Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2024

Mấy cô điếm buồn (phần III)

 

“… Tôi trở nên dễ khóc. Bất cứ xúc động nào liên quan đến sự êm đềm đều làm tôi nghẹn ngào, và tôi vẫn không thành công chế ngự mình khi nghĩ đến chuyện phải chấm dứt cái thú vui cô đơn ngắm con bé ngủ, không phải vì sợ chết, mà vì cái đau lòng tưởng tượng nó không còn có tôi suốt cuộc sống còn lại của nó…”

 


Gabriel García Márquez

Mấy cô điếm buồn

Mai Kim Ngọc dịch


I II III

Một tháng sau, Rosa Cabarcas gọi điện cho tôi. Sự cắt nghĩa của mụ khó tin: Sau vụ ông chủ ngân hàng bị người ta ám sát, mụ đã đi nghỉ mát ở Cartagena de Indias. Tôi không tin tất nhiên, nhưng tôi cũng tỏ lời mừng cho mụ, và đợi mụ phóng đại câu chuyện nói dối của mụ xong, tôi hỏi mụ câu hỏi nóng sốt trong lòng:


“Thế con nhỏ thế nào?”


Rosa Cabarcas yên lặng rất lâu. Sau cùng mụ nói:


“Nó vẫn ở đấy.”


Nhưng giọng mụ trở nên mơ hồ khi mụ nói tiếp:


“Phải đợi một thời gian thôi.”


“Bao lâu?” Tôi hỏi.


Mụ bảo:


“Không biết bao lâu, nhưng tôi sẽ cho anh hay.”


Cảm thấy mụ sắp bỏ đi, tôi chặn mụ lại:


“Khoan đã, cho tôi chút tin tức chớ.”


Mụ nói:


“Tôi không có tin tức gì để cho anh.”


Và mụ kết luận:


“Anh phải cẩn thận, nóng nẩy có hại cho anh, và hơn nữa, có hại cho con bé.”


Tôi không chịu cái lối giả dối này. Tôi năn nỉ cho tôi biết chút ít sự thật. Tôi nói, dù sao mụ với tôi cũng là đồng loã. Mụ không nhượng bộ dù một bước:


“Anh phải bình tĩnh thôi. Con bé mạnh giỏi và đợi tôi gọi nó, còn bây giờ thì không thể làm gì hơn, mà tôi cũng không có gì hơn để nói. Thôi nhé.”


Tôi cầm điện thoái trong tay không biết làm gì tiếp, vì thật ra tôi biết tính mụ đủ để hiểu rằng đừng hòng khai thác gì thêm nơi mụ nếu mụ không thuận tình. Xế trưa, tôi kín đáo đi một vòng qua nhà mụ, cầu may hơn là có hy vọng hợp lý gì, và thấy cửa đóng then gài, với dấu niêm phong của sở y tế. Tôi nghĩ có lẽ mụ gọi tôi từ một chỗ khác, có thể từ một tỉnh khác, và ý nghĩ ấy làm cho tôi thấy vô vàn những điềm đen tối. Nhưng sáu giờ chiều, lúc tôi ít ngờ nhất, mụ gọi tôi qua điện thoại và đọc cho tôi mật hiệu riêng tôi thường dùng:


A lô, hôm nay nhé.”


Mười giờ tối, run rẩy, mím môi để khỏi khóc, tôi mang gói chocolat Thuỵ Sĩ, kẹo lạc nu-ga, kẹo ca-ra-mel, và một bó hồng đỏ. Cửa phong hé mở, đèn thắp sáng và radio chơi bài xô-nát số 1 cho vĩ cầm và dương cầm của Brahms. Delgadina nằm trên giường, nó đẹp huy hoàng đến nỗi tôi không nhận ra ngay.


Con bé già dặn hơn, không phải vì tầm vóc mà vì một sự chững chạc đặc biệt làm cho nó trông lớn hơn hai hay ba tuổi. Và hôm nay nó trần truồng hơn bao giờ hết. Đôi gò má cao và làn da rám nắng biển, đôi môi thanh lịch và mái tóc ngắn và uốn quăn làm mặt nó thấm nhuần một vẻ đẹp con trai như tượng Apolo de Praxíteles. Nhưng không thể lầm lẫn được, vú nó đã mọc tới độ lòng bàn tay úp không hết, háng nó đã phát triển đầy đủ, và xương nó đã trở thành chắc chắn và hài hoà. Tôi vô cùng ngưỡng mộ công việc của thiên nhiên, nhưng tôi khựng lại vì phần trang điểm nhân tạo của con bé: lông mi giả, móng tay móng chân sơn màu xà-cừ, mùi nước hoa hai xu không ăn nhằm gì đến yêu đương. Nhưng cái làm tôi vô cùng bất mãn là những món nữ trang đắt tiền trên mình con bé: nào bông tai vàng ấn ngọc lục bảo, nào vòng hạt trai thật, nào nhẫn ngọc, nào vòng xuyến vàng nhận kim cương, nào nhẫn ngọc đeo đủ tám ngón. Trên chiếc ghế là chiếc áo dạ tiệc kim tuyến và đôi giày sa-tinh.


Tôi quát lên:


“Đồ đĩ.”


Như có con quỷ nó nói nhỏ vào tai tôi một ý tưởng đen tối. Là đêm xảy ra án mạng, Rosa Cabarcas không kịp mà cũng không tĩnh trí để báo tin cho con bé biết mà chạy đi, và cảnh sát thấy nó trong phòng một mình và còn vị thành niên không có người lớn đi kèm. Không ai có thể sánh được với Rosa Cabarcas trong hoàn cảnh tương tự: mụ đã trao đổi trinh tiết con bé cho một tên khách đầu sỏ của mụ để thân mụ được vô can. Tất nhiên trước tiên phải biến đi một thời gian cho việc nguội bớt. Tuyệt vời thay, một tuần trăng mật tay ba, hai đứa nằm trên giường còn mụ già ra ngoài sân thượng hưởng thụ cái cảnh tự do không tù tội của mình.


Mù quáng vì cơn giận vô lý, tôi đập tất cả đồ đạc trong phòng: đèn, radio, quạt máy, gương, bình nước, chai lọ. Tội đập không vội vã nhưng liên tục, đầu óc nhiễm độc có phương pháp để hả giận. Với tiếng vỡ đầu tiên, con bé giật mình, nhưng nó không nhìn tôi mà quay đầu vào trong xoay lưng lại phía tôi, run lên từng cơn cho đến khi vụ đập phá chấm dứt. Đêm về sáng, chó và gà trong sân hùa vào sủa và gáy lại càng làm cho ầm ĩ hơn. Với cái mù quáng mà rất tỉnh của cơn giận, tôi muốn nổi lửa đốt nhà, khi Rosa Cabarcas tỉnh bơ trong áo ngủ hiện ra bên ngoài khung cửa. Tôi không nói gì. Mụ đảo mắt như ước lượng sự tổn thất vật chất, và ghi nhận con bé đang cuộn tròn như con sên, đầu giấu vào hai cánh tay, vô cùng sợ hãi nhưng không thương tích.


Mụ nói lớn:


“Lậy Chúa tôi. Tôi sẵn sàng cho hết tài sản trên đời để được ai yêu như thế này.”


Mụ nhìn tôi từ đầu đến chân một cách thương hại, rồi ra lệnh:


“Anh đi theo tôi.”


Tôi theo cho đến nhà mụ. Mụ yên lặng rót cho tôi tách nước, ra hiệu cho tôi ngồi xuống trước mặt:


“Thôi được, bây giờ thì cư xử như người lớn nhé. Kể cho tôi nghe chuyện gì xảy ra.”


Tôi kể cho mụ câu chuyện đã khám phá ra mà tôi cho là sự thật. Rosa Cabarcas yên lặng nghe, không ngạc nhiên, và sau cùng tỏ ra đã hiểu vỡ được sự việc. Mụ bảo:


“Màu nhiệm thay, tôi vẫn nói ghen tuông biết nhiều hơn sự thật.”


Rồi mụ cho tôi hay tất cả sự thật. Mụ nói quả thật đêm xảy ra án mạng, trong lúc hỗn loạn, mụ có quên mất con bé còn đang ngủ trong phòng. Một trong những khách hàng của mụ, luật sư của nạn nhân, thường có thói quen vung tiền ra mua chuộc chính khách, mời mụ ra nghỉ tại một khách sạn vùng Cartagena de Indias, chờ cho chuyện nguội đi. Mụ nói:


“Tin tôi đi, suốt thời gian này, không lúc nào tôi không nghĩ đến anh và con bé. Mới về lại được hai hôm, việc đầu tiên là tôi gọi anh, nhưng không ai cầm điện thoại. Ngược lại con bé tới ngay tức thì, tình trạng thật thảm thương nên chi tôi tắm rửa cho nó, cho đi mỹ viện, dặn người ta sửa soạn cho nó như một bà hoàng. Anh thấy con bé rồi đấy, tuyệt vời phải không.”


“Quần áo đắt tiền ư? Đó là một trong những chiếc áo tôi thuê cho mấy đứa con gái nghèo của tôi mặc để đi khiêu vũ với khách. Ngọc vàng ư? Của tôi cả đấy, nhưng anh chỉ việc cầm lên là thấy mấy viên ngọc là đồ ve chai, còn vàng và bạch kim chẳng qua là thiếc nhuộm. Hãy chấm dứt trò ghen thối này đi. Gọi con bé dậy mà xin lỗi nó đi, và tiếp tục chăm sóc nó. Không ai xứng đáng hạnh phúc bằng hai đứa bay.”


Tôi cố gắng tin mụ, nhưng yêu và ghen còn mạnh hơn lẽ phải. Vẫn còn khốn khổ với ngọn lửa đang sôi sục trong bụng, tôi la lớn:


“Đồ đĩ. Bọn bay là đồ đĩ tuốt. Đĩ thối đĩ thiu. Ông không muốn liên can gì với tụi bay nữa, với bất cứ một con điếm nào trên đời này nữa, và nhất là con điếm oắt con này.”


Tới cửa tôi giơ tay làm hiệu vĩnh biệt, mà xem ra mụ cũng tin là vĩnh viễn. Buồn bã mụ nói:


“Chúa che chở cho anh.”


Và thực tế mụ nói tiếp:


“Tôi sẽ gửi anh phiếu tính tiền để anh bồi thường sự đập phá này.”



5.

Trong khi đọc The Ides of March, tôi gặp một câu mà tác giả cho là của Julius Caesar: Rốt cuộc, anh cũng trở thành những gì mà người ta nghĩ về anh. Tôi không xác định được có phải quả là của Ceasar hay là của những người viết tiểu sử của ông, từ Suetonius tới Carcopinus, nhưng câu nói cũng đáng biết. Ý niệm định mệnh chứa đựng trong câu nói ấy áp dụng cho cuộc đời tôi những tháng tiếp theo, làm tôi quyết định không những viết hoài niệm về các cô điếm buồn, mà còn không chút thẹn thùng khai bút bằng cuộc tình với Delgadina.


Tôi không yên ổn được dù một giây một phút, biếng ăn, và sụt cân đến nỗi thắt lưng quần rộng thùng thình. Tôi có những cơn đau bất ngờ, vui buồn bất thường không có lý do, tối tối là tình trạng mê muội không nghe nhạc mà cũng không đọc sách được, để ngược lại ban ngày thì lúc nào cũng ngủ gật mà ngủ thật thì lại không xong.


Tự nhiên tình trạng thuyên giảm nhờ một may mắn như từ trên trời rơi xuống. Trên một chuyến xe đò chật chội từ Loma Fresca, có bà khách ngồi bên không biết lên xe khi nào, ghé tai tôi nói thầm:


“Anh bắn súng vẫn tốt đấy chứ?”


Đó là Casilda Armenta, một cô điếm có hồi trẻ đẹp và kiêu kỳ và tôi đã là khách hàng chuyên cần của thị. Sau về hưu, bệnh tật, không một xu dính túi, thị lấy một anh Tàu có trại rau. Nhờ anh, thị thành bà Tàu chủ trại, và có lẽ cũng nhờ anh có được phần nào tình yêu. Tuổi bảy mươi ba, thị vẫn không mập ra, vẫn đẹp và tính tình vẫn cứng cáp, và miệng lưỡi chị em ta vẫn giữ được y nguyên.


Mụ mời tôi về nhà, một nông trại Tàu trên ngọn đồi bên con xa lộ dẫn ra biển. Chúng tôi ngồi ngoài sân duới bóng mát, trên hai chiếc ghế vải loại bày ngoài biển. Sân trồng thiên tuế và hoa, với những lồng chim treo dọc hiên nhà. Có đám thợ Tàu đội nón lá đang trồng rau trên sườn đồi dãi nắng, và dưới chân đồi là dải nước xám của cửa biển Ceniza, nơi hai con đê đá dẫn sông ra thẳng ngoài khơi cả mấy dặm. Trong khi chúng tôi nói chuyện, một con tàu trắng loại xuyên Đại Tây dương tiến vào cửa biển, và chúng tôi nhìn theo cho đến khi nghe thấy tiếng còi hụ buồn vang lại từ phía bến sông. Thị thở dài:


“Anh biết không, đây là lần đầu tiên trong nửa thế kỷ mà em không tiếp anh trên giường.”


Tôi nói:


“Chúng ta không còn như ngày xưa.”


Không nghe tôi, thị nói tiếp:


“Mỗi lần trên đài họ nói đến anh, vinh danh anh vì quần chúng quý mến anh, gọi anh là sư phụ của tình yêu, anh có thể tưởng tượng không, em nghĩ là không ai hiểu anh, biết anh duyên dáng và dễ thương bằng em.”


Nghiêm trang thị nói tiếp:


“Không ai có thể ủng hộ anh nhiều hơn em.”


Tôi không chịu thêm được nữa. Thị cảm nhận được sự xúc động của tôi, thấy mắt tôi ướt, và chỉ lúc ấy thị mới khám phá ra tôi không còn là tôi ngày trước. Chịu đựng cái nhìn của thị với tất cả can đảm có thể có, tôi nói:


“Chẳng qua là anh già rồi.”


Thị nói nhỏ:


“Cả anh và em cùng già rồi. Chuyện già là tự nhìn mình từ trong nên không thấy, còn tất cả thế giới nhìn mình từ ngoài nên thấy nó liền.”


Không thể nào mà không cởi mở nỗi lòng, tôi kể cho thị câu chuyện đang nung nấu ruột gan, từ lần đầu tiên gọi điện thoại cho Rosa Cabarcas trước hôm sinh nhật chín mươi của tôi, cho đến cái đêm thê thảm mà tôi đập phá tan hoang căn phòng rồi không trở về nữa. Mụ chăm chú nghe tôi giãi bầu tâm sự như chính mụ đang sống trong chuyện, chậm rãi suy nghĩ, và sau cùng mỉm cười:


“Muốn làm gì thì làm, anh không được để lạc con nhỏ đó nhé. Không có gì khốn khổ hơn là chết một mình.”


Chúng tôi lấy tàu đi Puerto Colombia, chiếc tàu bé như đồ chơi, chạy chậm như ngựa kéo. Chúng tôi ăn trưa trước bến tàu ven sông dựng bằng kè gỗ, nơi mà ai cũng phải đặt chân xuống để vào đất nước này, cho đến khi mở cửa sông Bocas de Ceniza. Chúng tôi ngồi dưới mái hiên lợp lá kè, nơi các bà mọi đen to lớn bệ vệ dọn ra món cá rán với cơm nấu nước dừa cùng những lát chuối xanh. Chúng tôi nghỉ trưa trong cái nắng ủ ê của hai giờ chiều ngày hè, tiếp tục trò chuyện cho đến khi ông mặt trời to và đỏ như lửa chìm xuống biển. Cảnh trước mặt thật là tuyệt mỹ.


Thị nói đùa:


“Thế là xong tuần trăng mật của anh em mình.”


Rồi thị nghiêm trang nói:


“Hôm nay nhìn lại, em thấy cái đội ngũ đàn ông cả ngàn đứa đã ngủ với em, và em nghĩ bất cứ đứa nào trong bọn em cũng đánh đổi cả linh hồn em để lấy làm chồng, ngay cả với cái thằng tệ hại nhất. Cảm ơn Chúa, em đã kịp thời bắt được chú Chiệc của em. Lấy chú như lấy ngón tay út của mình, nhưng dù sao cũng là chồng em, của mình em.”


Thị nhìn mắt tôi như đo lường tôi phản ứng với điều thị vừa kể. Và thị lại nói:


“Vì vậy, những chuyện anh ghen mà nghi dù có thực sự xảy ra chăng nữa, anh cũng phải đi tìm cái con bé tội nghiệp đó ngay. Dù sao chăng nữa, không ai có thể phủ nhận là anh đã có những ngày hạnh phúc với nó. Nhưng lần này, không có vụ ông nội lãng mạn lẩm cẩm nhá. Đánh thức nó dậy mà chơi cho nó tảng hồn với cái dùi đục to tuớng mà quỷ thưởng cho anh vì keo kiệt hà tiện.”


Nghiêm trang thị kết luận, thành thực với tất cả linh hồn:


“Anh, đừng từ giã cõi đời này mà chưa được hưởng cái phép màu nhiệm là yêu mà đ. ai...”


Ngày hôm sau, tay tôi run rẩy khi quay số điện thoại. Vừa vì nôn nao nghĩ đến gặp lại con bé, vừa không chắc mụ Rosa Cabarcas sẽ phản ứng thế nào. Tôi với mụ đã cãi nhau nặng nề về phiếu tính tiền quá đáng của mụ cho những phá phách tôi đã làm trong căn phòng. Tôi đã phải bán một bức tranh rất quý của mẹ để lại, lẽ ra giá trị bằng một gia tài mà chỉ thu được một phần mười ảo vọng. Tôi mang món tiền bán tranh với tất cả những dành dụm tới mụ, ra tối hậu thư: Chỉ có thế, không lấy thì thôi. Hành động dại dột của tôi có thể coi như tự vẫn, vì chỉ cần bán đi một trong những bí mật của tôi là mụ có thể tiêu diệt toàn bộ tiếng tăm của tôi.


Lời tôi doạ không làm mụ nao núng, vì cái đêm tôi nổi giận mà đập phá, mụ đã cất giữ những bức tranh trong phòng để làm tin. Chỉ một ván bài mà tôi thua tất cả: Tôi mất con bé, mất mụ Rosa Cabarcas, mất tất cả vốn liếng dành dụm.


Vậy mà chuông reng một lần, hai lần, ba lần, và sau cùng giọng mụ: Tôi đây. Tôi sợ hãi nói không ra hơi, và gác máy lại. Tôi nằm xuống võng, cố gắng bình tĩnh trở lại bằng cách đọc những đoạn văn trữ tình nghệ thuật của Satie, nhưng mồ hôi tôi vã ra đến nỗi ướt cả vải võng. Đến ngày hôm sau, tôi mới có lại can đảm gọi mụ lần nữa. Lấy giọng chững chạc, tôi nói:


“Mụ này, hôm nay nhé.”


Rosa Cabarcas tất nhiên không chấp nê và đứng trên mọi chuyện. Mụ thở dài, rồi nói với cái tinh thần không bao giờ chịu thua của mụ:


“Ông giáo đáng buồn của tôi ơi, anh biến đi đâu hai tháng để bây giờ trở về đòi chuyện hão huyền.”


Mụ kể đã hơn tháng nay không gặp Delgadina, nhưng xem ra con bé đã phục hồi được cơn sợ vì sự điên dại của tôi tối hôm đó, nên không nhắc lại chuyện cũ mà cũng không hỏi thăm tin tức. Nó rất mãn nguyện với công việc mới, thoải mái hơn mà tiền lương cũng cao hơn.


Một ngọn lửa nóng bốc lên đốt cháy ruột gan tôi. Tôi nói:


“Công việc mới cái gì? Nó chỉ có thể làm điếm thôi.”


Rosa tỉnh bơ trả lời tôi:


“Đừng làm bộ ngu xuẩn, nếu làm điếm thì nó đã tới đây với tôi rồi. Ở đâu bằng ở đây?”


Miệng lưỡi nhanh như cắt của mụ làm tôi lại càng nghi ngờ. Tôi nói:


“Làm sao tôi biết được là nó không đang làm đĩ với chị ngay bây giờ đây này.”


Mụ nói:


“Trong trường hợp ấy, anh không biết thì tốt cho anh hơn. Có phải như vậy không nào?”


Một lần nữa, con mụ chủ nhà thổ này thật là đáng ghét. Mụ ta làm bộ tỉnh như không, hứa sẽ tìm con bé. Không hy vọng nhiều, vì điện thoại của người láng giềng mụ thường dùng để gọi nó mấy hôm nay đã bị cắt, và mụ không biết nó ở đâu. Nhưng cũng không chết chóc gì, mụ nói, tôi sẽ gọi lại trong vòng một giờ.


Cái một giờ ấy lâu ba ngày, nhưng mụ đã tìm được con bé, và biết nó khỏe mạnh và rảnh rang.


Tôi trở lại căn phòng cũ, ân hận và xấu hổ. Như để chuộc tội, tôi hôn nó từng phân từng ly vuông, từ đầu đến chân, từ nửa đêm cho đến gà gáy sáng. Sự xin lỗi dài này tôi tự hứa sẽ lặp lại mãi mãi, và như bắt đầu lại từ đầu một lần nữa. Căn phòng đồ đạc đã bị rỡ đi, cùng với sự sử dụng nặng tay đã tàn phá tất cả những gì tôi mang tới. Rosa Cabarcas đã để nguyên tình trạng, và cho tôi hay rằng những tu bổ gì tôi muốn làm cho căn phòng thì kể như trừ vào số tiền tôi còn nợ mụ.Tuy nhiên, tình trạng kinh tế của tôi đã kiệt quệ. Tiền mất giá, lương hưu trí của tôi mãi lực càng ngày càng ít đi. Chút ít đồ đạc bán được còn lại trong nhà, trừ mớ ngọc nữ trang thiêng liêng của mẹ tôi, toàn là thiếu giá trị thương mãi, cũ nhưng chưa cũ đủ để thành đồ cổ. Vào thời thịnh trị, ông thống đốc đã dạm mua toàn bộ sách cổ điển với các tác giả La-Hy và Tây Ban Nha của tôi cho thư viện trong vùng, nhưng khi ấy tôi không nỡ tâm bán chúng đi. Về sau, với những đổi thay chính trị và tình trạng thế giới suy đồi, không ai trong chính phủ còn quan tâm đến văn học nghệ thuật.


Chán nản vì mãi không tìm ra giải pháp, tôi nhét đầy túi những đồ ngọc của mẹ mà Delgadina trả lại, toan đi cầm tại một con hẻm rùng rợn trên lối ra chợ. Tôi làm bộ như nhà giáo đãng trí bước tới bước lui cái khu địa ngục ấy, qua những tiệm sách cũ, những quán rượu tồi tàn, và tiệm cầm đồ, và mỗi lần cứ nghĩ đến cái cung cách quý tộc trang nhã của mẹ, tôi lại không dám vào cầm ngọc của bà. Rồi tôi quyết định mang ngọc đi bán, đàng hoàng trang trọng tại một tiệm kim hoàn tử tế.


Một nhân viên vừa hỏi tôi vài câu, vừa quan sát những viên ngọc bằng cái kính lúp một mắt. Anh ta coi ngọc mà nghiêm túc như một thày lang khám bệnh. Tôi cho anh ta hay đây là ngọc gia bảo thừa hưởng từ mẹ tôi. Anh ta gật gù nghe tôi cắt nghĩa, và sau cùng tháo chiếc kính một mắt ra và nói:


“Tôi rất tiếc. Nhưng nữ trang này toàn là đồ ve chai thôi.”


Thấy tôi ngạc nhiên, anh ta nhẹ nhàng nói, vẻ thương hại hiện ra mặt:


“Tuy nhiên, phần vàng đúng là vàng, và phần bạch kim thì cũng đúng là bạch kim.”


Tôi sờ lại túi cho chắc là có mang theo phiếu mua, và tôi nói không chút gây gổ:


“Thế nhưng ngọc này mua chính tại tiệm này đã hơn trăm năm.”


Anh ta không thay đổi sắc diện, nói rằng với thời gian đồ gia bảo thường mất dần những viên ngọc quý; chúng bị đánh tráo bời đám con cháu ngỗ nghịch, hay các thợ kim hoàn bất lương, cho đến khi có ai trong gia đình định bán đi mới khám phá ra sự cố. Anh ta nói:


“Nhưng cho tôi một giây.”


Anh ta mang ngọc vào phòng trong của tiệm. Sau một lúc, anh ta trở lại, không cắt nghĩa gì thêm, mời tôi ngồi xuống ghế đợi, và tiếp tục làm việc của mình.


Tôi nhìn quanh cửa tiệm. Tôi đã đến đây với mẹ tôi nhiều lần, và nhớ một câu bà thường dặn:


“Con đừng kể với ba nhé.”


Một ý nghĩ chợt tới và làm tôi sững người. Có thể nào Rosa Cabarcas và Delgadina, đồng loã với nhau đã bán ngọc thật và trả lại cho tôi các món đồ đã tráo ngọc giả.


Lòng tôi đang nóng như lửa vì sự nghi ngờ, khi một cô thư ký mời tôi theo cô cũng qua cái cửa cuối tiệm, vào một căn phòng nhỏ có giá sách dài và những pho sách nặng. Một người Ả-rập khổng lồ ngồi sau bàn giấy đứng dậy và chìa tay cho tôi bắt, cậu cậu tớ tớ với tôi như bạn hữu thân tình lâu năm. Y nói như một lời chào hỏi:


“Tụi mình thi tú tài cùng lượt với nhau.”


Tôi nhận ra anh ta ngay. Anh ta là cầu thủ bóng đá hay nhất trường, mà cũng là tay vô địch trong cảnh nhà thổ nhập môn của bọn tôi bấy giờ. Tôi không nhớ đã không gặp nhau lại từ bao giờ, và chắc anh thấy tôi tiều tuỵ lắm nên lầm tôi với một người bạn thơ ấu nào.


Trên mặt pha lê bàn giấy là một cuốn sổ to nặng mở sẵn, trong đó ghi chép lý lịch những viên ngọc của mẹ tôi. Bản báo cáo chính xác đầy đủ ngày tháng ghi rõ rằng chính mẹ tôi tự thân cho tráo nữ trang của mười hai thế hệ Cargamantos danh tiếng, và bán những viên ngọc thật cũng cho chính tiệm này. Sự việc xảy ra khi ông già của chủ tiệm đương thời còn đứng ở quầy hàng đằng trước, và chính y còn cắp sách đến trường. Nhưng cũng chính y trấn an tôi rằng sự việc như thế cũng thông thường đối với những đại gia gặp lúc sa sút, để giải quyết những cơn túng ngặt mà không cần phải sứt mẻ uy tín. Trước sự thật phũ phàng, tôi quyết định giữ những món nữ trang lại như kỷ vật của một bà Florina de Dios khác mà tôi chưa từng biết.


Đầu tháng bảy, tôi biết khoảng cách thật sự giữa tôi và thần chết. Tim tôi lỡ nhịp và tôi bắt đầu thấy từ nhiều phía những điềm rõ ràng của màn kết. Điềm rõ ràng nhất xảy ra nhân một bữa nghe hoà tấu ở Viện Mỹ thuật. Máy điều hoà không khí hỏng, và các nhân vật tinh hoa của văn học nghệ thuật như bị nấu cách thuỷ trong cái đại sảnh đường đông nghẹt, nhưng một bầu không khí thần tiên hiện hữu nhờ phép màu của âm nhạc. Sau cùng, vớì bản Allegretto poco mosso, tôi bỗng như bất thần nhận định đây là bàn hoà tấu cuối cùng số kiếp cho tôi được thưởng lãm trước khi qua đời. Tôi không thấy đau cũng không thấy sợ mà thấy cái cảm nghĩ là mình đã sống đủ bỗng xâm chiếm toàn thân.


Sau cùng, mồ hôi đầm đìa và mở được đường cho mình qua những cái ôm chào và những chụp ảnh, tôi bất ngờ gặp Ximena Ortiz, như một nữ thần già trăm tuổi ngồi xe lăn. Tôi thấy sự hiện diện của người đàn bà này cũng nặng nề như sự trừng phạt của một tội lỗi đáng chết. Thị mặc chiếc áo lụa màu ngà, mượt như da người, một chuỗi hạt trai thật ba vòng, đầu tóc nhuộm màu xà cừ cắt theo kiểu những năm hai mươi, đôi mút cánh hải âu vẽ trên đôi lưỡng quyền, và đôi mắt vàng nổi bật lên vì đôi quầng tự nhiên. Tất cả nơi thị cải chính tiếng đồn là thị đã lãng trí. Sững sờ trước thị, tôi chỉ còn cách là gắng cưỡng lại cơn chóng mặt mà chào thị bằng cách yên lặng nghiêng mình như lối chào quý tộc thường thấy nơi điện Versailles. Thị cười như một nữ hoàng, và cầm tay tôi. Lúc ấy tôi ghi nhận đây cũng là số mệnh trả thù, và tôi không lỡ cơ hội để gỡ ra chiếc gai bấy lâu hành hạ tôi. Tôi nói:


“Từ nhiều năm nay tôi đã đợi lúc này.”


Không nghe tôi, thị trả lời:


“Nhưng anh là ai?”


Tôi không biết thị có quên thật không, hay đây chỉ là sự trả thù cuối cùng trên đời.


Ý niệm chắc chắn là mình sẽ chết, mặt khác, đã đến với tôi ít lâu trước đó vào khoảng tuổi năm mươi, trong một dịp tương tự, một đêm dạ hội, trong đó tôi nhảy tango apache với một người đàn bà tôi không hề thấy mặt, nặng hơn tôi đến bốn mươi cân Anh, cao hơn tôi khoảng độ hai tấc, mà vẫn để cho tôi dắt nhẹ như chiếc lông chim trong gió. Chúng tôi nhảy sát nhau đến nỗi tôi cảm thấy máu lưu thông trong tĩnh mạch người đàn bà, và tôi như bị ru ngủ vì sung sướng trong nhịp thở nặng của bà, trong mùi a-mô-ni-ắc, và đôi vú vĩ đại, khi bất thần tôi nghe tiếng tử thần gầm thét làm tôi sửng sốt gần như ngã vật xuống đất. Có lời sấm rót vào tai tôi: Anh có làm gì chăng nữa, trong năm nay hay trong một trăm năm tới, anh sẽ chết một cách vĩnh viễn.


Người đàn bà tách ra khỏi tôi, sợ hãi hỏi:


“Chuyện gì vậy?”


Ráng chế ngự quả tim đang đập loạn xạ, tôi nói:


“Ô, tôi run vì bà mà thôi.”


Từ đó tôi bắt đầu đo cuộc sống không phải bằng năm mà bằng thập niên. Tuổi năm mươi là tuổi quyết định vì tôi biết phần đông xung quanh trẻ hơn tôi. Tuổi sáu mươi là tuổi căng thẳng nhất vì tôi bắt đầu nghi rằng tôi không còn nhiều thì giờ để lầm lẫn. Tuổi bảy mươi là tuổi dễ sợ vì nó kèm theo xác suất khá chắc chắn có lẽ đây là thập niên cuối cùng. Tuy niên, khi tôi thức giấc hôm sinh nhật thứ 90 trong cái giường hạnh phúc của Delgadina, tôi chợt có ý nghĩ rằng cuộc đời không phải như dòng sông nước đục của Heráclito, mà còn là cơ hội độc nhất được trở lại lò nướng để tự nướng mình phía bên kia thêm chín mươi năm nữa.


Tôi trở nên dễ khóc. Bất cứ xúc động nào liên quan đến sự êm đềm đều làm tôi nghẹn ngào, và tôi vẫn không thành công chế ngự mình khi nghĩ đến chuyện phải chấm dứt cái thú vui cô đơn ngắm con bé ngủ, không phải vì sợ chết, mà vì cái đau lòng tưởng tượng nó không còn có tôi suốt cuộc sống còn lại của nó. Một trong những ngày bất định đó, tôi tình cờ đi tới con đường sang trọng mang tên Phố Công Chứng Viên, và tôi ngạc nhiên thấy cái khách sạn rẻ tiền ngày xưa nơi tôi bị, hay được vỡ lòng vào nghệ thuật làm tình trước khi tròn mười hai tuổi, tất cả chỉ còn là gạch vụn. Khách sạn này xưa kia là một ngôi biệt thự của những chủ hãng đóng tàu, lộng lẫy như một số ít các tòa nhà như vậy trong tỉnh, với những cột ốp thạch cao tuyết hoa và những diềm trang trí thếp vàng, xung quanh cái sân trong có vòm pha lê phản chiếu ngũ sắc sáng chói như một lâu đài bằng kính. Tầng dưới với chiếc cửa gô-tích mở ra đường là văn phòng của những người công chứng viên thời thuộc địa, nơi cha tôi đã làm việc, đã thành công, và đã thất bại trong cả một cuộc đời với những giấc mơ huyễn ảo. Dần dần những đại gia dọn đi, và sau cùng tầng trên bị chiếm bởi một đội gái ăn sương đi lên đi xuống cầu thang cùng với những khách hàng một đồng rưỡi nhặt được từ mấy quán rượu bến sông gần đấy.


Năm mười hai tuổi, còn mặc quần cộc và đi bốt ngắn đồng phục học sinh tiểu học, tôi không chống lại được cái cám dỗ đi coi tầng trên của tòa nhà, trong khi cha tôi bận thảo luận sôi nổi trong những buổi họp bất tận của ông. Và tôi gặp một cảnh thần tiên. Những phụ nữ đã bán thân xác suốt đêm trở về nhà từ khoảng mười một giờ sáng; vì nóng nực không thể chịu được, họ cởỉ truồng làm việc nội trợ trong khi bàn tán với nhau về những cuộc phiêu lưu đêm qua. Tôi thật là vô cùng kinh hãi. Chuyện độc nhất tôi có thể làm được là trốn ra bằng lối đã dùng để vào, thì một mụ trần truồng sực nức mùi xà phòng nhà quê ôm tôi từ phía sau nên tôi không thấy rõ mặt. Mụ mang tôi về căn phòng chỉ có tường các-tông của mụ, trong tiếng la ó cổ võ của các mụ khác cũng trần truồng không kém. Mụ quẳng tôi nằm ngửa trên cái giường của mụ, rộng thênh thang đủ cho bốn người sử dụng, thành thạo lột quần tôi ra và cỡi lên tôi, mặc cho tôi vì sợ hãi đến giá lạnh toàn thân mà không đón tiếp mụ được như một người đàn ông thực thụ. Đêm đó tôi mất ngủ trong giường ở nhà vì sự xấu hổ của cuộc tấn công, và lòng mong mỏi gặp lại mụ không cho tôi chợp mắt được quá một giờ. Tuy nhiên sáng hôm sau, trong khi những con cú ăn sương chưa thức giấc, tôi run rẩy leo lên phòng mụ, khóc ầm ĩ và đánh thức mụ dậy, cứ như thế kéo dài cho đến khi trận gió phũ phàng của đời sống thổi tới. Tên mụ là Castorina và là vị nữ hoàng trị vì nhà chứa này.



Phòng của khách sạn này giá 1 peso cho những mối tình qua đường, nhưng ít đứa trong bọn chúng tôi biết có thuê cả ngày cũng một giá đó. Castorian cũng dẫn tôi vào cái thế giới nhếch nhác của mụ, nơi chị em có khi mời những khách hàng nghèo đói của mình một bữa ăn sáng thịnh soạn, cho họ mượn xà-phòng, cho họ cả thuốc nhức răng, và nếu là trường hợp khẩn cấp, tế độ đãi họ một chầu ái tình.

Nhưng trong buổi chiều tà của tuổi rất già của tôi, không ai còn nhớ nàng Castorina bất tử, chết không biết đã bao lâu, cô gái làng chơi đã vươn lên từ những góc đường khốn khó của bến tầu ven sông, tới ngai vàng của mụ tú bà, mắt trái che băng đen như hải tặc vì phải móc ra sau một trận ẩu đả trong quán rượu. Tên đĩ đực cuối cùng của mụ là một gã da đen có phước gốc Camaguey mà người ta gọi là Jonás el Galeote, có thời đã là nghệ sĩ kèn đồng thượng hạng cho đến khi bị tai nạn tàu hoả mà mất luôn cả nụ cười.

*

Sau chuyện cay đắng kể trên, tôi cảm thấy một cái đau nhói nơi tim mà dùng thuốc thông dụng ba ngày vẫn chưa hết. Ông y sĩ mà tôi đến khám như một bệnh nhân cấp tính thuộc về một vọng tộc, là cháu nội của vị bác sĩ đã khám tôi hồi tôi bốn hai, trấn an tôi là không có gì bất thường. Y trông già như ông nội y hồi bảy mươi, vì hói đầu sớm, đeo kính cận nặng và có một nét buồn không nguôi trên nét mặt. Y khám tổng quát toàn cơ thể tôi, nghiêm trang và chuyên chú như nhân viên nhà đòn. Y nghe tim nghe phổi, nghe trước nghe sau, đo áp huyết, gõ phản xạ đầu gối, khám võng mô, và lật mí lên coi niêm mạc. Trong khi tôi xoay trở trên bàn khám bệnh, y hỏi tôi những câu vừa mơ hồ vừa nhanh làm tôi không kịp trả lời. Một giờ sau, y nhìn tôi và mỉm cười hiền hậu. Y nói:


“Tôi không nghĩ có gì cần phải làm cho ông.”


“Ông muốn nói gì?”


“Tôi muốn nói rằng ở tuổi ông, tình trạng như vậy là tốt nhất đấy.”


Tôi nói:


“Thật là đáng chú ý, vì ông nội ông cũng nói với tôi như vậy khi tôi bốn hai tuổi, tựa hồ như thời gian ngưng lại từ lần khám bệnh ấy đến bây giờ.”


Y nói:


“Bao giờ cũng sẽ có người nói với ông câu này, vì rằng bao giờ ông cũng ở một tuổi nào đấy.”


Tôi khiêu khích:


“Chết mới thật là hết nói chuyện tuổi.”


Y nói:


“Đúng, nhưng chết không dễ gì, khi sức khỏe khả quan như ông. Tôi thật tình không chiều ông chuyện này được.”


Đêm rạng ngày hai chín tháng tám tôi cảm thấy tất cả trọng lượng của thế kỷ đang lạnh lùng đợi tôi khi tôi leo những bước nặng như chì vào nhà. Rồi tôi lại thấy mẹ tôi nằm trong giường tôi, cũng là giường của bà cho đến khi mãn phần, và mẹ lại cầu chúc cho tôi như lần chót hai giờ trước khi mẹ chết. Tôi vô cùng chấn động bởi sự việc, coi đấy là điềm báo hiệu của giờ cuối cùng, và tôi gọi Rosa Cabarcas rằng ngay đêm ấy mụ phải mang tôi đi gặp con bé, sợ rằng tôi không thực hiện nổi cái ảo vọng sẽ sống sót cho đến hết tuổi chín mươi. Tôi gọi mụ lần nữa lúc tám giờ, nhưng mụ lại trả lời là không thể nào chiều tôi được. Tôi hốt hoảng la lên trong máy rằng bằng mọi giá phải giúp tôi. Tôi gác máy không lời từ giã, nhưng mười lăm phút sau, mụ gọi lại:


“Con bé đang có ở đây.”


Tôi tới nơi lúc mười giờ hai mươi, và đưa cho mụ lá thư tuyệt mệnh, với những thu xếp cho con bé sau cái chết hãi hùng của tôi. Mụ cho rằng tôi đã bị vụ chết đâm trong phòng số một ám ảnh, và nói đùa rằng “Nếu anh định chết, mong rằng đừng chết ở đây. Hãy tưởng tượng sẽ phiền cho tôi đến thế nào”.


Nhưng tôi nói với mụ:


“Khi ấy hãy cắt nghĩa với mọi người là tôi bị con tàu Puerto Colombia đâm, cái con tàu tội nghiệp không đâm chết nổi ai.”


Đêm ấy mọi thứ chuẩn bị xong, tôi nằm xuống chờ đợi cái đau cuối cùng khi năm thứ chín mốt bắt đầu. Tôi nghe chuông nhà thờ đổ hồi xa xa, nghe thấy cái hương thơm của linh hồn con bé đang ngủ bên cạnh, nghe tiếng ai la hét nơi xa xăm, tiếng nức nở của người có lẽ đã chết trong phòng ngủ này thế kỷ trước… Tôi tắt đèn cùng vớí hơi thở cuối cùng, tay đan tay với con bé để có thể dắt nó đi, và đếm mười hai tiếng chuông nửa đêm cùng với mười hai giọt nước mắt cuối cùng, cho đến khi gà bắt đầu gáy, tiếp theo là chuông vinh danh Chúa đổ hồi, cùng với pháo tân niên, ca ngợi niềm vui đã sống quá tuổi chín mươi.


Những lời đầu tiên của tôi là nói với mụ Rosa Cabarcas: Tôi sẽ mua lại căn nhà, cửa tiệm, vườn trái cây, tất cả tất cả… Mụ nói:


“Chúng mình chơi cái trò người già đánh cuộc đi. Ai mà sống lâu hơn ai thì lấy tất cả tiền bạc của cải của người chết trước. Thị thực đàng hoàng.”


Tôi bảo không, khi chết tôi để tất cả của cải cho con bé. Mụ nói:


“Thế thì cũng thế thôi, vì anh chết tôi sẽ là người chăm sóc cho nó. Khi tôi chết, tôi sẽ để lại cho nó tất cả tài sản của anh cũng như của tôi. Tôi không còn ai trên đời này. Trong khi chờ đợi chúng mình hãy tân trang cái phòng của anh với máy điều hoà không khí, sách vở, âm nhạc…”


“Chị nghĩ con bé nó chịu không?”


Mụ cười ngất, và nói:


“Chao ôi, cái ông giáo lẩm cẩm của tôi. Già thì còn được, nhưng ngu thì không nên. Con bé khốn khổ này nó mê anh như điếu đổ.”

Hình ảnh lấy từ bộ phim cùng tên của đạo diễn Henning Carlsen

Tôi bước ra đường tràn trề hạnh phúc, và lần đầu tiên tôi có thể thấy chính tôi trên chân trời xa của thế kỷ đầu tiên của mình. Ngôi nhà tôi, yên lặng và ngăn nắp lúc sáu giờ mười lăm, bắt đầu phô trương màu sắc hạnh phúc trong nắng đầu tiên của ngày. Damiana đang cất giọng hát to trong bếp, và con mèo đã hồi sinh lấy đuôi quấn cổ chân tôi, cứ thế theo tôi đến bàn viết. Tôi xếp lại cho thứ tự xấp giấy, lọ mực, khi mặt trời chiếu qua mấy cây hạnh trong công viên, và con tàu đưa thư đã trễ một tuần vì hạn hán, đi vào cửa sông hụ còi ầm ĩ. Sau cùng, đây là cuộc sống thật với trái tim tôi lành lặn, bị kết án sẽ chết cùng hạnh phúc yêu đương bất cứ bao giờ, quá ngày sinh nhật thứ một trăm của tôi.


Nguồn: Bản tiếng Tây Ban Nha: Gabriel García Márquez, Memoria de mis putas tristes. Editorial Sudamericana / MONDADORI, First Edition, Second Printing, Buenos Aires


Bản tiếng Việt © 2007 talawas




Phụ lục


Mai Kim Ngọc

Vài cảm nghĩ nhân đọc và dịch Mấy cô điếm buồn của Gabriel García Márquez


Nếu không phải là truyện của García Márquez với thành tích văn học đồ sộ của ông, chỉ cần cái tựa Mấy cô điếm buồn cũng đủ làm nhăn mặt những vị có xu hướng tranh đấu nữ quyền mà chuyện chà đạp nhân phẩm đàn bà như mãi dâm, dù chỉ nói tới cũng là điều không nên. Đọc vào trang đầu, chắc nhiều người khác thấy tác phẩm còn đáng kiểm duyệt hơn vì phương diện đạo lý: chuyện mãi dâm ở đây liên quan đến trẻ vị thành niên. Quả thực, García Márquez hạ bút mở đầu chương 1 rằng: “Năm 90 tuổi tôi muốn tự thưởng một đêm tình điên với một xử nữ vị thành niên.


Nhưng rồi người đọc nhớ lại đây là văn học hư cấu, không phải chuyện phi pháp cần cấp thời báo cảnh sát để ngăn chặn. Vả lại như đã nói, tên tuổi García Márquez làm ta yên tâm. Dù đề tài gì, cảnh sống gì, những nhà văn như ông không đưa độc giả vào chuyện thô tục.


Vả lại tình dục của ông già hay người lớn với trẻ vị thành niên không phải là một đề tài mới, và các nhà văn lớn như Kawabata với cuốn Ngôi nhà các mỹ nhân say ngủ hay Vladimir Nabokov với cuốn Lolita, hay André Gide với cuốn La symphonie pastorale (Bản đàn thôn dã) đã chứng tỏ có giá trị văn học và nhân văn trong những khu vực tưởng chỉ có mìn bẫy của văn chương khiêu dâm. Còn nữa, cổ tích dân gian đời này tiếp đời khác đã không loại bỏ những truyện như Delgadina về cô công chúa út của một ông vua loạn luân đòi lấy con gái làm vợ. Chính cổ tích này cũng được García Márquez dùng tới khi dựng truyện Mấy cô điếm buồn.


Cuộc sống trăm nghìn dạng thức, vừa trong vừa ngoài luân lý, và tìm hiểu nhân tâm trong những hoàn cảnh đặc biệt cũng là một chức năng của văn học. Một trong những giá trị của văn chương là tìm được hiện thực tâm lý con người trong mọi hoàn cảnh hay thử thách của cõi nhân sinh.


*

Với Mấy cô điếm buồn, không phải lần đầu García Márquez chạm tới đề tài dâm dục với nhi đồng. Ông đã làm chuyện ấy khoảng 20 năm trước trong cuốn El amor en los tiempos del colera. Nhân vật chính Florentino Ariza trước khi gặp người yêu cho cả một đời, đã có một cô nhân tình bé con. Cô tên là América Vicuña cũng 14 tuổi, bị Florentino quyến rũ, chinh phục, và vỡ lòng cho chuyện tình dục. Cô học trò tỏ ra có nhiều năng khiếu, chẳng mấy chốc tấn tới vượt bực. Sau cùng bị Florentino bỏ rơi, cô âm thầm tự tử và mang theo bí mật xuống tuyền đài. Vì cô bé chỉ là một nhân vật rất phụ, và cuộc tình bé con bất hạnh chỉ là một chi tiết nhỏ trong tác phẩm lớn hay đến mê hồn, nên độc giả có lẽ ít ai nhớ đến.


Có lẽ García Márquez cảm thấy chưa hả, chưa khai thác đủ liên hệ của người lớn với trẻ nít trong Cuộc tình thời dịch tả, nên trong cuốn truyện cuối cùng này tác giả đã trực diện vấn đề, xử lý đề tài thêm lần nữa mà xem tay nghề của ông đạt được tới đâu. Nhân vật ông giáo của Mấy cô điếm buồn rất giống nhân vật Florentino hai mươi năm trước. Y cũng dính dáng đến văn thơ, cũng nhiều nhân tình, và cũng ghi sổ các cố nhân đã ăn nằm ít nhất một lần, đầy đủ tên tuổi, hoàn cảnh gặp gỡ, kiểu cọ làm tình vân vân… Florentino tổng kết số phụ nữ đã ăn nằm với mình là 622, còn ông giáo của Mấy cô điếm buồn dừng lại ở số 514; sai số 108 vị nữ lưu có nguyên do là về sau ông giáo không buồn ghi sổ nữa.


Cốt truyện Mấy cô điếm buồn được dựng công phu, để bên những vấn đề phụ lác đác đó đây, xử lý đề tài chính là tuổi già và tình yêu, giữa già dù đến mức già lắm của tuổi 90 với trẻ dù còn trẻ lắm của tuổi 14. Phải chăng tác giả cũng hy vọng hay cố gắng chứng minh rằng tình ái vong niên oái oăm không bắt buộc chung cuộc phải thê thảm.


*


Khi đọc nguyên bản bằng tiếng Tây Ban Nha, tôi có những nhận xét xin trình bày lần lượt sau đây.


Thứ nhất là xuất xứ của đề tài dục tình với trẻ thơ. García Márquez gặp đề tài này bao giờ và tại đâu, nói cách khác: ông đã chịu ảnh hưởng từ ai để hai lần đương đầu với nó? Câu trả lời tương đối dễ dàng. Người đi trước ông trong công việc nhìn vào cõi nhân tâm của lão hóa bằng ngả dục tình là Kawabata, với tác phẩm Ngôi nhà các mỹ nhân say ngủ (1961). Tác phẩm này rất hấp dẫn, thâm trầm, và quen thuộc với giới đọc sách. Nhân vật của Kawabata tên Yoshio Eguchi tuổi đã xế chiều nhưng chưa hẳn đã bất lực, sử dụng dịch vụ của một mụ tú bà chuyên tìm gái trẻ, đánh thuốc cho ngủ mê để các ông già tùy nghi ve vuốt. Nhà thổ có gia pháp của nhà thổ, và mụ cấm các cụ xâm nhập vào thân thể cô gái, kể cả đút ngón tay vào miệng cũng không được. Với đa số khách hàng, chuyện cấm này không cần thiết, thuở ấy chưa có thuốc cường dương và các cụ có muốn cũng không làm ăn gì được. Tuy Eguchi chưa lão hoá đến như vậy, nhưng ý định cuỡng dâm cô gái chỉ thoáng qua nhường chỗ cho những tư duy về tuổi già bị cuộc sống coi như trẻ con, và thân phận con người nói chung, về các bạn tình khác nhau trong quá khứ, về con gái, về chính mẹ mình, về sống chết, và nhất là về chết bằng tự vận... Ông Nhật già nghĩ thế giới của tình yêu và tình dục bao la bao nhiêu mà ông chỉ biết được bao nhiêu, còn bao nhiêu năm nữa ông sẽ bất lực như đa số khách hàng của ngôi nhà này… Ông nghĩ về cái nhũ hoa của mẹ khi ông săn sóc cho bà lúc bà thổ huyết, và cái nhũ hoa đẹp như mơ như mộng trong tay ông bây giờ, ông nghĩ thân phận già nua thịt xương mỗi ngày một lỏng lẻo bạc nhược trong khi thịt da người trẻ mượt mà nõn nường tiếp tục xuất hiện quanh ông… Có thơ, có ý, có dữ, có đẹp, có buồn, có tình trong Kawabata… ai đọc qua khó mà quên.


Và tất nhiên García Márquez đã đọc Kawabata, có lẽ rất kỹ, và rõ ràng không quên. Hai tác phẩm có quá nhiều điểm giống nhau, có thể nói như anh em song sanh. Cũng là ông cụ bất lực hay sắp bất lực đi chơi gái, cũng là những cô gái nhỏ bị đánh thuốc mê, cũng là những suy tư bắt nguồn từ chiêm nguỡng thân thể đàn bà, nhờ trong phòng kín mà không cần xấu hổ phải phô bày cái nhăn nheo cũng như cái bất lực của tuổi già…


Có lẽ để trả ơn Kawabata, người chủ nợ văn học của mình, García Márquez lẩy đoạn mở đầu của Ngôi nhà các mỹ nhân say ngủ, bản dịch Y Pha Nho, để tại ngay đầu sách của mình: “No debía hacer nada de mal gusto, advirtió al anciano Eguchi la mujer de la posada. No debía poner el dedo en la boca de la mujer dormida ni intentar nada parecido” (Yusanari Kawabata, La casa de las bellas dormidas).


Theo tự truyện Sống để kể chuyện của ông (Living To Tell The Tale, 2003), García Márquez đã làm một việc vay mượn tương tự trong quá khứ. Khi viết xong bản thảo Trận bão lá nửa thế kỷ trước (1955) và cho Gustavo Ibarra đọc, ông được bạn cho biết rằng có nhiều tình tiết quá giống truyện Antigone của Sophocles. García Márquez lấy Antigone ra xem lại, và lấy làm thú vị là không chủ tâm mà viết giống như một đại văn hào. Sau khi biên tập lại truyện của mình, ông lẩy một câu của Sophocles đặt vào đầu sách để ghi nhận món nợ văn học.


Có lẽ García Márquez còn nợ Vladimir Nabokov, với cuốn Lolita xuất bản 50 năm trước. Món nợ này nhẹ hơn, vì người đàn ông trong truyện của Nabokov chỉ mới trung niên và trẻ hơn ông giáo trong Mấy cô điếm buồn, còn Lolita lại nhỏ tuổi hơn, chỉ mới 12 tuổi.


Tuy nhiên, Florentino của García Márquez trong Cuộc tình thời dịch tả khá giống người đàn ông trung niên của Lolita khi làm tình, là từ từ cởi từng mảnh từng mảnh y phục của đứa bé gái. Có lẽ ông giáo trong Mấy cô điếm buồn thích người nữ của mình khỏa thân sẵn khi ông nhập cuộc, thật ra cũng giống nhân vật của Nobokov, tuy theo cách của một âm bản. Trần sẵn ra như nhộng hay nai nịt xiêm y để lột ra từ từ, tất cả chỉ là hai mặt âm dương của cùng một cung cách.


*

Sự giống nhau giữa hai tác phẩm của hai nhà văn nêu lên một câu hỏi nhức nhối. Thế nào là đạo văn, và ranh giới của nó ở đâu? Một mặt, có những vụ đạo văn trắng trợn trơ trẽn, sao chép tác phẩm người khác và nhận là của mình mà không hề ghi xuất xứ. Mặt khác, thật ra không cuốn truyện hay nào hoàn toàn mồ côi, nghĩa là không cha không mẹ, không có ít nhiều gốc gác từ một tiểu thuyết trước của tiền nhân. Không có ai có thể lấy từ chân không ra một tác phẩm nghiêm túc, nói chi một đại tác phẩm.


Cuốn Kiều bất hủ của chúng ta, có thể gọi là “phóng tác” từ nguyên bản Trung Hoa của Thanh Tâm Tài Nhân. Cụ Nguyễn Du đã đóng góp rất nhiều cho tác phẩm, làm cho nó bội phần hay hơn. Cụ cũng không giấu diếm là đã viết Kiều để chia sẻ với hậu thế thú vui được đọc một cuốn truyện hay của người khác mà cụ tâm đắc. Ngay từ câu thứ bảy, cụ đã dõng dạc kể rằng:


Cảo thơm lần giở trước đèn

Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh


Nên chi tôi không nghĩ hai chữ “đạo văn” có thể áp dụng cho Mấy cô điếm buồn, một khi García Márquez đã gián tiếp ghi nhận xuất xứ của cốt truyện bằng đoạn văn lẩy từ tác phẩm của Kawabata.


Lại càng không phải đạo văn nếu ta ghi nhận những khác biệt quan trọng giữa Mấy cô điếm buồn và Ngôi nhà các mỹ nhân say ngủ. Truyện của Kawabata như đã nói, có thơ, có ý, có đẹp, có buồn, có tình… Cái mà Kawabata không có, là cái hậu của câu chuyện. Ngôi nhà các mỹ nhân say ngủ kết thúc với cái chết có lẽ vì bệnh tim của ông khách, tiếp nối bởi cái chết vì thuốc ngủ quá liều của cô gái thứ năm mà Eguchi dùng. Truyện của Kawabata gần như không bao giờ có hậu, mà hình như ông cũng không muốn có hậu. Ông thường tả một cảnh đời không chung không thủy, không phán xét, không ngợi khen. Khi đi vào cõi nhân tâm, ông cố gắng trung thực tìm cái đẹp, mà cái đẹp của ông thường buồn, hay rất buồn. Hình như ông không tìm cái tốt.


Cô gái say ngủ của Kawabata chết vì ngộ độc và không bao giờ thức dậy. Kawabata không tìm lời giải cho câu hỏi là khi cảnh hư thực của giấc ngủ không còn thì cuộc sống sẽ ra sao. Ngược lại, trong Mấy cô điếm buồn, con bé xử nữ của xứ Colombia dưới Nam Mỹ đã thức dậy hai lần. Lần đầu, khi ông giáo đập phá tan hoang cái tổ uyên ương của hai người vì nghi nó đã trở thành gái điếm thực thụ. Lần thức ấy, nó dậy để thấy tình yêu dưới dạng ghen tuông. Mụ Cabarcas ngắm cảnh ông giáo hung hãn, khi được biết sự tình, thấy ngay tức thì rằng ghen tuông này là biểu hiệu của một tình yêu lớn. Mụ nói trong chương 4: “‘Dios mío. Qué no hubiera dado yo por un amor como éste!” (Lậy Chúa tôi! Con sẵn sàng cho đi mọi tài sản trên đời để đổi lấy mối tình như thế này!”.


Lần thứ hai tuy García Márquez không viết rõ ra, Delgadina thức giấc trong viễn tượng hôn nhân với ông giáo, để huởng một hạnh phúc lâu dài như truyện thần tiên, vì ông đã được mụ điếm già có chồng Tàu khuyên rằng không được đánh mất con bé dù nó đã trở thành điếm thật. Mụ còn dặn là lần này thì đừng đóng vai ông nội ướt át tình cảm, mà phải dựng nó dậy và làm tình với nó cho trời long đất lở…


*

Nhiều người cho rằng theo những tiêu chuẩn cao, thì cuốn Mấy cô điếm buồn tuy không dở, nhưng không phải là một thành tựu siêu việt. Nó không cùng đẳng cấp với Trăm năm cô đơn, hay Cuộc tình thời dịch tả của một García Márquez trẻ hơn hai ba thập niên trước. Cái hiện thực huyền bí của tác giả bây giờ hình như không còn đầy đủ năng lực cũ để thuyết phục ta về những chuyện siêu thực ông kể. Con mèo của ông giáo ốm và già, hơn là một con mèo phù thủy có khả năng siêu hình. Hình ảnh con bé Delgadina trong đầu ông chưa đủ mạnh để ta không sững sờ khi thấy nó theo ông về nhà mà hiện ra thành người như bằng xương bằng thịt để dọn dẹp nhà cửa, hay nấu cho ông bữa ăn sáng… Tuy nhiên những gì còn lại vẫn đủ làm cho cuốn sách là một tác phẩm hay.


Có lẽ cái làm cho tôi thích nhất trong Mấy cô điếm buồn không liên hệ đến tay nghề của nhà văn lớn, mà là nét tích cực của truyện, đặc thù cho tất cả những tác phẩm khác của García Márquez. Ông có lập trường rõ ràng về con người, và một lòng tin vào cái tốt của nhân tâm. Tất cả nhân vật của ông, dù có bị xã hội xếp vào hạng vô luân, vô luật, vẫn ấm áp hơi người, không phải hơi người chung chung mà hơi người tốt. Nếu họ có xấu, thì cuối truyện họ phục hồi và cải thiện. Ông giáo là bằng chứng rất hùng hồn cho sự cải thiện ấy. Khởi sự bằng ý định dùng gái trinh vị thành niên để giải buồn, ông tiến đến chỗ coi trinh tiết phụ nữ như một thực thể thiêng liêng, và sau cùng tìm được tình yêu tử tế và vô cùng nhân bản trong sự cải thiện ấy.


Những cô điếm của nhà văn là một bằng chứng hùng hồn khác cho tình yêu mà García Márquez dành cho con người. Tất nhiên cô điếm có lòng là một nhân vật đã có nhiều trong các tiểu thuyết kim cổ đông tây. Từ Thúy Kiều và Đạm Tiên của Nguyễn Du, cho tới cô Tuyết trong Đời mưa gió của Nhất Linh, cho tới cô điếm tôi không nhớ tên của John Steinbeck trong một truyện lấy Salinas Califonia làm bối cảnh, khó mà ghét nổi khi cô điếm đã được một nhà văn có tài khai sinh cho, phấn son cho, và bỏ vào một cuốn truyện hay.


Nhưng với cái văn phong hiện thực huyền ảo và cái tâm nhẹ nhàng, có lẽ García Márquez đã mang lại cho các cô chút gì đặc biệt hơn ở nơi khác. Dưới ngòi bút của ông, họ hiện ra với cách ăn nói thô bạo, cãi nhau, cợt nhả nhau, sẵn sàng phô trương cái vỏ chai sạn. Nhưng đó là chai sạn hình thức, và xuyên qua cái hình thức ấy, ông cho ta thấy cái tốt trong tất cả các cô điếm của ông. Cả ba nhân vật nữ quan trọng trong cuốn truyện ngắn của ông: con bé Delgadina, mụ Rosa Cabarcas, và mụ Casilda Armenta, đều tử tế, đều đáng yêu. Mụ Cabarcas hành xử như một người bạn gái chung thủy, làm ăn thì phải tính toán, nhưng lúc cần sẵn sàng giúp bạn thì không thù dai mà cũng không chấp nê. Casilda Armenta đãi ngộ cố nhân khi gặp lại như một người tình chung thủy, hay như một cô em gái, sẵn sàng an ủi và khuyên nhủ khi ông anh đau khổ vì tình… Mấy cô điếm của một cơ sở đèn đỏ khác, nơi ông giáo đã được vỡ lòng về dục tình khi còn là cậu bé 12 tuổi, thường hay góp tiền đãi những kẻ thất cơ lỡ vận một bữa ăn sáng ngon lành, và trong trường hợp khẩn cấp lại còn ban phát thêm cho kẻ bất hạnh món quà cây nhà lá vườn đặc biệt của năm mười phút hạnh phúc… Và sau cùng, mấy con chim đêm của các rạp chiếu bóng ngoài trời cũng dễ thương không kém. Chúng kiếm chác chẳng được bao nhiêu, đi khách với giá rẻ mạt của một vé vào cửa, nhưng cũng có thể cho chịu hay đãi không cho ông giáo (thời còn trẻ) trong tinh thần bạn tri âm tặng nhau.


Trở lại cái tựa của García Márquez. Các cô điếm của nhà văn buồn bao nhiêu? Tôi không nghĩ các cô buồn lắm. Nếu có, cái buồn của các cô như García Márquez cho ta cảm thấy, nhẹ như tiếng còi tàu thủy xa vắng, một buổi xế trưa ủ ê vang vọng nơi cửa sông rộng mênh mang, trong khi hai người bạn già ngồi ôn lại chuyện cũ dưới mái cọ của một quán ăn lộ thiên ngoài bến sông...


Nhưng điều chắc chắn là García Márquez không để cho các cô biết giận, biết trách, biết thù, biết ác… Tất nhiên là các cô biết đùa, biết cho, biết nhận, biết vui, biết yêu, thậm chí biết cả thủy chung… Tin lời ông, người ta có thể mơ ước lấy điếm làm vợ, làm bạn gái, làm em gái, làm chị gái, làm tất cả những điều tốt người nữ có thể làm, cho đến nữ thánh đồng trinh… Tất nhiên là ta cần một liều lượng hiện thực huyền ảo để hoàn toàn tin nhà văn về điểm này.


© 2007 talawas


I II III

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét