Trại Bồ
Tùng Linh
LỜI NHÀ XUẤT BẢN
Chúng tôi cho tái bản những tác phẩm của Thế Lữ để đáp lại một phần đòi hỏi
của các bạn yêu văn chương, muốn có đầy đủ các tác phẩm của những nhà văn thời tiền chiến và cũng không ngoài mục
đích trình bày với độc giả những tác phẩm đẹp được sáng tác trong khi nghệ thuật
còn được tự do phát triển.
Thế Lữ là một văn sĩ kiêm thi sĩ trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn, hiện nay ông
còn ở miền Bắc. Dưới chế độ Việt cộng, cũng như bao nhà văn khác ở các nước Cộng
sản, Thế Lữ đã phủ nhận văn nghiệp cũ cùa mình, mà chỉ sáng tác những tác phẩm
nặng về tuyên truyền, khô khan, không thực với cảm nghĩ.
Thế Lữ đã chối bỏ quá khứ, tư tưởng nghệ thuật và tâm hồn tự do của một
con người văn nghệ, bó mình phục vụ văn nghệ đỏ của Việt Cộng trong hỏa ngục miền
Bắc.
Truyện "Trại Bồ Tùng Linh" viết
hồi 1930 là vang bóng đáng yêu của một Thế Lữ thời tiền chiến.
Tiếc thay "Thế Lữ ngày ngay " đã
làm sụp đổ công trình văn nghiệp của mình, họa chăng độc giả ngày nay chỉ còn
lòng thương hại, nhớ tiếc một Thế Lữ với những tác phẩm đẹp xa xưa...
Chương I
Trại Bồ ngày... tháng 9 năm
1930.
"Anh
Bình,
"Chỗ
tôi đến ở là Trại Bồ. Tôi gọi đùa là Trại Bồ Tùng Linh. Cái tên đặt trong lúc cợt
tính đó không ngờ lại hợp với cái cảnh biệt tịnh này đến thế. (Nhất là từ bữa xẩy
ra ở đây những việc có thể gọi là rất dị thường).
"Anh thử tưởng tượng một cái trại rộng ngót hai mẫu và rậm như một khu rừng. Cây toàn là cây cỗi. Gần hết là nhãn, mươi gốc mít và mấy thứ cây ăn quả mà người ta không nghĩ đến sự lấy hoa lợi; lại thêm hai gốc đa cỗ kính, buông từng súc rễ chằng chịt xuống lối đi. Trên là bóng lá rườm rà. Dưới là cỏ và hoa. Những thứ cây bụi không biết tên là gì và thường thường chỉ mọc ở những cánh đồng hoang, cũng tìm đến sống ở đây, chen lẫn với những khóm hoa không được chăm bón. Một vài khoảng đất vuông vắn, trên đó cỏ lau đâm lên tự do, có lẽ đã là những thửa vườn cũ. Trên con đường rộng nhất trở vào từ cái cổng xây đã đổ nát và mất cánh cửa, một đoạn còn thấy dấu gạch lát, những gạch chỗ thì lụn, chỗ thì bị bẩy chồi lên vì những rễ ngầm. Một cái ao lớn, bèo tấm xanh lè kín gần khắp mặt, chắc là một chỗ trước kia rất đẹp: vì trên một phía bờ ao, một rặng liễu già rủ lá xuống tận nước, xen lẫn với mấy khóm trúc lá mập và mình vàng. Thêm vào đó một ít cây ngọc lan, hoàng lan và từng vầng lớn mẫu đơn cao um tùm.
"Lớp
nhà ngói tôi ở, ẩn khuất trong những cây đẹp và quí ấy.
"Nhà kiểu
cũ, tuy làm trên nền đá nhưng vẫn thấp; hiên trước rộng; bên trong, hai hàng cột
lớn chia thành ba gian. Gian giữa cửa bức bàn. Hai gian bên tường bưng, có cửa
sổ nhìn ra cảnh trước hiên; cửa sổ chấn song con tiện, nhưng long mất gần hết.
Một nơi phảng phất mùi phong lưu và... chứa chất mùi ẩm mốc. Ngay từ sáng hôm đến,
tôi đễ ra cả một nửa ngày bảo quét tước sửa chữa, sắp đặt và làm cho bọn khách
trọ bình yên trong ấy - lũ giơi và lũ chuột - phải một bữa hoảng hồn.
"Tôi
phân ra từng căn riêng (nhưng là những căn tưởng tượng lấy cột làm địa giới).
Một cái giường
cầu mua lại, một cái va-li dựng, và một cái treo áo: đó là phòng ngủ. Ở giữa một
cái án thư cũ và một cái bàn mây: đó là "phòng khách" có tên mà
không có thực, vì nhất định sẽ không bao giờ có ai đến chơi. Một cái bàn kê áp
cửa sổ ngăn thứ ba, một ngăn sách, một va-li đựng cũng toàn sách và một cái ghế
mây dài dùng để nằm nghỉ: đó là phòng làm việc và thư viện, chỗ lịch sự và quan
trọng nhất nhà. Cũng nên kể thêm một vài bức tranh mang theo, một bình hoa. Thế
là chỗ ở của tôi thành một biệt thự cũng khá tươm tất.
"Tôi muốn
xa Hà-nội với sự náo động và bao nhiêu cái bận rộn vội vã, tìm thuê một chỗ
tĩnh mịch để làm việc thong thả trong yên lặng; gặp được cái trại bỏ không này
tưởng không cần phải mong đâu hơn. Có thể nói ý muốn của mình được tô điểm thêm
lên nữa. Cảnh tịch mịch của tôi lại là cảnh kỳ thú, giữ một mầu cổ kính, bí mật
trong bóng những cây cối gần như hoang dại. Tôi đã nghĩ đến một vài truyện và một
vài cảnh tả trong truyện Liêu Trai. Thằng Dần, thằng nhỏ tôi đem theo, tuy rất
ít mồm miệng mà ngay hôm đầu cũng nổi lên một ý nghĩ tương tự như của tôi:
" Cậu ạ,
trại này trông như một trại có ma ấy.
Nó ngạc
nhiên và có vẻ sờ sợ khi tôi bảo:
"Có ma
thì càng hay cho tao!
Tôi phải tìm
lời an ủi nó ngay, vì xem ra anh chàng chỉ chực những xin trở về. Tuy vậy nó
không phải là một đứa yếu bóng vía.
"Chắc
anh muốn biết tôi lần mò thế nào mà tìm được chỗ này. Tôi không phải tìm lâu.
Nói là gặp có lẽ đúng hơn. Và do một sự tình cờ kể cũng hơi lạ. Tôi đến thăm một
người cô họ xa ở Hà-nội; một trong tin báo nói về vụ kiện ở một đồn điền. Câu
chuyện dây dưa từ đó đến những ấp, những trại và đến một khu trại bỏ không ở
Thái bình. Tôi chú ý liền. Hỏi rõ thêm. Và tức khắc đi tìm chủ nhân Trại Bồ hiện
vẫn ở Hà nội. Tôi hỏi thuê ngay từ trước khi đến thăm và người ta rất vui vẻ
cho tôi thuê, trước khi biết tôi là người thế vào và đến ở đó để làm gì. Giá trả
hàng năm và rẻ một cách không thế ngờ được. Hôm tôi tới xem trại, người gác ở
đây cũng tỏ ra vẻ mừng rỡ như người chủ hôm trước. Trong câu chuyện qua lại,
tôi thấy một vài điều hơi có vẻ bí mật khi người ta muốn tìm cách cắt nghĩa vẻ
hoang phế của Trại Bồ. “Trại Bồ bỏ không vì không họp với cụ cố chúng
tôi... vì mợ cả đau yếu luôn...". Tôi cũng không gắng hỏi kỹ càng hơn vì
điều quan trọng nhất đối với tôi là có một chỗ yên lặng và biệt tịch. Hôm
"dọn nhà" xuống - tất cả đồ đạc là hai cái va-li lớn và những
thứ ứng biến mới sắm thêm ngay ở đây - tôi cũng có nghe thấy mấy người tôi thuê
đến quét dọn nói bóng nói gió đến sự "bỏ không" của trại này.
Hình như trong gia đình "cụ lớn" có người chết oan hoặc tự tử
hoặc hóa điên, không rõ lắm; và hình như từ đấy, nhà "cụ lớn"
không được phong túc như xưa. Tôi còn thoáng bắt chợt được những tiếng
"oan hồn", "con ma gốc đề" - cây đề này mọc lẻ loi ở một gốc
cuối trại - và những câu trả lời lúng túng của họ khi tôi hỏi rõ thêm. Tôi
không muốn có một điều gì đến làm vướng bẩn cái vui của tôi nên không để tai
đón chuyện của họ nữa. Tôi lại tự nghĩ: cảnh như ở đây tất nhiên gây nên những
ý huyền hoặc trong óc người quê mùa.,. Còn mình chỉ nên để tâm đến vẻ đẹp của cảnh
với sự tiện lợi của nơi ở. Vả lại, dù có ma đi nữa, thì đã sao chưa?
Trước sự lo
ngại của thằng Dần, tôi cũng giữ vững cái ý nghĩ vừa rồi: tôi thành thật tin rằng
dù có những việc hiển hiện lên trước mắt, tôi cũng không khiếp sợ - có lẽ lại
coi là một dịp tốt cho cái tính tò mò của mình.
"Ngày
thứ hai ở Trại Bồ tôi đã bắt đầu nghĩ đến cái công việc sung sướng tôi định làm
ở đây: là khoan thai viết tập tiểu thuyết tôi nghĩ đã lâu, một tác phẩm thân
yêu mà tôi vuốt ve từ trước cái hình ảnh mang trong trí. Thực không phải là
"làm việc" nữa, tôi thấy say mô khoái trá khi nghĩ đến, khi dàn xếp
những ý tưởng, khi cầm bút sắp viết, và khi những hàng chữ hiện lần lần trên giấy
với tất cả sự rung động của tâm hồn mình.
"Lúc
nghĩ viết lại là những lúc vui thú khác: hoặc đọc sách hoặc thức dậy giữa cái
thế giới nhỏ của khung cảnh trong Trại Bồ. Những cây cỏ rất nhiều hình sắc ở
đây hiện trong vẻ đẹp riêng của sự kích thích tinh thần. Phạm vi của một vùng
xanh tươi như rộng rãi thêm: có những trường hợp trùng nhau của cảnh tưởng tượng
với cảnh bên ngoài, khi đó thì nhân vật tạo tác thường như hoạt động trong lúc
thực hiện.
"Cái thói quen làm việc ban bêm để tránh sự náo động
ban ngày khi còn ở thành phố khiến cho những lúc viết của tôi thường lẩn xa vào
những giờ khuya. Và ban đêm ở đây có một sự yên lặng khác thường, đầy những, tiếng
rộng lớn của gió cây rì rào và tiếng giun dế dưới chân hoa cỏ.
"Một tối
về thượng tuần trăng, tôi mải ngồi ngắm cảnh ở ngoài hiên cho đến lúc trăng lặn
đã lâu và trời đã trở lại tối đặc. Hàng liễu trước nhà lá hình ảnh đẹp mắt và
đáng yêu nhất trong cả buổi. Đến lúc trăng khuất hẳn, những nét mảnh giẻ, mềm mại
vẫn như còn in trên những vầng đen nặng, vẫn như còn nhuốm, rất huyền ảo, một
ánh sáng mà trí tưởng vẫn thấy còn xót lại riêng trên những mình óng mướt của
lá to... Những hình ảnh tưởng tượng nhè nhẹ cử động theo hơi gió lùa qua, phơ
phất, lả lướt, chập chờn... những cảm giác rất mong manh cũng phảng phất qua, gợn
trong tâm hồn, gợn trên da thịt.. Tôi được hưởng một thứ say sưa hiếm có và
chóng biến, những vẫn để cho tình cảm còn rung mãi một điệu rất êm nhẹ và ngọt
ngào.
"Khi
tôi chợt nhớ đến đoạn văn sẽ viết tiếp trên bàn, tôi trở vào, ngồi ở cái bàn áp
cửa sổ rồi cầm bút lên, nhưng trong trí vẫn còn những nét liễu se sẽ động, siêu
siêu như theo một chiều nghĩ ngợi. Hình ảnh ấy gợi ra những tà áo mong manh và
những dáng điệu biến hiện trong mờ ảo... Tâm hồn có một ý bâng khuâng, lưỡng lự,
hình như sắp định một điều chưa rõ rệt, chơi vơi một chút rồi buông xuôi vào một
cõi bất định, không biết đâu là bờ bến. Cứ thế, tôi ngồi bên bàn viết, đầu ngả
dựa một tay chống đỡ, trước cây đèn chụp hắt ánh sáng xuống vòng quanh. Tiếng
giun dế dóng dả ran lên khi tai lắng nghe và dần dần chìm đi, lùi xa vào trong
lãng quên, để rồi lại giục giã thêm và nài gợi sự chú ý. Tiếng gió hình như vẫn
reo hoài và vừa mới ngừng lại. Một luồng gió nhẹ mát thoảng ùa qua cửa sổ như gửi
vào một phần đêm bên ngoài.
"Tại
sao tôi lại rờn rợn người lên? Tôi biết tâm trí vẫn nghĩ bình thường- đang cố
nhận lấy từng chút chi ly đổi thay của cảm súc. Mắt tôi lúc đó đang nhìn hàng
chữ cuối cùng trên tờ giấy viết dở chừng.
"Không,
không có gì khác thường.
"Nhưng
tôi vẫn thấy một cảm giác lạ. Một cảm giác đột ngột, không liên lạc, hình như vừa
chợt đến: gờn gợn, lạnh lẽo, rõ rệt và mạnh mẽ. Tôi nghĩ bụng: " Hừ! vô lý
thực" Nhưng vẫn thấy như một sức gì, một sự gì... một vật gì đang chú ý đến
tôi, Ở đâu? Ở rất gần mình, ở trước mặt mình - từ cái khung tối đen ngòm kia - ở
cái chỗ tôi không trông thấy gì nhưng đối với "nó" tôi hiện ra rành mạch
trước ánh đèn sáng.
"Chỉ ngửng
lên là tôi sẽ trông thấy - sẽ biết, hoặc sẽ yên lòng là đã nghĩ lầm. Nhưng
không tôi không lầm. Sự ấy tôi có nghĩ ra đâu. Nó đến. Và bắt tôi nghĩ. Tôi vẫn
không nhúc nhích, mắt vẫn đọc hàng chữ viết, cố tình nán chậm cái lúc nhìn ra,
tuy đó là sự rất vô lý... Sau cùng, lấy hết can đảm, tôi ngẩng mặt lên.
"Cửa sổ"
- cái huyệt đen, sâu thẳm và vô cùng - cửa sổ vẫn không có gì khác.
"Nhưng
ngay lúc ấy, tôi tái hẳn người đi. Một tiếng động nhẹ - nhưng rành rẽ - một tiếng
nhẹ và nhanh do một cử chỉ nào của cái vật đứng bên ngoài. Đứng bên ngoài tường.
Và cũng nghe ngóng. Tôi "cảm thấy" - không thể mơ hồ được - rõ ràng
nó cố ở đây, nó đụng đậy...
" Tôi tính nhẩm: sẽ gọi thằng Dần dậy - nó vẫn nằm
ở cái ghế dài cạnh ngăn sách và rất tỉnh ngủ - cùng chạy ra cửa rồi chia ngả đuỗi
(nếu nó chạy): dù là vật gì cũng không thể thế được. Tôi nhẹ nhàng với lấy cái
đèn bấm trong ngăn kéo, rồi ngửng lên và kinh ngạc dị thường.
"Giữa
khung cửa sổ một khuôn mặt lặng lẽ, trắng một cách lạ, một khuôn mặt đàn bà rất
trẻ, đẹp, một vẻ đẹp tuyệt mỹ, đẹp đến lạnh mình...
" Hiện
lên như ở đó đã từ bao giờ. Và thoáng biến ngay, như không bao giờ có...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét