Thứ Ba, 7 tháng 5, 2024

HÃY TỰ XÉT MÌNH...

 TRƯỚC HẾT, HÃY TỰ XÉT MÌNH...!

“Người đàn bà bị bắt vì ngoại tình”-tranh màu nước, vẽ năm 1805, của William Blake (1757-1827)

Câu chuyện “Người đàn bà ngoại tình”, theo truyền thống là tên được đặt cho đoạn Phúc âm Gioan 7:53-8:11. Đoạn văn ghi lại ý định ném đá một phụ nữ bị cáo buộc về tội ngoại tình của những người thuộc phái Pharisêu, và Chúa Giêsu nêu lên quan điểm về vụ việc này qua câu nói: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi."

Qua câu nói: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi" (Ga 8:7), Chúa Giê-su muốn hướng con người nhìn về tâm hồn mình, để họ nhận biết tội lỗi bản thân và ăn năn trước khi kết tội anh em đồng loại. Hơn nữa việc kết tội không thuộc quyền của con người mà là đặc quyền của Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới có thẩm quyền kết án con người. Khi con người kết án anh em mình là lúc họ đặt mình ngang quyền với Thiên Chúa là Đấng Tạo dựng muôn vật.

Khi bàn về câu truyện này, thánh Augustinô dùng hai từ bằng tiếng La tinh là Miseria và misericordia (Khổ đau và lòng thương xót) bởi vì "Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngài mà được cứu độ" (Ga 3,17) và theo nghị quyết của Công đồng Vatican II: "Người Ki Tô hữu có bổn phận nặng nề, phải hợp tác với tất cả những người khác trong việc xây dựng một thế giới xứng đáng với nhân phẩm con người hơn" (Gaudiumet Spes, 57).

Trong bức tranh này, William Blake sử dụng triệt để ngôn ngữ tượng trưng. Không còn bối cảnh xã hội-lịch sử của câu chuyện nữa. Chỉ có ba cụm nhân vật, là ba thành phần tương tác tạo nên ý nghĩa câu chuyện: người bị buộc tội (ngoại tình) vẫn đứng đó, những người buộc tội và thách thức Chúa (những người thuộc phái Pharisêu) đã quay lưng bỏ đi với sải chân rất dài, và Thiên Chúa của các “giao ước mới” vẫn cúi chỉ tay xuống mặt đất như nhắc nhở chúng ta về những giới hạn trần thế của mình...

Thông điệp của bức tranh, trong hình thức như vậy, hết sức rõ ràng và ngắn gọn: sai lầm hay tội lỗi của con người vẫn luôn tồn tại, nhưng con người thay vì kết tội và trừng phạt nhau, hãy luôn biết khiêm tốn và tỉnh táo tự xem xét lại chính mình; không ai có thể biết được ý định của Thiên Chúa, nhưng Ngài vẫn hiện diện, và mọi sự khởi đầu trong đức tin về sự hiện diện của Ngài...!

*

William Blake (1757-1827) là họa sĩ, triết gia và nhà thơ người Anh. Trong lĩnh vực thơ ca, ông được xếp vào hàng những tên tuổi hàng đầu của nghệ thuật Lãng mạn chủ nghĩa-Romanticism (hình thành ở Tây Âu sau Cách mạng tư sản Pháp năm 1789)- ở Anh, nhưng trong lĩnh vực hội họa, ông đi trước thời của mình khá xa. Người ta xem ông là họa sĩ bậc thầy của nghệ thuật Tượng Trưng-Symbolism-cuối thế kỷ XIX. Với ông, thực tại được nhìn thấy bởi đôi mắt nhìn ra nơi con người chỉ là những ảo ảnh. Tri giác con người hết sức hạn chế và đầy khiếm khuyết. Người ta chỉ có thể tiệm cận sự thật trong suy tư sâu xa. Và, trong suy tư sâu xa, thực tại hiện hình lên bề mặt, chỉ có thể là những biểu tượng, những tượng trưng, và ẩn dụ...
NGUYÊN HƯNG
(Trích từ sổ tay Nghệ thuật Công giáo-2012)


Người đàn bà ngoại tình (Tân Ước)

(Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

 

Đoạn Joh. 7:52–8:12 trong bản khắc văn Vaticanus Graecus 1209

Câu chuyện Người đàn bà ngoại tình (Pericope Adulteræ) theo truyền thống là tên được đặt cho đoạn Phúc âm Gioan 7:53-8:11 [1]. Đoạn văn ghi lại ý định ném đá một phụ nữ bị cáo buộc về tội ngoại tình của những người thuộc phái Pharisêu, và Chúa Giêsu nêu lên quan điểm về vụ việc này qua câu nói: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi."

 

Văn bản

Theo bản dịch của Nhóm Phiên dịch Các giờ kinh Phụng vụ:


Còn Đức Giê-su thì đến núi Ô-liu. Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: "Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?" Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi." Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói: "Này chị, họ đâu cả rồi ? Không ai lên án chị sao ?" Người đàn bà đáp: "Thưa ông, không có ai cả." Đức Giê-su nói: "Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu ! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa !"

 

Ý nghĩa

 

Tranh minh họa của Wassilij Dimitriewitsch Polenow năm 1888

 

Qua câu nói: "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi" (Ga 8:7), Chúa Giê-su muốn hướng con người nhìn về tâm hồn mình, để họ nhận biết tội lỗi bản thân và ăn năn trước khi kết tội anh em đồng loại. Hơn nữa việc kết tội không thuộc quyền của con người mà là đặc quyền của Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới có thẩm quyền kết án con người. Khi con người kết án anh em mình là lúc họ đặt mình ngang quyền với Thiên Chúa là Đấng Tạo dựng muôn vật.

 

Tranh vẽ của Guercino năm 1621

Khi bàn về câu truyện này, thánh Augustinô dùng hai từ bằng tiếng La tinh là Miseria và misericordia (Khổ đau và lòng thương xót) bởi vì "Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngài mà được cứu độ" (Ga 3,17) và theo nghị quyết của Công đồng Vatican II: "Người Ki Tô hữu có bổn phận nặng nề, phải hợp tác với tất cả những người khác trong việc xây dựng một thế giới xứng đáng với nhân phẩm con người hơn" (Gaudiumet Spes, 57) [2].

 

Phóng tác

Đoạn văn này thường được dùng trong các phóng tác phim về các Tin Mừng. Nhiều danh họa đã minh họa cho câu chuyện này, trong số đó có Giovanni Francesco Barbieri (Guercino), Pieter Bruegel il Vecchio, Antoine Caron, Lucas Cranach the Elder, Nicolas Poussin, Jacopo Tintoretto,...

 

Đây cũng là nội dung của bài hát Chuyện người đàn bà 2000 năm trước của Song Ngọc, trong đó có những câu sau:

"...Nhìn người đàn bà đang chịu tội chết

Đống đá ngổn ngang. Chờ ai?

Chờ tay người ném chết một người không hận thù.

Người ơi, vì đâu đọa đày nhau ?!

"Ai... người vô tội ? Ai... người không tội ?

Hãy mạnh tay ném đá, ném đá, ném trước đi, còn đợi gì ?

Ai... người vẹn toàn ? Ai... người trong sạch ?

Còn chờ chi ? Ném chết ném chết, ném chết tội đồ nhân gian...!

Chuyện người đàn bà 2000 năm trước

Sách cổ đã ghi: đống đá còn nguyên...."

Nhạc sĩ Song Ngọc đã khéo léo dùng những chữ tương phản như "Thế giới hiền lương / ánh mắt cuồng căm" và đặt câu hỏi, có phải vì người đời giả dối, sợ phải đối mặt với tòa án lương tri với tội của chính mình nên đã lẵng lặng bỏ đi: "Vì người vô tội hay đời giả dối ? Thế giới giả nhân ? Chào thua ! Người ơi, Tình ơi ! Ai tội đồ ? Ai tỉnh ngộ ?...". Nhưng dù sao thì "cũng vậy thôi", và câu chuyện vẫn có kết thúc tốt đẹp và câu hỏi dành riêng cho lương tâm mỗi người. 

https://youtu.be/b4XIj-43EWQ?si=qmyDKY1lYMnMgTur

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét