằng trước kia, người trong xóm bảo họ thấy bạn em bị trúng đạn nên em đi tìm.

Chị mặc đồng phục nói xen vào, đầu vẫn không ngẩng lên.

Hay là bạn em bị thương phải vào viện rồi?

Cậu lắc đầu đáp.

Nếu vậy thì kiểu gì cậu ấy cũng gọi điện cho em rồi ạ. Cậu ấy chắc chắn biết ở nhà em sẽ lo mà.

Chị mặc áo màu đọt chuối nói.

Vậy mấy hôm nữa em quay lại đây xem sao. Nghe nói bây giờ tất cả các thi thể sẽ tập trung về đây. Nhiều người bị trúng đạn quá nên nhà xác bệnh viện không đủ chỗ.

Trên sàn là một thanh niên bị lưỡi lê chém ngang cổ, lòi cả lưỡi gà đỏ lòm ra ngoài, chị mặc đồng phục lấy khăn ướt lau mặt cho người đó. Chị đưa tay cố vuốt đôi mắt trợn ngược cho nhắm lại, sau đó nhúng cái khăn vào xô nước, giũ sạch rồi vắt thật kiệt nước. Nước lẫn máu nhỏ long tong bắn cả ra ngoài xô. Chị mặc áo màu đọt chuối xách cái xô đứng dậy và bảo cậu.

Em, nếu có thời gian thì hôm nay giúp bọn chị được không? Bọn chị thiếu người quá. Không có gì khó khăn đâu... Chỉ cần cắt chỗ vải để sẵn đằng kia đắp cho mấy người nằm ở đấy là được. Với lại nếu ai đến tìm người nhà giống như em thì em mở vải che từng người cho họ xem. Mặt mũi họ bị thương nặng lắm, phải cho xem cả quần áo với cơ thể thì mới nhận ra là ai được.

 

Kể từ hôm đó, cậu vào cùng một tổ với hai chị. Đúng như cậu đoán, chị Eun Sook học lớp mười hai trường Nữ sinh cấp ba Speer. Còn Seon Joo, chị mặc áo sơ mi xắn tay màu đọt chuối, kể chị là thợ may ở tiệm âu phục bên phố Chungjang, nhưng do vợ chồng chủ tiệm đưa con trai đang học đại học về nhà họ hàng bên Yeongam lánh nạn nên đột nhiên chị chẳng còn việc gì để làm. Nghe loa phát thanh trên phố nói nhiều người đang chết dần vì thiếu máu, hai chị tình cờ cùng tới bệnh viện thuộc Đại học Cheonnam hiến máu. Lại nghe được tin ủy ban tỉnh đã thuộc quyền cai trị của người dân và đang cần người giúp nên hai chị tới đó, giữa lúc bỡ ngỡ chưa biết gì, hai chị đã nhận phụ trách những thi thể này.

Trong lớp xếp chỗ ngồi theo chiều cao, lúc nào cậu cũng ngồi bàn đầu. Từ hồi tháng Ba khi lên lớp chín, cậu bắt đầu vỡ giọng, giọng nói hơi trầm xuống, cậu cũng cao lên kha khá nhưng trông vẫn chưa đúng độ tuổi của mình. Lần đầu nhìn thấy cậu, anh Jin Soo bên phòng Chỉ huy đã giật mình hỏi.

Này, em mới lớp bảy hả? Việc ở đây vất vả lắm, về nhà đi.

Anh Jin Soo mắt hai mí rất rõ, lông mi dài, xinh như con gái, anh đang học đại học trên Seoul thì xuống đây do lệnh đóng cửa trường học. Lúc ấy, cậu đã trả lời anh. Không, em học lớp chín rồi. Em không thấy vất vả đâu ạ.

Sự thật là vậy. Công việc của cậu không có gì vất vả cả. Chị Seon Joo và chị Eun Sook đặt những xác người chết lên trên tấm ván ép hay tấm xốp đã trải sẵn ni lông. Các chị lấy khăn ướt lau sạch mặt mũi và cổ cho các thi thể, dùng lược chải sửa sang lại mái tóc rối bù, sau đó quấn ni lông xung quanh để ngăn mùi. Trong lúc đó, cậu ghi vào sổ những thông tin như giới tính, tuổi ước chừng, loại quần áo giày dép mà các thi thể mang trên người và đánh số từng thi thể. Cậu ghi lại các con số lên mẩu giấy bìa xỉn màu rồi ghim lên ngực áo của thi thể tương ứng, sau đó phủ một mảnh vải trắng lên mặt họ và hợp sức với các chị đẩy họ vào gần tường. Anh Jin Soo có vẻ là người bận rộn nhất ủy ban tỉnh, một ngày anh vội vã tới tìm cậu mấy lần liền để chép những thông tin trong cuốn sổ lên tờ thông báo đem dán ngoài cổng. Gia đình nạn nhân hoặc trực tiếp đọc thông báo, hoặc nghe ai đó nói lại và tìm tới, cậu lật mảnh vải trắng cho họ xem những xác chết đã cứng đờ. Sau khi xác minh được lai lịch cái xác, cậu lùi ra xa, đợi cho qua giây phút than khóc của gia đình họ. Đối với những thi thể được chỉnh trang sơ qua sao cho trông không quá thảm khốc, gia quyến sẽ lấy bông bịt lỗ tai và lỗ mũi lại rồi thay quần áo sạch đẹp cho họ. Sau khi được khâm liệm và nhập quan đơn giản như vậy, những thi thể đó sẽ được chuyển sang Nhà thi đấu, cả việc này cũng được cậu ghi chép vào trong sổ.

Trong quá trình ấy, có một điều cậu không sao hiểu nổi, đó là việc gia quyến nạn nhân hát Quốc ca trong lễ truy điệu ngắn gọn được tổ chức sơ sài sau khi nhập quan. Một việc nữa cậu cũng thấy lạ, đó là trên mỗi quan tài đều phủ căng một lá Quốc kỳ được buộc chặt nhiều vòng vào các góc. Sao lại hát Quốc ca cho những người bị quân lính giết chết nhỉ? Tại sao lại phủ Quốc kỳ lên quan tài của họ chứ? Như thể không phải chính đất nước này đã giết họ vậy.

Khi cậu thận trọng hỏi về chuyện này, chị Eun Sook mở tròn đôi mắt vốn đã to mà đáp.

Là quân lính nổi dậy làm phản mà, để giành quyền lực ấy. Chẳng phải em cũng thấy rồi đấy thôi. Giữa thanh thiên bạch nhật mà đánh đập, đâm chém người ta, nhưng vẫn không đàn áp được nên bọn họ đã nổ súng còn gì. Bọn họ đã hạ lệnh nổ súng đấy. Sao có thể gọi những kẻ đó là "đất nước này" được?

Cậu thấy hoang mang như thể vừa nghe câu trả lời cho một câu hỏi hoàn toàn khác. Chiều hôm đó đặc biệt nhiều thi thể xác minh được lai lịch, khắp dọc hành lang đang cùng lúc tiến hành lễ nhập quan. Trong lúc Quốc ca vang lên như một bản luân khúc giữa những tiếng nghẹn ngào, từng đoạn từng đoạn hát va vào nhau tạo thành chuỗi nghịch âm kỳ dị, cậu nín thở dỏng tai nghe sự lạc điệu đó. Như thể làm vậy thì cậu có thể hiểu được cái gọi là "đất nước" đó là gì.

Sáng hôm sau, cậu cùng các chị đưa mấy xác người đã bốc mùi nồng nặc ra khoảnh sân sau phòng Tiếp dân. Do không còn chỗ để đặt những xác mới được đưa tới nữa. Vẫn bằng những bước chân vội vã như thường lệ, anh Jin Soo chạy từ phòng Chỉ huy qua, ngạc nhiên hỏi.

Lỡ mưa thì sao hả mọi người?

Vẻ mặt đầy bối rối, anh Jin Soo nhìn quanh lối đi không còn chỗ đặt chân vì la liệt xác người, chị Seon Joo tháo khẩu trang và nói với anh.

Ở đây chật quá nên chẳng còn cách nào khác. Buổi tối chắc sẽ lại có thêm xác người được đưa tới, lúc đó phải làm sao? Tình hình bên Nhà thi đấu thế nào? Bên đó liệu có chỗ không?

Chưa tới một giờ sau, bốn người anh Jin Soo cử sang đã tới. Không biết họ đứng canh ở đâu về mà vai đeo súng, đầu đội mũ đặc chủng do cảnh sát chống bạo loạn vứt đi. Trong lúc họ chất những xác người nằm ở lối đi và sân sau lên xe tải, cậu cùng các chị chuẩn bị vật dụng cần thiết. Chiếc xe tải lăn bánh trước, mọi người từ từ đi bộ theo sau về Nhà thi đấu. Đó là một sáng ấm áp chan hòa. Đi qua cây ngân hạnh còn non, cậu bất giác nắm lấy cành cây sà xuống tận ngang trán rồi lại buông ra.

Đi đằng trước là chị Eun Sook, cũng chính chị là người bước vào Nhà thi đấu trước tiên. Khi cậu vào trong đã thấy chị Eun Sook đang đứng nhìn những chiếc quan tài xếp chật cứng hội trường, tay siết chặt đôi găng tay vải loang lổ vết máu đen. Theo sau cậu là chị Seon Joo, bước lên trước cậu một bước, chị lấy khăn tay buộc chặt mái tóc dài chấm vai và nói.

Ở bên kia mình chỉ liên tục chuyển quan tài ra nên không biết... Tập hợp tất cả lại một chỗ thế này mới thấy đúng là nhiều thật.

Cậu thấy người nhà của các nạn nhân đang ngồi sát bên nhau. Trên những chiếc quan tài mà họ trông nom có đặt khung lồng di ảnh người đã khuất. Cũng có quan tài đặt hai vỏ chai Fanta thủy tinh phía trên đầu. Một chai cắm bó hoa dại màu trắng, chai kia cắm một cây nến.

Tối hôm đó, cậu hỏi anh Jin Soo xem có kiếm đâu được một hộp nến không, anh hồ hởi gật đầu.

Phải đấy, đúng là đốt nến lên sẽ xua bớt mùi nhỉ.

Dù là vải liệm hay quan tài, dù là giấy bìa cứng hay Quốc kỳ, hễ được nhờ kiếm thứ gì, anh Jin Soo liền ghi vào sổ tay và chỉ trong một ngày đã tìm được. Anh Jin Soo kể với chị Seon Joo rằng, sáng sáng anh ra chợ Daein với chợ Yangdong mua đồ, không kiếm được thứ cần ở hai chợ đó thì anh tìm đến những xưởng mộc, nhà tang lễ với tiệm vải trong thành phố. Anh bảo tiền quyên góp được ở những cuộc mít tinh vẫn còn nhiều, hơn nữa, cứ bảo mình từ bên ủy ban tỉnh tới mua là nhiều người sẽ bán rẻ cho, hoặc thậm chí còn cho luôn nên cũng không khó khăn gì lắm. Anh Jin Soo còn bảo bây giờ trong thành phố đã hết sạch quan tài, do cấp bách nên anh phải kiếm ván ép, đang nhờ xưởng mộc đóng giúp cho.

Buổi sáng hôm anh Jin Soo mang năm hộp năm mươi cây nến và hộp diêm tới để đó rồi đi, cậu đã chạy khắp mọi ngóc ngách trong tòa nhà chính và tòa nhà phụ của ủy ban tỉnh để kiếm vỏ chai về làm chân nến. Cậu đứng trước cái bàn ở lối ra vào, châm từng cây nến rồi cắm vào vỏ chai, người nhà nạn nhân mang những vỏ chai cắm nến ra đặt trước quan tài. Nến có dư đủ để cắm cho tất cả những quan tài không có người nhà ở bên và cả những thi thể chưa có người tới nhận.

Sáng sáng, các quan tài mới lại được đưa vào Nhà thi đấu nơi có bàn thờ chung. Đó là quan tài của những người được chữa trị và qua đời tại bệnh viện lớn. Khi người nhà nạn nhân, mặt mũi loáng ướt không biết là do mồ hôi hay nước mắt kéo xe đưa quan tài tới, cậu đẩy sát những quan tài lại với nhau để có thêm chỗ.

Đến tối, người ta đưa tới những người bị trúng đạn ở khu ngoại ô khi đụng độ với quân giới nghiêm. Có người đã chết ngay trong cuộc nổ súng của quân lính, cũng có người chết trên đường được đưa tới phòng cấp cứu. Những người đó vừa mới chết chưa bao lâu, hình hài vẫn còn quá sức sống động. Ngồi nhặt đống ruột gan lờ nhờ không ngừng xổ ra nhét lại vào trong bụng cho họ, chị Eun Sook thường chạy vụt ra khỏi hội trường để nôn. Chị Seon Joo tạng người vốn hay chảy máu cam, thỉnh thoảng lại ngửa đầu ra sau, tay ấn sống mũi phía trên khẩu trang, mắt nhìn lên trần hội trường.

So với các chị, công việc của cậu vẫn chẳng khó khăn mấy. Giống như đã làm bên phòng Tiếp dân, cậu ghi chép ngày giờ, hình dáng và trang phục của người chết. Cậu cắt sẵn vải liệm thành miếng to vừa đủ, cài sẵn kim băng vào miếng bìa để có thể nhanh chóng điền số thứ tự vào. Khoảng cách giữa những xác người vô thừa nhận liên tục bị thu hẹp, khoảng cách giữa các quan tài cũng ngày càng sát hơn để dành chỗ cho những người mới tới. Vào cái đêm đặc biệt nhiều người chết ấy, cả thời gian lẫn không gian để thu xếp chỗ đều chẳng có, các quan tài cứ thế dính sát lấy nhau. Đêm đó, cậu đứng nhìn những xác người xếp kín hội trường, và đột nhiên thấy họ giống như một đám đông hẹn nhau tập trung tại chốn này. Một đám đông không la hét, không cử động, cũng không nắm tay nhau, một đám đông bốc mùi thối rữa khủng khiếp. Với cuốn sổ kẹp nách, cậu hối hả đi tới đi lui giữa đám đông đó.

Sắp mưa thật rồi.

Ra khỏi hội trường, cậu hít một hơi thật sâu và nghĩ vậy. Muốn hít thở không khí trong lành hơn, cậu rảo bước về phía sân sau, nhưng nghĩ bụng xa quá chắc không được rồi, cậu dừng lại ở chỗ góc quanh tòa nhà. Từ xa vọng tới tiếng của một thanh niên cầm micro.

Chúng ta không thể nộp vũ khí quy hàng vô điều kiện theo lời bọn họ được. Bọn họ phải trả lại thi thể những người đã khuất cho chúng ta trước. Bọn họ phải thả tự do hàng trăm người dân mà họ đã bắt đi. Và hơn hết, bọn họ cần công khai minh bạch cho cả nước biết sự thật về những việc đã xảy ra ở đây, và buộc phải hứa sẽ khôi phục lại danh dự cho chúng ta. Sau đó, chúng ta mới nộp lại vũ khí, như thế mới là đúng, phải không mọi người?

Cậu cảm thấy tiếng hô và tiếng vỗ tay của mọi người đã nhỏ đi rõ rệt. Cậu vẫn còn nhớ buổi mít tinh được tổ chức ngay sau hôm quân đội rút đi. Hôm ấy, người ta leo lên chen chúc kín cả tháp đồng hồ và sân thượng ủy ban tỉnh. Trên khu phố bàn cờ không xe chạy, hàng trăm ngàn người cuồn cuộn như con sóng thần, chỉ chừa chỗ đứng cho các tòa nhà. Tiếng hát Quốc ca vang lên chồng chất đắp thành ngọn tháp cao vời vợi hàng trăm ngàn tầng. Tiếng vỗ tay như hàng trăm ngàn quả pháo nổ liên tiếp. Sáng hôm qua, cậu nghe thấy cuộc nói chuyện giữa anh Jin Soo và chị Seon Joo. Với vẻ mặt nghiêm túc, anh Jin Soo bảo đang có tin đồn rằng quân đội mà quay trở lại thành phố thì sẽ giết hết người dân, nỗi khiếp sợ đó khiến quy mô các cuộc biểu tình đang nhanh chóng thu hẹp. Đáng lẽ lực lượng chúng ta phải ngày càng hùng hậu thì bọn họ mới không dám xông vào... Cảm giác thật chẳng lành. Quan tài ngày một nhiều lên, còn mọi người dần dà chỉ ở rịt trong nhà thôi.

Chẳng phải quá nhiều máu đã đổ hay sao? Chẳng lẽ ta cứ che đậy những dòng máu ấy? Linh hồn những người đã ngã xuống vẫn đang mở mắt dõi theo chúng ta đấy, thưa mọi người.

Về cuối giọng người thanh niên khàn đi. Từ "máu" lặp đi lặp lại không hiểu sao khiến cậu thấy tức ngực, cậu hé miệng hít thở thật sâu.

Linh hồn không có cơ thể, sao có thể mở mắt dõi theo chúng ta được nhỉ?

Cậu nhớ tới giây phút lâm chung của bà ngoại hồi mùa đông năm ngoái. Bà ngoại cậu bị cảm nhẹ rồi chuyển thành viêm phổi, vào nằm viện gần nửa tháng. Buổi chiều thứ Bảy hôm thi cuối kỳ xong xuôi, tâm trạng nhẹ nhõm, cậu cùng mẹ vào thăm bà. Đột nhiên, tình trạng của bà trở nên nguy cấp, trong lúc vợ chồng người cậu ruột vội vã bắt taxi tới, hai mẹ con cậu đã ở bên lúc bà hấp hối.

Theo những gì cậu còn nhớ được, hồi nhỏ, mỗi lần về quê ngoại, bà ngoại lưng còng như chữ C thường nhẹ nhàng bảo cậu đi theo bà, rồi bà đi trước dẫn đường. Cậu theo bà bước vào một căn phòng lờ mờ tối được dùng làm nhà kho. Cậu biết bà sẽ mở chạn, lấy bánh bỏng mật với bánh phồng vốn để dành khi có cúng giỗ ra đưa cho cậu. Nhận bánh bà cho, cậu nhoẻn cười, thế là bà cũng cười tít cả mắt. Phút lâm chung của bà lặng lẽ như bản tính hiền lương của bà. Bà đeo ống thở ô xy, mắt nhắm nghiền, từ khuôn mặt bà chợt có thứ gì tựa như con chim vụt bay ra. Nhìn khuôn mặt đầy nếp nhăn vừa trở thành một cái xác không hồn chỉ trong khoảnh khắc, cậu đứng thẫn thờ không biết thứ giống như con chim non ấy đã bay đi đâu mất rồi.

Những người đang nằm bên Nhà thi đấu lúc này, phải chăng linh hồn họ cũng đã như những con chim đột nhiên rời khỏi thân xác? Những con chim thảng thốt đó giờ đang ở đâu? Có vẻ như chúng không bay tới những nơi xa lạ như thiên đường hay địa ngục mà cậu từng nghe được ở trường giáo lý, nơi hồi xưa cậu cùng lũ bạn đã kéo tới để ăn trứng Phục sinh. Và có vẻ như chúng cũng không mặc áo trắng, tóc tai rũ rượi mà vật vờ giữa sương mù giống như trong mấy bộ phim cổ trang cố tình hù dọa khán giả.

Lộp độp, vài giọt mưa rơi xuống mái tóc ngắn của cậu. Cậu vừa ngẩng mặt lên thì mưa tới tấp đổ xuống má, xuống trán. Loáng một cái, mưa đã trút xuống ào ào.

Anh thanh niên cầm micro gấp gáp hét to.

Xin quý vị hãy ngồi xuống cho. Lễ truy điệu vẫn chưa kết thúc. Cơn mưa này chính là nước mắt đang rơi của linh hồn những người đã ngã xuống.

Nước mưa lạnh hắt vào trong cổ áo đồng phục thể dục, ngấm ướt cả áo may ô và chảy xuống tận thắt lưng. Nước mắt của linh hồn hóa ra lạnh thật. Tay và lưng cậu nổi gai ốc. Cậu chạy vào dưới mái hiên trước cổng nơi không bị mưa tạt. Mưa bắn ra tung tóe từ tán hàng cây trước ủy ban tỉnh. Ngồi co ro ở bậc thang phía trên cùng, cậu nhớ lại tiết Sinh học cách đây không lâu. Hôm ấy, vào tiết năm lúc nắng đã uể oải, cậu được học về sự hô hấp của thực vật, chuyện nghe cứ như thuộc về một thế giới khác vậy. Cậu đã được học rằng, một ngày, cây cối chỉ hô hấp đúng một lần. Mặt trời lên, cây sẽ hít một hơi dài thật dài ánh mặt trời, mặt trời lặn, cây sẽ thở ra CO2 một hơi lâu thật lâu. Lúc này, cơn mưa dữ dội đang trút xuống những cái miệng cái mũi ngày ngày giúp cây hít vào thở ra những hơi thật dài đầy bền bỉ nhẫn nại.

Nếu cái thế giới khác kia mà còn tiếp tục thì tuần vừa rồi, cậu đã thi giữa kỳ xong xuôi vào Chủ nhật. Rồi hôm nay, cậu sẽ được ngủ nướng, sau khi dậy, hẳn là cậu sẽ chơi cầu lông với Jeong Dae ngoài sân. Một tuần với bao biến cố vừa rồi cảm giác không thật chút nào, và cũng tương tự vậy, thời gian của thế giới khác kia cũng không còn là thật nữa.

Chủ nhật vừa rồi, cậu một mình đến hiệu sách trước cổng trường để mua bộ đề luyện thi. Đột nhiên quân lính có vũ trang kéo đến đầy đường, không hiểu sao cậu thấy sợ và đi tránh xuống con đường ven bờ sông. Ở con đường đối diện bên kia sông, một đôi nam nữ trông như vợ chồng mới cưới, chàng trai mặc âu phục, tay cầm Kinh Thánh và cuốn tuyển tập những bài hát ngợi ca Chúa, cô gái mặc váy liền màu xanh lam đậm. Có tiếng thét chói tai vang lên mấy lần từ con đường lớn phía trên, sau đó, ba người lính đeo súng tay cầm dùi cui theo con dốc trượt xuống, bao vây đôi vợ chồng trẻ nọ. Có vẻ như họ đang đuổi theo ai đó rồi xuống nhầm.

Có chuyện gì vậy ạ? Giờ chúng tôi đang đến nhà thờ...

Chàng trai mặc âu phục chưa kịp nói hết câu, cậu đã được thấy thế nào là cánh tay của con người. Cậu đã được chứng kiến bàn tay người, thắt lưng người, chân người có thể làm những gì. Xin tha cho tôi. Chàng trai hổn hển gào. Đám người kia vẫn không ngừng giáng dùi cui xuống cho tới khi đôi chân co giật của anh thanh niên kia lặng dần. Cô gái bên cạnh đang gào thét không ngớt thì bị túm lấy tóc, cậu không biết sau đó cô ra sao. Bởi lúc ấy, cậu đã răng đánh lập cập mà bò lên dốc, bước lên con đường chính, nơi đang diễn ra cảnh tượng còn xa lạ hơn nữa.

Cậu giật mình sợ hãi ngẩng lên. Một bàn tay vừa sượt qua vai phải cậu. Cảm giác như bàn tay của một linh hồn yếu ớt, một bàn tay như thể quấn nhiều lớp vải lạnh ngắt ở ngón tay.

Dong Ho à.

Ướt sũng từ mái tóc tết bím, chiếc áo khoác trắng cho tới tận gấu quần jean, chị Eun Sook đang cúi xuống nhìn cậu mỉm cười.

Sao em lại giật mình thế?

Cậu khẽ cười theo, vẻ mặt nhợt nhạt. Phải rồi, linh hồn thì làm gì có tay chứ.

Chị định quay lại sớm nhưng trời mưa nên nếu đứng dậy thì thấy có lỗi quá... Chị sợ lỡ mình bỏ về thì những người khác cũng về theo. Ở đây ổn cả chứ?

Chẳng có ai đến cả chị ạ.

Cậu lắc đầu đáp lại.

Cũng chẳng có ai đi qua.

Bên kia cũng vậy, vắng người lắm.

Chị Eun Sook ngồi thu lu bên cạnh cậu. Chị sột soạt lôi từ trong túi áo khoác ra chiếc bánh ga tô mật ong và lọ sữa chưa uống.

Mấy cô bên nhà thờ chia cho đấy, chị mang phần cho em này.

Tuy không cảm thấy đói nhưng cậu vẫn vội vã xé vỏ gói bánh. Cậu cắn một miếng bánh to đầy miệng. Chị Eun Sook xé nắp giấy bạc của lọ sữa chua đưa cho cậu.

Từ giờ chị sẽ ở đây, em về nhà thay quần áo đi. Có vẻ giờ này cũng hết người đến đây rồi.

Em không bị ướt mưa mấy đâu. Chị về nhà thay quần áo đi.

Miệng nhai bánh nhồm nhoàm, cậu đáp. Cổ nghẹn lại, cậu liền uống một hớp sữa chưa.

Em ấy, toàn mùi mồ hôi thôi. Em ăn ngủ ở ủy ban cũng lâu rồi còn gì.

Hai má cậu ửng đỏ. Mỗi lần rửa mặt trong nhà vệ sinh bên tòa nhà phụ, cậu thường gội luôn cả đầu. Thậm chí cậu còn run cầm cập cắn răng dội nước lạnh tắm hòng gột bớt mùi xác chết, vậy mà xem ra chẳng có tác dụng gì.

Chị nghe được ở bên mít tinh, họ bảo tối nay quân giới nghiêm sẽ vào thành phố đấy. Về nhà rồi em đừng quay lại đây nữa.

Chị Eun Sook đột nhiên rụt cổ lại. Chắc tóc chọc vào gáy khiến chị nhột. Cậu im lặng nhìn chị đưa tay vén gọn những sợi tóc con ướt đẫm ra ngoài cổ áo khoác. Chỉ trong vòng mấy ngày, khuôn mặt bầu bĩnh dễ thương của chị hôm mới gặp đã gầy tọp đi. Chăm chú nhìn đôi mắt thâm quầng và trũng sâu của chị, cậu thầm nghĩ. Con chim non vụt bay ra khi người ta chết đi ấy, nó ở đâu bên trong cơ thể lúc họ còn sống nhỉ? Ở chỗ ấn đường cau lại, hay ở phía sau đỉnh đầu tựa như một vầng hào quang, hay là ở đâu đó trong tim?

Như thể không nghe thấy đoạn cuối câu nói của chị Eun Sook, cậu nhét hết chỗ bánh vào miệng và bảo.

Người bị ướt mưa hết như chị mới phải về thay quần áo chứ. Em bốc chút mùi mồ hôi cũng có sao đâu.

Chị lại rút trong túi áo khoác ra một lọ sữa chua nữa.

Ai giành ăn của em à... Ăn từ từ thôi. Cái này là chị định cho chị Seon Joo.

Cậu hau háu nhận luôn lọ sữa chua đó rồi lấy móng tay cạy cái nắp giấy bạc, miệng cười toe toét.

Chị Seon Joo không phải tip người lẳng lặng lại gần rồi khẽ khàng đặt tay lên vai cậu. Ngay từ xa, chị đã cất giọng rành rọt gọi tên cậu. Vừa đến gần là chị hỏi ngay. Không có ai à? Nãy giờ em ở đây một mình hả? Rồi chị chìa luôn ra một cuộn cơm bọc trong giấy bạc. Ngồi ở bậc cầu thang bên cạnh cậu, chị vừa cùng cậu ăn cơm cuộn vừa nhìn mưa đã dần ngớt.

Bạn em ấy, vẫn chưa tìm thấy hả?

Chị hỏi như thể buông một câu vô tình. Cậu lắc đầu, chị nói tiếp.

... Tới giờ mà vẫn chưa tìm được thì chắc là bị đám quân lính chôn ở đâu mất rồi em ạ.

Cậu đưa tay vuốt ngực để cố nuốt trôi miếng cơm ăn mà không có nước uống.

Hôm ấy chị cũng ở đó mà. Những người bị trúng đạn ở đằng trước, quân lính chất hết lên xe tải chở đi rồi.

Có vẻ như chị lại sắp buột ra thêm điều gì nữa, cậu lên tiếng chặn lại.

Chị cũng bị ướt mưa, mau về nhà thay đồ đi. Chị Eun Sook cũng về nhà rồi đấy ạ.

Về làm gì chứ? Tối làm việc chắc cũng lại đầm đìa mồ hôi thôi.

Chị gập vỏ giấy bạc lại làm đôi rồi làm bốn, mắt nhìn làn mưa, tay chị bóp chặt vỏ giấy bạc cho tới khi nó nhỏ chỉ còn bằng ngón tay út. Nét mặt nhìn nghiêng của chị trông vô cùng điềm tĩnh và cứng cỏi, đột nhiên cậu muốn hỏi chị điều gì đó.

Có thật là hôm nay, tất cả những người ở lại đều sẽ chết không ạ?

Cậu ngần ngừ không hỏi. Nếu có thể sẽ chết, vậy tất cả chỉ cần rời ủy ban cùng nhau lánh đi là được mà. Sao lại phải có người ở người đi?

Chị Seon Joo ném mẩu giấy bạc đang cầm vào luống hoa. Chị nhìn đăm đăm lòng bàn tay trống không, rồi với vẻ mệt mỏi, chị đưa tay xoa mạnh khắp mắt mũi, hai má, trán và cả hai tai...

Chẳng làm gì mà mắt cứ díp lại thế này nhỉ. Chắc chị phải sang bên dãy nhà ngang... rồi kiếm cái ghế xô pha êm êm nằm ngủ mới được. Còn hong khô quần áo nữa.

Chị cười để lộ mấy chiếc răng cửa đều đặn. Chị nói với cậu như thể phân bua.

Biết làm sao giờ, lại để em đứng phạt ở đây một mình rồi.

Có khi chị Seon Joo nói đúng cũng nên. Có khi quân lính đã chở Jeong Dae đi chôn ở đâu đó rồi. Nhưng cũng có lẽ mẹ mới là người nói đúng. Có lẽ Jeong Dae đang được chữa trị ở bệnh viện nào đó, còn chưa tỉnh nên chưa thể gọi điện về nhà. Chiều qua lúc mẹ cùng anh ba tới đón, cậu cứ khăng khăng nói phải đi tìm Jeong Dae nên không về nhà được, mẹ đã khuyên cậu thế này. Phải tìm từ những phòng chăm sóc đặc biệt trước chứ. Mẹ con mình hãy cùng đi tới từng bệnh viện để tìm.

Lúc ấy, mẹ đã siết chặt lấy tay áo tập quân sự của cậu.

Mày có biết nghe người ta bảo thấy mày ở đây, mẹ đã sợ đến mức nào không hả? Trời đất ơi, xác chết nhiều thế kia mà mày không sợ sao? Thường ngày mày nhát cáy mà.

Cậu gượng cười.

Quân lính mới đáng sợ chứ, người chết rồi thì có gì mà sợ ạ.

Anh ba nghiêm mặt lại đến đáng sợ. Từ nhỏ anh vốn chỉ biết học, lúc nào cũng đứng đầu lớp, nhưng đến khi thi đại học lại liên tục học tài thi phận nên đã ôn thi lại tới năm thứ ba. Anh ba giống bố, mặt to, râu ria lại tua tủa, nên tuy mới hai mốt tuổi mà trông già như một ông chú. Trong khi đó anh cả đang làm công chức cấp 9[2] trên Seoul trông mặt mũi lại sáng sủa, vóc người nhỏ nhắn, thế nên mỗi kỳ anh cả về nghỉ, ba anh em đứng với nhau, ai cũng tưởng anh ba là lớn nhất.

Em tưởng đám quân giới nghiêm toàn lính tinh nhuệ lại có cả súng máy với xe tăng không tiến vào thành phố vì sợ đám dân đen tay cầm súng cạc bin cũ từ hồi 25 tháng Sáu[3] hay sao hả? Chúng chỉ đang đợi ngày theo kế hoạch thôi. Em mà ở đây là chết đấy.

Sợ anh ba cốc trán, cậu lùi lại một bước rồi đáp trả.

Em làm gì mà chết chứ? Em chỉ ở đây chạy việc vặt thôi mà.

Mẹ túm chặt lấy tay cậu kéo đi, cậu gạt tay mẹ ra.

Mẹ đừng lo, con chỉ ở đây giúp việc vài ngày rồi sẽ về. Tìm được Jeong Dae xong con sẽ về.

Cậu ngượng nghịu vẫy tay rồi chạy vào trong Nhà thi đấu.

Bầu trời đang dần quang đột nhiên sáng bừng lên đến chói cả mắt. Cậu nhỏm dậy nhìn về phía bên phải tòa nhà. Cậu thấy quảng trường lác đác vài nhóm người. Người nhà nạn nhân mặc đồ đen trắng đang tụ tập đứng thành từng nhóm nhỏ trước đài phun nước. Cậu thấy cả các anh lớn đang chất những chiếc quan tài đặt trước bục phát biểu lên xe tải. Cậu nheo mắt lại để xem đó là những anh nào, mi mắt giần giật trong nắng. Cơn giật ở mi mắt lan cả xuống má.

Trong những chuyện cậu kể vào lần đầu tiên gặp các chị, có một chuyện không phải là sự thật.

Vào cái ngày mà xác hai người đàn ông bị trúng đạn trước nhà ga được chất lên xe kéo dẫn đầu đoàn biểu tình, ở quảng trường cuồn cuộn một biển người từ những ông lão đội mũ phớt tới đám thiếu niên, tới cả những cô gái cầm ô che nắng sặc sỡ, chính cậu chứ không phải ai khác đã nhìn thấy Jeong Dae lần cuối. Không chỉ nhìn thấy Jeong Dae, cậu còn chứng kiến cả cảnh Jeong Dae bị bắn vào mạng sườn. Mà không, ngay từ đầu, Jeong Dae và cậu đã nắm tay nhau cùng tiến lên phía trước, tiến về phía bầu không khí rực lửa phía đầu đoàn biểu tình. Một tiếng đạn xé tai vang lên, tất cả đồng loạt quay người bỏ chạy. Bắn cảnh cáo thôi! Không sao đâu! Ai đó hét lên, khiến một tốp người đang bỏ chạy liền quay ngược trở lại, giữa cảnh hỗn loạn đó, cậu đã để tuột tay Jeong Dae. Tiếng súng lại vang lên xé tai, Jeong Dae ngã đổ nghiêng sang một bên, cậu vùng chạy bỏ lại Jeong Dae. Cùng với ba chú lạ mặt, cậu đứng nép sát vào bức tường bao cạnh một cửa hàng đồ điện đã hạ kín cửa cuốn. Một người đàn ông có vẻ như là bạn đồng hành của ba chú kia từ đâu chạy tới định nhập hội, đột nhiên người đó vai phụt máu ngã sấp xuống.

Ôi trời ơi, sân thượng kìa.

Đứng bên cạnh cậu là một chú hói hết nửa đầu, chú hổn hển lẩm bẩm.

... Tụi nó bắn Young Gyu từ trên sân thượng đấy.

Tiếng súng lại vang lên trên sân thượng tòa nhà bên cạnh. Người đàn ông đang lảo đảo cố đứng dậy thì bất chợt lưng lại nẩy bật lên. Máu lan ra từ bụng chú ấy trong phút chốc đã nhuộm kín nửa thân trên. Cậu ngước nhìn khuôn mặt mấy chú đang đứng cạnh mình. Không ai nói gì cả. Chú đầu hói bịt chặt miệng, lặng lẽ run rẩy.

Cậu nheo mắt nhìn hàng chục người nằm gục giữa đường. Hình như cậu thoáng thấy cái quần thể dục màu da trời giống hệt như quần cậu đang mặc. Bàn chân trần bị tuột mất giày kia hình như vừa động đậy. Đúng lúc cậu định lao ra, chú đầu hói liền túm chặt lấy vai cậu. Cùng lúc đó, từ con hẻm bên cạnh, ba người thanh niên chạy ra. Lúc họ đang xốc nách những người nằm gục trên đường định đỡ dậy, một tràng tiếng súng nổ vang lên từ phía đám lính ở giữa quảng trường. Ba thanh niên đó đổ gục xuống. Cậu nhìn sang con hẻm rộng bên kia đường. Khoảng ba chục người cả nam lẫn nữ nép sát vào bờ tường hai bên con hẻm, đứng như hóa đá nhìn cảnh tượng đang diễn ra.

Khoảng ba phút sau khi tiếng súng ngưng, từ con hẻm bên kia đường, một chú vóc người nhỏ thó lao một mạch ra. Giữa những người nằm gục trên đường, chú ấy lao hết tốc lực về phía một người. Tiếng súng lại liên tiếp vang lên, chú ấy ngã gục xuống. Chú đầu hói nãy giờ giữ cậu đưa bàn tay to dày lên che mắt cậu.

Giờ mà chạy ra thì chỉ có chết oan thôi cháu ạ.

Giây phút chú ấy bỏ tay ra, cậu thấy từ con hẻm bên kia đường, như thể bị một thỏi nam châm khổng lồ hút tới, hai người đàn ông lao về phía một cô gái trẻ nằm gục trên đường, túm tay cô kéo dậy. Lần này, tiếng súng vang lên từ trên sân thượng. Hai người đàn ông ngã vật xuống.

Không một ai chạy ra chỗ những người đang nằm gục giữa đường nữa.

Sau hơn mười phút trôi qua trong yên lặng, từ hàng ngũ quân lính, khoảng hơn hai chục người chia thành từng nhóm hai người bước ra. Họ nhanh chóng kéo những người nằm gục ở phía trước đi. Như thể chỉ đợi đến lúc đó, từ con hẻm bên cạnh và con hẻm bên kia đường, hơn chục người cũng lao ra, cõng những người nằm gục ở phía sau chạy đi. Lần này, từ trên sân thượng không nổ súng. Vậy nhưng cậu không chạy ra chỗ Jeong Dae như những người kia. Mấy chú đứng cạnh đã kịp cõng người bị trúng đạn lúc nãy vội vã biến mất vào con hẻm. Đột nhiên chỉ còn lại một mình, lòng đầy khiếp sợ, cậu chỉ còn nghĩ được mỗi chuyện tìm chỗ tránh bị bắn tỉa, nép thân mình vào sát bờ tường, cậu nhanh chóng bước đi bỏ lại quảng trường ở sau lưng.

Chiều hôm đó, nhà cậu thật yên tĩnh. Giữa lúc loạn lạc như vậy mà mẹ cậu vẫn ra cửa hàng da thuộc ở chợ Daein. Cách đây không lâu, bố cậu bị thương ở lưng khi đi giao hộp da, giờ bố đang nằm trong phòng. Lúc lấy sức đẩy cánh cổng sắt khép hờ bước vào sân, cậu nghe thấy tiếng anh ba đang học thuộc từ vựng tiếng Anh trong phòng.

Dong Ho hả?

Từ trong phòng, giọng bố vọng ra sang sảng.

Dong Ho về đấy à?

Cậu không trả lời.

Dong Ho ơi, về rồi thì vào đây giẫm lưng cho bố với.

Làm như không nghe thấy, cậu đi ngang qua luống hoa rồi kéo cái cần bơm nước. Nước lạnh và trong chảy đầy cái chậu nhôm. Cậu thả hai tay vào nước trước, sau đó nhúng cả mặt vào chậu. Cậu ngẩng đầu lên, nước chảy ròng ròng trên mặt và cổ.

Dong Ho ơi, Dong Ho ở ngoài kia phải không? Vào đây một chút xem nào.

Đưa hai bàn tay ròng ròng nước áp lên mí mắt ướt đầm, cậu đứng một lúc trên bậc đá trước hiên nhà. Rồi cậu cởi đôi giày thể thao, đi vào phòng bố. Trong căn phòng ngập ngụa mùi thuốc ngải, bố đang nằm úp sấp.

Bố lại mới bị trẹo sống lưng, không ngồi dậy được. Giẫm chỗ mông cho bố một tí đi.

Cậu cởi tất ra. Cậu đặt chân phải lên phía dưới thắt lưng bố và khẽ giẫm, dồn một nửa sức nặng cơ thể mình lên đó.

Con đi đâu về thế? Mẹ con mấy lần gọi điện hỏi xem con về chưa đấy. Con cũng không được lại gần mấy chỗ biểu tình ngồi đâu nhá. Tại đêm qua bên ga Mới[4] có nổ súng chết người đấy... Thật đúng là... Tay không làm sao mà địch nổi với súng đạn cơ chứ.

Bằng động tác thành thục, cậu đổi chân rồi thận trọng giẫm lên đoạn giữa cột sống và xương cụt của bố.

Ôi chao chỗ đấy đấy, đúng rồi, chỗ đấy... Dễ chịu quá.

 

Ra khỏi phòng bố, cậu bước vào phòng mình ở phía gần chái bếp. Cậu nằm xuống sàn, cuộn tròn người lại như quả bóng. Vừa chìm vào giấc ngủ như lịm đi được vài phút cậu đã mở choàng mắt vì một giấc mơ đáng sợ mà cậu không nhớ nổi. Còn đáng sợ hơn cả giấc mơ là hiện thực đang đợi cậu khi tỉnh giấc. Bên dãy nhà ngang, phòng của Jeong Dae đương nhiên không thấy động tĩnh gì. Đến tối chắc cũng sẽ vẫn như vậy. Đèn chắc hẳn vẫn sẽ không bật. Chiếc chìa khóa phòng vẫn sẽ nằm im lìm trong cái chum bên cạnh bậc đá trước hiên.

Trong sự tĩnh lặng bao trùm, cậu nghĩ tới khuôn mặt của Jeong Dae. Giây phút nhớ lại hình ảnh chiếc quần thể dục màu xanh da trời nhạt động đậy, cậu thấy ngạt thở như thể có một hòn lửa chặn ngang ức. Để dễ thở hơn, cậu nghĩ tới Jeong Dae của thường ngày. Cậu nghĩ tới Jeong Dae như thể cậu ấy vẫn sẽ đẩy cổng bước vào như không có việc gì xảy ra. Một Jeong Dae mãi vẫn không cao nổi và trông chẳng khác gì học sinh tiểu học. Vì vậy mà dù điều kiện eo hẹp, chị Jeong Mi vẫn đặt giao sữa cho Jeong Dae uống. Một Jeong Dae xấu trai khiến người ta thắc mắc liệu cậu ấy có đúng là em ruột của chị Jeong Mi không. Một Jeong Dae với đôi mắt như lỗ khuy áo và sống mũi thì tẹt gí. Mặc dù vậy, cậu ấy rất dễ thương, chỉ cần nhìn Jeong Dae cười nhăn mũi là ai cũng phải buồn cười. Tại hội thi năng khiếu hôm đi dã ngoại, Jeong Dae đã phồng má như con cá nóc mà nhảy disco, khiến cả thầy chủ nhiệm hắc xì dầu cũng phải phá lên cười. Một Jeong Dae muốn đi kiếm tiền hơn là đi học. Một Jeong Dae vì chị gái mà đành phải ôn thi vào trường cấp ba. Một Jeong Dae lén chị đi làm công việc thu tiền báo. Một Jeong Dae mà hễ chớm đông là hai má đã nẻ đỏ và mu bàn tay nổi đầy mụn rộp. Một Jeong Dae khi chơi cầu lông với cậu trong sân đã tự xưng mình là vận động viên quốc gia và chỉ biết đánh mỗi kiểu smashing.

Hồi ấy, Jeong Dae đã thản nhiên bỏ cái giẻ lau bảng vào cặp sách. Cậu lấy cái nầy làm gì vậy? À, để cho chị mình. Chị cậu dùng giẻ lau bảng làm gì chứ? Không biết nữa, chị mình bảo cứ nghĩ mãi về nó. Chị mình kể hồi học cấp hai, chị ấy thích trực nhật còn hơn cả học. Chị ấy kể một lần vào ngày Cá tháng Tư, bọn bạn viết kín mít lên bảng để trêu thầy. Cứ tưởng thầy giáo trẻ chưa vợ sẽ phải một phen lau bảng vất vả, nào ngờ thầy nổi cáu quát hỏi hôm nay ai trực nhật, thế là chị mình đứng ra hì hụi lau bảng. Rồi trong khi cả lớp đang ngồi học, một mình chị phải đứng ngoài hành lang, mở cửa sổ và đập thước bồm bộp vào cái giẻ lau bảng cho bay hết bụi phấn. Đó là một trong những ký ức hiếm hơi suốt hai năm học cấp hai mà chị mình hay nghĩ tới nhất đấy.

 

Cậu chống hai tay xuống sàn phòng lạnh lẽo và ngồi dậy. Cậu lê dép qua mảnh sân hẹp tới đứng trước dãy nhà ngang. Cậu lục cái chum sâu tới tận vai, lấy ra chùm chìa khóa lanh canh bên dưới đống búa đầu vuông với búa đinh. Cậu tra khóa vào ổ, mở cửa, bỏ dép và bước vào trong phòng.

Căn phòng chẳng có dấu vết người ra vào. Trên chiếc bàn học chân thấp vẫn mở nguyên quyển vở mà đêm Chủ nhật, sau khi dỗ dành Jeong Dae đang mếu máo cậu đã ghi ra những nơi chị Jeong Mi có thể đi. Lớp học bổ túc buổi tối, nhà máy, nhà thờ nơi thỉnh thoảng chị tới, nhà họ hàng bên nội ở Ilgok-dong. Hôm sau, từ sáng, cậu đã cùng Jeong Dae đến những chỗ đó để tìm nhưng không thấy chị Jeong Mi đâu cả.

Đứng giữa căn phòng tối om trống hoác, cậu đưa mu bàn tay dụi đôi mắt khô rát. Cậu dụi tới khi mi mắt sưng lên nóng rực. Cậu ngồi xuống trước bàn học của Jeong Dae một lúc rồi nằm bò ra, áp mặt xuống sàn. Cậu đưa nắm tay ấn vào chỗ hõm giữa xương ức đang nghẹn lại vì đau. Giờ mà chị Jeong Mi đột nhiên mở cổng bước vào, chắc cậu sẽ chạy ra mà quỳ xuống trước mặt chị. Chắc cậu sẽ bảo chị cùng đi ra trước úy ban tìm Jeong Dae với mình. Em như vậy mà cũng gọi là bạn à? Như vậy mà cũng gọi là người à? Chắc hẳn cậu sẽ đứng yên cho chị Jeong Mi đánh. Vừa chịu đòn vừa cầu xin chị tha thứ.

Chị Jeong Mi hai mươi tuổi nhưng vóc người nhỏ bé. Mái tóc cắt hơi ngắn nên nhìn đằng sau trông chị như học sinh cấp hai hay năm cuối tiểu học. Nếu không trang điểm thì nhìn chị chẳng khác nữ sinh lớp mười là bao. Có lẽ biết vậy nên lúc nào chị cũng trang điểm nhẹ. Làm công việc phải đứng nhiều hẳn chân chị bị sưng ghê lắm, vậy mà lúc đi hay tan làm chị vẫn mang giày cao gót suốt. Chị là kiểu người đi đứng nhẹ nhàng, nói năng nhỏ nhẹ, có vẻ như chưa từng nổi giận chứ đừng nói đến đánh ai. Thế nhưng Jeong Dae đã lè lưỡi mà bảo với cậu. Mọi người không biết nên mới thấy thế thôi. Chị ấy còn đáng sợ hơn bố mình nhiều.

Chị em Jeong Dae thuê gian phòng ở dãy nhà ngang nhà cậu, hai người đã ở đó được hai năm rồi mà cậu vẫn chưa trò chuyện đúng nghĩa với chị Jeong Mi lần nào. Nhà máy dệt nơi chị Jeong Mi làm việc thường xuyên tăng ca đêm. Jeong Dae thì vì đi thu tiền báo nên cũng hay về nhà muộn, cậu ấy nói dối chị là đến thư viện. Vào mùa đông năm đầu tiên, căn phòng hai chị em Jeong Dae ở hầu như không nổi lửa. Tối nào về sớm hơn em trai, chị Jeong Mi thường khẽ gõ cửa phòng cậu ở chỗ chái bếp. Vẻ mặt mệt mỏi, chị vén mái tóc ngắn giắt vào vành tai, khó nhọc mở lời "À, cho chị viên than tổ ong được không..." Mỗi lần như vậy, cậu còn không thèm khoác áo vào, cứ thế phi như bay ra chỗ bếp lò. Cậu chọn gắp một viên than đã bén lửa rồi đưa nguyên cả cây gắp đang cặp viên than cho chị, lúc ấy, chị cảm kích đến bối rối không biết phải làm sao.

Lần đầu tiên cậu nói chuyện lâu với chị Jeong Mi là vào một đêm đầu đông năm ngoái. Jeong Dae về nhà quăng cặp sách đó rồi đi thu tiền báo mãi vẫn chưa về. Nghe tiếng chị Jeong Mi gõ cửa phòng là cậu nhận ra ngay. Tiếng gõ cửa bằng mấy đầu ngón tay như được quấn trong lớp vải lạnh lẽo và mềm mại, tiếng gõ khẽ khàng như sợ hãi điều gì. Cậu vội vã mở cửa bước ra, chị hỏi cậu.

Không biết... sách hồi lớp bảy em đã vứt hết chưa?

... Lớp bảy ấy ạ?

Cậu hỏi lại, chị liền từ tốn giải thích rằng từ tháng Mười một chị sẽ theo học lớp buổi tối. Thời thế thay đổi rồi, từ giờ không thể cứ làm tăng ca mãi được. Học rồi còn được tăng lương nữa. Chị định nhân cơ hội này sẽ thử đi học lại xem sao. Nghỉ học lâu quá rồi nên trước tiên, chị sẽ xem lại kiến thức từ năm lớp bảy... Có lẽ đến lúc Jeong Dae nghỉ hè thì xem lại kiến thức năm lớp tám là được.

Cậu bảo chị đợi một lát rồi leo lên gác xép. Cậu ôm xuống đống sách giáo khoa bám bụi cùng mấy cuốn sách tham khảo, chị Jeong Mi tròn mắt.

Ôi trời ơi... Là con trai mà sao em giữ được sách đầy đủ thế này? Thằng Jeong Dae nhà chị nó vứt hết rồi.

Ôm lấy chồng sách, chị dặn dò cậu.

Đừng nói gì với Jeong Dae nhé. Dù gì nó cũng đã không thoải mái chuyện chị vì nó mà phải nghỉ học rồi. Từ giờ cho tới khi chị đỗ kỳ thi đầu vào cấp hai, em cứ coi như không biết gì giúp chị nhé.

Chị cười, đôi mắt cười khiến khuôn mặt chị như khóm hoa dại bừng nở, cậu đờ người nhìn chị.

Biết đâu đấy. Sau khi Jeong Dae vào đại học, chị chịu khó học rồi cũng vào được đại học ấy chứ nhỉ.

Lúc đó, cậu đã thắc mắc không hiểu chị định lén học kiểu gì. Trong cái phòng đơn rộng hơn sáu mét vuông, tấm lưng nhỏ bé kia liệu có che nổi cuốn sách tham khảo mở hết cỡ? Mà Jeong Dae cũng thức khuya làm bài chứ có ngủ sớm đâu.

Lúc đó cậu chỉ thoáng thắc mắc như thế thôi, nhưng sau cậu cứ nghĩ tới chuyện ấy mãi. Cậu nghĩ tới bàn tay búp măng lật giở cuốn sách giáo khoa của cậu bên cạnh Jeong Dae đã ngủ say. Cậu nghĩ tới những từ ngữ mà đôi môi nhỏ bé kia khẽ mấp máy học thuộc. Cậu nghĩ tới câu nói của chị, Ôi trời ơi... Là con trai mà sao em giữ được sách đầy đủ thế này... Cậu nghĩ tới đôi mắt biết cười. Và nụ cười mệt mỏi của chị. Nghĩ tới tiếng gõ cửa khẽ khàng như thể quấn vải ở đầu ngón tay. Những hình ảnh ấy khiến cậu thắt lòng, không tài nào ngủ say được. Sáng sớm, thấy tiếng chị đi ra, tiếng chị kéo cần bơm nước rửa mặt, cậu lại quấn tròn cái chăn quanh mình rồi bò ra phía cửa phòng, đôi mắt ngái ngủ vẫn nhắm nghiền, cậu chăm chú lắng tai nghe.

Chiếc xe tải thứ hai với thùng xe xếp chật kín quan tài dừng lại trước Nhà thi đấu. Mắt nheo lại như sợi chỉ vì nắng, cậu thấy anh Jin Soo nhảy từ ghế phụ xuống. Anh rảo bước thật nhanh tới trước mặt cậu.

Sáu giờ ở đây đóng cửa. Lúc đó em cũng về nhà đi. Cậu ngần ngừ hỏi lại.

... Vậy những người trong kia thì ai trông ạ?

Đêm nay quân lính sẽ vào. Người nhà nạn nhân cũng sẽ cho về hết. Sau sáu giờ là không ai được ở lại đây cả.

Ở đây chỉ toàn xác người, quân lính vào tận đây làm gì ạ?

Nghe nói ngay cả người bị thương nằm viện mà bọn chúng còn coi là phản loạn bắn chết hết đấy, em tưởng bọn chúng sẽ để yên cho mấy thi thể với người trông giữ ở đây sao?

Với vẻ giận dữ, anh Jin Soo sải bước đầy cương quyết đi ngang qua cậu, tiến vào hội trường. Hình như anh ấy định nói lại câu vừa rồi với người nhà nạn nhân. Ôm cuốn sổ bìa đen vào ngực như ôm báu vật, cậu nhìn theo dáng lưng anh Jin Soo. Cậu nhìn mái tóc ướt, tấm áo sơ mi và chiếc quần jean anh mặc, cậu nhìn hình ảnh những người nhà nạn nhân đang lắc hoặc gật đầu với anh. Cậu nghe thấy giọng một người phụ nữ lanh lảnh run run.

Tôi không thể rời khỏi đây được. Tôi sẽ ở đây rồi cùng chết với con tôi.

Bất giác, cậu nhìn chằm chằm vào những người chưa xác minh được lai lịch đang nằm phủ vải kín từ đầu đến chân ở góc trong hội trường. Cậu không rời mắt khỏi xác người nằm trong góc. Giây phút nhìn thấy người đó lần đầu tiên tại hành lang phòng Tiếp dân, cậu đã nghĩ tới chị Jeong Mi. Khi ấy, khuôn mặt của thi thể đã bắt đầu phân hủy nứt toác ra ở chỗ có vết chém sâu, khó mà phân biệt được chính xác đường nét mắt mũi miệng. Thế nhưng dường như vẫn có gì đó hao hao chị. Và hình như cậu cũng từng nhìn thấy chị mặc cái váy xếp li giống vậy.

Nhưng chẳng phải đó là kiểu váy chấm bi rất thông dụng hay sao? Và cậu cũng đâu có chắc chắn thấy chị mặc chiếc váy như vậy rời nhà vào hôm Chủ nhật. Tóc chị Jeong Mi ngắn như thế kia chăng? Chỉ có học sinh cấp hai thực sự mới cắt tóc ngắn như vậy thôi, không phải ư? Chị Jeong Mi căn cơ tiết kiệm ngấm vào máu rồi, giờ cũng không phải mùa hè, chị đánh móng chân làm gì chứ? Nhưng từ trước tới nay, cậu cũng đã bao giờ nhìn kỹ bàn chân chị khi để trần đâu. Jeong Dae hẳn sẽ biết phía trên đầu gối chị có nốt ruồi bằng hạt đậu màu xanh đậm hay không. Phải có Jeong Dae giúp thì mới xác nhận được người kia phải chị Jeong Mi hay không.

Nhưng để tìm được Jeong Dae thì ngược lại, phải có chị Jeong Mi. Nếu là chị Jeong Mi, hẳn chị sẽ lục tung tất cả ngóc ngách mọi bệnh viện trong thành phố và tìm ra được Jeong Dae khi ấy vừa tỉnh lại trong phòng hồi sức. Giống như hồi trước, khi Jeong Dae bỏ nhà đi vào tháng Hai và bảo có chết cũng không lên cấp ba học văn hóa tiếp, mà sẽ đăng ký lớp học nghề được mở vào năm lớp chín, vậy mà chỉ trong đúng một ngày, chị đã tìm ra như thần và tới tiệm cho thuê truyện tranh túm tai Jeong Dae lôi về nhà. Nhìn cảnh Jeong Dae len lét như rắn mùng năm trước người chị nhỏ bé và lặng lẽ đó, mẹ với anh ba không khỏi bật cười. Bố cậu vốn trầm tính mà cũng phải hắng giọng cố nhịn cười. Hôm đó, cậu nghe thấy tiếng hai chị em Jeong Dae nói chuyện bên dãy nhà ngang tới tận nửa đêm. Giọng khe khẽ của người này vừa hơi cao lên một chút là người kia lại hạ giọng tình cảm dỗ dành và ngược lại, cứ lặp đi lặp lại như thế. Trong căn phòng bên chái bếp, dần dần cậu không còn phân biệt được đâu tiếng cãi nhau đâu giọng dỗ dành và cả tiếng cười khe khẽ của hai chị em Jeong Dae nữa, cuối cùng cậu cũng ngủ thiếp đi.

Lúc này, cậu đang ngồi trước cái bàn ở lối ra vào Nhà thi đấu.

Cậu để quyển sổ mở bên tay trái mặt bàn và chép lại thật to lên tờ giấy cỡ bằng quyển vở những thông tin của người chết như họ tên, số thứ tự, số điện thoại hay địa chỉ. Vì anh Jin Soo bảo phải chuẩn bị chu đáo để đêm nay, dù cho tất cả dân quân có chết hết thì gia quyến những người đã chết vẫn được báo tin. Chỉ có mình cậu nên muốn xử lý xong hết chỗ này rồi dán lên từng quan tài trong vòng sáu tiếng thì phải nhanh tay lên.

Dong Ho ơi.

Nghe tiếng gọi, cậu ngẩng đầu lên.

Rẽ qua giữa những chiếc xe tải, mẹ đang bước tới. Lần này mẹ đi một mình, không có anh ba. Mẹ vẫn mặc quần rộng màu đen và áo xám trông y hệt đồng phục học sinh không khác lúc mẹ ra cửa hàng là mấy. Mái tóc ngắn lúc nào cũng chải thật chỉn chu của mẹ giờ ướt mưa rối bù lên, chỉ có điểm này là khác với thường ngày.

Cậu cũng bất giác mừng rỡ đứng dậy chạy xuống cầu thang, đang chạy cậu chợt khựng lại. Mẹ hớt hải chạy lên túm lấy tay cậu.

Về nhà nào.

Mẹ túm lấy tay cậu kéo giật đi như một người sắp chết đuối, cậu xoay cổ tay cố hất tay mẹ ra. Tay kia cậu gỡ từng ngón tay mẹ ra khỏi cổ tay mình.

Quân đội sẽ vào đây đấy. Giờ về nhà ngay.

Cuối cùng cậu cũng gỡ được hết những ngón tay bấu chặt cứng của mẹ. Cậu chạy vụt vào trong hội trường trốn. Mẹ định vào theo nhưng bị chặn ngang bởi hàng gia quyến đang chuyển quan tài về nhà.

Người ta bảo sáu giờ ở đây đóng cửa mẹ ơi.

Mẹ kiễng chân cố nhìn cậu qua hàng người. Trán mẹ cau lại như trẻ con đang khóc, cậu hướng về phía vầng trán đó nói to.

Bao giờ đóng cửa thì con cũng sẽ bị đuổi về thôi.

Đến lúc đó, khuôn mặt mẹ mới dãn ra.

Nhất định phải thế đấy nhé.

Mẹ nói.

Nhớ về trước khi trời tối đấy. về rồi cả nhà cùng ăn cơm.

 

Mẹ vừa đi được một lát thì một ông lão mặc áo hanbok khoác ngoài màu nâu nhác qua đã thấy nóng bức bước vào, thấy ông lão, cậu liền đứng dậy. Ông lão tóc bạc trắng, đội mũ phớt màu mực tàu, tay chống cây gậy bằng gỗ thông đỏ, lẩy bẩy bước từng bước. Để cuốn sổ và cây bút bi chặn lên xấp giấy cho gió khỏi thổi bay, cậu bước xuống cầu thang.

Ông đến tìm ai ạ?

Con trai với cháu gái tôi.

Ông lão móm mém nói phều phào không rõ tiếng. Hôm qua, tôi có quá giang máy cày đi từ Hwasun sang đây. Người ta bảo máy cày không được vào trong thành phố, thế là phải lần mò mãi theo ngả đường núi không có quân lính canh giữ đấy.

Ông lão thở dốc. Chòm râu bạc lơ thơ quanh miệng dính bọt mép trắng xóa. Một ông lão đến đi trên đất bằng còn không vững thế này sao mà đủ sức vượt núi đến tận đây nhỉ, cậu không sao hiểu nổi.

Thằng út nhà tôi ấy mà, nó bị câm... Hồi nhỏ nó bị sốt thương hàn xong rồi không nói được nữa. Mấy hôm trước có người từ Gwangju xuống, họ bảo trong thành phố, quân lính dùng dùi cui đánh chết một người câm, mà đánh chết cũng lâu rồi.

Cậu dìu ông lão lên cầu thang.

Với lại đứa cháu gái con thằng cả nhà tôi ấy, nó đi học với ở trọ ngay trước trường Đại học Cheonnam, nhưng tối qua tôi ghé nhà trọ thì không thấy nó đâu cả... Cả chủ nhà, cả hàng xóm cũng chẳng thấy nó từ mấy hôm nay rồi.

Bước vào hội trường, cậu kéo khẩu trang lên. Trong hội trường, vài người phụ nữ mặc thường phục đang nhặt chai đồ uống, giấy báo, túi chườm đá với di ảnh... gói ghém vào khăn vải để chuẩn bị rút đi. Cậu cũng thấy cả những người nhà nạn nhân đang bàn tới bàn lui việc nên chuyển quan tài về nhà cho an toàn, hay là cứ để lại đây.

Lúc này, ông lão không để cậu dìu nữa. Tay cầm cái khăn tay vải sô vo tròn bịt mũi, ông lão bước vào trong hội trường. Ông nhìn thật kỹ từng khuôn mặt nhô lên phía trên tấm vải trắng, lần lượt lắc đầu. Sàn nhà trải cao su nuốt mờ tiếng cây gậy gỗ thông đỏ đều đặn chống lên sàn.

... Những người kia là ai vậy cậu? Sao lại che mặt đi như thế?

Đưa tay chỉ những người đang nằm phủ vải kín lên tận đỉnh đầu, ông lão hỏi.

Cậu chần chừ muốn tránh công việc này. Mỗi lần đến giây phút này, cậu đều chần chừ như vậy. Nhấc mảnh vải loang lổ nhớp nháp máu với dịch mủ kia lên, đợi cậu phía dưới sẽ là những khuôn mặt bị xé rách từng vệt dài, những bờ vai bị chém toác, những bầu ngực đang thối rữa giữa những lớp áo... Đêm đến, những hình ảnh đó lại hiện lên rõ nét, khiến cậu ngay cả lúc đang nằm ngủ trên mấy cái ghế ghép lại trong phòng ăn dưới tầng hầm tòa nhà chính cũng đột nhiên mở choàng mắt. Người cậu giãy giụa vì ảo giác mình đang bị lưỡi lê đâm vào mặt, chém vào ngực.

Cậu bước về phía người nằm ở góc trong cùng. Như thể bị một tảng nam châm khổng lồ đẩy ra, thân thể cậu vô thức chợt lùi lại đằng sau. Cố chống lại lực đẩy đó, cậu gò vai về phía trước và bước tới. Lúc cậu cúi xuống nhấc miếng vải, phía dưới tâm ngọn lửa màu xanh nhạt, một giọt nến mờ mờ đang chảy xuống.

Liệu linh hồn sẽ nán lại bên thân xác bao lâu?

Nó có bay như thể có cánh không? Có phải chính nó đã làm cho ngọn lửa lay động?

Cậu ước giá mắt mình kém hơn để ngay cả khi nhìn gần cũng chỉ thấy mờ mờ thì tốt biết bao. Vậy nhưng chẳng có thứ gì chỉ hiện lên mờ mờ cả. Cậu nhấc mảnh vải lên mà không nhắm mắt, môi cắn chặt tới mức bật máu. Ngay cả sau khi nhấc mảnh vải lên, rồi ngay cả khi từ từ đậy mảnh vải lại, cậu cũng không nhắm mắt. Có lẽ dù đó là ai mình cũng sẽ chạy trốn thôi, cậu nghiến chặt răng mà nghĩ. Dù cho lúc đó, người gục xuống không phải Jeong Dae mà là cô gái này thì cậu cũng sẽ chạy trốn. Dù người đó là các anh, là bố, là mẹ đi nữa, cậu cũng sẽ chạy trốn thôi.

Cậu quay lại nhìn khuôn mặt ông lão, mái đầu ông đang run lên. Cậu không hỏi "Có đúng cháu gái ông không ạ?" mà chỉ kiên nhẫn đợi ông lên tiếng. Mình sẽ không tha thứ. Như người vừa nhìn thấy thứ khủng khiếp nhất trên đời, ông lão lẩy bẩy đứng đó, cậu nhìn thẳng vào đôi mắt ông lão. Mình sẽ không tha thứ cho bất cứ điều gì. Kể cả bản thân mình.

Chú thích

[1] Ca từ của bài Quốc ca Hàn Quốc.

[2] Cấp thấp nhất trong hệ thống công chức Hàn Quốc.

[3] 25 tháng Sáu năm 1950: Ngày bắt đầu diễn ra cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), trước bối cảnh trong truyện khoảng ba mươi năm.

[4] Ga Mới: Tên dân dã của ga Gwangju sau khi được chuyển từ vị trí cũ sang vị trí hiện nay vào năm 1969.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét