Thứ Bảy, 9 tháng 9, 2023

HỒI 26. Người chồng trở về

 

Tranh Đới Đôn Bang

HỒI 26.

Người chồng trở về

Tiết hoa đăng đã qua, tiết thanh minh sắp tới, Tây Môn Khánh được bọn Ứng Bá Tước, Tôn Thiên Hóa rủ đi chơi. Trước đó Nguyệt nương đã cho dựng một cây đu tại hoa viên để những lúc Tây Môn Khánh không có nhà thì cùng đám tiểu thiếp ra đu chơi nhân tiết xuân ấm áp. Hôm đó Tây Môn Khánh đi khỏi nhà thì Nguyệt nương cùng đám tiểu thiếp kéo nhau ra hoa viên. Nguyệt nương và Ngọc Lâu lên đu một hồi rồi bảo Kiều Nhi và Kim Liên lên đu. Kiều Nhi từ chối, nói là trong người không khỏe. Nguyệt nương lại bảo Bình Nhi và Kim Liên lên đu. Ngọc Lâu bảo:

– Để tôi cùng lên cho vui.

Ba người leo lên cây đu. Nguyệt nương sai Xuân Mai và Huệ Liên đẩy vài cái cho có đà. Kim Liên vui thích cười khanh khách. Nguyệt nương bảo:

– Đừng cười vội, lát nữa đu bổng chóng mặt, chưa biết rơi vào nơi nào, lúc đó tha hồ mà cười.

Kim Liên vẫn cười mà nhún nhảy lấy đà. Không ngờ miếng gỗ dưới chân quá trơn, Kim Liên lại đi giầy cao, nên trượt chân ngã xuống, may là còn nắm chắc được cái dây. Mọi người hoảng hốt kìm đu lại.

Ngọc Lâu bảo:

– May quá, chưa việc gì.

Nguyệt nương bảo:

– Tôi đã nói mà, cười là không được. Phàm đánh đu không bao giờ được cười, cười thì chân mình nó mềm đi rất dễ trượt chân. Hồi tôi còn con gái ở nhà, vườn bên cạnh của Chu đại quan cũng có một cây đu như thế này, hôm đó vào tiết tháng ba. Chu tiểu thư rủ tôi cùng vài người bạn gái tới đu chơi. Chu tiểu thư bước lên cây đu cũng cười khanh khách, rồi trượt chân ngã ngồi xuống thanh gỗ dưới chân, hai chân xoạc ra hai bên. Về sau Chu tiểu thư lấy chồng, bị chồng chê là không còn con gái nữa, rồi trở về nhà cha mẹ. Đấy đánh đu mà cười nguy hiểm như thế đó. Cho nên từ nay về sau có đánh đu thì kỵ nhất là cười vậy.

Kim Liên gật đầu rồi nói:

– Hồi nãy tại Tam nương đó, bây giờ để tôi và Lục nương đu thôi.

Nguyệt nương bảo:

– Được rồi, lần này thì nhớ cẩn thận, để bảo Xuân Mai và Ngọc Tiêu nó đẩy cho.

Hai người đang đánh đu thì Trần Kính Tế từ ngoài vào cười bảo:

– Đánh đu vui vẻ quá nhỉ.

Nguyệt nương bảo:

– Hiền tế đến thật đúng lúc. Mấy đứa a hoàn nó yếu sức lắm, hiền tế lại đẩy cho hai nương nương đi.

Kính Tế ngần ngừ một lát rồi bảo:

– Được rồi, để tôi đẩy cho.

Nói xong cởi áo ngoài, bước tới cây đu, kéo nhẹ ống quần Kim Liên mà bảo:

– Nương nương đứng cho vững, tôi đẩy nhé.

Đoạn lấy hết sức mà đẩy, chỉ chốc lát là bàn đu bay bổng lên, Bình Nhị sợ quá kêu lên:

– Cao quá rồi, đừng đẩy nữa, tôi sợ lắm.


Kính Tế đứng dưới ngửa mặt lên, những ống quần rộng của Bình Nhi và Kim Liên bay phấp phới, để lộ những bắp chân trắng nõn, Kính Tế nhìn một chút rồi bảo:

– Đừng sợ, đừng hoảng hốt, khuỵu chân xuống bây giờ, để tôi hãm bớt lại.

Bình Nhi kêu lên:

– Chân tôi muốn sụm rồi đây này.

Kính Tế bảo:

– Làm gì mà cuống lên vậy.

Nói xong hãm dây đu lại. Kim Liên và Bình Nhi bước xuống sửa lại xiêm y. Ngọc Tiêu và Huệ Liên bước lên cây đu. Huệ Liên hai tay nắm chắc dây đu hai chân nhịp nhàng nhún theo nhịp đu. Bàn đu bổng dần, bổng dần, cao tít. Xiêm y, dây lưng bay phần phật, trông chẳng khác nào nàng tiên bay lượn trên không. Nguyệt nương ngắm một lúc rồi bảo mọi người:

– Đó như nó mới là biết đánh đu.

Mọi người thay phiên nhau đánh đu, cuộc giải trí vô cùng vui vẻ.

Lại nói về Lai Vượng sau khi tới Hàng Châu, gặp Viên Chức Tạo, lo mua vải lụa, may đủ các loại quần áo, đóng vào rương rồi mướn thuyền chở về Thanh Hà. Tới nơi, Lai Vượng về ngay nhà, vào trong chẳng thấy ai, chỉ thấy Tuyết Nga đang chỉ huy đám a hoàn làm bếp. Lai Vượng bèn vái chào. Tuyết Nga mỉm cười:

– Ngươi đã về đấy à? Bấy lâu đường trường gian khổ, thật tội nghiệp.

Lai Vượng hỏi:

– Chẳng hay gia gia và Đại nương đâu?

Tuyết Nga đáp:

– Gia gia thì Ứng nhị gia mời đi rồi, còn Đại nương và các nương nương thì đang đánh đu trong hoa viên.

Nói xong sai a hoàn rót một chung trà nóng mời Lai Vượng rồi hỏi:

– Ngươi đã ăn uống gì chưa?

Lai Vượng tiếp lấy chung trà đáp:

– Tôi cũng chưa cần ăn uống gì, chỉ vào chào nương nương rồi đi tắm cho khỏe. À, vợ tôi đâu sao không thấy giúp nương nương làm bếp?

Tuyết Nga cười nhạt:

– Vợ ngươi bây giờ không như lúc trước đâu. Bây giờ vợ ngươi hàng ngày chỉ cùng các nương nương đánh cờ đánh bài đánh đu hoặc uống rượu vui chơi chứ đâu còn đầu tắt mặt tối trong bếp như trước nữa.

Lúc đó Tiểu Ngọc đã ra hoa viên báo cho Nguyệt nương biết. Nguyệt nương trở về phòng, Lai Vượng hay tin bèn tới lạy chào. Nguyệt nương hỏi qua công việc và chuyện đi đường, rồi sai rót rượu thưởng. Huệ Liên cũng vào, đứng hầu bên cạnh. Lai Vượng uống rượu xong, Nguyệt nương bảo:

– Thôi, ngươi mệt nhọc cần phải nghỉ ngơi, bây giờ tắm rửa cho khỏe rồi cứ nằm trong phòng mà nghỉ ngơi, chừng nào gia gia về hãy hay.

Lai Vượng vái chào, lui về phòng riêng. Huệ Liên đi theo mở cửa phòng lấy nước cho chồng tắm rửa. Sau đó xếp dọn hành lý quần áo cho chồng. Lai Vượng tắm xong cởi trần bước ra. Huệ Liên bảo:

– Đi ít lâu ăn gì mà mập ra vậy.

Đoạn xuống dọn cơm, hai vợ chồng cùng ăn. Ăn xong Lai Vượng ngủ một giấc, lúc thức dậy thì trời đã chiều. Lát sau Tây Môn Khánh về nhà. Lai Vượng lên lạy chào rồi nói:

– Các loại quần áo đều đã may xong, và đúng như lời gia gia dặn, hiện đóng thành bốn rương dùng thuyền chở về.

Tây Môn Khánh vui vẻ lắm, thưởng cho năm lạng bạc, Lai Vượng trở về phòng, soạn đồ đạc mua riêng để tặng Tuyết Nga gồm các thứ vải lụa quý, các thứ son phấn sản xuất tại Hàng Châu. Lai Vượng mang quà tới phòng Tuyết Nga mà tặng. Tuyết Nga hết lời cảm ơn, rồi nói hết cho Lai Vượng nghe về chuyện Huệ Liên ở nhà, đoạn nói thêm:

– Nhờ a hoàn Ngọc Tiêu làm liên lạc, có Ngũ nương dung dưỡng, bây giờ vợ ngươi không thiếu gì quần áo giày dép, đồ nữ trang và tiền bạc. Vợ ngươi thường sai gia nhân mua quà ăn, lại cho cả các gia nhân đó ăn, mỗi ngày tiêu phí cả hai ba tiền.

Lai Vượng bảo:

– Hèn gì hồi nãy tôi thấy trong rương của nó toàn xiêm y tốt và rất nhiều đồ nữ trang, tôi có hỏi thì nó nói là Đại nương cho nó.

Tuyết Nga cười khẩy:

– Đại nương nào mà sẵn của cho nó, gia gia cho nó chứ ai.

Lai Vượng cám ơn rồi lui ra. Tối hôm đó, sau khi uống vài chung rượu, Lai Vượng mở rương của vợ ra, thấy nhiều lụa quý và nữ trang, bèn rũ tung ra rồi hỏi:

– Những thứ này ở đâu vậy? Ai cho nàng, nàng phải nói thật ra.

Huệ Liên cười giả lả:

– Từ hồi được lên hầu hạ Đại nương, Đại nương thấy tôi không có quần áo nên mới cho tôi đó. Chứ còn ai mà chịu cho tôi bây giờ.

Lai Vượng trợn mắt quát:

– Con dâm phụ giờ này còn dám nói dối hay sao? Đại nương nào cho mày, Đại nương cũng cho mày cả những đồ trang sức này nữa hay sao?

Huệ Liên cãi:

– Bộ tất cả những thứ này chỉ do một Đại nương cho tôi hay sao? Bộ tôi không còn bà con thân thích gì nữa hay sao? Mấy thứ đó là do bà dì tôi cho tôi đó.

Huệ Liên vừa dứt lời thì Lai Vượng sấn tới giáng cho một đấm mà bảo:

– Bà dì bà cô nào, chỉ có con Ngọc Tiêu nó đem lụa cho mày mà thôi, nó là dì mày phải không? Này, có người đã nói hết chuyện với tao rồi, đừng hòng chối cãi gì nữa.

Huệ Liên ăn đòn đau điếng, bèn bù lu bù loa:

– Đồ vũ phu, đồ khốn nạn, vừa mới về tới nhà đã kiếm chuyện đánh tao, tao làm nên tội tình gì mà nghe lời những quân khốn nạn ở ngoài bịa đặt, ăn không nói có, rồi không hỏi không han, đánh chửi tao thế này? Rồi người ngoài bảo mày giết ai, mày cũng nhắm mắt mà giết hay sao? Tao có phải là hạng người để cho chúng nó coi thường đâu.

Lai Vượng hầm hầm không nói gì. Huệ Liên dịu giọng:

– Còn xấp lụa hoa kia thì tôi đã có nói cho anh biết rồi chứ có phải không đâu. Anh có nhớ là hồi tháng mười một năm ngoái, tôi không có quần, phải mượn quần của Ngọc Tiêu mặc hay không. Đại nương thấy tôi quần áo thiếu thốn mới sai Ngọc Tiêu đem cho tôi để tôi may mặc. Vậy mà anh quên, anh bày đặt chuyện để hành hạ tôi, để tôi thưa với gia gia xem gia gia xử anh ra sao.

Lai Vượng bảo:

– Được rồi, chuyện của nàng cứ để đó, bây giờ dọn giường cho tôi ngủ.

Huệ Liên dọn giường màn chăn chiếu rồi leo lên tỉ tê cùng chồng. Lai Vượng nghe một lát thì bao nhiêu tức giận tan biến hết. Cho hay đàn bà ghê gớm đến thế là cùng, mà người đàn ông thì lúc nào cũng bị khuất phục bởi miệng lưỡi đàn bà. Sáng hôm sau Huệ Liên xuống nhà sau bảo Ngọc Tiêu:

– Không biết kẻ nào đã tiết lộ chuyện này khiến thằng khốn nhà tôi hôm qua nó làm ầm lên, mắng chửi tôi nữa chứ.

Ngọc Tiêu cũng thắc mắc lắm. Lát sau Nguyệt nương sai Ngọc Tiêu gọi Tuyết Nga tới nói chuyện, Ngọc Tiêu tìm không thấy nhưng chợt thấy Tuyết Nga từ trong phòng Lai Vượng đi ra, thì đoán là chính Tuyết Nga đã tiết lộ cho Lai Vượng về chuyện Huệ Liên, Tuyết Nga xuống bếp thì thấy Huệ Liên đang ngồi thái thịt. Hai người cùng im lặng. Trong khi đó Tây Môn Khánh đang tiếp chuyện Kiều Đại hộ ở phòng khách. Đại hộ tới để nói với Tây Môn Khánh, nhờ chạy với Thái Thái sư cho tên buôn muối Vương Tứ Phong, người của Dương Phủ, bị quan An phủ sứ tống giam. Kiều Đại hộ đưa hai ngàn lạng nhờ Tây Môn Khánh chạy giùm. Tây Môn Khánh cho gọi Lai Vượng lên để lo việc. Ngọc Tiêu để ý thấy Lai Vượng từ trong phòng bước ra, thì càng thêm chắc chắn là vừa rồi Tuyết Nga đã trò chuyện cùng Lai Vượng, bèn nói lại cho Kim Liên và Huệ Liên biết.

Một hôm, Lai Vượng uống rượu say, tụ họp mấy gia nhân lại mà mắng Tây Môn Khánh, rồi nói:

– Trong lúc tôi vắng nhà, Tây Môn Khánh đã sai Ngọc Tiêu dùng tiền bạc lụa là quyến rũ vợ tôi, lại hẹn vợ tôi ra sau hòn giả sơn trong hoa viên, rồi Phan Kim Liên lại đứng ra dung dưỡng. Tôi nói thật, tôi mà ra tay thì chỉ một lưỡi dao, giết con vợ khốn nạn của tôi, giết luôn cả con dâm phụ họ Phan, rồi thì muốn ra sao thì ra, đến chết là cùng. Tôi tưởng cũng chẳng cần nói ra, vì ai cũng biết rằng, khi con dâm phụ Kim Liên giết chồng là Võ Đại, em chồng là Võ Tòng kiện, thử hỏi nhờ ai lặn lội lên tận Đông Kinh chạy chọt để Võ Tòng phải chịu đày làm lính thú ở Mạnh Châu? Nhờ ai mà nó được yên lành như ngày nay? Vậy mà bây giờ nỡ lòng nào dẫn dụ vợ tôi như vậy. Thù này là tôi phải báo. Người ta thường nói, một vừa hai phải thì thôi chứ quá lắm thì không ai chịu nổi.


Đám gia nhân vì đều hiểu rõ chuyện từ lâu, nên không nói gì, vả lại Lai Vượng cũng đang say. Chỉ riêng có Lai Hưng là để bụng. Từ trước, Lai Hưng vẫn giữ chân mãi biện, chuyên lo mua thực phẩm cung cấp trong nhà, nhờ đó kiếm chác được ít nhiều. Nhưng từ khi Lai Vượng về nhà, Tây Môn Khánh vì tằng tịu với vợ Lai Vượng, muốn vuốt ve Lai Vượng, nên giao chân mãi biện của Lai Hưng lại cho Lai Vượng. Do đó Lai Hưng có ý thù ghét Lai Vượng. Nghe được những lời vừa rồi của Lai Vượng, Lai Hưng bèn ngầm tới để thuật lại cho Kim Liên. Lúc đó Kim Liên đang ngồi nói chuyện với Ngọc Lâu, thấy Lai Hưng vén mành thò đầu vào thì hỏi:

– Lai Hưng đấy hả? Có chuyện gì vậy? Gia gia hôm nay đến nhà ai uống rượu rồi?

Lai Hưng đáp:

– Hôm nay gia gia cùng Ứng nhị gia ra ngoại thành chơi. Còn tôi tới đây là có chuyện cần thưa với nương nương, nhưng nương nương đừng tiết lộ cho ai biết là tôi nói mới được.

Kim Liên hơi ngạc nhiên:

– Chuyện gì vậy? Cứ nói đi, không sao đâu.

Lai Hưng thưa:

– Chẳng hiểu Lai Vượng đi uống rượu ở đâu về, rồi ngồi ngay chỗ đông người chửi bới om sòm, sau đó lại còn mắng cả gia gia và nương nương nữa.

Kim Liên hỏi:

– Thằng chết đâm đó nó mắng ta những gì vậy?

Lai Hưng nói:

– Tam nương đây cũng không phải ai xa lạ nên tôi mới dám nói, Lai Vượng bảo là gia gia sai nó đi xa là để chiếm đoạt vợ nó. Nó lại bảo Ngũ nương dung dưỡng chuyện này, cho mượn phòng để gia gia và vợ nó gặp nhau. Nó dọa rằng sẽ dùng dao giết gia gia và nương nương. Nó còn nói lúc trước nương nương dùng độc dược giết chồng, nhờ nó lặn lội đi Đông Kinh chạy chọt nên nương nương mới yên lành như ngày nay, vậy mà nương nương lấy oán đền ơn, khuyến khích vợ nó vào đường nhơ nhuốc. Tôi là người ăn người ở, thấy vậy thì có bổn phận báo cho nương nương để nương nương đề phòng kẻ tiểu nhân ám hại.

Ngọc Lâu nghe xong kinh ngạc sững sờ, không nói được tiếng nào. Còn Kim Liên thì mặt mũi đỏ bừng nghiến răng bảo:

– Ta với thằng ôn dịch đó xưa không oán nay không thù, sao nó lại hạ nhục và đe dọa ta? Chủ nó lăng nhăng với vợ nó thì nó làm gì thì làm chứ sao lại nói động tới ta. Nó không biết ta là người thế nào hay sao mà bảo rằng phải nhờ nó cứu mạng.

Lại dặn Lai Hưng:

– Được rồi, ngươi cứ ra ngoài, gia gia có về thì ngươi cứ vậy mà nói.

Lai Hưng nói:

– Vâng, nếu gia gia có hỏi thì tôi sẽ thưa.

Nói xong lui ra, Ngọc Lâu hỏi:

– Có thật là gia gia lăng nhăng với vợ thằng Lai Vượng không?

Kim Liên đáp:

– Thì thật chứ sao không thật. Chủ nhà đã vô liêm sỉ lại gặp con đày tớ gớm ghê. Con đó trước là a hoàn của gia đình Thái Thông phán, sau đó bị đuổi ra rồi làm vợ Tương Thông, chồng chết rồi lấy Lai Vượng, nó cũng là hạng thập thành rồi. Về nhà này chẳng hiểu nó ra vào yểu điệu thế nào mà lão già nhà này lại sai Ngọc Tiêu đem cho nó xếp lụa để may quần áo. Rồi cái ngày mà Đại nương sang ăn tiệc bên nhà Kiều Đại hộ, chúng mình thì hợp nhau đánh cờ, lão già đi đâu về, tôi mới vào nhà trong, gặp Tiểu Ngọc đứng ở hành lang lắc đầu chỉ tay ra hoa viên. Tôi ra hoa viên thì gặp Ngọc Tiêu ngăn cản, bảo là gia gia đang ở sau ngọn giả sơn. Tôi nghi ngờ lắm, mắng Ngọc Tiêu rồi bước vòng ra sau ngọn giả sơn thì thấy lão già với con khốn nạn trong hốc đá. Con khốn thấy tôi thì lỉnh mất, còn lão già thì bị tôi mắng cho một trận. Sau đó thì con khốn tìm đến phòng tôi quỳ lạy van xin tôi đừng nói lại với Đại nương. Rồi lão già lại xin tôi cho mượn phòng để vui với con khốn, nhưng tôi và Xuân Mai đâu có chịu, thế là hai người mới vào trong ngôi đình ở hoa viên mà ở với nhau suốt một đêm. Rồi chuyện đó cứ tiếp tục cho tới nay.

Ngọc Lâu bảo:

– Con khốn đó trước mặt chúng mình thì quỵ lụy hầu hạ như thế mà bề trong lại gớm ghê. Nói cho cùng, gia gia việc gì phải chiếu cố đến thứ kẻ ăn người ở như vậy, tìm đâu chẳng có người đẹp. Làm vậy thì còn ra cái gì nữa, như vậy là đám gia nhân trong nhà này biết hết rồi còn gì.

Kim Liên bảo:

– Nói vậy đâu được, một đàng là gia gia thèm muốn nó vì nó cũng có nhan sắc chứ có phải không đâu, một đàng là nó cũng muốn trở thành bà chủ, hai đằng hợp lại thì ai mà ngăn nổi. Còn chuyện đó thì bây giờ ai không biết, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra nữa là.

Ngọc Lâu nói:

– Chuyện này bây giờ mình phải tính thế nào chứ thằng Lai Vượng đã nói như vậy, mình biết mà mình không dám nói ra, lỡ nó hạ độc thủ thì làm sao. Ngũ thư thư à, có lẽ mình phải nói mới được.

Kim Liên bảo:

– Chứ sao, trừ phi thằng nô tài khốn kiếp đó là cha tôi thì tôi mới tha cho nó.

Chiều hôm đó Tây Môn Khánh về nhà, tới phòng Kim Liên, thấy Kim Liên mặt hoa thiểu não tóc mây rối bời, hai mắt khóc tới đỏ lên, bèn hỏi căn nguyên. Kim Liên khóc lóc kể hết đầu đuôi về vụ Lai Vượng hồi sáng, rồi nói thêm:

– Hiện Lai Hưng đã nghe rõ ràng những lời đó. Xét cho kỹ, chàng mưu cướp vợ nó thì nó mưu giết chàng, cái đó là đúng rồi. Chàng hành động gian tà có chết cũng đáng đời, nhưng tôi có liên can gì mà nó cũng đòi giết cả tôi? Bây giờ chàng không sớm lo đề phòng rồi gặp lúc đêm hôm xuất kỳ bất ý nó hạ độc thủ thì sao?

Tây Môn Khánh hỏi:

– Ai đã nói cho thằng Lai Vượng biết chuyện này?

Kim Liên đáp:

– Đừng có hỏi tôi, cứ hỏi con Tiểu Ngọc thì rõ. Tôi không muốn nói gì nữa. Thằng khốn đó còn bảo là tôi dùng độc dược giết chồng, chàng là người bày mưu, không nhờ nó chạy chọt thì cả tôi và chàng đâu còn đến ngày nay. Nó đã nói đến như thế cho cả đám gia nhân nhà này biết, chàng tính sao thì tính.

Tây Môn Khánh bước ra, tìm Lai Hưng, dẫn vào thư phòng, đóng cửa lại mà hỏi rõ đầu đuôi. Lai Hưng kể không sót lời nào. Tây Môn Khánh cho Lai Hưng ra rồi gọi Tiểu Ngọc vào hỏi. Tiểu Ngọc cũng nói đúng như lời Kim Liên. Cho gọi Ngọc Tiêu vào, Ngọc Tiêu nói là chính mắt nhìn thấy Tuyết Nga vào phòng Lai Vượng kể chuyện cho Lai Vượng nghe. Tây Môn Khánh giận lắm, tới phòng Tuyết Nga, lột xiêm y ra đánh cho một trận thừa sống thiếu chết, may là có Nguyệt nương tới can. Tây Môn Khánh ra lệnh từ nay Tuyết Nga chỉ được ở dưới bếp, cấm lên nhà trên. Sau đó Tây Môn Khánh sai Ngọc Tiêu ngầm gọi Huệ Liên lên phòng riêng hỏi về thái độ Lai Vượng. Huệ Liên đáp:

– Chết, gia gia đừng nghe lời người khác. Lai Vượng quả là không có ý gì hết, tôi có thể thề giùm cho hắn như vậy. Chẳng qua là trong lúc rượu say nói bậy nói bạ mà thôi. Nhưng tôi xin hỏi gia gia là ai đã nói là Lai Vượng nhục mạ và đòi giết gia gia cùng Ngũ nương vậy?

Tây Môn Khánh im lặng không đáp, Huệ Liên nhất định gặng hỏi, mãi sau Tây Môn Khánh mới nói:

– Lai Hưng có thuật lại như vậy.

Huệ Liên cười khẩy:

– Tưởng ai, hóa ra thằng Lai Hưng, nó không được làm mãi biện trong nhà rồi bảo là Lai Vượng đã đoạt của nó, do đó mới sinh thù oán muốn hại Lai Vượng mà thôi. Nếu gia gia tin lời nó tức là đã bị nó lừa dối, nó còn khinh thường gia gia nữa. Thôi, gia gia nên cho nó mấy lạng bạc làm vốn rồi đuổi nó khỏi huyện này là yên, nó đi xa rồi thì gia gia và tôi mới có thể dễ dàng được.

Tây Môn Khánh im lặng suy nghĩ. Huệ Liên lại nói:

– Thôi, hay là tìm cách nào để Lai Vượng đi xa khỏi nơi này thì tốt hơn cả, tôi cũng chán nó lắm rồi.

Tây Môn Khánh vui mừng bảo:

– Ngươi nói vậy mới là đúng. Ta cũng có ý đó, nhưng sợ Lai Vượng mới vừa từ Hàng Châu về, chưa để cho nó nghỉ ngơi đã vội sai đi e không tiện. Thôi, nếu ngươi đã nói vậy, thì để ta sai nó đi Đông Kinh chạy chọt cho Vương Tứ Phong. Rồi khi nó trở về thì ta sẽ đưa cho nó một ngàn lạng, bảo nó đi Hàng Châu mà buôn bán vải lụa. Ngươi nghĩ thế nào?

Huệ Liên mừng rỡ bảo:

– Gia gia tính như vậy là nhất. À mà gia gia hứa cho tôi một cái trâm cài tóc thật đẹp đâu, sao mãi chẳng có gì cả, cứ để tôi phải dùng những thứ tầm thường này chán quá.

Tây Môn Khánh nói:

– Cứ yên trí, để mai lấy tám lạng bạc ra bảo thợ bạc nó làm cho thì xong ngay chứ gì?

Huệ Liên hài lòng lắm, liếc Tây Môn Khánh mà cười. Tây Môn Khánh chợt hỏi:

– Nhưng Đại nương hỏi thì sao?

Huệ Liên đáp:

– Không sao, Đại nương có hỏi thì tôi sẽ có cách trả lời, chẳng hạn tôi nói đó là của bà dì tôi mượn về cài ít ngày không được sao sợ gì mà sợ.

Hai người nói chuyện một lúc nữa rồi Huệ Liên trở ra nhà sau. Sáng hôm sau, Tây Môn Khánh cho gọi Lai Vượng lên phòng khách mà bảo:

– Ngươi thu dọn hành lý ngay để ngày mai là hai mươi tám tháng ba, lên Đông Kinh tới phủ Thái sư lo chuyện. Chừng nào ngươi về thì ta lại nhờ ngươi đi Hàng Châu mua bán.

Lai Vượng nghe xong, trong bụng mừng lắm, bèn vâng dạ rồi về phòng chuẩn bị hành lý ngay. Lai Hưng theo dõi tin tức xong, vội tới báo cho Kim Liên biết. Kim Liên bèn lên phòng khách để nói chuyện với Tây Môn Khánh nhưng chỉ thấy Kính Tế đang chuẩn bị các lễ vật để Lai Vương đem đi Đông Kinh, bèn hỏi:

– Gia gia đâu? Mà hiền tế đang làm gì đó?

Kính Tế đáp:

– Gia gia vừa mới ở đây, có lẽ mới vào nói chuyện với Đại nương về vụ Vương Tứ Phong nhờ chạy chọt. Còn những lễ vật này là để đem tới phủ Thái sư ở Đông Kinh.

Kim Liên lại hỏi:

– Gia gia sai ai đi Đông Kinh vậy?

Kính Tế đáp:

– Nghe đâu gia gia sai Lai Vượng đi thì phải.

Kim Liên hơi yên tâm, trở ra tới hoa viên thì gặp Tây Môn Khánh đang ôm mấy gói bạc, bèn gọi vào phòng mình mà hỏi:

– Ngày mai chàng sai đứa nào đi Đông Kinh vậy?

Tây Môn Khánh đáp:

– Lai Vượng cùng đi với Ngô Chủ quản, vì vụ này cần đem theo cả ngàn lạng bạc nên phải sai người đi.

Kim Liên bảo:

– Chàng tính sao thì tính, nhưng đừng nghe lời con nô tài dâm phụ, nó tính làm lợi cho thằng chồng nó đó. Thằng Lai Vượng rất có thể ôm bạc của chàng trốn đi nơi xa lập nghiệp, bỏ luôn cả vợ của nó lại đây cho mà xem. Nó chỉ cần bỏ trốn là trở thành người giàu có, trong tay cả ngàn lạng bạc chứ đâu phải ít. Tiền đó là của người ta nhờ chàng chạy việc, tiền mất thì chàng không đền người ta có được không? Theo tôi thì đừng nên sai nó là hơn. Để nó ở nhà thì không được, vì chàng còn muốn con vợ nó, mà sai đi buôn bán thì nó ôm vốn liếng của chàng mà đi luôn. Chi bằng đuổi nó ra khỏi nhà là hơn. Tôi nói vậy nghe hay không là tùy chàng. Người ta thường nói nhổ cỏ phải nhổ cả rễ, còn dùng thằng Lai Vượng tức là còn để cho nó bén rễ tại nhà này mà gây khó khăn. Chàng tính sao thì tính.

Tây Môn Khánh trầm ngâm không nói.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét