Hình Tụ Yên. Ảnh phim Hồng lâu mộng 1987. |
Hồi 57.
Tử
Quyên khôn ngoan, đặt chuyện thử lòng cậu Bảo;
Dì Tiết hiền hậu, đem lời
an ủi cô Lâm.
Vương phu nhân muốn dẫn Bảo Ngọc đến chào Chân phu nhân. Bảo Ngọc nghe nói, rất vui, vội thay quần áo, theo Vương phu nhân đi ngay. Thấy phong cảnh nhà họ Chân cũng chẳng khác phong cảnh phủ Vinh và phủ Ninh mấy, có một vài nơi còn lịch sự hơn. Hỏi kỹ ra, cũng có một cậu tên là Bảo Ngọc. Chân phu nhân giữ lại ăn cơm, hết ngày mới về. Bảo Ngọc vẫn chưa tin. Tối về nhà, Vương phu nhân bảo phải sắp tiệc thật long trọng, tìm một ban hát có tiếng để mời mẹ con Chân phu nhân đến dự. Hai hôm sau, mẹ con Chân phu nhân không kịp cáo từ, trở về chỗ làm quan.
Hôm ấy Bảo Ngọc thấy Tương Vân gần khỏi, mới sang thăm Đại
Ngọc. Gặp lúc Đại Ngọc đang ngủ trưa, Bảo Ngọc không dám đánh thức, nhân thấy Tử
Quyên ngồi ở ngoài hiên thêu thùa, liền đến hỏi:
Đêm hôm qua cô ấy đã đỡ ho chưa?
Hơi đỡ rồi.
A Di Đà Phật! Thôi cũng nên khỏi đi!
Cậu mà cũng niệm phật, thực là việc lạ!
Người ta thường bảo “Bệnh gấp hay uống thuốc bừa”.
Bảo Ngọc thấy Tử Quyên mặc cái áo bông mỏng bọc lụa,
ngoài khoác áo đoạn xanh, liền giơ tay xoa vào người cô ta vừa nói:
Khí trời xấu mà mặc phong phanh thế này, ngồi ở trước
gió, lỡ ra ốm thì lại khổ. Tử Quyên nói:
Từ nay trở đi, chúng ta có nói chuyện gì thì nói, chứ đừng
táy máy chân tay. Bây giờ đã lớn rồi, lỡ người ta trông thấy, không ra sao đâu,
lại làm cho những kẻ bậy bạ nói vụng. Cậu không để ý đến việc ấy, cứ cợt nhả
như lúc còn bé thế nào được? Cô tôi thường dặn chúng tôi không được đùa cợt với
cậu. Gần đây, những khi cậu đến thăm, cô tôi cũng muốn tránh cậu nhưng sợ không
tránh được đấy!
Tử Quyên liền đứng dậy mang đồ thêu sang phòng khác.
Bảo Ngọc thấy thế, trong bụng như bị giội một chậu nước lạnh,
đứng ngẩn người ra nhìn rặng tre. Giữa lúc ấy già Chúc đương cuốc đất trồng tre
và quét lá ở đấy. Như người mất hồn, Bảo Ngọc ngồi ngay trên hòn đá, nước mắt
chảy ròng ròng. Một lúc lâu, nghĩ quanh nghĩ quẩn, không biết làm thế nào. Tuyết
Nhạn đến nhà Vương phu nhân lấy nhân sâm về qua đấy, thấy một người tay chống cằm,
ngồi ngây ra trên hòn đá dưới gốc cây đào, không phải ai lạ, chính là Bảo Ngọc.
Tuyết Nhạn ngờ ngợ: “Trời lạnh thế này, cậu ấy ngồi một mình ở đấy làm gì? Mùa
xuân này chỉ có những hạng rồ dại mới liều như thế, chẳng lẽ cậu ấy cũng mắc bệnh
ngốc à?” Liền chạy lại, ngồi xuống cười nói:
Cậu ngồi đây làm gì thế?
Bảo Ngọc trông thấy Tuyết Nhạn liền nói:
Chị đến tìm tôi làm gì đây? Chị không phải là con gái à?
Cô ấy đã giữ kẽ không cho các chị gần tôi, chị lại đến đây, nhỡ để người ta
trông thấy, lại chẳng sinh chuyện đồn đại à? Thôi chị về ngay đi.
Tuyết Nhạn nghe nói, cứ tưởng Bảo Ngọc bị Đại Ngọc trêu tức,
đành phải về nhà. Đại Ngọc hãy còn ngủ, Tuyết Nhạn đưa nhân sâm cho Tử Quyên. Tử
Quyên hỏi:
Bà đương làm gì?
Đương ngủ trưa, vì thế phải chờ một lúc. Tôi kể cho chị
nghe câu chuyện này đáng buồn cười: lúc chờ bà, tôi cùng chị Ngọc Xuyến nói
chuyện ở dưới nhà, tự nhiên dì Triệu vẫy tôi đến. Tôi tưởng chuyện gì, té ra dì
ấy xin phép bà về nhà túc trực đám ma người em, sáng mai thì đưa. Đứa hầu nhỏ
theo dì ấy là Tiểu Cát Tường không có quần áo, muốn mượn cái áo lụa nguyệt bạch
của tôi. Tôi nghĩ: bọn họ cũng được cấp hai cái áo như mọi người, sợ đem ra mặc
đi đưa đám thì hỏng, nên không dám mặc áo của mình, lại đi mượn của người khác.
Mượn làm hỏng áo cũng là việc nhỏ, nhưng tôi nghĩ xưa nay dì ấy đối với chúng
ta chẳng tử tế gì. Vì thế tôi bảo: quần áo trâm vòng của tôi, cô tôi giao cho
chị Tử Quyên giữ cả. Bây giờ tôi phải trình cô tôi như thế mất nhiều thì giờ lắm,
lại làm lỡ việc của dì thôi. Chi bằng dì mượn chỗ khác là hơn.
Con ranh này láu lắm. Mày không bằng lòng cho người ta mượn,
lại đổ cho ta và cô, để người ta khỏi oán mày. Dì ấy đi bây giờ hay sáng mai?
Đi ngay đấy, có lẽ bây giờ đã đi rồi. Tử Quyên gật đầu.
Tuyết Nhạn nói:
Có lẽ cô còn chưa dậy, không biết ai làm cho cậu Bảo tức
giận, đương ngồi khóc ở ngoài kia kìa!
Cậu ấy ngồi ở đâu?
Ở dưới cây đào sau đình Thấm Phương.
Tử Quyên vội bỏ đồ thêu xuống, dặn Tuyết Nhạn:
Phải cẩn thận, ngồi chực đấy. Cô có hỏi thì nói ta ra
ngoài một tí rồi về ngay.
Tử Quyên ra khỏi quán Tiêu Tương, chạy một mạch đi tìm Bảo
Ngọc. Tử Quyên mỉm cười nói:
Tôi nói câu ấy, chẳng qua cũng chỉ muốn giữ tiếng tốt cho
cả mọi người thôi, thế mà cậu tức giận, ra ngồi chỗ gió máy mà khóc, lỡ ốm thì
làm thế nào!
Bảo Ngọc cười nói:
Ai tức? Tôi nghe chị nói cũng phải. Các chị bây giờ đối với
tôi thế này, rồi người khác cũng thế, dần dần chẳng ai thèm nhìn đến tôi. Tôi
nghĩ thế đâm ra tủi thân.
Tử Quyên liền ngồi sát vào Bảo Ngọc. Bảo Ngọc cười nói:
Vừa rồi đứng đối diện nói chuyện, chị còn bỏ chạy sao bây
giờ lại ngồi sát vào bên cạnh tôi?
Cậu quên rồi à? Mấy hôm trước cậu và cô Lâm đương nói
chuyện với nhau thì dì Triệu đi vào, giờ thấy dì ấy đi vắng, tôi mới đến hỏi cậu.
Hôm nọ cậu mới nhắc một câu “yến sào”, rồi không nói gì nữa, bây giờ tôi muốn đến
hỏi cậu việc ấy.
Việc ấy không quan hệ gì, chẳng qua tôi nghĩ chị Bảo là
khách đến ở đây, mà cô Lâm đã ăn yến sào thì phải ăn luôn, cứ xin mãi cũng ngượng.
Món yến sào tuy không tiện xin bà, nhưng tôi đã bày tỏ với cụ biết, có lẽ người
cũng đã bảo chị Phượng rồi. Tôi định nói với cô ấy, nhưng chưa nói hết. Bây giờ
đâu như mỗi ngày đã cho cô ấy một lạng yến sào, thế là được rồi.
Thế ra cậu nói hộ. Cảm ơn cậu đã hết lòng nghĩ đến cô
tôi. Tôi cứ ngờ tại làm sao tự nhiên cụ lại nhớ đến, hàng ngày lại sai người
mang sang cho cô tôi một lạng yến sào. Té ra là thế.
Ngày nào cũng phải ăn cho quen, ăn độ hai, ba năm thì khỏe
được.
Ở đây ăn quen rồi, sang năm về nhà lấy tiền đâu mà ăn được
thứ ấy. Bảo Ngọc nghe nói giật mình hỏi:
Ai về nhà?
Cô tôi về Tô Châu.
Chị lại nói hão rồi. Tô Châu là nguyên quán thực, nhưng
bà cô tôi đã mất, không có người trông nom, nên phải đón cô ấy về ở đây. Thế
thì sang năm về Tô Châu ở với ai? Chị lại nói dối rồi.
Cậu khinh người quá! Chỉ có họ Giả nhà cậu là họ to người nhiều hay sao? Không lẽ trừ nhà cậu, các nhà khác chỉ có một bố, một mẹ, họ hàng không còn ai nữa à? Cô tôi đến đây là vì cụ thương cô ấy còn bé, tuy có chú bác, cũng không bằng bố mẹ nên mới đón về đây ở tạm mấy năm đấy thôi. Khi đi lấy chồng, thế nào cũng phải trở về nhà họ Lâm, chứ có nhẽ nào con gái nhà họ Lâm, lại suốt đời ở nhà họ Giả? Nhà họ Lâm tuy nghèo không có bát ăn, nhưng là dòng dõi thư hương, không khi nào chịu đem người nhà mình giao cho bà con để chịu tiếng chê cười. Vì thế sang năm sớm thì mùa xuân, muộn thì mùa thu, dù ở đây không ai đưa về, thì nhà họ Lâm chắc cũng có người đến đón. Đêm hôm nọ cô tôi bảo tôi nói với cậu, những đồ chơi lúc còn bé, có thứ gì của cô tôi đưa lại, cậu sẽ soạn ra để trả cô tôi; cô tôi cũng đã soạn sẵn những thứ cậu cho cô tôi rồi.
Tử Quyên liền ngồi sát vào Bảo Ngọc. Bảo Ngọc cười nói:
Vừa rồi đứng đối diện nói chuyện, chị còn bỏ chạy sao bây giờ lại ngồi sát vào bên cạnh tôi?
Bảo Ngọc nghe nói như sét đánh ngang tai. Tử Quyên thử ngồi xem Bảo Ngọc trả lời ra sao, nhưng chờ mãi chẳng thấy nói câu gì, đương định hỏi thì thấy Tình Văn đến tìm Bảo Ngọc nói:
Cụ gọi đấy, ngờ đâu cậu lại ở đây! Tử Quyên cười nói:
Cậu ấy đến hỏi thăm bệnh cô tôi, tôi nói mãi cậu ấy cũng
chẳng tin, thôi chị dẫn cậu ấy về đi.
Nói xong, liền đi về nhà.
Tình Văn thấy Bảo Ngọc đờ người ra, đầu toát mồ hôi, mặt
xám nhợt, vội kéo về thẳng viện Di Hồng. Tập Nhân thấy thế sợ quá, cho là bị cảm
gió. Bảo Ngọc nóng không thì khá, đằng này hai mắt lại trợn lên, bọt mép sùi
ra, đưa gối thì nằm, đỡ dậy thì ngồi; đưa nước thì uống, mê man chẳng biết gì cả.
Mọi người thấy thế nháo cả lên, nhưng chưa dám đi trình Giả mẫu, vội sai người
đi tìm già Lý trước.
Một lúc già Lý đến, nhìn hồi lâu, hỏi mấy câu, Bảo Ngọc
cũng không trả lời; lấy tay sờ vào mạch, ấn mạnh hai cái vào huyệt nhân trung ở
môi trên, vết ấn khá sâu mà cũng không thấy đau. Già Lý kêu lên một tiếng “úi
chao, hỏng mất rồi!” Rồi ôm đầu khóc ầm lên.
Tập Nhân vội kéo già Lý lại hỏi:
Già xem có đáng lo ngại hay không, hãy nói cho chúng tôi
biết, để đi trình cụ và bà Hai, việc gì mà khóc ầm lên thế?
Già Lý đập giường vật gối nói:
Hỏng cả rồi! Thôi uổng công tôi cả một đời!
Tập Nhân nghĩ già Lý là người đã già, nhiều kinh nghiệm,
nên mời lại xem; giờ nghe thấy già nói thế, tin là thực, cũng khóc ầm lên. Tình
Văn kể lại việc vừa rồi cho Tập Nhân biết, Tập Nhân chạy thẳng đến quán Tiêu
Tương, thấy Tử Quyên đương hầu Đại Ngọc uống thuốc. Tập Nhân không kịp đắn đo
gì, hỏi ngay Tử Quyên:
Vừa rồi cô nói với cậu Bảo những câu gì thế? Cô đến mà
xem! Cô đi mà trình cụ, tôi mặc kệ đấy!
Nói xong liền ngồi phịch xuống ghế.
Đại Ngọc thấy Tập Nhân nét mặt giận dữ, có ngấn nước mắt,
bộ dạng khác hẳn, cũng đâm hoảng sợ, liền hỏi:
Làm sao thế?
Tập Nhân lặng im một lúc rồi khóc:
Không biết cô Tử Quyên nói những câu gì làm cậu ngốc ấy mắt
đờ ra, tay chân lạnh toát, không nói được nữa. Già Lý bấm cũng không biết đau.
Các bà già đều nói là không ăn thua gì nữa, ở bên ấy đương khóc ầm lên. Có lẽ
bây giờ thì chết rồi!
Đại Ngọc nghe nói thế, nghĩ già Lý là người có nhiều kinh
nghiệm mà cũng nói là chết thì chắc là chết thật, liền “ọe” một tiếng, bao
nhiêu thuốc vừa uống, mửa ra hết cả, ruột gan cồn cào, ho rũ rượi hồi lâu. Bỗng
chốc mặt đỏ gay, tóc rối bù, mắt sưng húp, gân nổi lên, cứ gục đầu xuống mà thở.
Tử Quyên vội đến đấm lưng. Đại Ngọc gục xuống gối thở một lúc, rồi đẩy Tử Quyên
nói:
Chị không phải đấm nữa! Cứ mang thừng đến thắt cổ tôi cho
chết đi là hơn! Tử Quyên nói:
Tôi có nói gì đâu? Chẳng qua nói đùa mấy câu, cậu ấy lại
tưởng thật. Tập Nhân nói:
Cô lại không biết cậu ngốc ấy, nói đùa câu gì cũng cho là
thật à?
Đại Ngọc nói:
Chị nói những câu gì, phải đến nói lại đi, cậu ấy mới tỉnh
lại được.
Tử Quyên nghe nói liền bước xuống giường, cùng Tập Nhân
đi đến viện Di Hồng. Giả mẫu và Vương phu nhân cũng đều ở cả đấy. Vừa trông thấy
Tử Quyên, Giả mẫu mắt đã nảy lửa liền mắng:
Con ranh con này nói những câu gì với nó đấy? Tử Quyên vội
trình:
Con có dám nói gì đâu, chỉ nói đùa mấy câu thôi.
Bảo Ngọc vừa trông thấy Tử Quyên đã “úi chào” một tiếng,
rồi khóc òa lên. Mọi người thấy thế mới yên tâm. Giả mẫu kéo Tử Quyên lại, vì
cho là nó đã làm điều gì có lỗi với Bảo Ngọc, nên bắt xin lỗi. Không ngờ Bảo Ngọc
nắm chặt lấy tay Tử Quyên không chịu buông, rồi nói:
Cô có đi thì mang cả tôi đi nữa!
Mọi người không hiểu, hỏi kỹ mới vỡ chuyện Tử Quyên nói
đùa Đại Ngọc sắp về Tô Châu. Giả mẫu nhỏ nước mắt nói:
Ta cứ tưởng có việc gì quan hệ kia, té ra là một câu nói
đùa. Lại mắng Tử Quyên: Con ranh này, ngày thường mày là đứa thông minh nhanh
nhẹn, mày vẫn biết nó sẵn có tính ngớ ngẩn, sao tự nhiên lại lừa nó làm gì?
Tiết phu nhân khuyên:
Cháu Bảo xưa nay là người thật thà, cô Lâm lại đến đây ở
từ lúc bé, hai người cùng ở với nhau đến tận bây giờ, so với người khác thì
thân mật hơn nhiều. Bây giờ đột nhiên lại nói dối là sắp đi, không cứ cháu là
người thực thà ngớ ngẩn, ngay người lớn kiên gan đến đâu cũng phải thương tâm.
Bệnh không quan hệ gì, cụ và dì cứ yên tâm, cho uống một vài thang thuốc là khỏi.
Lúc đó có người vào trình:
Vợ Lâm Chi Hiếu và vợ Lại Đại đến hỏi thăm. Giả mẫu nói:
Cảm ơn các bà có lòng nghĩ đến, mời các bà vào chơi. Bảo
Ngọc nghe nói đến chữ “Lâm”, liền kêu ầm lên:
Thôi hỏng rồi! Người nhà họ Lâm đã đến đón cô ấy về đấy,
đuổi ngay họ đi! Giả mẫu liền nói:
Đuổi ngay họ đi!
Lại dỗ dành Bảo Ngọc:
Đây không phải là người họ Lâm đâu, người họ Lâm chết hết
cả rồi, không có ai đến đón nó nữa, cháu cứ yên tâm.
Bảo Ngọc nói:
Dù ai cũng mặc! Trừ cô Lâm ra, không ai được gọi là họ
Lâm cả! Giả mẫu nói:
Chẳng có ai là họ Lâm đến đây, bao nhiêu người họ Lâm đều
đuổi đi cả rồi. Giả mẫu lại dặn mọi người:
Từ nay trở đi không được cho bà Lâm Chi Hiếu đến vườn
này. Chúng bay cũng không được nói đến chữ “Lâm”. Nghe rõ lời ta dặn chưa?
Mọi người vâng lời, không ai dám cười.
Một lúc, Bảo Ngọc trông thấy trên cái tủ thập cẩm bày một
cái thuyền bằng vàng của người nước ngoài đem đến, liền nói ầm lên:
Kia có phải là cái thuyền đến đón cô Lâm không? Thuyền đậu
ở đấy rồi!
Giả mẫu vội sai Tập Nhân lấy cái thuyền xuống. Bảo Ngọc
giơ tay đòi. Tập Nhân đưa đến. Bảo Ngọc giấu ngay vào trong chăn cười nói:
Thôi còn đi vào lối nào?
Vừa nói vừa nắm chặt lấy Tử Quyên không chịu buông ra. Một
lúc có người trình:
Thầy thuốc đã đến.
Giả mẫu vội sai mời vào. Vương phu nhân, Tiết phu nhân và
Bảo Thoa tạm lánh vào nhà trong. Giả mẫu ngồi cạnh Bảo Ngọc. Thầy thuốc họ
Vương vào, thấy nhiều người, vội đến chào Giả mẫu, rồi cầm tay Bảo Ngọc bắt mạch
một lúc. Tử Quyên đành phải cúi đầu xuống. Thầy thuốc họ Vương cũng không hiểu
ra sao, đứng dậy nói:
Cậu đây mắc bệnh “cấp thống mê tâm”. Cổ nhân thường đã
nói: “Có nhiều chứng đờm mê khác nhau: có người vì khí huyết suy yếu, ăn uống
không tiêu đâm mê, có người vì giận dỗi quá, đờm sộc lên đâm mê, có người bị
đau khổ quá đờm tắc lại”. Đây cũng là chứng đờm mê do đau khổ bất chợt, chỉ chốc
lát bị đờm tắc lại đấy thôi, nhẹ hơn các chứng đờm khác nhiều.
Ông hãy nói cho tôi biết bệnh cháu có đáng lo ngại hay
không, ai bảo ông đọc cả tràng sách thuốc ra?
Thầy thuốc họ Vương vội chắp tay cười nói:
Không đáng ngại, không đáng ngại.
Chắc không đáng ngại chứ?
Thực không đáng ngại, nếu có việc gì xin trách cứ ở tôi.
Quả vậy thì mời người ra ngồi chơi ngoài kia kê đơn. Chữa
khỏi ta sẽ sắp sửa đồ lễ, bắt cháu phải thân hành đến tạ, nếu có xảy ra việc
gì, ta sai người đến kéo đổ nhà thái y đấy.
Thầy thuốc họ Vương cứ cúi đầu cười nói:
Không dám ạ, không dám ạ.
Vì ông ta nghe thấy Giả mẫu nói: “Sẽ sắp đồ lễ sai Bảo Ngọc
đến tạ”, nên luôn miệng nói “không dám”, chưa nghe câu nói đùa là đến kéo đổ
nhà thái y, nên vẫn cứ “không dám” mãi, Giả mẫu cùng mọi người đều cười ầm lên.
Một lúc, uống thuốc vào, Bảo Ngọc đã yên tĩnh hơn trước,
nhưng vẫn không chịu buông Tử Quyên ra, cứ nói:
Nếu buông ra, thế nào cô ấy cũng về Tô Châu.
Giả mẫu và Vương phu nhân không biết làm thế nào, đành phải
cho Tử Quyên ở luôn đấy với Bảo Ngọc, rồi cho Hổ Phách đến hầu Đại Ngọc. Đại Ngọc
lại thường cho Tuyết Nhạn đến thăm hỏi. Đến chiều, Bảo Ngọc đã đỡ, Giả mẫu và
Vương phu nhân mới về nhà, nhưng một đêm sai người hỏi thăm đến mấy lần. Già Lý
dẫn già Tống cùng mấy già khác đến trông nom cẩn thận. Tử Quyên, Tập Nhân và
Tình Văn ngày đêm ở liền bên cạnh. Lúc nào Bảo Ngọc ngủ thì lại mơ mộng giật
mình kinh hoảng, hết khóc Đại Ngọc đã đi, lại khóc có người đến đón. Những lúc ấy,
Tử Quyên lại phải an ủi mới yên.
Giả mẫu lại sai lấy các thứ thuốc quí bí truyền như: “khư
tà thủ linh đơn” và “khai khiếu thông thần tán” cho uống, hôm sau lại uống thuốc
của thầy thuốc họ Vương, bệnh mới đỡ dần. Bảo Ngọc trong bụng đã tỉnh, nhưng vì
sợ Tử Quyên về mất, nên cố ý làm ra dáng điên dại. Tử Quyên từ hôm ấy rất là hối
hận, nên ngày đêm vất vả cũng không dám oán trách gì. Tập Nhân bây giờ đã yên
lòng, cười bảo Tử Quyên:
Bệnh này do cô gây ra, thì cô phải đến chữa. Chẳng có ai
như cậu ngốc nhà ta “thấy gió cho là mưa”, nếu cứ mãi thế, chẳng biết rồi sẽ ra
làm sao!
Bấy giờ Tương Vân đã khỏi, ngày nào cũng đến thăm Bảo Ngọc,
thấy Bảo Ngọc đã tỉnh, liền diễn lại dáng dấp lúc mê cho Bảo Ngọc xem, làm Bảo
Ngọc gục đầu xuống gối cười.
Trước kia Bảo Ngọc không biết mình ngây dại như thế, nên
thấy người ta nói vẫn chưa tin. Lúc vắng người, Tử Quyên ngồi bên cạnh, Bảo Ngọc
nắm tay hỏi:
Sao chị lại nói dọa tôi thế?
Chẳng qua tôi nói đùa thôi, cậu lại cho là thật.
Chị nói có tình có lý, sao lại bảo là nói đùa?
Những câu ấy tôi đặt ra cả đấy. Họ Lâm thực chẳng còn ai,
còn chăng cũng chỉ là những người họ rất xa, mà không ở Tô Châu, đi tản mác ra
các tỉnh cả rồi. Có ai đến đón, cụ cũng chẳng cho cô ấy đi nào.
Dù cụ có cho cô ấy đi, tôi cũng chẳng nghe.
Thật không nghe chứ? Chỉ sợ nói mồm thế thôi. Bây giờ cậu
đã lớn, đã định nơi hỏi vợ rồi, vài năm nữa sẽ cưới, thì trong con mắt cậu còn
biết đến ai nữa?
Bảo Ngọc lại giật mình hỏi:
Ai hỏi vợ? Hỏi ai?
Kỳ trong năm tôi nghe thấy cụ nói định hỏi cô Cầm cho cậu;
nếu không thì sao lại thương cô ấy quá thế?
Ai cũng bảo tôi ngớ ngẩn, nhưng thực ra chị lại ngớ ngẩn
hơn tôi! Chẳng qua đó là câu nói đùa đấy thôi. Cô ấy đã nhận lời với nhà ông
hàn lâm họ Mai rồi. Nếu định hỏi cô ta thì tôi đâu lại còn đến nỗi thế này? Trước
kia tôi đã thề, đập cả hòn ngọc đi, chị chẳng ngăn tôi là gì? Tôi vừa ốm khỏi mấy
hôm nay, chị lại đến chọc tức tôi. Vừa nói Bảo Ngọc vừa nghiến răng nghiến lợi,
lại nói: Bây giờ tôi chỉ muốn chết ngay lập tức, moi hẳn ruột ra cho các chị
xem, còn cả da và xương đều hóa ra một đống gio, rồi lại hóa ra một đám khói, gặp
cơn gió to bay tan đi hết, thế là xong chuyện! Nói xong lại khóc.
Tử Quyên vội bịt mồm Bảo Ngọc lại, lau nước mắt cho cậu
ta, rồi cười nói:
Cậu đừng có nóng nảy. Vì tôi sốt ruột, nên mới thử cậu đấy
thôi. Bảo Ngọc lại lấy làm lạ hỏi:
Tại sao chị lại sốt ruột?
Cậu cũng biết tôi không phải là người nhà họ Lâm, tôi
cũng như chị Tập Nhân và chị Uyên Ương đấy thôi. Tôi tình cờ được sang ở với cô
Lâm, cô ấy đối với tôi rất tử tế, coi tôi hơn những người hầu mang từ Tô Châu đến
nhiều, chúng tôi không rời nhau một giờ một phút. Bây giờ cô ấy mà về thì tôi
cũng phải đi theo. Nhà tôi ở cả đây, tôi không đi thì phụ mối tình bấy lâu
chúng tôi ăn ở với nhau, mà ra đi thì phải bỏ cả gia đình. Vì thế tôi vẫn áy
náy, cố bịa đặt những câu nói ấy để hỏi cậu. Ngờ đâu cậu lại ngốc nghếch làm nhộn
lên như thế!
Thế ra chị lo về việc ấy, chị lại là người ngốc nốt! Từ
nay chị đừng lo nữa nhé! Tôi nói vắn tắt một câu cho chị nghe: sống chúng ta sống
chung một chỗ; chết thì chúng ta cùng hóa ra gio, ra khói một chỗ, chị nghĩ thế
nào?
Tử Quyên nghe nói, trong bụng đương đắn đo, chợt có người
vào trình:
Cậu Hoàn và anh Lan đến hỏi thăm. Bảo Ngọc nói:
Cứ ra bảo cảm ơn các cậu ấy. Ta vừa mới ngủ, không cần phải
vào nữa. Bà già vâng lời đi ra.
Tử Quyên cười nói:
Bây giờ cậu đã khỏi rồi, nên để tôi về trông nom cô bên
kia chứ?
Phải đấy, hôm qua tôi đã định cho chị về, nhưng lại quên
mất. Giờ tôi đã khỏi hẳn rồi, thôi chị về đi.
Tử Quyên nghe nói, liền sửa soạn chăn đệm và đồ trang sức.
Bảo Ngọc cười nói:
Hôm nọ tôi trông thấy trong hộp đồ trang sức của chị có
hai, ba cái gương, chị để lại cho tôi cái gương nhỏ hình hoa sen. Tôi sẽ để ở đầu
giường để soi lúc đi ngủ và đi đâu mang theo cho nhẹ.
Tử Quyên đành phải để cái gương lại, sai người mang đồ đi
trước, chào mọi người rồi về quán Tiêu Tương.
Mấy hôm thấy Bảo Ngọc như thế, Đại Ngọc đâm ra ốm thêm,
khóc luôn mấy lần. Nay thấy Tử Quyên về, hỏi ra mới biết Bảo Ngọc đã khỏi, Đại
Ngọc lại cho Hổ Phách về hầu Giả mẫu. Đêm khuya vắng người, Tử Quyên cởi
áo đi ngủ, thủ thỉ cười nói với Đại Ngọc:
Cậu Bảo thực tâm đấy, nghe thấy chúng ta sắp đi, đâm ra ốm
ngay.
Đại Ngọc không trả lời. Tử Quyên ngừng một lúc, rồi lại
nói một mình:
Động không bằng tĩnh78, kể ra ở đây đối với chúng ta cũng tử tế
đấy. Điều khác thì dễ, chứ cái việc từ bé đến lớn cùng ở với nhau một chỗ, cùng
biết tính nết nhau, mới thực là khó.
Đại Ngọc gắt:
Mấy hôm nay chị không biết mệt à, bây giờ không ngủ đi lại
còn nói lảm, nói nhảm gì thế?
Không phải tôi nói nhảm đâu, cũng là thực bụng vì cô đấy.
Tôi buồn cho cô đã mấy năm nay, không có cha mẹ, anh em, ai là người biết
thương mình? Gặp lúc này, cụ còn khỏe mạnh sáng suốt, cần phải lo việc lớn của
mình đi. Tục ngữ nói “Tuổi già nóng lạnh bất thường”. Nếu cụ có mệnh hệ nào,
lúc đó dù có xong việc, cũng sợ chậm trễ ngày giờ, khó được như ý muốn. Bọn
công tử vương tôn tuy nhiều, nhưng người nào mà chẳng năm thê bảy thiếp, nay
đông mai tây? Dù họ có lấy được một cô tiên, cũng chỉ độ dăm ba đêm rồi lại gạt
ra một nơi. Thậm chí nhiều người có mới nới cũ, trở mặt thù hận nữa. Nhà người
ta có người, có thế, thì không sao, chứ như cô đây, cụ sống ngày nào còn khá, cụ
mà chết đi thì mặc cho người ta hắt hủi thôi. Vì thế tôi bàn với cô, cần phải
lo liệu trước đi. Cô là người sáng suốt, chẳng lẽ không nghe câu tục ngữ: “Hàng
vạn lạng vàng dễ kiếm, một người tri kỷ khó tìm” hay sao?
Con này điên rồi! Sao mới đi có mấy ngày đã đổi hẳn tính
nết thế? Ngày mai ta phải trình cụ cho mày về, ta không dám dùng mày nữa.
Những câu tôi nói đều đúng cả, cốt nhắc cô để ý đấy thôi,
chứ có bảo cô đi làm bậy gì đâu. Sao lại phải trình cụ, tôi bị mắng thì cô được
lợi gì?
Nói xong liền đi ngủ.
Đại Ngọc ngoài miệng nói thế, nhưng trong bụng cũng có phần
thương cảm, chờ Tử Quyên đi ngủ rồi, liền khóc suốt đêm, đến sáng mới chợp mắt.
Hôm sau gượng dậy rửa mặt súc miệng ăn ít cháo yến sào. Rồi có Giả mẫu sang
thăm và dặn dò mấy câu.
Ngày sinh nhật Tiết phu nhân đã đến, từ Giả mẫu trở xuống,
ai cũng có lễ mừng; Đại Ngọc cũng đưa đến mừng hai thứ đồ thêu. Hôm ấy, Tiết
phu nhân sắp một ban hát nhỏ, mời Giả mẫu và Vương phu nhân đến dự. Chỉ có Bảo
Ngọc và Đại Ngọc là vắng thôi. Đến chiều tàn tiệc, Giả mẫu tiện đường đến thăm
hai người một lần nữa rồi mới về nhà.
Hôm sau, Tiết phu nhân lại bảo Tiết Khoa mời những người
làm công đến dự tiệc. Bận rộn đến ba, bốn ngày mới xong.
Tiết phu nhân trông thấy Hình Tụ Yên là người đoan trang
nhã nhặn, nhưng là con nhà thanh bạch, một cô gái áo vải quần thô, nên muốn hỏi
cho Tiết Bàn. Nhưng sợ Tiết Bàn là người lông bông, nhỡ lại làm khổ con gái nhà
người ta. Đương lúc ngần ngại, chợt nghĩ ngay đến Tiết Khoa, xem hai người này
giống như một đôi vợ chồng trời xe sẵn, liền bàn với Phượng Thư. Phượng Thư cười
nói:
Xưa nay cô còn lạ gì tính mẹ chồng tôi, việc này để tôi
liệu dần. Nhân lúc Giả mẫu đến thăm, Phượng Thư liền nói:
Cô cháu có một việc muốn nhờ bà, nhưng không tiện nói ra.
Việc gì?
Phượng Thư liền nói rõ câu chuyện muốn cầu hôn. Giả mẫu
cười nói:
Việc ấy rất tốt, có gì mà không tiện nói ra? Để ta sẽ nói
chuyện với mẹ chồng chị, thế nào mà chẳng bằng lòng.
Về nhà, cho người gọi Hình phu nhân đến, Giả mẫu tự nhận
đứng ra làm mối. Hình phu nhân nghĩ: họ Tiết là nhà dòng dõi, hiện nay giàu có.
Tiết Khoa kể ra cũng xinh trai, lại có Giả mẫu đứng ra làm mối. Được dịp liền
nhận lời ngay.
Giả mẫu mừng lắm, sai người mời Tiết phu nhân đến. Hai
người gặp nhau tất nhiên cũng có những câu đun đẩy. Hình phu nhân liền sai người
đi nói việc ấy với vợ chồng Hình Trung. Vợ chồng y đến ở đây cốt là nhờ vả Hình
phu nhân, thì làm gì mà chẳng bằng lòng, liền luôn miệng nói:
Việc ấy hay lắm. Giả mẫu cười bảo:
Ta vốn hay hứng việc, xong rồi chả biết tạ bà mối được
bao nhiêu? Tiết phu nhân cười nói:
Điều đó tất nhiên rồi, chỉ sợ tạ một vạn bạc, người cũng
không thèm nhận thôi. Nhưng có một việc, cụ đã đứng lên làm mối thì phải tìm một
vị chủ hôn mới được.
Giả mẫu cười:
Gì chẳng có, chứ hạng què chân cụt tay thì nhà chúng ta
cũng có vài mống.
Rồi sai người gọi mẹ con Vưu thị đến. Giả mẫu nói rõ việc
ấy cho họ nghe, hai người đều vội vàng ngỏ lời mừng. Giả mẫu dặn:
Khuôn phép nhà ta chị đã biết đấy, xưa nay hai nhà thông
gia không hề so đọ về lễ cưới lễ xin. Bây giờ chị đứng ra lo liệu hộ ta, không
nên dè sẻn quá, cũng không nên hoang phí quá, thu xếp việc hai nhà cho xong rồi
trình ta biết.
Vưu thị vội vâng lời. Tiết phu nhân mừng lắm, về nhà bảo
viết thiếp mời, đưa sang phủ Ninh. Vưu thị xưa nay vẫn biết tính nết Hình phu
nhân, định không muốn nhận việc ấy, nhưng vì Giả mẫu phó thác nên phải vâng lời,
đành cứ lựa theo ý Hình Phu nhân mà làm. Còn Tiết phu nhân là người thế nào
cũng xong, nên cũng dễ nói.
Việc Tiết phu nhân hỏi Hình Tụ Yên làm nàng dâu, trong phủ
ai cũng biết cả. Hình phu nhân muốn đón Hình Tụ Yên ra ngoài ở.
Giả mẫu nói:
Điều đó có ngại gì. Hai đứa chúng nó có giáp mặt nhau
đâu. Vả lại ngoài bà dì ra chỉ có một cô chị chồng, một cô em chồng, thì có can
gì? Chúng nó là con gái cả, cũng nên cho chúng nó gần gũi nhau.
Hình phu nhân nghe vậy mới thôi.
Tiết Khoa và Tụ Yên trước kia có lần gặp nhau ở giữa đường,
đại để hai bên đều bằng lòng nhau. Song Tụ Yên giữ kẽ, không muốn lui tới chuyện
trò với chị em Bảo Thoa, hơn nữa Tương Vân hay chế giễu, nên càng giữ ý. Có điều
Tụ Yên là người đọc sách hiểu lễ, dù là phận gái cũng không tỏ ra giả hổ giả thẹn,
làm bộ làm dạng như ai. Bảo Thoa từ ngày gặp Tụ Yên, nghĩ đến cảnh nhà cô ta
túng thiếu, bố mẹ người ta thì tuổi cao đức cả, bố mẹ cô ta chỉ rượu bét nhè,
chẳng chăm nom gì con cái. Hình phu nhân đối với cô ta chẳng qua tình nghĩa bề
ngoài, không phải thực bụng thương yêu. Vả lại, Tụ Yên ở chung với Nghênh Xuân,
một người thì ý tứ đứng đắn, một người thì có xác không hồn, tự mình không
trông nom chu tất nổi mình, còn trông nom người khác sao được. Vì vậy những đồ
dùng hàng ngày có khi thiếu thốn, không ai săn sóc tới, Tụ Yên cũng không hề hé
miệng nói với ai.
Bảo Thoa thường ngấm ngầm giúp đỡ, cũng không dám cho
Hình phu nhân biết, vì sợ sinh ra lắm chuyện. Bây giờ duyên may run rủi, không
ai ngờ hai nhà lại thành thông gia với nhau. Trong bụng Tụ Yên rất mến Bảo
Thoa, cũng mến cả Tiết Khoa, nên khi chuyện trò với nhau, Bảo Thoa thường gọi
ngay là em.
Một hôm, Bảo Thoa đến thăm Đại Ngọc, Tụ Yên cũng đến đó.
Hai người gặp nhau ở giữa đường, Bảo Thoa mỉm cười gọi Tụ Yên lại, rồi hai người
cùng đi đến sau vách đá. Bảo Thoa cười hỏi:
Trời rét như thế này, sao em lại không mặc áo kép?
Tụ Yên cúi đầu không trả lời. Bảo Thoa biết ngay là có
duyên cớ gì đây, liền cười hỏi:
Chắc là tiền lương tháng này em không lĩnh được chứ gì?
Chị Phượng kể cũng vô tâm thật.
Tụ Yên nói:
Chị ấy vẫn trả lương đúng ngày đấy! Nhưng vì cô em sai
người đến bảo: một tháng không tiêu hết hai lạng bạc đâu, phải bớt một lạng đưa
cho thày mẹ em, nếu cần cái gì, dùng của chị Hai cũng được. Chị thử nghĩ xem,
chị Hai là người thực thà không để ý việc gì cả. Những thứ em dùng chị ấy không
hề nói, nhưng bọn hầu có phải là hạng ít mồm đâu, người nào chả hay sinh chuyện.
Dù ở ngay nhà ấy, em thật không bao giờ dám sai bảo họ. Cứ độ dăm ba ngày em lại
phải bỏ ít tiền ra cho họ uống rượu, ăn quà sáng. Giờ lại bớt đi một lạng. Hôm
nọ em phải đưa giấu cái áo bông cho người mang đi cầm, lấy mấy quan tiền về
tiêu đấy.
Bảo Thoa thở dài:
Hiện giờ gia quyến nhà họ Mai còn ở cả chỗ làm quan, năm
sau mới về đây. Nếu họ ở đây thì em Cầm về nhà chồng, rồi sẽ bàn đến việc của
em ra khỏi chỗ này là yên chuyện. Nhưng bây giờ việc em Cầm chưa xong, chắc em
Khoa cũng không dám cưới vợ trước. Thật là một việc khó xử. Nếu để chậm vài năm
nữa, sợ em bị dãi dầu quá đâm ra ốm mất. Để chị bàn với mẹ chị xem. Số tiền một
lạng bạc em cứ đưa phăng cho họ, thế là yên chuyện. Sau này em đừng cho bọn kia
ăn uống nữa. Họ châm chọc gì mặc họ, em chẳng cần nghe, nói chán thì thôi. Nếu
em có thiếu thứ gì, cứ đến bảo chị, đừng có e lệ. Từ ngày em đến đây, chị em ta
vẫn tử tế với nhau, chứ có phải sau ngày dạm hỏi nhau mới thế đâu. Nếu em sợ
người ngoài bàn tán, thì cứ khẽ sai a hoàn đến bảo chị là được.
Tụ Yên cúi đầu xin vâng.
Bảo Thoa lại trỏ viên ngọc đeo ở quần Tụ Yên hỏi:
Ai cho em đấy?
Chị Ba cho em đấy.
Chị ấy thấy ai cũng có, chỉ một mình em là không, sợ người
ta chê cười, nên mới đưa lại cho em. Đó là chị ấy thông minh chu tất đấy. Có điều
em phải biết rằng, những đồ trang sức này là của các cô tiểu thư ở các nhà quan
sang mới dùng. Em cứ nhìn chị xem, từ đầu đến chân, chị có những đồ trang sức lộng
lẫy ấy đâu. Trước đây bảy tám năm, chị cũng có, nay kém trước nhiều. Vì thế cái
gì thấy bớt thì tự mình bớt đi. Sau này đem về nhà chồng, có lẽ còn hàng hòm những
đồ vô dụng. Chúng ta bây giờ không bì với họ được, phải theo nề nếp nhà mình.
Chị đã nói thế, em sẽ về tháo viên ngọc ra là hơn.
Em cũng đừng nên thế. Người ta cho mình không đeo họ sẽ
ngờ. Chị chẳng qua chợt nhắc đến thôi, sau này sẽ hay.
Tụ Yên xin vâng và hỏi:
Bây giờ chị đi đâu?
Chị đến quán Tiêu Tương đây. Em hãy về lấy cái phiếu cầm
đồ đưa cho a hoàn mang đến, chị sẽ chuộc hộ cho, rồi đến tối sẽ sai người đưa lại,
sớm tối phải mặc, nếu không thì bị gió lạnh không được đâu! Nhưng không biết em
đem cầm ở hiệu nào?
Đâu như hiệu Hằng Thư ở đường Cổ Lâu Tây ấy.
Thế ra lại vào nhà mình rồi! Nếu bọn làm công biết thì họ
sẽ bảo: người chưa đến mà quần áo đã đến trước.
Tụ Yên nghe vậy, biết ngay là hiệu của nhà Bảo Thoa,
không nói gì cả, đỏ mặt lên, cười rồi chạy đi.
Bảo Thoa đến quán Tiêu Tương gặp Tiết phu nhân cũng đến
thăm và đương ngồi nói chuyện với Đại Ngọc. Bảo Thoa cười nói:
Mẹ đến lúc nào? Con không biết.
Mấy hôm nay ta bận, không đến thăm cháu Bảo và cháu Đại
được. Hôm nay đến thì cả hai cháu đều đã khá rồi.
Đại Ngọc mời Bảo Thoa ngồi rồi nói:
Việc đời khó mà biết trước được. Cứ nói về việc dì và mợ
Cả tôi lại thành ra thông gia với nhau?
Tiết phu nhân nói:
Các cháu hãy còn bé, biết thế nào được? Người trước có
nói “Nhân duyên nghìn dặm xe vào một dây”. Ông Nguyệt Lão trông nom việc nhân
duyên, đã biên vào sổ trước, ngầm lấy một sợi dây tơ buộc chân hai người lại.
Đã hợp duyên nhau thì dù hai nhà cách sông cách biển, hoặc thù hằn với nhau thế
nào cũng có dịp thành vợ thành chồng.
Việc này thực không ai ngờ đến. Có khi bố mẹ đôi bên đều
bằng lòng, hoặc là luôn luôn ở gần nhau, tưởng thế nào cũng thành đôi thành lứa,
nhưng ông Nguyệt không xe dây, cũng không thể sum họp với nhau được. Ví như việc
hôn nhân của hai chị em cháu đây, bây giờ không biết ở gần trước mắt hay là ở tận
góc biển chân trời!
Bảo Thoa nói:
Mẹ động nói việc gì cũng kéo chúng con vào. Vừa nói vừa gục
vào lòng mẹ, cười nói:
Thôi chúng ta về đi. Đại Ngọc cười nói:
Xem kìa! Lớn như thế kia rồi, hễ vắng dì thì ra vẻ đạo mạo,
nhưng có dì, lại giở lối làm nũng.
Tiết phu nhân lấy tay xoa vào người Bảo Thoa, thở dài bảo
Đại Ngọc:
Chị cháu đây không khác gì chị Phượng ở bên cụ, hễ có việc
quan trọng là ta phải bàn với nó; lúc không có việc gì nó cũng làm cho ta vui
lên. Ta thấy nó như thế cũng khuây khỏa nỗi buồn rầu.
Đại Ngọc nhỏ nước mắt thở dài:
Chị ấy lại giở những trò ấy ra để trêu tức cháu là người
không có mẹ, cố ý nêu cái cảnh khổ của cháu ra.
Bảo Thoa cười nói:
Mẹ ơi, mẹ xem cô ấy quá quắt thế, lại bảo con hay làm
nũng. Tiết phu nhân nói:
Không trách được em nó đau xót là phải, cha mẹ mất cả,
không còn ai là người thân, nghĩ thật đáng thương.
Tiết phu nhân lại vỗ về Đại Ngọc, cười nói:
Cháu ơi, đừng khóc nữa. Cháu thấy ta thương chị cháu, đâm ra buồn rầu, nhưng không biết bụng ta càng thương cháu lắm đấy! Chị cháu tuy không còn cha, nhưng có mẹ, có anh thì cũng hơn cháu. Ta thường nói với chị cháu, bụng ta thương cháu lắm, nhưng không tiện tỏ ra bên ngoài, ở đây lắm người nhiều lời, người nói tốt thì ít, nói xấu thì nhiều. Họ có biết đâu cháu không có chỗ nương tựa, đáng để cho người ta thương; chẳng qua thấy cụ thương cháu, họ cũng hùa theo đó thôi.
Đại Ngọc trước còn ngồi ngây ra nghe, sau thấy nói đến mình, liền đỏ mặt, kéo Bảo Thoa cười nói:
Tôi chỉ đánh chị thôi! Tại sao chị khêu chuyện để dì nói như thế?
Đại Ngọc cười nói:
Dì đã nói thế, ngày mai cháu xin nhận dì làm mẹ. Nếu dì
không nhận, thì chỉ là dì thương miệng thương môi thôi.
Không chê thì cháu cứ nhận. Bảo Thoa vội vàng nói:
Không nhận được đâu. Đại Ngọc nói:
Tại sao không nhận được?
Tôi hãy hỏi cô, tại sao anh tôi chưa lấy vợ mà lại hỏi em
Hình cho em tôi trước? Thế là vì lẽ gì?
Anh ấy đi vắng, hay là ngày giờ không hợp, vì thế hỏi cho
em trước.
Không phải thế đâu. Anh tôi đã nhắm một chỗ rồi, chỉ chờ
khi nào về thì lo đấy thôi, nhưng cũng không cần nói tên người ấy ra. Tôi bảo
cô không nhận là mẹ được. Cô thử nghĩ xem.
Nói xong Bảo Thoa nháy mắt nhìn mẹ mà cười.
Đại Ngọc nghe thấy nói thế, liền gục đầu vào người Tiết
phu nhân nói:
Nếu dì không đánh chị ấy, cháu không chịu đâu! Tiết phu
nhân ôm Đại Ngọc cười nói:
Cháu đừng nghe lời chị cháu, nó nói đùa đấy thôi. Bảo
Thoa cười nói:
Ngày mai mẹ cứ đến nói với cụ, xin cô ấy làm dâu, chẳng
hơn đi tìm người ngoài à?
Đại Ngọc xông lên định túm lấy, Bảo Thoa cười nói:
Mày điên à?
Tiết phu nhân vội cười ngăn lại, lấy tay gạt hai người
ra. Bà ta lại bảo Bảo Thoa:
Ngay cô Hình ta cũng còn sợ bị anh con giày vò, vì thế phải
hỏi cho em con, huống chi cháu Lâm, ta không khi nào lại hỏi cho anh con đâu.
Trước kia cụ định hỏi em con cho Bảo Ngọc, nhưng vì nó đã có người hỏi; nếu
không thì cũng vừa đôi phải lứa đấy. Hôm nọ ta hỏi cô Hình cho em con, cụ còn
nói đùa: “Ta định hỏi người nhà bên ấy, chưa hỏi được, ngờ đâu lại bị bên ấy
sang hỏi một người nhà ta”. Tuy là câu nói đùa, nhưng nghĩ kỹ ra cũng có ý đấy.
Bảo Cầm đã có nơi, ta không còn người nào gả cho bên ấy nữa. Nhưng chẳng lẽ
không giúp được một câu nói hay sao? Ta xem Bảo Ngọc cũng xinh xắn, cụ lại
thương nó, nếu tìm người ngoài, chắc cụ không bằng lòng, chi bằng hỏi em Lâm
cho nó, như thế chẳng được vẹn toàn mọi mặt hay sao?
Đại Ngọc trước còn ngồi ngây ra nghe, sau thấy nói đến
mình, liền đỏ mặt, kéo Bảo Thoa cười nói:
Tôi chỉ đánh chị thôi! Tại sao chị khêu chuyện để dì nói
như thế?
Lạ thật! Mẹ tôi nói cô, việc gì cô lại đánh tôi? Tử Quyên
vội chạy lại cười nói:
Dì đã có ý định như thế, sao không đến nói với cụ? Tiết
phu nhân cười nói:
Con bé này vội cái gì thế! Chắc là mày muốn cô mày đi lấy
chồng, để mày cũng đi kiếm một anh chồng nhỏ chứ gì?
Tử Quyên đỏ mặt cười nói: Dì già, nói lẫn rồi!
Đại Ngọc trước còn mắng:
Việc gì đến con ranh con này! Sau thấy thế cũng cười nói:
A Di Đà Phật! Đáng! Đáng! Đáng! Cũng bị trát gio vào mặt rồi đấy!
Mẹ con Tiết phu nhân và các bà già, a hoàn đều cười ầm
lên và nói:
Dì tuy nói đùa, nhưng không sai mấy. Lúc nào rỗi, dì đến
bàn với cụ xem, rồi dì làm mối cho đôi bên nên vợ nên chồng, thật là ổn thỏa mọi
đường.
Tiết phu nhân nói:
Ta mà nói ra, nhất định cụ sẽ vui mừng.
Chợt Tương Vân đi vào, tay mang một phiếu cầm đồ, cười
nói:
Mảnh giấy nợ gì đây?
Đại Ngọc nhìn không biết là cái gì. Bọn bà già đứng đấy đều
cười nói:
Cái này hay lắm! Phải mất gì chúng tôi mới bảo cho!
Bảo Thoa vội cầm lấy xem, thì chính là cái phiếu cầm đồ của
Tụ Yên vừa nói lúc nãy, liền gấp ngay lại.
Tiết phu nhân nói:
Bà già nào đánh rơi cái giấy cầm đồ thì phải, tìm trả
ngay cho họ, chắc rồi họ lại tìm cuống lên thôi. Cháu nhặt được ở chỗ nào đấy?
Tương Vân hỏi: Thế nào là giấy cầm đồ? Bọn bà già cười
nói:
Cô này thật là ngớ ngẩn, đến tờ giấy cầm đồ cũng không biết!
Tiết phu nhân thở dài:
Không trách được nó là tiểu thư ngàn vàng còn trẻ tuổi,
thì làm gì biết được cái này? Nó có trông thấy cái này bao giờ đâu? Dù người
trong nhà có, nó cũng chẳng được trông thấy. Đừng cười nó, tất cả các cô ở đây,
xem ai cũng thành ngớ ngẩn cả.
Bọn bà già đều cười nói:
Vừa rồi cô Lâm cũng chẳng nhận ra được. Không nói các cô
làm gì, ngay đến cậu Bảo hay đi ra ngoài cũng chưa chắc đã trông thấy cái này.
Tiết phu nhân kể rõ đầu đuôi cho họ nghe. Tương Vân và Đại
Ngọc cười nói:
Hạng người này thật chỉ nghĩ cách kiếm tiền thôi. Hiệu cầm
đồ của dì có cái này không?
Mọi người cười nói:
Câu hỏi ngớ ngẩn nhỉ! Trên đời này “Quạ nào lại chẳng đen
đầu”, làm gì có hai giống quạ?
Tiết phu nhân lại hỏi: Cháu nhặt được ở đâu đấy? Tương
Vân đương muốn nói, thì Bảo Thoa nói lấp đi:
Đó là phiếu cầm quá hạn, đã xóa sổ từ bao giờ rồi. Hương
Lăng nhặt lấy mang về lừa cho họ chơi đấy thôi.
Tiết phu nhân nghe thấy thế cho là thật, nên không hỏi nữa.
Một lúc sau có người vào trình:
Mợ Cả ở phủ bên kia đến mời dì sang nói chuyện.
Tiết phu nhân đứng dậy đi. Bấy giờ trong nhà không có ai,
Bảo Thoa mới hỏi Tương Vân:
Nhặt được ở đâu thế?
Con Triện Nhi, a hoàn của em dâu chị, lẻn đưa cái giấy ấy
cho Oanh Nhi. Oanh Nhi gấp vào trong sách, tưởng là tôi không trông thấy. Chờ họ
đi rồi, tôi giở ra xem, không biết là cái gì, thấy các chị ở đây, nên cầm đến để
cho xem.
Đại Ngọc liền hỏi: Không lẽ cô ấy cũng phải cầm quần áo
à? Đã cầm rồi sao lại còn đưa giấy cho chị?
Bảo Thoa thấy hỏi thế, không tiện giấu, kể lại việc vừa rồi
cho hai người nghe. Đại Ngọc nghe nói, “cùng chung cảnh ngộ, thỏ chết cáo
thương”, cũng thở than thương cảm. Tương Vân tức quá nói:
Để tôi đi hỏi chị Hai xem! Tôi sẽ mắng cho bọn bà già và
a hoàn một trận để các chị hả giận, có đươc không?
Tương Vân định chạy đi ngay. Bảo Thoa kéo lại cười nói:
Cô lại điên rồi, hãy ngồi xuống đây đã nào!
Đại Ngọc cười nói:
Nếu là con trai, có lẽ cô sẽ sẵn sàng dẹp hẳn những nỗi bất
bình; cô lại định đóng vai Kinh Kha, Nhiếp Chính79 đó phải
không? Thật đáng buồn cười!
Tương Vân nói:
Đã không cho tôi đến hỏi chị Hai, thì ngày mai sẽ đón cô
Hình đến ở với chúng ta có hơn không?
Bảo Thoa cười nói: Để ngày mai bàn xem đã. Ngay lúc đó có
người vào trình:
Cô Ba và cô Tư đến chơi.
Ba người nghe nói liền im hẳn, không nhắc đến chuyện ấy nữa.
Chú thích.
[←78]
Ý
nói đi không bằng ở lại.
[←79]
Kinh Kha và Nhiếp Chính:
hai người nghĩa hiệp đời Chiến Quốc. Kinh Kha nhận lời với con vua nước Yên, đến
giết Tần Vương, không trúng, bị quân Tần giết chết. Nhiếp Chính nhận lời với
Nghiêm Trọng Tử, giết vua Hàn Ai Hầu và Hiệp Lũy rồi cắt mũi khoét mặt tự tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét