59. Quẻ Phong Thủy Hoán
Trên là Tốn (gió), dưới là Khảm (nước)
Hòa vui đến cực điểm rồi thì sẽ li tán, vì vậy sau quẻ Đoái
đến quẻ Hoán. Hoán là lìa, tan tác.
Thoán Từ
渙:亨。王假有廟,利涉大川,利貞。
Hoán: Hanh. Vương cách hữu miếu, lợi thiệp đại xuyên, lợi
trinh.
Dịch: Lìa tan:
Hanh thông. Vua tới nhà Thái miếu, vượt qua sông lớn thì lợi, giữ đạo chính thì
lợi.
Giảng: Trên là
gió, dưới là nước (Khảm cũng có thể hiểu là mây – như quẻ Thủy lôi Truân, cũng
gọi là Vân Lôi truân); gió thổi trên nước (hay mây) làm nước tung tóe ra (hay
mây tan rã ra), cho nên đặt tên quẻ là Hoán.
Thường thì nhóm họp mới hanh thông (như quẻ Tụy), nhưng li
tán cũng có khi hanh thông, chẳng hạn sương mù tụ lại nhiều quá, nắng lên, nó
tan đi thì tốt, hoặc thời nhiễu loạn, dân chúng tụ họp lại chống đối, phải giải
tán đi v.v… Hễ hợp thời thì tốt, trái lại thì xấu. Muốn cho công việc giải tán
hanh thông thì nhà cầm quyền phải có lòng chí thành, như một ông vua tới nhà
Thái miếu; lại phải biết mạo hiểm như có gan vượt qua sông lớn; sau cùng phải
giữ đạo chính, đừng làm những việc bất chính.
Thoán truyện giảng ý nghĩa hanh thông của quẻ này như sau: nội quái vốn
là quẻ Khôn, một hào dương của quẻ Càn vào thay hào 2 quẻ Khôn mà thành quẻ
Khảm; ngoại quái vốn là quẻ Càn, hào 1 quẻ Khôn vào thay hào 1 quẻ Càn, thành
quẻ Tốn. Vậy là trong trùng quái Hoán[89] có một hào dương cương ở trong, một hào âm nhu ở ngoài, mà
hào này đắc vị, thuận theo 2 hào dương ở trên nó để tiến lên, như vậy là tốt.
Vượt qua sông lớn mà có lợi vì quẻ có cái tượng gỗ (Tốn cũng
là cây, gỗ) ở trên nước, tức thuyền ở trên nước, nhờ thuyền mà qua sông được.
Nghĩa bóng là nhờ người có tài mà làm nên việc lớn.
Đại Tượng
truyện bàn rộng ra, khuyên sau khi giải
tán rồi lại nên nghĩ tới việc nhóm họp lại, mà muốn nhóm họp, thống nhất nhân
tâm thì nên đặt lễ tế Thượng đế, tế Tổ tiên.
Hào Từ
1
初六:用拯,馬壯,吉
Sơ lục: Dụng chứng, mã tráng, cát.
Dịch: Hào 1,
âm: Dùng con ngựa mạnh để cứu vớt, tốt.
Giảng: Ở đầu
thời li tán, còn có thể gom lại được; hào này âm nhu, kém tài, không đủ sức,
nhưng trên có hào 2 dương cương đắc trung, uỷ thác vào được, như đi đường xa có
con ngựa khỏe, cho nên tốt.
2
九二:渙,奔其机,悔亡。
Cửu nhị: Hoán, bôn kì kỉ, hối vong.
Dịch: Hào 2,
dương: Lúc li tán, nên dựa vào hào 1 làm ghế ngồi thì hối hận mất đi.
Giảng: Thời này
là thời li tán rồi, dễ có việc ăn năn; hào này dương cương đã giúp được cho hào
1, bây giờ nên dựa vào 1 làm ghế ngồi, đỡ đần nhau thì khỏi phải hối hận.
3
六三:渙其躬,無悔。
Lục tam: Hoán kì cung, vô hối.
Dịch: Hào 3,
âm: Đánh tan lòng riêng tây của mình đi thì không hối hận.
Giảng: Hào này
âm nhu, bất trung, bất chính, là người có lòng vị kỉ, nhưng ở vị dương lại được
hào trên cùng chính ứng với nó, mà có lòng lo việc đời (vì là dương cương); nếu
3 bỏ tính vị kỉ đi, lo gánh việc đời với hào trên cùng, thì sẽ không hối hận.
4
六四:渙其群,元吉。渙有丘,匪夷所思。
Lục tứ: Hoán kì quần, nguyên cát. Hoán kì khâu, phỉ di sở
tư.
Dịch: Hào 4,
âm: Giải tán bè phái của mình đi, rất tốt. Vì như vậy là giải tán cái nhỏ để
tập hợp cái lớn lại thành gò đống; điều đó người thường không thể nghĩ tới
được.
Giảng: Hào này
âm nhu, thuận, giúp đỡ hào 5 vừa cương vừa đắc trung, như vị đại thần giúp một
minh quân, mà biết giải tán bè phái của mình đi (sở dĩ nói vậy vì hào 1 ở dưới
không ứng viện với 4, cũng như 4 không còn bè phái), để đoàn kết, tập hợp cả
quốc dân mà cùng lo cứu nước; như vậy là giải tán cái nhỏ để gom cái lớn lại
thành gò đống, rất tốt. Người thường không hiểu được lẽ đó mà chê sao lại giải
tán đảng của mình. Muốn vậy phải là người đắc chính (âm ở vị âm), và đắc trung,
cương cường như hào 5.
5
九五:渙汗其大號,渙王居,無咎。
Cửu ngũ: Hoán hãn kì đại hiệu, hoán vương cư, vô cữu.
Dịch: Hào 5,
dương: Ban bố hiệu lệnh lớn khắp nước như mồ hôi phát ra ở khắp thân thể, phát
hết kho lẫm của vua để chu cấp cho dân, không có lỗi.
Giảng: Năm chữ
“Hoán hãn kì đại hiệu” tối nghĩa. Chu Hi giảng là hủy bỏ các hiệu lệnh trước
đi, những hiệu lệnh đó như mồ hôi, chảy ra mà không trở lại. Chúng tôi theo
Phan Bội Châu mà dịch như trên là ban bố hiệu lệnh đi khắp nơi. J. Legge và R.
Wilhelm cũng hiểu như vậy, nhưng giảng là những hiệu lệnh đó cứu nguy được cho
dân như người bị bệnh mà phát tán, làm cho mồ hôi toát ra vậy.
Ba chữ sau: “Hoán vương cư” nghĩa dễ hiểu: vua nên tán tài
để tụ dân, cũng như hào 4, giải tán bè phái để tụ dân, đều là chính sách tốt ở
thời li tán cả.
6
上九:渙其血去,逖出,無咎。
Thượng cửu: Hoán kì huyết khử, địch xuất, vô cữu.
Dịch: Hào trên
cùng, dương: Tan (trừ) được máu (vết thương cũ), thoát khỏi kinh sợ (chữ 逖 ở đây nên đổi làm chữ
dịch 惕 là kinh sợ), không có
lỗi.
Giảng: Hào này ở cuối thời li tán, sắp hết xấu; nó có tài (dương
cương), lại được hào 3 ứng viện, cho nên nó thành công, trừ được vết thương li
tán và thoát khỏi cảnh lo sợ.
Phan Bội Châu so sánh quẻ này với quẻ Tụy, đại ý như sau:
Tụy và Hoán là hai thời trái ngược nhau, một thời nhóm họp
một thời lìa tan, nhưng thời nào cũng hanh thông được cả, miễn là biết hành
động hợp lúc và có lòng chí thành: Thoán
Từ hai quẻ đều có 4 chữ: “Vua tới Thái miếu”, nghĩa là phải chí thành như
nhà vua khi vào tế ở Thái miếu.
Nhưng hai quẻ khác nhau ở chỗ. Tụy có 4 chữ: “lợi kiến đại
nhân”, Hoán có 4 chữ: “Lợi thiệp đại xuyên” vì ở thời Tụy, thuận cảnh, chỉ cần
có người tài đức là làm nên việc còn ở thời Hoán, nghịch cảnh, phải có tài đức
mà lại phải mạo hiểm nữa. Đó là thâm ý của cổ nhân.
Sáu hào quẻ Hoán ý nghĩa rất phân minh: hào 1, còn mong cứu
chữa được; hào 2 li tán đã nhiều rồi, chưa cứu được; hào 3 có thể bắt tay làm
việc, muốn vậy phải bỏ lòng vị kỉ đi; hào 4, phải giải tán bè phái để đoàn kết
toàn dân; hào 5 phải ra hiệu lệnh mới, ban phát của riêng, hào 6 thì thành
công. Quan trọng nhất là lời khuyên hào 4 và 5.
Chú thích quẻ 59
[89].
Chắc “quẻ Hoán” in lầm mà thành “trùng quái Hoán”. (Goldfish).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét