Nhân đi Qui Nhơn về, quỹ thời gian đầy túi, tôi tạt Long Thủy
thăm anh bạn nuôi tôm, mà trong tầng sâu, không những nhớ anh, mà tôi còn nhớ
biển...
Do không gặp thường xuyên, anh ta mừng lắm, lệnh vợ con, và chỉ
hai mươi phút sau đã bày ra bàn: nào gỏi sưa đầm, mực xào, tôm luộc, cà dĩa
sống, mắm chua, cá sặc... Chúng tôi “diệt” sạch bầu rượu ngâm hà nàm chó con!
Sức khỏe bỗng ùa về thân thể cũ, hồn trí như được tân trang, phấn chấn ra
phết!
Nhà anh bạn sát biển, một vị trí thật tuyệt, suốt ngày sóng vỗ
rối tai, gió quạt rối tóc. Chúng tôi uống thông ăn tợn, một phần cũng do biển
kích thích.
Tay xoa bụng, tôi thả đề nghị:
- Hai ta bê cái bàn ra gốc dừa ngoài kia, cho sát biển hơn nữa,
để ngắm thỏa thích khuôn mặt biển khơi cau có thế nào! Thế nhé?
Anh bạn nhìn tôi trìu mến, mặt mũi đỏ tía như gà chọi, đầu nhấp
nhô:
- Rồi mình làm thơ nữa chứ?
- Rất vâng!
Thế là, chúng tôi di chuyển. Tôi ngờ ngợ rằng, dường như nãy giờ
anh ta vẫn chờ lời đề nghị này của tôi. Anh ta hăng hái đến trẻ con! Anh ta
muốn ra khỏi nhà mình!
Sau khi chúng tôi đã yên vị tại tọa độ tối ưu, đột nhiên một câu
thơ xa lắc tận Hungary của Hollo Andras cứ chờn vờn trên biển khơi:
“Lưu ý... Chú ý... Biển sẽ tát vào mặt anh, nếu nhìn nó mà hồn anh không biết
trẻ”. Môi tôi tự động mím lại, khóe miệng giật giật. Câu thơ cảnh cáo ấy,
buộc tôi nhìn biển phải đề phòng, đã làm tôi già đi!
Nơi chỗ mới này, chúng tôi uống rượu tiếp. Uống rượu trắng, may
quá, rượu chó con đã sạch! Vẫn biết, dưỡng chất nào mà chẳng chút tanh tanh,
nhưng lạ thật, rành rành là rượu trắng, vẫn bay mùi chó con!
Anh bạn tôi, bụng mây mẩy bốn tháng, râu cá chép, ngửa người ra
ghế, vươn tay hít thật sâu gió khơi, hình sắc hiện đại, rướn gân cổ ngâm thơ,
giọng rào rào ồ ồ như mẻ tôm vừa xuất hồ:
- Ấn Độ, Thái Bình, Đại Tây Xanh thẳm/Thò tay thương ôm ấp mấy
bờ/Những con sóng bạc đầu vĩnh viễn/Tức giận bờ này hờn dỗi bến kia...
Tôi cũng ngã người ra ghế, hỏi anh bạn:
- Anh xem bản đồ thế giới để làm thơ à? Nghe cứ đầy ắp tinh thần
toàn cầu hóa!
- Vâng! Thì đã sao?
- Thì lạ quá, chứ sao?
- Chẳng gì lạ cả! Ngồi trước biển là tầm nhìn phải rộng, phải
bao trùm!
Tôi nín thinh. Kể ra anh ta có lý! Ý thơ đang lai láng, hứng
chí, anh ta nghê nga tiếp:
- Những thế hệ rượt nhau như sóng biển/Con sóng vào bờ, con sóng
vỡ, tung hoa!...
Tôi rít một hơi thuốc, cất tiếng nhận định:
- Tôi-Anh, hai con sóng sắp vào bờ! Chuyện vỡ là cầm chắc!
Nhưng không tung hoa!...
Nghe thế, anh ta bật phóc dậy như lò xo xả
nén, nhìn tôi, mắt đỏ như hòn than, giọng thình thịch như đầm nền nhà:
- Anh phải nhớ rằng: Hoa là những mảnh nứt
vỡ! Vỡ tạo ra hoa! Anh vẫn thích ngắm bắn pháo hoa đấy chứ?
Tôi lại nín thinh! Anh bạn nuôi tôm, kiêm
nhà thơ, nhà giàu, nhà triết này ghê thật!
Chúng tôi không bàn luận nữa, im lặng, mỗi
người lặn vào suy tư riêng...
Tôi sinh ra, lớn lên miền núi, nhưng lại
yêu biển! Ôi! Nó to mà mềm, dữ dằn mà êm ái! Cố định mà di chuyển chia cắt để
nối liền, bập bềnh mà sâu thẳm! Tàn khốc mà bao dung!...
Còn nhớ, lần đầu đời gặp biển, tôi choáng
ngợp khi đôi mặt với một mênh mông! Khi lớn lên, tôi biết đem so sánh với một
mênh mông khác là bầu trời, biển lại nhỏ đi! Lớn thêm nữa, tôi kết hợp hai
cái mênh mông trời-biển này, lại thấy bé hơn một cái mênh mông khác, đó là
“Em”! Rồi lớn nữa, lạ thật, mênh mông này, mênh mông nọ, đều chạy biến đi đâu
mất! Thì ra, không quan trọng nữa, tôi đã quên rồi! Chuỗi thời gian, với hàm
răng cá sấu của nó, đã nhai vụn, khạc vào hư vô, quên lãng!
Tôi chồm dậy, rót rượu tiếp:
- Mời anh cụng ly!
Anh bạn tôi, cũng chồm dậy, thò tay cầm ly
“ực” một phát gọn nhẹ! Tôi vẫn thích phong thái uống rượu của anh ta cho đến
bây giờ: Cứ dứt khoát và nhanh! Tôi cứ nơm nớp lo, nhỡ cái ly chạy vào họng
thì khốn!
- Em mời hai anh “chinh gum”, trứng cút,
mực khô, thuốc lá... nhé?
Tiếng chào mời của cô hàng rong, đột ngột
vang lên, trong vắt, không gợn một tạp chất nào! Rõ mồn một, thậm chí nghe cả
hơi thở! Có lẽ, sự trong trẻo của âm thanh có sức mạnh xuyên qua và loại bỏ
dễ dàng sự ầm ào của biển khơi! Cô ta thật duyên: Da cà phê sữa, mình dây, cổ
thon, mắt to, tay chân giao giao đọt hành, đang nở một nụ cười rộng rãi, răng
đều như sắp, lấp lánh nắng chiều. Cô ta đứng trong vùng ngược nắng, những
đường lượn thân thể tuyệt mỹ nổi lờ mờ!
Đột nhiên, cái xương sống tôi, tự động trở
về vị trí ngay ngắn. Tôi hỏi:
- Cô người Bắc à? Hà Nội chăng?
- Dạ không! Em Thái Nguyên.
Anh bạn tôi, rướn người chồm tới, giọng
khôi hài:
- Ối chà! Đã thái mà còn nguyên ư?
Nghe thế, cô ta nhẹ nhàng đặt cái mẹt hàng
rong xuống cát, tay vuốt tóc ở trán, nhìn chúng tôi như ban thưởng, với đôi
mắt to đen của bê con xa mẹ, chớp chớp liên hồi, miệng nở từ từ một nụ cười
êm như nhung, thần thái vững chải như bàn thạch:
- Vâng ạ! Em... thái thì cứ thái, nguyên
thì vẫn nguyên!
Trực diện với một trí tuệ như thế, anh bạn
nuôi tôm của tôi thích quá, cười sang sảng, nhịp “chát chát” vào thành ghế,
hát toáng lên:
- Biển một bên... và... em một bên!...
Tôi cũng cười sang sảng. “Cái cười hết ga”,
nó chở “cái tôi” ra khỏi bản thân, thật sướng làm sao! Và, anh bạn tôi, bộc
phát hát toáng lên như thế là đúng. Cô gái duyên dáng không rỗng này và biển
cả: cân sức! Nếu đặt trên dĩa thì trọng lượng tương đương! Tôi linh cảm trong
không gian bãi biển này, vừa lởn vởn một quyền lực vô hình, thơm thơm, dịu
dàng mà táo bạo từa tựa biển khơi!
Hát rống vừa dứt lời, anh bạn tôi, vội lấm
lét liếc nhìn vào nhà mình, ánh mắt có hơi khác, đầy cẩn trọng! Tôi cười và
mến anh lạ lùng: Một sinh vật cao cấp thoáng bối rối vì quá vui, bỗng ngại
một sinh vật cao cấp khác ở đâu đó, trong nhà! Tôi nói, mắt đậu trìu mến vào
anh ta:
- Phải chi có phép lạ, dời quách chỗ này
vào Nha Trang nhỉ?
Anh nhìn tôi, rồi cụp mắt xuống:
- Đời này làm gì có phép lạ!
Tôi quay sang bảo cô gái hàng rong, từ nãy
giờ cũng nhìn anh ta và cười:
- Này cô, bọn tôi đang uống rượu, nhưng
chúng tôi lại muốn mời cô một chai bia, thế nên chúng tôi sẽ chuyển sang uống
bia! Không uống rượu nữa! Cô cứ đặt cái rổ hàng lên mặt bàn này, bọn tôi dùng
thì tự lấy. Được chứ? Một hân hạnh cho chúng tôi đấy! Tôi đi gọi bia đây! Thế
nhé?
Anh bạn tôi, nghiêng đầu nhìn tôi, như đang
xem xét một quái vật:
- Lần đầu tiên, tôi thấy anh nói quá dài,
quá dai, nhưng lại có ngăn nắp!
Tôi vội đứng dậy, nhưng cô hàng rong ấn vai
tôi xuống. Cô cười, tay phủi phủi một cọng rác bám trên vai áo tôi:
- Để em đi!
Nói xong, cô ta lại cười, ngón tay gãi gãi
chót mũi. Nom cô ta giống biển quá chừng! Cô ta hiểu cả, biết cả, và tha thứ
hết!
Chúng tôi nhìn theo dáng thon thả cô đi...
Nếu nhỡ cô vấp té, thì cả nhà bác học đang nghiên cứu, cũng quăng kính hiển
vi mà chạy đến xuýt xoa!...
Nếu có ai đó, lúc này tò mò nhìn sâu vào
mắt chúng tôi, hẳn sẽ thấy hình ảnh cô ta đi vào, chứ không phải đi ra!
Như có linh tính, một giác quan thứ sáu,
chúng tôi cùng quay lại, ánh mắt gặp nhau, cười ngu ngơ!... Cười ngu ngơ vì
chúng tôi nhận ra rằng: Trong ánh chiều tà, tuổi đời cứ rớt lả tả trong ầm ào
biển khơi...
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét