Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2024

Mấy cô điếm buồn (phần II)

  

“… Tôi cảm thấy có gì đó đang ngọ nguậy dưới gầm bàn, hình như không phải là một vật sống mà một bóng ma đang cà vào chân làm tôi hét to và nhảy bật dậy. Đó chính là con mèo với cái đuôi dài rất đẹp, với dáng vẻ chậm chạp và bí hiểm. Tôi rợn tóc gáy khi nghĩ rằng mình ở nhà một mình với một sinh vật sống không phải là người.

Khi chuông nhà thờ lớn điểm bay tiếng, thì trên bầu trời rực màu hồng chỉ có một ánh sao duy nhất sáng long lanh, một chiếc tàu thuỷ hú tiếng còi từ biệt buồn bã, và tôi cam thấy trong họng nghèn nghẹn tất cả những mối tình có thể đã từng có hoặc không hề có. Tôi không chịu đựng được nữa. Tôi nhấc điện thoại lên với trái tim để ngay đầu lưỡi, từ từ quay bốn số để khỏi nhầm, rồi khi tiếng chuông thứ ba vừa đổ tôi đã nhận ra giọng nói quen. Này, bà ơi, tôi thở dài nói, thứ lỗi cho sự thô bạo sáng nay nhé. Bà bình thản đáp: Ông khỏi lo, tôi chờ ông gọi từ sáng đến giờ. Tôi cảnh cáo: Tôi muốn đứa bé gái phải chờ tôi trong tình trạng mà Chúa đã đưa nó đến thế giới này và không bôi bất cứ thứ gì trên mặt đấy nhé …”

Đôi khi những cuộc đối thoại của bà chủ nhà thổ và ông lão làm tôi mỉm cười. Tôi chợt quên đi rằng lão già này đã chín mươi tuổi mà tưởng như mới thời trai trẻ.

  


Hình ảnh lấy từ bộ phim cùng tên của đạo diễn Henning Carlsen

Gabriel García Márquez

Mấy cô điếm buồn

Mai Kim Ngọc dịch

I II III

Tới bảy giờ tối, tôi được mời làm khách danh dự cho buổi hoà tấu tuyệt vời của Jacques Thibault và Alfred Cortot trong thính đường của Hội Mỹ thuật, trình diễn bản xô-nát soạn cho vĩ cầm và dương cầm của Cesar Frank. Trong lúc tạm nghỉ giữa hai phần trình diễn, tôi được nghe những lời ngợi khen bất ngờ. Nhạc sư lớn Pedro Biava kéo tôi vào phòng diễn viên để giới thiệu với các nhạc công. Tôi quá xúc động đến nỗi khen họ vì bản xô-nát của Schumann mà họ không trình diễn, và bị người ta sửa lưng ngay trước công chúng bằng những lời lẽ khó chịu. Ấn tượng là tôi vì dốt mà đã lầm hai bản xô-nát được truyền bá trong môi trường nhạc địa phương, và sự cắt nghĩa lúng túng của tôi về sau chỉ làm cho nặng nề hơn.


Lần đầu tiên trong đời tôi muốn giết người. Tôi về nhà với sự dằn vặt bởi con quỷ con vô hình cứ thì thầm vào tai những câu trả lời đích đáng mà tôi đã không đưa ra kịp thời. Nghe nhạc cũng như đọc sách không thuyên giảm nổi nỗi bực dọc. May mắn, mụ Rosa gọi. Mụ la to trong điện thoại:


“Tôi rất mừng đã đọc bài báo. Tôi cứ tưởng là năm nay anh trăm tuổi thay vì chín mươi.”


Bực tức tôi đáp lại:


“Chị nghĩ tôi tệ hại đến thế ư?”


Mụ trả lời:


“Trái lại, tôi ngạc nhiên thấy anh tráng kiện. Thật là điều hay vì anh không phải là một lão già dê khai thêm tuổi để người ta khen già thế mà trông còn được lắm.”


Bất thình lình, mụ đổi đề tài:


“Tôi có quà cho anh.”


Tôi ngạc nhiên thật sự:


“Quà gì?”


Mụ nói:


“Con bé con.”


Tôi nói không cần suy nghĩ:


“Cảm ơn, nhưng chuyện ấy như nước đã chảy qua cầu.”


Mụ thở dài thườn thượt. Rồi mụ rồi nói:


“Tôi gửi nó cho anh, gói trong giấy Tàu, sau khi đã ninh cách thuỷ trong nước trầm hương, hoàn toàn miễn phí.”


Tôi nhất định không. Mụ thành thật giải thích rằng hôm thứ sáu đó, con bé quá mệt vì phải khâu tay hai trăm cái khuy. Nó quả có sợ vụ băng huyết, nhưng mụ đã giảng cho nó... rằng đêm nó ngủ với tôi, nó có thức giấc để đi nhà tắm, thấy tôi ngủ say quá nó không nỡ đánh thức, và về sáng nó thức giấc lần thứ hai thì tôi đã đi rồi. Tôi tỏ ra bực mình vì lời nói dối không cần thiết. Rosa tiếp tục:


“Thế này nhé, dù quả thật có như vậy, con bé cũng đã rất ân hận. Tội nghiệp cho nó, nó đang đứng trước mặt tôi đây này. Tôi đưa máy cho nó nhé.”


Tôi nói:


“Không, đưa làm gì.”



*

Tôi bắt đầu viết khi cô thư ký tòa soạn gọi tôi. Cô cho hay là chủ nhiệm muốn gặp tôi ngày hôm sau, lúc mười một giờ sáng. Tôi đến đúng giờ. Công tác trùng tu tòa báo thật là ồn ào và khó chịu, búa đập chí chát, không khí ô nhiễm với bụi và khói nhựa đường nấu chảy, nhưng nhân viên ban biên tập đã quen làm việc trí não trong cảnh vô trật tự này. Văn phòng chủ nhiệm ngược lại có máy lạnh và yên lặng, thuộc về một thế giới khác hẳn thế giới của chúng tôi.


Cháu ba đời của Marco Tulio, trẻ măng, đứng dậy khi thấy tôi bước vào. Y tiếp tục cuộc điện đàm đang dở dang, giơ tay qua bàn giấy cho tôi bắt, và chỉ ghế mời tôi ngồi. Mới đầu tôi nghĩ chẳng có ai ở đầu dây bên kia, y chỉ đóng kịch để lòe, nhưng tôi chóng khám phá ra là y đang nói chuyện với thống đốc, và câu chuyện có vẻ khó khăn giữa hai đối thủ lịch sự. Tôi cũng tin rằng y làm bộ cứng rắn vì có mặt tôi, tuy y cũng đã đứng dậy để nói chuyện điện thoại với cửa quyền.


Rõ ràng là anh chàng có thói ăn mặc cầu kỳ. Vừa tròn hai mươi chín tuổi, thạo nhiều sinh ngữ và có ba bằng phó tiến sĩ quốc tế, y hoàn toàn khác ông nội y, vị chủ nhiệm đầu tiên và cũng là chủ nhiệm mãn đời, người đã tạo ra cơ nghiệp báo chí này sau khi làm giàu bằng buôn bán phụ nữ da trắng. Cung cách y tự nhiên dễ dàng, đẹp trai, chỉ có một nhược điểm là giọng nói hơi phá tuớng. Y mặc chiếc vét thể thao, với bông lan cài ve áo, y phục đâu vào đấy rất hợp với người, và chắc không thích nghi với đường phố bụi bậm mà với mùa xuân trong văn phòng của y. Tôi là người đã bỏ ra hai giờ đồng hồ để ăn mặc, mà nhìn y tôi cảm thấy hoàn toàn cay đắng phận nghèo, và cơn giận lại gia tăng trong lòng.


Nhưng độc địa nhất là tấm ảnh dài chụp toàn thể nhân viên vào ngày kỷ niệm thành lập tờ báo năm thứ hai mươi nhăm, có đánh dấu chữ thập nhỏ trên đầu những người đã chết. Tôi là người thứ ba đếm từ bên phải, đội mũ ca-nô rơm, cà-vạt nơ to, kim gài có gắn hạt ngọc, hàm râu đại tá nhân dân tự vệ tôi đã để cho đến tuổi bốn mươi, và cặp kính kiểu học trò chủng viện tôi luôn luôn đeo đã nửa thế kỷ. Tôi đã thấy tấm ảnh này treo tại nhiều văn phòng khác nhau, nhưng chỉ đến bấy giờ tôi mới ghi nhận ý nghĩa của nó: trong số bốn mươi tám nhân viên nguyên thuỷ, bây giờ chỉ còn lại bốn mạng, và người trẻ nhất vừa mãn hạn tù vì tội sát nhân tập thể.


Chủ nhiệm nói điện thoại xong, bắt gặp tôi đang ngắm tấm ảnh, và y mỉm cười. Y chối không phải là người đã đánh dấu những chữ thập nhỏ lên ảnh. Làm như thế quả là thiếu tế nhị.


Y ngồi xuống bàn giấy, đổi giọng:


“Cho phép tôi nói ngay là chưa bao giờ tôi gặp ai khó đoán ý như bác.”


Thấy tôi ngạc nhiên, y nói như biết trước câu hỏi của tôi:


“Về vụ bác đòi từ chức đấy.”


“Sau cả một đời…” Tôi chỉ nói được như vậy, y đã ngắt lời:


“Chính vì thế, bác về hưu không phải là một giải pháp đúng. Tôi thấy cột báo thật là hay, tôi chưa thấy ai viết về tuổi già tài tình như bác. Tôi thấy vô lý nếu chấm dứt mục này bằng một quyết định như vậy. Khác gì một sự khai tử…


May mắn là cái Con người khiếp đảm của lúc chín giờ khi đọc bài đã lên khuôn. Anh ta thấy không thể chấp nhận được, và không hỏi ý kiến ai, tự tiện lấy bút gạch xéo từ trên xuống dưới trang quan điểm. Sáng hôm sau biết chuyện, tôi liền cho chỉ thị phản kháng lên chính quyền. Tôi phải làm như vậy, nhưng giữa bác và tôi, tôi có thể thú thật rằng tôi cảm ơn trong bụng sự độc đoán của anh chàng. Vì tôi không muốn đóng mục báo thú vị này.


Tôi năn nỉ bác với tất cả tấm lòng. Xin đừng bỏ dở khi con tầu chúng ta đang ở giữa biển cả.”


Và y long trọng kết luận:


"Chúng mình còn rất nhiều điều để nói về âm nhạc."


Thấy y đã quả quyết như vậy, tôi không còn dám cãi lại để cho tình thế rắc rối thêm. Vấn đề là thực tế tôi cũng không có lý do nghiêm túc để bỏ cuộc, và tôi cũng không muốn nhận lời mà không thật lòng chỉ kiếm kế hoãn binh. Tôi ráng chế ngự cái thói đa cảm đang làm tôi muốn khóc. Một lần nữa, như thường lệ sau nhiều năm cộng tác, liên hệ chúng tôi lại trở về nếp cũ.


Tuần sau, tâm thần bất định hơn là vui tươi, tôi đi lãnh con mèo mà mấy người thợ in xin cho. Tôi không thích thú vật, cũng như không thích trẻ con khi chúng chưa biết nói. Cả hai loài sinh vật, linh hồn chúng như vô ngôn. Tôi không ghét chúng, nhưng chúng làm tôi khó chịu vì không biết đối xử với chúng như thế nào. Tôi thấy những ai mà thân với chó hơn với vợ, dạy chó ăn ỉa theo giờ giấc, giải thích này kia cho chó, hay chia sẻ những sầu muộn của chó, là trái với lẽ thường. Nhưng không đi lãnh con mèo thì bất lịch sự với đám thợ in. Vả lại con mèo đẹp có bộ lông màu hồng, đôi mắt sáng, và tiếng meo meo nghe gần như tiếng người. Họ giao nó cho tôi trong một chiếc sọt mây cùng với tờ giấy ghi rõ gốc tích và cuốn chỉ dẫn cách nuôi, tương tự như cách lắp chiếc xe đạp mới.


Một đội lính đang xét giấy những người qua đường trước khi cho họ vào lâm viên San Nicolás. Tôi chưa bao giờ thấy cảnh như vậy, cũng chưa bao giờ có thể tưởng tượng nổi triệu chứng của tuổi già là chỉ vì chuyện này mà mất vui. Đám quân nhân bốn người, do một sĩ quan còn trẻ chỉ huy. Những người lính thô kệch, lầm lì, gốc gác từ những vùng cao nguyên hoang dã, nặng mùi chuồng ngựa, má rám nắng như dân núi xuống biển. Sau khi xem giấy tờ của tôi, viên sĩ quan hỏi có gì trong giỏ mây. Một con mèo, tôi trả lời. Y muốn mở coi. Tôi cẩn thận mở giỏ vì sợ con mèo chạy mất, nhưng một nguòi lính vì luồn tay xuống duới đáy giỏ khám xem có gì giấu nên bị nó cào. Viên sĩ quan can thiệp.


“Con mèo thật là đẹp”, tôi nói.


Y lẩm nhẩm điều gì và ve vuốt con vật. Con mèo lần này không tấn công, nhưng làm ngơ như không để ý. Y hỏi, nó mấy tuổi. Tôi bảo không biết, người ta vừa cho tôi. Y bảo:


“Tôi hỏi vì xem nó khá già, chắc đến mườì tuổi.”


Mặc dù y tử tế và lịch sự, tôi không dám hỏi làm sao mà y biết, và cũng không dám hỏi y thêm đôi điều khác nữa. Y lại nói:


“Tôi nghĩ còn mèo này đã bị chủ bỏ rơi, và chắc chẳng được ai săn sóc. Đừng bắt nó theo ý cụ, mà ngược lại, cứ để tự nhiên cho đến khi nó tự thoải mái với cụ. Mà cụ làm nghề gì nhỉ?”


Tôi trả lời là làm phóng viên.


“Bao lâu rồi?”


Tôi bảo đã nửa thế kỷ.


Y bảo tôi tin lời cụ. Y chìa tay từ giã với một câu có thể là khuyên mà cũng có thể là doạ:


“Cụ nên giữ gìn cẩn thận đấy.”


Trưa hôm ấy, tôi lấy điện thoại ra khỏi móc, lẩn trốn vào một chương trình âm nhạc tuyệt vời với bản ráp-xô-đi viết cho kèn đồng và hoà tấu của Wagner, bản khác cho cho xắc-xô-phôn của Debussy, và bản ngũ tấu tuyệt vời cho đàn dây của Bruckner. Chẳng mấy chốc tôi cảm thấy hòa mình vào bóng râm êm dịu của phòng làm việc.


Tôi bỗng cảm thấy có gì trượt dưới bàn, không hẳn thân thể một sinh vật mà một sự hiện diện siêu hình đang cọ vào chân tôi. Tôi hét lên và chồm dậy. Hoá ra là con mèo với cái đuôi xù, uể oải bí mật, gốc gác huyền bí, làm tôi rùng mình nghĩ mình đang sống chung trong nhà này với một sinh vật không phải loài người.


Khi chuông nhà thờ điểm bảy giờ, có vì sao rất sáng trên bầu trời màu hồng và một con tầu hụ lên tiếng còi chia ly buồn thảm, tôi cảm thấy trong cổ họng thắt lại vì cái nghẹn ngào huyền bí của tất cả những mối tình có thể hiện hữu và đã không hiện hữu cho tôi. Tôi không chịu nổi thêm nữa. Nhấc máy điện thoại, trái tim như ngậm trong miệng, tôi quay bốn số rất từ từ để khỏi lầm lẫn, và khi chuông reng lần thứ ba, tôi nhận ra giọng nói quen thuộc. Thở dài nhẹ nhõm, tôi nói:


“Chị ơi, mong chị bỏ qua cơn nóng nảy của tôi sáng ngày.”


Mụ bình thản:


“Đừng bận tâm. Tôi cũng đang đợi anh gọi lại đây.” Tôi dặn:


“Tôi thích con bé đợi tôi trong tình trạng nguyên sơ, như khi Chúa cho nó ra đời. Không son phấn, không vẽ mặt nhá.”


Mụ cười tiếng cười quen thuộc như từ sâu trong cổ. Mụ nói:


“Sẽ y theo lời anh dặn. Nhưng anh sẽ mất cái thú lột nó ra từ từ từng tấm một mà đám bô lão thường khoái. Tôi thật không hiểu nổi các cụ.”


Tôi bảo tôi hiểu, lý do là các cụ mỗi lần mỗi già hơn. Mụ coi câu chuyện như vậy là xong. Mụ nói:


“Tốt, cứ thế nhé. Tối nay đúng mười giờ, trước khi con bé đổi ý.”



3.

Tên nó là gì nhỉ? Mụ chủ chưa cho tôi biết. Khi nói chuyện, mụ chỉ gọi nó là con nhỏ. Tôi coi đó như tên thật của nó. Vả lại Rosa Cabarcas đặt tên cho đám con gái của mụ tùy theo mỗi khách hàng. Riêng tôi, tôi trông mặt chúng mà đoán tên, và ngay từ đầu tôi đinh ninh là con bé có một cái tên dài, như Filamena, Saturnina, hay Nicolasa. Tôi đang suy nghĩ về những tên đó, thì nó xoay mình, lưng quay lại tôi, chỗ nó vừa nằm trông như một vũng máu in đúng hình thân xác nó. Phải một lúc sau tôi mới nhận ra đó là vết ẩm mồ hôi trên khăn trải giường.


Rosa Cabarca dặn tôi phải nhẹ tay với nó, vì nó vẫn còn cái sợ của lần đầu. Còn nữa, những sửa soạn quan trọng làm nó càng sợ hơn. Liều thuốc ngủ bị gia tăng nên chi nó ngủ yên đến nỗi tôi nghĩ là không nỡ đánh thức nó dậy mà không hát một bài ru em cho nó. Tôi lau khô mồ hôi cho nó bằng khăn tắm trong khi khẽ hát bài ru em về sự tích Delgadina, cô công chúa út của cổ tích bị vua cha quyến rũ. Trong khi tôi lau, nó quay sang tôi, bên sườn mồ hôi lại đổ ra ướt sũng theo nhịp lời ru: Delgadina, Delgadina, em là mối tình yêu dấu của ta. Tôi vui sướng vô cùng khi vừa lau xong bên này, thì nó lại ứa mồ hôi ra bên kia, làm cho bài ru như bất tận. Tôi hát vào tai con bé: Dậy đi em, dậy mặc chiếc váy lụa của em vào. Và khi bài hát đến đoạn đám hầu cận của nhà vua thấy công chúa đã chết trong giường vì khát, tôi nghĩ con bé của tôi cũng vừa thức giấc khi nghe gọi đến tên. Thế là con bé có tên Delgadina.


Tôi trở lại giường với chiếc quần đùi in đầy hình môi hôn, và tôi nằm xuống bên nó. Tôi ngủ đến năm giờ sáng trong nhịp thở bình thản của nó, êm ả như tiếng ru. Tôi vội vã mặc quần áo mà không tắm rửa, và chính lúc ấy tôi thấy hàng chữ viết bằng son trên gương: Con hổ không ăn xa. Tôi biết không thể là tối hôm qua, và không ai có thể vào trong phòng, thành tôi cho đây là món quà của ma. Ra đến cửa, một tiếng sấm lớn làm tôi giật mình, và mùi đất ướt tràn vào phòng. Tôi không kịp ra đi trong khô ráo. Một cơn mưa rào lớn đổ xuống, thứ mưa làm thành phố khốn đốn từ tháng năm cho tới tháng mười, biến những con đường cát nóng chạy ra sông thành những dòng thác ào ào cuốn đi mọi vật. Tháng chín bất thường năm đó, sau ba tháng hạn hán, mưa có thể vừa tốt lành vừa tàn phá.


Vừa mở cửa vào, tôi có cảm giác phủ tạng là không phải chỉ có một mình tôi trong nhà. Tôi thoáng thấy con mèo từ xô-pha nhảy lên và phóng ra ban-công. Trên cái đĩa con là những gì sót lại từ bữa ăn không biết ai dọn ra cho nó. Mùi nước tiểu và phân của nó nhiễm vào mọi đồ vật. Tôi đã nghiên cứu về mèo cẩn thận như ngày xưa học La-tinh. Sách chỉ dẫn dạy rằng mèo hay cào đất để giấu phân, và nhà nào không có vườn như nhà này, nó hay dùng chậu cây hay một chỗ kín nào khác để thay thế. Chuyện nên làm là ngay từ ngày đầu cho nó một cái hộp cát để tập cho nó quen, và tôi đã làm như vậy. Sách cũng dạy rằng việc đầu tiên con mèo làm tại nhà mới là đánh dấu lãnh thổ của mình bằng cách tiểu ra khắp nơi, chuyện có lẽ đã xảy ra, nhưng sách không nói xử lý làm sao. Tôi rình để biết thói quen của nó, nhưng tôi không biết những chỗ trốn bí mật của nó, những chỗ nó nghỉ ngơi, cũng như những gì làm cho tính tình nó thất thường. Tôi gắng hết sức dạy nó ăn đúng giờ, dùng cái hộp cát ngoài sân, không leo lên giường trong khi tôi ngủ, cũng như không lại ngửi đồ ăn bày trên bàn, và tôi không làm sao cho nó hiểu được là nhà tôi là nhà của nó, và không cần phải xử lý như chiến lợi phẩm chiếm được. Sau cùng tôi đành để kệ cho nó muốn làm gì thì làm.


Tới khoảng chiều, trời đổ cơn mưa lớn với những trận cuồng phong như muốn thổi bay ngôi nhà đi. Tôi hắt hơi liền mấy cái, đầu đổ nhức và lên cơn sốt, nhưng cảm thấy trong người tràn trề sức khỏe cũng như ý chí chưa từng có để làm bất cứ chuyện gì. Tôi chạy đi đặt nồi niêu trên sàn hứng nước, và nhận ra có nhiều chỗ dột mới kể từ mùa đông qua. Chỗ dột lớn nhất bắt đầu làm lụt phía bên phải phòng sách. Tôi vội vã cứu nguy cho mấy tác giả Hy-La đang sống tại đấy, nhưng khi lấy mấy pho sách đi tôi phát hiện ra một tia nước mạnh phát xuất từ một ống nước vỡ bên trong tường. Tôi tạm lấy giẻ rách nút chỗ vỡ lại để có thì giờ cứu mấy cuốn sách. Ngoài công viên, gió gào thét và nước chảy ào ào mỗi lúc mỗi mạnh. Rồi sấm sét nổ vang làm không gian khét mùi lưu huỳnh. Gió làm vỡ mấy ô kính ngoài ban-công và tung chốt cửa, tạt nước vào trong nhà. Vậy mà chỉ trong mười phút, trời quang mây tạnh. Mặt trời huy hoàng làm khô mấy con đường còn ngổn ngang di tích tàn phá của cơn giông, và sự vật ấm áp trở lại.


Khi hết giông, tôi vẫn cảm thấy không phải một mình trong nhà. Tôi chỉ có cách giải thích độc nhất là ta thường quên các sự việc, nhưng có những sự việc không quên được lưu trữ mãi trong đầu tựa như nó vẫn đang xảy ra. Nên chi khi nhớ lại hôm mưa lũ ấy, tôi không thấy tôi một mình trong nhà mà luôn luôn có Delgadina bên cạnh. Cái đêm ngủ với nó, tôi đã gần gũi đến nỗi bây giờ còn nghe được tiếng thở của nó cũng như tiếng nó dụi má vào gối.


Phải vậy tôi mới hiểu được tại sao nó và tôi có thể làm chung được nhiều chuyện như thế trong khoảng thời gian ngắn ngủi của cơn giông. Tôi nhớ mình đã leo lên cái ghế đẩu trong phòng sách, và tôi nhớ nó thức dậy trong chiếc áo hoa in, đón sách từ tay tôi để cất vào chỗ khô ráo. Rõ ràng tôi thấy nó chạy từ đầu nhà này đến đầu nhà kia, chống chọi với mưa, mình ướt dầm dề và nước ngập đến mắt cá. Tôi nhớ sáng hôm sau, nó nấu bữa điểm tâm không có thật và bày bàn ăn, trong khi tôi chùi khô sàn và xếp lại thứ tự cảnh nhà bừa bộn như sau cơn đắm tầu. Không bao giờ tôi quên nét tư lự của nó khi nó hỏi tôi trong bữa ăn sáng:


“Tại sao già thế này rồi ông mới gặp em?”


Tôi nhớ đã trả lời nó rằng:


“Già hay trẻ không phải là đã sống bao nhiêu năm, mà là cảm thấy trong lòng như thế nào.”


Tôi thấy nó trong trí nhớ rõ ràng đến nỗi tôi muốn làm gì với nó cũng được. Tôi có thể thay đổi màu mắt nó theo trạng thái tâm hồn: trong màu nước khi mới thức giấc, ngọt màu mật khi cười, cháy bỏng màu lửa khi nó không vừa ý. Tôi trưng diện cho nó theo những kiểu khác nhau, tùy trạng thái vui buồn của mình: như cô gái mới biết yêu tuổi hai mươi, như cô điếm sang trọng tuổi bốn mươi, như nữ hoàng Babilonia tuổi bảy mươi, như một nữ thánh tuổi một trăm. Chúng tôi cùng nhau hát nhạc song ca của Puccini, nhạc boleros của Augustín Lara, nhạc tango của Carlos Gardel, và một lần nữa chứng minh rằng những ai không ca hát, không bao giờ tưởng tượng nổi cái hạnh phúc của ca hát. Bây giờ thì tôi hiểu đây không phải chỉ là một ảo ảnh mà còn là phép lạ thần diệu của mối tình đầu tuổi chín mươi.


Khi căn nhà dọn dẹp ngăn nắp xong, tôi gọi mụ Rosa Cabarcas. Nghe giọng tôi, mụ nói lớn:


“Lậy Chúa, tôi đã tưởng anh chết đuối vì trận lụt rồi. Mà tôi không thể hiểu tại sao anh lại ngủ một đêm nữa với con bé mà vẫn không đụng đến nó. Anh hoàn toàn có quyền không thích nó, nhưng ít nhất phải cư xử ra người lớn.”


Tôi định cắt nghĩa, nhưng mụ đã đổi đề tài mà không cần chuyển mạch:


“Dù sao, tôi cũng đã nhắm cho anh một con bé khác lớn hơn một chút, đẹp đẽ và vẫn còn trinh. Bố nó đòi đổi lấy một căn nhà, nhưng ta có thể thuơng lượng.”


Lời mụ như nước giá đổ vào tim tôi. Đến thế là hết nói. Hốt hoảng, tôi vội vã khẳng định:


“Tôi vẫn thích con bé cũ, và cứ như mọi lần, không có lôi thôi gì hết.”


Đường dây lặng câm, sau cùng với giọng từ tốn như nói một mình, mụ lẩm nhẩm rằng có lẽ đây là cái mà các bác sĩ gọi là chứng lẩn thẩn của bệnh lão hoá.


Đêm ấy, tôi đi đến phòng hẹn lúc mười giờ đêm với anh tài xế nổi tiếng là không tọc mạch. Tôi mang theo chiếc quạt điện di động, một bức tranh của Orlando Rivera - cũng là anh chàng Figurita yêu mến -, búa và đinh để treo tranh. Trên đường tôi dừng xe mua bàn chải và thuốc đánh răng, xà-phòng thơm, nước thơm, và kẹo cam thảo. Tôi cũng muốn mang tới một bình cắm hoa và một cành hồng vàng để tẩy trừ tạp khí của mấy bông hoa giả bằng giấy nhưng không tiệm hoa nào mở, nên đành ăn trộm cành tường vi vừa đơm bông trong một khu vườn tư gia bên đường.


Theo lời dặn thường lệ của mụ chủ, tôi tới bằng con hẻm dọc mương đào sau nhà, và vào phòng qua ngả vườn cây ăn trái để khỏi ai trông thấy. Anh tài xế căn dặn tôi:


“Cụ ơi cẩn thận nhá, trong nhà này đã có án mạng chết người đấy.”


Tôi trả lời:


“Nếu là chết vì tình thì cũng tốt thôi.”


Ngoài sân tối thui nhưng bên trong các phòng ngủ có đèn thắp, và nhạc vặn hỗn độn. Từ phòng tôi, tôi nhận ra giọng ca ấm áp của Pedro Vargas, danh ca tê-no của châu Mỹ, trình diễn một bản boléro của Miguel Matamoros. Chao ôi, tôi xúc động đến chết được. Hồi hộp, tôi đẩy cửa và thấy Delgadina trên giường, dáng nằm hệt như tôi nhớ trong đầu: khoả thân, nghiêng phía bên tim, say ngủ trong sự thảnh thơi thánh thiện.


Trước khi ngả lưng, tôi bày chiếc máy hát ra, thay chiếc quạt cũ đã rỉ bằng chiếc quạt mới, và treo tấm tranh trên tường đối diện để con bé có thể nhìn từ giường. Tôi nằm xuống bên nó, và ngắm nó từng phân từng ly. Đúng là con bé mà tôi thấy đi lại trong nhà tôi: đúng là đôi bàn tay nhỏ đã tìm tôi trong tối, đúng là đôi bàn chân với những bước mảnh dẻ có lần tôi lầm với bước chân con mèo, đúng là mùi mồ hôi đã ướt sũng vải giường nhà tôi, và đúng là ngón tay xinh đẹp đeo chiếc đê khâu. Thật là kỳ lạ, con bé nằm đấy bằng xương bằng thịt, mà lại không thật bằng con bé tôi vẫn tưởng tượng ra.


Tôi nói với nó:


“Có bức tranh ta treo trước giường cho em đấy. Figurita vẽ bức tranh ấy. Ta rất quý anh ta. Figurita là vũ sư hạng nhất của các nhà thổ từ trước tới nay, tốt bụng đến nỗi ma quỷ anh ấy cũng thương. Anh vẽ bằng sơn tàu thuỷ, vải bố thì bóc ra từ chiếc tàu bay lâm nạn trong núi Sierra Nevada de Santa Marta, còn cọ thì làm bằng lông con chó của anh ấy. Người đàn bà mẫu là một nữ tu anh ta bắt cóc từ một tu viện và lấy làm vợ. Ta treo tranh đây nhá, để thức giấc là em có thể thấy nó liền.”


Con bé không thay đổi dáng nằm khi tôi tắt đèn vào lúc một giờ sáng, và hơi thở của nó nhẹ đến nỗi tôi phải sờ cổ tay nó để cho chắc là nó vẫn sống. Tôi nghe máu theo mạch lưu thông êm ả đến những vùng kín đáo riêng tư nhất của thân xác nó, để trở về tim tinh khiết vì đã được thanh lọc bởi tình yêu.


Trước khi ra về lúc rạng đông, tôi lấy giấy chép lại chỉ tay nó, dụng ý đem cho Diva Sahibí đọc để hiểu tâm hồn nó. Và kết quả như sau: Con bé nghĩ gì nói nấy. Việc bằng tay thì nó khéo đến độ hoàn hảo. Nó có liên hệ với một kẻ đã quá vãng và đã trông đợi y giúp đỡ, nhưng nó đã lầm: sự giúp đỡ con bé cần thì lại sẵn ngay tầm tay bây giờ. Nó chưa có ràng buộc mật thiết với ai, nhưng khi chết thì rất thọ và có chồng. Hiện giờ nó đang có một người đàn ông tóc đen, nhưng người này không phải là người đàn ông cho cuộc đời nó. Có thể có tám con, nhưng nó sẽ quyết định chỉ sẽ có ba. Vào tuổi ba mươi nhăm, nếu nghe lời con tim thay vì trí tuệ mà xử sự thì nó sẽ rất giàu. Sẽ du lịch rất nhiều. Có một cuộc sống kép và một may mắn kép, và có khả năng thay đổi số phận mình. Chuyện gì cũng muốn thử, vì tò mò, nhưng sẽ ân hận nếu không để cho con tim dìu dắt.


Quay quắt vì tình, tôi cho sửa sang những hư hại vì trận bão mới rồi, đồng thời tu bổ lại những gì nhiều năm qua vì túng vì lười tôi đã sao nhãng. Tôi tổ chức lại phòng làm việc, xếp các bộ sách theo thứ tự đã đọc. Sau cùng, tôi thanh toán cái đàn dương cầm với hơn trăm ống nhạc cổ điển, và mua một cái máy hát cũ nhưng tốt hơn cái tôi đang có, với loa có độ chuẩn cao, làm căn nhà như rộng hơn. Tôi kể như sắp khánh kiệt, nhưng thật ra đã được đền bù rộng rãi vì phép lạ là tuổi này vẫn còn sống sót.


Ngôi nhà phục hưng lại từ tro tàn, và tôi phơi phới sống trong tình yêu tràn trề với Delgadina, hạnh phúc cho đến bây giờ tôi mới được biết. Nhờ con bé mà tôi trực diện lần đầu tiên trong đời với cái Tôi trung thực, trong khi năm chín mươi tuổi của tôi tiếp tục trôi qua. Tôi khám phá rằng mình ngăn nắp đến mức ám ảnh, thích mỗi đồ vật phải ở chỗ riêng của nó, chuyện nào phải vào dịp nấy, mỗi chữ phải dùng cho đúng thể cách, tất cả chừng ấy không xứng đáng được khen thưởng mà ngược lại là một giả vờ có hệ thống để che giấu cái bản tính vô trật tự. Rằng tôi trọng kỷ luật chỉ vì phản ứng lại tật lơ đãng của mình. Rằng tôi thảo lảo không phải vì rộng rãi mà chỉ vì mong che giấu thói tiểu nhân. Rằng tôi làm ra bộ khôn ngoan chỉ để che giấu sự thiếu suy nghĩ. Rằng tôi không thù dai chỉ vì sợ rơi vào những cơn giận dồn ép trong lòng. Rằng tôi đúng giờ chỉ để không ai biết tôi coi rẻ thì giờ của người khác. Tôi khám phá sau cùng rằng tình yêu không phải là một trạng thái của tâm hồn mà chỉ là một trong mười hai con giáp của hoàng đạo.


Tôi trở thành một người khác. Tôi gắng đọc lại những sách truyện cổ điển hướng dẫn tôi thuở thiếu thời, mà vì khó đọc đã bỏ đi. Tôi đắm đuối trong thơ văn lãng mạn mà tôi đã khước từ khi bị mẹ ép buộc, và nhờ đó thấy được rằng cái khí lực vô song đã vận chuyển thế giới là những tình yêu không được đáp đền thay vì hạnh phúc. Khi sự thưởng lãm âm nhạc của mình có vấn đề, tôi khám phá ra tại mình lạc hậu già nua, và mở lòng ra đón nhận những thú vui bất ngờ nhờ may rủi mà kiếm được.


Tôi tự hỏi làm sao tôi có thể sống với cái chóng mặt liên tục này mà tôi vừa sợ hãi lại vừa tự tạo ra. Tôi bập bềnh giữa những đám mây lang thang, và tự nói chuyện với mình trong gương với cái ảo tưởng là đã tìm ra mình là ai. Cơn hôn mê của tôi như vậy, nên gặp đám biểu tình của các cháu sinh viên trang bị vỏ chai và đá cuội, tôi phải vận dụng hết nghị lực để không bước vào hàng đầu với tấm bảng ghi chân lý riêng của mình là tôi điên vì tình.


Mất phương hướng vì hình ảnh Delgadina nằm ngủ mãnh liệt như một quyền lực luôn luôn trở về trong trí nhớ, tôi đổi tinh thần những bài báo chủ nhật tuy không chút chủ tâm ranh mãnh. Bất cứ đề tài gì tôi cũng viết cho con bé, vì nó mà cười mà khóc trong cột báo, và từng chữ tôi hạ xuống giấy đong đầy sự sống trong tôi. Thay vì dạng thức chạo chuyện như từ trước đến nay, bây giờ bài tôi viết như những bức thư tình mà ai cũng có thể muốn viết. Tôi đề nghị bài báo xuất hiện trên giấy dưới dạng viết tay nắn nót theo kiểu florentin, thay vì chữ in thường lệ. Anh chủ biên tất nhiên thấy đây là tính già làm dáng quá đáng, nhưng ông tổng giám đốc lại thuyết phục anh ta bằng một câu còn truyền tụng trong ban biên tập: Đừng lầm nhé, mấy người điên hiền thường đi trước tương lai. Độc giả phản ứng tức thì và rất hân hoan, và tòa soạn tràn ngập bởi thư của những người đang yêu. Có bài được đọc lại trên radio ngang hàng với những tin thời sự nóng bỏng, và những bản in lại bằng thạch bản hay giấy than bán đắt như thuốc lá lậu trên những góc phố dọc đường San Blas. Từ đầu rõ ràng là tác phẩm tôi tuân theo cái khao khát biểu lộ bản thân mình, nhưng tôi nhiễm lấy thói quen là rất lưu tâm đến sự khao khát ấy khi viết, và luôn luôn với quan điểm của ông già 90 mà chưa học cách suy nghĩ như một ông già. Cộng đồng trí thức như thường lệ tỏ ra nhút nhát và có ý kiến trái ngược, mấy chuyên gia xem tướng chữ không ngờ đưa ra những bàn luận ngược xuôi về bút pháp của tôi. Chính họ đã chia rẽ dư luận, hâm nóng các cuộc bút chiến, và làm hợp thời trang mối hoài niệm cho thời xa xưa, khi viết tay còn thông dụng.


Chưa hết năm tôi đã thu xếp với Rosa Cabarcas cho lưu lại luôn trong phòng chiếc quạt điện và những đồ vật tôi tiếp tục mang lại cho có đôi chút tiện nghi. Tôi thường tới lúc mưởi giờ, bao giờ cũng mang món gì mới cho con bé hay cho sở thích chung, và dùng vài phút mở tủ dọn ra những gì cần thiết đã cất đi lần trước, để bố trí cho những đêm của chúng tôi. Khi về nhà, ít khi sau năm giờ sáng, tôi lại phải cất đi tất cả vào ruơng tủ và khoá lại. Căn phòng ngủ lại trở lại tồi tệ bẩn thỉu, trả lại cho những cuộc tình buồn bã của khách làng chơi thường lệ.


Một buổi sáng tôi nghe tin Marcos Pérez (giọng nói rất được ưa chuộng của vô tuyến), tuyên bố sẽ đọc lại bài báo chủ nhật của tôi vào buổi phát thanh ngày thứ hai. Khi chặn được cơn nôn vì quá xúc động, tôi nói:


“Delgadina à, em biết rồi đấy, danh vọng như con mụ béo phì không ăn nằm với ta, nhưng luôn luôn đứng trước giường ngắm ta.”


Vào khoảng thời gian này, một hôm tôi ở lại ăn sáng với mụ Rosa Cabarcas, mà bây giờ tôi thấy ít thê thảm hơn trước, mặc dầu mụ vẫn mặc bộ tang phục cũ và vẫn đội cái mũ đen sụp xuống lông mày. Bữa điểm tâm nhà mụ có tiếng là ngon, và ớt nhiều, cay đến phát khóc. Cắn miếng đầu tiên, tôi nói trong nước mắt là bây giờ không cần trăng rằm mà tôi cũng xót hậu môn. Mụ bảo, đừng có than thân trách phận. Phải ơn Chúa anh còn hậu môn để mà xót.


Mụ ngạc nhiên khi tôi nói đến tên Delgadina. Mụ nói:


“Tên nó không phải như vậy. Tên nó là…”


Tôi ngắt ngang:


“Đừng, đừng nói… Với tôi, nó là Delgadina.”


Mụ nhún vai:


“Thôi được, trước sau nó cũng là của anh, nhưng Delgadina nghe như tên món thuốc lợi tiểu.”


Tôi kể cho mụ nghe hàng chữ về chuyện con hổ bữa trước con bé lấy son viết trên gương. Mụ nói:


“Không thể nào là nó, con bé không biết đọc biết viết.”


“Vậy thì ai viết?”


Mụ nhún vai:


“Chắc là ai đấy trước kia đã chết trong căn phòng này.”


Nhân dịp những bữa ăn sáng như vậy tôi giải bầu tâm sự với mụ, và xin mụ những ơn huệ nhỏ nhoi như thêm chút tiện nghi cho Delgadina hay cho phép nó ăn diện hơn… Mụ chấp thuận một cách dễ dàng như không cần phải suy nghĩ, với sự ranh mãnh của cô nữ sinh tinh nghịch. Một lần như vậy, mụ nói:


“Thật là tức cười. Tôi cảm thấy như anh đang xin cưới nó làm vợ.”


Và bình thản mụ nói tiếp:


“Mà nhân tiện nói chuyện cưới xin, sao anh không lấy nó nhỉ?”


Tôi sững sờ. Mụ nói vào:


“Tôi nói thật đấy, như vậy đỡ tốn kém cho anh hơn. Dù sao tuổi anh, vấn đề là có còn làm ăn được không, nhưng anh bảo tôi hôm trước là chuyện ấy vẫn tốt mà.”


Tôi ngắt lời mụ:


“Dục tình là phần thưởng an ủi cho những ai không với tới được tình yêu.”


Mụ cười lăn cười bò:


“Ối chao ôi, anh giáo ơi. Tôi vẫn biết anh là tay đàn ông đầy nam tính. Ngày xưa đã là vậy. Tôi mừng là anh bây giờ vẫn còn ‘khoẻ’ chán, trong khi kẻ thù của anh đã xếp giáo quy hàng từ lâu. Họ bàn tán về anh như vậy là có lý do. Anh đã nghe Marcos Pérez chưa?”


Tôi lảng đi:


“Ai chả nghe Marcos Pérez.”


Nhưng mụ nói tiếp:


“Giáo sư Camacho y Cano cũng vậy, trong mục ‘Đôi lời cho mọi chuyện’ bảo thế giới ngày nay khác thế giới ngày xưa, vì đàn ông chẳng còn bao nhiêu người được như anh.”


Cuối tuần ấy, Delgadina lên cơn sốt và ho. Tôi dựng Rosa Cabarcas dậy, xin mụ ít thuốc thông thuờng, rồi mang tới phòng một hộp cứu thương với một vài vị thông dụng. Hai ngày sau Delgadina vẫn ốm và không về hãng để tiếp tục đơm khuy. Bác sĩ kê đơn cho con bé mà bệnh cúm thường ông chắc trong một tuần lễ cũng sẽ tự khỏi; nhưng ông ái ngại vì tình trạng suy dinh dưỡng chung.


Tôi không gặp được Delgadina, cảm thấy thiếu thốn quá nhiều và lợi dụng thời gian này để một mình sắp xếp lại căn phòng. Tôi mang đến một bức hoạ bằng bút mực do Cecilia Porras vẽ để minh hoạ cho cuốn Chúng tôi đợi nàng, tập truyện ngắn của Álvaro Cepeda. Tôi cũng mang tới cuốn Juan Cristóbal, sáu tập cùa Romain Rolland để đọc những đêm không ngủ. Kết quả là khi Delgadina trở lại, con bé thấy căn phòng xứng đáng cho một hạnh phúc êm đềm; không khí trong lành thơm ngát mùi thuốc xịt sát trùng, tường sơn lại màu hồng, đèn có chụp, hoa tươi trong bình, những cuốn sách tâm đắc của tôi, và những bức tranh đẹp của mẹ tôi treo theo thẩm mỹ hiện đại. Tôi đã thay chiếc radio cũ bằng một máy sóng ngắn bắt một đài có chương trình âm nhạc văn hoá cao, để Delgadina có thể ngủ trong tiếng nhạc Mozart, tuy nhiên một đêm tôi thấy đài vặn lại về một chương trình bolero thời thượng. Tất nhiên đó là sở thích của con bé, và tôi chấp nhận vui vẻ, vì cũng là sở thích của tôi trong những ngày trẻ trung. Trước khi về nhà ngày hôm sau, tôi lấy son viết lên gương câu: “Bé ơi, hai ta chỉ có nhau trên đời”.


Vào thời điểm này, tôi có cảm nhận lạ kỳ là con bé trưởng thành sớm hơn tuổi. Tôi trao đổi nhận xét này với Rosa Cabarcas, và mụ thấy chuyện đó cũng bình thường. Mụ nói:


“Nó sắp mười lăm tháng mười hai này. Hoàn toàn là một con bé tuổi nhân mã.”


Tôi lúng túng ghi nhận con bé có thật bằng xương bằng thịt và có ngày sinh nhật. Cho nó quà gì bây giờ. Rosa Cabarcas góp ý:


“Cho nó chiếc xe đạp. Nó phải đạp xuyên thành phố ngày hai lần để đơm khuy.”


Mụ chỉ cho tôi chiếc xe đạp cũ của nó để ở sân sau nhà, quả thật là mấy miếng sắt vụn không xứng đáng với con bé yêu dấu thế này. Vậy mà tôi vẫn chưa hết xúc động vì bằng chứng nó có thật trên đời.


Đi mua xe cho nó, tôi không cưỡng được cám dỗ leo lên đạp thử vài vòng quanh nhà kho của tiệm. Anh bán hàng hỏi tôi bao nhiều tuổi, và tôi trả lời với cái làm dáng của ông già: Tôi sắp ăn sinh nhật chín mốt. Anh ta nói điều tôi muốn nghe:


“Vậy mà tôi tưởng cụ trẻ hơn đến hai mươi tuổi đấy.”


Chính tôi cũng không hiểu làm sao tôi còn nhớ cách đạp xe từ hồi còn là học sinh trung học, và lòng tôi tràn ngập niềm vui. Tôi cất tiếng hát. Mới đầu tôi hát khẽ như để mình mình nghe, sau cao giọng hát bài ruột của đại ca sĩ Caruso, giữa những cửa tiệm lòe loẹt ngoài chợ và trong đám xe cộ qua lại như mắc cửi. Mọi người thú vị nhìn tôi, ồn ào cổ võ và thúc giục tôi tham dự vòng đua toàn quốc bằng xe lăn. Tôi chào lại bằng cái chào của người lính thủ vui tính, miệng vẫn hát tiếp. Tuần ấy, để vinh danh tháng chạp, tôi viết một bài rất bạo: “Hạnh phúc cỡi xe đạp vào tuổi chín mươi như thế nào”.



Đêm sinh nhật của con bé, tôi hát cho nó toàn bài từ đầu đến cuối, và hụt hơi hôn nó từ đầu đến chân: nào là sống lưng, từng đốt từng đốt một, nào là hôn xuống mông, phía có nốt ruồi son, nào hôn phía trái tim không mệt mỏi của nó. Trong khi tôi hôn, người nó nóng dần và tỏa ra một mùi hương hoang dã và trinh nguyên. Con bé run lên mỗi lần một phân một ly vuông da nó được chạm tới, và mỗi ly mỗi phân vuông ấy có độ nóng khác nhau, có vị ngon ngọt khác nhau, kèm theo một tiếng rên khác nhau, và toàn thân bên trong nó rung lên như theo một bản đàn, và đầu vú nó không chạm tới mà nở ra như cánh hoa. Tôi chợp ngủ và lúc gần sáng nghe thấy tiếng ồn ào như có đám đông người nói cười ngoài biển, và lá cây lao xao như hốt hoảng, âm thanh như nhói nơi tim tôi. Tôi vào phòng tắm, lấy son viết lên gương: Bé Delgadina yêu dấu ơi, gió Giáng sinh đã tới.


Một trong những kỷ niệm hạnh phúc nhất của tôi là cơn gió vào một buổi sáng đã lâu như sáng hôm nay, khi tan trường về. “Chuyện gì vậy, nhỏ?”, cô giáo ngạc nhiên hỏi tôi. Rồi cô nói tiếp: “Ái chà, em bé không biết đó là gió sao?”. Tám mươi năm đã qua cho đến hôm nay nằm trong giường Delgadina, tôi nghe lại sự dao động đó, cũng trong tháng chạp đúng hẹn trở về với bầu trời trong, với những trận bão cát, với những gợn gió lốc lang thang trong phố làm tốc mái nhà và cũng làm tốc váy mấy đứa học trò con gái. Thành phố vào dịp này, âm thanh có khả năng vang vọng bất thường. Những đêm trở gió, tiếng la hét từ những chợ rất xa của một làng trên núi cao nghe gần như từ góc đường kế cận. Không hiếm khi những trận lốc tháng chạp làm ta tìm lại được những người bạn thất lạc rải rác trong các nhà thổ xa xăm.


Tuy nhiên tháng chạp mang lại cho tôi cái tin xấu là Delgadina không thể ở với tôi Giáng sinh năm nay mà phải về với gia đình. Tôi nghĩ nếu có gì đáng ghét trên đời này chính là những ngày lễ lạt bắt buộc mà người ta khóc vì hạnh phúc quá, với pháo bông, với những bài hát ngớ ngẩn, với những chùm hoa bằng giấy, tất cả không ăn nhằm gì đến một hài đồng ra đời 2000 năm trước trong một máng lừa nghèo nàn. Tuy nhiên đêm Giáng sinh tới, không cưỡng nổi niềm thương nỗi nhớ, tôi một mình tìm đến căn phòng vắng bé. Tôi ngủ ngon để thức giấc bên cạnh một con gấu biết đi hai chân như gấu Bắc Cực, và tấm cạc viết hàng chữ “Tặng ông bố xấu trai”. Rosa Cabarcas có lần nói với tôi là con bé đang học, nhờ những gì tôi viết trên gương cho nó, và tôi thấy nét chữ của nó kể như khá tấn bộ. Nhưng rồi mụ lại làm xẹp mất ảo tưởng của tôi với cái thông tin đáng ghét là chính mụ đã cho tôi con gấu. Nhưng đêm tân niên lên giường lúc tám giờ, tôi thiếp đi mà không cay đắng. Tôi sung sướng, vì rằng khi đồng hồ đánh mười hai tiếng nửa đêm, giữa tiếng chuông nhà thờ đổ hồi, tiếng còi hụ của nhà máy và xe chữa lửa, tiếng còi tầu thuỷ, tiếng pháo nổ, tôi nghe Degadina rón rén đi vào tới nằm bên và hôn tôi. Cảm giác thật đến nỗi tôi nghe trong miệng vị ngọt của kẹo cam thảo.



4.

Sang năm mới, chúng tôi bắt đầu hiểu nhau biết nhau như thể đã từng sống với nhau trong khi thức, vì tôi đã tìm ra cách nói để con bé không cần tỉnh dậy mà vẫn nghe được và trả lời lại bằng một động tác thân thể. Bằng cách quan sát giấc ngủ của nó, tôi có thể đọc trạng thái tâm thần nó. Lúc đầu mệt mỏi và trằn trọc, dần dần tới được tình trạng bình an nội tâm làm gương mặt nó đẹp và giấc ngủ nó sâu hơn. Tôi kể cho nó nghe cuộc sống của tôi, thầm thì vào tai nó những gì tôi mới viết nháp cho cột báo chủ nhật, trong đó không cần phải nói, có nó và chỉ có nó mà thôi.


Vào thời gian này, một hôm tôi để lại trên gối cho nó đôi bông tai ngọc lục bảo của mẹ tôi. Nó đeo đôi bông tai ấy đêm hẹn sau, nhưng trông không hợp. Sau đó tôi mang cho nó đôi bông tai khác hợp với màu da nó hơn. Tôi cắt nghĩa đôi bông tai trước không đi với kiểu tóc của em. Nó để tai trần trong hai lần hẹn tiếp theo, nhưng đến lần thứ ba thì đeo đôi bông tai mà tôi khuyên nó. Tôi chợt hiểu nó không muốn chỉ vâng lời tôi, mà đợi cơ hội tự nguyện mới đeo bông tai tôi thích và làm tôi vừa lòng. Bây giờ thì tôi đã quen với cuộc sống chung với nó, thay vì ngủ truồng tôi mặc bộ pi-ja-ma lụa Tàu mà đã lâu không muốn mặc, lý do là trước kia có mặc vào cũng không biết cởi ra với ai.



Tôi bắt đầu đọc cho nó truyện Hoàng tử bé của Saint-Exupery, nhà văn Pháp được thế giới thán phục hơn cả chính dân Pháp. Đó là cuốn truyện đầu tiên tôi đọc cho nó giải trí trong giấc ngủ, và phải hai tối liền mới đọc xong. Tiếp theo là Truyện của PerraultLịch sử thánh thiện, và Ngàn lẻ một đêm đã thanh lọc cho hợp với trẻ em. Nhờ những truyện khác nhau, tôi phát hiện ra rằng giấc ngủ của con bé có nhiều tầng nông sâu, tùy theo nó thích ít hay nhiều. Khi thấy nó đã đạt tới giấc say nhất, tôi tắt đèn và nằm xuống ôm nó ngủ cho đến lúc gà gáy.


Có lúc cảm thấy hạnh phúc tràn trề, tôi hôn nó nhẹ lên mí mắt, và một lần, lần đầu tiên, như một tia ánh sáng hiện ra trong trời đêm, nó mỉm cười. Lát sau không lý do rõ ràng, nó lăn đi một vòng trên giường, quay lưng lại tôi, và nói như có điều bực tức: chính con Isabel làm cho mấy con sên khóc. Tôi vui mừng tưởng nó nói chuyện với tôi, tôi hỏi theo đà: mấy con sên nào? Nó không trả lời. Giọng nó có gì thô tạp, như không phải của chính nó mà của ai khác bên trong cơ thể nó. Tôi không còn nghi ngờ gì nữa, quả thật tôi thích nó khi ngủ hơn.


Vấn đề độc nhất của tôi bây giờ là con mèo. Con vật bỗng biếng ăn và khó tính, nằm liệt hai ngày liền không ngóc đầu trong xó nhà. Khi tôi định bỏ nó vào bị cói để Damiana mang đi khám thú y thì nó cào tôi như một con thú bị thương. Nó vùng vẫy trong bị và khó khăn lắm Damiana mới mang nó đi được. Lát sau Damiana gọi điện thoại về cho hay, người ta bảo tình trạng con vật không cách gì cải thiện, và họ chờ tôi cho phép đánh thuốc mê. Tôi hỏi tại sao. Damiana bảo tại nó già quá. Tôi giận dữ nghĩ rằng, vậy thì chính tôi cũng có thể bị người ta đem đi nướng trong một lò thiêu đầy mèo. Tôi rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan: không thích mèo, nhưng không nỡ lòng nào ra lệnh cho người ta giết con mèo này chỉ vì tội nó già. Sách nuôi mèo đâu có nói như vậy.


Tôi xúc động đến nỗi viết một bài cho cột báo chủ nhật, bằng một tựa đề lấy của Pablo Neruda: “Con mèo có phải là con hổ trong phòng khách không?”. Bài báo khơi nguồn cho một cuộc bút chiến, một lần nữa chia quần chúng độc giả ra làm hai phe, thích mèo và không thích mèo. Sau năm tuần, người ta tới được chủ thuyết rằng có thể giết mèo vì lý do y tế cộng đồng chứ không thể nào vì nó quá già.


Sau khi mẹ tôi qua đời, tôi đã mất ngủ vì sợ bị chạm vào mình trong giấc ngủ. Có lần tôi cảm thấy mẹ chạm vào người tôi, nhưng giọng nói của bà làm tôi yên bụng: Con trai tội nghiệp của mẹ. Một đêm khuya gần đây, tôi lại bị chạm vào người khi ngủ trong phòng Delgadina, và tôi sung sướng tưởng con bé đã đụng vào tôi. Nhưng không phải. Đó là Rosa Cabarcas đang hiện ra trong bóng tối. Mụ nói:


“Mặc quần áo và đi theo tôi, có chuyện quan trọng.”


Quả vậy, và chuyện còn quan trọng hơn tôi có thể tưởng tượng. Có người khách sộp của mụ bị giết bằng dao găm trong phòng số một. Hung thủ đã đào tẩu. Một xác chết to tuớng, trần truồng nhưng chân còn đi giày, tái mét như con gà luộc nằm trong chiếc giường đẫm máu. Mới bước vào phòng tôi đã nhận ra nạn nhân: Y tên là J.M.B., chủ một ngân hàng lớn, nổi tiếng là người lịch thiệp dễ thương, ăn mặc chải chuốt, và còn nổi tiếng hơn nữa vì tư thất rất lịch sự của y. Có hai vết thương nơi cổ như hai cái môi không khép, và vết đâm ở bụng còn rỉ máu. Tuy nhiên xác còn mềm. Điều làm tôi chú ý không hẳn là các vết thương, mà là chiếc “áo mưa” phòng bệnh có vẻ chưa dùng xong, còn đeo ở cái dương vật đã teo lại trên người chết.


Rosa Cabarcas không biết y đã ở với ai trong phòng, vì y cũng được đặc quyền tự do vào cửa riêng phía vườn trái cây. Chuyện bạn tình của y cũng là phái nam là một giả thuyết chưa thể loại bỏ. Mụ chủ chỉ nhờ tôi một chuyện là mặc quần áo cho tử thi. Mụ tỉnh táo bình thản, và tôi nghĩ với mụ chuyện chết chóc cũng không quan trọng gì hơn chuyện bếp núc hàng ngày. Tôi nói:


“Không có gì khó hơn là mặc quần áo cho xác chết.”


Mụ nói:


“Tôi đã làm việc này nhiều hơn là một lần. Nếu có ai giữ cái xác cho vững, thì cũng dễ thôi.”


Tôi bảo mụ:


“Ai mà tin. Cái thây bên trong thì bị đâm nát thế này, mà bộ côm-lê Ăng-lê bên ngoài lại nguyên vẹn không một vết dao.”


Tôi tỏ ý lo lắng cho Delgadina. Mụ bảo:


“Nếu vậy, tốt nhất là anh dẫn nó đi.”


Tôi trả lời:


“Tôi chẳng thà chết còn hơn.”


“Anh sợ hả?”


“Sợ cho con bé”, tôi nói, tuy rằng câu nói chỉ đúng một nửa. “Chị bảo nó đi trước khi người ta đến.”


Mụ bảo:


“Đồng ý. Tuy nhiên, anh là nhà báo mà lo can gì.”


Tôi bảo:


“Chị cũng vậy, chị là người dân chủ độc nhất có ảnh hưởng trong chính phủ cộng hoà này.”


Thành phố này được người ta tìm đến vì bản chất an bình, vậy mà hàng năm thường bị tai tiếng một lần vì một vụ giết người tàn bạo. Vụ này không thuộc vào loại trên. Báo cáo chính thức với cái tựa to quá khổ mà nội dung lại thiếu sót, kể rằng có ông chủ ngân hàng trẻ tuổi không hiểu vì lý do gì bị đâm chết ngoài xa lộ Pradomar. Ông ta không có kẻ thù. Thông báo của nhà chức trách nghi rằng hung thủ thuộc đám tỵ nạn từ miền Trung đang tràn tới. Đám này đang gây ra vô số những sự việc tồi bại, khác hẳn với tinh thần văn minh chung của dân chúng. Trong những giờ qua, người ta đã bắt được khoảng năm mươi tên nghi can.


Ngạc nhiên đến công phẫn, tôi quay sang anh biên tập viên tư pháp, một nhà báo điển hình của những năm 20, với mũ lưỡi trai nhựa màu lục và đeo băng trên tay áo sơ-mi. Anh đang phỏng đoán sự việc. Anh chỉ biết vài chi tiết sơ sài về án mạng, và tôi giúp anh trong mức độ an ninh cá nhân của tôi. Bằng bốn bàn tay, chúng tôi viết năm trang cho bài báo tám cột ngay trang nhất, xuất xứ tài liệu đổ lên đầu con ma muôn thuở là “một nguồn tin hoàn toàn đáng tin cậy”. Nhưng tay kiểm duyệt viên không ngần ngại chọn đăng bản tin của chính quyền, rằng đây là tội ác của đám dân chủ côn đồ. Để thanh hoá lương tâm, tôi đành góp phần thương vay khóc mướn tại cái đám tang đạo đức giả nhất và cũng đông người tham dự nhất thế kỷ này.


Về nhà đêm đó, tôi gọi cho Rosa Cabarcas để tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra cho Delgadina. Nhưng mụ không trả lời điện thoại, lúc đó cũng như bốn ngày sau. Ngày thứ năm, tôi nghiến răng mò đến nhà mụ. Cửa ngõ bị niêm phong, không phải bởi cảnh sát mà bởi sở y tế. Trong xóm, không ai biết ất giáp gì. Bặt tin tức Delgadina, tôi lùng kiếm ráo riết, thậm chí có phần khôi hài và làm tôi kiệt sức.


Tôi bỏ nhiều ngày ra công viên bụi bặm ngồi rình đám trẻ đi xe đạp, quan sát mấy đứa đang chơi đùa hay leo lên tượng đài tróc sơn của Simón Bolivar. Chúng đạp xe qua lại như những con hoãng; chúng xinh đẹp, sẵn sàng bị bắt trong trò chơi bịt mắt bắt dê.


Khi tuyệt vọng, tôi tìm an bình trong nhạc bolero. Nhạc như một liều thuốc độc: mỗi âm thanh là mỗi có con bé ở trong. Thường thì tôi cần yên lặng để viết, vì tôi dễ sao nhãng nếu nghe nhạc cùng lúc. Nhưng lúc đó thì ngược lại. Tôi chỉ có thể viết trong cái an bình che chở của nhạc bolero. Tôi sống ngụp lặn trong niềm thuơng nỗi nhớ. Những cột báo tôi viết hai tuần ấy điển hình cho thư tình viết bằng mật mã. Anh chủ nhiệm bực mình vì tòa soạn bị tràn ngập bởi thư độc giả, ra lệnh cho tôi phải bớt những chuyện ướt át đi, trong khi tờ báo tìm cách an ủi các bạn đọc đang đau khổ vì tình.


Tình trạng bất ổn làm tiêu tan trật tự hàng ngày của tôi. Tôi dậy lúc năm giờ, nhưng ở lì trong bóng tối để nghĩ tới Delgadina sinh hoạt trong cuộc sống của nó mà tôi tưởng tuợng ra; con bé chắc đang đánh thức các em dậy, sửa soạn quần áo cho chúng đi học, cho chúng ăn điểm tâm nếu nhà còn đồ ăn, rồi đạp xe từ đầu này tới đầu kia thành phố để đơm khuy áo. Tôi ngạc nhiên tự hỏi: không biết khi ngồi đơm khuy thì đàn bà con gái nghĩ ngợi gì? Không biết con bé có nhớ đến tôi không? Nó có tìm Rosa Cabarcas để đi gặp tôi không?


Một tuần trôi qua, tôi vẫn mặc bộ đồ thợ máy, không tắm, không cạo râu, không đánh răng, vì ái tình dạy tôi lúc đã quá trễ rằng người ta chỉ làm dáng vì người khác, và tôi chưa từng có ai để làm dáng như vậy. Damiana tưởng tôi ngã bệnh khi thấy tôi trần truồng nằm võng lúc mười giờ sáng. Tôi nhìn Damiana với con mắt đục sắc dục và rủ nó khoả thân ra đánh vật với tôi. Với ý trách trong lời nói, nó bảo:


“Ông có nghĩ là nếu cháu thuận, thì ông sẽ làm sao nhỉ?”


Tôi khám phá ra bất hạnh đã làm hư hỏng tôi rất nhiều. Tôi không nhận ra tôi trong sự đau khổ như của một đứa thiếu niên thất tình. Tôi không ra khỏi nhà vì sợ lỡ có ai gọi. Tôi không tháo máy điện thoại ra khỏi móc như thường lệ khi viết, và chuông vừa reng là tôi chồm dậy, hy vọng là Rosa Cabarcas. Tôi bỏ ngang mọi chuyện để cầm phôn gọi mụ, và cứ như vậy nhiều ngày cho đến khi tôi hiểu rằng chiếc điện thoại này không biết thương người.


Một hôm trời mưa, tôi về nhà thấy con mèo nằm co ro trên tam cấp cửa trước. Nó nhớp nhúa, tàn tạ, không chút sinh khí như bị đau nặng, trông thật xót xa. Nhờ cuốn sách dạy nuôi mèo, tôi biết nó đang ốm, và tôi làm theo những gì sách dạy để nó khỏe hơn. Rồi bất thần đang chợp mắt tôi bỗng thức giấc vì nẩy ra ý nghĩ là có thể theo nó mà tìm được chỗ Delgadina ở. Tôi bỏ nó vào cái rọ và mang tới tiệm mụ Rosa Cabarcas. Đang nằm im, nó bất thần vùng vẫy, nhẩy ra ngoài rọ và phóng qua tường vườn cây ăn trái. Tôi đấm cửa phòng, một giọng lính tráng vọng ra:


“Ai đấy?”


Không ngán, tôi nói:


“Một người bạn tìm bà chủ nhà.”


“Không có bà chủ nào hết”, giọng trong nhà trả lời.


Tôi nói:


“Ít nhất mở cửa ra cho tôi tìm con mèo của tôi.”


Trong nhà nói ra:


“Làm gì có con mèo nào.”


Tôi hỏi:


“Anh là ai?”


“Không là ai cả”, giọng nói trả lời.


Tôi vẫn nghĩ chết vì tình chỉ là cách nói cho thơ mộng. Nhưng chiều hôm ấy, về nhà không có con mèo mà cũng không có con bé, tôi hiểu là không những người ta nói chung có thể chết về tình, mà chính tôi trơ trọi già nua, cũng đang chết dần chết mòn vì tình đây. Tuy nhiên tôi cũng tìm ra một chân lý ngược của hoàn cảnh, là tôi sẽ không đổi bất cứ chuyện gì vật gì trên đời với nỗi sầu muộn này. Tôi đã hoài công suốt mười lăm năm để dịch thơ của Leopardi, và chỉ buổi chiều hôm ấy tôi mới hiểu thơ ông một cách thấm thía:


Chao ôi thân phận mình,

Phải đây là tình

Mà sao hành hạ…


Thấy tôi vào tòa báo vẫn mặc bộ đồ thợ, râu không cạo, tất nhiên có người nghi ngờ trạng thái tâm thần của tôi không mấy ổn định. Trụ sở xây cất đã xong, với những phòng nhỏ tường kính và đèn trần, đầy ánh sáng như một bệnh viện sản khoa. Máy điều hoà không khí tiện nghi và êm ru làm người ta tự nhiên nói nhỏ và bước rón rén. Những tấm chân dung bằng sơn dầu của các vị giám đốc quá cố cùng ba vị giám đốc có nhiệm kỳ mãn kiếp được treo trong hành lang long trọng như các vị phó vương, cùng với ảnh chụp các khách quý đã đến thăm tòa báo. Trong phòng chính thênh thang là tấm ảnh khổng lồ của tất cả nhân viên tòa soạn chụp buổi chiều hôm sinh nhật. Tôi không khỏi so sánh với tấm ảnh chụp năm tôi ba mươi tuổi, và tôi khủng khiếp ghi nhận rằng trong ảnh người ta già nhanh và xấu hơn là bên ngoài nhiều. Cô thư ký đã hôn tôi hôm sinh nhật hỏi thăm có phải tôi ốm không. Để cho cô ta không tin, tôi sung sướng trả lời bằng sự thật, rằng tôi ốm tương tư. Cô ta nói, “Tiếc rằng không phải cụ ốm vì em”. Tôi cũng tinh nghịch trả lời, “Ấy, chưa chắc đâu đấy nhé”.


Biên tập viên tư pháp buớc ra khỏi bàn giấy, lớn tiếng rằng hiện trong nhà xác của thành phố có thi thể hai cô bé không có giấy tờ căn cước. Tôi sợ hãi hỏi, “Độ bao nhiêu tuổI”. Anh ta nói, “Không biết, nhưng còn nhỏ lắm. Có thể là dân tị nạn từ miền Trung bị đám côn đồ của chính quyền rượt ra ngoài này”.


Thở dài nhẹ nhõm, tôi nói:


“Tình thế cứ âm thầm lan ra như một vết máu.”


Anh ta đi đã xa, lớn giọng nói vọng lại:


“Cụ ơi, không phải vết máu đâu, mà là vết c.”


Vài ngày sau, một sự việc còn tệ hại hơn nữa xảy ra. Một con bé ôm cái bị giống như cái bị có con mèo, rảo bước trước thư quán Thế Giới. Tôi rảo bước theo, chen vai thích cánh với người đi đường trong cái náo nhiệt giữa trưa. Con bé rất đẹp, nó thoăn thoắt rẽ đám đông mà đi, tôi khó khăn mới theo kịp. Sau cùng tôi vượt được nó và quay lại ngắm nó tận mặt. Con bé không dừng bước, và không xin lỗi đưa tay gạt tôi sang bên để đi tiếp. Tôi nghĩ nó không phải là con bé của tôi, nhưng tôi cũng thấy thương tổn vì thái độ cao kỳ của nó. Rồi tôi ghi nhận là tôi không thể nhận diện Delgadina khi thức và mặc quần áo đàng hoàng, và nó cũng chắc không nhận ra tôi vì chưa bao giờ thấy mặt. Ba ngày liền tôi ngồi đan mười hai đôi giày len con nít để có can đảm không nghe nhạc, không hát, không nhớ lại những bài hát làm tôi nhớ đến nó. Sự thật là tôi bất lực với lòng mình, và bắt đầu thấy vì tuổi già mà yếu mềm trước ái tình.


Một thử thách còn ghê gớm hơn nữa đã xảy đến cho tôi hôm chiếc xe đò đâm phải một con bé đi xe đạp ngay giữa trung tâm thành phố. Người ta đã đưa nạn nhân lên xe hồng thập tự, và với chiếc xe đạp đã thành đống sắt phế thải chỏng chơ trên vũng máu tươi thì mức trầm trọng của tai nạn là quá rõ ràng. Tôi không quan tâm tới sự huỷ hoại, mà tới kiểu xe, màu xe và hãng xe. Nhất định là chính cái xe tôi đã mua tặng Delgadina.


Nhân chứng mục kích tai nạn đồng ý rằng nạn nhân rất trẻ, cao ráo, mảnh khảnh, tóc cắt ngắn và uốn quăn. Trong lòng vô cùng lo lắng, tôi vẫy chiếc ta-xi đầu tiên chạy qua, và bảo chở tới nhà thương Caridad. Tòa nhà cổ tường quét vôi mầu hoàng thổ trông như một nhà tù lún xuống vũng cát lỏng. Phải nửa giờ mới vào tới trong, và nửa giờ nữa mới tới sân bệnh viện thơm mùi cây ăn trái đang nở hoa. Có người đàn bà tiều tuỵ chặn đường tôi, nhìn thẳng vào mắt tôi và nói:


“Em là người anh tới tìm đây này.”


Tôi chợt nhớ ra là nhà thương này cũng có chức năng chăm sóc những bệnh nhân điên loại hiền. Tôi tự giới thiệu với ban giám đốc, mình là nhà báo để được cô y tá dẫn đến khoa cấp cứu. Trong sổ nhận bệnh, tôi đọc: Rosalba Ríos, mười bảy tuổi, nghề nghiệp không rõ. Định bệnh: chấn thương não. Tiên đoán khó qua.


Tôi xin phép chủ nhiệm khoa cấp cứu được gặp nạn nhân, trong bụng mong được từ chối, nhưng họ lại sung sướng chiều ý tôi, có lẽ hy vọng tôi sẽ viết về tình trạng bị bỏ quên của bệnh viện. Tôi đi qua một khu bệnh lý chật chội, màu sắc hỗn độn, nặng mùi acít phê-ních, với những bệnh nhân nằm còng queo trên giường.


Người bệnh chúng tôi muốn gặp nằm cuối phòng, trên một chiếc giường sắt. Sọ bệnh nhân quấn kín băng trắng, mặt sưng tím không thể nhận ra, nhưng chỉ cần nhìn đôi bàn chân tôi cũng biết không phải là con bé. Chỉ đến lúc ấy, tôi mới nghĩ ra rằng nếu đúng là con bé, thì tôi làm gì đây.


Ngày hôm sau, đầu óc còn hoang mang trong mạng nhện của đêm, tôi lấy can đảm đi tới nhà máy sơ-mi nơi con bé làm việc, như Rosa Cabarcas có lần cho tôi hay. Tôi xin chủ nhân cho đi xem cơ sở lao động của ông để làm mẫu cho một dự án lục địa của Liên Hiệp Quốc. Chủ nhân là một người Li-băng lầm lì, da dày như voi, mở cửa vương quốc của y cho tôi coi, với ảo vọng nhờ bài báo của tôi mà trở thành mẫu mực cho toàn thế giới.


Ba trăm em gái mặc bờ-lu trắng trên trán đánh dấu tro, ngồi đơm khuy trong căn phòng rộng thắp đèn sáng trưng. Thấy chúng tôi vào, các em lễ phép đứng dậy như những nữ sinh, nhìn trộm chúng tôi trong khi chủ nhân nhà máy trình bày những đóng góp của ông vào cái nghệ thuật có từ ngàn xưa về việc đơm khuy áo. Tôi quan sát từng khuôn mặt, với lo lắng là tìm ra Delgadina trong tình trạng thức và quần áo đầy đủ. Nhưng sự việc lại hoá ra tôi bị nhận diện bởi một trong các cô bé. Mắt sáng lên với sự ngưỡng mộ không dung tha, cô nói:


“Cụ làm ơn nói cho con nghe. Có phải cụ là tác giả những lá thư tình trên báo phải không?”


Tôi chưa từng tưởng tượng nổi một cô bé say ngủ có thể tạo ra chừng ấy khốn đốn cho một ông già. Tôi trốn khỏi nhà máy không kịp từ giã ai, mà cũng không nghĩ tiếp là có con bé nào trong đám xử nữ khổ sai trong trại lao động ấy có thể là con bé tôi đi tìm. Ra tới bên ngoài, cảm nghĩ độc nhất tôi còn giữ được trên đời là muốn khóc.


I II III

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét