Thứ Ba, 22 tháng 8, 2023

51. SỬ KÝ TƯ MÃ THIÊN Chương 2-6 Cộng Sản Ở Diên An

51.  SỬ KÝ TƯ MÃ THIÊN

(Tư Mã Thiên)
Chương 2-6

Cộng Sản Ở Diên An


Trong khi đó, Cộng sản ở Diên An mỗi ngày mỗi mạnh. Sau khi thành lập mặt trận thống nhất Mao tự do hoạt động ở Tây Bắc, ảnh hưởng của ông bắt dầu lan ra. Tướng Lâm Bưu thắng Nhật một trận khá lớn, uy thế tăng lên dân chúng theo đông. Đảng viên được lệnh quân Nhật tới thì phải ở tại chỗ tổ chức bí mật, du kích, ám sát, phá đường, đánh cướp xe địch để lấy võ khí. Những khu đó thành khu giải phóng. Mới đầu là khu Sơn Tây, rồi lan ra thành khu Sơn Tây- Hà Bắc- Hà Nam. Họ chế tạo súng, lựu đạn, thuốc súng, súng liên thanh, máy thâu thanh..... trong những khu giải phóng, họ tổ chức bầu cử, khuyến khích phát triển kinh tế, mở các tiểu công nghệ. Năm 1939, họ có 500. 000 quân chính qui và du kích. Dân quân đông hơn nhiều. Những công đó phần lớn của đệ bát lộ quân.

Ở miền An Huy tân đệ tứ lộ quân ( có sách gọi là đệ ngũ lộ quân) phát triển cũng rất mạnh gân như làm chủ cả miền hạ lưu Dương Tử. Khi họ mới thành lập trở lại, nông dân đem các khí giới cũ đã chôn giấu lại tặng. Họ tập hợp lại rất đông, chẳng bao lâu quân số từ 13. 000 tăng lên 30. 000 rồi 60. 000. Trong tám tháng họ đánh trên 200 trận, thu được trên 1. 500 súng trường, 32 súng liên thanh của Nhật.

Thấy họ phát triển mau quá, Tưởng lo ngại, coi họ mới đáng sợ hơn Nhật, tìm cách diệt. Và đầu tháng giêng 1941, xảy ra một vụ làm toàn dân Trung Hoa phẩn uất. Tưởng Giới Thạch ra lệnh cho họ bỏ khu vực họ đang hoạt động ở phía Nam sông Dương Tửmà vượt sông đó, lên phía Bắc tập hợp với đạo quân thứ VIII của Cộng). Họ không hiểu tại sao lại bỏ khu vực đó cho Nhật chiếm trở lại, nhưng họ cũng vẫn tuân lệnh. Cuối 1940 họ bắt đầu lui quân, đầu tháng giêng 1941, ở phía Nam chỉ còn 8. 000 quân với những cán bộ trong bản dinh, ban chính trị, y tế..... Khi họ mới lên đường, tới một khúc hẻm trong núi thì bị 80. 000 quân ( của Tưởng) phục kích. Viên chỉ huy, Yeh Ting (? ) bị bắt sống. Viên phó mất tích, 8000 người bị giết. Chính phủ Trùng Khánh làm thinh. Nhưng tờ báo Cộng sản ở đó (vì Mao đặt một phái bộ ở Trùng Khánh do Chu Ân Lai chỉ huy, Chu được thế giới nhận là một nhà ngoại giao giỏi, nhã nhặn, tươi cười, lễ độ, bình tỉnh mà thông minh) bất chấp cơ quan kiểm duyệt, cứ đăng đủ chi tiết. Viên chủ nhiệm tờ báo bị bắt. Chu Ân Lai nhận mọi việc do ông cả, ông chịu trách nhiệm. Tưởng không giám giam Chu sợ toàn dân Trung Hoa và cả thế giới nữa cho rằng ông không lo đánh Nhật mà chĩ lo diệt Cộng. Ông tuyên bố với thông tín viên ngoại quốc rằng đạo quân đó có ý làm phản, nên phải diệt.

Một thông tín viên ngoại quốc, Archibald Kerre bảo thẳng với một sĩ quan cấp tá của Tưởng “ Thật là một chuyện ghê gớm”.

Từ đó mặt trận thống nhất chỉ có danh mà không có thực. Cả hai bên đều giữ miếng, Tưởng không nghĩ tới chuyện kháng Nhật nữa, lại lo bao vây Cộng.

Giai đoạn sau, trong thế chiến 1941 – 1945.

“ Sáng ngày mùng 8 tháng 12- 1941, đường phố Trùng Khánh ồn ào náo nhiệt lên, có tiếng rao của trẻ bán báo: “ Số đặc biệt”. Thiên hạ đổ xô ra mua rồi tụ họp nhau bàn tán.

“...... Cả Hội đồng quân sự hoan hỉ, Tưởng Giới Thạch sung sướng tới nỗi hát một điệu tuồng cổ và cho chạy đĩa hát Ave Maria suốt ngày. Các công chức Quốc Dân đảng mặt mày tươi rói, chúc mừng nhau ríu rít. Họ cho đó là một thắng lợi lớn, họ chỉ mong có vậy thôi mong Mỹ đánh Nhật! A, bây giờ thì Mỹ và Nhật choảng nhau rồi! Trung Hoa lại sắp hóa ra quan trọng hơn nữa. Tiền bạc và khí giới Mỹ sắp tuôn vào, Mỹ sắp cho vay và cho mượn nửa tỉ chứ không phải là số tiền bần tiện như trước nữa”.

Han Suyin ( Hàn Tú Anh) – Tác giả cuốn Một mùa hè vắng bóng chim (1) – lúc đó ở Trùng Khánh, đã ghi lại nỗi vui mừng của chính quyền Quốc Gia như trên, sau khi hay tin phi cơ Nhật chỉ trong mấy giờ, sáng ngày 7 – 12- 41, tiêu diệt trọn hạm đội mạnh nhất của Mỹ ở Thái Bình Dương, đậu tại Trân Châu cảng( Pearl Harbour), quân đảo Hawai (2). Thế là Mỹ tuyên chiến với Nhật, Đức, Ý và từ nay Trung Hoa, Mỹ, Anh phải liên kết với nhau. Trung Hoa thua tức là Mỹ, Anh cũng thua. Trung Hoa cầm chân được 20. 000 quân Nhật thì đỡ cho Mỹ, Anh 20. 000 quân địch. Một phi trường Trung Hoa, một xưởng chế tạo khí giới của Trung Hoa vào tay quân Nhật... đều thiệt hại cho cả Mỹ và Anh.

Đầu năm 1942, Mỹ, Anh long trọng mời Trung Hoa vào phe Đống Minh, và xóa bỏ hết các điều ước bất bình đẳng từ trước để cảm ơn Trung Hoa. Bỗng nhiên Trung Hoa, thành một trong bốn đại cường quốc: Mỹ, Nga, Anh, Trung.... Vẻ vang cho Trung Hoa, nhất là cho Tưởng biết bao!

Nhật thắng rất mau. Từ 1927, họ đã có một kế hoạch làm chủ Đông Á, do nam tước Tanaka, bộ trưởng bộ chiến tranh trình lên Nhật hoàng. Họ đã thực hiện được một phần kế hoạch đó: chiếm Triều Tiên, Mãn Châu, lấn vào Hoa Bắc, làm chủ được miền bờ biển Hoa Trung và Hoa Nam.

Nay diệt được hạm đội Mỹ ở Pearl Harbour, họ chiếm Hương Cảng, Phi Luật Tân, Mã Lai, Bornéo, đánh chìm hai chiến hạm lớn của Anh( Repulse và Prince of Wales), đổ bộ lên Singapour... Ở lục địa, họ làm chủ Đông Dương, Thái Lan, Miến Điện, tiến tới biên giới Ấn Độ. Chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại có một cuộc chiến thắng chớp nhoáng, rực rỡ như vậy. Cuộc chiến thắng của Đức ở Pháp năm 1940 không thấm vào đâu.

Nhưng Nhật không ngờ rằng càng chiếm được nhiều đất xa thì sức càng yếu đi, mà sức quật cường của Mỹ trong khi đó tiến rất nhanh. Lại thêm nỗi lại hậu phương tức Trung Hoa, Nhật chưa bình định được: Trung Hoa được Mỹ, Anh viện trợ rất nhiều, có tướng Mỹ Stillwell làm tư lệnh tối cao cho mặt trận Trung Hoa, phụ tá cho Tưởng Giới Thạch.

Thực ra, về phía Dân Quốc, Nhật không có gì phải lo cho lắm, Tưởng vẫn theo chủ trương kẻ thù số một là Cộng. Nhật chỉ là kẻ thù thứ nhì, đòi Mỹ, Anh viện trợ thật nhiều, nhưng để dành đó đánh Cộng, còn việc đánh Nhật thì lơ là, để cho Mỹ lo gần hết.

Năm 1942, Nhật kêu gọi Tưởng liên kết với mình diệt thực dân da trắng, lập khu vực Đại Đông Á. Uông Tinh Vệ ở Nam Kinh làm tay sai cho Nhật, dụ dỗ phe Tưởng và phe Tưởng cũng có một số người nghe vì thấy Mỹ, Anh thua Nhật liểng xiểng.

Năm 1943, Quốc Dân đảng dùng một thủ đoạn đại quỉ quyệt. Khi bị Nhật tấn công, nhiều đơn vị Quốc Dân đảng được phép đầu hàng Nhật. Rồi nhiều tướng tá đào ngũ, đem khí giới qua chính quyền bù nhìn của Uông Tinh Vệ. Như vậy đỡ phải nuôi các quân đó, mà gởi Uông - tức Nhật – nuôi dùm rồi sau này dùng họ để đánh Nhật. Nhật cũng có lợi- trước mắt: bớt được một số địch, thêm được một số quân trên mặt trận Trung Hoa, như vậy có thể rút bớt quân để đem chiếm đánh các nơi khác ở Đông Á.

Có khi Nhật dùng ngay những quân đầu hàng đó để đánh Cộng sản, Tưởng càng mừng nữa, Mỹ không thể trách vào đâu được.

Như vậy năm 1943, có tới 42 tướng, 70 sĩ quan cấp tá và 500. 000 quân lính quốc gia đưa qua mặt trận Nhật, giảm chiến phí cho Tưởng được bộn. Thủ đoạn của Tưởng đó, Brieux và Han Suyin đều chép theo báo Cộng sản. Tôi không dám chắc là đúng hẳn, nhưng quả thực là quân của Tưởng qua Uông khá đông.

Cũng năm đó, Tưởng tính rút quân trên mặt trận chống Nhật, để tấn công đạo quân thứ VIII của Cộng sản, sau đó lại thôi, vì sợ dư luận quốc tế, mà cũng vì tướng của Tưởng sợ tài du kích của Cộng sản, không chịu đưa quân ra trận.

Các quân nhân Mỹ thấy chính sách của Tưởng như vậy, tinh thần của tướng Quốc gia như vậy, nên bất bình, tỏ vẻ khinh ra mặt. Người bị tướng Stillwell chê nhất là Tưởng Giới Thạch: “ Chính quyền Trung Hoa ở trong tay một người ngu dốt, độc đoán đoán, bướng bỉnh, chỉ dùng sự đàn áp và tư sủng mà đứng được... Ông ta biết những sự gian lận, thối nát mà không có cách nào trừ được”.

Ở khu Cộng sản, tình hình trái hẳn. Những phi công Mỹ thả bom Nhật mà hạ xuống khu Cộng sản thì được tiếp đón niềm nở, săn sóc rồi đưa về khu Quốc dân, họ được thấy một đạo quân có kỷ luật, không cướp bóc của dân, tinh thần hy sinh rất cao, nên ngạc nhiên không hiểu sao chính quyền họ lại giúp Tưởng. Cộng sản tuyên truyền thật khéo léo.

Năm 1942, phó tổng thống Mỹ Hennry A. Wallace đi tham quan Trùng Khánh rồi Diên An. Khi trở về, phấn khởi lắm, vì ở Diên An, rõ ràng là người ta hăng hái kháng Nhật. Người ta không xin viện trợ máy bay, xe thiết giáp, súng đại bác mà chỉ xin plastic ( chất nổ), súng trường, bazooka. Vừa chiến đấu, người ta vừa sản xuất, để tổ chức hành chánh.

Những nhận xét đó đúng, vì tôi thấy vài tác giả phương Tây cũng khen Cộng sản như vậy. Ở Diên An người ta có kỷ luật, có tinh thần hơn ở Trùng Khánh, không tham nhũng, và năm 1942, Mao chỉ dùng du kích chiến thì xin máy bay và xe thiết giáp để làm gì? Nhưng có lẽ đó chỉ là bề ngoài.

Theo tập nhật ký 1942 – 1945 của người Nga – Vladimirov, một phái viên liên lạc của Quốc tế Cộng sản bên cạnh ban chấp hành Trung Ương Cộng sản Trung Hoa ở Diên An ( bản dịch của Hà Nội) thì Mao cũng quá quắt lắm. Cộng sản Trung Hoa trước sau bao giờ cũng mong cho Nhật quấy phá Tưởng để Tưởng yếu đi. ( Coi vụ Mãn Châu), năm 1937, do lòng dân mong mỏi mà Tưởng và Mao lập mặt trận thống nhất chống Nhật. nhưng chỉ hơn một năm sau, mặt trận đó hữu danh mà vô thực, cả hai bên đều giữ miếng nhau, lơ là việc đánh Nhật, bảo toàn lực lượng để sau sẽ diệt lần nhau, và năm 1939, họ đồng tình phá sự thống nhất. Từ đó Cộng cũng lo đánh Quốc hơn là đánh Nhật, cũng trồng và bán thuốc phiện cho Nhật. Đặng Bảo Sơn là vua thuốc phiện ở khu Cộng, Mao cũng ngầm ra lệnh cho tân tứ quân tiếp xúc với viên chỉ huy quân đội chiếm đóng Nhật.... Tóm lại, là cũng dùng tất cả những thủ đoạn của Tưởng. Có lẽ chỉ kín đáo hơn thôi, người Mỹ không biết được.

Năm 1944, Mỹ lấy lại được các đảo ở Thái Bình Dương, tính bao vây Nhật, Nhật vội vàng mở trước một ngã thoát, tấn công ồ ạt Trung Hoa, chiếm trọn Hà Nam, một tỉnh giàu nhất miền Bắc, rồi hai đạo quân cùng tiến theo xe lửa Quảng Châu- Hán Khẩu, một khởi hành từ Nam, một khởi hành từ Bắc, gặp nhau ở Trường sa, cắt Trung Hoa làm hai. Họ dẹp hết quân Trung Hoa trong khu vực từ đường sắt đó ra tới biển. Cuối năm đó, Mỹ mất hết căn cứ ở miền Đông Nam Trung Hoa

Ở Trùng Khánh là một cảnh hoảng loạn chưa từng thấy. Kẻ giàu có thì đem vàng mua vé máy bay để trốn. Trên các đường lại có hàng triệu người tản cư như năm 1937, chết đói, chết rét....

Quân đội tan rã. Sĩ quan chỉ nghĩ tới lợi riêng, sát phạt nhau để chiếm một miền phì nhiêu, quân lính chỉ lo cướp bóc dân chúng.

Ở Diên An dân chúng rất bình tĩnh kháng Nhật, không suy sụp về kinh tế; nhờ quân, dân cùng chung sức nhau khai thác đất đai, mục súc. thấy vậy, Nhật cho phe Quốc không đáng lo chút nào cả, đem toàn lực lượng để dẹp Cộng, dùng cả hơi độc. Cả hai bên đều thiệt hại nặng ở Hà Bắc. Chiếm được khu nào, Nhật tàn phá mùa màng, khủng bố nhân dân, phá hết các đồ đạc, dụng cụ, đốt hết lúc thóc. Có những thị trấn trên 150. 000 người bị san thành bình địa, như thị trấn Thường Đức ở Hồ Nam (3)

Cộng sản phản công, đem những lực lượng rất hùng hậu, hạ đồn Nhật, diệt Hán giang. Cả hai bên đều dùng chính sách khủng bố. Quân của Uông Tinh Vệ đào ngũ, qua phía Cộng. Lần lần, Cộng lấy lại được thế mạnh, cùng nỗi dậy, đánh du kích quân Nhật ở khắp nơi, lập được những khu giải phóng ở bờ biển để đội quân Đồng Minh đổ bộ lên.

Một tờ báo Nhật nhận định đúng tình hình đó, viết: « Kẻ thù chính của chúng ta là cộng sản. Họ biết gây ý thức quốc gia và quyết chiến với ta. Còn quân Trùng Khánh thì mất hết ý chí chiến đấu rồi ».

Nhưng qua năm 1945, áp lực của Mỹ càng ngày càng làm cho Nhật thêm khốn. Tháng 4, Mỹ đổ bộ lên Okinawa, tháng 6 chinh phục đảo đó. Tháng 7 giải phóng hoàn toàn Phi Luật Tân.

Quân Trung Hoa cả hai phe biết rằng chiến tranh sắp chấm dứt, phấn khởi lên, phản công, chiếm lại nhiều thị trấn, phi trường trong các tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam, Chiết Giang, thu lại nhiều đất đai ở Quảng Tây, Phúc Kiến, dồn quân Nhật qua Đông Dương và chiếm Móng Cáy.

Mỹ trút bom xuống các đô thị, trung tâm kỹ nghệ, hải cảng Nhật, khi Đức đầu hàng rồi. Mỹ càng lo giải quyết gấp với Nhật. Ngày 29- 7 chính phủ Nhật bác bỏ tối hậu thư của ba nuớc Mỹ, Anh, Trung Hoa. Tối hậu thư đó thảo ra sau cuộc hội nghị ở Postdam, chỉ cho Nhật lựa một trong hai điều: đầu hàng không điều kiện hoặc bị tiêu diệt.

Trong mấy tháng đó, Tưởng càng muốn lấy lòng Mỹ, tỏ ra tự do, dân chủ, thay đổi vài nhân viên trong chính quyền, dùng lại Tống Tử Văn mà người Mỹ tin cậy, cho làm chủ tịch viện Hành chánh tức như Thủ tướng. Giao bộ thông tin cho Vương Thế (4) một người liêm khiết được cảm tình của Mỹ và ra lệnh nới tay trong việc kiểm duyệt. Ông ta cho bầu lại Ủy Viên Hội đồng hành chánh và Ủy viên hội đồng giám sát.

Phe tả hy vọng được nhiều đại biểu trong chính quyền. Nhưng Tưởng lập sẵn một danh sách 480 ứng cử viên cho Quốc dân tự ý gạt bỏ 20 người ( 5). Chỉ có 200 người chịu lối bỏ phiếu chỉ định đó. Tưởng lại còn ra lệnh mỗi cử tri phải ký tên lên lá phiếu của mình. Tới mức đó thì chỉ có vài người can đảm không bỏ phiếu, còn bao nhiêu tuân lệnh răm rắp. thế là đảng của Tưởng thắng, tay sai của Tưởng vẫn ngồi đầy trong các cơ quan từ quân đội tới đại học. Toàn quốc ghê tởm trò đó.

Rồi hai trái bom nguyên tử nổ ở Nhật, Nhật đầu hàng không điều kiện.

.............................................

Chú thích

(1) Hàn Tú Anh. Một mùa hè vắng bóng chim, Nguyễn Hiến Lê dịch - NXB Hội Nhà văn 1990

(2) Theo J J Servan Shreiber trong cuốn Le Défi mondial Paris 1980. thì tổng thống Mỹ Roosevelt đã hy sinh hạm đội đó để nhử Nhật, Nhật diệt hạm đội đó thì dân chúng Mỹ mới phẩn uất, cho ông quyền được tham chiến bên cạnh Đồng Minh. Từ đầu thế chiến dân Mỹ vẫn chỉ muốn trung lập và ông đã hứa với dân sẽ trung lập để họ bầu ông trong nhiệm kỳ thứ ba, điều đó rất đặc biệt, chưa tổng Thống nào được vinh dự ấy

(3) Tỉnh Hồ Nam này năm 1941 mất mùa rồi lại bị nạn châu chấu, dân đói quá phải ăn lá cây, một cân lá giá năm viên. Trên đường rải rác xương người, có tới ba triệu người chết đói.

(4) Tôi không thấy chữ này trong Từ Hải và Từ Nguyên.

(5) Cộng sản cũng dùng lối bỏ phiếu đó.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét