Nhà nhà thả hoa đăng dịp Tết Nguyên Tiêu, Anh Liên bị bắt cóc. Tranh Tôn Ôn đời nhà Thanh |
Hồi 2.
Giả
phu nhân tạ thế ở thành Dương Châu;
Lãnh
Tử Hưng kể chuyện trong phủ Vinh quốc.
Phong Túc nghe thấy tên công sai gọi, vội vàng chạy ra cười. Tên kia nói to: “Mời ngay ông Chân ra đây!”
Phong Túc cười nói:
Tôi họ Phong chứ không phải họ Chân;
chỉ có rể tôi là họ Chân, nhưng đã đi tu vài năm nay rồi. Có phải ông hỏi nó
không?
Tên công sai nói:
Chẳng biết anh là chân hay giả gì hết.
Tôi đã vâng lệnh quan đến đây hỏi anh, tôi cứ dẫn anh về hầu quan, khỏi phải đi
lại lôi thôi.
Chúng không cho Phong Túc nói, cứ dẫn
đi, cả nhà họ Phong sợ hãi không biết việc gì. Đến canh hai Phong Túc mới về
vui mừng hớn hở. Mọi người xúm lại hỏi. Phong Túc nói:
Quan mới này họ Giả tên Hóa, người Hồ
Châu, là bạn cũ của rể ta. Vừa đây đi qua cửa nhà ta, trông thấy con Kiều Hạnh
mua chỉ, quan đoán con rể ta dời đến ở đây, nên gọi lại hỏi. Ta kể rõ đầu đuôi,
quan thương cảm thở dài một lúc lâu, lại hỏi đến cháu ngoại ta, ta nói cháu đi
xem hội bị lạc mất. Quan nói: “Việc ấy không ngại, ta sẽ sai người đi dò xét
cho”. Nói chuyện một lúc, khi sắp về, quan lại cho hai lạng bạc.
Vợ Chân Sĩ Ẩn nghe vậy, càng động lòng
thương xót.
Sáng sớm hôm sau, Vũ Thôn sai người
mang hai gói bạc, bốn tấm gấm đến tạ ơn vợ họ Chân. Lại đưa một phong thư kín
cho Phong Túc, nhờ nói với vợ họ Chân xin cưới Kiều Hạnh làm vợ hai. Phong Túc
cười mừng hớn hở, chỉ sợ không được vừa lòng quan, nên trước mặt con gái hết sức
nói hùn vào. Rồi ngay đêm ấy Phong Túc thuê một chiếc kiệu nhỏ đưa Kiều
Hạnh vào dinh quan huyện. Vũ Thôn vui mừng lắm, đưa trăm lạng bạc tặng Phong
Túc, lại biếu vợ họ Chân nhiều lễ vật, khuyên cứ yên tâm, chờ sau này sẽ tìm
con gái giúp.
Nói đến Kiều Hạnh là người năm trước
đã ngoảnh lại nhìn Giả Vũ Thôn, chỉ vì một cái nhìn ngẫu nhiên mà thành ra một
đoạn kỳ duyên, đó là một việc không ngờ. May sao vận và mệnh đều tốt, về với Vũ
Thôn mới có một năm, Kiều Hạnh đã sinh được một con trai. Lại nữa năm sau, vợ cả
Vũ Thôn ốm chết, Vũ Thôn đưa nàng lên làm chính thất, đó là:
Ngẫu nhiên nhìn một cái,
Mà được ở trên người.
Nguyên năm trước Vũ Thôn được Sĩ Ẩn
giúp tiền, ngày mười sáu vào Kinh. Đến ngày thi không ngờ đỗ tiến sĩ, được bổ
làm tri phủ. Vũ Thôn tuy tài giỏi, nhưng tính tham tàn, lại cậy tài khinh nhờn
người trên, bọn đồng liêu đều ghét. Nhận chức chưa đầy hai năm, Vũ Thôn bị quan
trên lừa chỗ hớ, dâng sớ hặc hắn: “Vốn tính gian giảo, giả dạng lễ nghi, mượn
tiếng liêm chính, ngấm ngầm giao kết với lũ hồ lang, gây ra nhiều chuyện rắc rối
cho nhân dân không sao chịu nổi”. Vua giận cách chức. Vũ Thôn tuy trong lòng hổ
thẹn, nhưng ngoài mặt vẫn không có tí gì tỏ ra oán giận, vẫn vui vẻ như thường.
Sau khi bàn giao xong, Vũ Thôn nhặt nhạnh của cải, đưa gia quyến về quê rồi một
mình đi ngao du những nơi danh thắng. Một hôm ngẫu nhiên đến đất Duy Dương, Vũ
Thôn được biết quan Diêm Chính mới bổ đến năm nay là Lâm Như Hải.
Lâm Như Hải, họ Lâm, tên Hải, tên chữ
Như Hải, là người Cô Tô, đỗ Thám Hoa khoa trước, được thăng chức Lan đài tự đại
phu, nay bổ đến đây làm Tuần diêm ngự sử mới hơn tháng nay. Ông tổ nhà Lâm Như
Hải từng tập tước hầu, đến Như Hải là năm đời. Theo lệ tập tước thì chỉ có ba đời,
nhưng bố Như Hải được vua đặc cách ra ơn, cho tập tước thêm một đời nữa. Như Hải
thì do khoa cử xuất thân. Họ Lâm tuy là nhà chung đỉnh, nhưng cũng dòng dõi thi
thư. Chỉ tiếc họ hàng không thịnh vượng, con cháu hiếm hoi, tuy có mấy ngành
nhưng đều là họ xa, không phải anh em ruột thịt. Như Hải đã bốn mươi tuổi, có một
con trai lên ba, mới chết năm ngoái. Dẫu có nhiều vợ lẽ nàng hầu, nhưng số hiếm
hoi cũng chẳng làm thế nào được. Chỉ có vợ cả là họ Giả sinh được một con gái
tên gọi Đại Ngọc, mới lên năm. Vợ chồng nưng niu con như hòn ngọc trên tay. Thấy
con thông minh tuấn tú, Như Hải cho đi học như con trai, sớm tối đỡ hiu quạnh.
Nói về Giả Vũ Thôn ở nhà trọ bị cảm gần
một tháng trời mới khỏi. Vừa mệt vừa hết tiền, hắn định tìm một chỗ ở tạm nào hợp
với sức khỏe. Nhân gặp hai người bạn cũng ở nhà trọ, biết quan Diêm Chính muốn
đón thầy dạy con gái học, Vũ Thôn liền nhờ bạn tiến cử, tìm kế yên thân. May
sao ở đó chỉ có một cô học trò và hai a hoàn làm bạn học. Cô học trò này vừa bé
lại vừa yếu, thời giờ không hạn định nhiều ít, vì thế Vũ Thôn rỗi lắm.
Thấm thoắt đã hơn một tháng, không ngờ
mẹ cô học trò là Giả phu nhân ốm chết. Khi mẹ ốm thì cô hầu hạ thuốc thang, khi
mẹ mất thì cô giữ đủ mọi tang lễ. Vũ Thôn định thôi dạy đi tìm việc khác, nhưng
Như Hải muốn con cử tang vẫn đi học, nên cố giữ lại. Gần đây vì quá thương xót,
lại vốn người yếu sẵn, nên bệnh của cô lại phát, phải nghỉ học luôn, Vũ Thôn ngồi
rỗi, gặp những lúc trời chiều êm ả, ăn xong lại ra ngoài chơi.
Cái chết của Giả phu nhân (mẹ Lâm Đại Ngọc)
Một hôm, Vũ Thôn ra ngoài thành thưởng ngoạn phong cảnh thôn quê, vui chân đi đến một chỗ non nước quanh co, rừng trúc xanh tốt, lờ mờ thấy đằng xa có một tòa cổ miếu. Vũ Thôn đến đó thì thấy cửa ngõ xiêu vẹo, tường vách đổ nát, có biển đề Trí Thông Tụ. Cạnh cửa lại có đôi câu đối đã cũ nát:
Sau mình còn chỗ, không lùi bước,
Trước mắt cùng đường, muốn ngoảnh đầu
Vũ Thôn xem xong, nghĩ rằng: “Hai câu
này văn thì thường thôi, nhưng ý sâu sắc. Xưa nay ta đi chơi nhiều núi nhiều
chùa có tiếng, chưa từng thấy câu đối nào thế này. Chưa biết chừng trong đó có
vị tu hành đắc đạo cũng nên. Sao ta không vào hỏi xem?” Khi vào, thấy một vị sư
già lọm khọm đang nấu cháo, Vũ Thôn cũng không để ý đến. Lúc nói chuyện thấy vị
sư vừa lòa vừa điếc, răng rụng, lưỡi cứng, hỏi một đằng, trả lời một nẻo.
Vũ Thôn chán ngán, trở ra, muốn tìm một
hàng rượu uống mấy chén cho đỡ buồn. Hắn vừa bước vào cửa, thấy trong đám khách
có một người chạy ra cười và mời vào:
Lạ thật! Lạ thật! Sao lại gặp tiên
sinh ở đây?
Vũ Thôn vội nhìn, thì ra người này
buôn đồ cổ, họ Lãnh, tên Tử Hưng, đã quen nhau từ khi ở Kinh Đô. Vũ Thôn thì phục
Tử Hưng là tay có tài tháo vát, Tử Hưng thì muốn mượn tiếng Vũ Thôn là người
văn nho, vì thế hai người chơi thân với nhau.
Vũ Thôn vội hỏi:
Ông đến đây bao giờ? Tôi không biết,
ngẫu nhiên lại gặp thực là kỳ duyên! Tử Hưng đáp:
Tôi về nhà năm ngoái, nhân có việc vào
Kinh, tiện đường đến đây thăm một người bạn. Ông ta có lòng tốt, lưu tôi lại ở
chơi, tôi không có việc gì gấp, nên cũng ở lại ít ngày, độ nửa tháng nữa sẽ lên
đường. Hôm nay vì nhà ông bạn có việc, nên tôi ra đây chơi, định vào nghỉ chân,
không ngờ lại gặp tiên sinh!
Nói xong mời Giả Vũ Thôn ngồi. Tử Hưng
bảo dọn rượu, hai người uống rượu nói chuyện, kể lại những việc từ ngày xa
nhau. Vũ Thôn nhân hỏi:
Gần đây Kinh Đô có gì lạ không?
Cũng không có gì lạ, chỉ có nhà dòng họ
với tiên sinh có một chuyện hơi lạ. Vũ Thôn cười: Họ tôi không có ai ở Kinh Đô
cả, sao lại nói thế?
Tử Hưng cười: Cùng họ thôi, không phải
cùng ngành.
Nhà nào?
Như phủ Giả Vinh quốc có lẽ cũng không
làm mất thanh danh nhà tiên sinh!
Phủ Vinh quốc công à? Cứ kể ra, họ nhà
tôi cũng không ít người, từ Giả Phục đời Đông Hán đến giờ, chi phái rất đông, tỉnh
nào cũng có, không ai tra khảo hết được. Kể ra phủ Vinh thì có cùng họ với tôi
đấy, nhưng nhà ấy vinh hiển như thế, tôi không tiện nhận họ, nên ngày càng xa.
Tử Hưng thở dài:
Tiên sinh đừng nói thế. Hiện nay hai
nhà Vinh, Ninh đều suy sút cả, không còn thịnh vượng như trước nữa.
Hiện giờ hai nhà Ninh, Vinh người rất
nhiều, sao bảo là suy sút?
Chính thế, nói ra thì rất dài.
Năm ngoái tôi đến Kim Lăng, vì muốn
thăm di tích Lục Triều21. Khi tôi đến thành Thạch Đầu, có đi
qua hai nhà ấy. Con đường bắc lộ bên đông là phủ Ninh quốc, bên tây là phủ Vinh
quốc, hai nhà liền nhau, chiếm quá nửa phố. Ngoài cửa chính tuy vắng vẻ không
có người, nhưng nhìn qua tường, thấy trong đó điện đài lầu gác rất là nguy nga;
ngay cái vườn hoa đằng sau, cây cối núi non vẫn sầm uất tươi tốt, đâu phải là
nhà suy sút?
Tử Hưng cười nói:
Không ngờ tiên sinh đỗ tiến sĩ, mà lại
chẳng thông tí nào! Cổ nhân đã nói: “con sâu trăm chân, chết vẫn không ngã”.
Hai nhà này tuy không phồn thịnh bằng lúc trước, nhưng so với những nhà sĩ hoạn
bình thường vẫn còn khác xa. Hiện giờ người nhiều, công việc bề bộn. Thế mà từ
thầy đến tớ, chỉ biết hưởng thụ phú quý, không người nào lo tính công việc. Đến
nỗi hàng ngày phung phí cũng không biết tinh giảm; bề ngoài xem ra không thấy có
gì thay đổi, nhưng bề trong thực trống rỗng cả rồi. Đó là việc nhỏ, còn có việc
lớn nữa: một nhà phú quý dòng dõi thi thư như thế mà ai ngờ con cháu lại càng
ngày càng suy sút!
Vũ Thôn nói:
Những nhà thi lễ như thế, có lẽ nào lại
không biết dạy bảo con cháu? Nhà khác thì tôi không biết, chứ hai phủ Ninh, phủ
Vinh, xưa nay dạy con vẫn có khuôn phép lắm kia mà?
Tử Hưng thở dài:
Tôi sẽ nói cho tiên sinh biết. Trước
đây Ninh quốc công và Vinh quốc công là hai anh em ruột. Ninh công là trưởng, đẻ
hai con trai; khi Ninh công chết, con trai lớn là Giả Đại Hóa tập tước; Đại Hóa
đẻ được hai con: con lớn là Giả Phu, lên tám, chín tuổi thì chết; con thứ là Giả
Kính tập tước. Giả Kính một niềm mộ đạo, chỉ thích luyện đan, không để ý đến một
việc gì. May sớm đẻ được con trai là Giả Trân, vì bố thích đi tu tiên nên nhường
cho con tập tước. Ông ta không ở nhà, mà ra ở ngoài thành, sống chung lộn với bọn
đạo sĩ. Giả Trân đẻ được một con trai là Giả Dung, nay mới mười sáu tuổi. Bây
giờ Giả Trân thì không nhìn gì đến việc nhà, Giả Dung thì chẳng chịu học hành,
chỉ chơi bời cho thỏa thích, làm đảo lộn cả cơ nghiệp phủ Ninh, không ai dám
ngăn cản cả. Còn như phủ Vinh, vừa rồi tôi nói có việc lạ, tức là từ khi Vinh
công chết, con trưởng là Giả Đại Thiện tập tước, vợ Đại Thiện là họ Sử, con một
tước hầu ở Kim Lăng, đẻ được hai con trai: trưởng là Giả Xá, thứ là Giả
Chính. Giả Đại Thiện chết sớm, còn vợ, con trưởng là Giả Xá được tập tước. Con
thứ là Giả Chính, từ bé ham học, được ông yêu, muốn cháu thi đỗ làm quan. Không
ngờ lúc Đại Thiện sắp chết, di biểu dâng lên, hoàng thượng thương nhớ người bầy
tôi cũ, liền cho con trưởng tập tước. Hoàng thượng lại hỏi còn mấy con cho vào
chầu ngay, rồi đặc cách cho Giả Chính hàm chủ sự vào bộ tập sự. Nay Giả Chính
đã được thăng Viên ngoại lang. Vợ Giả Chính là Vương thị, đẻ con đầu lòng là Giả
Châu, mười bốn tuổi đỗ tú tài, lấy vợ sinh con, nhưng chưa đến hai mươi tuổi
thì ốm chết. Con thứ hai là gái, đẻ đúng ngày mồng một tháng giêng, cũng là một
sự lạ. Mấy năm sau lại đẻ một vị công tử. Chuyện này lại càng lạ nữa: khi lọt
lòng, trong miệng cậu ta ngậm một hòn ngọc ngũ sắc, trên hòn ngọc có ghi nhiều
chữ, nên mới đặt tên là Bảo Ngọc. Tiên sinh bảo chuyện ấy có lạ không?
Vũ Thôn cười:
Như thế thì lạ thực! Người này chắc có
một lai lịch khác thường! Tử Hưng cười nhạt:
Hàng vạn người đều nói như thế, vì vậy
bà nội nó yêu quý nó như hòn ngọc báu. Khi đầy năm, Giả Chính muốn thử chí hướng
con về sau thế nào, mới đem những đồ chơi bày ra trước mặt để xem nó quờ lấy
cái gì. Ngờ đâu nó chẳng lấy cái gì, mà chỉ quờ lấy phấn sáp, trâm vòng. Giả
Chính không vui, bảo sau này chỉ là đồ tửu sắc, vì thế không yêu quý lắm. Duy
có bà Sử Thái Quân thì coi nó như là bản mệnh mình. Nói lại càng lạ: Ngày nay
nó đã lên bảy, lên tám, tính khí ngang ngược lạ thường, nhưng lại thông minh gấp
trăm người khác. Nhắc lại câu nói hồi nhỏ của nó thật là kỳ quặc! Nó nói:
“Xương thịt của con gái là nước kết thành, xương thịt của con trai là bùn kết
thành. Tôi trông thấy con gái thì người tôi nhẹ nhàng, khoan khoái, trông thấy
con trai thì như bị phải hơi dơ bẩn vậy”. Tiên sinh bảo có buồn cười không? Chắc
sau này cậu ta sẽ là con quỷ hiếu sắc.
Vũ Thôn nghiêm nét mặt ngắt lời:
Không phải thế đâu! Đáng tiếc là các vị
không biết lai lịch cậu bé ấy. Cũng như ông Giả Chính đã coi nhầm cậu ta là quỷ
hiếu sắc! Nếu không phải là những bậc đọc sách hiểu biết nhiều dày công cách vật
trí tri, đủ sức tham huyền ngộ đạo22, thì không thể biết được.
Tử Hưng thấy Vũ Thôn nói một cách trịnh
trọng, vội xin cho biết vì lẽ gì. Vũ Thôn nói:
Trời đất sinh ra người, trừ những người
đại nhân, đại ác không kể, còn thì sàn sàn như nhau. Những bực đại nhân thì
theo vận mà sinh, những kẻ đại ác theo kiếp23 mà sinh. Theo vận mà sinh thì đời
trị, theo kiếp mà sinh thì đời loạn. Như các vị Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn,
Vũ, Chu, Thiệu, Khổng, Mạnh, Đổng, Hàn, Chu, Trình, Trương, Chu24 đều theo vận mà sinh. Bọn Xuy
Vưu, Cung Công, Kiệt, Trụ, Thủy Hoàng, Vương Mãng, Tào Tháo, Hoàn Ôn, An Lộc
Sơn, Tần Cối25 đều đúng kiếp mà sinh. Đại nhân
thì làm sao cho thiên hạ bình trị. Đại ác thì làm cho thiên hạ nhiễu loạn.
Người nhân thì bẩm thụ chính khí trong sáng thiêng liêng; người ác thì bẩm thụ
những tà khí tàn nhẫn ngang ngược. Bây giờ đang lúc hưng thịnh thái bình, trên
từ triều đình, dưới đến đồng nội, hết thảy đều chịu cái chính khí trong sáng
thiêng liêng. Những khí còn thừa lại tản mát không biết về đâu, mới biến ra
thành cam lộ, hòa phong, tràn khắp trong bốn bể. Còn những tà khí kia không thể
lan tràn dưới ánh sáng mặt trời được, liền tụ kết lại ở trong ngòi sâu, hang rộng,
ngẫu nhiên gặp gió lay, mây cuốn, thì cũng dao động, cảm phát ra ít nhiều, một
dây nửa sợi tung ra, lại gặp ngay linh khí đi qua, thành ra chính không dung được
tà, tà lại ghen với chính, không bên nào chịu bên nào, như gió nước sấm sét gặp
nhau trên mặt đất. Đã không tiêu diệt được nhau, lại không chịu nhường nhau, tất
phải xung đột mãnh liệt. Khi đã phát tiết ra, các hỗn khí ấy tất phải bám vào
người. Nếu ai bẩm thụ khí ấy mà sinh ra, dù trai hay gái, trên không làm được bậc
chân nhân quân tử, mà dưới cũng không làm nổi hạng đại hung đại ác. Đem hạng
người đó đặt vào trong ngàn vạn người, thì khí thông minh tuấn tú sẽ ở trên
ngàn vạn người, mà cái lối bướng bỉnh càn rỡ cũng lại ở dưới ngàn vạn người. Nếu
sinh vào nhà công hầu phú quý, thì là hạng người tình si tình chủng; sinh vào
nhà thi thư thanh bạch thì là dật sĩ cao nhân; dù có sinh vào những nhà hèn hạ
thì cũng là đào kép danh tiếng, chứ không đến nỗi làm tôi đòi cam chịu sai khiến.
Trước kia như Hứa Do, Đào Tiềm, Nguyễn Tịch, Kê Khang, Lưu Linh, họ Vương, họ Tạ,
Cố Hổ Đầu, Trần Hậu Chủ, Đường Minh Hoàng, Tống Huy Tông, Lưu Đình Chi, Ôn Phi
Khanh, Thạch Mạn Khanh, Mễ Nam Cung, Liễu Kỳ Lanh, Tần Thiếu Du; gần đây như:
Nghê Vân Lâm, Đường Bá Hổ, Chúc Chi Sơn; lại như: Lý Quý Niên, Hoàng Phiên Xước,
Kính Tân Ma, Trác Văn Quân, Hồng Phất, Tiết Đào, Thôi Oanh Oanh, Triều Vân 26. Tuy địa vị họ khác nhau nhưng cũng giống nhau cả.
Cứ như tiên sinh nói thì chả hóa ra được
làm vua, thua làm giặc hay sao?
Đúng thế. Tôi từ khi bị cách chức đến
giờ, hai năm đi chơi các tỉnh, đã từng gặp hai đứa trẻ dị dạng. Vì thế ông vừa
nói đến câu chuyện Bảo Ngọc, tôi liền đoán chắc cậu bé này cũng là hạng người kể
vừa trên. Không cần nói xa, chỉ cần nói ngay nhà họ Chân, làm chức Tổng tài viện
thể nhân ở Kim Lăng thôi. Ông có biết không?
Ai mà chả biết! Nhà họ Chân và nhà họ
Giả là họ hàng với nhau, đời đời đi lại rất thân mật, ngay tôi cũng thường ra
vào nhà ấy.
Năm ngoái tôi ở Kim Lăng, có người
đánh mối cho tôi đến dạy học ở nhà họ Chân. Tôi đến đó xem quang cảnh ra sao,
không ngờ nhà ấy là nhà phú quý mà lại biết giữ lễ nghĩa, ít có một chỗ dạy học
nào được như thế. Tên học trò ấy tuy mới vỡ lòng, nhưng khó hơn là dạy người lớn
để đi thi. Nói ra thật đáng buồn cười, tên học trò bé con ấy nói thế này: “Phải
có hai bạn gái bé cùng học với tôi, tôi mới nhận được chữ, hiểu được nghĩa; nếu
không thì bụng tôi cứ mờ đặc đi”. Nó lại thường nói với bọn người nhà: “Hai chữ
“nữ nhi” đối với tôi rất tôn quý, rất trong sạch, không gì sánh kịp, hơn cả phật
Di Đà và Ngọc Đế. Các người là hạng thối mồm thối miệng, chớ có nông nổi coi
thường hai chữ ấy. Khi nào cần nói đến phải lấy nước chế thơm súc miệng kỹ đã rồi
mới được nói; nếu mà nói bậy, sẽ bị bẻ răng khoét mắt”. Lúc thường thì nó ngỗ nghịch
trâng tráo, bướng bỉnh, ngốc nghếch là thường; nhưng khi gặp mấy bạn gái, nó lại
ôn hòa văn nhã, láu lỉnh thành một con người khác hẳn. Bố nó nhiều lần đánh rất
đau mà nó vẫn không chữa. Mỗi lần bị đánh đau không chịu được, nó gọi ầm lên
“chị em ơi”. Bọn con gái nghe thấy thế, cười hỏi: “Tại làm sao khi bị đòn cứ gọi
“chị em” ra làm gì? Hay là muốn gọi chị em ra xin hộ? Như thế có đáng xấu hổ
không?” Nó trả lời một câu rất kỳ: “Lúc đau quá, tôi nghĩ bụng thử kêu “chị
em”, họa may đỡ chăng, quả nhiên khi kêu lên thì thấy đỡ. Vì thế, tôi tìm ra được
phép mầu nhiệm: Mỗi khi bị đánh là tôi cứ thế kêu lên”. Tôn huynh nghe chuyện
này có đáng buồn cười không? Vì bà quá nuông cháu, thường làm rầy rà mà quở mắng
người con, nên tôi không ở đấy nữa mà đến dạy học ở nhà họ Lâm, làm Tuần diêm
ngự sử tại đây. Những hạng con em ấy tất không giữ được cơ nghiệp ông cha.
Không theo được lời dạy dỗ của thầy bạn. Chỉ đáng tiếc là nhà ấy có mấy chị em
gái thì lại khôn ngoan ít có!
Tử Hưng nói:
Thôi đúng như mấy chị em nhà họ Giả rồi.
Tiểu thư lớn nhất, con của Giả Chính là Nguyên Xuân, có tài đức hiền hiếu, được
tuyển vào cung làm Nữ Sử, tiểu thư thứ hai là Nghênh Xuân, con vợ lẽ Giả Xá. Tiểu
thư thứ ba là Thám Xuân, con vợ lẽ Giả Chính. Tiểu thư thứ tư là Tích Xuân, em
ruột Giả Trân ở bên phủ Ninh. Vì Giả mẫu rất yêu cháu gái, nên đều cho ở chung
với bà và cùng học chung với nhau. Nghe ra đều là hạng khá cả.
Vũ Thôn nói:
Nhà họ Chân thì lại hay nữa, tên con
gái cũng đặt như con trai, chứ không như các nhà khác thường dùng những chữ đẹp
như “Xuân” “Hồng” “Hương” “Ngọc”. Sao nhà họ Giả lại còn theo cái lối cũ ấy?
Tử Hưng nói:
Không phải thế. Chỉ vì cô lớn sinh
ngày mồng một tháng giêng nên đặt là Nguyên Xuân, nên các cô sau cũng đặt theo
chữ “Xuân”. Còn hàng trên thì con gái cũng đặt tên theo như con trai. Này nhé27: vợ ông chủ nhà họ Lâm mà tiên sinh
ngồi dạy học là em ruột Giả Xá và Giả Chính bên phủ Vinh, khi chưa lấy chồng đặt
tên là Giả Mẫn. Nếu tiên sinh không tin, cứ về hỏi kỹ lại xem.
Vũ Thôn vỗ tay cười:
Phải rồi! Cô học trò của tôi, khi đọc
sách đến chữ Mẫn thì nó đọc là Mật, mà viết chữ Mẫn thì bớt vài nét, bấy lâu
tôi vẫn ngờ ngợ. Nay nghe ông nói mới vỡ lẽ. Thảo nào cô học trò này ngôn ngữ,
cử chỉ khác hẳn những con gái nhà khác. Chắc người mẹ không phải tầm thường mới
sinh được con như thế. Nay biết là cháu ngoại phủ Vinh thì chẳng có gì làm lạ.
Tiếc rằng tháng trước người mẹ mất rồi!
Tử Hưng thở dài:
Trong mấy chị em nhà ấy: Giả Mẫn là út
cũng lại chết mất! Chị em hàng trên thế là không còn ai, chỉ trông vào lớp con
cháu, sau này may có lấy được chồng khá không?
Phải đấy. Vừa rồi ông nói, Giả Chính
có một người con trai khi đẻ ngậm ngọc, lại có một người cháu bé của con trưởng
để lại; thế thì Giả Xá không có con hay sao?
Giả Chính đã có người con trai ngậm ngọc,
nàng hầu lại sinh thêm một người con trai nữa, nhưng chưa biết hay dở thế nào.
Chỉ biết hiện giờ có hai con một cháu, không biết sau này ra sao. Giả Xá thì
cũng có hai con. Con cả là Giả Liễn quyên được chức Đồng tri, nhưng không ham học
hành, chỉ thích mưu toan xoay sở, ăn nói lại thạo, nên sang trông nom đỡ việc
cho nhà chú là Giả Chính. Từ khi hắn lấy vợ, trên dưới ai cũng khen ngợi chị vợ.
Chị ta vẻ người rất phong nhã, ăn nói rất linh lợi, tâm cơ lại rất kín đáo, sâu
sắc, bọn đàn ông không mấy người bì kịp.
Vũ Thôn nghe xong cười:
Thế mới biết tôi nói không nhầm. Mấy
người mà chúng ta nói đây có lẽ là bẩm thụ cả hai thứ chính khí và tà khí hỗn hợp
nhau mà sinh ra chăng? Họ là những người một hội một thuyền cũng chưa biết chừng.
Chính cũng kệ! Tà cũng kệ! Chỉ nói
chuyện người mãi, tiên sinh hãy uống rượu đã cho vui.
Có nói chuyện mới uống được nhiều rượu.
Tử Hưng cười: Nói chuyện phiếm của người
càng thêm hào hứng, thì uống mấy chén nữa cũng chẳng sao!
Vũ Thôn trông ra ngoài cửa sổ nói: Trời
muộn rồi, sắp đóng cửa thành, chúng ta vào thành rồi nói chuyện cũng được.
Hai người đứng dậy trả tiền rượu. Lúc
sắp về, chợt nghe đằng sau có người gọi:
Anh Vũ Thôn! Tôi đem tin mừng lại đây.
Anh lại nơi thôn quê này làm gì?
Chú
thích.
[←21]
Lục
Triều: Ngô, Đông Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần. Sáu triều đều đóng đô ở Kiến
Khang, tức là Nam Kinh của Trung Quốc.
[←22]
Chữ
trong sách Đại học: “trí tri tại cách vật”: muốn đưa trình độ hiểu biết đến bực
cao siêu phải suy xét đến nơi đến chốn mọi lý lẽ của sự vật. Tham huyền: dò sâu
vào chỗ huyền bí. Ngộ đạo: hiểu thấu đạo mầu nhiệm.
[←23]
Vận
và kiếp theo thuyết thuật số có nghĩa khác nhau. Vận chỉ thời vận tốt, kiếp chỉ
kiếp hạn xấu.
[←24]
Vua
Nghiêu nhà Đường, Vua Thuấn nhà Ngu, Vua Vũ nhà Hạ, Vua Thang nhà Thương, Vua
Văn vua Vũ nhà Chu, Chu Công Đán, Thiệu Công Thích đều là con Văn Vương, có
công lớn với nhà Chu; Khổng Tử, Mạnh Tử là bậc thánh hiền của nho học. Đổng Trọng
Thư đỗ bác sĩ đời Hán Vũ Đế, có tài chính trị, suốt ba năm buông màn đọc sách,
không nhìn ra ngoài.
Hàn
Dũ là một nhà văn nổi tiếng đời Đường, tính thẳng, có làm bộ Hán Xương lê toàn
tập.
Chu
Đôn Di: Tên chữ là Liêm Khê, tự là Mậu Thúc. Ông là thủy tổ nền lý học nhà Tống,
có làm quyển Thái cực đồ thuyết và Thông thư, thầy học của hai ông Trình Di,
Trình Hạo.
Trình
Hạo: Tên chữ Bá Thuần, đỗ tiến sĩ đời Thần Tông nhà Tống, học rộng, có làm bộ
sách Định tính, người ta gọi là Minh Đạo tiên sinh.
Trình
Di: Em ruột Trình Hạo, tính thành thực, thấu hiểu mọi sự vật. Có làm truyện giải
thích Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu; Người ta gọi là Y Xuyên tiên sinh.
Trương
Tái: Tên chữ là Tử Hậu, bạn học của hai ông Trình Di và Trình Hạo. Có làm ra
Trương sử toàn thư mười bốn quyển như Đông Tây Minh, Chính Mông, Kinh Học, Lý
Quật…
Chu
Hy: Tên chữ là Nguyên Hối, đỗ tiến sĩ đời nhà Tống. Học hiểu thấu mọi sự vật rồi
sau quay vào thực tiễn. Nền lý học đời nhà Tống đến ông này mới thực hoàn toàn.
Người ta tôn là Khảo đình học phái.
[←25]
Xuy
Vưu là chư hầu của vua Hoàng Đế, chế ra đao nỏ, đi quấy rối thiên hạ, Vua Hoàng
Đế đánh hắn ở Trác Lộc, hắn thua, hóa ra đám mù, vua Hoàng Đế chế ra xe chỉ
nam. Xuy Vưu bị giết chết.
Cung
Công là quan trị thủy đời vua Nghiêu, trễ biếng công việc, bị đày ra U Châu.
Cùng thời với hắn có: Hoan Đâu, Tam Miêu, Cổn, người ta gọi là Tứ hung.
Hoàn
Ôn: Người đời Tấn, khi mới đẻ, người ta nghe thấy tiếng khóc, cho là vật lạ.
Sau lấy Nam Khang công chúa, đánh giặc được nhiều trận, phong là Nam quán công,
uy thế lừng lẫy, lấn cả quyền vua, có ý phản dân phản nước. Hắn thường
nói: “Con trai không để được tiếng thơm cho đời, cũng nên để tiếng xấu cho
đời sau”.
An
Lộc Sơn được vua Đường Minh Hoàng tin dùng làm đến chức Tiết độ sứ. Thường đi lại
với Dương Quý phi, xin làm con nuôi, sau làm phản, tự xưng là Hùng Võ hoàng đế
nhà Yên, rồi bị con là Khánh Tự giết chết.
Tần
Cối tính tàn nhẫn, hiểm ác, nhờ thế lực nước Kim làm đến chức tể tướng, giết hại
nhiều trung thần võ tướng như Nhạc Phi.
[←26]
Hứa
Do: Một vi cao ẩn ở đất Bái Trạch, được vua Nghiêu nhường cho thiên hạ không nhận,
ra sông Đinh Thủy rửa tai.
Đào
Tiềm: Tên chữ Uyên Minh, người đời Tấn, tính cao thượng giản dị. Khi làm quan lệnh
ở Bành Trạch, trên quận sai quan đến, người ta bảo phải mũ áo ra tiếp, Đào Tiềm
nói: “Ta không thể vì năm đấu gạo mà uốn lưng được”, rồi bỏ quan về.
Nguyễn
Tịch: tên chữ là Tự Tôn, người đời Tấn, học rộng, thơ hay, đàn giỏi, thích uống
rượu, biết phân biệt kẻ hay người dở, người hay thì tiếp bằng mắt xanh, người dở
thì tiếp bằng mắt trắng. Có làm một tập thơ Vịnh hoài hơn tám mươi bài, bài Đạt
sinh luận và truyện Đạt nhân tiên sinh.
Kê
Khang: Người đời Tấn. Học rộng, tính lười biếng, làm quan trung tán đại phu, là
một trong bọn bảy người ở Trúc lâm thất hiền.
Lưu
Linh: Làm chức Kiến uy tham quân đời Tấn. Là một người trong Trúc lâm thất hiền,
tính nghiện rượu, đi đâu cũng uống sai người mang đi theo, dặn hễ chết thì chôn
ngay. Có làm bài Tửu đức tụng.
Vương,
Tạ: Vương Thản Chi và Tạ An, hai họ này có tiếng nhất đời Tống; vì thế con trai
nhà quý phái đều muốn lấy con gái họ Vương, họ Tạ.
Cố
Hổ Đầu: Người đời Tấn. Học rộng, tài giỏi, vẽ khéo.
Trần
Hậu Chủ: Hay chữ, sau khi lên ngôi vua, ham mê tửu sắc, suốt ngày chỉ chơi đùa
với phi tần và hiệp khách, ăn yến làm thơ, chẳng nghĩ gì đến công việc. Khi
quân Tùy đến đánh vẫn còn say rượu, hát xướng. Sau bị tướng nhà Tùy là Hàn Cầm
Hổ bắt được ở trong giếng Cảnh Dương đem về. Vua Tùy phong cho làm Trường Thành
công.
Ôn
Phi Khanh: Người đời Đường. Tư chất thông minh, làm từ phú rất hay, nhưng không
biết giữ gìn tính nết, thích nói những lời dâm đãng, bị sĩ phu thời bấy giờ khinh
bỉ.
Thạch Mạn Khanh: Người đời Tống, tính lỗi lạc, có khí tiết, biết phân biệt điều phải điều trái. Thơ hay chữ tốt, thường làm những bài nói về sách lược quốc phòng.
Mễ
Nam Cung: Người đời Tống, thơ hay, vẽ khéo, thường dắt bạn đi thưởng ngoạn sơn
thủy. Trong thuyền lúc nào cũng đầy thơ và tranh vẽ. Vì đã làm chức Nam Cung Xá
Nhân, nên người ta thường gọi là Mễ Nam Cung.
Liễu
Kỳ Hình: Tên là Vinh. Đỗ Tiến sĩ đời Tống, làm chức đồn điền viên ngoại lang,
nên người ta thường gọi là Liễu đồn điền. Tính lãng mạn, làm nhiều bài ca từ lẳng
lơ như bài Nhạc thường tập. Hễ có vở hát nào mới ra, tất phải nhờ ông làm từ giới
thiệu, thì bán mới đắt. Sau vì túng thiếu, đi lưu lạc khắp nơi. Khi chết, các
chị em ca kỹ phải góp tiền làm ma cho.
Tần
Thiếu Du: Người đời Tống. Học rộng nhưng tính kiêu ngạo, vì có tài nên được cử
làm chức Hán lâm học sĩ, giữ việc chép sử với Tô Triệt, Tô Thức. Sau lấy em hai
ông này.
Nghê
Văn Lâm: Người đời Nguyên. Nhà giàu, danh sĩ các nơi thường đến chơi, thơ hay,
vẽ sơn thủy khéo. Lúc già thích thanh đạm và tĩnh mịch. Chỗ ở có Thanh bật các,
Văn lãm đường, trong chứa rất nhiều thơ họa, đồ cổ, sách lạ, thường đi thuyền
thưởng ngoạn các nơi sơn thủy. Mặc bộ quan áo nhà quê, ở lẫn lộn vào chốn hương
thôn. Có làm bộ Thanh bật các tập.
Đường
Bá Hổ: Người đời Minh, nhà nghèo nhưng thích bạn, văn hay, vẽ khéo, cùng bọn Từ
Trinh Khang, Chúc Chi Sơn, Văn Trung Minh. Người ta gọi là bốn tài tử ở đất Ngô
Trung.
Chúc
Chi Sơn: Người đời Minh, vì lúc mới đẻ có ngón tay thừa, tự hiệu là Chi Sơn.
Chúc Chi Sơn xem sách rộng, thơ hay chữ tốt.
Lý
Quy Niên: Người đời Đường, giỏi âm luật, cùng với Tôn đại nương lúc bấy giờ giỏi
về múa hát.
Kính
Tân Ma: Trùm phường chèo đời Ngũ Đại. Bấy giờ vua Trang Tông đi săn, giẫm vào
ruộng lúa. Viên huyện ở đấy can, vua giận định đem giết. Kính Tân Ma trách viên
huyện: “Ông làm quan ở đây lại dám cho dân cày cấy nộp thuế. Sao không để trừ
chỗ này để cho vua đi săn. Thây kệ dân đói có được không? Tội ông thế đáng chết
là phải”. Vua nghe nói cười lên rồi tha viên huyện.
Hồng Phật: Tên là Xuất Trần, người đời Tùy, gái hầu của Dương Tố. Lý Tĩnh mặc áo vải vào chầu Dương Tố, Xuất Trần có sắc đẹp, tay cầm phất trần, mắt vẫn liếc Lý Tĩnh. Đêm hôm ấy, lẻn sang nhà Lý Tĩnh nói: “Thiếp là thị tỳ nhà họ Dương đây, dây leo này giờ ai uốn nhờ bóng cây cao”. Rồi hai người cùng trốn sang đất Thái Nguyên. Sau Trương Minh Phương đời Minh có làm bài Hồng Phật ký.
Tiệt
Đào: Danh sĩ đời Đường, hiểu biết âm luật, làm thi từ hay, thường xướng họa với
bọn danh sĩ lúc bấy giờ như Nguyên Chẩn, Bạch Cư Dị, Đỗ Mục… lại biết chế giấy
hoa tiên. Hiện giờ còn có cái giếng tên Tiệt Đào Tĩnh. Có độ năm trăm bài nho
truyền ở đời.
Thôi
Oanh Oanh: Con gái đời Đường, văn từ giỏi. Nguyên Chẩn làm bộ Hội Chân ký
nói: “Cha Oanh Oanh chết sớm. Oanh Oanh theo mẹ về Trường An ở chùa Bồ đông phổ
cứu, gặp Trương Sinh thơ từ đi lại, tình yêu rất nồng nàn”. Sau Vương Thực
Phủ đời nhà Nguyên có làm ra vở hát Tây Sương Ký truyền kỳ.
Triều
Vân: Người đời Tống, là kỹ nữ ở Tiền Đường. Khi Tô Thức làm quan ở đấy, lấy làm
nàng hầu, lúc trước thì chưa biết chữ nghĩa gì, sau nhờ có Tô Thức dạy bảo, biết
làm thi từ, lại hiểu đạo Phật. Sau Tô Thức bị biếm ra Huệ Châu, đám tỳ thiếp bỏ
cả, chỉ có một mình Triều Vân đi theo.
[←27]
Chỗ
này Tử Hưng muốn dẫn chứng lối đặt tên con gái của họ Giả không phải là theo lối
cũ như Vũ Thôn vừa hỏi ở trên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét